Nội Dung Truyện Ngắn Điều Không Tính Trước Lớp 6, Ý Nghĩa, Giá Trị, Tóm Tắt, Phân Tích, Sơ Đồ Tư Duy, Gợi Ý Soạn Bài, Giáo Án Chi Tiết.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Tác Phẩm Điều Không Tính Trước
“Điều Không Tính Trước” là một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được in trong tập “Út Quyên và tôi” xuất bản năm 2019.
Tóm tắt nội dung:
- Câu chuyện xoay quanh những hiểu lầm và mâu thuẫn giữa các nhân vật chính, đặc biệt là nhân vật “tôi” và Nghi. Từ một pha bóng hiểu lầm, nhân vật “tôi” đã ghét Nghi và có ý định trả thù. Tuy nhiên, qua những sự việc xảy ra, các nhân vật dần hiểu và thông cảm cho nhau hơn, từ đó xây dựng được tình bạn đẹp.
Giá trị nội dung và nghệ thuật:
- Giá trị nội dung: Tác phẩm đề cao tình bạn, sự thấu hiểu và lòng khoan dung giữa con người với nhau.
- Giá trị nghệ thuật: Sử dụng ngôi kể thứ nhất, kết hợp giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm, giúp câu chuyện trở nên sinh động và gần gũi với người đọc
Nội Dung Truyện Ngắn Điều Không Tính Trước
Nội dung truyện ngắn Điều không tính trước kể về việc giải quyết một mâu thuẫn trong trận bóng giữa nhân vật tôi và Nghi. Muốn đọc chi tiết thì hãy xem ngay phần chia sẻ sau đây.
Điều không tính trước
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Tôi chuẩn bị đánh nhau.
Thoạt đầu tôi định lấy con dao của mẹ tôi làm vũ khí nhưng khi sờ đến cái lưỡi thép to bản và mát lạnh của nó tôi đâm ra sờ sợ làm sao! Con dao bén ngọt này mà vung lên một phát là chặt đứt tay địch thủ như chơi, có khi lại đứt phăng cả cổ không chừng! Eo ơi, sợ quá!
Tôi không lấy con dao nữa. Tôi vào phòng chị Hồng và tìm thấy cái kéo. Tôi mân mê cái kéo một hồi rồi lại bỏ xuống. Cái kéo nhọn quá, mà tôi thì lại không dám đâm thủng bụng thằng Nghi. Tôi chỉ muốn “giã” nó một trận đau thật đau thôi. Phải đánh nó để nó chừa cái tật ăn gian.
Chả là cách đây năm hôm, trong trận bóng giao hữu giữa lớp tôi và lớp nó nhân dịp kết thúc năm học, khi nhận được đường chưyền của thằng Phước, tôi lướt xuống sút vào gôn đội nó một quả tuyệt đẹp thì nó la toáng lên bảo tôi bị việt vị. Rõ ràng khi tôi nhận bóng thì trước mặt tôi còn đến hai hậu vệ của đội nó, vậy mà thằng Nghi cứ khăng khăng không công nhận bàn thắng của tôi. Ức nhất là lúc đó bên tôi đang bị dẫn trước một bàn. Thế là hai bên bỏ mặc trái bóng nằm lăn lóc trên sân, xúm lại cãi cọ. Rốt cuộc, không ai chịu ai, hai bên đều gom mũ áo giày dép hậm hực ra về.
Đã vậy, trước khi bỏ đi thằng Nghi còn nhe răng trêu tôi:
-Lần sau đừng “ăn cắp trứng gà” nữa nghen!
Ý nó bảo tôi giỏi tài nấp sẵn ở sân đối phương đề rình cơ hội ghi bàn “bất hợp pháp”. Trong khi bọn tôi giận tím mặt thì phe thằng Nghi cười lên hô hố.
“Được rồi, nếu mày muốn gây sự, ông sẽ cho mày biết tay!” – Tôi lẩm bẩm trong miệng và tiếp tục đi tìm “vũ khí”. Tôi lục lọi ngăn kéo của chị Hiền. Ngăn kéo của chị Hiền chỉ toàn là bánh kẹo và trái cây, chẳng có thứ nào có thể dùng đánh nhau cả. Chẳng lẽ lại dùng trái cây chọi địch thủ?
Cuối cùng tôi tìm thấy “vũ khí” trong hộp đồ nghề của anh Nghĩa. Thoạt đầu, tôi định lấy cây buá, nhưng sau khi rờ rẫm cục sắt cẩn thận, tôi biết đầu thằng Nghi không thể nào chịu đựng nổi một “vũ khí” như thế này. Thế là rốt cuộc tôi chọn cái kềm. Thật chả có thứ “vũ khí” nào lý tưởng hơn. Nó vừa nhẹ vừa gọn, cất trong túi quần chả có chú công an nào phát hiện ra. Nó cũng chẳng làm địch thủ thủng bụng hay đứt đầu. Khi vật ngã thằng Nghi xuống đất, tôi sẽ rút kềm ra kẹp vào bắp vế nó cho nó sợ chơi. Thật là tuyệt!
Tôi đang lấy giấy nhám đánh bóng cái kềm thì thằng Phú, cháu tôi mới năm tuổi, sà lại: -Cậu làm gì đấy?
-Cậu chuẩn bị đi đánh nhau.
Nó trố mắt:
-Đánh nhau à?
-Ừ, đánh nhau.
-Đánh nhau thật hả cậu? – Nó lại hỏi.
-Chứ chẳng lẽ đánh chơi!
-Cậu đánh nhau với ai vậy?
