Giải Đi Sớm Của Tảo Giải [Nội Dung Bài Thơ + Phân Tích]

Giải Đi Sớm [Tảo Giải] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Tham Khảo Ngay Các Chia Sẻ Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Đọc Hiểu Bài Thơ.

Bài Thơ Tảo Giải Chữ Hán

Bài thơ Tảo giải hay còn được gọi là bài thơ Giải đi sớm, là một bài thơ thuộc tập thơ Nhật ký trong tù nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung bài thơ Tảo giải phiên bản gốc chữ Hán:

Tảo giải (Giải đi sớm)
Tác giả: Hồ Chí Minh

早解

一次雞啼夜未闌,
群星擁月上秋山。
征人已在征途上,
迎面秋風陣陣寒。

東方白色已成紅,
幽暗殘餘早一空。
暖氣包羅全宇宙,
行人詩興忽加濃。

Phiên âm:

I.
Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san.
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.

II.
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không.
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.

Cập nhật đầy đủ 🔰Nhật Ký Trong Tù🔰 Trọn Bộ 133 Bài Thơ Nhật Kí Trong Tù

Bài Thơ Giải Đi Sớm Dịch Nghĩa

Tiếp theo là bài thơ Giải đi sớm bản dịch nghĩa và dịch thơ chi tiết.

Giải đi sớm (Bản dịch nghĩa)
Tác giả: Hồ Chí Minh

I.
Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,
Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu;
Người đi xa đã cất bước trên đường xa,
Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo.

II.
Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,
Bóng đêm còn rơi rớt sớm đã hết sạch;
Hơi ấm bao la khắp vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Dịch thơ:

I.
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.

II.
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Giải Đi Sớm

Gửi đến bạn thông tin chi tiết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Giải đi sớm của Bác.

Hai bài “Tảo giải” I và II là bài thứ 41 và 42 của tập nhật kí trong tù, Bác Hồ đã viết hai bài thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An ( nhà lao thứ 6) sang nhà lao Đồng Chính ( nhà lao thứ 7) sau khi đã đi bộ hơn 200 cây số ( kể từ Cao Bằng và bị giam hơn 60 ngày. Căn cứ vào việc người đến nhà lao Đồng Chính ngày 2/11/1942 thì “Tảo giải” có lẽ được viết vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/1942.

Đón đọc ❤️️Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta [Hồ Chí Minh] ❤️️ Nội Dung, Phân Tích

Ý Nghĩa Bài Thơ Giải Đi Sớm Nhật Ký Trong Tù

Giải đi sớm I và II  là hai bài thơ thể hiện sự vận động của thời gian và sự đổi thay của cảnh vật, từ đêm tối đầy trăng sao nhưng lạnh lẽo đến ban mai ấm áp và tươi sáng. Thông qua đó thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản Hồ Chí Minh. Trong lúc tăm tối nhất của cuộc sống tù đày, Người vẫn lạc quan tin tưởng, vẫn hướng đến một ban mai tươi sáng, nơi có đầy hơi ấm và chứa chan ánh sáng.

Đọc Hiểu Bài Thơ Giải Đi Sớm

Đừng bỏ qua phần đọc hiểu bài thơ Giải đi sớm được Thohay.vn chia sẻ chi tiết dưới đây bạn nhé!

1. Cảnh chuyển lao trong đêm

a. Bức tranh thiên nhiên

Rất khác nghiệt: đêm chưa tàn, đường xa, gió thu từng trận từng trận lạnh lẽo.

Khung cảnh thi vị:

  • Xuất hiện âm thanh quen thuộc của tiếng gà như một tiếng reo vui báo hiệu một ngày mới, một sự sống mới bắt đầu.
  • Có chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu.

– Bút pháp tả cảnh rất tinh tế, độc đáo:

  • Dùng âm thanh (tiếng gà) để chỉ thời gian.
  • Tả từ gần đến xa: tiếng gà – quần tinh – vầng trăng – đỉnh núi. Thiên nhiên càng lúc càng mở rộng trong tầm mắt tù nhân.

b. Hình ảnh tù nhân

– Tư thế, hành động:

Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.

=>Tư thế của người lên đường không phải là một người tù tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang xiềng xích” mà là tư thế của một người đang đi chiến đấu vì chính nghĩa.

– Tâm trạng: rất chủ động, bình thản, ung dung sẵn sàng vượt lên số phận, hoàn cảnh gian nan, nghiệt ngã chứ không buông xuôi trước hoàn cảnh.

