Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga [Nội Dung + Nghệ Thuật + Phân Tích]

Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Mời Bạn Đọc Tìm Hiểu Về Bố Cục, Ý Nghĩa Nhan Đề, Giá Trị Tác Phẩm.

Nội Dung Đoạn Trích Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật trung tâm: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na ân tình. Qua đó thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Dưới đây là nội dung đoạn trích.

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”
Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay,
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.
Trong xe chật hẹp khôn phô,
Cúi đầu trăm lạy, cứu cô tôi cùng.”
Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Tiểu thư con gái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ.
Chẳng hay tên họ là chi?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Trước sau chưa hãn dạ nầy,
Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra?”
Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tì tất tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thư về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Làm con đâu dám cãi cha,
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành!
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa:
Chút tôi liễu yếu đào thơ,
Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.
Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền không có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.”
Vân Tiên nghe nói liền cười:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Này đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì?
Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Chia sẻ thêm tác phẩm 🔰Thúy Kiều Báo Ân Báo Oán 🔰 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Tóm Tắt Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Để có thể nắm bắt nội dung đoạn trích nhanh hơn thì bạn nên đọc bản tóm tắt Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga sau đây của Thohay.vn nhé!

Lục Vân Tiên là một chàng thanh niên trẻ tuổi văn võ song toàn. Khi nghe tin triều đình mở khoa thi, chàng bèn từ giã thầy và xuống núi để vào kinh thi cử. Trên đường về thăm cha mẹ, chàng bắt gặp cảnh một bọn cướp đang dở trò với dân lành. Thế là chàng liền ra tay hành hiệp trượng nghĩa, đánh tan lũ ác đức.

Lúc này, người trong kiệu lên tiếng cảm ơn, xin được báo đáp. Biết đó là phận nữ nhi, Lục Vân Tiên từ chối gặp mặt để bảo vệ trong sạch cho cô gái. Sau việc đó, chàng lại tiếp tục lên đường để thực hiện mục đích của mình.

Về Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu

Tổng hợp một số thông tin chính thức về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu:

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), tục gọi là Đồ Chiểu, sinh tại quê mẹ ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), quê cha ở xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
  • Ông thi đỗ tú tài năm 21 tuổi (1843), nhưng 6 năm sau (1849) ông bị mù.
  • Sau đó, ông về Gia Định dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
  • Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc. Khi Nam Kỳ bị giặc chiếm, ông về sống ở Ba Tri (Bến Tre).
  • Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu truyền bá đạo lý làm người và cổ vũ tinh thần yêu nước.
  • Một số tác phẩm nổi tiếng: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ điếu Trương Định…

Sưu tầm các bài phân tích trích đoạn🔰 Mã Giám Sinh Mua Kiều 🔰 hay nhất

Về Tác Phẩm Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Về tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, đây là truyện thơ Nôm, được lưu truyền rộng rãi dưới hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như “kể thơ”, “nói thơ Vân Tiên”, “hát Vân Tiên” ở Nam Kì và Nam Trung Kì.

Truyện có kết cấu theo kiểu truyền thống của truyện phương Đông, theo chương hồi, xoay quanh diễn biến cuộc đời của nhân vật chính.

Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khí; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu nết na, ân tình.

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Cùng tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác bài thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ngay sau đây nhé!

Lục Vân Tiên là một truyện thơ nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ 19, truyện có 2082 câu thơ lục bát. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” nằm ở phần đầu của truyện:

Nội dung chính của của đoạn trích kể về Lục Vân Tiên trên đường lên Kinh Đô dự thi, chàng gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành. Chàng đã bẻ cây bên đường làm gậy. Xông thẳng vào những kẻ trong tay có vũ khí. Chàng đã đánh tan chúng, cứu được Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.

Đón đọc tác phẩm 🌷Kiều Ở Lầu Ngưng Bích 🌷 Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật

Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Nhan đề Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện rõ nội dung chính của đoạn trích. Lúc này Lục Vân Tiên đã một mình đánh tan bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Thông qua nhan đề, ta có thể thấy rõ phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên đó là dũng cảm, tài ba, trượng nghĩa.

Bố Cục Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Bố cục của bài thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được chia làm 2 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”. Lục Vân Tiên đánh bọn cướp.
  • Phần 2. Còn lại. Lục Vân Tiên cứu được Kiều Nguyệt Nga và cuộc trò chuyện của cả hai.

Đừng bỏ lỡ tác phẩm 🌷Truyện Kiều [Nguyễn Du] 🌷 Nổi tiếng

Giá Trị Tác Phẩm Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Cùng tìm hiểu giá trị tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga ngay sau đây nhé!

Giá trị nội dung

  • Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” thể hiện khát vọng giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất tốt đẹp của 2 nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Giá trị nghệ thuật

  • Xây dựng nhân vật theo 3 phương thức: hành động, cử chỉ, lời nói.
  • Ngôn ngữ: mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường và mang màu sắc địa phương Nam bộ.
  • Giọng điệu: thay đổi linh hoạt, phù hợp với tình tiết truyện và tính cách nhân vật.

Soạn Bài Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Hướng dẫn cách soạn bài Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga theo từng câu hỏi chi tiết:

👉Câu 1 (trang 115 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Kiểu kết cầu truyền thống nào đã được sử dụng trong Truyện Lục Vân Tiên? Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó có ý nghĩa gì?

Đáp án:

  • Kết cấu: người tốt gặp nạn, bị kẻ xấu hãm hại nhưng được phù trợ, cứu giúp.
  • Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó sẽ thể hiện được mục đích răn dạy đạo đức làm người, ước mơ công bằng chính nghĩa.

👉Câu 2 (trang 115 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):  Đọc đoạn trích, em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào? Hãy phân tích những phẩm chất của nhân vật quan hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga.

Đáp án:

Phẩm chất Lục Vân Tiên :

  •  Mẫu người lí tưởng, phẩm chất anh hùng, dũng cảm, coi trọng lẽ phải, văn võ song toàn : thấy người gặp nạn liền cứu giúp, một mình đánh được lũ cướp hung ác.
  • Coi trọng lễ nghĩa, trọng nghĩa khí : cứu người không mong trả ơn, không muốn Nguyệt Nga ra khỏi xe tránh làm ảnh hưởng đến danh dự, tiết nghĩa của nàng.

👉Câu 3 (trang 115 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này đã bộc lộ những nét đẹp tâm hồn như thế nào? Hãy phân tích điều đó quan ngôn ngữ, cử chỉ của nàng.

