Chiều Sương: Nội Dung, Tóm Tắt, Soạn Bài, Phân Tích, Giáo Án

Cập nhật cho các em học sinh lớp 11 tuyển tập những mẫu tóm tắt, phân tích hay nhất về tác phẩm Chiều sương của tác giả Bùi Hiển.

Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Tác Phẩm Chiều Sương

Tác phẩm Chiều sương in trong tập truyện ngắn Nằm vạ sáng tác vào năm 1941. Tác phẩm được tác giả Bùi Hiển khắc họa công việc đi biển – một công việc khó khăn gian khổ, nhưng những người đi biển vẫn hàng ngày phải dong thuyền ra khơi.

Tham khảo nội dung tác phẩm 👉 Muối Của Rừng

Nội Dung Tác Phẩm Chiều Sương

Trước tiên hãy cùng Thohay.vn đón đọc toàn bộ nội dung tác phẩm Chiều sương sau đây:

Vào một chiều trung tuần tháng Giêng, chàng trai ấy lang thang trong những ngõ hẻm làng. Chàng đi không mục đích, hồn lặng thấm cái êm ả lắng tự vòm trời trắng hơi biêng biếc như dát bạc, cái êm ả của những cuối ngày thôn dã. Chàng đi và nghĩ đến trăm điều vu vơ, những ý nghĩ thoảng qua trong trí rồi vỗ cánh bay đi, như những con bướm đa tình vội hôn đoá hoa này để đến với hoa kia.

Chàng đi lang thang, mặc hỗn lang thang… Sương bay từng luồng, hạt sương bám khẽ vào da mặt như một làn phấn bụi.

Những tiếng người trao đổi trong sương, như gần như xa, lãng đãng. Ngoài sông mờ, bóng một chiếc thuyền chài sửa soạn ra khơi. Chàng rẽ vào nhà một ông bạn già. Chàng thấy lão đang ngồi xổm đan lưới, hai chân co trước ngực, mình quàng trong một manh chiếu vuông buộc túm một đầu để khoanh lấy cổ, thứ áo tơi và áo rét của dân chài.

Chàng chào, và lão Nhiệm Bình với dáng điệu giản dị của những người chất phác, vỗ vai người bạn nhỏ, bảo ngồi trên phản. Chàng hỏi:

– Cổ không đi biển à?

– Không, chú ạ. Già rồi, không năng đi được nữa.

– Cố kể chuyện đi biển nghe đi.

Chàng nói thế bằng cái giọng nũng nịu của đứa cháu vòi bà. Chàng thường đến đánh bạn với lão chài, và ông lão, đối với chàng trai mới lớn, có một tình yêu thương che chở, tốt quá mức đến cung chiều, như tình yêu thương mà tất cả những người già đùm bọc trẻ con. Lão cười đáp:

– Còn chuyện gì mà kể nữa! Chú nghe hết cả chuyện của tôi rồi.

-Không… Cố phải kể đi…À, cố kể chuyện ma đi. Cố đi chài có bao giờ gặp ma không?

Lão Nhiệm Bình có một nụ cười hồn hậu nhuốm vẻ độ lượng của kẻ không biết từ chối bao giờ.

Chuyện ma à? Tôi cũng ít khi thấy ma lắm… Có vài lần thuyền neo ngoài khơi, tôi ngồi câu đêm, thấy giằng mạnh ở câu, vội kéo lên. Ái chà, sao nặng khiếp.

Mà lạ, chỉ thấy nặng thôi, như có tảng đá trì giữ lại, chứ không thấy giật giật vùng vẫy như con cá to. Tôi nghĩ thầm: khéo lại cái nố ta rồi, hắn muốn trêu mình đây… Quả nhiên! Tôi vừa kéo câu lên khỏi mặt nước, thấy hắn xoà một cái, xanh lè cả nước biển, mình hết hồn. Nhìn lưỡi câu, con mực mồi vẫn còn nguyên.

Đó, tôi chỉ gặp vài lần như vậy thôi. Đêm khuya lạnh lẽo, vắng vẻ, chắc cu cậu buồn tình, bày chuyện phá mình tí cho vui. Có người họ kể, đêm ở ngoài khơi, trời êm biển lặng, mọi người đang neo ngủ, thấy các chú bơi lù lù rồi trèo lên ngồi dăng dăng hai bên mạn thuyền. Họ nói: “Thôi mà, anh em mình cả, trêu nhau làm gì?”, thế là cả bọn nhảy sùm xuống, bơi đi.

Mồ ma ông cụ Bỉnh khi xưa, dạn khiếp. Nửa đêm ông ta đi lưới về, qua dưới cây đa trước miếu, một bầy hắn bíu lấy tay. Không thấy người đâu nhưng nghe tiếng hắn léo nhéo xin cá. Ông ta đáp: “Chà, xin với xỏ, được mấy con cá về cho vợ con đây!”. Thấy nhẹ trong rổ, sờ vô thì cá đã biến mất. Ông ta nạt: “Đồ quỷ, cứ nghịch thôi!”. Thế là tiếng cười bật lên ríu rít, lát sau lại thấy nặng rổ.

Lão chài kể như vậy, giọng bình thường như nói chuyện người dương gian, tay vẫn thoăn thoắt đưa que đan qua mắt lưới. Chàng trai khẽ rùng mình thích thú. Chàng vốn không tin ma quỷ. Chắc chắn đó chỉ là điều huyễn tưởng, nảy sinh từ một khung cảnh, một tâm trạng nào đó; nhưng có thể nào không tin ở cái giọng kể từ tốn hiền hoà của ông lão! Trong ý nghĩ lão chài, chàng đoán, âm dương không phân ranh giới rõ ràng, cõi sống và cõi chết nương nhau vấn vít.

Mấy chú ma, hồn của những người dân chài đã bỏ mình trong bão tố, trở về ngồi lặng lẽ trên mạn thuyền, chắc hẳn chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông lạnh lẽo. Tuy đã tìm thấy cái chết trong tai ương bi thảm dữ dội, không phải bao giờ hỗn họ cũng ngậm giữ oán hòn; họ còn biết nghịch ngợm đùa trêu người sống. Và chàng trai tưởng nghe, vẳng từ sương mù dày đặc, tiếng cười giòn ríu rít của những cái bóng vô hình, cạnh cây đa già miếu cổ….

– Có bao giờ người ta thấy một cái thuyền ma, hay cả một đoàn thuyền ma không cố?

Chàng trai lại cất tiếng hỏi.

– Thuyền ma à?… À… có một lần, đã lâu lắm, chính mắt tôi thấy. Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, tôi còn đi trai dưới thuyền mồ ma ông Phó Nhuỵ… Ở, cũng trời sương mù mịt như thế này, thuyền thì vừa tháo tổ xong, thoát nạn chết này lại đâm liền vô nạn chết khác.

Bữa đó thuyền ra lạch…

Sáng hôm ấy, một buổi sáng thanh quang.

Bình minh giát ánh vàng trên những dải mây bông thoáng nhẹ. Các bác chài tay đẩy chèo theo nhịp đều đặn, ngước nhìn trời, lòng không ý nghĩ, không lo lắng. Nhưng khi thuyền đi ngang nha Thương chính, một chiếc xuồng do hai đứa con nít chèo bỗng lướt ngang trước mũi. Mọi người chửi rủa chúng ầm ĩ: dân chài rất kiêng bị “ngáng đường” như thế, và ông lái hơi nhăn trán.

Ra khỏi lạch, thuyền kéo buồm bắt con gió tây nam chạy thẳng ra khơi. Chiếc thuyền, dáng hơi nặng nề, lù đừ tiến, hai mắt tròn trân trân nhìn về trước. Khi một ngọn sóng kéo đến, nó chồm dậy rồi đâm chúi xuống, làm tung toé một làn nước bạc xoá. Càng xa bờ, sóng càng bớt mạnh, chỉ còn là những cái lượn, lưng cong và rộng, kéo lừ đừ nhưng hùng cường. Những mảnh nước lớn thốc vào dưới mũi thuyền khiến bọt trắng tung toé, rồi tự rẽ đôi chảy róc rách hai bên mạn. Các bác chài đã gác chèo ngồi bện dây neo, quai chèo, hoặc tán chuyện, có vẻ không biết đến sự nhồi lắc của sóng.

Gió lên lồng lộng, thuyền chạy phăng phăng, để lại sau một vạch phẳng lì, vì nước đã bị khối nặng của thuyền dàn ra. Nhưng chẳng bao lâu, những làn sóng lô nhô hai bên mép tiến vào và xoá mất vạch phẳng.

Càng xa bờ, gió càng mạnh, như dậy từ bốn phương của khoảng rộng. Nắng vàng và gay gắt thêm. Khi mặt trời đúng bóng, biển biếc ngả sang màu lục. Ông Phó Nhuỵ, nhà nghề và chạy lái, ra lệnh bỏ neo. Đoạn người ta nói dậy neo cho thuyền trôi tới gần chỗ đã thả bóng hôm trước. Bóng là cái lồng tròn lớn và đan thưa, thả lưng chừng nước, trong có lót lá tre làm chỗ êm mát rủ cá lội vào. Cạnh bóng, người ta cột vài ba cây gầy, một loại tre vầu. Cá tìm thấy ở đó một nơi nghỉ, tới nhóng xung quanh, có khi hàng đàn lớn.

Hai bác chài, lặng lẽ và nhanh nhẹn, ngồi đầu mũi thả lưới, trong khi thuyền, dưới mái chèo, nhẹ tiến tới. Sau một lát chờ đợi, thuyền lùi lại, và hai bác, có thêm người trợ lực, kéo dần lưới lên. Những con cá mắc đầu vào mắt lưới, giãy đành đạch làm loé những ánh bạc biêng biếc.