-À…à…cậu đánh nhau với…một tên khổng lồ.
Nó rụt vai:
-Eo ôi! Tên khổng lồ! Cháu sợ lắm!
Tôi nghiến răng:
-Cậu sẽ chặt đầu nó đem về cho cháu xem!
-Thế cậu đã có viên ngọc chưa?
Tôi ngạc nhiên:
-Viên ngọc nào?
-Viên ngọc dùng để ngậm trong miệng cho tên khổng lồ không nhìn thấy mình ấy mà! Như trong truyện ấy!
-À…cậu cóc cần viên ngọc, cậu sẽ dùng cái kềm này bẻ răng nó.
Thằng bé tỏ vẻ ngờ vực:
-Răng nó dài lắm, cậu bẻ không nổi đâu!
-Nổi!
-Không nổi! Nó sẽ ăn thịt cậu mất!
Sự bướng bỉnh của thằng cháu khiến tôi nổi đóa:
-Chính cậu mới là người ăn thịt nó! Thôi, mày đi chơi đi, đừng quấy rầy tao nữa! Không khéo tao cho một đá bây giờ! Đi!
Tôi vung cái kềm lên khiến thằng cháu ôm đầu chạy mất. Vừa chạy nó vừa mếu máo:
-Cháu méc mẹ cho coi!
-Cho mày méc!
Thật là xúi quẩy! Chưa ra trận đã có người trù ẻo rồi!
Tôi cầm tờ giấy nhám lên thì thằng Phước tới:
-Mày làm gì vậy? Định sửa xe hả?
Tôi nhún vai:
-Sửa xe cái khỉ mốc! Tao đang định đi đánh nhau với thằng Nghi!
Phước nheo mắt:
-Đánh nhau bằng cái kềm này à?
Nghe giọng điệu của nó, tôi khịt mũi:
-Kềm mà đánh nhau quái gì! Vũ khí của tao cất trong tủ kìa! Ác lắm!
Phước tò mò:
-GÌ vậy?
-Vũ khí hóa học! Rồi mày sẽ biết! Chiều nay mày có đi đánh nhau với tao không?
Phước tỏ vẻ đắn đo:
-Đánh nhau ấy à?
Tôi khích:
-Chẳng lẽ mày sợ thằng Nghi! Chính nó đã ăn gian trận bóng hôm nọ, lại còn chọc tức tụi mình nữa! Bỏ qua sao được!
Phước bị tôi khích tướng, bèn gật đầu:
-Đánh thì đánh! Tao mà sợ nó!
-Nhưng đi đánh nhau phải có vũ khí! – Tôi lên giọng đàn anh – Mày có súng không?
Phước tròn mắt:
-Súng hả? Tao làm gì có súng!
Tôi nhăn mặt:
-Không có súng mà đánh nhau quái gì! Thế mày có lựu đạn không?
Phước rụt cổ:
-Eo ơi, lựu đạn nổ một phát thì banh xác cã lũ! Tao sợ lắm!
Sợ thì đánh nhau thế quái nào được! Thế mày có gì nào? Có dao găm không?
-Không! Tao chẳng có vũ khí gì cả! Tao chỉ muốn chơi nhau bằng tay thôi!
-Hừ, vậy mà cũng gọi là đánh nhau! Một người lính gương mẫu bao giờ ra trận cũng mang theo vũ khí, mày hiểu không? Mày nhớ kỹ lại đi, ở nhà có vũ khí gì nào?
Phước “nhớ kỹ” một lát rồi reo lên:
-À, tao có cái ná thun, được không mày?
Tôi gật gù:
-Giàn thun chỉ để đánh nhau với bọn trẻ con thôi! Nhưng mà thôi, cũng được! Thế chiều nay mày nấp trong bụi cây ở ngã tư, còn tao sẽ đón đường thằng Nghi. Chiều nào nó cũng đi ngang ngã tư đó. Tao sẽ nói chuyện với nó. Mày nhớ theo dõi, khi nào tao vung tay lên khỏi đầu, mày sẽ bắn vào bụng nó. Lúc đó tao sẽ rút…vũ khí hoá học trong túi quần ra, xịt vào người nó, thế là nó lăn đùng ra đất.
Phước hồi hộp:
-Rồi sao nữa?
-Còn sao nữa! Nó chết chứ sao! Vũ khí hóa học xịt vào người, ai mà chịu nổi!
Phước tái mặt:
-Thôi, thôi, tao không đi với mày đâu! Đánh nhau mà chết người, tao sợ lắm!
Tôi tặc lưỡi:
-Đã đánh nhau thì phải có người chết kẻ sống chứ! Nhưng mà thôi, nếu mày sợ quá thì tao sẽ xịt què chân nó thôi, cho nó khỏi đá bóng luôn!
Trước khi về, Phước còn năn nỉ tôi:
-Mày nhớ xịt vũ khí hoá học gì đó ít ít thôi nghen, cho nó đi cà nhắc chừng ba bữa thôi!
Chiều đó, tôi và Phước nấp sẵn trong bụi cây ở ngã tư. Trong khi chờ đợi, tôi dặn nó đủ thứ “kỷ luật chiến trường”, nào phải giương súng…thun ra làm sao, nín thở như thế nào. Phước nghe theo răm rắp. Còn nó thì cứ luôn mồm dặn tôi nhớ xịt vũ khí hoá học ít ít một chút. Nó sợ tôi làm thằng Nghi què chân suốt đời.
Khi thấy bóng thằng Nghi xuất hiện từ xa, tôi bước ra đứng chặn giữa đường.