2. Cảnh chuyển lao lúc bình minh

a. Bức tranh thiên nhiên

– Rực rỡ, ấm áp, chan hòa ánh sáng, tráng lệ:

  • “Bạch sắc dĩ thành hồng” (màu trắng đã thành màu hồng).
  • “U ám tàn dư tảo nhất không” (những rơi rớt của bóng đêm sớm hết sạch).

Ở đây có sự đối lập giữa màu hồng tươi tắn với bóng đêm u ám, lạnh lẽo.

b. Hình ảnh tù nhân

Hơi ấm bao la trùm vù trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

  • Tư thế: hăm hở, khỏe khoắn, sang trọng.
  • Tâm trạng: sảng khoái, lạc quan, thi hứng nồng nàn, phơi phới một niềm tin thể hiện ở từng bước đi đĩnh đạc, thanh thoát.

Đọc hiểu chi tiết ➡️Tự Khuyên Mình [Hồ Chí Minh] ⬅️ Nội Dung, Phân Tích

Nghệ Thuật Bài Thơ Giải Đi Sớm

Dưới đây là các giá trị nghệ thuật của bài thơ Giải đi sớm:

  • Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
  • Giọng thơ rắn rỏi, khí thơ mạnh mẽ, thể hiện tinh thần lạc quan, bản lĩnh kiên cường của Bác.
  • Điệp từ “chinh” trong câu thơ thứ ba thể hiện bản lĩnh phi thường cùng tinh thần lạc quan của Bác.
  • Hình tượng thơ có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ màn đêm tăm tối ra buổi bình minh tươi sáng, từ sự lạnh lẽo đến ấm áp.

5 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Hay Nhất

Sưu tầm 5 mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Giải đi sớm hay nhất, cùng đón đọc nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Hay – Mẫu 1

Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt – đấy là thời gian Bác bị giam cầm và giải đi qua nhiều nhà lao của chế độ Tưởng Giới Thạch. Mặc dù các bài thơ được viết trong những hoàn cảnh khắc nghiệt: đói rét, bệnh tật, không có tự do… nhưng vẫn toát lên ý chí, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và tám hồn cao đẹp của Bác.

Đọc bài thơ Giải đi sớm chúng ta cảm nhận được tư thế ung dụng chủ dộng của người chiến sĩ – thi sĩ trên đường đi đày gian khổ, cám nhận được tâm hồn Bác ở hoàn cảnh nào vẫn luôn chan hòa với thiên nhiên với trời đất bao la.

Câu thơ mở dầu ghi lại thời điểm của cuộc giải tù:

“Gà gáy một lẩn, đêm chửa tan”.

Đúng là bọn lính giải người tù đi rất sớm; từ “gà gáy một lần” tức khoảng quá nửa đêm. Người đọc nghĩ đên cảnh tôi tầm vắng lặng bao quanh người tù một mình nơi đất khách quê người. Câu thơ thứ hai vẫn là câu thơ tả thực, nhấn mạnh thêm cái thời điểm rất sớm:

“Chòm sao đưa nguyệt vượt lèn ngàn”.

Câu thơ sống động hơn. Và ở đây cũng nói lên một hồn thơ tinh tế dễ nhạy cảm với thiên nhiên. Điều cần chú ý là người tù lên đường có bọn lính áp giải, thiên nhiên lại có phần khắc nghiệt: trời tối, gió rét từng cơn… Cảnh ngộ ấy thường là buồn, quạnh hiu nhưng ở đây qua tâm hồn Người, thiên nhiên trở nên thân mật. Cùng một lúc, khi người từ lên đường đi thì trăng và sao trên trời dường như cùng khởi hành. 

Câu 3 và câu 4, hình tượng người tù trên đường được diễn tả ở tư thế chủ động, tuy có vất vả gian khổ; Con người tự nâng mình lên trên hoàn cảnh, không để cho hoàn cảnh khuất phục mình:

“Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đèm thu trận giô hàn”.

Thật ra lời thơ dịch đã mất mát đi nhiều cái hay của nguyên tác. Nguyên tác có hai chữ chinh và hai chữ trận điệp với nhau tạo nên âm hưởng trầm hùng và hái chữ nghênh diện đầy khí phách hiên ngang của Bác Hồ – một người tù vĩ đại:

“Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”.

Bốn câu thơ đã dưng lại bức tranh chuyển lao khi trời chưa sáng: một tiếng gà, một chòm sao, một vầng trăng, từng cơn gió lạnh và một người tù nơi đất lạ. Nhưng còn người ở đây không cô đơn, rất ung dung; con người ở dây là người chiến sĩ cách mạng có nghị lực, có ý thức “Muốn nên sự nghiệp lớn – Tinh thần càng phải cao”. Con người luôn phân đấu vươn lên để làm giảm bớt quạnh hiu, không buông xuôi trước hoàn cảnh mà luôn vươn lên làm chủ hoàn cảnh.

