Truyện Ngắn Giang: Nội Dung Tác Phẩm + Giá Trị + Phân Tích

Truyện Ngắn Giang ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích ✅ Tìm Hiểu Ý Nghĩa Nhan Đề, Bố Cục, Cách Soạn Bài Và Giáo Án Chi Tiết.

Nội Dung Truyện Ngắn Giang

Nội dung truyện ngắn Giang kế lại cuộc gặp gỡ tình cờ, duyên dáng giữa anh bộ đôi và cô gái tên là Giang. Cuộc gặp gỡ vô tình nhưng để lại rất nhiều những ấn tượng sâu sắc cho cả hai người trẻ tuổi.

Giang
Tác giả: Bảo Ninh

Năm ấy tôi mười bảy tuổi, binh nhì, chiến sĩ của tiểu đoàn 5 tân binh. Tiểu đoàn chúng tôi luyện quân ở Bãi Nai. Bấy giờ đã là vào cuối khoá huấn luyện ba tháng, kiểm tra xạ kích, đạt điểm cao nhất đại đội, tôi được thưởng hai ngày phép. Đại đội trưởng linh động cho tôi miễn bình tuần tối thứ Sáu. ”Đã được lãi một tối càng phải liệu mà về cho khuýp giờ điểm danh đấy nhá”. Anh dặn tôi thế, ra ý đe.

Chuyến về nhờ bám được xe quân sự chạy trên đường 6 nên phi cái vù đã tới nhà. Chuyến trở lại phải chen xe khách. Chín giờ tối chủ nhật mới điểm danh mà chỉ dám nấn ná cố cùng tới 12 giờ trưa là phải bứt khỏi nhà chạy nhào ra bến Kim Mã. Chen lên được một chuyến xe vào thời buổi gian khó ấy khổ sở đến thế nào, khỏi bàn. Thêm nữa lại ngày giáp Tết. Do may mắn và cũng là do ẩu tả ngồi lèn nhau trên nóc xe nên đến nhập nhoạng tối thì tôi nhảy được xuống thị trấn Lương Sơn. Đói mèm, rét run, lại luớ quớ trượt chân ngã, tuột tung quai dép và lấm be bét.

Trật trưỡng tôi dò tới cái giếng xây ở đầu trấn để rửa ráy qua loa tý chút và xâu lại dép. Chỉ có một người đang múc nước ở giếng. Trời mưa nhưng rất mỏng, như sương, và chưa tối hẳn nên từ khá xa tôi đã nhận ra một cái dáng con gái. Khi tôi tới bên giếng, hai thùng tôn của gánh nước đã được đổ đầy, cô gái cuộn dây gầu, tra đòn gánh vào hai móc xích, và trước khi lên gánh, cô đội lại chiếc nón mà lúc cúi múc nước cô đã bỏ ra để ngửa bên thành giếng. Với con mắt lính 17 tuổi nhanh như chớp tôi lườm ngay thấy tên cô nàng viết bằng mực tím ở trong vành nón, cả tên, cả họ, cả đệm, và cả lớp học của cô nữa. Phạm Nhật Giang. 10 B.

Không để ý đến tôi, cô đặt gánh lên vai. Tôi nói, vội vã, nhưng thản nhiên, như thật:

– Kìa, Giang. Cho anh mượn cái gầu đã nào.

Cô gái hạ gánh, nhìn tôi.

– Chào anh, anh bộ đội… – Cô nói, ngập ngừng, nhưng có lẽ chưa kịp ngạc nhiên – Gầu đây anh.

Tôi xoè hai bàn tay bê bết bùn ra.

– Ôi anh bị lấm hết rồi.- Cô gái khẽ thốt lên – Thôi, để em.

– Ừ. Nhờ Giang vậy, chứ không thì bẩn hết cả dây.

Cô gái múc lên một gầu, hai gầu, xối từ từ cho tôi rửa kỹ hai bàn tay.

Khi tôi định đón lấy chiếc gầu, cô bảo:

– Cái gầu này khó múc lắm. Để em giúp anh.

Cô lại thòng nhanh sợi chão xuống bóng tối sâu hút bên dưới rồi thoăn thoắt, mềm mại, kéo gầu nước lên. Nhưng sự ân cần của cô còn hơn thế. Mỗi gầu nước múc lên cô không xối cho tôi tự gột mà cúi mình xuống, một tay nghiêng gầu nước dội nhè nhẹ, một tay cô cọ bùn đất ở bàn chân, ngón chân, bắp chân tôi. Ngây ra, tôi đứng yên, sững lặng cảm nhận cái ân tình hồn nhiên và bất ngờ ấy. Rất lâu, hai đứa chẳng nói gì, cô gái lặng lẽ gột rửa cho tôi, tôi thì bất động. Cô cọ kỹ cho tôi cả đôi dép đúc.

– Tươm rồi đấy, anh – Cô gái nói trong bóng tối.

– Cám ơn nhé, Nhật Giang!

Cô gái trở lại với nỗi ngạc nhiên:

– Ô kìa. Ừ nhỉ, sao anh biết tên em?

Tôi cười, không đáp

– À, em biết rồi. Anh tọa độ chứ gì mà. Các anh bộ đội chuyên thế. Cứ gọi: Lan, Hằng, Liên, Oanh thế nào cũng trúng, chứ gì?

– Nhưng Giang, lại Nhật Giang nữa, chắc không có hai người tên như thế đâu, đoán mò sao được.

– Chắc anh đóng ở gần đây.

– Chả gần lắm, tận xóm Đượm.

– Bao xa anh?

– Giang không phải người đây à?

– Vâng, em mới Hà Nội lên – Giang đáp, và chợt cô rủ tôi:

– Nhà em đang trọ ở ngay kia, anh vào nghỉ một lát.

Tôi do dự:

– Chín giờ, đơn vị điểm danh rồi… mà còn non chục cây.

– Còn sớm, mới sáu giờ kém mà, anh.

Tôi muốn hộ Giang gánh nước, nhưng cô không chịu. Tôi theo sau cô vào sâu một cái ngõ tối. Một mình Giang một túp nhà nhỏ, mái gianh vách đất. Không có đồ đạc gì. Một chiếc giường đơn, một ngọn đèn hoa kỳ trên chiếc chõng tre, bộ ấm tích, điếu bát. Một chiếc xe đạp Phượng Hoàng dựng ở gần cửa.

Tôi mở túi phòng hóa đeo bên hông lấy gói bít cốt mẹ dúi cho hồi trưa, và rót chè tươi trong ấm tích ra bát. Bít cốt chiêu với chè tươi, định thế. Thấy vậy đang lúi húi xâu lại quai dép cho tôi, Giang vội kêu lên:

– Ôi em quên. Có cơm mà, để em dọn mời anh.

Tôi gạt đi, nhưng Giang nài tôi chịu khó chờ cô xuống bếp hâm lại cơm canh mà ăn uống cho chắc dạ và nóng sốt.