Vài con cá nhỏ nhảy lanh tanh trong đám rong rêu lẫn những hạt tròn nhót và trong, mà người ta gọi là trứng nước. Bình, hồi ấy còn là một chú trai quèn, túm từng mảng lưới hất mạnh cho cá bật vào rổ rồi đổ dần cá xuống khoang. Từ khoang bốc lên một mùi tanh mặn và man mác, mùi của biển cả. Những con cá trích, cá đốm, lẫn cá thu, cá hồng, mắt tròn mở trân trân, há miệng mếu xệu một cách tuyệt vọng cố hớp không khí, trong tiếng lách tách của vây cứng.

Thuyền nặng dần, đè ép sức lắc nhồi của sóng. Chú trai đã đi thổi com. Xế trưa, thuyền nghỉ để dùng bữa. Trên mâm gỗ thỏn lỏn hai bát cá đầy và một bát muối; cạnh mâm, một rá com và một xanh canh cá. Com xói trong bát đầy có ngọn, các bác chài và rất nhanh như chèo đua cho chóng xong bữa. Chọt một bác kêu:

– Nhìn kìa!

Và chỉ ra phía bên trái, chỗ mặt nước lăn tăn báo có đàn cá đi qua. Mọi người vội vàng bỏ đũa, kẻ chạy đến chèo, kẻ chạy đến lưới. Họ mê mải trong công việc, trong khi trời ngả về chiều. Mặt trời, lúc còn ba con sào, bỗng khuất sau đám mây. Bác Hoe Trăn nhìn lên và kêu:

– Coi kìa! Trời đổ ráng ngoài.

Mọi người nhìn theo, lo ngại. Ông nhà nghề, hoi rụt đầu trong cổ béo, quay ngó xung quanh, cũng kêu theo:

– Sắp có tố đến nơi!

Họ vừa nhận thấy điềm báo không thể nhầm lẫn. Trời đã đột ngột đổ ráng ba phương đỏ rực: ráng ngoài, nơi chân trời, và phía trong bờ, hai ráng lò (Cửa Lò), ráng cương (Cương Gián). Mặt các bác chài đỏ cháy lên trong ánh phản chiếu. Ông nhà nghề ra lệnh:

– Kéo lưới lên! Giương buồm!

Chân người chạy trên sạp rầm rập. Các bác chài co chân đu mình trên dây để kéo buồm, miệng “dô hò” lấy nhịp. Một người hỏi:

– Gió gì?

Người khác đáp:

– Gió trong. Khó tháo kịp.

Gió từ bờ thổi ra, thuyền cố vát. Sóng vùng lên, cuốn réo, đuổi dồn nhau, va vào nhau toé bọt, ngụp xuống, trào lên, đã lấy một sức mạnh hỗn độn và bất ngờ trong gió vừa cuồng lộng thổi. Buồm vát không ăn gió, xương buồm đánh cành cạch lên cột, có khi cọ vào gỗ rít ghê tại. Hình như thuyền trôi lùi ra khơi. Nhìn vào bờ để lấy cữ, ông Phó Nhuỵ kêu:

– Mưa đến rồi!

Phía bờ đã mờ mịt sau màn mưa trắng bệch, mặt sóng trong kia thâm sẫm lại. Mưa tiến ra khoi rất nhanh phát thành tiếng ào ào, một giây sau, các bác chài, ngồi co mình trong toi chiếu, đã vuốt mặt không kịp.

Một bác bảo:

– Bỏ neo thôi, không lại bạt mãi ra ngoài khơi đông xích để cho mà coi.

Neo buông xuống nước. Trong khi dây neo tụt xuống vùn vụt, thuyền trôi lùi về sau, đoạn giật nẩy mình, chúi hẳn mũi: dây đã tháo hết. Người ta hạ buồm. Nhưng từ đó, thuyền cứ hục hặc với dây neo như một con trâu dữ bị buộc. Sóng đánh té tát, khi mũi thuyền chúi xuống thì vội thừa dịp nhảy chồm, nước toé trang lang đến tận sau lái. Nhưng rồi chiếc thuyền, rất khoẻ, lại hếch cái mũi ướt sướt mướt, chờ mảng nước khác. Ông nhà nghề nhảy tới ngồi phục ở mũi thuyền, tay lăm lăm cầm con dao rựa. Những giọt nước lớn ném vào mặt ông như vốc đá cuội, khiến rát bỏng cả da.

Một lần, thuyền tì lại nặng quá. Nước thốc từng mảng lớn, thuyền dốc đứng tưởng như cứ thế mà đâm thẳng xuống đáy sâu như một cái dùi. Các bác chài, miệng há ngòm ngợp vì bị nước đánh tối tăm mặt mũi, rời chỗ vịn lăn trên sạp lông lốc.

Ông nhà nghề bị ngụp trong mảng nước. Không trì hoãn được nữa! Một tay bám cọc chèo lấy thế, ông vội giơ cao con dao rựa, phăm phăm bổ xuống. Dây neo đứt phụt.

Con thuyền hết ràng buộc quay mình trôi phăng phăng. Các bác chài vội nhảy đến đầu mũi giúp sức ông nhà nghề hất xuống nước cái neo sắt còn lại, mà ông này vừa chặt cánh gỗ đi. Không còn cánh, mỏ neo không cắm, nằm bẹt trượt trên nền đáy biển như một hòn sắt nặng. Như thế, thuyền không bị giằng lại, mà cũng chỉ trôi từ từ, kéo cái neo sắt rễ trên đáy cát.

Nhưng gió vun vút lên mãi, mưa bay ngang chích vào mặt dày đặc thêm, sóng giận dữ gầm réo, nổi lên như núi. Mặt người nào người nấy tái mét; tuy có toi che, quần áo họ ướt mèm dính vào da, và vải đã bỏ sẵn, khi thấm nước rách toạc nhiều chỗ. Chú trai, lúc nãy bị sóng đánh lăn xuống khoang, ở luôn dưới ấy tát nước, tay lia lịa đưa cái mu sam’. Hai bác chài tới giúp sức, chuyền cho nhau những thùng nước đầy để trút ra ngoài. Thuyền giàm, ít bị nhồi lắc, nhưng sóng dễ tràn lên; nước trong khoang nhiều đến nỗi cá nổi lềnh bềnh. Theo lệnh ông lái, người ta xúc cá đổ bớt ra ngoài; nhưng sóng biển, trong một hằn thù mai mỉa, đánh vào thuyền, trả lại.

Những con cá đặp lên áo các bác chài và nằm trắng tràn rạt trên sạp, chờ một ngọn sóng tràn qua liếm đi và thay bằng lớp khác. Thuyền nhẹ bớt, nổi hơn, nhưng vì thế lại làm mỗi thêm cho gió, trôi phăng phăng. Người ta bèn xở buồm, buộc dây vào bốn góc, rồi thả xuống biển. Gặp nước, buồm mở tung như một chiếc diều mà đầu lèo đã cột vào mũi thuyền. Nước cản tấm buồm rộng căng, làm cho thuyền bớt trôi.

Đoạn mọi người lại ngồi im lặng, co ro, cho mưa giội, sóng nhồi, gió táp. Màn mưa xám càng lúc càng sẫm thêm, rồi bóng tối ăn loang khắp không gian. Ông nhà nghề bảo:

– Anh em ai có đói, bốc nhúm gạo mà nhai.

Nhưng không ai trả lời. Họ ngồi thu mình, run run thấy điều gì trong cuộc sống trong cái lạnh của nước ngấm vào da thịt.

Chừng quá nửa đêm – họ chỉ đoán vậy, vì không còn một ý niệm nào về thời gian – sóng bót gầm réo và bớt nhồi lắc, gió hạ dần, nhưng mưa vẫn rơi liên miền.

Con thuyền mệt nhọc xang đưa lừ đừ. Và khi một ánh trắng xám ló nơi chân trời, thì biển đã lặng hẳn. Các bác chài, tai còn đầy cái huyện náo hồi đêm, nghe trong đó ù ù như điếc. Họ không còn đủ súc để tỏ niềm vui mùng; một cảm giác mỏi mệt và co rút hầu như làm tê liệt các bắp thịt.

Màu trắng sữa liếm dần bóng tối của vòm trời, và mưa đã ngót hẳn. Nhưng trên mặt biển, ùn ùn từ đâu đến – dân chài bảo từ Thuỷ phủ đùn lên – một đám sương mù dày đặc, mang vị mặn và hơi lạnh thấm thía. Người ta kéo cái neo sắt lên, đẽo cánh mới lắp vào rồi neo thuyền cho đúng yên. Mỗi người góp một câu để đoán vị trí của thuyền. Họ chắc ở ngang Thanh Hoá, vì trong con bão, gió chướng thổi từ phía tây nam. Nhưng còn cách bờ bao xa thì không ai đoán được. Một bác chài đo được hơn năm mươi sải nước và họ biết là đã bị giạt ra ngoài khơi xa lắm.

Đột nhiên, không ai bảo ai, tất cả im lặng: họ vừa ngửi thấy một mùi kì dị, một mùi nhạt và ẩm ướt, tanh lợm như mùi rong rêu. Rồi một bóng đen dài hiện trong sương, phía trước mặt. Một người đoán:

– Chết, mình trôi đến cồn đá. Ra nãy giờ neo rê.

Một người khác đáp:

– Neo rễ thì biết liền chứ. Đó là cái thuyền, nhìn kĩ mà coi.

Quả nhiên, trong sương bóng đen rõ dần thành một chiếc thuyền, trên đó lố nhố những bóng người chèo. Họ chèo lặng lẽ dị thường, tưởng như thuyền lướt trên biển dầu. Một bác chài bắc loa miệng hỏi:

– Ai đó?

