Thề Non Nước Của Tản Đà [Nội Dung Bài Thơ + Phân Tích]

Thề Non Nước [Tản Đà] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Chia Sẻ Thông Tin Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Cách Đọc Hiểu Tác Phẩm.

Nội Dung Bài Thơ Thề Non Nước Của Tản Đà

Thề non nước là một trong số những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tản Đà. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Thohay.vn tìm hiểu chi tiết về nội dung, ý nghĩa bài thơ nhé!

Thề non nước
Tác giả: Tản Đà

Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Giời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi nhời thề

Đọc thêm 🌈Hầu Trời [Tản Đà]🌈Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích Bài Thơ

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Thề Non Nước

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Thề non nước như thế nào? Xem ngay gợi ý dưới đây để biết chi tiết nhé!

Theo Nguyễn Khắc Xương trong Tuyển tập Tản Đà thì bài thơ Thể non nước được viết vào năm 1920. Sau đó, từ bài thơ, Tản Đà viết thành một truyện ngắn cũng lấy tên Thề non nước và in trong tập Tản Đà tùng văn. Trong truyện, bài thơ được đề lên bức tranh sơn thuỷ với cô đầu Vân Anh. Năm 1925, Tản Đà lại in riêng bài thơ vào tập Thơ Tản Đà (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội, 1925).

Ý Nghĩa Bài Thơ Thề Non Nước

Bài thơ “Thề non nước” là một bài thơ đa nghĩa. Với nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa, nó không chỉ nói lên mối tình nam nữ thủy chung son sắt mà còn bàng bạc một tình cảm yêu nước thầm kín, thiết tha lúc đất nước còn chưa được độc lập, tự do. Bài thơ cũng mang ý nghĩa khích lệ lòng yêu Tổ quốc của dân tộc.

Đọc hiểu bài thơ 🌛Muốn Làm Thằng Cuội🌛 Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật Bài Thơ

Đọc Hiểu Bài Thơ Thề Non Nước

Chia sẻ cho bạn đọc nội dung đọc hiểu bài thơ Thề non nước chi tiết.

1. Hình ảnh bức tranh sơn thủy.

  • Nói là bức cổ họa sơn thủy, nhưng không có “thủy” vì “nước đi đi mãi không về cùng non”. Chỉ có núi: “Non cao những ngóng cùng trông”. Có suối nhưng suối đã cạn kiệt bao giờ, nay chỉ còn “suối khô dòng lệ…). Có cây mai già trụi lá trơ cành: “xương mai”. Có sương tuyết và mây phủ dày trên đỉnh núi.
  • Có màu xanh của ngàn dâu. Và có màu vàng của tà dương:

“Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.”

    =>Bức cổ họa rất đẹp mà buồn, thấm đượm màu tang thương ly biệt và chờ mong.

2. Nước non nặng một lời thề.

  •  Nước và Non trong bài thơ là hình ảnh của lứa đôi. Trong 22 câu thơ, từ non, nước xuất hiện tới 27 lần. Lúc đầu là Nước Non, biệt ly thì “Nước… Non”, nhớ mong thì “Non… nước/Nước… Non”. Ngày tái hợp: Non Non Nước Nước.
  • Nặng thề nguyền nhưng trắc trở biệt ly, đáng thương.
  • Cảnh đợi chờ. Đó là hình bóng một giai nhân. Vò võ, buồn thương, đau khổ, tàn phai. Những ẩn dụ đầy gợi cảm: dòng lệ, xương mai, tóc mây, vẻ ngọc, nét vàng… 

=> Tóm lại, một bị kịch tình yêu. Có ly biệt, nhớ mong, đau khổ, nhưng mãi mãi tái hợp, sum họp. Buồn thương nhưng không tuyệt vọng. Mối tình ấy được Tản Đà diễn tả bằng những vần thơ giàu hình tượng và truyền cảm với một nhạc điệu du dương, thắm thiết.

