Chợ Tết Lớp 4: Nội Dung Tập Đọc + Soạn Bài + Cảm Thụ Bài Thơ

Chợ Tết Lớp 4 ❤️️ Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ Bài Thơ ✅ Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Soạn Bài, Soạn Giáo Án, Đọc Hiểu.

Nội Dung Bài Thơ Chợ Tết Lớp 4

Cùng tìm về với nhịp sống bình yên, vui vẻ của những ngày gần Tết ở các vùng quê Việt Nam trong bài thơ Chợ Tết lớp 4 sau đây.

Chợ Tết
Tác giả: Đoàn Văn Cừ

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Đón đọc bài🌿 Sầu Riêng Lớp 4 🌿 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án

Giới Thiệu Bài Thơ Chợ Tết

Xem thêm một số thông tin giới thiệu về bài thơ Chợ Tết sau đây:

  • Bài thơ Chợ Tết của tác giả Đoàn Văn Cừ được sáng tác vào năm 1939, đăng lần đầu trên báo Ngày nay.
  • Bài thơ được tác giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ: So sánh, Nhân hóa, Ẩn dụ.
  • Nội dung: Bài thơ là một bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô vùng sinh động. Người đi chợ Tết ai cũng vui vẻ, từ cụ già cho tới các cô thiếu nữ, trẻ con, người mua kẻ bán tấp nập trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đậm sắc xuân. Qua bức tranh phiên chợ Tết ta thấy được cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của người dân quê. 

Bố Cục Bài Thơ Chợ Tết

Bố cục bài thơ Chợ Tết lớp 4 có thể được chia thành 4 đoạn như dưới đây.

  • Đoạn 1: Từ đầu đến “tưng bừng ra chợ Tết”
  • Đoạn 2: Từ “Họ vui vẻ” đến “môi cười lặng lẽ”
  • Đoạn 3: Từ “Thằng em bé” đến “như giọt sữa”
  • Đoạn 4: Phần còn lại

Tìm hiểu bài thơ 🌊Bè Xuôi Sông La Lớp 4 🌊 Nội Dung, Ý Nghĩa Bài Thơ

Hướng Dẫn Tập Đọc Chợ Tết Lớp 4

Đừng nên bỏ qua phần hướng dẫn tập đọc bài Chợ Tết lớp 4 bạn nhé!

  •  Đọc lưu loát toàn bài, ngưng nghĩ đúng nhịp, không đọc suông
  • Biết đọc diễn cảm bài thơ với giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, phù hợp với việc diễn tả bức tranh giàu màu sắc, vui vẻ, hạnh phúc của một phiên chợ tết trung du.

Chú thích:

  • Ấp: làng, xóm
  • The: hàng tơ, nhỏ sợi, dệt thưa
  • Đồi thoa son: đồi rực hồng lên khi nhận ánh nắng buổi sớm.

Ý Nghĩa Bài Thơ Chợ Tết

Ý nghĩa: Bài thơ đã vẽ ra được một bức tranh chợ Tết ở miền trung du thật đẹp, thật tươi vui thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân ở vùng đồi núi. Thông qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…

Gửi đến bạn đọc bài soạn💚 Ăng-Co Vát 💚 Chi tiết nhất

Đọc Hiểu Tác Phẩm Chợ Tết

Thohay.vn chia sẻ cho bạn đọc nội dung phần đọc hiểu tác phẩm Chợ Tết chi tiết.

👉Câu 1: Con hãy hoàn chỉnh đoạn thơ sau: tưng bừng, mây trắng, Sương hồng lam, Trên con đường

Dải__________đỏ dần trên đỉnh núi

__________ôm ấp nóc nhà gianh

__________viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp__________ra chợ Tết

Đáp án:  

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”

👉Câu 2: Con hãy hoàn chỉnh đoạn thơ sau: Tia nắng tía, Sương trắng, áo the xanh, Đồi thoa son

__________rỏ đầu cành như giọt sữa
__________nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc__________
___________nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.

Đáp án: Điền theo thứ tự: Sương trắng, Tia nắng tía, áo the xanh, Đồi thoa son

👉Câu 3: Con có nhận xét gì khung cảnh chợ Tết ?   

A. vắng vẻ

B. đẹp, tươi vui

C. lộn xộn, xơ xác

D. hoang sơ, đổ nát

Đáp án đúng: B

👉Câu 4: Con hãy kéo thả từ gợi ý vào chỗ trống để hoàn thiện khổ thơ sau:  ngộ nghĩnh, vui vẻ, tưng bừng      gánh lợn, bước lom khom, chạy lon xon, cười lặng lẽ, nép đầu

Người các ấp_________ra chợ Tết
Họ ________kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ_________
Vài cụ già chống gậy________
Cô yếm thắm che môi_________
Thằng em bé_______bên yếm mẹ
Hai người thôn______chạy đi đầu
Con bò vàng_______đuổi theo sau

Đáp án: Điền theo thứ tự: tưng bừng, vui vẻ, chạy lon xon, bước lom khom, cười lặng lẽ, nép đầu, gánh lợn, ngộ nghĩnh

👉Câu 5: Con hãy sắp xếp các câu thơ sau để hoàn chỉnh đoạn thơ. 