Thấy tôi, Nghi reo lên:
-Ủa, mày đi đâu đó? Tao đang đi tìm mày nè.
Chết cha! Vậy là nó đã chuẩn bị rồi! Chẳng biết nó đem theo vũ khí gì? Tôi thót bụng, hỏi:
-Mày tìm tao chi vậy?
Nghi thò tay vào túi quần. Thấy vậy, tôi cũng cho tay vào túi quần nắm chặt cái kềm, sẵn sàng đối phó.
Té ra “vũ khí” của Nghi là một cuốn sách nhỏ. Nó đưa sách cho tôi: -Đây là cuốn luật bóng đá của anh tao. Cho mày mượn đọc để mai mốt đá bóng mình khỏi phải cãi nhau nữa. Trong đó có ghi rõ luật việt vị đó!
Tôi đang ngơ ngác thì Nghi lấy trong túi áo ra mấy tờ giấy, huơ lên:
-Đi xem phim không?
-Vé xem phim hả?
-Ừ, bạn chị tao cho ba vé, chị tao không đi nên cho tao. Phim “Trộm mắt phật” hay lắm nghen mày!
-Đưa tao xem nào!
Tôi nói và rút tay ra khỏi túi quần, vô tình tôi lại lôi ra cả cái kềm.
-Mày đem kềm đi đâu vậy? – Nghi tò mò.
-À…à, lúc nãy tao sữa xe, rồi bỏ quên trong túi.
Nghi trầm trồ:
Cái kềm bóng quá hén! Mày cho tao mượn đi, xe tao cũng đang sút mấy con ốc.
Tôi đưa cái kềm cho Nghi và liếc lại phía bụi cây. Phước đang nhấp nhổm trong đó, tôi thấy đầu nó nhô lên hụp xuống liên hồi. Thấy tôi đưa “vũ khí hóa học” cho địch thủ nó càng hồi hộp tợn. Nó giương ná thun lên ra ý hỏi, tôi bèn khoát tay bảo thôi. Nhưng chắc nó tưởng tôi ra hiệu “khai hỏa” liền kéo thật căng sợi thun, chuẩn bị bắn. Tôi hoảng hốt vội nhảy tới một bước, đứng chắn giữa nó và Nghi. Thấy điệu bộ lạ lùng của tôi, Nghi thắc mắc:
-Mày làm gì vậy?
-À…không! – Tôi ấp úng.
Nghi nhìn về phía bụi cây:
Có gì đằng đó vậy?
Biết không thể giấu được, tôi đành đáp:
-Thằng Phước! Nó đang rình bắn chim!
Và tôi quay về phía bụi cây la lớn:
-Ra đi, Phước ơi! Con chim của mày bay mất rồi!
Phước cầm giàn thun lò dò bước ra:
-Tụi mày nói chuyện lớn quá làm con chim bay mất, uổng thiệt!
Nghi vỗ vai nó, an ủi:
-Thôi, bỏ con chim đi! Bây giờ ba đứa mình đi xem phim “Trộm mắt phật”.
Phước khịt mũi:
-Phim hay không mày?
-Tuyệt! Có hoàng đế Ama và tên trộm Abu, hay lắm!
-Hai tay này đánh nhau hả?
Nghi ngơ ngác:
-Đánh nhau gì?
-Thì đánh nhau chứ đánh nhau gì! Đánh nhau bằng “vũ khí hóa học” đó!
Nói xong, Phước nhìn tôi cười hích hích khiến tôi đỏ cả mặt.
Nghi chẳng hiểu gì cả, nó choàng vai tôi và Phước kéo đi:
-Không có đánh nhau đâu! Hai nhân vật này là bạn thân với nhau, một tình bạn chân thành và tuyệt đẹp!
Nắng chiều hắt bóng ba đứa xuống mặt đường thành một khối, giống như người khổng lồ trong truyện cổ, người khổng lồ mà cháu tôi đã nói “cậu không thắng nổi đâu”.
Đọc thêm 🌹Truyện Cổ Nước Mình Lớp 6 🌹Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích
2 Mẫu Tóm Tắt Bài Điều Không Tính Trước
Mẫu Tóm tắt bài điều không tính trước lớp 6 ngắn gọn nhất:
Câu chuyện kể về nhân vật “tôi” và những hiểu lầm với bạn cùng lớp tên Nghi. Ban đầu, “tôi” có ác cảm với Nghi do một pha bóng vô tình khiến “tôi” bị thương. Từ đó, “tôi” luôn tìm cách trả thù Nghi. Tuy nhiên, qua những sự việc xảy ra, “tôi” dần nhận ra rằng Nghi không hề có ý xấu và hai người bắt đầu hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Cuối cùng, họ trở thành bạn tốt của nhau.
Mẫu 2 Tóm tắt truyện ngắn “Điều Không Tính Trước”:
Không phục vì bị Nghi cho là mình phạm lỗi việt vị trong trận bóng giao hữu, “tôi” quyết định đánh nhau để giành lại công bằng, thậm chí còn chuẩn bị sẵn vũ khí và rủ thêm Phước làm đồng bọn, nấp sẵn trong bụi cây đánh lén hòng muốn cho Nghi một trận nhớ đời.
Thế nhưng khi gặp nhau, hành động của Nghi đã làm cả hai chú bé bất ngờ, Nghi đưa ra một cuốn sách về luật bóng đá để “tôi” đọc tham khảo, còn rủ hai người bạn cùng đi xem phim. “Tôi” và Phước thấy thế bỗng nhiên nguôi giận, không còn muốn đánh nhau nữa, cả ba lại hòa đồng vui vẻ.