Đáp án:

  • Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, thùy mị, có học thức.
  • Sau khi nghe lời lẽ của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga biết người cứu mình là một nam tử hán, liền kể rõ sự tình: Nàng cùng với tì tất tên là Kim Liên, quê ở quận Tây Xuyên, cha là tri phủ miền Hà Khê nhận được bức thư của cha đến đó để định việc hôn nhân:

Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa

  • Kiều Nguyệt Nga còn bộc lộ mong muốn Lục Vân Tiên đi cùng mình đến gặp cha để đền tạ công ơn:

Gẫm câu báo đức thù công
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

=> Thể hiện Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, là con người biết trước sau, hiếu nghĩa.

👉Câu 4 (trang 115 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Theo em, nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua ngoại hình, nội tâm hay hành động, cử chỉ? Điều đó cho thấy Truyện Lục Vân Tiên gắn với loại truyện nào?

Đáp án:

  • Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ. Một phần vì Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù, cảm nhận mọi việc xung quanh chủ yếu là hành động lời nói tốt hơn.
  • Truyện Lục Vân Tiên gần với truyện dân gian (truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ Nôm bình dân…), kể theo trình tự thời gian, nhân vật nhất quán tốt và xấu.

👉Câu 5 (trang 115 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Em có nhận xét gì về ngôn ngữ tác giả trong đoạn thơ trích?

Đáp án:

  • Ngôn ngữ bình dân, giản dị và gần gũi trong đời sống hàng ngày của người Nam Bộ.
  • Ngôn ngữ phù hợp với đối tượng tiếp nhận: nhân dân – dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ.

Giới thiệu trích đoạn 🌹Cảnh Ngày Xuân 🌹Tìm Hiểu Nội Dung, Nghệ Thuật

Giáo Án Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Thohay.vn chia sẻ cho các thầy cô giáo mẫu giáo án Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga chi tiết:

I. Mục tiêu bài học: Thông qua bài học giúp học sinh hiểu đuợc:

1. Kiến thức

  • Phẩm chất của 2 nhân vật: Lục Vân Tiên, Kiều Nguyện Nga.
  • Tìm hiểu đặc trưng phương thức khắc hoạ tính cách nhân vật của truyện.

2. Kĩ năng: Đọc truyện thơ, phân tích cách kể chuyện và xây dựng nhân vật.

3. Thái độ: Giáo dục cho học sinh tinh thần nghĩa hiệp, biết giúp đỡ người xung quanh trong những hoàn cảnh cụ thể.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên: Soạn bài, ảnh chân dung NĐC, đọc các tài liệu tham khảo,tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.

2. Học sinh: Đọc trước bài, chuẩn bị bài (trả lời câu hỏi đọc hiểu sgk)

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức: Kiểm diện Sĩ số

2. Kiểm tra: Kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh.

H: Tóm tắt truyện Lục Vân Tiên?

3. Bài mới: Các em đã tìm hiểu về tác giả NĐC và khái quát tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên. Bài học nàychúng ta sẽ tìm hiểu một trích đoạn cụ thể trong tác phẩm để hiểu được tư tưởng của tác giả gửi gắm trong các nhân vật của mình.

Hoạt động của GV và HSKiến thức cần đạt
HĐ1. HDHS đọc – hiểu văn bản:
H: Xác định vị trí đoạn trích trong văn bản?
H: Nêu bố cục và nội dung chính của từng phần.
– H/s đọc lại đoạn 1
II. Đọc- hiểu văn bản:
1. Vị trí đoạn trích:
– Thuộc phần đầu TP Truyện Lục Vân Tiên.
2. Bố cục: 2 phần:   
+ Phần 1: (14 câu đầu): LVT đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong lai.   
+ Phần 2: đoạn còn lại: Cuộc trò chuyện giữa LVT với KNN sau trận đánh.
H: Hình ảnh Lục Vân Tiên đánh cướp được miêu tả ở những câu thơ nào?3. Phân tích:
a. Nhân vật Lục Vân Tiên:
– Trước đoạn trích này là cảnh Vân Tiên thấy nhân dân đau khổ bèn hỏi thăm và được biết ở đó bọn cướp Phong Lai hung hãn đang hoành hành. Mọi người khuyên chàng không nên tự chuốc lấy nguy hiểm.
H: H/ ảnh VT đánh cướp đc miêu tả như thế nào?– Vân Tiên chỉ có một mình, tay không. Trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đủ đầy, tiếng tăm lẫy lừng. Vân Tiên bẻ cây làm gậy xông vào đánh cướp.
H: Nhận xét gì về NT kể chuyện của T/g trong đoạn này?– NThuật: Sự dụng các động từ, so sánh, từ láy.
H: H/ảnh Lục Vân Tiên hiện lên ntn?⇒ dũng cảm, anh hùng và tấm lòng vị nghĩa vong thân (vì việc nghĩa, quên thân mình)
H: Tác giả so sánh Lục Vân Tiên với hình ảnh những nhân vật nào trong truyện cổ Trung Hoa?– Hình ảnh Lục Vân Tiên được so sánh với dũng tướng Triệu tử Long – trận Đương Dang – truyện “Tam quốc diễn nghĩa”
– Hình ảnh Lục Vân Tiên được khắc hoạ theo một mô típ quen thuộc ở truyện nôm truyền thống: một chàng trai tài giỏi, cứu một cô gái thoát khỏi tình huống hiểm nghèo, rồi từ ân nghĩa đến tình yêu.
→ Niềm mong ước của tác giả và cũng là của nhân dân (trong thời buổi hỗn loạn, người ta trông mong ở những người tài đức, dám ra tay cứu nạn giúp đời).
H: Sau trận đánh, Lục Vân Tiên có thái độ, cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên ntn? (thể hiện qua những câu thơ nào?)– Sau khi đánh thắng bọn cướp Phong Lai
→ Vân Tiên: hỏi → động lòng → tìm cách an ủi → ân cần hỏi han → nghe nói muốn được lạy tạ vội gạt đi ngay
→ từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga để cho nàng đền đáp công ơn (đoạn sau còn từ chối nhận chiếc châm vàng của nàng…)
H: Qua đây em còn hiểu thêm được gì về tính cách và phẩm chất cuả Lục Vân Tiên?⇒ Hào hiệp, chính trực, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm, nhân hậu, (sẵn sàng giúp đỡ người khác, có lòng thương người, ngay thẳng…)
H: Quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện ở những câu thơ nào? giải thích ý nghĩa quan niệm đó?
* Đây cũng là quan niệm của Ng. Du qua nhân vật Từ Hải “Anh hùng … bất bằng mà tha”
→ Xuất phát từ câu nói của Mạnh Tử “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người anh hùng)
– Quan niệm về người anh hùng:
→ thấy việc nghĩa mà bỏ qua không làm thì không phải là người anh hùng.
⇒ Với Vân Tiên làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, không coi đó là công trạng – đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán.
H: Nhận xét chung về Lục Vân Tiên. theo em T/g gửi gắm gì qua nhân vật này?* Lục Vân Tiên: anh dũng, tài năng, có tấm lòng vị nghĩa vong thân, hào hiệp, chính trực, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm, nhân hậu
→ Hình ảnh lí tưởng tác giả gửi gắm niềm tin và ước vọng.
H: H/ảnh Nguyệt Nga được hiện lên qua những lời lẽ mà nàng giãi bày với Lục Vân Tiên, hãy tìm những lời lẽ của nàng qua đoạn trích?b. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga:
-” Thưa rằng… …làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành
…trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa?”
H: Em có nhận xét gì về lời lẽ của nàng?
H: Qua đây em hiểu được điều gì ở Kiều Nguyệt Nga?
→ Cách xưng hô khiêm nhường, nói năng, dịu dàng, mực thước, trình bày vấn đề rõ ràng, khúc triết, đáp ứng đầy đủ niềm thăm hỏi ân cần của Lục Vân Tiên, thể hiện chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình.
⇒ Lời lẽ của một cô gái khuê các, thuỳ mị, nết na, có học thức
“Lâm nguy chẳng gặp giải ngay
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”
…”lấy chi cho phí tấm lòng cùng ngươi”
H: Nguyệt nga suy nghĩ gì về việc làm của Lục Vân Tiên đối với mình? thể hiện cụ thể qua lời nói nào?
H: Em hiểu những câu nói này có ý nghĩa gì?
H: Nhận xét chung về nhân vật Kiều Nguyệt Nga?
→ Nàng là người chịu ơn, Lục Vân Tiên đã cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng, nàng áy náy, băn khoăn, tìm cách đền đáp, dù nàng hiểu rằng có đền đáp đến mấy cũng là chưa đủ cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng)
* Người con gái nết na, đức hạnh theo quan niệm truyền thống cổ xưa.
HĐ2. HDHS tổng kết:
H: Cảm nhận của em về nội dung và nghệ thuật đoạn trích?     
– HS đọc ghi nhớ: SGK/115
III. Tổng kết:
1. Nghệ thuật:
– Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường, mang màu sắc địa phương Nam Bộ
– Ngôn ngữ thơ đa dạng phù hợp với diễn biến tình tiết (Đoạn đầu: lời Vân Tiên đầy phẫn nộ, tướng cướp kiêu căng, đoạn sau: cuộc đối thoại giữa Lục Vân Tiên và Nguyệt Nga thì lời lẽ mềm mỏng, xúc động, chân thành.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: qua hành động, cử chỉ, lời nói.
2. Nội dung:
– Văn bản trích thể hiện khát vọng hành giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất tốt đẹp của 2 nhân vật Lục Vân Tiên Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
* Ghi nhớ: SGK/115