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Cô yếm trắng che môi cười lặng lẽ
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Đáp án: Các câu thơ được sắp xếp theo thứ tự như sau:

“Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắng che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”

👉Câu 6:  Bên cạnh những dáng vẻ riêng, những người đi chợ Tết có điểm gì chung?

A. ai ai cũng vui vẻ

B. ai ai cũng lo lắng

C. ai ai cũng chán nản

D. ai ai cũng hồi hộp

Đáp án đúng: A

👉Câu 7: Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Con hãy điền những từ ngữ chỉ màu sắc còn thiếu để hoàn chỉnh bài thơ sau:

“Dải mây ___  ___dần trên đỉnh núi
Sương ______ ôm ấp mái nhà gianh
Trên con đường viền ___ mép đồi____
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ ____
Những thằng cu áo ___ chạy lon xon
Cô yếm ____ che môi cười lặng lẽ
Con bò _____ ngộ nghĩ đuổi theo sau
Sương _____ rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng____ nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the _____
Đồi thoa _____ nằm dưới ánh bình minh.”

Đáp án: trắng đỏ, hồng lam, trắng, xanh, biếc, đỏ, thắm, vàng, trắng, tía, xanh, son

👉Câu 8: Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

A. Bức tranh mùa xuân vui tươi, tràn đầy sức sống.

B. Bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô cùng sinh động đã nói về cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của những người dân quê.

C. Bức tranh chợ Tết miền Tây sông nước đầy sôi động cho thấy một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân quê.

D. Bức tranh đầy màu sắc hoang sơ, heo hút của những con người sống ở vùng núi thưa thớt ít người qua lại.

Đáp án đúng: B.

👉Câu 9: Mỗi người đến chợ Tết với những dáng vẻ ra sao? Nối hai cột với nhau:

1. Mặt trời lêna. Nhảy nhót ngoài ruộng lúa
2. Núi cũng làm duyênb. làm ửng hồng những dải mây trắng và làn sương sớm
3. Những giọt sương đầu cành c. như được thoa son, phơi mình dưới ánh bình minh
4. Những tia nắngd. uốn mình trong chiếc áo the xanh
5. Những quả đồie. như những giọt sữa thỉnh thoảng rỏ xuống

Đáp án:  1 – b; 2 – d; 3 – e; 4 – a; 5 – c

👉Câu 10:  Nối các cột với nhau:

1. Những thằng cu                  a. gánh lợn chạy đi đầu

2. Vài cụ già                              b. che môi lặng lẽ cười

3. Cô yếm thắm                       c. áo đỏ chạy lon xon

4. Em bé                                    d. chống gậy bước lom khom

5. Hai người trong thôn           e. nép đầu bên yếm mẹ

Đáp án đúng: 1 – c, 2 – d, 3 – b, 4 – e, 5 – a

Soạn Bài Chợ Tết Lớp 4

Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong phần soạn bài Chợ Tết lớp 4. Mời các em học sinh cùng so sánh đối chiếu sau đây.

👉Câu 1 trang 39 sgk Tiếng Việt 4: Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

Đáp án: Người các ấp đi chợ Tết trong một khung cảnh thật đẹp, thật tươi vui: Mặt trời lên làm ửng hồng những dải mây trắng và những làn sương sớm. Đồi núi cũng làm duyên uốn mình trong chiếc áo the xanh. Những giọt sương đầu cành như những giọt sữa thỉnh thoảng rỏ xuống. Những tia nắng thì nhảy hoài trong ruộng lúa. Còn nhửng quả đồi thì như được thoa son phơi mình dưới ánh bình minh.

👉Câu 2 trang 39 sgk Tiếng Việt 4: Mỗi người đến với chợ Tết với dáng vẻ ra sao?

Đáp án: Mỗi người đến với chợ Tết với những dáng vẻ khác nhau:

  • Những thằng cu áo đỏ thì chạy lon ton.
  • Các cụ già chống gậy bước lom khom.
  • Các cô gái lặng lẽ che môi cười.
  • Em bé thì nép đầu bên yếm mẹ.
  • Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.
  • Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

👉Câu 3 trang 39 sgk Tiếng Việt 4: Bên cạnh dáng vẻ riêng, những người đi chợ Tết có điểm gì chung?