Về Nhà Văn Nguyễn Nhật Ánh
- Tên: Nguyễn Nhật Ánh (1955)
- Quê quán: Quảng Nam
- Sự nghiệp văn học:
- Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
- Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
- Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995). Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất.
- Tác phẩm chính: Kính vạn hoa (bộ truyện 54 tập, 1995-2002: 45 tập, 9 tập viết thêm sau), Mắt biếc (truyện dài, 1990), Cô gái đến từ hôm qua (truyện dài, 1989), Ngồi khóc trên cây (truyện dài, 27.6.2013), Cây chuối non đi giày xanh (truyện dài, 7.1.2018), Trước vòng chung kết (truyện dài, 1984), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (truyện, 1.2008),..
Đọc hiểu tác phẩm🌼 Con Chào Mào 🌼 Nội Dung, Giá Trị, Phân Tích
Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Điều Không Tính Trước
Truyện ngắn Điều không tính trước được in trong tập Út Quyên và tôi, nằm trong chương 1 của tập truyện này, được xuất bản bởi NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019. Tập truyện ngắn “Út Quyên và Tôi” với 12 câu chuyện là 12 niềm vui, 12 kỉ niệm dễ thương, 12 bài học giản dị mà sâu sắc…
Chia sẻ thêm 🌷 Chuyện Cổ Tích Về Loài Người 🌷 Những mẫu phân tích hay nhất
Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Điều Không Tính Trước
Nhan đề tác phẩm Điều không tính trước do người biên soạn đặt, ý muốn nói về một kết quả mà trước đó các nhân vật chưa ngờ tới, không nghĩ kết quả sẽ đi theo chiều hướng khác với dự tính ban đầu. Và điều không tính trước ở đây đó là họ cùng nhau đi xem phim và trờ thành bạn bè với nhau thay vì đánh nhau.
Bố Cục Điều Không Tính Trước
Bố cục Điều không tính trước được chia thành 3 phần như sau:
- Phần 1: Từ đầu đến “hộp đồ nghề của anh Nghĩa”: nguyên nhân dẫn đến tâm trạng uất ức và muốn đánh nhau của nhân vật “tôi”
- Phần 2: tiếp theo đến ”thế là nó lăn đùng ra đất”: sự chuẩn bị cho cuộc đánh nhau của nhân vật “tôi” cùng đồng bọn
- Phần 3: còn lại: hành động bất ngờ của Nghi và sự giảng hòa của ba đứa trẻ
Tìm hiểu thêm về 🌼 Truyện Bánh Chưng Bánh Dày 🌼 Nội Dung , Giá Trị, Phân Tích
Đọc Hiểu Văn Bản Điều Không Tính Trước
1. Nguyên nhân và sự chuẩn bị cho trận đánh nhau:
– Tình huống dẫn đến ý định đánh nhau: Bàn thắng của tôi không được công nhận lại còn bị đám thằng Nghi trêu chọc, gây sự.
– Chú ý các lời đối thoại của hai nhân vật, từ đó có thể thấy rõ hơn đặc điểm nhân vật” tôi”
– Qua những lời đối thoại của hai nhân vật, từ đó có thể thấy được nhân vật tôi là người hiếu thắng, dễ xúc động:
- Bên tôi đang bị dẫn trước một bàn.
- “Được rồi, nếu mày muốn gây sự, ông sẽ cho mày biết tay!”.
- Cuối cùng, tôi tìm thấy “vũ khí” trong hộp đồ nghề của anh Nghĩa.
- “Chiều nay màu Có đi đánh nhau với tao không?”
- Tôi khích “Chẳng lẽ màu sợ thằng Nghi! Chính nó đã ăn gian trận bóng hôm nọ, lại còn chọc tức tụi mình nữa! Bỏ qua sao được!”.
2. Điều không lường trước khi giải quyết mâu thuẫn:
– Điều không tính trước trong câu chuyện là: Nghi tìm gặp nhân vật tôi để đưa Cuốn sách và rủ đi xem phim.
=> Qua đó em thấy nhân vật Nghi là người vui vẻ, bình tĩnh, không chấp nhặt.
Giá Trị Tác Phẩm Điều Không Tính Trước
Lưu lại ngay giá trị tác phẩm Điều không tính trước sau đây nhé!
Giá trị nội dung
- Tác phẩm cho thấy tình bạn bền chặt, khăng khít được xây dựng từ những gì chân thành, bao dung và độ lượng nhất. Sự rộng lượng và không chấp nhặt của Nghi đã khiến “tôi” và Phước buông bỏ sự căm ghét, thù hận để cùng nắm tay nhau vui vẻ, hòa đồng như những người bạn thật sự.
- Đồng thời giúp con người ta nhận ra trong cuộc sống nên chân thành, nhẫn nhịn và có lòng bao dung với mọi người.
Giá trị nghệ thuật
- Xây dựng tình huống truyện bất ngờ, gây hài hước, kịch tính
- Kể chuyện theo ngôi thứ nhất cùng việc miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng chân thực.
- Kết hợp tự sự, miêu tả, biểu cảm
- Văn phong gần gũi, phù hợp với học sinh
Đọc hiểu🌱 Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh 🌱 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích
Soạn Bài Điều Không Tính Trước Lớp 6
Gợi ý cách soạn bài Điều không tính trước theo các câu hỏi trong sách:
👉Câu 1 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 2: Câu chuyện được kể theo ngôi nào? Dẫn ra một ví dụ về lời người kể chuyện và lời nhân vật trong truyện Điều không tính trước.
Đáp án:
– Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất.
