Bài Thơ Mẹ Và Quả [Nguyễn Khoa Điềm] ❤️️ Nội Dung, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Ý Nghĩa Nhan Đề, Giá Trị Tác Phẩm, Gợi Ý Cách Phân Tích Bài Thơ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Mẹ Và Quả
Nội dung bài thơ Mẹ và quả – Nguyễn Khoa Điềm là sự nhận thức của người con về công ơn của mẹ. Nội dung ấy đã được nhà thơ lí giải một cách đầy hình ảnh khi đồng nhất liên tưởng giữa “lũ chúng tôi” với “một thứ quả trên đời”.
Mẹ và quả
Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Xem thêm tác phẩm 🔰Những Cánh Buồm [Hoàng Trung Thông] 🔰Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
Về Nhà Thơ Nguyễn Khoa Điềm
Chia sẻ cho bạn một số thông tin về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
- Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế;
- Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
- Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người, và tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước… giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, mang màu sắc chính luận.
- Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam.
- Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ được con người Việt Nam và bản chất anh hùng bất khuất của chiến sĩ Việt Nam.
- Tác phẩm chính : Đất ngoại ô (thơ, 1973); Cửa thép (ký, 1972); Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974); Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986); Thơ Nguyễn Khoa Điềm (thơ, 1990);
Về Tác Phẩm Mẹ Và Quả
Về tác phẩm Mẹ và quả, đây là bài thơ thuộc thể thơ tự do, có phương thức biểu đạt chính là tự sự và biểu cảm.
Nội dung chính của bài thơ: Khắc hoạ tình mẫu tử thiêng liêng, tình mẹ dành cho con và tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn chân thành của người con đối với mẹ.
Bằng sự trải nghiệm cuộc sống, với một tâm hồn giàu duy tư trăn trở trước lẽ đời, Nguyễn Khoa Điềm đã thức nhận được mẹ là hiện thân của sự vun trồng bồi đắp để con là một thứ quả ngọt ngào, giọt mồ hôi mẹ nhỏ xuống như một thứ suối nguồn bồi đắp để những mùa quả thêm ngọt thơm
Chia sẻ các mẫu phân tích ❤️️ Tiếng Gà Trưa [Xuân Quỳnh] ❤️️ Hay, ý nghĩa
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Mẹ Và Quả
Hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ Mẹ và quả nằm trong tập Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2012.
Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Mẹ Và Quả
Cùng Thohay.vn tìm hiểu ý nghĩa nhan đề bài thơ Mẹ và quả ngay sau đây nhé!
Nhan đề bài thơ “Mẹ và quả” có vẻ rất đơn giản, nhưng nó không thoáng qua nhẹ nhàng mà đọng lại, gợi thức trong mỗi chúng ta nhiều suy ngẫm về người mẹ trải bao vất vả cưu mang, chăm chút để cho nhiều thứ quả trên đời, trong khi đó đạo sống của con người là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Hình ảnh mẹ và quả thể hiện công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ, đồng thời qua đó cũng thể hiện tình yêu thương, trân trọng của tác giả dành cho mẹ của mình.
Giới thiệu bài thơ🌷Một Con Mèo Nằm Ngủ Trên Ngực Tôi 🌷 Nội Dung, Phân Tích
Bố Cục Bài Thơ Mẹ Và Quả
Bố cục bài thơ Mẹ và quả được chia thành 2 phần cụ thể:
- Phần 1: 2 khổ thơ đầu: Thể hiện lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
- Phần 2: Khổ thơ cuối: Sự băn khoăn lo lắng khi mẹ đã già mà mình còn chưa trưởng thành.
Giá Trị Tác Phẩm Mẹ Và Quả
Lưu lại các giá trị tác phẩm Mẹ và quả ngay sau đây nhé!
Giá trị nội dung
- Ca ngợi tình yêu thương sự hi sinh của người mẹ dành cho con
- Sự hiếu thảo, biết ơn của con với người mẹ thân yêu của mình
Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ để làm nổi bật hình ảnh người mẹ.
- Thể thơ 7 chữ kết hợp 8 chữ giàu nhịp điệu, sâu lắng
- Ngôn ngư thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu
Chia sẻ cho bạn đọc 💚 Trở Gió [Nguyễn Ngọc Tư] 💚Tìm hiểu nội dung, nghệ thuật
Dàn Ý Mẹ Và Quả
Gợi ý cho bạn đọc cách lập dàn ý phân tích bài thơ Mẹ và quả chi tiết.
I. Mở bài: Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Mẹ và quả
II. Thân bài:
1. Hai khổ thơ đầu:
- Tác giả sử dụng hình ảnh trái bầu, trái bí để nói tới công ơn cha
- Điều quan trọng là công lao chăm bón và sự đợi mong rất nhiều hàm nghĩa của mẹ.
- Những quả như quả bí xanh, quả bầu đúng là có “dáng giọt mồ hôi mặn” – là công sức của mẹ bao ngày tháng vun trồng.
- Từ chuyện trồng cây, nhà thơ liên tưởng đến chuyện trồng người (chuyện chăm sóc, bồi dưỡng con người).