4. Củng cố – luyện tập

– Hệ thống bài :

– Nhân vật ?Nhận xét gì về NT xây dựng nhân vật của T/g ?

H: Nêu nội dung chính của văn bản (trích)?

  • Lục Vân Tiên: dũng cảm, tài ba, trọng nghĩa.
  • Kiều Nguyệt Nga: hiền hậu, nết na, ân tình

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật của T/g

H: Nhận xét gì về ngôn ngữ của VB (trích) ?

5. Hướng dẫn học sinh về nhà:

  • Làm bài tập (SGK/116)
  • Học thuộc lòng Vb (trích) + học bài
  • Chuẩn bị: “Miêu tả nội tâm trong VB tự sự”- trả lời hệ thống câu hỏi bài tập SGK.

Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Tổng hợp một số sơ đồ tư duy về trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga cho các em học sinh tham khảo.

Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Dễ Hiểu
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Dễ Hiểu
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Đơn Giản
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Đơn Giản
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Chi Tiết
Sơ Đồ Tư Duy Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Chi Tiết
SĐTD Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga
SĐTD Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga

Xem thêm phân tích 🌼 Chuyện Cũ Trong Phủ Chúa Trịnh 🌼Nội dung, nghệ thuật

5 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Hay Nhất

Mời bạn tham khảo 5 mẫu phân tích bài thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga hay nhất sau đây.

Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Hay – Mẫu 1

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, thơ văn của ông không có sự chau chuốt, cầu kỳ về câu từ mà lại rất mộc mạc, dân dã gắn liền với đời sống của con người Nam Bộ.

Nếu đại thi hào Nguyễn Du nổi tiếng với kiệt tác “Truyện Kiều” thì văn chương của cụ đồ Chiểu đã thâm nhập vào đời sống, trở thành một phần đời sống của người dân Nam Bộ. “Truyện Lục Vân Tiên” nổi tiếng bởi chính chất mộc mạc, gần gũi ấy, Trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một minh chứng.

“Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” kể về hành động nhân nghĩa, vô tư của Lục Vân Tiên. Khi chàng bắt gặp trên đường cảnh bạo tàn, Vân Tiên đã không hề né tránh hay e ngại mà hết lòng ra tay cứu giúp người bị nạn. Chàng làm việc nghĩa xuất phát từ tấm lòng mà không hề tính toán thiệt hơn, báo đáp ân nghĩa.

Bên cạnh đó, Kiều Nguyệt Nga cũng là một nhân vật được xây dựng khá đặc sắc. Nàng là một tiểu thư khuê các. Khi được cứu giúp bởi Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp như trọng ân nghĩa, hiền thục, đoan trang.

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả một cách chân thực, sống động những hành động của Lục Vân Tiên. Đó chính là khi chàng ra tay diệt trừ cái bạo tàn, không cho phép nó làm tổn hại, gây ra đau khổ cho những người dân lương thiện. Đây là một hành động đẹp, là biểu hiện của một tấm lòng đáng quý, đáng trân trọng:

“Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ”
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Câu thơ miêu tả những hành động của Lục Vân Tiên khi gặp một sự cố ở trên đường, đó là chứng kiến cảnh lũ cướp hoành hành, đang gây họa cho người dân. Bản tính cương trực, căm ghét cái ác lại đề cao hành động nhân nghĩa đã thôi thúc Vân Tiên hành động. Hành động của chàng cũng chỉ diễn ra trong chớp mắt, chàng không hề suy nghĩ, tính toán thiệt hơn, được mất.

Vân Tiên không kịp chuẩn bị gì mà tiện tay bẻ luôn cành cây bên đường làm vũ khí diệt trừ cái ác. Không chỉ nhân nghĩa trong hành động mà lời nói của chàng cũng thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn:

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

Lời nói của Lục Vân Tiên là hướng đến chỉ trích, phê phán lũ giặc cướp nhưng cũng là tuyên ngôn sống đầy cao đẹp của chàng: sống là phải hướng đến bảo vệ cuộc sống của những người dân lành, chứ không phải mang đến những đau khổ cho họ. Và những hành động bạo tàn, “hồ đồ” chàng càng không cho phép nó xâm hại đến những con người lương thiện ấy.