Khổ thứ hai của bài thơ mở đầu bằng một cảnh đẹp ở chân trời khi rạng đông. Và nói chung cả khổ thơ bừng lên một không khí vui tươi ấm áp:

” Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không”.

Hai câu thơ tạo nên một sự đăng đối hài hòa. Bình minh lên đèm ắt phải lùi dần. Dường như trong đất trời cũng có cuộc dấu tranh, màu hồng của bình minh đã quét sạch bóng tối của đêm tàn lạnh lẽo. Giờ đây, màu hồng tươi mới đã ngự trị bao trùm lên sông núi đem lại hơi ấm cho đất trời và hơi ấm ấy như dội vào lòng người:

“Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thì hứng bỗng thêm nồng”.

Có sức ấm của rạng đông nhưng nhiều hơn, có lẽ là nhờ sức ấm từ một trái tim cách mạng.

Ta chợt nhận thấy một điều lạ, dù là nói về cảnh chuyển lao mà trong một bài thơ không hề có lấy một hình ảnh người tù, một lời than vãn, trước mỗi người đọc là hình ảnh một thì bỗng dung cất bước. Thi sĩ và chiến sĩ – con người ấy đã hòa làm một trong tâm hồn Người. Khó khăn nghiệt ngã là thế mà tim Người vần như ngọn lửa ấm nồng, vẫn nồng nàn thi hứng.

Giải đi sớm là một bài thơ hay trong Nhật kí trong tù! Bài thơ toát lên một tư thế hiên ngáng bất khuất, một tinh thần lạc quan, một niềm tin yêu cuộc sống. Và trên hết đó là thi hứng bất tận của hồn thơ Hồ Chí Minh. Có thể nói thông hai

Qua bài thơ này chúng ta càng hiểu thêm về cuộc đời và tâm hồn Bác, người con ưu tú của dân tộc. Và ánh sáng từ thơ Người chắc chắn sẽ còn rọi sáng tâm hồn nhiều thế hệ mai sau.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Hay Đặc Sắc – Mẫu 2

Những sáng tác thơ ca của Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong thái ung dung, lạc quan, ý chí kiên cường và niềm tin vào tương lai cách mạng. Đặc điểm này đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo của Người. Tập thơ “Nhật kí trong tù” nói chung và bài thơ “Tảo giải” nói riêng là minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

“Tảo giải” hay còn gọi là “Giải đi sớm”. Bài thơ được sáng tác trên con đường Bác Hồ bị chuyển từ nhà lao này tới nhà lao khác của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Phải chịu cảnh ngục tù khổ cực nhưng người chiến sĩ ấy vẫn hướng tâm hồn mình ra thế giới bên ngoài để giao hòa cùng thiên nhiên, cảnh vật.

Khung cảnh chuyển lao được tác giả tái hiện thật khắc nghiệt:

“Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”.

(Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn)

Đó là bức tranh thiên nhiên vào lúc nửa đêm vì gà mới chỉ gáy có một lần. Trong khi mọi người còn đang say giấc ngủ thì Bác lại bị áp giải chuyển lao. Ba từ “dạ vị lan” đã diễn tả một không gian quạnh hiu, thanh vắng, tiếng gà gáy vang lên một lần rồi cũng chìm vào đêm tĩnh mịch. Bác bị giải đi từ rất sớm, trong hoàn cảnh đó người tù không thể tránh được sự mỏi mệt, tái tê khi phải chịu cảnh tù đày.

Thời gian đang là quá nửa đêm nên những “chòm sao” còn tỏa ánh sáng trên bầu trời cao rộng. Không gian mùa thu đã bớt đi phần lạnh lẽo, đìu hiu nhờ có sự xuất hiện của “chòm sao”. Hình ảnh “chòm sao” hiện lên thật sinh động. Nó như xóa tan đi màn đêm đen tối nơi đất khách.

“Chòm sao” cũng là biểu tượng cho ánh sáng cách mạng và niềm tin vào con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Hình ảnh này vừa hiện thực lại vừa lãng mạn. Tuy nhiên bản dịch thơ chưa làm sáng tỏ được thời gian mùa thu và sự hiểm trở của đèo núi gập ghềnh ở bản phiên âm.