2. Khổ thơ cuối:
- Mỗi chúng ta quả đúng giống như là một thứ quả mà người mẹ đã “gieo trồng”, “vun xới”, đợi mong và có khi là cả sự kì vọng vào tương lai của con mình nữa.
- Hai câu thơ cuối đầy ẩn ý, vừa là sự băn khoăn về trách nhiệm của bản thân, vừa là sự lo lắng về một điều tất yếu (“bàn tay mẹ mỏi” sự mòn mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa).
- Người con lo lắng khi mình còn là thứ “quả non xanh” (chưa đến độ chín, chưa trưởng thành, hoặc rộng hơn có thể chưa làm được những điều xứng đáng với sự mong chờ của mẹ, có thể trở thành những người không tốt,…), thì người mẹ đã không còn nữa.
=>Câu thơ rất giàu hàm ý khi tác giả dùng cụm từ “bàn tay mẹ mỏi” (không thể đợi chờ được nữa). Sự lo lắng sâu sắc là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình. Chữ “mẹ” ở đây còn có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc. Đó là tư tưởng của bài thơ.
III. Kết bài:
- Tổng kết về đặc sắc nghệ thuật, nội dung bài thơ
- Khẳng định lại tư tưởng trong bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điểm
Soạn Bài Mẹ Và Quả
Các em học sinh có thể tham khảo cách soạn bài Mẹ và quả theo chia sẻ sau đây nhé!
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
👉Câu 1 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Chú ý số chữ ở mỗi dòng, vần và nhịp của bài thơ. Từ “lặn” và “mọc” ở đây nghĩa là gì?
Đáp án:
- Số chữ ở mỗi dòng thơ không giống nhau, dòng 8 chữ, dòng 7 chữ.
- Vần và nhịp thơ linh hoạt
- Từ “lặn” và “mọc” có nghĩa là chỉ mùa quả hết rồi lại có, hết lứa quả này lại có lứa quả khác.
👉Câu 2 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hình ảnh minh hoạ cho nội dung nào của bài thơ?
Đáp án: Hình ảnh minh hoạ cho nội dung của bài thơ:
Còn những bí và bầu lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
👉Câu 3 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Em hiểu “lớn lên” và “lớn xuống” ở các dòng thơ số 5,6 như thế nào?
Đáp án: Hình ảnh trong câu thơ: Còn những bí và bầu lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn => Tác giả dựa vào hình dáng quả bí quả bầu khi lớn lên, tác giả liên hệ ngay đến giọt mồ hôi của mẹ, thể hiện sự hi sinh, vất vả khó nhọc của mẹ. Biết bao giọt mồ hôi mặn của mẹ đã nhỏ xuống âm thầm, lặng lẽ để “kết nên” những quả bí, quả bầu.
👉Câu 4 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Từ “quả” ở khổ 1 và từ “quả” ở khổ 3 có gì giống và khác nhau về nghĩa?
Đáp án:
- Từ quả ở khổ 1: là chỉ quả thông thường mà mẹ vun trồng mà được.
- Từ quả ở khổ 3: là chỉ những đứa con được mẹ sinh thành dưỡng dục.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
👉Câu 1 (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Bài thơ là lời của ai, nói với ai về điều gì? Tâm trạng và thái độ của người nói như thế nào?
Đáp án:
- Đây là lời của người con/ tác giả nói với người mẹ của mình: sự tần tảo, hi sinh vất vả của mẹ nuôi nấng các con; khi mẹ già yếu rồi nhưng các con vẫn chưa làm được điều gì cho đời.
- Tâm trạng và thái độ của tác giả: Thương mẹ, trân trọng mẹ và thể hiện sự băn khoăn day dứt khi chưa làm được điều có ích cho đời.
👉Câu 2 (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Theo em, người mẹ trong bài thơ là người như thế nào? Dựa vào đâu mà em biết được điều đó?
Đáp án: Người mẹ trong bài thơ là:
- Một người mẹ tự lực cánh sinh, không dựa dẫm vào người khác (mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng)
- Một người mẹ lam lũ vất vả tảo tần vì con (chúng tôi từ tay mẹ lớn, bí bầu mang dáng giọt mồ hôi, lòng thầm lặng)
👉Câu 3 (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Phân tích nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua một trong các yếu tố: từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…
Đáp án: Nét độc đáo của bài thơ:
- Từ ngữ, hình ảnh: giản dị, gần gũi thân thuộc, đó là hình ảnh mặt trời, cây bầu cây bí, hình ảnh mẹ với những giọt mồ hôi…
- Vần, nhịp thơ linh hoạt: 3/4, 4/3, 4/4…
- Biện pháp tu từ: ẩn dụ (quả non xanh để chỉ người con chưa làm được việc có ích cho đời), hoán dụ (tay mẹ mỏi để chỉ người mẹ già yếu), so sánh (bí bầu- giọt mồ hôi), đối lập (lặn- mọc; tay mẹ mỏi- quả non xanh)
👉Câu 4 (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Ở hai dòng thơ cuối, vì sao nhà thơ lại “hoảng sợ” khi nghĩ mình vẫn còn là “một thứ quả non xanh”? Bài thơ thể hiện được vẻ đẹp gì trong suy nghĩ, tình cảm của nhà thơ?