Thuyền bên kia có tiếng đáp:

– Thuyền Xin Kính đây. Có phải thuyền ông Phó Nhụy bên ấy không?

Ông Phó Nhụy hỏi bạn chài:

– Tiếng ai nhỉ? Nghe giọng lạ gớm. Mà sao họ biết thuyền mình?

Đoạn cất cao tiếng:

– Tôi Phó Nhụy đây. Thuyền bên ấy cũng vừa tháo tổ đó phải không? Có biết đây là đâu không?

Bên kia đáp:

–Ngang Cương Gián. Giờ phải đi xế lên mà vô lạch.

Trên thuyền ông Phó Nhụy, người bàn cãi lao xao. Gió thổi từ phía nam, sao thuyền lại giạt xuống ngang Hà Tĩnh được? Ông Phó Nhụy lại hỏi to:

– Sao mà biết?

Bên kia có một câu trả lời kì quặc và bí mật:

–Sao lại không biết… À kìa, nằm vừa thổi đó, ta bắt ngọn gió này mau mà lên lạch.

Trong nháy mắt, đã thấy thuyền bên kia giương buồm. Chẳng hiểu sao họ làm nhẹn và lặng lẽ được đến thế. Ông Phó Nhụy, tuy bụng phân vân, sai kéo buồm chạy theo. Trong lúc tâm trạng đang bơ vơ và còn in dấu vết sự hãi hùng vừa qua, người ta không muốn rời bỏ bạn đồng hành đã gặp tình cờ.

Gió quá nhẹ, buồm không ăn gió đập phần phật. Sương tạt từng luồng như một con mưa trắng. Thuyền đi trước vẫn chỉ nom thấy dáng mờ mờ ảo ảo như trong giấc mơ, với quãng cách không thay đổi.

Chợt chú trai kêu:

– Có ai như người trôi kia?

Một bác dùng sào khều cái vật trôi lềnh bềnh đen thui và nói:

– Người thật.

Họ cúi vót người kia lên. Tay anh ta co quắp còn cắp chặt trong nách một cái chèo ngắn; mặt anh ta tái nhọt, mắt nhắm nghiền, hai hàm răng cắn khít.

Một người bảo:

– Hà hơi, hà hơi đi, hình như còn thở thoi thóp.

Từ bên kia thuyền Xin Kính, tiếng người hỏi:

–Vớt được ai đó?

Mọi người cúi nhìn tận mặt kẻ bị nạn, nhưng không nhận ra ai. Mặt anh ta co rút nhăn nhúm đến nỗi đã méo dệch hẳn đi. Chú trai góp ý kiến:

– Giống như anh Hoe Chước.

Ông Phó Nhuỵ nói to sang thuyền kia:

– Hoe Chước!

Nhưng ông lại chợt nhớ ra. Sao thế được nhỉ? Hoe Chước đi bạn trên thuyền ông Xin Kính kia mà? Ông hỏi to:

– Có Hoe Chước bên ấy không?

Thuyền bên kia có một im lặng kì quặc. Chú trai thính tai nhất trong đám, nghe như bên kia đang bàn cãi gì láo nháo. Chú bỗng kêu lên:

– Ơ kìa, đâu mất rồi?

Thuyền ông Xin Kính vừa biến đi, như vụt chìm xuống đáy biển. Cái bóng cả thuyền lẫn buồm, đen nhờ nhờ, chỉ còn để lại một khoảng trống không trắng toát, khoảng trắng ấy nhoà dần vào màu sương phơn phớt xám. Trên thuyền ông Phó Nhụy, mọi người câm lặng, tim bóp chặt trong một lo âu ghê rợn, mở to mắt nhìn trận trận.

Chú trai lại kêu:

– Có tiếng gì om om lạ gớm?

Cùng một lúc, tất cả ai nấy đều nhận ra quả có tiếng sóng đánh phòm phọp âm âm như vỗ vào hang hốc. Ngay trước mặt, một khối to đen đồ sộ vụt xuất hiện, chỉ cách thuyền vài chục thước. Tức thời, ông lái nhảy bổ tới, túm lấy lèo, giằng riết.

Chiếc thuyền quặt mũi về bên trái, có một phút do dự rồi tiến theo ngả mới. Các bác chài vội chạy đi tra chèo, ráng sức chèo tới. Cái khối đen mờ dần trong sương, rồi biến đi. Ông Phó Nhuỵ thở phào: thuyền ông vừa suýt đâm phải núi đá.

Khi thuyền ông Phó Nhuỵ, sau một buổi chạy vờ vật ngoài khơi, lần về tới lạch, thì anh Hoe Chước hơi tỉnh. Anh kể rằng trong con bão, thuyền ông Xin Kính bị sóng đánh giạt vào núi đã vỡ tan tành, và có lẽ chỉ mình anh sống sót, vì đã vớ được một cây chèo nhảy trước xuống biển. Những người kia, sau đó, nếu có nhảy khỏi thuyền cũng đã muộn và bị sóng quật vào lèn đá đến rã xương.

Vợ họ nay vẫn sống trong goá bụa. Và cái hi vọng mong manh một ngày trở về của người thân cũng đã tắt trong họ từ lâu.

Đừng vội bỏ qua tác phẩm 👉 Cải Ơi (Nguyễn Ngọc Tư)

Về Tác Giả Tác Phẩm Chiều Sương

Giới thiệu đôi nét về tác giả tác phẩm Chiều sương để các em có thể nắm được phần nào nội dung chính.

Tác Giả

  • Bùi Hiển (1919 – 2009) là một nhà văn Việt Nam
  • Ông từng tham gia làm việc với nhóm nhà văn Tự lực văn đoàn
  • Bùi Hiển sinh ra tại Nghệ An trong một gia đình khá giả và sớm được tiếp xúc với văn hóa Việt Nam.
  • Đặc điểm nghệ thuật: Bùi Hiển là nhà văn chủ yếu viết về tác phẩm truyện ngắn, ông cũng là nhà văn có những sáng tác truyện ngắn nổi bật với bút pháp chân thực và cái nhìn đầy tinh tế về hiện thực cuộc sống con người. Ông nổi tiếng trong làng văn học Việt năm lúc bấy giờ với tác phẩm Nằm vạ (1941).

Tác Phẩm

Những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại được thể hiện trong văn bản

a. Câu chuyện

– Vào một buổi chiều sương lãng đãng, chàng trai đã được nghe lão Nhiệm Bình thuật lại câu chuyện đi biển của một nhóm bạn chài (trong đó có ông). Chuyến đi biển đã gặp một trận bão tố lớn, nhóm bạn chài đã suýt mất mạng. Trên đường về, trong không gian mù mịt mờ sương họ đã gặp một chiếc “thuyền ma” mà sau này họ mới biết người trên thuyền đã bỏ mạng sau một trận bão tố.

= > Câu chuyện cho chúng ta thấy được những gian truân mà người đi biển gặp phải và thái độ của họ đối với những người thuộc thế giới âm dương khác nhau

– Câu chuyện có một số chi tiết, hình ảnh nói lên quan niệm về cõi âm và mối liên hệ giữa cõi dương và cõi âm của chàng trai và của những người dân làng chài. Họ đều không xa lánh, không ghê sợ cõi âm và người đã khuất.

+ Chàng trai: không tin vào ma quỷ

+ Những người dân làng chài: cho rằng âm dương không phân ranh giới, những người đã khuất là người quen nên không có cảm giác xa lại; họ có một số kiêng kị khi đi biển

– Câu chuyện có nhiều yếu tố thực và ảo đan xen.

= > Tác dụng:

+ Tạo tính hấp dẫn cho văn bản

+ Cho thấy được sự vất vả của những ngư dân

+ Thể hiện rõ tư tưởng của tác giả: âm dương đan xen, xem người đã khuất vẫn tồn tại trong đời sống dương gian, tham gia vào đời sống như một cách luyến tiếc trần gian, cũng là cách người còn sống tưởng nhớ người đã khuất

b. Sự kiện và nhân vật

– Phần 1: Chuyện chàng trai đến thăm nhà lạo Nhiệm Bình

Sự kiệnCảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật
– Chiều sương, chàng trai đến thăm lão Nhiệm Bình
– Chàng nài nỉ lão Nhiệm Bình kể những câu chuyện đi biển kì ảo của lão, đặc biệt là chuyện đi biển gặp ma
– Lão Nhiệm Bình đã thuật lại câu chuyện đi biển của một nhóm bạn chài (trong đó có ông).
– Chàng trai rất thích các câu chuyện kì ảo nhưng không tin ma quỷ
– Lão Nhiệm Bình kể chuyện ma với một thái độ bình thản, âm-dương không phân biệt, vì nói cho cùng đó đều là dân làng họ, chẳng may qua đời nên muốn tìm chút hơi ấm dương gian

– Phần 2: Chuyện chiếc thuyền trong ngày giông bão

Sự kiệnCảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật
– Chiếc thuyền lão Phó Nhụy mà lão Nhiệm Bình đi trai ra khơi đánh cá
– Đến chiều bão tố bắt đầu nổi lên và kéo dài đến quá nửa đêm- Một chiếc thuyền xuất hiện trong một không khí rất kì dị, đó là thuyền của ông Xin Kính
– Thuyền Phó Nhụy vướt được anh Hoe Chước của bên thuyền Xin Kính, lúc đó chiếc thuyền Xin Kính biến mất. Chiếc thuyền đó đã bị sóng đánh vào núi tan tành, không một ai sống sót
– Những người đi chài đã quen với những bất trắc, gian truân của việc đi biển. Việc đối phó với giông bão đã trở thành quán tính
– Dù thường xuyên đối mặt với mất mát, hiểm nguy họ vẫn bàng hoàng, lo âu, thương xót trước những biến cố, bất ngờ, những cảnh đau lòng

c. Không gian, thời gian

– Không gian: làng chài, biển cả

– Thời gian: chiều xuân

d. Sự kết nối giữa lời người kể chuyện lời và nhân vật

Văn bản có sự kết hợp, đan xen giữa lời người kể chuyện và lời của nhân vật

→ Sự linh hoạt của tác giả, tạo nên một không khí gần gũi, nhưng cũng có chút ghê sợ; cảm xúc của người đọc thay đổi theo từng phần của câu chuyện.