Vân Tiên không chỉ là một con người có tình thương với con người, mang trong mình tinh thần chính nghĩa cao đẹp mà chàng còn là một chàng trai khỏe mạnh, tài giỏi. Điều này được thể hiện ra trong những hành động chàng chống lại những tên cướp:

“Vân Tiên tả đột hữu xông
………….
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”

Những động tác của Vân Tiên đều rất dứt khoát, nhanh nhẹn “tả đột hữu xung”, và những hành động anh hùng này được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu so sánh với hình ảnh người anh hùng Triệu Tử khi phá vòng Đương Dang. Trước sức mạnh của Lục Vân Tiên, băng cướp bị đánh tan, chúng hoảng loạn bỏ lại gươm giáo mà tìm đường thoát thân.

Cầm đầu băng đảng này là Phong Lai bị Tiên cho một gậy “thác rày thân vong”. Đây là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ lấy việc hại người làm niềm vui, làm mục đích kiếm sống. Đối với những tên cướp ngày, Lục Vân Tiên tuyệt đối không khoan nhượng, lời nói và hành động đều hết sức quyết liệt nhưng khi hỏi thăm người bị nạn thì chàng lại trở nên vô cùng dịu dàng, phải phép:

Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này”

Không chỉ ra tay cứu giúp người bị nạn mà chàng còn hết lòng quan tâm đến họ, thể hiện ngay qua lời hỏi thăm ân cần, động viên. Chàng giúp người bị nạn trấn tĩnh lại tinh thần sau cơn hoảng loạn bằng việc thông báo cho họ biết tình hình bên ngoài, rằng những lũ “kiến chòm ong” đã bị tiêu diệt, không còn bất cứ sự nguy hiểm nào có thể đe dọa họ nữa.

Phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên tiếp tục được bộc lộ khi chàng có cuộc đối thoại với người bị hại – Kiều Nguyệt Nga. Khi Kiều Nguyệt Nga có ý định bước ra khỏi kiệu để cúi lạy Lục Vân Tiên vì công cứu mạng thì chàng nhất quyết không chịu nhận:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai”

Chỉ thông qua vài câu nói thôi nhưng ta có thể nhận thấy Lục Vân Tiên là một người trọng đạo lí, cũng như những khuôn phép trong xã hội xưa. Chàng không muốn Kiều Nguyệt Nga ra ngoài cúi lạy mình, không muốn sự gặp mặt này ảnh hưởng đến phẩm tiết của nàng.

Trong quan niệm của xã hội phong kiến xưa, “nam nữ thụ thụ bất thân”, tức là giữa con trai và con gái cần phải có những khoảng cách nhất định, không được tùy tiện gặp mặt hay có những hành động thân thiết. Lời nói của Lục Vân Tiên thể hiện chàng là một con người có học thức.

Mục đích của Lục Vân Tiên không chỉ vì lễ tiết mà còn vì chàng không muốn nhận sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga. Hành động cứu giúp của chàng xuất phát từ tấm lòng, không vì mục đích vụ lợi, câu nói của chàng với Kiều Nguyệt Nga càng làm cho ta thêm cảm phục:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Trong quan niệm của Lục Vân Tiên thì những việc nhân nghĩa là tất yếu, và nếu làm ơn mà trông ngóng việc trả ơn thì không phải người anh hùng. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã khắc họa một cách chân thực, sống động hình ảnh của người anh hùng hiệp nghĩa Lục Vân Tiên.

Ở chàng hiện lên với biết bao phẩm chất tốt đẹp, không chỉ là con người nhân nghĩa, thấy việc ác là ra tay diệt trừ, bảo vệ sự bình yên cho con người mà chàng còn là một con người có học thức, trọng những lễ nghi, khuôn phép. Và ở chàng trai ấy ta cũng có thể thấy được một quan niệm sống thật đẹp, đó là quan niệm về việc nghĩa và về người anh hùng. Khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên là khắc họa người anh hùng lí tưởng và khát vọng về lẽ công bằng ở đời.

Còn Kiều Nguyệt Nga là một cô gái hiền hậu, nết na biết trọng nghĩa tình. Sau khi được cứu thoát khỏi tay bọn bất nhân, độc ác, nàng vô cùng xúc động. Nàng đã nói những lời đẹp nhất để cảm ơn ân nhân:

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Nói “Tiết trăm năm” là nói việc hộ trọng của cả một đời người. “Lạy rồi sẽ thưa” cũng là một thái độ kính nể, thiêng liêng trong quan hệ của con người. Một cô tiểu thư vốn quen được yêu chiều, quen được bảo vệ, chở che mà xử sự như thế, hạ mình như thế, đâu phải chuyện dễ dàng. Nguyệt Nga là tiểu thư – con quan tri phủ – nàng được giáo dục chu đáo, nàng gắn bó với những người dân, nên tiếp nhận được đạo đức của nhân dân.

Đạo đức ấy là chữ “ân”, chữ “nghĩa”. Do đó, sau những phút giao đãi mở đầu, nàng thẳng thắn bày tỏ ý nguyện đền đáp công lao cứu mạng của Lục Vân Tiên. Thái độ và lời nói của nàng có cái gì lúng túng, ngượng ngập, nhưng chất phác, “nghe thánh thót bên tai giọng nói của cô gái miền Nam” (Xuân Diệu):

Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

Nguyệt Nga nói tới “của tiền”, “vàng bạc” để giãi bày sự thiếu hụt về vật chất. Lại nói tới “báo đức thù công” – đền đáp ơn đức, công lao. Rồi than thở “Lấy chi cho phỉ tấm lòng…” để giãi bày sự lúng túng về tinh thần, những xúc động có thật của một tâm hồn trong trắng. Sau đó, Nguyệt Nga cố mời Vân Tiên về nhà mình để tạ ơn. Nhưng chàng từ chối. Nàng băn khoăn, day dứt khôn nguôi.

Chỉ đến khi thấy “Vân Tiên nghe nói liền cười…” và an ủi: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi – Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, Nguyệt Nga mới khuây khoả hỏi thăm gia cảnh tuổi tên của vị ân nhân. Ngay phút gặp gỡ ban đầu với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đã tỏ rõ một tâm hồn trung hậu, nết na. Tâm hồn ấy bắt nguồn từ đạo lí nhân nghĩa của nhân dân ta, nhất là nhân dân Nam Bộ cùng quê hương với Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Lục Vân Tiên là “Truyện Kiều” của nhân dân Nam Bộ.