Đáp án: Nhà thơ hoảng sợ khi nghĩ mình vẫn còn là một thứ quả xanh non là bởi bản thân chưa đến độ chín, chưa trưởng thành, hoặc rộng hơn có thể chưa làm được những điều xứng đáng với sự mong chờ của mẹ, có thể trở thành những người không tốt. Trong khi đó người mẹ “bàn tay mỏi”, sự mòn mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa.
=> Qua đó chúng ta thấy được sự băn khoăn về trách nhiệm của bản thân, vừa là sự lo lắng về một điều tất yếu; sự lo lắng sâu sắc là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình.
👉Câu 5 (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Em thích câu thơ, khổ thơ nào nhất? Bài thơ nói hộ em được điều gì khi nghĩ về cha mẹ mình?
Đáp án:
- Em thích câu thơ: còn những bí và bầu thì lớn xuống/ chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn nhất bởi câu thơ có sự liên tưởng so sánh độc đáo giữa giọt mồ hôi vất vả của mẹ nuôi ta khôn lớn, nó cứ dài ra, nặng thêm như những quả bầu, quả bí. Qua đó em thấy được sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền.
- Bài thơ nói hộ em: biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sự tảo tần hi sinh thầm lặng vì con cái của cha mẹ.
Phân tích tác phẩm 🌱 Bầy Chim Chìa Vôi 🌱 Chi tiết nhất
Giáo Án Mẹ Và Quả
Chia sẻ cho các giáo viên mẫu soạn giáo án bài thơ Mẹ và quả đơn giản.
I. MỤC TIÊU
1.Mức độ yêu cầu cần đạt
- HS nhận biết được nét độc đáo về hình thức (từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…) và nội dung (đề tài, chủ đề, tình cảm, cảm xúc,…) của bài thơ.
- HS nhận biết và nêu được tác dụng của một số biện pháp tu từ có trong VB.
2. Năng lực
a. Năng lực chung: Năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự quản bản thân, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác…
b. Năng lực riêng:
- – Năng lực ngôn ngữ: Nhận biết nét độc đáo về hình thức (từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…) của bài thơ.
- – Năng lực văn học: Nhận biết nét độc đáo về nội dung (đề tài, chủ đề, tình cảm, cảm xúc,…) của bài thơ.
c. Phẩm chất: HS biết trân trọng tình cảm mẹ con sâu nặng, xúc động.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1.Chuẩn bị của giáo viên:
- Giáo án;
- Phiếu bài tập, trả lời câu hỏi;
- Tranh ảnh và thông tin về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm;
- Bảng phân công nhiệm vụ cho học sinh hoạt động trên lớp;
- Bảng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà;
2.Chuẩn bị của HS: SGK, SBT Ngữ văn 7, soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:
- Khởi động
- Mục tiêu: Tạo hứng thú, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập học tập của mình từ đó khắc sâu kiến thức nội dung bài học Mẹ và quả.
- Nội dung: GV chiếu hình ảnh cho HS quan sát và đặt câu hỏi gợi mở.
- Sản phẩm: HS nhìn hình, kể được những sự vật xuất hiện trong VB và trả lời câu hỏi gợi mở.
- Tổ chức thực hiện:
- Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV chiếu cho HS quan sát một vài hình ảnh và yêu cầu HS kể tên những sự vật xuất hiện trong VB chuẩn bị học.
- GV đặt câu hỏi gợi mở cho HS: Khi nghĩ về cha mẹ, điều gì khiến em xúc động nhất? Hãy chia sẻ điều đó với bạn bên cạnh.
- Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS quan sát một vài hình ảnh và kể tên những sự vật xuất hiện trong VB chuẩn bị học, sau đó trả lời câu hỏi gợi mở.
- Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- GV mời một vài HS trình bày câu trả lời trước lớp:
- Hình 1: mẹ và con
- Hình 2: quả bầu
- Hình 3: quả bí
- Hình 4: mặt trăng
- Hình 5: mặt trời
- GV mời số HS chia sẻ câu trả lời cho câu hỏi gợi mở trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe và nhận xét.
- GV mời một vài HS trình bày câu trả lời trước lớp:
- Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV nhận xét, khen ngợi các HS đã trả lời đúng.
- Từ câu trả lời của HS, GV dẫn dắt vào bài học mới: Khi nghĩ về cha mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào không cảm thấy xúc động nghẹn ngào. Trong bài 7. Thơ chúng ta đã học được hai bài thơ đều ca ngợi về tình cảm cha mẹ và con cái hết sức trong sáng và tình cảm. Trong văn bản hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với những lời tâm tình xúc động của tác giả Nguyên Khoa Điểm khi nói về những khó khăn, vất vả mà người mẹ đã phải chịu đựng, từ đó tác giả bộc lộ được lòng kính yêu tha thiết trong bài thơ Mẹ và quả.
HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Hoạt động 1: Đọc và kiểm tra việc đọc của HS
- Mục tiêu: Nắm được những thông tin về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm Mẹ và quả.
- Nội dung: GV hướng dẫn HS dựa vào các nội dung nêu ở cột bên phải VB để kiểm tra việc đọc ở nhà của HS và hướng dẫn HS tìm hiểu những thông tin về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm Mẹ và quả.
- Sản phẩm học tập: HS đọc văn bản, nêu được một số nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và thông tin tác phẩm Mẹ và quả.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Đọc văn bản Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập – GV hướng dẫn HS dựa vào các nội dung nêu ở cột bên phải VB để kiểm tra việc đọc ở nhà của HS. – GV yêu cầu HS phân chia bố cục cho VB và đặt tên cho từng phần. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập – HS đọc bài và thực hiện theo yêu cầu GV. Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận – GV mời 2-3 HS trình bày trước lớp, yêu cầu cả lớp nghe, nhận xét, Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chốt kiến thức và Ghi lên bảng. | I. Đọc và tìm hiểu chung 1. Đọc văn bản – Bố cục: 2 phần + Phần 1: 2 khổ thơ đầu: Lòng mong mỏi đợi chờ và công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn. + Phần 2: Khổ thơ cuối: Sự băn khoăn lo lắng khi mẹ đã già mà mình còn chưa trưởng thành. |
Sơ Đồ Tư Duy Mẹ Và Quả
Lưu lại các sơ đồ tư duy bài thơ Mẹ và quả sau đây nhé! Các sơ đồ này sẽ giúp bạn nắm bắt bài học nhanh hơn.
Khám phá thêm 🔻 Ông Giuốc – Đanh Mặc Lễ Phục 🔻 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích
5 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Hay Nhất
Nhất định không nên bỏ qua 5 mẫu phân tích bài thơ Mẹ và quả hay nhất sau đây.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Hay – Mẫu 1
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Lời thơ Nguyễn Khoa Điềm không hoa mỹ kiêu kỳ mà như lời tự sự, lời tâm tình nhẹ nhàng bình dị nhưng lại có giá trị lay thức, ám ảnh tâm tư bạn đọc lâu dài bởi những triết luận sâu sắc được chuyển hoá qua những hình tượng thơ độc đáo, những tứ thơ có tính phát hiện mới đầy ám ảnh. Mẹ và quả là một bài thơ giản dị nhưng gợi nhiều liên tưởng mang tính nhân văn.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mở đầu cho những dòng suy tư cảm xúc về mẹ bằng mấy lời tự sự, như lời tâm tình chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm thân thương về mẹ, về mái ấm gia đình bao năm quây quần sinh hoạt bên nhau.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Những công việc vun trồng ngày này sang ngày khác, mùa này sang mùa khác của mẹ diễn ra có vẻ đơn giản, nhưng hàm chứa nhiều mong mỏi lớn lao của mẹ. Mẹ trông cậy vào thành quả tốt đẹp, khi đã dày công vun trồng chăm bón với ý thức trách nhiệm cao chứ không bỏ mặc để chúng phát triển tuỳ tiện.
Ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã gợi ra mảnh vườn xanh tươi, gợi ra bóng dáng cuả mẹ ẩn hiện dưới giàn bí, len lõi giữa những luống khoai, vồng ớt, hàng cà lam lũ, như Nguyễn Duy khi “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, mà hình dung bóng dáng của mẹ tất bật xót xa:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Kết quả công lao khó nhọc của mẹ là “những mùa quả lặn rồi lại mọc” tiếp nối nhau, đem lại cuộc sống no đủ cho đàn con, cho gia đình. Những mùa quả “như mặt trời” rộ chín của cam vàng, ớt đỏ, bí ngô già; “khi như mặt trăng” trắng dịu màu hoa, xanh màu ngọc như quả cà, quả bầu, quả mướp.
Lời thơ còn gợi ra một bầu khí quyển thanh khiết, yên bình của chốn hương đồng gió nội quê nhà, giúp cho mỗi chúng ta tạm xa rời thế giới đô thị ồn ào, vội vã, xô bồ; tìm về quê quán ta xưa để được đắm mình trong hoài niệm tuổi thơ hạnh phúc, lâng lâng với dòng sữa ngọt ngào nuôi ta phần xác và lời ru ấm áp của mẹ bồi dưỡng phần hồn trong sáng thanh cao.
Từ vườn cây của mẹ, Nguyễn Khoa Điềm bắt nhịp tự nhiên sang vườn người với những nhận xét so sánh hóm hỉnh mà thâm trầm.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Từ bàn tay chăm sóc chu đáo và tấm lòng yêu thương, quý mến của mẹ dành cho cây, cho con, nên tất cả đều phát triển tốt đẹp. Những đứa con cao lớn dần lên cả về thể chất lẫn đời sống tâm hồn; còn bí, bầu thì lớn xuống dài to ra. Tất cả đều là sự kết tinh bao nhọc nhằn lao khổ của mẹ. Tác giả đã có một liên tưởng thú vị mang theo tấm lòng biết ơn trân trọng dành cho mẹ khi hình dung bí, bầu “chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”.