Trong lúc chờ Giang, tôi ngả phứa ra giường cô, châm thuốc hút và lim dim mắt, thả khói. Chợt cửa ra vào mở. Một người đàn ông cao lớn bước mạnh vào. Tôi giật bắn mình, bật chồm dậy. Ông nọ vận đại cán vải dạ xanh sẫm, giầy da Cô-xư-ghin, quân hàm ve áo hai sao hai vạch.

– Cậu là ai? Đâu chui vào đây? – Nghiêm sắc mặt, ông trung tá hỏi, chằm chằm nhìn.

Tôi dập gót:

– Báo cáo, tôi…

Vừa khi đó Giang bưng mâm cơm đi từ sân sau vào.

– Bố về rồi đấy ạ – Cô vội vã nói – Bố ơi, đây là Hùng, bạn học lớp 10 với con. Anh ấy đóng quân gần đây. Chúng con tình cờ gặp nhau vừa nãy.

Ông trung tá dịu nét mặt, nhưng giọng vẫn nghiêm:

– Đóng gần đây à? Đồng chí đơn vị nào?

– Báo cáo thủ trưởng, tôi ở C7 K5 đoàn 91.

– Thế đồng chí đi đâu, sao giờ này còn tụt tạt ngoài đây?

– Báo cáo thủ trưởng, tôi về phép lên. Đơn vị chín giờ mới điểm danh.

– Thế đồng chí định để đúng điểm danh mới có mặt à? Phải về đơn vị sớm hơn chứ.

– Kìa bố – Giang kêu lên – Bố để cho anh ấy ăn cơm đã. Bố cũng ăn luôn với bọn con đi.

– Không đâu, tớ không ăn đâu! – Tôi hoảng lên – Tớ phải chào đây, Giang!

Ông bố Giang mỉm cười, vỗ nhẹ vai tôi, bảo:

– Từ đây về xóm Đượm sáu cây, còn kịp. Cậu ăn cơm đi, ngồi chơi với Giang. Bạn học lâu ngày gặp nhau. Nhưng rồi phải ráo chân lên. Vẫn phải về kịp trước điểm danh, rõ chưa!

– Thì bố xin hộ cho anh ấy, bố! – Giang nói, nũng nịu – Bố gọi cho cấp chỉ huy của anh ấy. Chúng con học cùng từng ấy năm, gặp nhau chuyện tới khuya chẳng hết.

– Không được – ông bố cười, lắc đầu – Bạn hữu gặp gỡ thế này là quí, nhưng con không có được nhũng nhẵng con cà con kê giữ bạn lại quá lâu. Đừng có để bạn phạm kỷ luật.

Ông nhìn đồng hồ.

– Sáu rưỡi rồi – ông nói – Hai đứa khẩn trương cơm nước đi. Tối nay bố không ăn với con được. Bố phải qua đơn vị. Phải họp khuya đấy. Con một mình ở nhà cửa giả cho cẩn thận.

Ông bước tới bên cửa, cầm lấy ghi đông chiếc xe đạp, và nhìn tôi, ông nói:

– Hùng ngồi chơi nhá. Nhưng nhớ giờ giấc đấy.

– Kìa bố, bố lấy xe đạp ạ! – Giang kêu lên – Con định đưa anh ấy về đơn vị cơ mà, bố! Bố chịu khó đi bộ, bố nhá. Chỗ bố gần ngay đây mà.

– Không! Đừng mà… – Tôi hãi quá – Giang đừng vậy…

Ông trung tá cười, bảo:

– Con gái con đứa thế đấy. Chiều bạn hơn bố. Nhưng bố nhất trí, bố để xe cho hai đứa. Chứ mà cuốc bộ thì con làm Hùng chậm giờ mất. Có điều đường đồi ban đêm hai đứa lai nhau cho cẩn thận, đừng có phóng nhanh kẻo ngã. Đưa Hùng tới đơn vị rồi lúc quay về một mình con cứ đạp từ từ, nhìn đường. Nhưng cũng gắng đừng có thong dong quá đấy. Trời lạnh thế này. Với lại con về khuya bố không yên tâm đâu.

Tối ấy, tôi lai Giang vào sâu trong Bãi Nai. Đồng rừng tối câm, lạnh lẽo. Con đường đồi quạnh vắng, không ngừng uốn lượn và gấp khúc. Gió bấc lúc thuận lúc ngược, nhưng mà tôi không thấy mệt, tôi đạp mải miết. Tôi chưa khi nào đèo con gái. Cả hồi năm ngoái học lớp 10, được bố mẹ ưu tiên sắm riêng cho hẳn một cái Mi-pha tha hồ tung hoành phá phách, tôi cũng chỉ đạp xe rong phố với những thằng bạn. Chưa từng bao giờ có một nữ nhi ngồi sau xe tôi, áp mình tin cậy vào tôi như thế này. Đây là lần đầu. Chiếc Phượng Hoàng nặng chịch mà chẳng nặng một chút nào. Tôi guồng cẳng đạp, bám theo vệt trắng mập mờ của con đường, lên dốc, xuống dốc, quành rẽ, lạng tránh, lao rất nhanh và phanh giật cục. Giang ngồi vững và thật êm sau tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi mới nói chuyện, mà chỉ Giang nói. Giang là trò Trưng Vương, vừa tốt nghiệp lớp 10 trong năm, hiện giờ đã là sinh viên của trường Tổng hợp. Nhà cô trong ngõ Chợ phố Khâm Thiên. Túp nhà ban nãy là bố cô mượn của một người quen ở thị trấn để đón cô lên ăn Tết cùng ông. Mẹ cô mất năm ngoái, anh trai thì mới vừa đi Bê tháng trước.

– Tết ra chơi với bố con em, anh nhé. Nhà chỉ hai bố con mà cái thị trấn khỉ ho cò gáy này thì buồn ơi là buồn. Em sẽ nói khó để bố vào hẳn đơn vị đón anh. Rồi chúng mình xin phép bố lỉnh về Hà thành vài hôm. Bố em chiều em lắm, sẽ đồng ý thôi. Mà bố đã thuận thì nhất định thủ trưởng đơn vị anh cũng nhất trí.

Chúng tôi chia tay ở chân đồi Gừng, đầu con đường mòn dẫn vào xóm Đượm nơi đơn vị tôi trú quân.

– Hay là Tết em trốn vào đây với anh?

Giang hỏi, và không hiểu sao lại thở dài.

Tôi cứ đứng mãi ở ven đồi. Mặc dù không thể nhìn thấy gì trong màn đen dày đặc đêm cuối năm, tôi vẫn cứ nhìn mãi theo Giang. Chia tay, tôi đã không nói được một điều gì cả, đã không kịp ngỏ một lời nào. Cả địa chỉ của Giang nữa cũng không hỏi rõ. Chỉ biết Khâm Thiên, ngõ Chợ.