– Dẫn ra một ví dụ trong truyện Điều không tính trước về:
- Lời người kể chuyện: Tôi chuẩn bị đánh nhau; Ý nó bảo tôi giỏi tài nấp sắn ở sân đối phương để rình cơ hội ghi bàn “bất hợp pháp”.
- Lời nhân vật: Nghi – Lần sau đừng “ăn cắp trứng gà” nữa nghen!; Phước – Đánh nhau ấy à?…
👉Câu 2 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 2: “Điều không tính trước” trong câu chuyện là điều gì? Qua đó, em thấy nhân vật Nghi là người thế nào?
Đáp án:
– “Điều không tính trước” trong câu chuyện là không xảy ra vụ đánh nhau nảy lửa mà thay vào đó là giải quyết khúc mắc và cùng nhau đi xem phim. Qua đó, em thấy nhân vật Nghi tuy là người nóng giận, trêu chọc ở trận đá bóng thế nhưng lại suy nghĩ thấu đáo, tìm cách giải quyết vấn đề cùng tốt cho hai bên, tốt bụng.
👉Câu 3 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 2: Nhân vật “tôi” trong truyện là người như thế nào? Hãy chỉ ra một số chi tiết (hình dáng, lời nói, suy nghĩ, hành động,…) mà nhà văn đã dùng để khắc họa đặc điểm nhân vật “tôi”.
Đáp án:
- Nhân vật “tôi” trong truyện là người dễ xúc động, cáu giận, nông nổi những cũng rất tốt bụng.
- Một số chi tiết (hình dáng, lời nói, suy nghĩ, hành động,…) mà nhà văn đã dùng để khắc họa đặc điểm nhân vật “tôi”:
- Đi tìm vũ khí trả thù lại Nghi: Được rồi, nếu mày muốn gây sự, ông sẽ cho mày biết tay!
- Rủ Phước tham gia trận chiến trả thù cùng mình cùng với những lời nói khiêu khích: Chẳng lẽ mày sợ thằng Nghi… Bỏ qua sao được!…
- Khi nhìn thấy Phước chuẩn bị “khai hỏa” thì ngay lập tức đứng chắn giữa Phước và Nghi.
👉Câu 4 trang 75 SGK Ngữ văn 6 tập 2: Điều gì tạo nên sự hấp dẫn trong phần kết thúc của câu chuyện (phần 4).
Trả lời: Điều tạo nên sự hấp dẫn trong phần kết thúc của câu chuyện đó chính là họ cùng nhau đi xem phim và trờ thành bạn bè.
👉Câu 5 trang 75 SGK Ngữ văn 6 tập 2: Theo em, qua câu chuyện, tác giả muốn ca ngợi hay phê phán điều gì? Điều gì đối với em là thấm thía và sâu sắc nhất? Vì sao?
Trả lời:
Theo em, qua câu chuyện, tác giả muốn phê phán sự nóng giận, hành động thiếu suy nghĩ hay việc lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề; ca ngợi cách giải quyết thấu đáo, bằng lí lẽ, cùng nhau gắn kết tạo mối quan hệ tốt đẹp. Đối với em điều thấm thía và sâu sắc nhất đó chính là phê phán việc lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề. Vì đây là một hành vi, ý định, suy nghĩ xấu, không tốt đẹp. Nếu ai ai cũng lựa chọn làm theo điều đó thì toàn bộ thế giới này chỉ có bạo lực, mọi người sẽ không sống yên ổn hay yêu thương nhau nữa.
👉Câu 6 trang 75 SGK Ngữ văn 6 tập 2: Em hiểu như thế nào về kết thúc truyện: “Nắng chiều hắt bóng ba đứa xuống mặt đường thành một khối, giống như người khổng lồ trong truyện cổ […]”?
Trả lời:
Theo em, kết truyện mang đến một ý nghĩa nhân văn về sự đoàn kết trong tình bạn. Thay vì đánh nhau, gây ra hận thù ghen ghét thì cả ba bạn cùng đoàn kết, kết bạn với nhau, chơi với nhau để đem lại niềm vui, hạnh phúc. Từ đó cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn trong cuộc sống.
Giáo Án Điều Không Tính Trước Lớp 6
Các thầy cô giáo có thể tham khảo cách soạn giáo án Điều không tính trước sau đây.
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC
1.Kiến thức: Củng cố khắc sâu kiến thức về văn bản Điều không tính trước mà các em đã được học thông qua các hệ thống câu hỏi và các phiếu học tập để ôn luyện…
2. Năng lực
a. Năng lực chung:
- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về văn bản đã học
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.
b. Năng lực riêng:
- Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Điều không tính trước.
- Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về văn bản Điều không tính trước.
- Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản.
- Năng lực phân tích, so sánh đặc điểm nghệ thuật của văn bản với các văn bản có cùng chủ đề.
c. Phẩm chất:
- Chăm chỉ: Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.
- Trách nhiệm: Có ý thức tham gia thảo luận nhóm để thống nhất vấn đề. Xây dựng thái độ hòa nhã khi tham gia làm việc nhóm. Có trách nhiệm trong việc trình bày lắng nghe và phản biện.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
- Học liệu: Ngữ liệu/ Sách giáo khoa, phiếu học tập.
- Thiết bị: Máy tính, máy chiếu.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
- Khởi động
- Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
- Nội dung: HS trả lời câu hỏi.
- Sản phẩm: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữ.
- Tổ chức hoạt động:
- GV đặt câu hỏi gợi dẫn: Trong cuộc sống, đã bao giờ em ân hận vì hiểu nhầm lòng tốt của người khác chưa? Hãy kể vắn tắt truyện ấy.