Ý thơ Nguyễn Khoa Điềm gợi ta nhớ đến bài ca dao nói về nỗi vất vả của mẹ, của người nông dân một nắng hai sương.
Mồ hôi mà rỏ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương
Mồ hôi mà đổ xuống vườn
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ lòng
Từ chuyện bầu bí, mạch thơ chuyển hẳn sang chuyện người con. Dòng ý thức của nhà thơ, với tư cách là một đứa con, ông băn khoăn lo lắng khi “mẹ già như chuối chín cây” mà mình vẫn còn là thứ quả non xanh.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh
Trên đời này, ai trồng cây mà không mong thu hái mùa quả ngọt. Cây năm nào cũng có quả, mất mùa này còn hy vọng mùa sau. Còn những đứa con là thứ quả vô giá mà người mẹ chăm chút mòn mỏi qua bao năm tháng mới hy vọng đến độ chín – mới chín chắn – vững vàng, thành đạt. Trong góc nhìn quan tâm, bao dung của người mẹ, những đứa con dù tuổi đã lớn nhưng biết đâu vẫn nông nổi, dại khờ. Chỉ một lầm lạc, sai trái là có thể di hại một đời người; nên mẹ luôn dõi theo con từng bước.
Trên đời này, ai trồng cây mà không mong thu hái mùa quả ngọt. Cây năm nào cũng có quả, mất mùa này còn hy vọng mùa sau. Còn những đứa con là thứ quả vô giá mà người mẹ chăm chút mòn mỏi qua bao năm tháng mới hy vọng đến độ chín – mới chín chắn – vững vàng, thành đạt. Trong góc nhìn quan tâm, bao dung của người mẹ, những đứa con dù tuổi đã lớn nhưng biết đâu vẫn nông nổi, dại khờ. Chỉ một lầm lạc, sai trái là có thể di hại một đời người; nên mẹ luôn dõi theo con từng bước.
Điều quan trong hơn là những đứa con cần hiểu niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ là được chứng kiến sự thành đạt của các con. Trách nhiệm của những người con là phải tu dưỡng, học tập, rèn luyện để trở thành nhân cách có đạo đức, có văn hoá, có nghề nghiệp vững chắc, để mẹ yên lòng khi bàn tay đã mỏi. Đó là sự báo hiếu ý nghĩa nhất.
Nhà thơ đã sử dụng phép nói giảm, nói tránh như “ngày bàn tay mẹ mỏi” mà “mình vẫn còn một thứ quả non xanh” làm cho ý thơ nghe có vẻ nhẹ; nhưng thực ra nó có sức nặng lay thức tất cả chúng ta. Những đứa con trên cõi đời này hãy sống sao cho mẹ yên lòng thanh thản. Đừng tự biến mình thành thứ quả sâu, quả độc làm đau lòng mẹ; rồi khi cài lên ngực mình bông hồng trắng, mà hối hận thì đã quá muộn màng!
Vần thơ Mẹ và quả ngân lên như lời tỉ tê tâm sự giản dị, chân thành của Nguyễn Khoa Điềm với mỗi chúng ta về người mẹ yêu kính của thi sĩ. Nhưng dư âm của nó đã tạo ra những con sóng lan toả lâu dài trong trường tình cảm, trong ý thức của bạn đọc, từ đó mà mỗi người cần phải biết sống sao cho đúng nghĩa một con người ân tình hiếu thảo.
Qua bài thơ Mẹ và quả được mọi người yêu thích. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm muốn bày tỏ tình cảm yêu thương và biết ơn công lao sinh thành và nuôi dưỡng của mình đến người mẹ kính yêu. Đồng thời qua bài thơ mang một làn sóng lan toả yêu thương nhắn nhủ đến bạn đọc hãy yêu thương những bậc sinh thành của mình khi còn có thể.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Chọn Lọc – Mẫu 2
Bài thơ Mẹ và quả được sáng tác năm 1982, ngân lên như lời tỉ tê tâm sự giản dị, chân thành của Nguyễn Khoa Điềm với mỗi chúng ta về người mẹ yêu kính của thi sĩ.
Mẹ và quả là lời của người con nói về người mẹ của mình – một người mẹ mang đầy đủ đặc điểm của những người phụ nữ Việt Nam ta xưa nay. Bài thơ đã gợi cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc: những đứa con giống như những loại quả mẹ vun trồng, một lòng chăm sóc chờ ngày đơm hoa kết trái nhận quả ngọt. Mẹ đã bỏ bao công sức, tâm huyết, tình yêu thương chỉ mong các con nên người.