3. Nước đi chưa lại.

  • Nhan đề bài thơ là “Thề non nước”, nghĩa là thề vì nước vì non. Bài thơ đã xuất hiện trong tác phẩm Tản Đà trên 2 lần, đó là một ẩn ý vừa kín đáo vừa cảm động.
  • Có đặt bài thơ “Thề non nước” bên cạnh các bài thơ “Vịnh dư đồ…”, “Chim họa mi trong lồng”,… ta mới cảm nhận được tình cảm yêu nước thiết tha của Tản Đà. Ông không phải là một chiến sĩ cách mạng. Ông là một thi sĩ, ông đã gửi gắm tấm lòng của mình với giang sơn Tổ quốc một cách kín đáo và đầy tính chất nghệ thuật.

Nghệ Thuật Bài Thơ Thề Non Nước

Điểm qua các giá trị nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ Thề non nước:

  • Bài thơ có 22 câu, là một bài thơ theo thể lục bát, mang hồn quê dân dã, phảng phất ca dao dân ca.
  • Bài thơ mang âm điệu xoắn xuýt, quấn quýt lấy nhau, vừa êm dịu, vừa mặn mà trữ tình.
  • Sáng tạo trong vận dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ… để xây dựng hình ảnh mĩ lệ, đầy chất thơ.
  • Sử dụng thủ pháp phân – hợp ngôn từ rất tinh tế để gợi tả, biểu cảm. Non và Nước xuất hiện ở tần số cao trong bài thơ

Chia sẻ thêm tác phẩm☀️ Đập Đá Ở Côn Lôn ☀️Nội Dung, Ý Nghĩa

5 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Hay Nhất

Không nên bỏ lỡ 5 mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Thề non nước hay nhất dưới đây bạn nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Hay – Mẫu 1

Nếu có ai hỏi rằng liệu ai là người đặc biệt nhất trên thi đàn văn học Việt Nam thì có lẽ chúng ta có thể nói ngay được rằng đó là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông đặc biệt bởi lối thơ văn với phong cách sử dụng ngôn ngữ biến hóa linh hoạt, vô cùng tài tình. Cùng với đó, ông cũng được coi là “dấu gạch nối giữa hai nền văn học”.

Sinh thời, sự nghiệp của ông vô cùng đồ sộ với những “Khối tình con I, II”, với những ” Đàn bà Tàu”, “Lên tám”, … nhưng có lẽ tiêu biểu nhất trong các tác phẩm của ông là bài “Thề non nước”. Bài thơ này Tản Đà gửi gắm trong đó biết bao nhiêu điều thầm kín qua những hình ảnh thơ vô cùng gần gũi.

Bài thơ “Thề non nước” được viết lên trong hoàn cảnh khi cô đào Anh Tử cùng một du tử ngồi uống rượu, chuyện trò cùng nhau và cùng nhau nối thơ vịnh về một bức tranh sơn thủy có ba chữ triện Nôm “Thề non nước”. Bức tranh kia vốn chỉ họa một dãy núi mà không hề có “thủy” – nước mà chỉ thấy xuất hiện dưới chân núi một ngàn dâu xanh biếc.

Chỉ qua câu chuyện đó, Tản Đà đã mượn lời để viết nên “Thề non nước” ca ngợi mối tình son sắt của trai gái, lứa đôi yêu nhau và hơn nữa giấu kín trong những vần thơ là cả một tình yêu đất nước thiết tha sâu nặng.

Đọc những dòng thơ đầu tiên của bài thơ, người đọc như được bước vào một không cảnh vô cùng buồn bã, sầu thương, khi lời thơ được cất lên đã nhuốm cảnh chia ly đôi đường:

“Nước non nặng một lời thề
….
Nước đi chưa lại, non còn đứng không?”

Hiện lên ở đây là hình ảnh của một cuộc chia ly mang đầy sắc thái buồn bã. Cuộc chia ly của nước và non khi đã cùng nhau hẹn thề “một lời thề”. Vậy mà, “nước đi đi mãi, không về cùng non”.

Cả khổ thơ dường chỉ diễn đạt một nỗi buồn thương sâu sắc đến vô tận của đôi lứa khi chia xa. Người xưa thường ví những lời hứa của những đôi lứa yêu nhau là “thề non hẹn biển” thì ở đây, Tản Đà lại hình tượng hóa hơn, cụ thể hóa hơn khi dùng chính hình ảnh của non nước để ẩn dụ cho đôi lứa yêu nhau.