Vân Tiên, Vân Tiên, Vân Tiên,
Cho tôi một tiền, tôi kể chuyện thơ…

Những nghệ sĩ hát rong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thường giáo đầu bài hát Lục Vân Tiên bằng câu ca như thế. Ngay sau đó, buổi diễn xướng dân gian được đông đảo bà con hưởng ứng, quây tròn quanh người kể chuyện. Người diễn, người nghe giao hoà, say đắm hàng giờ, hàng buổi. Một trong những đoạn truyện được mọi người yêu thích là đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Yêu thích không phải vì văn chương chải chuốt, nghĩa lý thâm trầm như “Truyện Kiều”, mà trước hết vì: đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của Nguyễn Đình Chiểu và khắc họa phẩm chất đẹp đẽ của hai người trẻ tuổi – Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga nết na, nhân hậu, ân tình.

Tất cả những vẻ đẹp ấy của đoạn thơ phù hợp với phong cách sống, với ước mơ, khát vọng giản dị mà trong sáng của nhân dân ta, mãi mãi dạy chúng ta bài học đạo đức thiết thực và cao cả biết bao.

Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Chọn Lọc – Mẫu 2

Nguyễn Đình Chiểu sinh thời vào lúc loạn lạc, dù sớm đỗ đạt nhưng đến năm 26 tuổi đã bị mù, ông trở về làm thầy thuốc, làm một nhà thơ. Bằng tài năng và đức độ hơn người, Nguyễn Đình Chiểu đã khiến biết bao người ngưỡng mộ. Các bài văn thơ của ông dùng để khích lệ tinh thần chiến đấu và mang tính giáo huấn cao. Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong đời thơ của ông.

Lục Vân Tiên được sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ XIX, thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, ân tình.

Nội dung chính của tác phẩm này là khi Lục Vân Tiên nghe tin triều đình mở khoa thi, chàng đã vội từ biệt thầy đi đua tài. Trên đường về, vô tình gặp cảnh Kiều Nguyệt Nga bị cướp chàng đã ra tay trượng nghĩa cứu giúp người bị nạn. Đoạn trích đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Hình tượng Lục Vân Tiên được xây dựng theo mô típ quen thuộc của truyện dân gian, trượng nghĩa, anh tài, ra tay cứu giúp người bị nạn. Đây là nhân vật lý tưởng của văn học trung đại, thể hiện những khao khát mơ ước của nhân dân ta. Chàng mang lí tưởng lớn, lập thân lập danh giúp đời. Và trên đường về gặp chuyện bất bình, Lục Vân Tiên không hề ngần ngại mà ngay lập tức ra tay trượng nghĩa:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Dù chỉ có một mình, trên tay chỉ có cây gậy nhưng Vân Tiên dám đương đầu với lũ cướp vừa đông vừa rất hung hãn. Hành động đó cho thấy tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên.

Trước sự dọa nạt của những tên cướp, Vân Tiên không hề nao núng: “Vân Tiên tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang” . Hình ảnh chàng trong trận chiến hiện lên thật đẹp đẽ, như một dũng tướng phá tan kẻ thù. Hành động đó cũng cho thấy bản chất, tấm lòng cao thượng của chàng,vì nghĩa quên mình, một vẻ đẹp tiêu biểu của những người anh hùng.

Không chỉ là một người có tinh thần trượng nghĩa, mà chàng còn là người hết sức khuôn phép, lịch sự với người khác giới. Sau khi đuổi hết lũ lâu la, Vân Tiên còn tiến lại hỏi han, an ủi những người bị nạn. Không chỉ vậy, khi nghe nói họ muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên vội gạt ngay đi:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Theo lễ giáo phong kiến giữa nam và nữ luôn phải giữ khoảng cách, “nam nữ thụ thụ bất thân”, câu nói của Lục Vân Tiên tuy có phần nặng nề lễ giáo phong kiến nhưng cho thấy chàng là người cư xử hết sức đúng mực. Đồng thời nó cũng xuất phát từ chính đức tính khiêm nhường của Vân Tiên “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” .

Việc mà chàng làm như là một việc đương nhiên, mà bất cứ ai thấy cũng sẽ hành động như vậy, bởi vậy, Vân Tiên không muốn nhận cái lạy tạ của người con gái và từ chối lời đề nghị về nhà của Kiều Nguyệt Nga.

Dường như với Lục Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trọng nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Bởi chàng quan niệm:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

Vân Tiên là mẫu anh hùng lí tưởng, mà qua nhân vật này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm nhiều niềm tin, mơ ước, khát vọng của mình.

 Bên cạnh nhân vật Lục Vân Tiên ta còn thấy một nàng Kiều Nguyệt Nga hết sức chừng mực, nết na, hiếu thảo. Nàng xưng hô rất khiêm nhường “tiện thiếp”, cùng với đó là cách nói năng hết sức nhẹ nhàng, khuôn phép: “Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành” . Lời nói của nàng hết rõ ràng, mạch lạc, vừa đẩy đủ thông tin vừa thể hiện niềm biết ơn chân thành với ân nhân đã giúp đỡ.

Đồng thời nàng cũng là con người biết cách ứng xử, có trước có sau. Việc Vân tiên cứu nàng đâu chỉ là cứu mạng sống, mà còn cứu cả một đời trinh bạch của người con gái, bởi vậy, nàng càng biết ơn Vân Tiên hơn. Cũng bởi thế nàng áy náy không biết lấy gì đền đáp công ơn to lớn đó: “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”

Và cuối cùng nàng đã quyết lấy thân mình, tự nguyện gắn bó cả đời với chàng trai hiệp nghĩa đó. Hàng ngày nâng khăn sửa túi để báo đáp ơn lớn của Vân Tiên đối với nàng. Những nét đẹp trong phẩm chất, trong hành xử của Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân.

 Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga tuy ngắn ngủi nhưng đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật: Lục Vân Tiên trượng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga thì nết na thùy mị. Hai nhân vật đại diện cho lý tưởng của nhân dân ta. Đồng thời qua các nhân vật này cũng gửi gắm những thông điệp sâu sắc của nhà thơ.

Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Tiêu Biểu – Mẫu 3

Yêu thích Lục Vân Tiên không phải vì văn chương chải chuốt, nghĩa lí thâm trầm như “Truyện Kiều”, mà trước hết vì đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của Nguyễn Đình Chiểu và khắc họa phẩm chất đẹp đẽ của hai người trẻ tuổi – Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga nết na, nhân hậu, ân tình.

Tất cả những vẻ đẹp ấy của đoạn thơ phù hợp với phong cách sống, với ước mơ, khát vọng giản dị mà trong sáng của nhân dân ta, mãi mãi dạy chúng ta bài học đạo đức thiết thực và cao cả biết bao. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Đoạn trích nằm ở phần đầu của truyện. Tác phẩm được viết vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, dài hơn hai nghìn câu thơ, theo thể lục bát, kết cấu theo kiểu truyền thống.

Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Chàng thư sinh Lục Vân Tiên – người mang trong mình tràn đầy lí tưởng của tuổi trẻ nhiệt huyết, trọng nghĩa khinh tài, cán cân của công lí, sẵn sàng ra tay trừng trị cái xấu, cái ác, bênh vực cái đẹp, cái yếu đuối, bất hạnh; Còn Kiều Nguyệt Nga lại là một tiểu thư khuê các, dịu dàng, xinh đẹp, hiền hậu, nết na, ân tình.

Trước hết là hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên – một nhân vật lí tưởng của cái đẹp: dũng cảm, tài ba, đầy khí phách. Trên đường trở về quê nhà, Vân Tiên thấy bọn cướp Phong Lai đang giở trò cướp bóc, làm hại dân lành, chàng liền ra tay tương trợ đánh tan cái xấu, cái ác. Hình ảnh Lục Vân Tiên hành hiệp trượng nghĩa được tái hiện rất cụ thể trong hành động và lời nói khi chiến đấu với bọn giặc:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng: “Bớ đảng hung hồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Cụm từ “nhằm làng xông vô” đã thể hiện rõ tính cách không hề run sợ của Lục Vân Tiên. Chàng đã không nề hà, không so sánh thiệt hơn, không quan tâm mình đang ở thế yếu, một mình chống lại rất nhiều người. Thêm nữa, nhà văn đã sử dụng nhiều động từ như ghé, bẻ, nhằm, xông đã góp phần diễn tả cái dứt khoát, cái khẩn trương trong từng động tác của nhân vật. Càng chứng tỏ nhân vật là người trượng nghĩa, không ngại gian khổ.

Trong khi đánh bọn cướp, Lục Vân Tiên không ngừng la mắng “bớ đảng hung đồ- Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân. Có thể thấy không chỉ ở hành động mà cả trong lời nói của mình, Lục Vân Tiên cũng thể hiện rõ khí chất của một anh hùng. Chàng không khoan nhượng với cái ác, lúc nào cũng vì dân, vì chính nghĩa. Trong văn học ta từng thấy chàng Đôn-ki hô-tê cũng có lòng nhân từ và sẵn sàng nghênh chiến với cối xay gió. Lục Vân Tiên với sức mạnh và tài nghệ của mình cũng thể hiện được phẩm chất anh hùng:

Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quang gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Như vậy, với nghệ thuật so sánh tương phản, tác giả đã tái hiện không khí cuộc đấu tranh giữa Lục Vân Tiên với bọn cướp Phong Lai hết sức cam go, quyết liệt. Qua đó chúng ta thấy Lục Vân Tiên hiện lên là một người anh hùng dũng cảm, không sợ hiểm nguy và thấy việc nghĩa thì ra tay giúp đỡ.

Phải chăng đó là cái đức, cái tài và cái dũng của bậc anh hùng trong con người Lục Vân Tiên, đã chiến thẳng được thế lực bạo, dù chúng rất hung bạo, dữ dằn. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo, nhân sinh sâu sắc mà cụ đồ Chiểu muốn gửi gắm nơi người đọc.

Bên cạnh sức mạnh và có tấm lòng vị nghĩa, Lục Vân Tiên còn là người nhân hậu, từ tâm. Chàng chính trực, hào hiệp và mẫu mực. Khi tên cướp bỏ đi, Lục Vân Tiên chưa đi mà chàng còn nán lại, lắng nghe tiếng khóc vọng ra từ trong xe và động lòng trắc ẩn. Đến đây, Nguyễn Đình Chiểu đã để cho người đọc tự nhìn ra tính cách của nhân vật thông qua cách mà hai nhân vật chính đối đáp với nhau:

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”

Câu hỏi của Lục Vân Tiên từ tốn, giản dị thể hiện sự quan tâm một cách nhẹ nhàng, nồng hậu và rất mực lịch sự. Muốn giúp người con gái bị hại nhanh chóng hồi tâm, chàng đã hỏi thêm:

Tiểu thơ con gái nhà ai
Đi đâu đến nỗi mang tai bất kì

Nếu quan điểm của nhà Nho là phải lập công danh thì với Lục Vân Tiên chàng chỉ muốn cứu người, giúp người. Hành động đánh lại đám cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga xuất phát từ mong muốn giản dị mà lớn lao ấy. Có thể nói, chính tấm lòng nhân hậu đã khiến Lục Vân Tiên có những hành động như vậy. Thật đáng quý biết bao nhiêu.

Khi biết Kiều Nguyệt Nga định xuống xe lạy tạ, chàng nhất mực từ chối vì giữ lễ tiết:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai?

Đặc biệt chàng còn khiêm tốn không chịu nhận vật trả ơn: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Cuối cùng, hai người cùng xướng họa với nhau một bài thơ rồi nhẹ nhàng từ biệt ra đi, không vấn vương, nuối tiếc.

Đến đây, chúng ta thấy Lục Vân Tiên là con người rất mực tâm lí, có nghĩa khí, giữ đúng phép tắc của Nho gia, coi thường tiền tài, vật chất. Phải chăng, đối với chàng làm việc nghĩa như là bổn phận, trách nhiệm và vốn lẽ tự nhiên phải làm. Vì thế, ở cuối đoạn trích, có hai câu thơ đã nêu bật được quan niệm về người anh hùng của tác giả:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

Người anh hùng là người lấy việc nghĩa khí lên làm đầu. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng. Đây cũng chính là quan niệm về người anh hùng của tác giả. Qua đó, tác giả thay mặt nhân dân thể hiện niềm ước mong: trong thời buổi loạn lạc, hỗn loạn, cái xấu cái ác hoành hoành những con người tài đức, dám ra tay cứu nạn giúp đời như Lục Vân Tiên thật đáng quí, đáng trân trọng biết bao.

Ngoài nhân vật Lục Vân Tiên ta cũng không thể không nhắc đến Kiều Nguyệt Nga. Nàng là một người con gái nề nếp, có học thức. Nguyệt Nga vốn là khuê môn, lệnh các, xuất thân từ con nhà quyền quý. Nhưng không vì thế mà nàng tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh. Đứng trước ân nhân của mình nàng hết sức khiêm nhường, cách nói năng kiêm xưng, gọi Vân Tiên là “quân tử”, tự gọi mình là “tiện thiếp”, hành động nhún mình “lạy, thưa”.

Qua đó cho thấy nàng là người con gái có học thức, thông minh, mực thước trong lời ăn tiếng nói. Không chỉ vậy nàng con sống hết sức khuôn phép theo lễ nghĩa phong kiến. Theo lời cha mẹ, nàng đến tận miền Hà Khê để định bề nghi gia nghi thất không quản đường sá xa xôi, gặp biết bao hiểm nguy, vất vả. Nàng quả là người con có hiếu!