Bài thơ không chỉ nói về công lao to lớn của mẹ mà còn thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương, trân trọng mà người con dành cho mẹ. Nhan đề bài thơ Mẹ và quả có vẻ rất đơn giản, nhưng nó không thoáng qua nhẹ nhàng mà đọng lại, gợi thức trong mỗi chúng ta nhiều suy ngẫm về người mẹ trải bao vất vả cưu mang, chăm chút để cho nhiều thứ quả trên đời, trong khi đó đạo sống của con người là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Bài thơ chia làm ba khổ, tất cả gồm 12 dòng thơ với âm lượng mỗi dòng không đều nhau (5 dòng 7 chữ, 7 dòng 8 chữ). Giai điệu của bài thơ không mượt mà, du dương bởi tác giả ít quan tâm đến việc phối thanh, gieo vần; chủ yếu nhà thơ muốn bày tỏ cảm xúc chân thành, những suy nghĩ nghiêm túc gởi vào trong những hình ảnh thơ bình dị làm chúng ta nhớ mãi.
Nhưng mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Ẩn dụ “những mùa quả mẹ trồng” cho việc mẹ sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc những đứa con thơ gian nan, vất vả nhưng mẹ luôn cố gắng đầy tâm huyết. So sánh “Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng”. Cứ hết mùa quả này mẹ lại trồng mùa quả khác cũng giống như vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại của mặt trời và mặt trăng; liên tưởng này giúp người đọc dễ dàng hình dung ra những công lao to lớn của mẹ.
Tình yêu của mẹ dành cho con là duy nhất và ấm áp như ánh mặt trời, mỗi người sưởi ấm trái đất. Nhưng tình yêu của con đối với mẹ không phải lúc nào cũng dễ dàng thể hiện và có thể diễn đạt thành lời:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Thứ tình cảm đẹp nhất trên cuộc đời là tình mẹ – tình cảm ấy là vô điều kiện, chẳng có người mẹ nào lúc chăm con lại nghĩ về việc sau này mình được báo hiếu như thế nào, chỉ cần con lớn lên khỏe mạnh là đủ.
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nghệ thuật hoán dụ, bàn tay mẹ mỏi chỉ sự già nua và sự ra đi của mẹ. Hình ảnh: “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi / Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” gợi suy nghĩ: Sẽ là một nỗi sợ nếu phải rời xa vòng tay mẹ khi chưa đủ trưởng thành để đối diện với phong ba bão táp ngoài kia; sẽ không còn bến đỗ bình yên chúng ta có thể quay về sau những mệt mỏi.
Bằng sự trải nghiệm cuộc sống, với một tâm hồn giàu duy tư trăn trở trước lẽ đời, Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được mẹ là hiện thân của sự vun trồng bồi đắp để con là một thứ quả ngọt ngào, giọt mồ hôi mẹ nhỏ xuống như một thứ suối nguồn để bồi đắp những mùa quả thêm ngọt thơm. Quả không còn là một thứ quả bình thường mà là “quả” của sự thành công, là kết quả của suối nguồn nuôi dưỡng.
Những câu thơ trên không chỉ ngợi ca công lao to lớn của mẹ, của thế hệ đi trước với thế hệ sau này mà còn lay thức tâm hồn con người về ý thức trách nhiệm, sự đền đáp công ơn sinh thành của mỗi con người chúng ta với mẹ.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Hay Đặc Sắc – Mẫu 3
Bài thơ Mẹ và quả là một hiện minh thuyết phục về luật nhân – quả trong cuộc sống con người – thế giới khách quan với tính biện chứng sâu sắc của nó. Hình tượng Mẹ và Quả xuyên suốt toàn bài thơ làm sáng rõ thêm cho luật nhân – quả (nhân nào thì quả ấy…) đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi chúng ta.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Hai câu thơ mở đầu là một sự khẳng định, định hướng tính biện chứng về luật nhân – quả. Vì sao như vậy? Vì:
“Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng”
Không trông chờ, cậy nhờ vào tay của ai khác, dẫu tay của ai khác có thể khoẻ, chắc hơn tay mẹ nhưng phẩm chất của mẹ là tự lực cánh sinh. Là người từng trải mẹ không thiếu kinh nghiệm về sự trả giá đó. Mẹ chỉ thu hoạch được, hái được những mùa quả từ tay mẹ vun trồng mà thôi.
Những mùa quả với mẹ cần thiết biết bao, không thể thiếu nó được. Và nữa, những mùa quả không phải lúc nào cũng có, thậm chí có khi “thất bát” trắng tay nhưng thường là tuần tự theo một chu kỳ nhất định, lặn rồi lại mọc – như mặt trời khi như mặt trăng. Cho nên theo mẹ không thể “Đại Lãn chờ sung” mà được, phải có thời gian vun trồng, chăm sóc và chờ đợi. Sự “vun trồng” của mẹ phụ thuộc vào mẹ, vun trồng chu đáo kỹ lưỡng ắt sẽ được quả tốt, ngược lại, thì…
Thời gian chăm sóc – chờ đợi là thời gian quả lặn. Còn khi thu hoạch (quả chín, quả đến kỳ hái được), chính là thời gian quả mọc. Hai từ “lặn” và “mọc” thật ấn tượng. Đây là một ẩn dụ đầy tính sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi nói về luật nhân – quả trong chu kỳ trồng trọt của nhà nông.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở quy luật trồng trọt của nhà nông. Điều chính yếu là trong bài thơ này là Nguyễn Khoa Điềm nói đến công lao dưỡng dục sinh thành của người mẹ đối với con cái. Tay mẹ như có phép thần nên “lũ chúng tôi” (là con của mẹ) cứ thế lớn lên qua sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ.
“Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”.
Các câu thơ đọc lên nghe thật ấm áp, dân giã, tưởng như không có gì dân giã hơn, bởi đó là lời ăn tiếng nói hàng ngày gắn bó thân thiết của nhà nông. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn quả bí, quả bầu với đặc trưng của nó là “lớn xuống”, hình dáng lại “mang dáng giọt mô hôi mặn” nhằm diễn tả nỗi khổ nhọc, vất vả của mẹ. Biết bao giọt mồ hôi mặn của mẹ đã nhỏ xuống âm thầm, lặng lẽ để “kết nên” những quả bí, quả bầu.
Điều thiết thực là, chính những quả bí, quả bầu này (có thể còn nhiều loại hoa màu khác) lại là nguồn sống nuôi dưỡng cho “lũ chúng tôi” lớn lên. Hẳn là mẹ rất vui và tin tưởng vào sự “vun trồng” của mình sẽ được đền bù xứng đáng. Không có người mẹ nào nuôi con mà kể công lao. Trái lại, con cái nhiều khi… Thế nên, dân gian mới truyền đời
“Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi mẹ tính tháng ngày công”.
Ngẫm thật chạnh lòng phải không bạn?! Chính vậy mà cha ông vẫn luôn răn dạy con trẻ rằng:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Như vậy, đủ thấy các bậc làm cha làm mẹ luôn mong muốn gì ở các con? Nguyễn Khoa Điềm đã lý giải điều đó một cách chân thành, mộc mạc và thấm thía qua khổ thơ cuối của bài. Từ chuyện quả thật do cây tạo ra đến quả – con người do dưỡng dục mà thành – là một chuyển ý bất ngờ độc đáo của nhà thơ:
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tứ của bài thơ chính là ở hai câu này. Đời của mẹ đã bao lần hái được quả nhưng điều để mẹ toại nguyện hơn cả là mong muốn các con trở thành một thứ “quả lành có ích” cho đời vì mẹ đã “thất thập cổ lai hy” rồi. Tưởng thế là đủ không cần phải nói gì thêm. Đọc tiếp hai câu cuối của bài thơ mới thấy chữ HIẾU của đứa con đặt ra vượt hẳn trên sự nghĩ bình thường của mẹ, của nhân gian:
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Thật là tài tình. Đứa con Nguyễn Khoa Điềm nghĩ được như vậy quả là đại hiếu đối với mẹ. Đằng sau nỗi day dứt thường niên đó là một tấm lòng “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” của nhà thơ. Rằng, bất cứ ai đọc Mẹ và Quả, hẳn đều cảm ơn mẹ – chính mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục nên một người con tuyệt vời là tác giả của bài thơ trên.
Dẫu không phải xếp lớp “tập này tập nọ” nhưng công chúng yêu thơ đã “đọc anh” là “bắt mắt” liền.
Âm hưởng sử thi và trữ tình công dân là hai cảm hứng chủ đạo, thông qua bút pháp tả thực và điển hình hoá cao độ trên cái nền cuộc sống đầy biến động được tinh lọc qua nhãn quan sáng suốt, nên Nguyễn Khoa Điềm luôn trụ vững với thời gian, tạo một vị thế xứng đáng trong nền thơ dân tộc. Mẹ và Quả trên đây là một trong rất nhiều bài thơ hay “không thể kể hết” của nhà thơ.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Tiêu Biểu – Mẫu 4
Ðề tài về “mẹ và con” là đề tài vĩnh hằng mà biết bao thi sĩ trên trái đất này đều có những thể nghiệm của mình qua mỗi vần thơ. Nguyễn Khoa Ðiềm đã tìm được tứ thơ mới lạ, độc đáo, tạo được hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật cho người đọc thông qua bài thơ Mẹ và quả
Mở đầu bài thơ là lời kể giản dị về một việc làm bình thường của người trồng cây, mong cho chúng chóng ra qua kết trái. Mảnh vườn của mẹ cứ vần xoay theo năm tháng mùa màng cho những trái ngọt thơm “như mặt trời, khi như mặt trăng”, và niềm tin ấy của mẹ như một chân lý đã được kiểm chứng: “Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng”.