Bút pháp tả cảnh của Bác vô cùng tinh tế khi Người chỉ gợi chứ không tả, Người gợi ra tiếng gáy của gà để ám chỉ thời gian mình bị giải đi. Người đã đặc tả bức tranh thiên nhiên trên con đường chuyển lao bằng điểm nhìn từ gần đến xa, từ chòm sao,vầng trăng đến đỉnh núi. Vẻ đẹp của ánh trăng, chòm sao đã được Bác phát hiện và trân trọng. Thiên nhiên như trở thành người bầu bạn của Bác trên con đường gian nan ấy.

Trong hoàn cảnh như vậy, hình ảnh con người hiện lên thật khí phách, oai hùng. Đó là tư thế của người làm chủ hoàn cảnh:

“Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”.

(Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn).

Con đường chuyển lao không chỉ xa xôi, cách trở mà nó còn trở nên giá rét, hoang vắng bởi gió thu. Nhưng người tù đã vượt lên trên hoàn cảnh để trở thành một “chinh nhân”. “Chinh nhân” được hiểu là “người đi”, người chiến sĩ ra đi vì chính nghĩa, vì tổ quốc để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Từ “trận trận hàn” vang lên thật rắn rỏi khiến chúng ta liên tưởng đến những cơn gió mùa thu vô cùng lạnh lẽo. Người tù bị giải đi khi trời đất còn chưa rạng đông nên cái lạnh càng thấu da, thấu thịt. Bác không trốn tránh sự khắc nghiệt ấy mà còn “nghênh diện”, đối mặt với nó. Tâm thế đó như một sự thách thức với khó khăn, thử thách.

Điệp từ “chinh” trong câu thơ thứ ba đã thể hiện một bản lĩnh phi thường cùng tinh thần lạc quan ở con người Bác. Bản dịch thơ chưa dịch sát nghĩa tư thế “nghênh diện” nhưng cũng phần nào diễn tả được sự oai hùng, làm chủ hoàn cảnh của Bác. Ý chí, nghị lực kiên cường luôn giúp người chiến sĩ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian nan. Đó cũng là tinh thần “thép” mà Bác nhắc tới trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”:

“Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong”

(Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong)

Cảnh vật biến chuyển theo sự vận động của thời gian nên ở khổ thơ II bóng tối đã nhường chỗ cho ánh sáng:

“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không.
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng”.

(Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đến tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng)

Phương đông đã chuyển từ màu trắng sang màu hồng đầy rạng rỡ và tươi vui. Đó là màu hồng của sự tinh khôi, thanh khiết. Bóng tối đã lùi xa để ánh sáng ngập tràn toàn không gian. Trời đã sáng hẳn và không có dấu vết nào còn sót lại của màn đêm tăm tối. Màu hồng ấy đã mang đến hơi ấm cho thiên nhiên, cảnh vật, bao trùm lên cả vũ trụ rộng lớn.

Hơi ấm của ánh sáng đã khiến tạo vật và con người tràn đầy sức sống. Nó có sức mạnh xóa tan đi mệt mỏi, sự cô đơn, lẻ loi của người tù và sự lạnh lẽo của màn đêm. Nó khiến “thi hứng” sẵn có của người chiến sĩ thêm dâng cao.

Câu thơ cuối khắc họa tư thế ung dung, tự tại của người tù. Từ một “chinh nhân” Bác trở thành “hành nhân”. “Hành nhân” có nghĩa là người đi, đến đây ta nhận thấy tâm thế của nhân vật trữ tình nhẹ nhàng, thư thái hơn. Bác đã quên hết những gông cùm, xiềng xích để mở lòng đón nhận bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.

Chính sự thay đổi của tạo vật đã khiến Bác có cảm xúc mạnh mẽ để nảy sinh hứng thú làm thơ. Cảnh vật nên thơ đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn của Bác. Bác không còn là một tù nhân mà trở thành một thi nhân. Con người chiến sĩ và con người thi sĩ đã hòa làm một. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại cùng chất “thép” đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Có thể thấy trong tác phẩm hình tượng thơ có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ màn đêm tăm tối ra buổi bình minh tươi sáng, từ sự lạnh lẽo đến ấm áp. Phải là một người yêu thiên nhiên thì Bác mới cảm nhận được sự biến chuyển tinh tế của thiên nhiên và coi thiên nhiên như người bạn tâm giao của mình.

Hình ảnh Bác hiện lên hiện lên qua bài thơ thật hiên ngang, tràn đầy sự lạc quan. Bác luôn có niềm tin vào con đường cách mạng và luôn vượt lên, làm chủ mọi hoàn cảnh dù có phải trải qua bao khó khăn, khắc nghiệt.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Chọn Lọc – Mẫu 3

Hai bài Tảo giải ở vị trí thứ 41 và 42 của tập Nhật kí trong tù. Hồ Chí Minh viết chùm thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An đến nhà lao Đồng Chính, sau khi dã phải đi bộ gần 200 km và bị giam cầm hơn 60 ngày. Có hiểu thấu tất cả những nỗi gian khổ, cay đắng của Bác trong những ngày trên đường chuyển lao, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa sâu sắc của hai bài thơ đó, và quan trọng hơn là hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của thi nhân.