Người xưa dùng non và biển như hai cá thể độc lập tách biệt thì ở trong thơ của Tản Đà, “biển” được thay bằng nước. Không còn là hai hình ảnh xa rời, tách biệt nhau, không còn là hình ảnh chỉ mang tính chất so sánh, “nước”, “non” ở thơ của Tản Đà lại gắn bó, kết dính lại với nhau, trở thành một đôi đi liền kề cùng nhau. Trong câu thề nguyền “thề non hẹn biển”, “non” và “biển” chỉ là đối tượng dùng để so sánh, để biểu đạt ý cho con người thì trong thơ của Tản Đà, chính “non” với “nước” lại chính là những vật thề nguyện cùng nhau.

“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi, không về cùng non”

Nước và non đã nặng lòng với nhau, trao nhau lời ước hẹn sâu nặng, nhưng “nước” lại một mình ra đi, dường như không trở về cùng “non” kia. Câu thơ như một câu hỏi nặng trĩu nỗi tâm tình. Đọc câu thơ, người đọc không khỏi liên tưởng tới hình ảnh những người chinh phu, chinh phụ, những người giai nhân cùng tình lang và cuộc chia ly của họ.

Khi mà người chinh phu, người tình lang (nước) ra đi, chỉ còn người chinh phụ, giai nhân (non) ở lại trông ngóng đợi chờ, cùng biết bao nỗi nhớ nhung mong đợi của người vợ chờ chồng trở về. Nước và non tưởng chừng như là một thể thống nhất, không gì có thể chia cắt được chúng, vậy mà ở đây nước và non lại bị chia cắt, tách biệt khỏi nhau.

Nếu như nước và non trong câu thơ đầu được tác giả xếp lại gần kề nhau như lời nguyện thề son sắt, thì ở đây, nước và non lại bị tách ra, một đứng đầu, một đứng cuối. Đây chẳng phải là dụng ý nghệ thuật của tác giả về sự chia ly đôi ngả của nước và non hay sao? Nước ra đi, đó là một quy luật khách quan, tất yếu của cuộc sống, của quy luật vận động. Chỉ còn “non” ở lại trông chờ.

Điệp từ “đi” được tác giả sử dụng lặp lại liên tiếp trong cùng một câu thơ, đọc lên, ta có cảm tưởng một thứ gì đó xa xôi, cách trở, lại vô cùng day dứt khôn nguôi. Lời “nguyện nước thề non” kia tưởng như còn đang vang vọng, tha thiết nhường nào, vậy mà “non – nước” đã chia xa, cách trở. Nước ra đi vì quy luật tất yếu, liệu non kia có “còn đứng không”. Lại một câu hỏi nữa, nhưng lần này là câu hỏi mang đầy sự băn khoăn của nước, liệu rằng khi nước chưa trở lại, non kia có còn đứng ở đó chờ trông nước hay không?

Ở đây, Tản Đà thật khéo léo khi sắp đặt vị trí các từ ngữ trong từng câu thơ. Chúng ta có thể nhận ra, chỉ ở một câu thơ đầu tiên, khi nước và non cùng nhau trao lời thề, nước và non được đặt cạnh nhau song hành. Tiếp theo những câu thơ còn lại, nước non đều đứng cách nhau, khi thì đầu – cuối, khi thì lại cách nhau bởi một chữ, tạo nên một khoảng cách xa xôi trong cuộc chia ly của nước và non. Chỉ đơn giản vậy thôi, chúng ta đã cảm nhận được cái tài tình trong cách sử dụng ngôn ngữ của Tản Đà.

Mượn hai hình ảnh vô cùng quên thuộc “non”, “nước”, Tản Đà đã ẩn dụ ở trong đó là hình ảnh của con người, mà cụ thể ở đây là những người vợ – người chồng, những người tình nhân khi xa nhau. Họ đã cùng nhau trao nhau lời thề nguyền “thề non hẹn biển” nhưng phu quân, người tình của họ ra đi liệu có trở về hay không và người vợ, người giai nhân có còn đứng ở nơi hẹn thề chờ đợi người trở về hay không?