- HS chia sẻ, trả lời câu hỏi.
- GV dẫn vào bài học: Đôi khi những việc tốt của bạn bè, người thân lại khiến chúng ta hiểu nhầm. Truyện Điều không tính trước là một câu chuyện cảm động về sự hiểu nhầm ấy.
HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
- Mục tiêu: Hệ thống lại và nắm vững những nội dung chính của văn bản Điều không tính trước.
- Nội dung: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
NV1: Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS nêu lại những nét chính về tác giả, tác phẩm. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – HS chuẩn bị trả lời trước lớp. Bước 3: Báo cáo kết quả – GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá – GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. NV2: Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV đặt câu hỏi: + Vì sao nhân vật “tôi” lại muốn đánh nhau với Nghi? + Theo em, hành động không chịu công nhận bàn thắng của Nghi có đúng không? Nếu là em, em sẽ hành xử như thế nào? + Nêu kế hoạch mà nhân vật tôi cùng Phước đã đặt ra để cho Nghi “biết tay”. + Nhân vật “tôi” và Phước cuối cùng có thực hiện kế hoạch không? Vì sao? Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – HS suy nghĩ, trả lời câu hỏi. Bước 3: Báo cáo kết quả – GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá – GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. NV3: Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV lần lượt đặt câu hỏi: + Ban đầu Nghi có những biểu hiện và thái độ như thế nào? Em có nhận xét gì về biểu hiện và thái độ đó? + Hành xử của Nghi lúc sau có gì thay đổi? + Từ hành động lúc đầu và lúc sau, em thấy nhân vật Nghi là người như thế nào? + Kết truyện, cả ba bạn cùng đi chơi với nhau. Điều đó có ý nghĩa gì? Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – HS thảo luận, chuẩn bị trả lời câu hỏi. Bước 3: Báo cáo kết quả – GV mời một số HS trả lời trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá – GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. NV4:Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS tổng kết nội dung và nghệ thuật của văn bản. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả – GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá – GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | I. Tìm hiểu chung 1. Tác giả – Nguyễn Nhật Ánh (1955), Quảng Nam. – Là nhà văn của thiếu nhi. 2. Tác phẩm – Xuất bản năm 1988 – In trong tập Út Quyên và tôi. – Thể loại: truyện ngắn – Ngôi kể: Ngôi thứ nhất – PTBĐ: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. – Bố cục: 2 phần: + Phần 1: Từ đầu đến “hộp đồ nghề của anh Nghĩa”: nguyên nhân dẫn đến tâm trạng uất ức và muốn đánh nhau + Phần 2: tiếp theo đến ”thế là nó lăn đùng ra đất”: sự chuẩn bị cho cuộc đánh nhau của nhân vật “tôi” + Phần 3: phần còn lại: hành động bất ngờ của Nghi và sự giảng hòa của những đứa trẻ II. Kiến thức trọng tâm 1. Nhân vật Tôi – Nguyên nhân của sự việc đánh nhau: pha bóng việt vị – Tâm trạng: ức chế vì không được công nhận bàn thắng, giận tím mặt.- Suy nghĩ: đánh nhau để cho đối phương “biết tay”. – Hành động: + Tìm vũ khí (chiếc kềm) + Rủ Phước cùng gia nhập + Lên kế hoạch đầy đủ * Nhân vật Tôi là người nóng giận, nông nổi, hiếu chiếu, muốn giải quyết mọi việc bằng bạo lực. – Khi gặp Nghi, nhân vật Tôi đã rơi vào tình huống “không tính trước” + Tâm trang: ngơ ngác, bất ngờ, lúng túng. + Bỏ vũ khí và ý định đánh nhau. + Khi Phước chuẩn bị bắn, đã “hoảng hốt vội nhảy tới một bước” để đứng chắn giữa Phước và Nghi * Tính cách nhân hậu, vị tha – Nhận xét: nhân vật tôi là một người nóng nảy, bốc đồng, hiếu thắng nhưng cũng là người nhân hậu, vị tha. – Tác giả thể hiện ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, am hiểu tâm lí lứa tuổi và cách tạo tình huống bất ngờ, hồi hộp và thú vị. 2. Nhân vật Nghi – Nhất quyết không công nhận bàn thắng. – Trước khi đi, nhe răng trêu và cười đội bạn – Sau trận đấu: + Tìm gặp bạn và đưa cuốn sách về bóng đá. + Đưa vé rủ đi xem phim + Choàng vai bạn và giải thích về nội dung của bộ phim *Cách cư xử gần gũi, chân tình với bạn. *Nhận xét: Nhân vật Nghi là một người rất vô tư, cởi mở và nhân hậu. III. Tổng kết bài học 1. Nội dung Văn bản kể về việc giải quyết một mâu thuẫn trong trận bóng giữa nhân vật tôi và Nghi. Mỗi người lại có những suy nghĩ và cách giải quyết khác nhau trước một vấn đề. Tuy nhiên, nếu như đoàn kết, giải quyết theo hướng tích cực thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn. 2. Nghệ thuật – Tình huống truyện với kết thúc bất ngờ, hồi hộp, tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện. – Kể chuyện theo ngôi thứ nhất cùng việc miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng chân thực, am hiểu trẻ thơ. |
HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG
- Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
- Nội dung: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập
- Sản phẩm: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
- Tổ chức thực hiện:
– GV tổ chức cho HS thi kể diễn cảm lại câu chuyện trước lớp/ diễn kịch.
+ Đối với việc kể chuyện, GV khuyến khích HS đóng vai nhân vật, kể theo ngôi thứ nhất. GV hướng dẫn HS:
- Cần kể lại câu chuyện đầy đủ nội dung, các sự kiện.