Hai hôm sau, tối ngày 27 Tết, tiểu đoàn tôi nhổ neo rời Bãi Nai. Hành quân qua Thường Tín, lên tàu ngay, không có 15 ngày phép thông lệ của lính Bê dài. Đây là một đợt tăng cường rất lớn cho chiến trường. Cả một Sư cùng lúc lên đường, gấp gáp tiến quân, vượt ngàn dặm Trường Sơn vào Nam. Vừa đặt chân lên đất Tây Nguyên đã vào ngay chiến dịch. Các đơn vị của Sư đoàn phiên hiệu khác đi nhưng vẫn giữ nguyên đội hình từ ngoài Bắc. Tiểu đoàn của tôi đánh trận mở màn, và đại đội của tôi là mũi chủ công. Trước giờ nổ súng, đích thân tham mưu trưởng sư xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của chúng tôi. Mặc dù ông xuống ”kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lý và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính tô châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay. Ông chính là ”ông bô” của Giang!

Tôi toan lỉnh, song ông trông thấy tôi tức thì. ”Kìa, Hùng, Hùng đấy hả Hùng!”. Giọng ông ngạc nhiên, mừng vui. Ông thân thiết xiết chặt tay tôi và không nén được, ông cảm động ôm lấy tôi. ”Giang nó cứ nhắc cậu mãi, Hùng ạ. Nó cứ buồn vì không gặp lại được cậu trước khi chúng ta lên đường” Ông bảo: ”Giờ đây Giang nó ở lại ngoài đó có một mình”.

Gặp gỡ trước giờ nổ súng tất nhiên là chỉ thoáng nhanh, chỉ kịp nói mấy câu thế thôi. Tôi thì không nói được gì cả. Tôi chỉ ấp úng. Cả cái tên Hùng do con gái ông phịa vội ra, tôi cũng không thể cải chính.

Thời khắc gấp gáp không thể nấn ná, nhưng trước lúc đi, tham mưu trưởng sực nhớ một điều và vội vội ông nói với tôi: ”Giang nó có gởi cháu tấm ảnh của nó, nhưng tiếc quá, lại không mang theo đây. Để bữa sau vậy, Hùng nhé…”

Không có “bữa sau” ấy. Tôi không còn có dịp được gặp lại tham mưu trưởng. Cả tới mùa khô sau, được điều lên trinh sát sư đoàn, tôi vẫn không thể nào gặp lại được ông. Tham mưu trưởng của chúng tôi đã hy sinh vào cuối mùa khô năm đầu tiên sư đoàn chúng tôi lâm trận.

Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm.

Chắc là bây giờ Nhật Giang vẫn còn nhớ đến tôi, người lính trẻ vô danh hơn ba chục năm về trước. Tôi thì không bao giờ quên cô ấy, mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa.

Chia sẻ thêm tác phẩm 🌿Đất Rừng Phương Nam 🌿 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Tóm Tắt Truyện Ngắn Giang

Thohay.vn chia sẻ cho bạn đọc bản tóm tắt truyện ngắn Giang sau đây, giúp bạn dễ nắm bắt nội dung của tác phẩm.

Nhân vật “tôi” là binh nhì, chiến sĩ của tiểu đoàn 5 tân binh. Vì được điểm cao nhất đại đội nên đã được thưởng hai ngày phép. Trong lần quay trở về, “tôi” đã tình cờ gặp được Giang. Trong giây phút ấy, “tôi” cảm nhận được rõ rệt sự ân cần của người con gái ấy và cô cũng ngỏ ý mời anh về nhà chơi.

Khi đang chờ Giang dọn cơm, đúng lúc “tôi” đang nằm trên giường của thì bố Giang về. Để tránh khó xử giữa ba người, Giang đã giới thiệu nhân vật “tôi” là Hùng, bạn hồi cấp 3 cùng cô bây giờ mới gặp lại. Biết vậy, bố Giang có phần thoải mái hơn. Giang cũng xin phép bố dùng xe chở “tôi” lên trên đơn vị. Hai người chia tay nhau ở chân đồi Gừng trong sự tiếc nuối của “tôi”.

Thời gian sau, trong một đợt tăng cường cho chiến trường, “tôi” gặp lại bố Giang. Ông vui mừng khôn xiết, kể cho “tôi” nghe tâm trạng của Giang và còn tấm ảnh Giang nhờ ông gửi nữa. Nhưng chiến tranh đã không còn “bữa sau” ấy nữa. Cuộc gặp gỡ ấy đã nảy sinh trong trái tim hai người những tình cảm thuần khiết nhưng giờ đây lại chẳng thể gặp được nhau.

Về Tác Giả Bảo Ninh

Dưới đây là một số thông tin chính thức về tác giả Bảo Ninh – chủ nhân của truyện ngắn Giang

  • Tác giả Bảo Ninh tên thật là Hoàng Âu Phương, sinh vào tháng 10 năm 1952. Ông quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình. 
  • Bảo Ninh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống giáo dục, cha của ông là Giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên viện trưởng Viện ngôn ngữ học và cũng là người đã đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam trong các trường đại học ngay khi hòa bình lập lại.
  • Phong cách nghệ thuật: Giọng văn nhẹ nhàng, điềm đạm
  • Tác phẩm chính: Nỗi buồn chiến tranh, Trại bảy chú lùn,….

Sưu tầm các mẫu phân tích 🌸Người Ở Bến Sông Châu 🌸 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Về Tác Phẩm Giang

Về tác phẩm Giang, đây là một văn bản thuộc thể loại truyện ngắn, phương thức biểu đạt là tự sự.

Truyện ngắn “Giang” là một trong số những tác phẩm đặc sắc viết về cuộc sống và con người trong chiến tranh của tác giả Bảo Ninh. Qua những chiêm nghiệm về nỗi đau, tổn thất mà chiến tranh gây ra, tác giả giúp người đọc hình dung rõ hơn về bối cảnh đất nước lúc bấy giờ

Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Truyện Ngắn Giang

Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Giang như thế nào? Tác phẩm Giang được trích từ tập truyện Bảo Ninh-những truyện ngắn. Truyện ngắn Giang là chương 1 của tập truyện, truyện kể về chính những kí ức của tác giả khi tham gia vào quân đội.

Gửi thêm cho bạn các mẫu phân tích✨ Bài Thơ Mùa Hoa Mận ✨ Nội Dung, Giá Trị, Phân Tích

Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Giang

Nhan đề tác phẩm Giang chính là tên của cô gái mà “nhân vật tôi” đã gặp. Tuy cuộc gặp gỡ ngắn ngũi với cô gái ấy nhưng đã để lại trong lòng “nhân vật tôi” nhiều cảm xúc.

Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ những đằng sau đó ẩn chứa đầy ắp tình thương, tình người của đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì, gian khổ nhưng huy hoàng.

“Giang” là một truyện ngắn không có những tình tiết ly kỳ, dữ dội nhưng vẫn khiến bạn đọc, bạn nghe rung động và đồng cảm bởi tình người thấm đẫm trong từng câu chữ, đoạn văn.

Bố Cục Truyện Ngắn Giang

Bố cục truyện ngắn Giang được chia làm 3 phần cụ thể như sau:

  • Phần 1: từ đầu đến “còn sớm, mới sáu giờ kém mà, anh”: Cuộc gặp gỡ ở giếng nước
  • Phần 2: tiếp đến “con về khuya bố không yên tâm đâu”: Cuộc gặp gỡ giữa bố Giang và nhân vật “tôi”
  • Phần 3: còn lại: Cuộc chia tay giữa Giang và “ tôi”

Tham khảo cách phân tích 💚 Đi Trong Hương Tràm 💚Nội dung, Nghệ thuật

Đọc Hiểu Văn Bản Giang

Để giúp các em học sinh đọc hiểu văn bản Giang tốt hơn thì Thohay.vn xin chia sẻ các nội dung chính của tác phẩm như sau:

1. Cuộc gặp gỡ giữa tôi với Giang

  • Thời gian: những ngày giáp Tết, trời mưa rất mỏng cũng chưa tối hẳn
  • Địa điểm: cái giếng xây ở đầu trấn
  • Hoàn cảnh gặp gỡ: khi Giang đang đi gánh nước và nhân vât tôi (tác giả) cũng đến giếng để “ rửa ráy qua loa tí chút và xâu lại dép”. Giang giúp “tôi” múc nước
  • Hành động của Giang:
    • “Không xối cho tôi tự gột mà cúi mình xuống một tay nghiêng gầu nước dội nhè nhẹ, một tay cô cọ bùn đất ở ngón chân, bàn chân và bắp chân tôi”
    • “Cô cọ kĩ cho tôi đôi dép đúc”

=> Hành động ân cần, chu đáo, tinh tế và khéo léo, “ ân tình hồn nhiên”

  • Thái độ của nhân vật kể chuyện: sững sờ đến bất động, hạnh phúc và biết ơn

2. Cuộc trò chuyện giữa nhân vật tôi và Giang tại nhà

– Nhà của Giang:

  • Đi sâu vào ngõ tối, một mình Giang một túp lều nhỏ, mái gianh vách đất
  • Một chiếc giường đơn, ngọn đèn hoa kì trên chõng tre, chiếc xe đạp Phượng Hoàng

=> Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, thiếu thốn

  • -Giang dọn cơm mời “tôi” dùng bữa

=> Ấm áp, mến khách

  • Cuộc trò chuyện giữa bố Giang và “tôi”
    • Bố Giang cũng là trung tá quân đội, là một người đàn ông cao lớn
    • Ban đầu sắc mặt nghiêm nghị, nhìn chằm chằm hỏi chuyện
    • Nhưng sau dịu nét mặt hơn, mỉm cười, động viên “tôi”
    • Cho phép Giang lấy xe đạp đèo “tôi” về đơn vị

=> Người đàn ông mẫu mực, đường hoàng nhưng cũng rất tình cảm

3. Cuộc chia tay giữa Giang và “tôi”

  • Giang đèo tôi bằng xe đạp vào tận đơn vị ở Bãi Nai
  • Nhắn nhủ nếu có cơ hội hoặc Tết mời đến nhà Giang chơi
  • Chiêm nghiệm của tác giả về cuộc sống chiến tranh khốn khó, nhiều mất mát đau thương

=> Cuộc chia tay đầy xúc động, bịn rịn. Bên cạnh đó là những chiêm nghiệm về nõi đau, những tổn thất quá lớn mà chiến tranh gây ra.

Giá Trị Văn Bản Ngắn Giang

Để hiểu rõ tác phẩm thì các em học sinh cần ghi nhớ giá trị văn bản ngắn Giang theo hai khía cạnh sau:

Giá trị nội dung

  • Tình yêu quê hương, đất nước, tình người những đau khổ và hạnh phúc.

Giá trị nghệ thuật

  • Giọng văn tự nhiên, nhẹ nhàng
  • Lối kể chuyện chân thật, tỉ mỉ nhưng giàu cảm xúc

Nhất định không nên bỏ qua tác phẩm 🌸 Lính Đảo Hát Tình Ca Trên Đảo 🌸Phân Tích, Dàn Ý

Soạn Bài Truyện Ngắn Giang

Gợi ý cách soạn bài truyện ngắn Giang theo các câu hỏi trong sách giáo khoa.

👉Câu 1 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập hai)

Chỉ ra một số câu văn, đoạn văn có sự đan xen giữa lời kể của người kể chuyện và lời của nhân vật trong văn bản trên.

Đáp án:

Một số câu văn, đoạn văn có sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong văn bản:

“Tôi mở túi phòng hóa đeo bên hông lấy gói bít cốt mẹ dúi cho hồi trưa, và rót chè tươi trong ấm tích ra bát. Bít cốt chiêu với chè tươi, định thế. Thấy vậy, đang lúi húi xâu lại quai dép cho tôi, Giang vội kêu lên:

Ôi em quên. Có cơm mà, để em dọn mời anh”.

👉Câu 2 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập hai)

Liệt kê những cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật trong văn bản. Những cuộc gặp gỡ ấy cho thấy cách đối xử của con người với nhau, nhất là với những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh như thế nào?

Đáp án:

– Có 3 cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật trong văn bản:

  • Nhân vật “tôi” gặp Giang.
  • Nhân vật “tôi” và bố của Giang gặp nhau lần đầu.
  • Nhân vật “tôi” và bố của Giang gặp nhau lần thứ hai trên chiến trường.

– Những cuộc gặp gỡ ấy cho thấy con người đối xử với nhau bằng chân tình, nhất là giữa những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh, gặp được nhau càng mừng rỡ hơn bao giờ hết.

👉Câu 3 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập hai)

Đặc điểm, tính cách của một nhân vật trong truyện thường được thể hiện qua các hành vi, lời nói của nhân vật ấy trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, gắn với một hay một số điểm nhìn nhất định (của người kể chuyện, của chính nhân vật hoặc của một nhân vật khác,…). Hãy phân tích tính cách của nhân vật Giang theo gợi ý trong bảng dưới đây (làm vào vở):

Đáp án:

Hình ảnh của GiangQua điểm nhìnNét tính cách nổi bật
Tại giếng nước công cộng, khi tình Cờ gặp anh tân binhNhân vật tôiÂn cần, chu đáo, nhẹ nhàng.
Tại nhà cùng với anh tân binh và bố GiangĐiểm nhìn của nhân vật “tôi”.Chu đáo, dễ thương, mến khách, nhiệt tình
Tại chiến trường qua lời của bố GiangĐiểm nhìn của bố Giang.Trọng tình nghĩa, luôn nhắc và nhớ đến nhân vật “tôi”.