Mời bạn tham khảo thêm tác phẩm 👉 Cõi Lá

Ý Nghĩa Truyện Ngắn Chiều Sương

Câu chuyện đã đem lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về thái độ và tình cảm của con người đối với biển cả. Biển cả mang lại cho con người những tài nguyên vô giá, đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người.

Con người luôn có sự yêu mến và biết ơn đối với biển cả, đặc biệt là đối với những người dân chài biển là một điều thiêng liêng. Tuy nhiên, biển cả cũng có thể giống như một người bạn tinh nghịch, đôi khi có chút giận hờn. Biển là người bạn gần gũi, gắn bó với con người, mãi không thể tách rời.

Bố Cục Văn Bản Chiều Sương

Bố cục văn bản Chiều sương được chia thành 2 phần chính:

  • Phần 1 – Từ đầu đến “từ chối bao giờ”: Cảnh vật làng chài và cuộc gặp gỡ với lão Nhiệm Bình.
  • Phần 2 – Còn lại: Những câu chuyện đi biển kì ảo.

Đón đọc thêm nội dung tác phẩm ✨ Hương Rừng Cà Mau ✨

Đọc Hiểu Tác Phẩm Chiều Sương

Một số câu hỏi trong phần đọc hiểu tác phẩm Chiều sương sau đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ và nắm bắt thông tin dễ dàng hơn.

👉 Câu 1: Truyện ngắn Chiều sương của tác giả nào?

A. Bùi Hiển
B. Đoàn Giỏi
C. Nguyễn Ngọc Tư
D. Nguyễn Minh Châu

Đáp án: A

👉 Câu 2: Truyện ngắn Chiều sương được in trong tập nào?

A. Sương mờ
B. Chiều sương biên giới
C. Mạ đậu
D. Nằm vạ

Đáp án: D

👉 Câu 3: Tác giả truyện ngắn Chiều sương quê ở đâu?

A. Huyện Nam Trực tỉnh Nam Định
B. Huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An
C. Huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam
D. Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Đáp án: B

👉 Câu 4: Phong cách nhà văn Bùi Hiển là gì?

A. Chuyên viết về đời sống Nam Bộ với sự ngợi ca cảnh nước non hùng vĩ
B. Chuyên viết về đời sống Trung Bộ, ngợi ca sự vượt khó của con người nơi đây
C. Chuyên viết về phong tục Bắc Bộ với lòng yêu thương con người và cảnh vật sâu sắc
D. Tất cả các đáp án trên

Đáp án: D

👉 Câu 5: Tác giả Bùi Hiển sáng tác những thể loại nào?

A. Truyện ngắn
B. Bút kí, phê bình
C. Tiểu luận, chân dung văn học
D. Tất cả các đáp án trên

Đáp án: D

👉 Câu 6: Truyện ngắn Chiều sương được sáng tác năm bao nhiêu?

A. 1939
B. 1940
C. 1941
D. 1942

Đáp án: C

👉 Câu 7: Thời gian nào được nhắc đến trong phần mở đầu truyện ngắn?

A. Trung tuần tháng Giêng
B. Đầu tháng Giêng
C. Cuối tháng Giêng
D. Đầu tháng Ba

Đáp án: A

👉 Câu 8: Cảnh vật làng chài vào chiều xuân hiện lên như thế nào qua cảm nhận của nhân vật chính?

A. Sương bay từng luồng, thê lương ảm đạm
B. Huyên náo, nhộn nhịp
C. Tiếng trẻ con ríu rít cười đùa
D. Im lặng đến đáng sợ

Đáp án: A

👉 Câu 9: Thái độ của Lão Nhiệm Bình khi kể lại câu chuyện ma cho nhân vật Chàng là gì?

A. Bồi hồi, xúc động
B. Lo lắng, run sợ
C. Điềm tĩnh, thản nhiên pha chút vui đùa
D. Cợt nhả, bỡn cợt

Đáp án: C

👉 Câu 10: Theo quan điểm của nhân vật Chàng thì mối quan hệ giữa cõi âm và cõi dương là gì?

A. Không liên quan đến nhau
B. Nương nhau vấn vít
C. Xung khắc với nhau
D. Không có suy nghĩ gì

Đáp án: B

👉 Câu 11: Sự xuất hiện chiếc thuyền của ông Xin Kính có ý nghĩa gì trong câu chuyện?

A. Như một chi tiết để kết nối nội dung truyện ở phần trước với phần sau.
B. Là động cơ tạo nên tình huống truyện
C. Làm cho nội dung tác phẩm trở nên thú vị, thu hút người đọc hơn.
D. Tất cả các đáp án trên

Đáp án: D

👉 Câu 12: Đặc sắc nghệ thuật của văn bản là:

A. Nghệ thuật viết truyện ngắn đầy tinh tế
B. Ngôn ngữ hay và truyền cảm, câu từ dễ hiểu
C. Xây dựng cốt truyện đặc sắc
D. Tất cả đáp án trên

Đáp án: D

Xem thêm tác phẩm 👉 Cà Mau Quê Xứ

Giá Trị Tác Phẩm Chiều Sương

Đừng vội bỏ qua thông tin hữu ích về giá trị tác phẩm Chiều sương được biên soạn sau đây nhé.

👉 Giá trị nội dung: Tác phẩm không chỉ miêu tả cảnh vật thiên nhiên mà còn tập trung vào những đức tính tốt đẹp của con người trong cuộc sống lao động. Qua câu chuyện, người đọc cảm nhận được sự vất vả, khó khăn, và sự gan dạ, kiên trì của người chài trong việc đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt

👉 Giá trị nghệ thuật:

  • Cốt truyện đơn giản
  • Xây dựng tâm lí nhân vật tinh tế
  • Có sự kết hợp giữa thực và ảo tạo ra một không khí gần gũi và ấm áp mà không gây cảm giác lạnh lẽo hay sợ hãi.

Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương

Tổng hợp các mẫu sơ đồ tư duy truyện ngắn Chiều sương chi tiết nhất dưới đây, các em học sinh hãy tham khảo ngay nhé.

Mẫu Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương
Mẫu Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương
Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương
Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương
Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương Đầy Đủ Ý
Sơ Đồ Tư Duy Chiều Sương Đầy Đủ Ý

Dàn Ý Chiều Sương

Gợi ý mẫu dàn ý Chiều sương cụ thể sau đây để giúp các học sinh tham khảo và biết cách viết bài văn phân tích tác phẩm sao cho thật hay và logic.

I. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Bùi Hiển ( những nét chính về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…)
  • Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Chiều Sương (xuất xứ, những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật,…)

II. Thân bài

  • Chàng trai đến thăm lão Nhiệm Bình và nghe những câu chuyện li kì ông kể trong các chuyến ra khơi
  • Hình ảnh những người thuyền chài
  • Những câu chuyện li kì mà người chài đã từng chứng kiến trong các lần đi biển
  • Sự dũng cảm chăm chỉ của những người đi biển và hình ảnh chiếc thuyền trong giông bão
  • Những người chài chống chọi để vượt qua bão tố bất ngờ ập đến
  • Những mất mát, khó khăn sau mỗi lần đi biển về

=> Thấy được sự lao động cực nhọc của các người dân hàng chài và sự khắc nghiệt thiên nhiên

III. Kết bài: Khẳng định lại nội dung, cái độc đáo trong các con chữ của Bùi Hiển.

Cập nhật thêm bài👉 Một Đời Như Kẻ Tìm Đường

Soạn Bài Chiều Sương Lớp 11

Tham khảo phần hướng dẫn soạn bài Chiều sương chi tiết nhất được Thohay.vn biên soạn bám sát sách ngữ văn 11.

👉 Câu 1: (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nêu nội dung bao quát của văn bản. Nhận xét về cách đặt nhan đề truyện của tác giả.

Trả lời:

– Vào một buổi chiều sương lăng dăng, chàng trai đã nghe ông Nhiệm Bình thuật lại câu chuyện đi biển của một nhóm bạn chài (trong đó có ông). Chuyến đi biển đã gặp một trận bão tố lớn, nhóm bạn chài đã suýt mất mạng. Trên đường trở về, trong không gian mù mịt mờ sương, họ đã gặp một chiếc “thuyền ma” mà sau này họ mới biết rằng người trên thuyền đã bỏ mạng trong trận bão tố đó. Câu chuyện cho chúng ta thấy những gian truân mà người đi biển gặp phải và thái độ của họ đối với những con người thuộc thế giới âm, dương khác nhau.

– Cách đặt nhan đề truyện của tác giả đã cho thấy thời gian và khung cảnh hôm diễn ra sự việc đoàn thuyền của ông Phó Nhụy ra khơi gặp nạn.