Tảo giải có nghĩa là giải đi sớm, chính xác hơn là bị giải đi sớm. Bác ghi lại rất thực cảnh mình bị chuyển lao trong đêm khuya và vào lúc rạng đông. Nếu đứng riêng, mỗi bài thơ có một nội dung tương đối độc lập. Đứng chung dưới một đầu đề, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau.

Cảnh chuyển lao diễn ra trước mắt chúng ta như thật. Bác kể và tả về chuyện bản thân là một người tù bị áp giải trên đường chuyển lao nhưng ý nghĩa thẩm mĩ mà hai bài thơ để lại cho người đọc lại là hình ảnh của một chiến sĩ – thi sĩ vượt lên trên đau khổ đọa đày để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và hòa vào thiên nhiên tâm hồn tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Bị giải đi sớm giữa đêm thu khuya khoắt và lạnh lẽo nơi đất khách quê người, nỗi cô đơn, hiu quạnh của Bác lẽ ra phải nhân lên gấp bội, nhưng ngược lại, bài thơ đã cho chúng ta thấy một niềm lạc quan, tin tưởng không gì lay chuyển nổi. Đó chính là biểu hiện của một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.

Câu thơ mở đầu bài thứ nhất:

Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
(Gà gáy một lần, đêm chửa tan,)

Bác dùng tiếng gà gáy để chỉ thời điểm lên đường. Đây là cách tính thời gian khá quen thuộc trong dân gian cũng như trong văn chương. Bác muốn nhấn mạnh ý mình bị giải đi rất sớm, từ lúc mới quá nửa đêm một chút. Đây là một câu thơ bình thường, nhưng đến câu thứ hai thì đã khác:

Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;
(Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn;)

Câu thơ tả thực cho thấy bầu trời còn rất nhiều sao và trăng vẫn còn lơ lửng trên đỉnh núi mùa thu. Những hình ảnh này bổ sung cho ý Bác bị giải đi rất sớm ở câu trên; đồng thời thể hiện hồn thơ nhạy cảm, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trong cảnh ngộ đi đày, người ta thường thấy thiên nhiên buồn bã, quạnh hiu nhưng với tâm hồn thi sĩ, Bác lại thấy thiên nhiên trở nên gần gũi, sinh động. Dường như Bác không cô độc mà có trăng sao làm bạn trên đường đi gian nan, khổ ải.

Sự cực khổ của người tù trên đường bị giải đi sớm được Bác ghi lại ở câu thơ thứ ba:

Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
(Người đi cất bước trên đường thẳm,)

Nhưng không chỉ có thế mà còn có một hình ảnh lớn hơn, là hình ảnh một con người tự nâng mình vượt lên trên hoàn cảnh, không chịu khuất phục trước thử thách khắc nghiệt. Bóng dáng khổ ải của người tù nhòa đi, nhường chỗ cho người chiến sĩ chủ động chấp nhận gian khổ vì nghĩa lớn với dân, với nước.

Tâm thế chủ động của Bác tạo nên tư thế chủ động:

Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
(Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.)

Tiếc rằng câu thơ dịch không lột tả được đúng ý nghĩa của câu thơ trong nguyên bản chữ Hán, dịch nghĩa là Đối mặt, trận gió thu lạnh. Đi trong đêm khuya, giữa những trận gió lạnh thấu xương liên tiếp thổi tới, Bác cũng thấy lạnh như mọi người nhưng khác ở chỗ là Bác không để cho cái lạnh áp đảo mình.

Tư thế hiên ngang, chủ động mà vẫn khiêm tốn, kín đáo phản ánh rất đúng cốt lõi con người Bác. Khí lạnh dường như bị át đi bởi tâm hồn Bác đang hướng tới và chia sẻ với khung cảnh thiên nhiên ấm áp, quần tụ mà Bác đã miêu tả ở trên. Bốn câu thơ đã phác họa khá sinh động cảnh chuyển ngục khi trời chưa sáng, rất thực mà cũng rất nên thơ.