Không còn hình ảnh đứng cạnh song hành cùng nhau nữa, nước non bây giờ đã chia ly, đã trở thành hai thế giới cách biệt. Vẫn gợi ra từ hình ảnh từ sự chia ly của hai thế giới tách biệt ấy, ở những câu thơ tiếp theo, non và nước lại trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn:

“Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắng hao gầy
Tóc mây một mái đã đây tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”

Giờ đây, không còn hình ảnh chung, mờ ảo như trước, hiện lên ở đây là hình ảnh của người con gái với những hình ảnh đầy tính ước lệ “xương mai”, “tóc mây”, “vẻ ngọc”, “nét vàng”. Người con gái ở đây hiện lên qua hình ảnh ẩn dụ “non” hiện lên với một vẻ đẹp đầy hoàn mỹ nhưng lại sầu thương và buồn tủi đến vô cùng.

Đọc những câu thơ mà người đọc như cảm thấy nỗi buồn sâu lắng của cuộc chia ly đã thấm đẫm trong từng câu từng chữ. Tản Đà đã sử dụng hình ảnh ước lệ để đặc tả người con gái và cũng sử dụng nghệ thuật ấy để đặc tả nỗi buồn cô đơn của nàng. Nếu như Nguyễn Du đặc tả tâm trạng Thúy Kiều với những:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu

Ở đây Tản Đà lại gợi lên một nỗi buồn, cô đơn tương tư đẹp không kém những câu Kiều của Nguyễn Du. Thế nhưng đối lập với những hình ảnh đẹp mĩ lệ, tuyệt sắc ấy là một nỗi buồn, bi kịch trong tình yêu của cô gái. Nàng giai nhân ấy trong thơ Tản Đà đã “những ngóng cùng trông” người tình lang, người chồng của mình trở về. Trong nỗi buồn thương, cô đơn ấy, nàng đã khóc biết bao tháng ngày tới nỗi nước mắt cũng đã cạn khô “suối khô dòng lệ” và “xương mai hao gầy”.

Mái tóc ngày xưa như “mây”, cùng năm tháng cũng trở nên bạc trắng “đầy tuyết sương”. Tình lang của nàng đã ra đi biết bao nhiêu tháng năm, nàng cũng đã đợi chờ biết bao cái “trời tây ngả bóng tà dương”, vậy mà tình lang của nàng vẫn chưa chịu trở về. Nét son sắt, mĩ miều ngày xưa giờ đã trở nên vàng úa, “phôi pha” cùng thời gian.

Tản Đà đã sử dụng ở đây vô cùng chính xác những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của người con gái đồng thời cũng khắc họa chân thật biết bao cái nỗi niềm tương tư của nàng trải qua bao thời gian năm tháng. Chỉ một từ “khô” được sử dụng trong câu “suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”, người đọc có thể cảm nhận được nỗi buồn sâu thẳm của người con gái chờ mong trong vô vọng cùng với nước mắt.

Chỉ vài câu thơ điểm xuyết vậy thôi mà Tản Đà đã họa ra một bức tranh tương tư chỉ có non mà chẳng có nước. Bức tranh sơn thủy ấy cứ như hiện ra trước mắt người đọc đầy sự mong đợi, thương nhớ vô cùng. Thế nhưng, càng tủi hờn hơn khi mà ” Non còn nhớ nước, nước mà quên non”. Người giai nhân (non) kia vẫn đinh ninh lời thề “nặng” son sắt, vậy mà người tình lang (nước) đã quên nàng mất rồi. Nhưng bất luận điều đó, người giai nhân vẫn mong chờ:

“Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa”.

Sử dụng một thành ngữ chỉ sự giả định không thể xảy ra “sông cạn đá mòn”, Tản Đà muốn thay lời người gia nhân nói rằng chỉ cần còn hai người thì lời thề xưa vẫn luôn luôn còn, không bao giờ phôi pha. Ở đây, tác giả cũng sử dụng cặp từ chỉ sự ngang bằng “dù… còn…” để khẳng địnhdù bất cứ điều gì xảy ra thì lời thề son sắt thủy chung vẫn nguyên còn đó. Ba từ “còn” được lặp lại liên tiếp ba lần như muốn khẳng định mối tình son sắt, thủy chung, bền đẹp của người con gái.