👉Câu 4 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập hai)

Nhận xét về cách lựa chọn và sử dụng ngôi kể, điểm nhìn trong tác phẩm.

Đáp án:

Việc chọn ngôi kể thứ nhất khiến cho tác phẩm trở thành lời kể chuyện của người đã từng tham gia sự việc, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân. Cách lựa chọn và sử dụng ngôi kể, điểm nhìn như vậy giúp tác phẩm trở nên gần gũi với người đọc, giúp họ hình dung rõ những sự kiện mà nhân vật đã trải qua.

👉Câu 5 (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)

Xác định chủ đề của tác phẩm và cho biết dựa vào đâu để bạn xác định như vậy.

Đáp án:

  • Chủ đề của tác phẩm: Một cuộc gặp gỡ/ Một cuộc gặp gỡ trong chiến tranh.
  • Căn cứ để xác định chủ đề: dựa vào nhan đề truyện (Giang) và các câu, từ ngữ trong văn bản (“nhà em đang trọ ở ngay kia, anh vào nghỉ một lát”, Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi”, “một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mo hồ gần như không có thực…”).

👉Câu 6 (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)

Theo bạn, tư tưởng của tác phẩm Giang là gì? Hai đoạn văn cuối có vai trò như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm?

Đáp án:

  • Tư tưởng của tác phẩm Giang là chiêm nghiệm về cuộc sống, cuộc chiến tranh. Những gì đã trải qua dù là thoáng qua, nhỏ nhặt nhưng cũng khiến chúng ta nhớ mãi.
  • Hai đoạn văn cuối thể hiện trực tiếp tư tưởng của tác phẩm. Những con người đời thường, những câu chuyện vụn vặt, những kỉ niệm nhỏ bé tưởng chừng không quan trọng nhưng lại trở thành chất liệu dệt nên tư tưởng của tác phẩm.

👉Câu 7 (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)

Xung quanh việc Giang đột nhiên nhận “anh bộ đội” mới gặp lần đầu là bạn học của cô và “phịa” ra cái tên Hùng để giới thiệu anh với bố của mình, sau đó lại dùng xe đạp của bố để đưa anh về đơn vị,… có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng Giang xử sự như thế là phù hợp với tình huống, hoàn cảnh cụ thể; một số khác lại phủ nhận điều đó. Hãy cho biết ý kiến của bạn.

Đáp án:

Theo em một loạt những hành động của Giang tưởng chừng như quá mạnh dạn, vượt qua quan niệm thời bấy giờ. Nhưng xét kĩ thì những hành động của cô bé rất phù hợp với tình huống và hoàn cảnh. Ví dụ:

  • Hành động nhận “anh bộ đội” mới gặp lần đầu là bạn học của cô và “phịa” ra cái tên Hùng để giới thiệu anh với bố của mình bởi cô không muốn bố gây khó dễ cho người bạn mới quen này. Và tính cách của cô cậu học trò 17 tuổi rất hồn nhiên và vô tư.
  • Hành động dùng xe đạp của bố để đưa anh về đơn vị: phù hợp bởi Giang mời anh ở lại ăn cơm, vì không muốn anh muộn giờ điểm danh nên cô đã đưa anh về.

Giáo Án Truyện Ngắn Giang

Các thầy cô giáo có thể tham khảo cách soạn giáo án truyện ngắn Giang sau đây

I. MỤC TIÊU BÀI HỌC

1.Mức độ yêu cầu cần đạt:

  • Nhận biết và phân tích được đặc điểm cơ bản của truyện thể hiện qua nhân vật, câu chuyện, người kể chuyện, điểm nhìn và lời người kể chuyện, lời nhân vật.
  • Phân tích đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

2. Năng lực

a. Năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua hoạt động đọc.

b. Năng lực riêng:

  • Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Giang;
  • Năng lực cảm nhận, phân tích các thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản;
  • Năng lực phân tích, so sánh đặc điểm nghệ thuật của truyện với các văn bản khác có cùng chủ đề.

c. Phẩm chất

  • Trân trọng, yêu quý anh bộ đội cụ Hồ .
  • Có ý thức trách nhiệm với học tập, tình yêu quê hương đất nước: chủ động, tích cực học tập, sáng tạo.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1.Chuẩn bị của giáo viên:

  • Giáo án;
  • Phiếu bài tập, trả lời câu hỏi;
  • Bảng phân công nhiệm vụ cho học sinh hoạt động trên lớp;
  • Bảng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà;

2. Chuẩn bị của HS: SGK, SBT Ngữ văn 10 (tập 2), soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. Khởi động
  2. Mục tiêu: Tạo hứng thú thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập từ đó khắc sâu kiến thức nội dung bài học Giang.
  3. Nội dung: GV đặt những câu hỏi gợi mở vấn đề cho HS chia sẻ.
  4. Sản phẩm: Chia sẻ của HS về những hiểu biết của mình về những người lính trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
  5. Tổ chức thực hiện:
  • Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
    • GV đặt câu hỏi gợi mở: Em hãy nêu một số hiểu biết của mình về chiến tranh: mất mát, hi sinh của quân và dân ta.
  • Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
    • HS quan sát ảnh / video, lắng nghe GV kể chuyện.
  • Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
    • GV mời 2 – 3 HS chia sẻ trước lớp:
  • Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập
    • GV nhận xét, khen ngợi HS có chia sẻ, cảm nhận tinh tế.
    • Từ chia sẻ của HS, GV dẫn dắt vào bài học mới: Chiến tranh tuy đã lùi xa thế nhưng những dư âm những nỗi đau mà nó để lại vẫn luôn là vết nhức khiến cho ta khắc khoải. Từ những đau thương, mất mát đó vẫn hiện lên là vẻ đẹp tình người, tình quân dân như cá với nước. Trong bài học hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện tình người trong thời chiến qua lời kể của nhân vật “tôi” anh lính cụ Hồ tên “Hùng” qua tác phẩm Giang.

HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

  1. Mục tiêu: Nắm được những thông tin cơ bản về tác giả Bảo Ninh và tác phẩm Giang
  2. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi về văn bản Giang.
  3. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS và kiến thức HS tiếp thu được liên quan đến văn bản Giang.
  4. Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HSDỰ KIẾN SẢN PHẨM
Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu tác giả tác phẩm và bố cục
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập cho HS
–  Dựa vào văn bản trong SHS cùng với phần chuẩn bị trước ở nhà hãy trả lời các câu hỏi sau:
+ Nêu một số hiểu biết của em về tác giả Bảo Ninh và tác phẩm Giang?
+ Nhan đề Giang gợi cho em suy nghĩ gì?
–  HS tiếp nhận nhiệm vụ
Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập
– HS thảo luận theo nhóm để xác định câu hỏi
– GV quan sát phần thảo luận của các nhóm, hướng dẫn, hỗ trợ (nếu cần thiết).
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
– GV mời đại diện một số nhóm trả lời câu hỏ
i- GV yêu cầu các nhóm khác lắng nghe, nhận xét phần trả lời của nhóm bạn, nêu ý kiến bổ sung (nếu có).
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập
– GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Tên: tên thật là Hoàng Ấu Phương. Ngoài ra ông còn được biết đến với những bút danh khác như: Nhật Giang, Mã Pí Lèng.
– Sinh năm: 1952
– Quê quán: Quảng Bình
– Xuất thân: Ông là con trai giáo sư Hoàng Tuệ (1922-1999) nguyên Viện trưởng viện Ngôn ngữ học. Bảo Ninh là nhà văn quân đội từng trực tiếp tham gia chiến đầu trên chiến trường miền Nam trước năm 1975.
b. Phong cách nghệ thuật
– Giọng văn điềm đạm nhẹ nhàng
c. Tác phẩm chính
– Ông có một số tác phẩm chính như: Nỗi buồn chiến tranh, Trại bảy chú lùn.Trong đó Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết được dịch ra 15 thứ tiếng và đạt nhiêu giải thưởng quốc tế.
2.Tác phẩm
– Tác phẩm Giang được trích từ Tập truyện Bảo Ninh – những truyện ngắn.
– Truyện ngắn Giang là chương 1 của tập truyện. Là những kí ức của tác giả khi tham gia vào quân đội.
–  Nhan đề Giang gợi cho người đọc suy nghĩ về tên một nhân vật cụ thể nào đó tác giả gặp trong lúc ở quân đội. Chỉ một chữ nhưng lại chứa rất nhiều liên tưởng, những nốt trầm cảm xúc.

Đừng nên bỏ qua tác phẩm💚 Lời Má Năm Xưa 💚 Sơ đồ tư duy, phân tích hay nhất

Sơ Đồ Tư Duy Truyện Ngắn Giang

Chia sẻ thêm cho bạn sở đồ tư duy truyện ngắn Giang sau đây, dựa vào đó bạn có thể đọc hiểu tác phẩm nhanh hơn.

Sơ Đồ Tư Duy Truyện Ngắn Giang
Sơ Đồ Tư Duy Truyện Ngắn Giang
Sơ Đồ Tư Duy Truyện ngắn Giang chi tiết
Sơ Đồ Tư Duy Truyện ngắn Giang chi tiết

2 Mẫu Phân Tích Giang Hay Nhất

Mời bạn tham khảo các mẫu phân tích truyện ngắn Giang hay nhất dưới đây.

Mẫu Phân Tích Giang Hay Đặc Sắc – Mẫu 1

Có những kỉ niệm mà chỉ khi hoà mình người ta mới dám bộc bạch, có những con người in sâu trong tâm trí đến nay mới được nhắc đến, có lẽ nổi nhớ là để bày tỏ, không phải cất trong lòng. Cũng từng là một người lính, cũng từng là một thanh niên xung phong, nhà văn Bảo Ninh cũng có những điều thật đẹp trong trí nhớ của mình về một cô gái, cứ ngỡ quen nhau thoáng chốc nhưng lại nhớ nhau một đời. Giang, Phạm Nhật Giang, bóng hồng khó phai trong kí ức của một người nghệ sĩ.

Nhà văn Bảo Ninh từng chia sẻ về nghiệp văn của mình như thế này : “Chiến tranh và văn chương song hành. Từ xưa đến nay, trong khói lửa chiến tranh luôn sản sinh những tác phẩm văn học. Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam cũng vậy. Cũng như các bạn hữu cùng thời, đa số nhà văn, nhà thơ thế hệ chúng tôi, đều đã kinh qua chiến trận. Bản thân nếu như không trực tiếp lăn lộn trên các chiến trường, tôi đã không thể là nhà văn mà có lẽ đã làm một nghề khác”.

Có lẽ nghiệp văn đến với ông không phải là một sự tình cờ, mà gắn liền với vận mệnh và tinh yêu đất nước. Từ những cuộc chiến tranh thành Troy mà Homero viết nên hai bản hùng ca Iliat và Odixe, hay từ những con đường mùa đông ảm đạm của nước Nga mà Puskin đã viết nên bản thi ca Con đường mùa đông.

Hiện thực là nơi bắt nguồn của văn học, cái chất văn chương của Bảo Ninh cũng không ngoại lệ. Là một người lính thực thụ, ong cảm nhận được những điều nhỏ nhặt nhất trong những năm kháng chiến, từng chi tiết nhỏ nhất cũng đi len lỏi vào trong tâm trí nhà văn một cách thấm nhuần và đầy thăng hoa, để sau này khi hồi ức lại trong những tập truyện của chính mình ông đã thực sự mỉm cười và nhớ mãi.

   Phạm Nhật Giang, một mảnh kí ức khó phai của nhà văn trong những tháng ngày tuổi mười bảy, đến nổi ông lấy cái tên ấy đặt bút danh cho mình. Đến độ vậy có lẽ nó hết mực cảm động, cô gái ấy chắc hẳn đã có một vị trí nhất định trong nhịp thở của nhà văn.

Chỉ một cuộc gặp gỡ ở giếng nước đầu làng mà nhớ nhung suốt một đời dai dẳng, chỉ vì những hành động nhỏ ân cần dịu dàng của cô gái ấy mà làm cho chàng trai mới lớn như Bảo Ninh đã thực sự rung động. Một cuộc gặp gỡ mà khiến cho những tâm hồn hai con người xa lạ gắn lại với nhau, dù ngắn ngủi, dù bỏ lỡ.

Mãi sau này Bảo Ninh mới bộc bạch những suy nghĩ của mình về “nàng thơ” ấy trong tập truyện ngắn của mình, tình cảm có thể có ở quá khứ, hiện tại, hay tương lai nhưng điều quan trọng nhất là nó ở trong trái tim của chúng ta bao lâu.

Đọc truyện ngắn Giang ta ngỡ như quay về độ tuổi xuân thì, nhìn đời bằng con mắt xanh non, con bắt biếc rờn mà đắm chìm trong những thẹn thùng của tình yêu tuổi trẻ. Một chàng lính trẻ ban đầu vẫn ngơ ngác về một chuỗi những sư việc xảy ra quá bất ngờ và khó xử, cho đến maĩ sau này khi nhớ về mảnh ghép ấy bỗng chột dạ và như muốn nói thêm một điều gì đó, nhưng sao thắng nổi thời gian, mọi thứ nay đã muộn, chỉ còn lại những kỉ niệm trên giấy và cảm xúc xưa cũ.