Đáp án: Những người đi chợ Tết có những điểm chung: Tâm trạng vui vẻ, náo nức đi chợ Tết.

👉Câu 4 trang 39 sgk Tiếng Việt 4: Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Em hãy tìm những từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc ấy?

Đáp án: Những từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết: mây trắng, đỏ dần; sương hồng lam, viền trắng, đồi xanh, cỏ biếc, đỏ, yếm thắm, bò vàng, sương trắng, tia nắng tía, áo the xanh, đồi thoa son.

Đọc hiểu tác phẩm 🌛Ngắm Trăng + Không Đề Lớp 4 🌛 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài

Giáo Án Bài Thơ Chợ Tết Lớp 4

Các giáo viên có thể tham khảo cách soạn giáo án bài thơ Chợ Tết lớp 4 như gợi ý dưới đây.

I. MỤC TIÊU:

1. Kiến thức

– Hiểu ND: Cảnh chợ tết miền trung du có nhiều nét đẹp về thiên nhiên, gợi tả cuộc sống êm đềm của người dân quê (trả lời được các câu hỏi; thuộc được một vài câu thơ yêu thích).

2. Kĩ năng

– Đọc trôi trảy, rành mạch bài tập đọc. Biết đọc diễn cảm một đoạn thơ với giọng vui nhộn. Học thuộc lòng bài thơ

3. Thái độ

– Yêu quý cảnh vật và con người Việt Nam

4. Góp phần phát triển các năng lực

– NL giao tiếp và hợp tác, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, NL ngôn ngữ, NL thẩm mĩ.

BVMT:HS cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh nhiên nhiên giàu sức sống qua các câu thơ trong bài

II. CHUẨN BỊ:

1. Đồ dùng

  • GV: Tranh minh hoạ bài tập đọc (phóng to), Bảng phụ viết sẵn đoạn luyện đọc
  • HS: SGK

2. Phương pháp, kĩ thuật

  • Phương pháp: Quan sát, hỏi – đáp, luyện tập – thực hành
  • Kĩ thuật: Làm việc nhóm, chia sẻ, động não, tia chớp

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY – HỌC:

Hoạt động của giáo viênHoạt động của học sinh
1. Khởi động: (3p)
+ Đọc bài: Sầu riêng
+ Hãy miêu tả những nét đặc sắc của hoa sầu riêng.
+ Hãy miêu tả những nét đặc sắc của trái sầu riêng.
– GV dẫn vào bài mới – Ghi tên bài
– TBHT điều khiển các bạn chơi trò chơi Hộp quà bí mật
+ 1 HS đọc
+ Hoa sầu riêng nở vào cuối năm, hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà, cành hoa nhỏ như vảy cá.
+ Những trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống như những tổ kiến…
2. Luyện đọc: (8-10p)
* Mục tiêu: Đọc trôi chảy, rành mạch bài tập đọc, giọng đọc vui nhộn
Cách tiến hành:
– Gọi 1 HS đọc bài (M3)
– GV lưu ý giọng đọc: Toàn bài đọc với giọng vui nhộn, thể hiện không khí náo nức của con người và các sự vật trong phiên chợ Tết
Nhấn giọng các từ ngữ: đỏ dần, ôm ấp, viền nắng, tưng bừng, kéo hàng, lon xon, lom khom, lặng lẽ
– GV chốt vị trí các đoạn
– Lưu ý sửa lỗi đọc và ngắt nghỉ cho các HS (M1)
– 1 HS đọc bài, cả lớp đọc thầm
– Lắng nghe
– Nhóm trưởng điều hành cách chia đoạn
– Bài chia làm 3 đoạn.
+ Đ 1: Từ đầu….. tưng bừng ra chợ Tết
+ Đ 2: Tiếp theo…đuổi theo sau
+ Đ 3: Tiếp theo…. hết
– Nhóm trưởng điều hành nhóm đọc nối tiếp trong nhóm lần 1 và phát hiện các từ ngữ khó (hồng lam, nóc nhà gianh, lon xon, nép, rỏ, , …)
– Luyện đọc từ khó: Đọc mẫu (M4) → Cá nhân (M1) → Lớp
– Giải nghĩa các từ: đọc chú giải
– HS đọc nối tiếp lần 2 theo điều khiển
– Các nhóm báo cáo kết quả đọc
– 1 HS đọc cả bài (M4)
3. Tìm hiểu bài: (8-10p)
* Mục tiêu: Hiểu ND: Cảnh chợ tết miền trung du có nhiều nét đẹp về thiên nhiên, gợi tả cuộc sống êm đềm của người dân quê (trả lời được các câu hỏi)
* Cách tiến hành: Làm việc nhóm 4 – Chia sẻ trước lớp
– Gọi HS đọc các câu hỏi cuối bài.
+ Người các ấp đi chợ tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?
+ Mỗi người đến chợ tết với dáng vẻ riêng ra sao?
+ Bên cạnh dáng vẻ riêng, những người đi chợ tết có điểm gì chung?
+ Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc. Em hãy tìm những từ ngữ tạo nên bức tranh giàu màu sắc ấy.
* GDBVMT: Bức tranh thiên nhiên trong bài thật đẹp và giàu sức sống. Em hãy mô tả lại bức tranh ấy bằng cảm nhận của em ?
* Hãy nêu nội dung của bài.
* HS M3+M4 đọc trả lời câu hỏi hoàn chỉnh và các câu nêu nội dung đoạn, bài. 
– 1 HS đọc
– HS tự làm việc nhóm 4 trả lời các câu hỏi – TBHT điều hành các nhóm trả lời, nhận xét
+ Khung cảnh rất đẹp. Mặt trời lên làm đỏ dần những dải núi trắng và những làn sương sớm. Núi đồi như cũng làm duyên.Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, đồi thoa son. Những tia nắng nghịch ngợm nháy hoài trọng ruộng lúa.
+ Người đến chợ tết với dáng vẻ riêng.
– Những thằng cu mặc áo màu đỏ chạy lon xon.
– Các cụ già chống gậy bước lom khom.
– Cô gái mặc áo màu đỏ che môi cười lặng lẽ.
– Em bé nép đầu, bên yếm mẹ.
– Hai người gánh lợn…
+ Điểm chung của họ là: ai ai cũng vui vẻ, cụ thể: Người các ấp tưng bừng ra chợ tết. Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc.
+ Các từ ngữ tạo nên bức tranh: trắng, đỏ, hồng lam, xanh, biếc, thắm, vàng, tía, son.
– HS mô tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên qua đoạn 1 và đoạn 3 của bài
Nội dung: Bài thơ là một bức tranh chợ tết miền trung du giàu màu sắc và vô cùng sinh động. Qua đó ta thấy được cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của người dân quê trong dịp tết.
– HS ghi nội dung bài vào vở
3. Luyện đọc diễn cảm – Học thuộc lòng (8-10p)
* Mục tiêu: HS biết đọc diễn một đoạn của bài. Học thuộc lòng bài thơ
* Cách tiến hành: Hoạt động cá nhân – nhóm – cả lớp
– Yêu cầu HS nêu giọng đọc toàn bài.
– Yêu cầu các nhóm thảo luận chọn đoạn thơ mà mình thích và luyện đọc
– Hướng dẫn học thuộc lòng bài thơ tại lớp
– GV nhận xét chung
4. Hoạt động ứng dụng (1 phút)
– Em thích nhất hình ảnh nào trong bài thơ?
– Giáo dục tình yêu với con người, cảnh đẹp VN
5. Hoạt động sáng tạo (1 phút)
– 1 HS nêu lại
– 1 HS đọc toàn bài
– Nhóm trưởng điều khiển:
+ Đọc diễn cảm trong nhóm
+ Thi đọc diễn cảm trước lớp
– Lớp nhận xét, bình chọn.
– HS học thuộc lòng và thi học thuộc lòng bài thơ tại lớp
– Hãy chọn hình ảnh mình thích nhất và bình về hình ảnh đó
– Mô tả về cảnh chợ Tết ở địa phương em

5 Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Hay Nhất

Đừng bỏ qua 5 mẫu cảm thụ bài thơ Chợ Tết hay nhất mà chúng tôi vừa sưu tầm được dưới đây.

Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Hay – Mẫu 1

Ngày nay có hội chợ; ngày xưa dân gian có chợ Tết. Chợ Tết thường họp vào những ngày cuối năm. Chợ Tết đông vui, nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Đi chợ Tết để bán hàng, để mua sắm. Cũng có người, nhất là trẻ con đi chợ Tết để vui chơi.

Bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ là một kiệt tác văn chương, vừa hay vừa vui. Đọc “Chợ Tết” ta tưởng như được sống lại không khí hội hè dân gian hàng trăm năm về trước. Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ; đây là phần đầu bài thơ “Chợ Tết” :

“Dải mây trắng… ra vào đầy cổng chợ”.

Những câu thơ mở đầu gợi tả một sáng tinh mơ nơi làng quê trong ánh bình minh. Dải mây trắng trên đỉnh núi “đỏ dần” lên. Những giọt sương mai như viên ngọc “hồng lam” được nhân hóa, đang “ôm ấp” nóc nhà gianh nơi thôn ấp.