Người con gái ở lại trông ngóng người tình lang của mình đi xa trở về. Và chàng đã hẹn thề ngày tái ngộ:

“Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi”

Người tình lang của giai nhân đã ước hẹn với người tình của mình rằng chàng sẽ trở về “mưa về nguồn” để đáp lại tấm lòng thủy chung đợi chờ của người con gái. Tản Đà đã vô cùng hữu ý khi sắp xếp cặp từ “non – nước” liên tiếp được đặt ở các vị trí khác nhau nhưng càng ngày càng gần nhau hơn.

Ban đầu, như chúng ta thấy ở câu đầu, non – nước được đặt ở vị trí đầu và cuối câu, nhưng đến bây giờ, cách biệt giữa non với nước chỉ còn ở câu trên câu dưới và cuối cùng là sóng đôi cùng nhau “nước non hội ngộ cùng nhau”.

Mỗi câu thơ vang lên là những niềm tin, niềm hi vọng tươi sáng cho ngày sum họp cùng nhau. Ở đoạn thơ này, Tản Đà cũng đã đã rất tinh tế khi sử dụng quy luật tự nhiên của đất trời để biểu thị sự trở về của chàng trai. Vòng lưu chuyển quy luật của trời đất ấy khơi lên trong lòng chúng ta sự lạc quan, hân hoan rằng, nước kia, dù có đi tới đâu, có làm gì thì cuối cùng nước cũng sẽ quay về cùng non. Như một chàng trai hân hoan trở về cố hương với người con gái của mình sau khi đã rạng danh, thành đạt. Kết lại lời tỏ của chàng trai, dù chàng còn đi xa nhưng sẽ quay trở về cùng nàng, với “giao ước kết đôi”.

Không chỉ thể hiện tình cảm đôi lứa, lớp nghĩa thứ ba ẩn dụ trong bài mà Tản Đà muốn tỏ ở đây là tình yêu đối với quê hương, non nước. Viết bài thơ này ở giai đoạn khi đất nước đang rơi vào cảnh lầm than dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, bài thơ ban đầu bộc lộ nỗi buồn chán, sầu thương khi đất nước đang trong tay giặc. Nhưng đọc đến cuối, ta lại thấy một giọng thơ khoan thai, nhẹ nhàng tràn đầy tình cảm, với âm điệu vui vẻ. Phải chăng, ở đây Tản Đà đang ngập tràn hi vọng về một tương lai khác, tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

“Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

Ngàn dâu ở đây không còn mang màu tang tóc, buồn thương nữa mà “xanh tốt” tượng trưng cho một khởi đầu may mắn, tốt đẹp. Đọc lời thơ mà ta như cảm nhận được niềm hân hoan của người giai nhân, người chinh phụ chào đón người chồng của mình trở về nhà. Cả đoạn thơ ngân lên những thanh âm trong trẻo, ngập tràn niềm vui sướng. Phải chăng ở đây cũng là niềm tin, niềm hi vọng của Tản Đà vào tương lai tươi sáng của quê hương đất nước với cả ngàn năm lịch sử “ngàn năm giao ước”.

Cả bài thơ “Thề non nước” được Tản Đà sử dụng biện pháp “phân – hợp” vô cùng điêu luyện tài tình. Cách sử dụng ngôn từ vô cùng đặc biệt, gợi tả sâu sắc. “Ngóng trông” được viết thành “những ngóng cùng trông”, người đọc cảm thấy cái nỗi buồn dào dạt hơn, lan tỏa sâu sắc hơn, sự đợi chờ cũng dường như dài hơn bao nhiêu lần, …

Thể thơ lục bát dân gian được lồng vào trong những câu chữ thấm đượm những tình cảm tha thiết. Cùng với đó là những hình ảnh ẩn dụ thân thuộc đã khiến cho người đọc cảm thấy vô cùng gần gũi thân thương. Tóm lại, “Thề non nước” ở đây không chỉ là một bài thơ vịnh cảnh bình thường mà ẩn chứa ở trong đó là tình yêu của đôi lứa và không thể không nhận ra tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của Tản Đà.