👉 Câu 2 (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Kẻ bảng sau vào vở, liệt kê một số sự kiện chính và các chi tiết diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật

Trả lời:

PhầnSự kiệnCảm xúc, suy nghĩ củanhân vật
Phần 1 (chuyện chàng trai đến thăm lão Nhiệm Bình)– Chiều sương, chàng trai đến thăm lão Nhiệm Bình.
– Chàng nài nỉ lão kể chuyện đi biển, đặc biệt là chuyện đi biển gặp ma.
– Lão Nhiệm Bình kể một số mẩu chuyện nhỏ rồi bắt đầu kể câu chuyện đi biển gặp bão tố và chiếc “thuyền ma.
– Chàng trai rất thích các câu chuyện kì ảo nhưng không tin ma quỷ.
– Lão Nhiệm Bình kể chuyện ma với một thái độ bình thản, âm – dương không phân biệt, vì nói cho cùng, đó đều là người dân làng họ, chẳng may qua đời nên giờ tìm chút hơi ấm dương gian.
Phần 2 (chuyện chiếc thuyền trong ngày giông bão)– Chiếc thuyền ông Phó Nhụy mà lão Nhiệm Bình đi chài ra khơi đánh bắt cá.
– Đến chiều, bão tố bắt đầu nổi lên kéo dài đến quá nửa đêm.
– Một chiếc thuyền xuất hiện trong một không khí rất kì dị, đó là thuyền của ông Xin Kính.
– Thuyền phó Nhụy vớt được anh Hoe Chước của bên thuyền Xin Kính, lúc đó thuyền Xin Kính biến mất. Thì ra chiếc thuyền đó đã bị sóng đánh vào núi tan tành, không ai sống sót.
– Những người đi chài đã quen với những bất trắc, gian truân của việc đi biển. Việc đối phó với bão tố đã thành quán tính (theo dõi các thao tác chống chọi với bão tố của nhóm bạn chài).
– Dù thường xuyên đối mặt với mất mát, hiểm nguy, tuy thế họ vẫn bàng hoàng, lo âu, đau xót (“mọi người cầm lặng, tim bóp chặt trong một lo âu ghê rợn, mở to mắt nhìn trấn trấn”).

👉 Câu 3 (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Xác định người kể chuyện và điểm nhìn trong văn bản Chiều sương. Việc lựa chọn người kể chuyện và điểm nhìn như vậy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm?

Trả lời:

– Người kể chuyện trong văn bản: có hai người kể chuyện: Ở phần 1 là chàng trai, ở phần 2 là lão Nhiệm Bình. Tuy nhiên, ngay trong phần 1 cũng có nhiều đoạn người kể cho phá là lão Nhiệm Bình. Như vậy, và có nhiều người kể chuyện văn bản.

– Điểm nhìn: Tương tự như vậy, ở phần 1, chúng ta thấy có điểm nhìn của chàng trai, của lão Nhiệm Bình; ở phần 2 là điểm nhìn của lão Nhiệm Bình, đôi khi điểm nhìn có dịch chuyển sang một số người bạn chài khác như chú trai, các bác chải…

= > Như vậy, câu chuyện có nhiều người kể chuyện và nhiều điểm nhìn, đồng thời có sự dịch chuyển điểm nhìn. Điều này giúp cho việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của văn bản được khách quan, mở rộng và đa diện hơn.

👉 Câu 4 (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tìm một số chi tiết, hình ảnh nói lên quan niệm về cõi âm và mối liên hệ giữa cõi dương và cõi âm của chàng trai và của những người dân làng chài trong văn bản. Làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa những quan niệm này.

Trả lời:

Quan niệm vềcõi âm, cõi dươngTương đồngKhác biệt
Chàng traiHọ đều không xa lánh, không ghê sợ cõi âm, người đã khuất.Không tin vào ma quỷ.
Những người dân làng chài– Âm dương không phân ranh giới, những người đã khuất là người quen do đó không có cảm giác xa lạ.
– Có một số kiêng kị khi đi biển.

👉 Câu 5 (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Phân tích tác dụng của việc đan xen các yếu tố thực và ảo trong văn bản truyện.

Trả lời:

– Văn bản có nhiều yếu tố thực và ảo đan xen:

+ Thực: Chuyện đi biển gặp bão tố, vớt được anh Hoe Chước…

+ Ảo: Các chi tiết gặp ma, con “thuyền ma”, những điểm dự báo không may của chuyến đi biển…

=> Tác dụng của việc đan xen các yếu tố thực và ảo này không chỉ là để tạo tính hấp dẫn cho văn bản, cho chúng ta thấy được sự vất vả của những ngư dân, mà còn để tác giả thể hiện rõ tư tưởng của mình, đó là quan niệm âm, dương đan xen, xem người đã khuất vẫn còn tồn tại trong đời sống dương gian và tham gia vào đời sống như một cách luyến tiếc trần gian, cũng là cách người con sống tưởng nhớ người đã khuất.

👉 Câu 6 (trang 15 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Có ý kiến cho rằng truyện chủ yếu viết về “ma”, về “thuyền ma”, về tai ương nơi biển cả và cuộc sống nhọc nhằn của người dân chài, nhưng không gợi lên sự lạnh lẽo, ghê sợ mà vẫn toát ra một không khí gần gũi, ấm áp, lạc quan. Hãy cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.

Trả lời: Ý kiến của em Nhìn chung không khí truyện vẫn là không khí gần gũi, ấm áp, lạc quan vì tình đồng nghiệp, tình làng xóm, tình cảm với cả những người đã khuất.

👉 Câu 7 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Câu chuyện về chiếc thuyền của ông Xin Kính năm xưa và lão Nhiệm Bình cùng chàng trai trẻ hôm nay gợi cho bạn suy nghĩ gì về thái độ, tình cảm của con người đối với biển cả?

Trả lời: Thái độ, tình cảm của con người vùng biển đối với biển cả, đó chính là một mối quan hệ biện chứng. Con người ở đây mang ơn biển cả vì biển cả đem đến nguồn lợi tài nguyên, nguồn sống cho con người; nhưng đồng thời, biển cả cũng gây ra những tai ương bất ngờ cho các chuyến đi biển. Vì thế mới có việc người còn sống xem người đã khuất vẫn tồn tại đâu đây chung quanh họ và biển cả là nơi dung chứa tất cả những gì thuộc về đời sống vật chất và tinh thần của con người nơi đây.

Đừng bỏ lỡ tác phẩm 👉 Kiêu Binh Nổi Loạn

Giáo Án Chiều Sương Lớp 11

Giới thiệu mẫu giáo án bài Chiều sương Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo mới, chuẩn nhất theo mẫu giáo án chuẩn của Bộ GD&ĐT sau đây.

I. MỤC TIÊU

1. Mức độ/yêu cầu cần đạt:

– Một số yếu tố trong văn bản truyện ngắn hiện đại như: Không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện ngôi thứ nhất, sự thay đổi điểm nhìn, sự kết nối giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật.

– Phân tích được ý nghĩa hay tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; liên tưởng, mở rộng vấn đề để hiểu sâu hơn văn bản được học

2. Năng lực

a. Năng lực chung

– Năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự quản bản thân, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác…

b. Năng lực riêng biệt:

– Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản.

– Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về văn bản.

– Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản.

3. Phẩm chất:

– Yêu thương, trân trọng, có trách nhiệm với môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường tự nhiên như núi rừng, sông biển, đồng ruộng…

– Có ý thức chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và lan tỏa ý thức, hành vi tích cực này đến những người xung quanh

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Chuẩn bị của giáo viên:

– Giáo án;

– Phiếu bài tập, trả lời câu hỏi;

– Tranh ảnh về nhà văn, hình ảnh;

– Bảng phân công nhiệm vụ cho học sinh hoạt động trên lớp;

– Bảng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà;

2. Chuẩn bị của học sinh: SGK, SBT Ngữ văn 11, soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Tạo hứng thú cho HS, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. HS khắc sâu kiến thức nội dung bài học.

b. Nội dung: GV đặt cho HS những câu hỏi gợi mở vấn đề.

c. Sản phẩm: Nhận thức và thái độ học tập của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

B1. Chuyển giao nhiệm vụ

– Giáo viên cho học sinh xem một video. Sau đó yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi:

1/ Em nhìn thấy gì ở video?

2/ Em nghĩ gì về cuộc sống của những người dân chài?

B2. Thực hiện nhiệm vụ:

– HS xem video và trả lời câu hỏi. HS làm việc cá nhân hoặc thảo luận với bạn cùng bàn

B3. Báo cáo thảo luận:

– GV mời 2 HS chia sẻ trước lớp.

B4. Đánh giá kết quả thực hiện:

– GV nhận xét, đánh giá, chốt ý và dẫn dắt vào bài mới

B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Đọc văn bản

a. Mục tiêu: Nắm được những thông tin về tác giả và tác phẩm.

b. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HSDỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
– GV yêu cầu HS:
Giáo viên yêu cầu học sinh tìm hiểu thông tin về tác giả Bùi Hiển và văn bản “Chiều sương”.
+ Nhan đề của truyện ngắn gợi cho anh chị những liên tưởng gì?
Bước 2: HS trao đổi thảo luận, thực hiện nhiệm vụ
– HS nghe và đặt câu hỏi liên quan đến bài học.
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
– HS trình bày sản phẩm thảo luận
– GV gọi hs nhận xét, bổ sung câu trả lời của bạn.
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
– GV nhận xét, bổ sung, chốt lại kiến thức → Ghi lên bảng.
I. Tìm hiểu chung:
1. Tác giả
– Bùi Hiển (1919 – 2009) là một nhà văn Việt Nam
– Ông từng tham gia làm việc với nhóm nhà văn Tự lực văn đoàn
– Bùi Hiển sinh ra tại Nghệ An trong một gia đình khá giả và sớm được tiếp xúc với văn hóa Việt Nam.
– Đặc điểm nghệ thuật: Bùi Hiển là nhà văn chủ yếu viết về tác phẩm truyện ngắn, ông cũng là nhà văn có những sáng tác truyện ngắn nổi bật với bút pháp chân thực và cái nhìn đầy tinh tế về hiện thực cuộc sống con người. Ông nổi tiếng trong làng văn học Việt năm lúc bấy giờ với tác phẩm Nằm vạ (1941).
2. Tác phẩm
– Thể loại: Truyện ngắn
– Phương thức biểu đạt: Tự sự
– Xuất xứ: Chiều sương in trong tập truyện ngắn Nằm vạ sáng tác vào năm 1941
3. Nhan đề
– Nhan đề “Chiều sương”, gợi cho người đọc về liên tưởng về thời gian – thời điểm tác giả chọn để khai thác, làm chủ đề chính cho toàn đoạn trích.
Nội dung văn bản có thể sẽ nói về cảm nhận, miêu tả về khung cảnh, không khí mát mẻ, se lạnh vào buổi chiều khi có sương phủ phía trên đất hoặc về một cảnh tượng, một ký ức hoặc cảm xúc của tác giả về chiều sương.