- Có thể sáng tạo để miêu tả thêm về hành động của các nhân vật.
Nhất định đừng bỏ qua 🔻 Truyện Thánh Gióng 🔻 Nội Dung, Giá Trị, Đọc Hiểu
Sơ Đồ Tư Duy Điều Không Tính Trước
Nhất định không nên bỏ qua các sơ đồ tư duy Điều không tính trước mà chúng tôi chia sẻ sau đây.
5 Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Hay Nhất
Sưu tầm các mẫu phân tích Điều không tính trước hay nhất, bạn cùng tham khảo nhé!
Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Hay – Mẫu 1
Văn bản Điều không tính trước kể câu chuyện về một lần tức giận, thậm chí có ý nghĩ muốn đánh nhau của nhân vật “tôi” dành cho người bạn của mình nhưng sau đó lại được hóa giải bằng một cuốn sách đã khiến nhiều độc giả bất ngờ. Nhưng hơn hết, cách ứng xử và hành vi của nhân vật Nghi đã gây ấn tượng mạnh với nhiều độc giả, trong đó có cả em.
Trong cuộc đời, chúng ta sẽ có rất nhiều người bạn, có những người chỉ vô tình lướt qua, nhưng cũng có những người sẽ trở nên thân thiết, tri kỉ, cũng có những người khiến ta cảm phục, yêu mến. Nhưng hơn hết, là những người bạn luôn bao dung, độ lượng với khuyết điểm và giúp ta sửa chữa. Nghi chính là một người bạn như thế.
Nghi, “tôi” và Phước là những người bạn cùng học, cùng tham gia đá bóng với nhau. Xích mích chỉ xảy ra khi Nghi không công nhận bàn thắng của “tôi” và Phước, và cả hai đội cãi nhau về luật việt vị. Thế nhưng, cách hành xử của Nghi sau đó đã khiến “tôi” và Phước nguôi ngoai, cả ba lại khoác vai nhau như những người bạn thân thiết.
Đầu tiên, em thấy Nghi là một người bạn rất vô tư và rộng lượng, không chấp nhặt. Cùng cãi cọ, xô xát trên trận bóng, trong khi Phước và “tôi” rất hậm hực, tức tối, không phục và khăng khăng cho rằng bản thân mình mới là người đúng, thậm chí còn chuẩn bị sẵn vũ khí để đánh nhau thì hành động của Nghi hoàn toàn khiến chúng ta bất ngờ. Nghi đi tìm “tôi”, nhưng không phải để phân bua, cãi cọ hay tệ hơn nữa là… đánh nhau.
Nghi mang theo một cuốn sách, không hề tính toán chuyện to tiếng trên sân bóng, chỉ thủng thỉnh buông một câu: “Đây là cuốn luật bóng đá của anh tao. Cho mày mượn đọc để mai mốt đá bóng mình khỏi phải cãi nhau nữa!”. Hành vi trái ngược hoàn toàn với “tôi” và Phước đã cho thấy sự rộng lượng của Nghi, không hề tức giận, hậm hực hay bất mãn.
Nghi đã bỏ qua cho sự sai luật và cãi cọ vô lý của đối phương để giúp các bạn hiểu được luật đá bóng đúng. Đó là điều mà không phải một cậu bé mười hai, mười ba tuổi nào cũng có thể làm được, đa số ở độ tuổi này, các cậu bé thường xốc nổi, bồng bột và khó bỏ qua cái sai của người khác. Nhưng Nghi đã không hề tính toán gì với Phước và “tôi”, còn đưa sách để mọi người học được luật đúng, không để xảy ra tranh chấp trong những trận bóng tiếp theo.
Bên cạnh đó, Nghi còn là một người bạn chân thành, tích cực và vui vẻ. Khi gặp Phước và “tôi”, không hề nhắc nhiều tới trận bóng và lỗi sai của đội bạn, mà rủ mọi người đi xem phim một cách vô tư. Sự chân thành, tích cực của Nghi đã truyền động lực tới Phước và “tôi”, hóa giải được tâm trạng bực bội và bức bối của hai người bạn. Nghi đã lan tỏa lòng yêu thương, chân thành và tích cực của mình tới mọi người. Điều đó còn thể hiện Nghi là một người giàu lòng yêu thương và vị tha, một người bạn đáng quý.
Bạn bè là những người luôn ở bên cạnh và giúp đỡ, nâng đỡ ta những lúc khó khăn, yếu đuối hay hoạn nạn. Và hình ảnh của Nghi trong tác phẩm đã đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và những tình cảm. Nghi là một người bạn chân thành, vô tư, đáng mến và giàu tình thương, lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người.
Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Ngắn – Mẫu 2
Truyện “Điều không tính trước” của Nguyễn Nhật Ánh đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng.
Trong trận bóng giao hữu, nhân vật tôi ghi một bàn thắng tuyệt đẹp nhưng bị Nghi bắt lỗi việt vị. Ấm ức, tôi quyết định lên kế hoạch trả thù Nghi. Tôi còn rủ thêm người bạn của mình là Phước đi cùng.
Khi thấy bóng Nghi từ xa xuất hiện, tôi tưởng Nghi cũng đã chuẩn bị sẵn để đánh mình. Nhưng vũ khí của Nghi lại là một cuốn sách nhỏ về luật đá bóng. Thì ra, Nghi đến tìm tôi để cho mượn cuốn sách về luật đá bóng.