Bài thơ “Thề non nước”của Tản Đà là một bài thơ với giọng thơ trữ tình đặc sắc hòa quyện trọng tình cảm yêu thương dạt dào. Bài thơ là sự nhớ mong của người con gái khi chờ đợi người yêu đi xa của mình trở về. Cùng với thể thơ lục bát của dân gian, gửi gắm trong cả bài thơ là tình yêu nước thầm kín của tác giả qua những vần thơ, hình ảnh ẩn dụ tài tình, cách sử dụng điệp từ, biện pháp nghệ thuật linh hoạt,phong phú.Niềm tin yêu, hân hoan về tương lai của đất nước mà tác giả muốn gửi gắm cứ vang vọng mãi trong lòng chúng ta:

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Hay Đặc Sắc – Mẫu 2

Tản Đà là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thế Kỷ XX. Thơ ông hay diễn tả cảm giác say sưa, chán ngán đời thực, đắm chìm trong cõi mộng, những mối tình với người tri kỷ xa xôi, song cũng có những bài mang tính ẩn dụ, ngầm phê phán hiện thực. Bài “Thề non nước” thể hiện sau sắc phong cách nghệ thuật thơ ấy.

Trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí.

Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.

Trong cuộc đời phiêu bạt đó đây, Tản Đà đã ví mình như dòng nước trôi lênh đênh khắp các sông, hồ, bể cả, trong khi ấy người tình như non cao đứng sừng sững giữa trời, chịu dày dạn với tuyết sương để chờ đợi tình quản:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.

Trong lời thề xưa, câu ước cũ, dù nước có đi mãi chưa về, non vẫn trọn gìn thủy chung. Trong cảnh khắc khoải đợi chờ, tháng ngày ủ rũ sầu nhớ, non kia có khác nào như cành cây khô héo vì hạn hán đang mong một trận mưa rào để lấy lại nét thắm tươi.

Ánh trời chiều đã ngã về phía Tây đoài. Những tia sáng cuối ngày càng soi sáng cảnh vật bao nhiêu càng cho ta thấy rõ những nét “nhạt phấn phai hương” và “hao gầy” của người đẹp, vì mong nhớ người đã cùng mình nguyện trăm năm vàng đá:

Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại,non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tù dương,
Cùng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Dù trải qua bao năm tháng đợi chờ, vẻ đẹp của giai nhân, dưới ánh nắng của buổi chiều tà, vẫn còn những nét kiều diễm đáng yêu. Với một mối tình đậm đà, gắn bó không rời, nước non vẫn không thể nào quên nhau được:

Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.

Lời phân trần, biện bạch nỗi lòng của nước với non mỗi lúc càng thêm chân thành. Nước kia có khác nào người dàn ống theo đuổi một chí hướng, về cuộc đời

Rày đây mai đó đã khiến cho mối tình “non nước” phải bị gián đoạn. Nhưng cuộc một thời gian vui thú giang hồ, nước đã trở về sum họp với non, với người tình cũ năm nào, trong cảnh hoan lạc, vui tươi:

Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn.
Báo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Nếu nước đã không thể quên non thì non cũng không bao giờ rời xa được nước. Lời thề của non nước sẽ đời đời bất diệt:

Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.

Nội dung của bài thơ trên đây được xây dựng trên phương diện tình cảm, một tình cảm thắm thiết và bất di bất dịch. Tản Đà đã dùng non và nước để diễn tả nỗi lòng của mình và người tình cũ một cách tài tình. Dù lời văn có tính cách ước lệ, nhưng không vì thế mà bài thơ kém phần linh động, trái lại nhờ sự ước lệ mà giọng văn trở nên trang trọng, quý phái

Về phần hình thức, tác giả đã dùng những chữ gợi hình như: suối khô dòng lệ, xương mai, hao gầy, đã đẩy tuyết sương, diễn tả được sự mong chờ, thương nhớ của người đẹp. Trong cảnh nhớ mong ấy giai nhân đã võ vàng, tiều tụy.