Cuộc đời lam lũ của biết bao bà mẹ nông thôn luôn gắn liền với mảnh vườn nhỏ bé, và những trái ngọt đầu mùa, mẹ luôn dành cho những đứa con đi xa. Nguyễn Khoa Ðiềm đã nâng ý thơ lên một tầm cao hơn, chuyển sang chuyện “trồng người” bằng cách nói hóm hỉnh, mới lạ gây được ấn tượng:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Những người con được mẹ chăm bẵm cứ lớn cao hơn, còn bầu bí của mẹ thì giàn leo từng quả cứ dài ra “lớn xuống”. Câu thơ tạo được vế đối giữa “lớn lên” và “lớn xuống” ở cả hai chiều cao và sâu của cuộc đời, của không gian và thời gian, ta đều thấy in dấu của bàn tay mẹ. Nhưng có lẽ ý vị và mới mẻ hơn là trong sự liên tưởng so sánh giữa giọt mồ hôi vất vả của mẹ nuôi ta khôn lớn, nó cứ dài ra, nặng thêm như những quả bầu, quả bí. Ðây là những giọt mồ hôi xanh:
Chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Có thể nói đây là những câu thơ tài hoa nhất trong bài, khắc sâu sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền. Cây trả công cho người bằng những mùa quả, và người trồng cây cứ hy vọng mùa sau tốt hơn mùa trước, mong cho cây trĩu cành sai trái. Còn cái “vườn người” của mẹ, ngoài chín tháng mười ngày thai nghén khổ đau, mẹ mong từng giờ đứa con của mình tập nói, tập đi những bước đi đầu tiên trong đời. Tâm trạng của mẹ cứ thấp thỏm, lo âu, buồn vui theo dòng chảy của thời gian cho tới lúc “thất thập cổ lai hy”.
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ gặt hái
“Mẹ già như chuối chín cây”, “như đèn trước gió” (ca dao), thế mà người mẹ ở đây đã ngoài bảy mươi rồi, cái tuổi sắp “quy tiên”, vẫn nuôi hy vọng, vẫn chờ mong, lo lắng, nhưng thật hạnh phúc biết bao khi ta nghe được những tiếng nói ân hận, tha thiết thốt ra tự đáy lòng của người con hiếu thảo:
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Câu thơ không chỉ là hàm ý biết ơn mà còn là sự ân hận như một thứ “tự kiểm” về sự chậm trễ thành đạt của đứa con chưa làm thoả được niềm vui của mẹ. Hạnh phúc biết bao cho những người mẹ có những người con đẹp như trái chín “mặt trời, mặt trăng”. Và mẹ sẽ buồn xiết bao nếu phải mang xuyến tuyền đài khi thấy những đứa con như những trái sâu, trái thối trước sự băng hoại về đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Bài thơ mang vẻ đẹp chân tình giản dị như lòng mẹ qua cách cảm mới mẻ của nhà thơ, tránh được lối nói ước lệ của biết bao câu ca dao và những bài thơ viết về đề tài vĩnh cửu này.
Mẫu Phân Tích Bài Thơ Mẹ Và Quả Ngắn Hay – Mẫu 5
Nội dung bao trùm cả bài thơ Mẹ và quả là sự nhận thức của người con về công ơn của mẹ. Nội dung ấy đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lí giải một cách đầy hình ảnh khi đồng nhất liên tưởng giữa “lũ chúng tôi” với “một thứ quả trên đời”.
Hai khổ thơ đầu thể hiện lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
………………………………………
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Nói về công ơn của mẹ đúng là không gì giản dị hơn trái bầu, trái bí. Ai mà không phải lớn lên từ những thứ tưởng như đơn giản ấy. Thế nhưng, điều quan trọng là công lao chăm bón và sự đợi mong rất nhiều hàm nghĩa của mẹ. Những quả như quả bí xanh, quả bầu đúng là có “dáng giọt mồ hôi mặn” – là công sức của mẹ bao ngày tháng vun trồng. Từ chuyện trồng cây, nhà thơ liên tưởng đến chuyện trồng người (chuyện chăm sóc, bồi dưỡng con người).
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Mỗi chúng ta quả đúng giống như là một thứ quả mà người mẹ đã “gieo trồng”, “vun xới”, đợi mong và có khi là cả sự kì vọng vào tương lai của con mình nữa.
Hai câu thơ cuối đầy ẩn ý, vừa là sự băn khoăn về trách nhiệm của bản thân, vừa là sự lo lắng về một điều tất yếu (“bàn tay mẹ mỏi” sự mòn mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa). Người con lo lắng khi mình còn là thứ “quả non xanh” (chưa đến độ chín, chưa trưởng thành, hoặc rộng hơn có thể chưa làm được những điều xứng đáng với sự mong chờ của mẹ, có thể trở thành những người không tốt,…), thì người mẹ đã không còn nữa.
Câu thơ rất giàu hàm ý khi tác giả dùng cụm từ “bàn tay mẹ mỏi” (không thể đợi chờ được nữa). Sự lo lắng sâu sắc là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình. Chữ “mẹ” ở đây còn có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc.
Đã là con thì phải luôn biết ơn người mẹ đã sinh thành, dưỡng dục ta nên người. Làm một người tốt để cha mẹ vui lòng, đó là sự trả ơn đối với cha mẹ. Đó cũng chính là tư tưởng của bài thơ Mẹ và quả.
Đừng vội bỏ qua tác phẩm✨ Con Mối Và Con Kiến ✨ Giá Trị Nội Dung Và Nghệ Thuật