 Những con đường quê “viền trắng” uốn lượn mép đồi xanh. Đỉnh núi, đồi xanh, nóc nhà gianh, con đường, dải mây trắng, giọt sương hồng lam… tất cả đều ửng sáng, trông rất đẹp mắt. Nghệ thuật phối sắc của nhà thơ thật tài hoa:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viển trắng mép đồi xanh”

Trên con đường uốn mình, mềm mại như dải lụa ấy, có biết bao nhiêu con người, già trẻ gái trai từ các thôn ấp “kéo hàng” nối đuôi nhau đi chợ Tết với niềm vui náo nức. Cảnh đi chợ Tết “tưng bừng” đông vui như đi hội:

“Trên con đường viển trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc”

Mỗi người đi chợ Tết đều có một dáng vẻ riêng. Đoàn Văn Cừ đã làm hiện lên trước mắt chúng ta những con người hiền lành, giản dị, đáng yêu bằng bao nét vẽ có hồn, rất sinh động.

Mặc áo đỏ, áo mới, áo đẹp là những thằng cu “chạy lon xon” mừng vui tíu tít. Là vài cụ già, tay chống gậy, lung còng “bước lom khom chậm rãi. Là cô thôn nữ xinh tươi với chiếc yếm thắm, duyên dáng và kín đáo “che môi cười lặng lẽ”. Là những em bé lần đầu được đi chợ Tết, còn rụt rè sợ hãi “nép đầu bên yếm mẹ?”…ngơ ngác trước những con người lạ, cảnh lạ:

“Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ”

Cảnh lợn, bò, gia súc “đi chợ Tết” thật ngộ nghĩnh, vội vàng và hối hả. Ta tưởng như nhà thơ đang nheo mắt tủm tỉm cười:

“Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”.

Dưới ánh hồng bình minh, mọi cảnh vật đều trở nên tráng lệ. Từ giọt sương trắng đến tia nắng tía, từ núi xanh đến đồi son, tất cả đều cựa quậy, náo nức, sáng bừng lên. Cảnh chợ Tết càng thêm đẹp:

“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa 
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”

Cảnh vật được nhân hóa như mang tình người, hồn người, cùng khoe sắc chia vui với bà con các ấp “tưng bừng” đi chợ Tết. Các động từ được tác giả dùng rất đắt: “ró”, “nháy hoài”, “uốn mình”, “thoa”, “nằm”… Khép lại đoạn thơ là một hình ảnh đông vui của phiên chợ Tết ngày xưa:

 “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”.

Bức tranh dân gian “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ mang vẻ đẹp vừa bình dị thân thuộc, vừa rực rỡ sắc màu. Tác giả đã làm sống lại cảnh vật và cuộc sống nơi đồng quê đậm đà màu sắc văn hóa dân gian với tất cả tấm lòng yêu thương nồng hậu.

Nghệ thuật sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc của ngòi bút nghệ thuật Đoàn Văn Cừ rất giàu có, tinh luyện: trắng, đỏ, hồng lam, viền trắng, xanh, biếc, đỏ, thắm, vàng, tía, the xanh, thoa son,… Đọc đoạn thơ, ta tưởng như mình cũng được đi chợ Tết cùng bà con các ấp hơn mấy chục năm về trước.

Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Chọn Lọc – Mẫu 2

Bài thơ Chợ Tết Đoàn Văn Cừ là một bài thơ hay bởi nó lột tả được không khí Tết ở miền quê bình dị. Đó là sự vui tươi, nhộn nhịp, đông đúc với nhiều người và nhiều loại hàng hóa. Đó cũng chính là lý do tại sao đọc bài thơ này ta lại như được sống lại trong không khí của những hội hè dân gian nhiều năm về trước.

Phiên chợ Tết bất hủ của Đoàn Văn Cừ đã là hình ảnh đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả. Ở đó ta cảm nhận được một hồn hơ dạt dào sức sống. Chỉ với những câu thơ trong bài này ta cũng có thể thấy đâu đó như vang vọng tiếng nói cười khúc khích hỏm hỉnh của một miền quê xưa. Đây cũng chính là một cách để lưu giữ lại các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc qua các câu thơ giản dị.

Ngay từ những câu thơ đầu tiên của bài Chợ Tết, tác giả đã vẽ ra cho con người ta một bức tranh về một sáng tinh mơ khi cả làng chìm trong ánh bình minh. Những dải mây trắng dần lấp ló trên đỉnh đồi. Những giọt sương mai như viên ngọc khẽ đung đưa trên các mái nhà tranh. Để có thể lột tả được bức tranh đó, Đoàn Văn Cừ đã dùng hệ thống hình ảnh vô cùng tinh tế và cảnh vật được nhân hóa với những góc nhìn tuyệt vời.

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
….
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Trong bức tranh ấy ta còn thấy được hình ảnh của những con đường quê uốn lượn mép xanh đồi.. Tất cả trông đều ửng sáng và như tô thêm nét đẹp của cả bức tranh. Tất cả cho thấy một nghệ thuật phối thơ thật hài hòa và đặc sắc.