Đọc thêm tác phẩm💚 Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ 💚

5+ Mẫu Tóm Tắt Chiều Sương Ngắn Hay

Chia sẻ mẫu tóm tắt văn bản Chiều sương giúp học sinh dễ dàng nắm bắt được nội dung chính đầy đủ và chính xác.

Tóm Tắt Chiều Sương Bằng Sơ Đồ Tư Duy

Tóm Tắt Chiều Sương Bằng Sơ Đồ Tư Duy
Tóm Tắt Chiều Sương Bằng Sơ Đồ Tư Duy

Tóm Tắt Chiều Sương Của Bùi Hiển Hay Nhất

Chiều sương nói về công việc đi biển – một công việc khó khăn gian khổ, nhưng những người đi biển vẫn hàng ngày phải dong thuyền ra khơi. Nhân vật chàng ngồi nghe ông lão kể về những câu chuyện ly kỳ mà những người ngư dân đã từng trải qua khi đi biển. Đó là vào một ngày, những người ngư dân lại đều đặn dong thuyền ra khơi. Những người ngư dân bắt đầu đánh được những mẻ cá đầu tiên, nhưng họ lại không để ý đến sự thay đổi của những con sóng.

Mưa dông bắt đầu kéo đến, sóng cuồn cuộn nổi lên. Những người ngư dân nhanh nhẹn chèo lái con thuyền, nhưng những con sóng vẫn quá dữ dội và đẩy thuyền đi xa. Tuy đã rất nhiều lần đối mặt với thời tiết xấu, nhưng họ đều vất vả để chống chọi với nó. Những con người dũng cảm và kiên cường này đã chiến thắng được sự khắc nghiệt của thiên nhiên và lại tiếp tục lênh đênh trên biển.

Một con thuyền lạ xuất hiện trước mặt những người ngư dân, nhưng chỉ trong nháy mắt chiếc thuyền lại đi ra xa trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Rồi họ lại gặp một người đang lênh đênh trên biển nhưng vẫn còn sống, những người ngư dân đã vớt họ lên. Và họ lại vừa biết được một câu chuyện kỳ lạ rằng con thuyền mà họ vừa gặp kia trước đó đã bị sóng đánh chìm, những người trên đó không biết là còn sống hay không

Tóm Tắt Chiều Sương Ngắn Nhất

Truyện ngắn Chiều sương được khắc họa công việc đi biển trên con thuyền ra khơi, nhân vật trữ tình được nghe ông lão kể về câu chuyện đi biển của người dân trải qua nhiều những khó khăn thử thách, thăng trầm của cuộc sống miền biển, con người dũng cảm và kiên cường. Tuy vậy, tác giả cũng muốn nói con người có đủ ý chí, kiên cường, vượt qua những khó khăn, vượt qua những ngày tháng khó khăn. Và câu chuyện những con sóng đánh khiến cho người đọc nhiều suy nghĩ.

Hướng dẫn 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Về Một Tác Phẩm Truyện

Tóm Tắt Văn Bản Chiều Sương Lớp 11 Đầy Đủ Ý

Chàng ngồi im lặng, lắng nghe những câu chuyện của ông lão Nhiệm Bình. Những câu chuyện đó là những kinh nghiệm trải qua của người đi biển, họ đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm trên biển mỗi khi ra khơi. Những người ngư dân luôn sẵn sàng chống chọi với thiên nhiên, với sức mạnh của sóng biển và gió cuốn, họ phải cố gắng chèo lái thuyền để đến được đích đến.

Trong cuộc sống đầy gian khổ và thử thách đó, họ vẫn kiên cường, dũng cảm để chiến thắng. Nhưng những câu chuyện đó cũng có những điều kỳ lạ và bí ẩn, như chiếc thuyền bị sóng đánh chìm và người trên đó chưa biết sống hay chết. Những câu chuyện đó khiến cho chàng cảm nhận được thêm về cuộc sống của những người đi biển, sự đối mặt với tự nhiên và những điều kỳ lạ xảy ra trên biển. Đó là một cuộc sống đầy những câu chuyện đặc biệt, với những người dũng cảm luôn sẵn sàng đối mặt với sự khắc nghiệt của biển cả.

Tóm Tắt Chiều Sương Văn 11 Chân Trời Sáng Tạo

Anh gặp một ông lão tên Nhiệm Bình, một ngư dân có nhiều trải nghiệm kỳ lạ trên biển. Ông lão kể cho chàng trai những câu chuyện về trải nghiệm của mình khi đánh cá vào ban đêm và những điều kỳ lạ mà các thủy thủ gặp phải ở mạn tàu của họ. Những người thủy thủ hàng ngày đều ý thức rõ cuộc sống cực khổ mà họ phải kiếm sống. Họ mong muốn có thể đánh bắt và bán được nhiều hải sản trong mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, trong chuyến đi biển, thời tiết bỗng trở nên u ám, đáng sợ như báo hiệu một cơn cuồng phong đang đến gần. Các những người thuyền chài trên những tàu đánh cá dù phản ứng rất nhanh nhưng vẫn không thể chống lại được sức mạnh của cơn bão. Chiếc thuyền dường như bị lật và các ngư dân phải bám trụ vào nó để sống sót.

Cuộc sống của người ngư dân luôn đầy rẫy những khó khăn, vất vả nhưng đối với họ đó là công việc hàng ngày mà họ phải đối mặt. Trên đường về, họ gặp một con thuyền khác trên biển nhưng nó biến mất quá nhanh như một bóng ma. Sau đó, họ nhìn thấy một người đang trôi trên biển và được những ngư dân vớt lên. Khi quay lại bờ, họ phát hiện con thuyền đó đã bị sóng đánh tan tành. Đối với ngư dân, mỗi lần ra khơi như bước vào cửa tử nhưng họ vẫn phải vật lộn để mưu sinh.

Bật mí cách 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Văn Học

5+ Mẫu Phân Tích Tác Phẩm Chiều Sương Hay Nhất

Chiều sương là tác phẩm hay nằm sách ngữ văn 11 chân trời sáng tạo. Tác phẩm kể về cảnh thiên nhiên và vẻ đẹp người dân làng chài. Hãy cùng Thohay.vn theo dõi các bài phân tích dưới đây để có thêm nguồn tư liệu tham khảo khi làm bài nhé.

Mẫu Phân Tích Truyện Ngắn Chiều Sương Siêu Hay

Bùi Hiển, một danh nhân văn hóa đất Nghệ An, đã góp phần làm phong phú và sáng tạo cho văn chương trước và sau năm 1945. Ông là một nhà văn kiên trì, không ngừng sáng tác và tạo ra nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó, truyện ngắn “Chiều sương” nổi bật trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” sáng tác năm 1941. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là bức tranh sống động về cuộc sống của những người làng chài với đức tính lương thiện và vẻ đẹp thiên nhiên tinh tế.

Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh một chàng trai gặp gỡ lão Nhiệm Bình, nghe ông kể những câu chuyện huyền bí từ những chuyến đi biển. Những câu chuyện này, dù có vẻ phi thực tế, lại thể hiện sự giao thoa giữa thế giới hiện thực và thế giới tâm linh. Bức tranh về làng chài, đặc biệt là vào chiều xuân, được tác giả mô tả rất sinh động và hòa mình vào không khí bình yên. Ngòi bút của Bùi Hiển tận dụng những chi tiết nhỏ nhất để tạo nên một bức tranh hữu tình, trong đó tiếng sóng, hình ảnh thuyền chài trên biển tạo nên một không gian tĩnh lặng và tươi mới.

Người đọc được đưa vào thế giới lao động của người làng chài, những người không ngừng chiến đấu với thiên nhiên để kiếm sống. Bức tranh về cuộc sống này không chỉ nâng đỡ đẹp về mặt văn hóa mà còn làm nổi bật sức mạnh và ý chí của con người trước những khó khăn. Đặc biệt, sự xuất hiện của chiếc “thuyền ma” tạo nên yếu tố đặc sắc, là biểu tượng của những khó khăn và nhọc nhằn mà người dân làng chài phải đối mặt. Mô tả khéo léo của tác giả tạo ra không khí gần gũi và ấm áp, giúp người đọc cảm nhận được sự đoàn kết và tình thương trong cộng đồng.

“Chiều sương” của Bùi Hiển không chỉ là một tác phẩm văn học đơn thuần mà còn là một hành trình thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống và con người, qua bàn tay tài năng nghệ thuật độc đáo của tác giả. Đọc truyện này, người đọc không chỉ hòa mình vào không gian huyền bí của làng chài mà còn trải nghiệm sự tận hiểu và tôn trọng đối với công lao của những người lao động tại vùng biển nắng gió.