Phước núp trong bụi cây không nghe được câu chuyện của tôi và Nghi mà tiếp tục thực hiện kế hoạch. Nhưng tôi đã chữa cháy bằng cách nói rằng Phước đang bắn chim. Sau đó, Nghi đã rủ tôi và Phước đi xem phim. Ba người vui vẻ đi xem phim cùng nhau dưới ánh nắng chiều.
Qua câu chuyện này, tác giả muốn phê phán hành động giải quyết vấn đề bằng bạo lực và ca ngợi cách giải quyết bằng lí lẽ, thấu đáo. Truyện mang đậm dấu ấn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Ngắn Hay – Mẫu 3
Điều không tính trước in trong tập Út Quyên và tôi, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, là một trong những tác phẩm đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.
Truyện “Điều không tính trước” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã để lại một bài học sâu sắc. Truyện kể về nhân vật tôi – trong một trận đấu bóng giao hữu, đã ghi được một bàn thắng tuyệt đẹp nhưng bị cậu bạn Nghi đã bắt lỗi việt vị, không công nhận bàn thắng và trêu chọc tôi không hiểu luật. Điều đó khiến tôi đã cảm thấy ấm ức và khó chịu nên tìm cách để trả thù.
Tôi đã tìm vũ khí chiến đấu, rồi rủ thêm Phước chuẩn bị kế hoạch cụ thể để vây ráp Nghi. Có thể thấy ở nhân vật này tính cách hiếu thắng, dễ xúc động.
Nhưng trái với dự định ban đầu, không có trận đánh nhau nào xảy ra, Nghi đã mang sách đến cho tôi đọc để hiểu thêm về luật bóng đá, còn rủ tôi và Phước đi xem phim. Cách ứng xử của Nghi đã giúp tôi hiểu ra mọi chuyện.
Hình ảnh kết thúc truyện khiến người đọc cảm thấy ấn tượng về tình bạn thật đẹp đẽ: “Nắng chiều hắt bóng ba đứa xuống mặt đường thành một khối, giống như người khổng lồ trong truyện cổ”. Cùng với đó, truyện muốn phê phán hành động giải quyết vấn đề bằng bạo lực và ca ngợi cách giải quyết bằng lí lẽ, thấu đáo.
Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Chọn Lọc – Mẫu 4
“Điều không tính trước” của Nguyễn Nhật Ánh là tác phẩm có tình huống truyện bất ngờ gây hài hước, kịch tính cho thấy tình bạn bền chặt, khăng khít được xây dựng từ những gì chân thành, bao dung và độ lượng nhất.
Sự rộng lượng và không chấp nhặt của Nghi đã khiến “tôi” và Phước buông bỏ sự căm ghét, thù hận để cùng nắm tay nhau vui vẻ, hòa đồng như những người bạn thật sự.
Truyện kể về một trận đấu bóng giao hữu, nhân vật tôi đã bị Nghi bắt lỗi “việt vị”. Vô cùng ấm ức và khó chịu nên nhân vật tôi đã tìm cách để đánh dằn mặt thằng Nghi. Nhân vật tôi đã tìm vũ khí chiến đấu, còn rủ thêm cả thằng Phước, chuẩn bị kế hoạch rất cụ thể chi tiết để đánh thằng Nghi.
Ai ngờ khi đón đầu Nghi ở ngã tư để chuẩn bị đánh nhau, thì Nghi cũng tìm tới mình nhưng để đưa cho cuốn sách về luật chơi đá bóng và rủ đi xem phim. Kết chuyện cả ba bạn cùng đi xem phim trong vui vẻ và không còn nhớ tới kế hoạch ban đầu nữa.
Trước một xích mích nhỏ, cách hành xử của nhân vật tôi thật trẻ con, nông nổi, thiếu suy nghĩ trong khi đó Nghi lại tìm cách gỡ rối, cùng nhau trở nên tốt hơn. Thay vì thù hẳn thì Nghi đã tạo ra thêm một tình bạn trong sáng, bền chặt.
Mẫu Phân Tích Điều Không Tính Trước Tiêu Biểu – Mẫu 5
Đến với “Điều không tính trước” của Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật Nghi đã để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.
Đầu tiên, Nghi là cậu bé rất vô tư, rộng lượng và rất nhiệt tình. Khi xảy ra tranh cãi, trong khi Phước và “tôi” rất hậm hực, không phục và khăng khăng cho rằng bản thân mình mới là người đúng, thậm chí còn muốn đánh nhau để phục thù.
Thì hành động của Nghi lại hoàn toàn trái ngược, cậu đã đến tìm “tôi” và mang theo một cuốn sách về luật bóng đá với mong muốn giúp người bạn của mình hiểu rõ hơn.
Không chỉ vậy, Nghi còn là một người bạn tốt bụng, chân thành. Cậu rủ “tôi” và Phước đi em phim, hóa giải được tâm trạng tức giận của hai người bạn. Nghi đã lan tỏa năng lượng tích cực đến những người bạn của mình.
Nghi đã lan tỏa sự chân thành và tích cực của mình tới bạn bè, nhờ vậy mà cả ba người bạn trở nên thân thiết.
Hình ảnh kết thúc truyện: “Nắng chiều hắt bóng ba đứa xuống mặt đường thành một khối, giống như người khổng lồ trong truyện cổ” đã gợi ra thông điệp ý nghĩa về tình bạn. Nhân vật Nghị đã khiến người đọc cảm thấy thật yêu mến và trân trọng.
Tìm hiểu chi tiết ❤️️Sự Tích Hồ Gươm ❤️️ Nội Dung Truyện, Ý Nghĩa + 5 Mẫu Kể Lại