Trong bức tranh thiên nhiên sáng mai vô cùng tinh khôi ấy ta bắt gặp được hình ảnh của những con người. Đó là những nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai đang từ các thôn ấp nối đuôi nhau đi chợ Tết. Qua đó có thể cảm nhận được sự háo hức và tấp nập. Có thể nói đi chợ Tết cũng giống như đi trẩy hội.

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
…….
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau

Mỗi người đều được Đoàn Văn Cừ miêu tả với các dáng vẻ riêng. Đó chính là con người bình dị, hiền lành, chân thành và vô cùng sinh động.

Là cu cậu mặc áo mới màu đỏ chạy lon ton trên các con đường. Là các cụ già tay chống gậy lưng bước lom khom. Hay là các cô thiếu nữ thôn quê vô cùng xinh tươi trong chiếc ướm thắm duyên dáng và rụt rè. Đó cũng là hình ảnh của các em bé còn rụt rè sợ hãi mà nép người bên phía tay mẹ… Tất nhiên bức tranh sẽ kém phần sống động nếu thiếu đi hình ảnh của các đàn bò, lợn, gà đi chợ Tết. Trông chúng mới ngộ nghĩnh biết làm sao.

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
…….
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Đoạn thơ cuối, ta có thể thấy được một bức tranh rất đỗi thân quen của ngày Tết những năm tháng cũ. Đó cũng chính là cái hay và cái tài tình của nhà thơ.

Với Chợ Tết Đoàn Văn Cừ đã thành công trong việc chuyển tải không khí Tết đầy hồn nhiên vui tươi. Ở đó có sự chuyển động của không gian, con người và màu sắc. Đó là nét hồn nhiên và bộn bề nhưng lại đậm chất giản dị của cuộc sống. Với thơ ông ta cảm nhận được con người là trung tâm của mỗi khổ thơ và chính thời gian đã làm cho tác phẩm này thấm đượm một nền tảng văn hóa sâu xa.

Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Hay Đặc Sắc – Mẫu 3

Bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã ghi lại một cách sinh động, mang đầy tâm trạng của một con người trước cảnh chợ ngày Tết – mà nơi đó phô bày những nét đẹp hồn nhiên, sâu xa của hồn quê…

Càng lùi xa theo dòng năm tháng, “Chợ Tết” càng được người đọc quý mến trước một tấm hình ghi lại một cách sống động cảnh sinh hoạt tiêu biểu của làng quê và chỉ có chốn làng quê mới có được cảnh sắc hồn hậu này.

Chợ được bắt đầu nhóm họp vào lúc trời còn mờ sương. Mở đầu là cảnh sáng sớm, mọi người náo nức đến chợ trong niềm vui lan sang cùng cây cỏ, đất trời: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp mái nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng đi chợ tết”.

Từng mảng sắc màu thiên nhiên đan xen vào nhau, tạo cho cảnh vật có một không gian đầy vẻ thanh bình, yên ắng. Màu mây trắng đỏ dần, sương có màu hồng lam, con đường viền trắng, đồi màu xanh – chỉ bốn câu thơ mà đã có sáu màu hòa lẫn.

Thơ Đoàn Văn Cừ giàu màu sắc tươi vui bởi tâm hồn ông gắn bó máu thịt cùng đồng quê, làng xóm… Cách tả cái nắng của ông cũng có nhiều khác lạ. Nắng ở đây xao động; trong nắng lại có gió và màu vàng của nắng trộn lẫn cùng màu xanh của đồng lúa tạo nên màu “nắng tía” lung linh, sống động (Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa).

Sức sống của mùa xuân thật kỳ diệu! Nó biến giọt sương mai thành giọt sữa nồng nàn, cội nguồn của sự sống (Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa). Nó làm cho cả núi cả đồi cũng thi nhau làm duyên khi xuân về (Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh).

Nói đến chợ, đặc biệt là chợ ngày tết là nói đến không gian sắc màu. Nếu ở trên miêu tả sắc màu thiên nhiên thì ở đoạn dưới là sắc màu của trăm hồng ngàn tía của cuộc sống đời thường khoe sắc trong nắng ban mai. Toàn bài thơ có tới hai mươi ba màu khác nhau nhưng cùng tô điểm thêm cho ngày chợ tết thanh bình, náo nhiệt.

Trẻ con thích cùng người lớn đi chợ tết vì được ngắm thỏa thích những món hàng, đồ vật mà nhiều khi chỉ trong chiêm bao mới thấy. Nếu tuổi ấu thơ của Nguyễn Duy “níu váy bà đi chợ Bình Lâm” thì mấy cậu nhóc ngày xưa cũng cùng tâm trạng khi được đi chợ chung trong đoàn người: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ”.