Chia sẻ đến bạn những bài văn mẫu về 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện 

Phân Tích Tác Phẩm Chiều Sương Hay Nhất

Truyện ngắn “Chiều sương” của nhà văn Bùi Hiển đem đến cho người đọc cái nhìn về cuộc sống mưu sinh của những người dân làm nghề chài lưới.

Nhà văn Bùi Hiển là một trong những cây bút viết truyện ngắn nổi bật của văn học nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Các sáng tác của ông thường có chủ đề về làng quê Việt Nam với những con người bình dị nghĩa tình. Truyện ngắn “Chiều sương” của nhà văn Bùi Hiển là một phẩm nổi tiếng của ông kể về đời sống những con người ở làng chài.

Câu chuyện được khơi gợi rất tự nhiên bằng cuộc trò chuyện của một chàng trai trẻ với lão Nhiệm Bình. Thời còn trẻ ông lão là dân chài nhưng nay lớn tuổi nên không còn ra khơi nữa. Chàng trai vòi vĩnh ông kể về những câu chuyện ngoài biển. Thông qua lời kể của ông lão, tác giả dẫn dắt người đọc đến với cuộc sống gian nan của nghề chài lưới, nơi người dân phải đối mặt với hiểm họa từ thiên nhiên.

Trong câu chuyện của ông luôn có nhân vật đặc biệt là người cõi âm, chính là hồn ma những dân chài đã ra đi trong biển. Nhưng những con người cõi âm này chẳng khác gì đương còn sống. Họ xuất hiện “chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời, vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông, lạnh lẽo”. Họ đồng hành cùng dân chài trong mỗi lần ra khơi, họ nghịch ngợm, biết trêu đùa “đồng nghiệp”.

Sự có mặt của họ làm dân chài vơi bớt nỗi buồn chán trong những ngày lênh đênh trên biển. Không những thế có lần trong cơn giông bão, ông Bình còn gặp cả đội thuyền ma. Chiếc thuyền ma tự xưng là thuyền ông Xin Kính, đã làm hoa tiêu dẫn đường đưa họ bình yên vượt qua cơn bão, đồng thời còn khiến họ cứu được anh Hoe Chước – là dân chài bị mất tích. Thuyền ông Xin Kính đã bị sóng đánh giạt vỡ trong một cơn bão lớn, cả thuyền không còn ai sống sót, chỉ riêng có anh may mắn thoát được.

Không rõ những chuyện gặp người âm của ông Bình không rõ là thật không, nhưng với cách xây dựng tình tiết sống động, chi tiết cùng với cảm xúc ẩn lấp trong đó khiến chàng thanh niên “có thể nào không tin” và cả người đọc cũng tin là thật. Bởi biển khơi là một vật thể bí ẩn chứa nhiều sự huyền bí mà chưa ai có thể khám phá. Đồng thời trong câu chuyện của ông Bình toát lên vẻ đẹp của tình nghĩa.

Đó là tình nghĩa bằng hữu cùng vào sinh ra tử. Ở đó biển cả là chiến trường và thiên nhiên là đối thủ đang chực chờ lấy đi sinh mạng của họ. Tình nghĩa ấy giúp người dân chài có được những phút giây thư giãn trong những giờ đi biển căng thẳng. Tình nghĩa ấy cũng cứu sống họ theo một cách thật đáng trân quý: những người dân chài bị bão tố cướp tính mạng đã cố gắng cứu đồng loại của mình thoát khỏi những cơn bão tố sau này.

Thiên nhiên trong truyện hiện lên với những dáng vẻ khác nhau. Có khi đẹp trữ tình “bình minh giát ánh vàng trên những dải mây bông thoáng nhẹ” nhưng cũng đầy âm hiểm “sóng vùng lên, cuốn, réo, đuổi dồn nhau, va vào nhau tóe bọt, ngụp xuống, trồi lên, đã thấy một sức mạnh hỗn độn và bất ngờ”. Hiểm họa tự nhiên có thể đánh quật con người bất cử khi nào, kể cả cướp đi sự sống.

Nhưng phải đối mặt với bão tố thì lòng dũng cảm, ý chí quật cường và tình đoàn kết của con người mới được thể hiện rõ nét nhất. Ngoài khơi xa thiếu thốn trăm về, người dân chài chỉ có thể tin tưởng cùng trao tính mạng cho nhau. Họ hợp sức chống lại thiên nhiên hung tàn để cùng nhau được bình yên trở về với gia đình.

Tác giả đã miêu tả công việc chài lưới với những động tác thả mồi, kéo lưới, đàn cá mắc lưới… rất sống động; cũng như cách sử dụng và giải thích những thuật ngữ riêng của nghề chài như cái bóng, trứng nước, sự kiêng kị… đem lại cảm giác chân thực. Qua đó, người đọc có thể thấy được một ngày làm việc trên biển của người dân từ khi bình minh cho đến tận lúc “mặt trời đứng bóng, biển biếc ngả sang mầu lục”, từ những giờ phút thảnh thơi bên bữa cơm đơn sơ cho đến khi chống chọi với nguy hiểm.

Truyện ngắn “Chiều sương” là vẻ đẹp của người dân chài trong cuộc sống và lao động. Thông qua câu chuyện, người đọc hiểu được sự khắc nghiệt của nghề chài lưới. Mỗi chuyến đi biển là một lần xác định phải đối mặt với nguy cơ không có ngày trở về. Đó không đơn thuần là mưu sinh là còn là trận chiến giữa con người và hiểm họa thiên nhiên. Bất kỳ công việc nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ do đó nghề nghiệp nào cũng đáng trân quý.

Xem thêm 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học 

Phân Tích Tác Phẩm Chiều Sương Ngắn Gọn

Bùi Hiển là nhà văn nổi tiếng ở vùng đất nắng gió Nghệ An. Trước và sau giai đoạn năm 1945, ông là nhà văn có sự sáng tạo phong phú, luôn bền bỉ sáng tác và cho ra đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nổi bật là truyện ngắn “Chiều sương” in trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” sáng tác năm 1941. Truyện ngắn là hình ảnh những con người làng chài với những đức tính tốt đẹp, cùng với nét vẽ đặc sắc về bức tranh thiên nhiên.

Mở đầu là hình ảnh chàng trai gặp được lão Nhiệm Bình, nghe ông kể về những câu chuyện li kì mà mình đã từng gặp trong các lần đi biển. Nhưng ly kỳ nhất là chuyện gặp được ma, đó là lần hòn đá giữ lưỡi câu không kéo lên được, rồi lần khác nửa đêm đi qua miếu thì có một bầy lại xin cá. Chuyện lão chài kể như là những câu chuyện thường ngày mà những người chài từng trải qua. Ông không coi đó là điều đáng sợ gì cả, vẫn vừa kể vừa đan lưới. Dù đó là những câu chuyện huyễn tưởng, hay đã từng là sự thật thì thấy rằng cõi chết và cõi sống vẫn sẽ hiện hữu mà không phân biệt rạch ròi. Ngoài ra cảnh vật ở làng chài vào chiều xuân hiện lên qua ngòi bút của tác giả cũng thật đẹp và bình yên.

Một buổi chiều yên ả với những tiếng người hòa lẫn trong sương, rồi xa xa hình ảnh bóng thuyền chài chuẩn bị ra khơi. Tất cả tạo nên một khung cảnh bình yên, thật đối lập với khung cảnh khi ra khơi của những người thuyền chài. Sang ngày mới, những người chài lưới tiếp tục ra khơi. Đây là công việc thường xuyên mà mỗi ngày họ đều phải làm. Họ ra khơi với tâm thế thoải mái và chăm chỉ đánh được nhiều cá nhất. Bùi Hiển đã dùng từ câu văn miêu tả rất đặc sắc về hình chiếc thuyền “ nặng nề, lừ đừ tiến, hai mắt tròn trân trân nhìn phía trước”.

Nhưng mà thiên nhiên con người được thể hiện rõ nhất khi mà gió nổi lên, bão bùng kéo tới. Thiên nhiên thì khắc nghiệt như muốn nhấn chìm tất cả. Nhưng những người chài vẫn dũng cảm kiên trì giữ thuyền. Thiên nhiên và con người giằng co, nhưng con người đã chiến thắng trước thiên nhiên. Bão qua đi, những ngư dân cũng như kiệt sức. Ta thấy được những khó khăn, những nguy hiểm vẫn luôn rình rập trong cuộc sống lao động của người ngư dân. Nhưng họ vẫn không từ bỏ, vẫn luôn bám biển vừa nuôi sống gia đình vừa giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Sự xuất hiện về chiếc “thuyền ma” cũng yếu tố đặc biệt cho câu chuyện này. Nó chính là sự phản ánh cho những tai ương, những nhọc nhằn mà người dân chài phải trải qua. Tác giả miêu tả thật khéo léo, tinh tế khiến người đọc không cảm thấy lạnh lẽo ghê sợ mà lại là không khí gần gũi ấm áp. Nhắc đến hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt, con người dũng cảm vượt qua thiên tai, làm ta lại nhớ đến hình ảnh người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Cả hai tác giả đều ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của những con người lao động khi đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt.

Đọc truyện ngắn ta như được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên, cái vẻ đẹp của con người qua ngòi bút miêu tả đặc sắc, cùng tài năng nghệ thuật độc đáo của Bùi Hiển. Đọc “Chiều sương” ta càng thêm trân trọng hình ảnh về những người lao động tần tảo chịu khó, mang một nét đẹp truyền thống của người lao động Việt Nam.

Phân Tích Truyện Ngắn Chiều Sương Đầy Đủ Ý

Bùi Hiển, một tên tuổi văn hóa nổi bật đến từ vùng đất phong phú của Nghệ An, không chỉ nổi tiếng với sự sáng tạo của mình mà còn là biểu tượng kiên trì và độ bền bỉ trong sáng tác văn học. Những đóng góp của ông trải dài từ trước đến sau năm 1945, với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đã chứng minh tài năng và sức ảnh hưởng lâu dài của ông trong văn đàn.