Bài thơ thứ hai mở đầu bằng vẻ đẹp tinh khôi của bầu trời lúc rạng đông:

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
(Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng,)

Ẩn chứa trong câu thơ này là một niềm vui. Bác vui vì ánh binh minh đang dần dần toả sáng, xua tan màn đêm tối tăm, lạnh lẽo. Không gian thoáng đãng hơn và ấm áp hơn:

U ám tàn dư tảo nhất không;
(Bóng tối đêm tàn quét sạch không;)

Những tia nắng mặt trời như một cây chổi vô hình kì diệu quét sạch bóng đêm còn rơi rớt đó đây. Trước mắt Bác, tạo vật tắm trong một màu hồng thanh khiết đầy sức sống. Niềm vui thưởng thức cảnh đẹp của Bác giờ như được tăng lên gấp bội và Người sung sướng cảm thấy:

Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,)

Bao la, toàn vũ trụ là những chữ gợi lên cái rộng lớn, mênh mông. Hơi ấm của mặt trời bao trùm vạn vật và sưởi ấm lòng người. Thi hứng vì thế mà đột ngột dâng cao và mở rộng ra vô tận:

Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
(Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.)

Trước cảnh đẹp của buổi bình minh, cảm xúc dạt dào trong tâm hồn Bác. Bác không còn là một tù nhân mà đã là một thi nhân.

Thi hứng vốn đã có sẵn từ trước nay càng thêm nồng, cảm xúc khiến cho Bác phát hiện ra vẻ đẹp của hình ảnh Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san và Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng. Tâm hồn Bác rung động mãnh liệt trước sự chuyển hóa kì diệu của thiên nhiên buổi sớm mùa thu. cả một vừng hồng bát ngát trước mắt, không gian như rộng đến vô cùng và Người đi thi hứng bỗng dạt dào tỏa sáng.

Giải đi sớm là bài thơ thể hiện sự hài hòa tuyệt đẹp giữa phẩm chất cách mạng với tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tiêu biểu cho bút pháp tả thực mà trữ tình, hiện thực mà lãng mạn, cổ điển mà hiện đại của tập thơ Nhật kí trong tù. Một bài thơ đi đày mà giống như một hành khúc lên đường, trầm hùng ở đoạn đầu và tràn đầy âm hưởng vui tươi, ấm áp, sảng khoái ở đoạn sau. Cuối cùng vút lên nét lạc quan, trong sáng của tâm hồn chiến sĩ – thi sĩ Hồ Chí Minh.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Tiêu Biểu – Mẫu 4

Nhật kí trong tù gồm 133 bài thơ chữ Hán, phần lớn viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Tập nhật kí bằng thơ này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cứ, dày đọa và giải lui giải tới khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc:

Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,
Mười tám nhà lao đã ở qua…

Nhật kí trong tù biểu hiện một cách cảm động vẻ đẹp của một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn và một dũng khí lớn của người chiến sĩ vĩ đại trong cảnh tù đày.

Bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) rút trong Nhật kí trong tù ghi lại một lần chuyển lao vô cùng gian khổ mà Bác phải nếm trải, qua đó ta thấy hình ảnh tuyệt đẹp của “ông tiên trong tù”.

Hai câu thơ đầu nói về thời điểm cuộc chuyển lao diễn ra lúc nửa đêm về sáng:

Nhất thứ kê đề dạ vị lan

Tiếng gà gáy một lần, đêm chuyển canh, trời chưa sáng. Tiếng gà gáy, cái âm thanh dân dã thân thuộc ấy đêm nay lại vang lên nơi đất khách quê người, gợi lên trong lòng người tù bị giải đi bao nỗi niềm. Câu thứ hai tả cảnh bầu trời một đêm thu phương Bắc:

Quần tinh ủng nguyệt thượng thu san

Trăng sao được nhân hóa: Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu. Một nét vẽ tạo hình trong trạng thái động của thiên nhiên, làm cho cảnh trăng sao càng trở nên hữu tình. Trong khổ ải “chinh nhân” không cảm thấy cô đơn, vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời, hướng về “thu san” để tận hưởng vẻ đẹp của vũ trụ.

Trăng sao như cùng đồng hành với Bác trên chặng đường khổ ải. Đây là một nét vẽ rất tinh tế mang vẻ đẹp cổ điển: chấm phá cảnh trăng sao, lấy ngoại cảnh để biểu hiện tâm cảnh của nhân vật trữ tình: nhà thơ – chinh nhân.