Mỗi đứa trẻ đều có nét thần sắc riêng, những nét sắc sảo riêng mà chỉ có tác giả “Chợ tết” mới cảm nhận được qua từng hành động, cử chỉ (thằng cu – chạy lon ton, cụ già chống gậy bước lom khom; riêng cô gái còn e ấp, còn ngại ngùng khi đến giữa đám đông nên “che môi cười lặng lẽ”).

Một hình ảnh hết sức độc đáo, thật ngộ nghĩnh, chắc chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng tác giả kịp thời ghi lại được (Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau).

Nắng sớm đã lên và cảnh họp chợ diễn ra thật ồn ào, náo nhiệt. Miêu tả làm sao cho người đọc thấy được cảnh chen lẫn, cảnh nhốn nháo, đông đúc của toàn cảnh nhưng lại đặc tả được chi tiết ở từng người, từng vật; thấy được cả tập quán, phong tục đến đặc tính của mỗi hạng người là điều không dễ dàng chút nào! Vậy mà người đọc vẫn không chán, vẫn hồi hộp, mê say dõi theo chợ tết từ lúc họp cho tới lúc vãn chợ.

Chợ quê bây giờ hãy còn nhưng cảnh sắc chợ quê xưa hầu như dần vắng bóng. Đâu rồi những háo hức, những đợi chờ ngày tết đến để được đi chợ cùng mẹ, cùng bà. Đâu rồi những năm tháng ấu thơ, nghe mùi hương trầm biết tết thấp thoáng về bên cửa? Đâu rồi những thôn nữ chợ quê “ôm nhau cười rũ rượi”, tiếng cười hồn nhiên còn vọng tới bây giờ?

Đọc lại “Chợ tết”, ta nghe hồn quê gọi về trong gió. Hồn quê một thuở có còn không? Hồn quê vẫn mãi mãi còn, bởi dù chốn thị thành không cây đa, bến nước – nhưng mỗi người khi bước chân vào thị thành đô hội, nhìn kỹ lại vẫn thấy gót chân mình còn vương vệt bùn của đất Mẹ ngàn năm…

Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Tiêu Biểu – Mẫu 4

Những ngày giáp Tết là những ngày rất bận rộn nhưng cũng rất vui tươi, náo nhiệt với biết bao công việc chuẩn bị cho đón chào năm mới trong đó có việc đi chợ Tết.

Đã từ rất lâu rồi, việc đi chợ tết không chỉ đơn thuần là để mua bán, sắm sửa những thứ cần thiết cho ngày tết mà còn là một thú vui tao nhã để thưởng ngoạn, được đắm chìm trong không khí Tết đang đến gần. Đó cũng được xem như một nét văn hoá rất đặc sắc trong đời sống của người Việt. Xin hãy cùng chúng tôi sống lại không khí đó qua bài thơ Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.

Phải nói ngay rằng bài thơ là sự tái hiện một phiên chợ Tết bất hủ của Đoàn Văn Cừ và nó đã là hình ảnh đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả như một bức tranh toàn bích chỉ có thể tìm thấy ở làng quê Việt Nam ngày xưa. Đó chính là cái hồn quê dân tộc. Ở đó người đọc cảm nhận được một hồn thơ dạt dào sức sống, rất chân thực nhưng cũng đầy thi vị và lãng mạn. 

Khổ đầu của bài thơ ngay từ những câu thơ đầu tiên tác giả đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về một buổi sáng sớm tinh mơ khi cả làng chìm trong ánh bình minh. Ở đây bằng sự quan sát rất tinh tế như một hoạ sĩ tài hoa, tác giả đã dựng lại một bức tranh về một làng quê tuy rất dân dã, thân thuộc nhưng cũng rất thơ mộng thông qua các hình ảnh vô cùng tiêu biểu, đẹp đẽ, sống động.

Đặc biệt các hình ảnh đó được tác giả dùng nghệ thuật nhân hoá làm cho cảnh vật trở nên có hồn bằng các từ như sương trắng thì “đỏ dần”, sương hồng lam thì “ôm ấp”, con đường “viền trắng” mép đồi, tia nắng “nháy hoài”, núi “uốn mình”, đồi “thoa son”…Điều đó làm cho chúng ta cảm nhận rất rõ về sự chuyển động của không gian và thời gian, bức tranh quê càng ngày càng sáng dần lên.

Trên nền bức tranh ấy là sự xuất hiện của con người. Đó là đoàn người từ các ấp “tưng bừng ra chợ Tết” với tâm trạng rất “vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc”. Đó là những “thằng cu áo đỏ chạy lon ton” chắc là chúng vui lắm vì được mặc áo mới theo người lớn ra chợ.