Trong số những tác phẩm xuất sắc của Bùi Hiển, truyện ngắn “Chiều sương” nằm trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” sáng tác năm 1941, nổi bật với hình ảnh sống động về những con người làng chài, với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Ông khéo léo mô tả về bức tranh thiên nhiên, tạo nên một không khí huyền bí và tinh tế.

Chuyện bắt đầu với sự gặp gỡ giữa một chàng trai và lão Nhiệm Bình, người kể về những câu chuyện kỳ bí từ những chuyến đi biển. Những sự kiện kỳ quặc, như việc gặp ma khi lưỡi câu bị kẹt hay bầy cá xin cá trong đêm, được lão chài kể như những câu chuyện hàng ngày. Bùi Hiển không chỉ làm nổi bật những khía cạnh huyền bí, mà còn thể hiện sự bền bỉ và chăm chỉ của những người làng chài.

Hình ảnh chiếc thuyền “nặng nề, lừ đừ tiến, hai mắt tròn trân trân nhìn phía trước” được mô tả bằng ngôn từ đặc sắc, tạo nên một hình ảnh độc đáo về con người và công việc của họ. Cảnh vật buổi chiều xuân ở làng chài, với sự yên bình, tiếng người và bóng thuyền chài xa xa, tạo nên một bức tranh tĩnh lặng và đẹp đẽ.

Mỗi ngày, những người làng chài lại ra khơi với tâm thế thoải mái và chăm chỉ, đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm từ biển cả. Bằng cách miêu tả tận cùng, Bùi Hiển thể hiện sự kiên trì và dũng cảm của họ trước thiên nhiên khắc nghiệt. Câu chuyện về “thuyền ma” cũng là một yếu tố đặc biệt, làm nổi bật những khó khăn và nhọc nhằn mà người dân chài phải đối mặt.

Tác giả không chỉ tập trung vào khía cạnh đen tối của thiên nhiên, mà còn làm nổi bật sự gần gũi và ấm áp trong câu chuyện. Thông qua miêu tả khéo léo, ông làm cho độc giả trải qua không khí ấm áp và thân thiện, thậm chí trong những tình huống khó khăn. Sự so sánh với hình ảnh người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân cũng nhấn mạnh vẻ đẹp của con người đối mặt với thách thức của thiên nhiên.

Đọc truyện ngắn “Chiều sương” của Bùi Hiển, người đọc như được hòa mình vào thế giới huyền bí của thiên nhiên và người làng chài. Điều này không chỉ là một trải nghiệm đọc sách, mà còn là sự trân trọng đối với vẻ đẹp truyền thống của người lao động Việt Nam, những người mang theo bản tính tận tâm và kiên trì trong công việc hàng ngày.

Tham khảo thêm mẫu 👉 Thuyết Minh Về Một Tác Phẩm Văn Học 

Phân Tích Nội Dung Và Nghệ Thuật Bài Chiều Sương Của Bùi Hiển

Bùi Hiển là một trong những nhà văn viết truyện ngắn tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Truyện ngắn của ông viết cách đây khá lâu nhưng đến nay vẫn là những truyện ngắn hay và không hề xưa cũ. Nhà văn có những cảm nhận chân thực về đời sống qua cái nhìn đầy tinh tế hóm hỉnh mà lại rất giản dị.

Nhắc đến Bùi Hiển người ta lại nhớ ngay đến những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống đặc biệt là bài “chiều sương”. Truyện ngắn “chiều sương” in trong tập “nằm vạ” sáng tác năm 1941. Tác phẩm kể về những người dân làng chài với những đức tính tốt đẹp cùng với nét vẽ đặc sắc về bức tranh thiên nhiên vùng biển.

Truyện ngắn “Chiều sương” được tác giả Bùi Hiển viết ra bằng những cảm nhận chân thực nhất. Bởi ông là nhà văn nổi tiếng của vùng đất nắng gió Nghệ An. Tác phẩm khắc họa việc ra khơi của những người dân làng chài, nhân vật trữ tình được nghe ông lão kể về câu chuyện đi biển với những khó khăn thử thách của thiên nhiên mà con người hằng ngày vẫn luôn phải đối mặt và dũng cảm kiên cường vượt qua.

Qua đó nhà văn muốn khẳng định, ca ngợi ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Và câu chuyện những con sóng đánh khiến cho người đọc nhiều suy nghĩ. Truyện mở đầu bằng việc chàng trai gặp Lão Nhiệm, một người dân làng chài và được nghe ông kể lại những câu chuyện ly kỳ mà ông từng trải qua những lần vượt sóng ra biển khơi. Lão Nhiệm với dáng điệu giản dị của con người chất phác, của một của một lão thuyền chài lão luyện với nhiều năm kinh nghiệm. Qua lời kể của Lão Nhiệm ta nhận thấy được những sự việc hết sức kỳ quá như gặp ma, thấy thuyền ma,… là những câu chuyện thường ngày của những người làng chài đã phải trải qua.

Dù không tin vào những chuyện ma quỷ gì nhưng qua lời kể rất thực của những người chính mắt trải nghiệm tác giả thể hiện rằng có chết và cõi sống cùng tồn tại mà không phân biệt rạch ròi khi màn đêm buông xuống. Bùi Hiển đã xây dựng hình ảnh hồn ma, chiếc thuyền ma rất đặc biệt. Đó không chỉ là hình ảnh bình thường mà còn là ẩn ý cho cái chết, bi thảm và dữ dội.

Tác giả đã thể hiện sự tinh tế trong cách miêu tả tạo lên không khí gần gũi ấm áp tạo nên một cảm giác đặc biệt lôi cuốn người đọc chứ không phải cái lạnh lẽo và sợ hãi. Mở đầu tác phẩm là khung cảnh bình yên, buổi chiều yên ả với tiếng người hòa lẫn trong sương, hình ảnh thuyền chài chuẩn bị ra khơi gợi cảnh yên bình. Nhà văn đã miêu tả tả những hình ảnh đó để cho thấy sự đối lập với cuộc sống đầy gian khổ thử thách ngoài biển khơi xa.

Câu chuyện xây dựng chi tiết hồn ma để nói lên quan niệm về cõi âm và mối liên hệ giữa cõi dương và cõi âm của chàng trai và những người dân làng chài. Họ đều không xa lánh, ghê sợ cõi âm và những người đã khuất. Qua đây ta thấy rõ tư tưởng của tác giả: âm dương đan xen, xem người đã khuất vẫn tồn tại trong đời sống dân gian, tham gia vào đời sống nhưng cách để nuối tiếc trần gian, cũng là cách người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

Tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp yên bình của thiên nhiên mà còn tập trung vào những đức tính tốt đẹp của con người lao động nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Họ phải trải qua biết bao gian nan khó khăn vất vả thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nhưng những người dân làng chài vẫn luôn gan dạ kiên chì sẵn sàng đương đầu vượt qua mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Bùi Hiển đã thành công trong việc tái hiện lại hình ản cần cù, chịu khó mang trong mình những phẩm chất, nét đẹp truyền thống của người lao động Việt Nam.

Nhờ sự miêu tả thiên nhiên với những hình ảnh khắc nghiệt mà nét đẹp con người được hiện lên rõ nhất, hùng vĩ nhất. Thiên nhiên khắc nghiệt như muốn nhấn chìm tất cả nhưng những người dân làng chài vẫn dũng cảm kiên trì giữ thuyền. Đó là trận chiến không cân sức giữa thiên nhiên rộng lớn và con người nhỏ bé, nhưng những người dân dũng cảm ấy đã chiến thắng trước thiên nhiên. Hình ảnh thuyền Phó Nhuỵ chiến đấu với phong ba bão táp trên biển, chiếc thuyền đã gặp nạn và không còn ai sống sót. Dù các bác làng chài đã quá quen thuộc với những khó khăn thử thách của biển cả, họ đã dự đoán trước được nhưng vẫn bất ngờ, vội vã dồn mọi sức lực kiên cường chống trả với tháo tố.

Bùi Hiển xây dựng cốt truyện đơn giản, ngôn ngữ truyền cảm cùng ngôn từ dễ hiểu gắn bó với cuộc sống hằng ngày mang đến cho người đọc những cảm nhận về bức tranh thiên nhiên cùng con người lao động một cách chân thực nhất. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật để nhân vật Lão Nhiệm tự kể lại cuộc sống của mình. “Chiều sương” là sự kết hợp giữa thực và ảo tạo ra một không khí gần gũi không gây cảm giác lạnh lẽo.

Bằng lời kể pha chút hài hước, hóm hỉnh cũng như các chi tiết đan xen trong quá trình kể chuyện người đọc đã cảm nhận được sự vui tính yêu đời con mắt lạc quan của những người dân lao động. Bên cạnh những giây phút lao động nguy hiểm mệt mỏi là những quãng đời thường bình dị, trải qua biết bao vất vả khó khăn trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ nhưng họ vẫn lạc quan yêu đời luôn nhìn đời bằng con mắt tích cực.

Qua tác phẩm “chiều sương” ta thấy được sự tài tình khéo léo của Bùi Hiển khi tái hiện lại cuộc sống lao động của những người dân làng chài. Tác phẩm giúp ta đắm chìm vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, vẻ đẹp của thiên nhiên hòa cùng với quyện cùng vẻ đẹp của con người. Qua đó ta càng thêm trân trọng về những hình ảnh người lao động, tính chịu khó mang một nét đẹp truyền thống của người lao động Việt Nam.

Xem thêm cách 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Truyện Kể

Viết một bình luận