Phải có một tình yêu đời tha thiết, một bản lĩnh phi thường, một hồn thơ dào dạt tình yêu thiên nhiên, người tù mới làm chủ hoàn cảnh gian khổ, đọa đày để cảm thụ vẻ đẹp đêm thu. Một nét vẽ, một câu thơ đầy ánh sáng trong một cuộc đời còn nhiều tăm tối và cay đắng. “Chinh nhân” đang hướng về ánh sáng mà đi tới:

Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn
(Người đi cất bước trên đường thẳm
Rút mặt đêm thu trận gió hàn)

Hai câu thơ ba và bốn miêu tả cảnh người đi đày – người đi xa đang bước đi trên con đường xa (“chinh đồ thượng”). Lúc bấy giờ, Bác đã trải qua những ngày dài bị đày ải, phải đắp chăn giấy, áo quần rách tả tơi. Thân hình tiều tụy, đôi chân mang xiềng xích, lê bước đi trước mũi súng bọn lính áp giải. Từng trận… từng trận gió thu phương Bắc lạnh lẽo tới tấp thổi vào mặt Bác.

Hai câu thơ này, có nhà phê bình văn học rất thú vị ở chữ “nghênh diện” vì nó gợi tả tư thế hiên ngang, bất khuất của Bác trên bước đường khổ ải. Cũng có ý kiến khác chú ý nhiều hơn đến các từ “chinh nhân” – “chinh đồ” ở câu thứ ba và hai chữ “trận” trong hình ảnh “trận trận hàn” ở câu 4. Bốn tiếng ấy hòa nhịp với nhau tạo nên âm hưởng trầm hùng. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết: “… Nhịp điệu ấy, âm hưởng ấy khiến cho bài thơ không phải là tiếng hát đi đày mà là hành khúc trầm hùng”.

Phần hai của bài thơ nói về cảnh rạng đông, cả trời đất bừng sáng trong khoảnh khắc, bầu trời từ màu trắng (bạch sắc) chuyển sang màu hồng (dĩ thành hồng). Bao la một màu hồng. Cảnh bình minh hiện lên vô cùng tráng lệ:

   Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng

U ám tàn dư tảo nhất không!

    Ánh sáng chuyển hóa: “bạch sắc” – “thành hồng”, màu sắc tương phản đối lập: “hồng”/”u ám”. Một đêm thu lạnh lẽo đã trôi qua. Thơ viết về rạng đông đầy màu sắc rạng rỡ. Đúng là “thi trung hữu họa”. Sau này, trong bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, Bác cũng viết:

Thuyền về trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi

Một đằng là cảnh rạng đông khi bị lưu đày, một đằng là cảnh rạng đông trên chiến khu thời kháng chiến, cảnh ngộ tuy khác nhau nhưng đều biểu hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tâm thế lạc quan yêu đời của người chiến sĩ vĩ đại.

Hai câu cuối toát lên một phong thái, một cốt cách thi sĩ rất đẹp:

Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng

Hơi ấm bao la bao trùm cả vũ trụ lúc rạng đông bỗng chốc hồn thơ của người đi đường càng thêm đượm nồng. “Chinh nhân” trở thành “hành nhân”. “Bác như quên hết mọi đau khổ, lồng ấm lên, vui lên cùng vạn vật”. “Thi hứng” dâng lên “dào dạt trong lòng”. Câu thơ tràn đầy xúc cảm. Bác không nói đến “thép” mà vẫn sáng ngời chất thép vì vần thơ đã thể hiện một cách tuyệt đẹp phong thái ung dung, tâm hồn thư thái lạc quan của người chiến sĩ vĩ đại trong khổ ải.

Đọc Nhật kí trong tù ta bắt gặp nhiều cảnh chuyển lao. Có trường hợp bỉ giải đi trong mưa gió: “Năm mươi ba cây số một ngày – Áo mũ đầm mưa, rách hết giày”. Lại có lần bị đày đọa: “Hôm nay xiềng xích thay dây trói – Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”. Có cảnh “Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình…”.

Thật trăm lần khổ ải, nghìn điều đắng cay! Tuy nhiên, trong khổ cực đày đọa, lúc nào phong thái của Bác cũng hết sức ung dung tự tại, lạc quan, làm chủ hoàn cảnh: “Vật chất uy đau khổ – Không nao núng tinh thần”.

Tóm lại, Giải đi sớm là một bài thơ đặc sắc. Tính nhật kí và hướng nội của bài thơ rất rõ nét. Cảnh đêm thu gió rét. Con đường đi đày xa lắc. Có sương sa trên núi thu. Có cảnh bình minh tráng lệ và ấm áp. Và có tâm cảnh: “Hành nhân thi hứng hốt gia nồng”.

Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bị quân thù giải đi trong gió rét trên con đường xa, với tâm thế ung dung, lạc quan và yêu đời… là một hình ảnh đẹp mà người đọc cảm nhận được qua bài thơ này. Nét vẽ chấm phá về trăng sao, về rạng đông đã tô đậm chất trữ tình và sắc thái cổ điển của bài thơ Tảo giải.