Đó là các cụ già “chống gậy bước lom khom”, họ là những bậc cao niên, từng trải nên dáng điệu có vẻ khoan thai đĩnh đạc. Các “cô yếm thắm” thì có vẻ thẹn thùng, e lệ, làm duyên giữa chốn đông người nên “che môi cười lặng lẽ”. Còn em bé kia chắc lần đầu được theo mẹ đi chợ nên còn ngượng ngùng “nép đầu bên yếm mẹ”.

Chỉ những nét chấm phá thế thôi nhưng đó là những hình ảnh rất chọn lọc, rất tiêu biểu, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã phác thảo một bức tranh quê tuyệt mỹ, lay động lòng người nhất là những người lớn tuổi đã từng sinh ra và lớn lên trong các làng quê như thế mà ngày nay chúng ta không còn tìm thấy ở các làng quê Việt Nam.

Tác giả dành nhiều sự quan sát để miêu tả các hoạt động diễn ra ra trong phiên chợ Tết. Đó là cảnh “người mua bán ra vào đầy cổng chợ”. Ở đây chúng ta được thưởng thức 10 cảnh rất vui về hoạt động của con người với những âm thanh, cử chỉ cùng sắc màu. Và điều đặc biệt là những sản vật, hàng hoá được mang ra chợ để mua bán trao đổi đều là những thứ đặc trưng của ngày Tết, thế cho nên mới gọi là “CHỢ TẾT”. 

“Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gáp ghi chép lấy thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu. Gần đây đã có một ít nhà văn viết tiểu thuyết ưa thuật chuyện đồng quê nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Những đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không thể diễn ra được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ.”

Quả đúng như vậy, bài thơ viết về “chợ Tết” ở một miền quê dân dã ra đời cách đây đã 80 năm vẫn được coi là bài thơ tiêu biểu nhất luôn sống mãi trong tâm trí người đọc qua biết bao thế hệ.

Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Chợ Tết Ấn Tượng – Mẫu 5

Mùa xuân đã về trên khắp các thôn, bản quê hương. Những ngày xuân tràn đầy sức sống mới, những người yêu văn hoá dân gian lại bồi hồi nhớ về Tết cổ truyền xưa qua những vần thơ trong bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.

Mở đầu bài thơ, ông miêu tả một ngày mới bắt đầu nơi thôn dã. Dải mây trắng trên đỉnh núi đang đỏ dần lên. Làn sương sáng được ánh mặt trời rọi chiếu như viên ngọc hồng lam đang ôm ấp nóc nhà gianh nơi thôn xóm. Những con đường quê uốn lượn ở mép đồi như những dải lụa màu xanh đưa bước chân người các ấp hớn hở, tưng bừng đi chợ Tết.

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
…..
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Chỉ với vài câu thơ, Đoàn Văn Cừ đã làm lột tả được cái hồn của con người quê:

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
…..
Con bò vàng nghộ nghĩnh đuổi theo sau

Trong những bước chạy “lon xon” của các cậu bé là cả một tâm trạng háo hức, một niềm vui ngây thơ của trẻ nhỏ trong ngày chợ Tết được mặc áo mới, được chơi đùa thoả thích. Hành động “nép đầu bên yếm mẹ” miêu tả sự rụt rè, nhút nhát, bỡ ngỡ của những em nhỏ thôn quê lần đầu được đến với một phiên chợ Tết thấy bao điều mới mẻ, lạ lẫm…

Người xen cảnh, cảnh xen người, người đọc chưa kịp hình dung hết vẻ đẹp của cảnh vật đã bị cuốn vào thế giới sinh hoạt rộn rã, hối hả nhưng cũng rất tưng bừng “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”.

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Đọc và cảm nhận bài thơ, tôi như lạc vào một bức tranh dân gian Đông Hồ đẹp và sinh động. Nếu như nghệ sĩ tranh dân gian dùng màu vẽ lấy từ những gì mộc mạc nhất của tự nhiên thì, Đoàn Văn Cừ cũng lấy chất liệu từ đời sống dân gian hết sức mộc mạc.

Ông đã tạo nên bức tranh chỉ với những nét phác thảo giản dị nhưng đầy màu sắc về bối cảnh một phiên chợ Tết tươi vui, ngộ nghĩnh. Đồng thời, đem đến cho người đọc sự khát khao một lần được tham gia vào phiên chợ quê truyền thống, được ngắm “những mẹt cau đỏ chót tựa son pha”, hoà mình vào không khí Tết cổ truyền mà nhịp sống hiện đại đã làm mai một đi phần nào nét văn hoá đẹp đó.

Xem thêm nội dung 🍀 Kể Chuyện Khát Vọng Sống 🍀 Nội Dung, Ý Nghĩa, Soạn Bài

Viết một bình luận