Nói đến sắc đẹp của người tình, dù đã trải qua những tháng đợi, năm chờ, vẫn không mất đi những nét “trầm ngư lạc nhân” của thuở nào, tác giả đã viết:

Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Giọng điệu trầm buồn trong lời thơ đã diễn tả đúng như những tiếng nhạc khi khoan khi nhặt, lúc bổng lúc trầm, hai chữ non non, nước nước được nhắc đi nhắc lại nhiều lượt như lời nức nở than vãn

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non”
Nước đi chưa lại, non còn đứng không…

Để minh chứng cho lời thề non nước bền chặt với thời gian, tác giả đã dùng những lời lẽ cương quyết, đanh thép

Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.

Toàn bài thơ lời lẽ rất giản dị, chân thành và không có gì là gượng ép hay giả tạo. Đó là nhờ sự rung cảm chân thành của tác giả trong khi sáng tác. Tản Đà đã dung hòa được tất cả màu sắc, âm thanh, tình cảm để tạo nên những vần thơ tự nhiên, nhưng có một sức gợi mạnh mẽ.

Dù có tiếng là phóng túng, Tản Đà vẫn không để cho tình cảm lấn áp lí trí một cách dễ dàng. Thi sĩ đã dùng tình cảm để nâng đỡ lí trí, để tạo cho mình một sự nghiệp văn chương quan trọng. Lời thơ của Tàn Đà dù ở phương diện nào cũng tỏ ra phảng phất phong độ của một người rất hăng hái và có nhiệt tâm quyết, đem “bút sắt mà mài lòng son”. Giữa thời quốc biến, dù không thể thực hiện hoài bão của mình trong việc giúp dân, cứu nước, Tản Đà cũng đã góp phần vào việc tô điểm cho nền văn học nước nhà dược thêm phần tráng lệ.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Chọn Lọc – Mẫu 3

Nhắc đến con người ngông nghênh ngất ngưởng hẳn ai cũng nhớ đến Nguyễn Công Trứ và khi nói đến con người của hai thế kỉ thì ai cũng nhớ đến nhà thơ Tản Đà. Nhà thơ ấy có một cá tính đặc biệt và có những sáng tác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà. Trong những sáng tác của ông chúng ta đặc biệt ấn tượng với bài thơ thề non nước.

Trước hết là nhan đề của bài thơ, non nước là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hữu tình. Dân gian ta đã từng ví tình cảm của mình với non với nước. Hai hình ảnh ấy đi liền với nhau, gắn bó với nhau. Nó trở thành một hình ảnh mặc nhiên có non thì có nước. Chính vì sự gắn bó gần gũi ấy mà nhân dân ta luôn lấy hai hình ảnh này để tượng trưng cho tình cảm trong đời sống tâm hồn mình.

Và ở đây Tản Đà cũng sử dụng hình ảnh thiên nhiên tổ quốc ấy để nói về tình yêu nam nữ được bộc lộ kín đáo qua lòng yêu nước.  “Thề non nước” là sự nhân hóa non nước như tượng trưng cho lời thề của tình yêu đôi lứa sâu sắc mặn nồng. bài thơ là sự đối đáp trò chuyện của hai nhân vật là cô Đào Vân Anh và người lữ khách về hình ảnh non nước.

Mở đầu bài thơ Tản Đà đã nêu lên lời thề của non nước bằng hai câu thơ đầu:

“Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non”

Nước và non nặng một lời thề, đó là lời thề của sự gắn bó tình yêu đôi lứa. Bấy lâu nay nước non vẫn cứ bên nhau để làm nên một cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Sự đẹp đẽ ấy tượng trưng cho sự hài hòa của tình yêu đôi lứa, lời thề non nước là một lời thề nặng những ân tình.

Chữ “nặng” như làm cho câu thơ như trĩu xuống. Đó cũng là lời thề sắt son của đôi trai gái yêu nhau. Đặc biệt là câu thơ thứ hai các động từ thể hiện sự tăng tiến dẫn đến sự chia ly của non nước. Từ “đi” rồi đến “đi mãi” cuối cùng là “không về”. Càng tăng tiến bao nhiêu thì sự chia li càng lớn bấy nhiêu. Vậy là lời thề non nước sâu nặng đến như thế vậy mà nước vẫn bỏ non đi mãi không về.

Sau khi nêu lên lời thề non nước nhà thơ nói đến tình cảnh của non khi mà nước cứ đi mãi không về:

“Nhớ nhời nguyện nước thề non
….
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!”