Năm ấy, vừa tròn mười bảy tuổi, chàng lính trẻ Bảo Ninh vừa kết nạp vào một tiểu đoàn 5 tân binh đóng quân ở Bãi Nai, vì đạt điểm cao nhất đại đội môn thiện xạ mà được chỉ huy cho phép hai ngày nghỉ. Anh lính trở về nhà nhưng cũng nóng lòng trở lại tiểu đoàn, mười hai giờ trưa đã tức tốc chạy ra bến xe Kim Mã để bắt xe cho kịp.

Chính sự nôn nao ấy đã mở ra một cuộc gặp gỡ định mệnh của anh và Giang, một cô gái hiền lành và dễ mến. Chính cuộc gặp gỡ ấy đã gây nên cho chàng lính trẻ bao nhiêu thổn thức, đi từ những cung bậc cảm xúc khác nhau, mãi là những gì đẹp nhất của tuổi trẻ ngây thơ hồn nhiên.

Độ sáu giờ chiều anh rời xe xuống thị trấn Lương Sơn, trời vừa lạnh, lại bị cái đói giày xé cả một ngày trời, chân tay thì lấm lem bùn đất, anh mon men đi đến cái giếng đầu làng để kiếm ít nước rửa trôi lớp bùn kia. Từ xa qua màn mưa bụi trắng như sương, lại thêm cái tối của buổi chạng vạng, bỗng anh nhìn thấy bóng người đang gánh nước, đến gần thì nhận ra đó là một cô gái, liếc nhanh qua chiếc nón mà cô ấy bỏ trên thành giếng lúc múc nước một cái tên được viết bằng thứ mực tím, cả tên cả họ cả lót, Phạm Nhật Giang.

Cái tên nghe sao đẹp quá, một cô gái trạc tuổi mình, một chàng trai nào ở cái tuổi ấy mà không có chút bồi hồi trong lòng chứ. Cô ấy lại chẳng để ý đến anh, thản nhiên xách gánh nước lên chuẩn bị đi thì một giọng nói làm cô ấy quay đầu lại, “Kìa, Giang, cho anh mượn cái gầu đã nào”. Có lẽ trong cái giọng điệu ấy có chút gì đó ngọt ngào hay sao, mà Giang lại có cảm tình với anh lính trẻ ngày từ một câu nói trong lần đầu gặp.

Giang giúp anh múc từng gàu nước lên để rửa đi cái bùn đất dính cứng trên cả người và đôi dép, không phải cô ấy xối từng gầu nước thản nhiên mà một tay đổ nước một tay chà rửa, anh lính đứng bất động, một hồi lâu cả hai người chẳng nói gì với nau. Trong cái không khí tỉnh lặng đầu trấn chỉ nghe tiếng kéo gầu róc rách, tiếng nước dội rửa, kì cọ, một người thì đứng im lìm, còn người kia thì làm việc không một lời hỏi thăm nào. Chính sự ngại ngùng ấy đã đem đến cho hai trái tim trẻ những cảm tình về nhau phút ban đầu, mở ra một cuộc gặp gỡ thoáng chốc nhưng đầy nhung nhớ.

Thế rồi Giang ngạc nhiên bảo sao anh lính lại biết tên mình, cuộc trò chuyện về cái tên cũng khiến hai người bắt đầu thoải mái hơn, không ngại ngùn im bặt đi giống như vừa nãy nữa. Giang biết anh ở xóm Đượm, cô ngỏ ý muốn mời anh về nhà xơi miếng nước rồi nghỉ một chút. Chần chừ một lúc sau anh cũng theo Giang về. Anh muốn gánh hộ Giang gánh nước nhưng cô gái ấy không chịu, thế là anh đi theo Giang về nhà, đi sau bóng lưng của cô gái ấy anh cũng không nghĩ nhiều, nghĩ ngợi bân quơ rồi cũng tới nơi.

  Mãi đi theo Giang trong cái ngõ tối, rồi cũng tới một căn nhà nhó chẳng có gì trong đó cả, có mỗi một chiếc giường đơn, chiếc đèn hoa kì đang loe loét trên cái chõng tre, anh bước vào nhà rồi lấy gói bánh bit cốt ra, rót miến chè tươi vào bát, định là ăn bánh rồi uống trà. Giang mời cơm nhưng anh lính lại từ chối, thế vẫn không thể từ chối được.

Anh lính trẻ nằm lên chiếc giường ở giữa gian nhà, chắc hẳn đang suy tư mọi việc, chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ, một cô gái xa lạ mình vừa mới gặp lại mời mình đến nhà chơi, rồi lại ăn cơm nữa. Trong đầu anh lính hiện lên nhiều câu hỏi, có lẽ câu hỏi lớn nhất là Nhật Giang sao đối xử với mình như một người nhà vậy.

Thế rồi anh cũng bặt đi, nằm trên giường chốc sau thì ngoài người có một dáng người cao lớn bước vào, anh miêu tả “Một người đàn ông to lớn bước mạnh vào…” “Ông nọ vận đại cán vải dạ xanh sẫm, giầy da Cuxughin, quân hàm ve áo hai sao hai vạch”, anh giật bắn mình rồi ngồi dậy thật nhanh, đón nhận sự ngạc nhiên và thắc mắc từ người đàn ông ấy.

Ông nghiêm nghị hỏi “Cậu là ai, sao chui vào đây?”, chưa kịp dứt lời thì Giang đã từ nhà dưới đi lên nhanh nhảo trả chen ngang vào cuộc trò chuyện ấy “Bố về rồi đấy ạ”, rồi giới thiệu anh lính với một thân phận khác, một người bạn cùng lớp, tên Hùng, đóng quân gần đây, thế là anh lính đã nhẹ nhõm hơn nhưng cũng vô cùng ngỡ ngàng trước những lời nói của Giang.

Rồi bố Giang hỏi anh mấy câu nữa, Giang thấy vậy liền nũng nịu bảo bố đừng làm khó anh nữa, rồi xin bố để chiếc xe đạp Phượng Hoàng để đèo anh về tiểu đội, anh cảm thấy vô cùng áy náy, nhưng vì sự nhiệt thành của Giang mà vẫn tiếp tục nán lại mặc dù rất muốn rời khỏi tình huống khó xử này.

Tối ấy, anh đèo Giang vào sâu trong Bãi Nai, suốt con đường lên dốc, xuống dốc, quành rẽ, lại thêm cái màn đêm tịch mịch, anh chỉ men theo cái vệt trắng của con đường mà đạp mải miết, không mệt. Đó là lần đầu tiên anh đèo con gái, nhớ lại lúc trước mẹ mua cho con Mipha chỉ dám đèo thằng bạn thân chứ đã đèo con gái bao giờ đâu, lần này là lần đầu tiên, anh lính vô cùng hồi hộp và chẳng biết nói gì trong suốt đường đi vào Bãi Nai.