Là một người có học, nên Nguyệt Nga hiểu những quy tắc lễ nghĩa phong kiến, nhưng nàng vẫn muốn ra khỏi xe để đa tạ ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên. Cho thấy tấm lòng biết ơn sâu sắc của nàng. Đáng quý hơn cả là nàng ý thức sâu sắc rằng không bạc vàng nào có thể xứng với ân nghĩa kia, qua đó cho nàng là người rất coi trọng tình nghĩa. Kiều Nguyệt Nga là kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống. Nàng không chỉ gia giáo, nết na, có học thức mà còn rất đằm thắm, nghĩa tình.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách của tráng sỹ thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Dẫu còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” song ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của chàng rất đẹp, rất anh hùng. Lòng thương người, chí quả cảm và tinh thần vị nghĩa của chàng đậm màu sắc đạo lý của dân tộc ta.

Gần hai thế kỉ trôi qua, nhân vật Lục Vân Tiên vẫn được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và đế quốc trong hơn thế kỉ qua đã làm cho ta cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Lục Vân Tiên.

Tấm gương sáng chói ấy mãi mãi là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh thẩm mĩ của thi ca, của truyện thơ Lục Vân Tiên mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời. Tinh thần nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên như viên ngọc quý sáng bừng lên dư vị ngòi bút sắc nhọn của Nguyễn Đình Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Hay Đặc Sắc – Mẫu 4

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn, thầy thuốc, thầy giáo nổi tiếng đất Nam Bộ. Tên tuổi của ông gắn liền với “Truyện lục Vân Tiên”. Tác phẩm đại diện cho tiếng nói, quan niệm về đạo lý không chỉ của riêng nhà thơ mà đó còn là tiếng nói của cả dân tộc. Trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là trích đoạn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật và tư tưởng đạo lý của tác giả.

Có thể thấy tấm lòng nhân nghĩa là điểm sáng chói ngời trong nhân vật Vân Tiên. Tạ từ thầy dạy, chàng một mình rong ruổi trên con đường về kinh đô ứng thí. Lòng đầy ước mơ, hoài bão. Không ngờ, giữa đường, lại gặp chuyện chẳng lành. Nhân dân bồng bế, dắt díu nhau trốn chạy hoảng loạn, tiếng kêu van thảm thiết vang trời dậy đất. Ân cần hỏi han, rồi chẳng chút suy tính, chàng liền ra tay tương trợ để cứu dân lành thoát khỏi vòng lao lung.

“Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”

Quá bất bình trước hành động phi nghĩa của lũ bất nhân, chàng thét vào mặt chúng

“Kêu rằng: bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

Hành động nhân nghĩa của chàng có lẽ là sự tiếp nối đạo lí tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân”. Tình yêu thương đã làm cao chí khí và lòng dũng cảm của chàng nho sinh họ Lục. Mặc cho lũ cướp mặt mày hung tợn, đằng đằng sát khí: “mặt đỏ phừng phừng”, chàng một mình lao vào vòng vây trừng trị bọn côn đồ.

“Vân Tiên tả đột hữu xung”, một mình chàng với vũ khí thô sơ đấu lại cả bọn cướp gươm giáo sáng lòa. Với tài võ nghệ vô song, chàng tiêu diệt được tên cầm đầu toán cướp. Lũ còn lại như rắn mất đầu, quăng vũ khí, bỏ chạy tan tác. Hình ảnh Vân Tiên lúc này được nhà thơ so sánh như dũng tướng Triệu Tử Long phá vòng Đương Dương thời Tam Quốc. Thật là một hình ảnh đẹp tuyệt vời cho tinh thần đại nghĩa quên mình.

“Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.

Giọng thơ hứng khởi, tràn đầy nhiệt huyết khi chiến thắng thuộc về người anh hùng dũng cảm.

Đánh tan lũ giặc, chàng Vân Tiên đã cứu thoát nàng Nguyệt Nga cùng người hầu khỏi cảnh nguy nan. Cuộc kì ngộ giữa giai nhân và trang hảo hán diễn ra thật cảm động. Nàng kính cẩn mời tráng sĩ về nhà để cha nàng “báo đức thù công”

“Ngẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

Trước lời lẽ chân thành và đầy biết ơn của Kiều tiểu thư, thì Vân Tiên “nghe nói liền cười”. Một nụ cười thật tươi, thể hiện tâm hồn hào hiệp, tính tình vô tư, khảng khái. Chàng coi việc đánh cướp là việc nghĩa nên làm. Người biết võ nghệ phải ra tay diệt trừ cái ác, đem lại công bằng, bình yên cho nhân dân. Nếu thấy việc bất bình mà không ra tay tương trợ thì đâu xứng đáng đứng trong trời đất này nữa:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Cụ Đồ Chiểu đã xây dựng nhân vật Lục Vân Tiên theo mô tuýp người anh hùng thời loạn, trọng đạo nghĩa. Đó là mẫu người anh hùng mà người đọc đã từng gặp trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”

Người anh hùng ra tay tương trợ nên đã cứu được nàng Nguyệt Nga khỏi cơn nguy khốn. Ngoại hình nàng tiểu thư con quan tri phủ không được miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ mà ta vẫn hình dung ra chân dung của nàng qua cuộc đối thoại ngắn ngủi với chàng Vân Tiên. Đầu tiên là hành động tạ ơn đầy tôn kính đối với ân nhân của nàng.

“Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”.

Đang than khóc vì quá hoảng sợ trước bọn cướp Phong Lai, chỉ cần một lời hỏi han, động viên của Vân Tiên, nàng liền trấn tĩnh lại ngay. Cách nói chuyện không chỉ thể hiện thái độ kính cẩn, biết ơn chân thành, mà còn toát lên khí chất của một tiểu thư dịu dàng, có học thức.

Qua cuộc nói chuyện, nàng đã tỏ bày hoàn cảnh của mình. Đó là việc nàng từ ngàn dặm xa xôi, không quản hiểm nguy, khó nhọc để làm theo lời cha “định bề nghi gia”. Tấm lòng hiếu thảo của nàng thật khiến mọi người cảm động:

“Quê nhà ở quận Tây Xuyên
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê
Sai quân đem bức thư về
Rước tôi qua đó định bề nghi gia
Làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành”.

Không chỉ có cách nói chuyện thùy mị, dịu dàng, nét đẹp tỏa sáng ở Nguyệt Nga có lẽ là lòng biết ơn chân thành, sâu sắc trước những hành động cao quý của chàng tráng sĩ.

“Hà Khê qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng”.