Bài thơ Tảo giải là bài hát đi đày của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Chân tay bị xiềng xích mà vẫn ung dung lạc quan. Nó giúp ta khám phá vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh:

… Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ hay… cánh hạc ung dung!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Giải Đi Sớm Ngắn Hay – Mẫu 5

Tảo giải là một trang nhật kí bằng thơ ghi lại hiện thực cũng như tâm trạng nhận thức của người tù trong một chuyến đi từ nhà tù này đến nhà tù khác.

Nhưng lạ kì thay, bài thơ bắt đầu của một chuyến đi đày lại mở ra trong cảm xúc của một tâm hồn nghệ sĩ trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên. Câu thơ thứ nhất là chuyện dưới đất “gà gáy một lần”. Câu thơ thứ hai là chuyện trên trời “chòm sao nâng nguyệt”. Không gian đất trời bát ngát thanh vắng bàng bạc trong ánh trăng thu

. “Gà gáy một lần” báo hiệu đêm đang chuyển dần về sáng. Chòm sao nâng ánh trăng cùng vượt lên đỉnh núi mùa thu. Người đi cùng với trăng sao trong không gian diệu vợi ấy. Tất cả đều chuyển động hướng về ánh sáng, vẻ đẹp, sự sống.

Trong hiểm nguy, cay cực, Người đã vẽ trăng sao, đem âm thanh tiếng gà vào bức tranh cuộc sống, tìm về, hướng đến những vẻ đẹp cao sang, những ý nghĩa tích cực để bước qua những gian khổ khó khăn mà tồn tại. Bức tranh thiên nhiên đẹp hóa thành triết lí đầy trí tuệ về một lối sống.

Bài thơ lại tiếp tục mở ra với một không gian khác. Trong không gian vô cùng lạnh giá, một con đường xa hút hiện ra. Từng trận, từng trận gió lạnh liên tiếp nối nhau xô tới, thổi ngược hướng người đi như nhấn chìm, ngăn chặn, đẩy lùi con người muôn dấn bước trên con đường ấy. Người đi hiện ra với dáng dấp dãi dầu, phong sương (chinh nhân) đang “cất bước”, đối diện với từng trận gió rét mà đi (nghênh diện) tới.

Giọng thơ rắn rỏi, khí thơ mạnh mẽ, ý thơ dường như đã vượt qua một chuyến chuyển lao cụ thể tìm đến sự khái quát rộng lớn hơn, mở ra nhiều liên tưởng. Có người cho rằng là hình ảnh người chiến sĩ đi sớm, đi trước trên con đường cách mạng. Hay là hình ảnh con người đi qua cuộc sống thế gian?

Dù hiểu cách nào đi nữa, ý thơ vẫn hội tụ ở điểm then chốt: thái độ của con người trước những thử thách khó khăn của đời sống – một thái độ chấp nhận, vượt qua, chiến thắng vẫn là nét đẹp hào hùng của con người trong cuộc sống cổ kim.

Khổ thơ thứ hai, dẫn người đọc đến một không gian khác với hình ảnh một buổi bình minh đang lên. Bức tranh diễn tả bằng sự chuyển đổi của sắc màu trong bước đi lặng lẽ của thời gian. Buổi bình minh như cứ hửng sáng dần lên: từ trắng đến hồng, đến hơi ấm bao la, từ phương Đông đến toàn vũ trụ.

Kì diệu thay bên trong tâm hồn người đi như cũng có một buổi bình minh đang hửng sáng dần lên: từ lạnh (gió hàn) đến ấm (hơi ấm) đến “thi hứng bỗng thêm nồng”. Tất cả sự chuyển đổi. ấy dẫn đến sự chuyển đổi kì diệu này: hình ảnh người tù bị giải đi sớm đã hóa thành nhà thơ đi dưới bầu trời hồng rực rỡ với hồn thơ đang chín ở trong lòng.

Không phải phép lạ, chính sức mạnh kì diệu của tình yêu, lí tưởng, ý chí đã khiến cho con người có thể hóa thân. Bài thơ đọng lại trong triết lí nhân sinh đầy trí tuệ ấy. Phảng phất như không khí Đường thi nhưng là một bài thơ hiện đại với lớp ngoàỉ tầng trong, với không gian ba chiều trong sự biến ảo kì diệu, ơ phía nào cũng được kết lại bằng những triết lí sâu sắc và đầy ý nghĩa của cuộc sống.

Gửi bạn văn mẫu phân tích🔰Tinh Thần Yêu Nước Của Nhân Dân Ta🔰Chi tiết nhất

Viết một bình luận