Thi thoảng hai người nói chuyện, nhưng chỉ mình Giang nói. Cô ấy chia sẽ mình là trò Trưng Vương, giờ đang là sinh viên của trường Tổng hợp. Anh cứ thế chìm vào giọng nói ngọt ngào lánh lót của cô gái mới lớn mà quên bẵng đi phải kiếm câu chuyện gì đó về mình để nói. Đến khi Giang đề nghị Tết vào đơn vị chơi với mình anh chỉ biết thở một hơi thật dìa, rồi cũng trầm ngâm trong suốt một đoạn đường.

Lúc chia tay anh nhìn bóng Giang đạp chiếc xe đạp nặng chịch ấy cứ thế mờ dần trong màn đêm tĩnh lặng, trong đầu cũng đang tự trách tại sao mình chẳng nói lời nào, chỉ biết cô ấy ở phố Khâm Thiên, ngõ Chợ. Anh bắt đầu có những cảm giác hối tiếc về sự im lặng của mình, phải chăng anh đã bỏ lỡ một cô gái tốt và vô cùng dịu dàng.

Chính vì thế, mãi sau này khi hoà bình được lập lại, ngồi xuống viết nên câu chuyện như thế này, có muốn tìm Giang cũng chẳng biết ở đâu để lần. Có lẽ thời điểm đó có Giang rung động với anh ấy, còn người thanh niên chưa hiểu gì về những xúc cảm chắc bao trùm lên anh ấy chỉ là sự ngạc nhiên và bỡ ngỡ khi được một người lạ quan tâm và đối đãi như người trong nhà.

Hai ngày sau vào tối ngày hai mươi bảy tết, tiểu đoàn của anh lính nhổ neo rời Bãi Nai hành quân lên Thường Tín, bất ngờ anh lính trẻ lại gặp được bố Giang, thì ra ông ấy là tham mưu trưởng của chiến dịch lần này. Khi gặp lại người bạn của Con gái ông vô cùng mừng rỡ “ Hùng đấy hả Hùng, Giang nó cứ nhắc cậu mãi, nó cứ buồn vì không găp lại cậu trước khi chúng ta lên đường”, trong cái câu nói ấy chớm lên sự mừng vui và ngạc nhiên.

Ông ấy còn bảo Giang muốn tặng anh một bức ảnh nhưng lại quên mang theo, để lần sau ông ấy đem đến, nhưng làm gì có lần sau nữa, ông ấy đã hy sinh trong trận chiến năm ấy. Thế mới thấy được sự tàn bạo của chiến tranh, người cha mất đi để lại cô con gái mới lớn ở lại, sao có thể diễn tả được niềm đau ấy.

Sau lần đó, anh cũng không còn gặp lại Giang nữa, cuộc gặp gỡ hôm ấy là lần đầu cũng như lần cuối khi cảm nhận được sự ngọt ngào của một người con gái xa lạ. “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm”.

Cuộc đời của một con người cứ thế kết thúc, sự tàn ác của chiến tranh đối với con người Việt nam là rất lớn, sau cùng chỉ nỗi đau là dày vò người ở lại. Chắc hẳn bây giờ Nhật giang vẫn còn nhớ đến anh lính trẻ năm ấy, anh ta cũng chừng hề quên đi người con gái rửa tay rửa chân cho mình ở đầu trấn Lương Sơn năm đó, tất cả chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, vẩn vơ nhưng sao lại in hằn lên trí nhớ một cách sâu sắc như thế. Suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên được, kỉ niệm là thứ để ta cất giữ mãi mãi trong lòng.

   Nghệ thuật sử dụng ngôi kể thứ nhất để thuật về những trải nghiệm trong cuộc đời chính mình là một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật viết truyện ngắn của Bảo Ninh. Những sáng tác của ông vô cùng chân thực thấm đẫm chuyện tình, chuyện đời mà chỉ xuất hiện ở những người nghệ sĩ chân chính. Xúc cảm, nước mắt từ chiến tranh được nhà văn đúc kết một cách chắt chiu nhất để viết nên những thiên truyện vô cùng ý nghĩa.

Ông đã quan niệm cái nghề văn này “Nghề văn là một nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ, nhà văn tự cho mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm, có ham thú đúc kết thế thái nhân tình đặng tìm ra cho mình và bạn đọc của mình những giá trị, ý nghĩa ở hiện tại vừa thay đổi không ngừng theo đời sống con người”, văn chương Bảo Ninh đi từ máu của chiến tranh, của hiện thực tàn khốc để rồi viết nên những trang viết thăng hoa cảm xúc, gắn liền những tâm hồn đồng điệu và cũng là phương tiện để nhà văn thể hiện cái tôi sáng tạo của mình.

Mẫu Phân Tích Giang Hay Ngắn Hay – Mẫu 2

Truyện ngắn Giang của tác giả Bảo Ninh kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng hết sức xúc động giữa nhân vật Giang, bố Giang và nhân vật tôi. Ẩn sau cuộc gặp ấy đó là tình người, tình yêu thương của đồng bào trong suốt những ngày dài kháng chiến gian khổ mà vẻ vang.

Trước đó nhân vật anh tôi và cô gái tên là Giang có cuộc gặp gỡ hết sức tình cờ, duyên dáng. Cuộc gặp gỡ vô tình nhưng để lại rất nhiều những ấn tượng sâu sắc cho cả hai người trẻ tuổi. Quá trình làm quen và diễn biến tình cảm giữa hai nhân vật qua lời kể và lời thoại vô cùng tự nhiên, gần gũi và chân thật. Ngay lúc đầu bắt chuyện các nhân vật đã có những lời nói vô cùng gần gũi, không hề câu nệ.

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh bộ đội và cô gái tên Giang chỉ thoáng qua nhưng với sự ân cần, chu đáo mà hai bên cảm mến nhau, dù sau này không gặp lại nhưng đó vẫn là một mảnh kí ức theo nhân vật tôi.

Tư tưởng của tác phẩm Giang là chiêm nghiệm về cuộc sống, cuộc chiến tranh. Những gì đã trải qua dù là thoáng qua, nhỏ nhặt nhưng cũng khiến chúng ta nhớ mãi.

Hai đoạn văn cuối của tác phẩm đã thể hiện trực tiếp tư tưởng đó. Những con người đời thường, những câu chuyện vụn vặt, những kỉ niệm nhỏ bé tưởng chừng không quan trọng nhưng lại trở thành chất liệu dệt nên tư tưởng của tác phẩm.

Truyện được kể với giọng nhẹ nhàng, êm đềm về những kỉ niệm đã qua của nhà văn, đặc biệt là những kí ức về chiến tranh. Đây là những câu chuyện cảm động về tình người, tình yêu, đau khổ, hạnh phúc.

Đón đọc tác phẩm 🔻 Đi San Mặt Đất 🔻 Sơ Đồ Tư Duy, Mẫu Phân Tích Hay 

Viết một bình luận