Lời nói thiết tha chân thành xuất phát từ tấm lòng biết ơn sâu nặng. Có thể nhận thấy, Nguyệt Nga là con người sống trọng tình trọng nghĩa. Trước nghĩa cử cao đẹp của Vân Tiên, lần thứ nhất nàng quỳ lạy rồi thưa chuyện gia cảnh của mình, lần thứ hai, nàng lại tha tha thiết mời ân nhân về nhà để được đáp đền ơn sâu nghĩa nặng. Cái ơn đó không chỉ là ơn cứu mạng mà còn cứu cả danh tiết của một người con gái, điều mà với một cô gái, nó còn quan trọng hơn cả tính mạng.

“Lâm nguy chẳng gặp giải nguy
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”.

Lời chối từ thẳng thắn và thái độ hào hiệp trượng nghĩa của Vân Tiên sau đó càng khắc sâu thêm ấn tượng đẹp đẽ của chàng tráng sĩ trong lòng tiểu thư Nguyệt Nga. Ấn tượng sâu đậm này đã biến mối hàm ơn ban đầu của nàng thành lòng yêu thương âm thầm mà mãnh liệt dành cho chàng Vân Tiên. Lòng thủy chung sâu sắc của nàng càng được bộc lộ sâu sắc và rõ nét ở những đoạn trích sau của tác phẩm.

Đoạn trích đã thể hiện thành công bức chân dung của hai nhân vật chính. Một Vân Tiên văn võ song toàn, hào hiệp trượng nghĩa, một Nguyệt Nga tài sắc vẹn toàn, hiếu thảo, thủy chung, trọng nghĩa tình. Cảnh gặp gỡ đầu tiên như dự báo trong lòng người đọc về một tình yêu đẹp song cũng lắm chông gai, thử thách, khiến người đọc bị lôi cuốn vào những sóng gió tiếp theo đang chờ đợi hai nhân vật ở phía trước.

Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga Hay Sâu Sắc – Mẫu 5

Trong tác phẩm Lục vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên hình tượng một con người lý tưởng với những vẻ đẹp toàn diện, mà nổi bật lên trong những vẻ đẹp đó chính là tính chính nghĩa cao đẹp. Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện lại phẩm chất tốt đẹp đó qua hành động trừ bạo cho dân.

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm trong phần mở đầu của tác phẩm. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên giã từ thầy xuống núi đua tài. Trên đường về nhà thăm cha mẹ, Vân Tiên đã gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, bóc lột của dân lành. Một mình chàng đã đánh tan bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga.

“Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Giang
Lâu la bốn phía vỡ tan”

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”Trên đường về quê,Lục Vân Tiên đã bắt gặp cảnh chướng tai gai mắt, đó chính là sự hoành hành đầy ngang ngược của bọn cướp Phong Lai. Không tính toán thiệt hơn, được mất,Lục Vân Tiên đã bẻ cây bên đường làm gậy xông vào lũ cướp để giải cứu người dân lương thiện vô tội.

Không chỉ hành động mà lời nói của chàng cũng thể hiện được con người đầy chính nghĩa của chàng “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”, đó là lời cảnh cáo nhưng cũng là tuyên ngôn sống của chàng,người chân chính là phải bảo vệ nhân dân chứ không phải mang lại đau khổ cho họ.

“Phong Lai mặt đỏ phừng phừng
Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây
Trước gây việc dữ tại mầy
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng”

Đang cướp bóc thì có người phá hỏng “chuyện tốt” của mình, Phong Lai đã vô cùng giận dữ, khuôn mặt của hắn “đỏ phừng phừng” cho thấy đây là con người bạo tàn, gian ác. Trước hành động chính nghĩa của Vân Tiên thì Phong Lai đã vô cùng coi thường mà buông lời thách thức đầy giễu cợt “Thằng nào dám đến lẫy lừng vào đây” và còn nói trước kết cục bi thảm của Tiên khi dám phá hỏng một vụ kiến trác béo bở của chúng “Trước gây việc dữ tại mày”, sau đó hôn quân kéo bầy bủa vây, tấn công Vân Tiên.

“Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Giang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”

Trước sự tấn công của bọn Phong Lai, Lục Vân Tiên đã không hề nao núng mà tả đột hữu xung, với các miêu tả này ta vừa có thể hình dung ra những hành động nhanh chóng, chính xác, vừa thể hiện được bản lĩnh hơn người của Vân Tiên. Và trong cái nhìn của NGuyễn Đình Chiểu thì hành động anh hùng này giống như hình tượng đầy oan phong của Triệu Tử khi phá vòng Đương Dang, lập được công trạng lớn. Bọn cướp Phong Lai chẳng mấy chốc bị đánh cho tan tành, sợ hãi mà tháo chạy, Phong Lai bị Vân Tiên trừng trị thẳng tay “thác rày thân vong”

“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi ai than khóc ở trong xe này
Thưa rằng: Tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ”

Sau khi đánh tan lũ cướp, Lục Vân Tiên quan tâm đến hỏi thăm người bị hại, nghe tiếng khóc sợ hãi từ trong kiệu, Vân Tiên đã cất tiếng thăm hỏi “ai than khóc ở trong xe này” thì trong xe vọng ra tiếng đáp của một người con gái, nàng đã kể lại hết sự tình cho Vân Tiên nghe, nàng là một người dân thiện lương, vì sa cơ nên mới lọt vào tay của bọn hung đồ “sa cơ nên mới lầm tay hung đồ”. Nàng còn bày tỏ mong muốn gặp mặt,cúi đầu bày tỏ sự biết ơn trước sự hành động ra tay nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên:

“Trong xe chật hẹp khôn phô
Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”

Tuy nhiên, quan điểm sống của Lục Vân Tiên là “làm ơn há dễ trông người trả ơn” đã từ chối lời yêu cầu của Kiều Nguyệt Nga, và một lí do nữa được chàng đưa ra đó chính là sự khác biệt về thân phận, giới tính. Trong quan niệm phong kiến xưa thì “nam nữ thụ thụ bất thân”, vì vậy nên Lục Vân Tiên không muốn cuộc gặp gỡ này ảnh hưởng đến tiết hạnh của Nguyệt Nga. Qua đây ta thấy được Vân Tiên là một con người sống chuẩn mực đối với những lễ nghĩa của phong kiến và là người biết quan tâm đến người khác:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai”

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là đoạn trích hay, hấp dẫn đối với người đọc bởi sự chính nghĩa, ngay thẳng, kiên cường của Lục Vân Tiên, qua cuộc trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga ta còn thấy đây là con người có nhiều phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng.

Đọc thêm tác phẩm 🔻 Hồi Trống Cổ Thành 🔻 Sơ Đồ Tư Duy, Mẫu Phân Tích Hay 

Viết một bình luận