Nhà thơ một lần nữa lại nhắc lại lời thề non nước. Tình cảnh của non được thể hiện rất rõ. Ở đây nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật tách lời thể hiện sự chia cắt xa xôi. Hai từ nguyện thề không đi cùng nhau sát cánh bên nhau mà được tách ra là nguyện nước và thề non. Điều đó phải chăng là dụng ý nghệ thuật của tác giả để nói về sự chia cắt.

Không những thế nhà thơ còn sử dụng biện pháp đối lập giữa “nước đi chưa lại” và “non còn đứng không”. Sự đối lập ấy cho thấy nước cứ đi mãi mãi không về còn non thì vẫn đứng không chờ đợi ngóng trông trong nhung nhớ và cô đơn. Dù ở trong tình cảnh như thế nhưng non vẫn giữ nguyên lời thề nguyện của mình và vẫn thể hiện tâm trạng nhớ nhung mong nước trở về.

Đọc câu thơ lên chúng ta như cảm nhận được sự ngóng trông của non, cái hình hài vốn đã cao lớn ấy nay lại càng như muốn dướn lên cao hơn để phóng tầm mắt của mình tìm kiếm nước. Có lẽ chính những năm tháng một lòng một dạ đợi chờ ấy đã in hằn lên dáng hình của non.

Hàng loạt các hình ảnh như “suối khô dòng lệ”, “sương mai một nắm”, “tóc mây” là hàng loạt các hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Thế nhưng đó chính là sự hao mòn của non khi chờ núi. Nỗi nhớ, niềm thương, sự mong đợi khiến cho dáng hình của non hao gầy, tàn úa. Thế nhưng non vẫn chưa già mà có già thì non vẫn cứ mong chờ nước quay về.

Dù thời gian có làm cho non vàng úa phôi pha thì non vẫn cứ khẳng định tình chung với nước, mãi mãi đợi chờ trong mong ngóng. Đồng thời qua đó nhà thơ muốn kín đáo gửi gắm tâm sự của mình là khao khát hồn nước sẽ sống lại, chủ quyền sẽ trở về với non sông Tổ quốc.

Nếu chỉ đọc đến đoạn thơ trên chúng ta cứ nghĩ rằng nước vô tâm vô tình lắm, bạc bẽo lắm thì đến với đoạn thơ tiếp theo chúng ta mới hiểu được nỗi lòng mà nước trao cho non. Dù nước có đi nhưng vẫn để lại lời nhắn nhủ:

“Dù cho sông cạn đá mòn
…..
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui”

Nước rằng dẫu cho sông cạn đá mòn thì lời thề nguyện xưa kia vẫn còn là một lời nguyện thề nặng trĩu. Lời thề ấy còn khi mà non và nước vẫn còn. Nước như hỏi non nhưng lại chính là đang nhắn nhủ an ủi non. Nước không đi mãi bỏ non một mình mà nước có ra bể lớn thì cùng lại mưa về nguồn thôi.

Khi ấy nước non sẽ hội ngộ, nước dẫu hãy còn đi nhưng nước chắc chắn sẽ trở về. Vậy nên non không nên buồn làm chi. Những lời nói ấy như an ủi động viên non và thể hiện tình cảm sắc son của mình. Đồng thời tác giả bộc lộ niềm tin về một tương lai không xa đất nước sẽ được tự do.

Kết thúc bài thơ Tản Đà đã một lần nữa thể hiện khẳng định lời thề non nước sâu sắc. Tình yêu đôi lứa ấy nhưng cũng chính là lời thề yêu tổ quốc của tác giả:

“Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề”

Con số nghìn năm là một khoảng thời gian rất dài mà thời gian luôn làm cho mọi thứ phôi pha nhạt nhòa và thay đổi. Thế nhưng với non và nước thì nghìn năm chỉ là con số bình thường, lời thề nguyền vẫn cứ được giữ nguyên không bao giờ tan biến.

Như vậy qua đây ta thấy Tản Đà đã vẻ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên vô cùng của non nước. Non nước ở đây đã được nhân hóa thành người con trai con gái yêu thương nhau son sắt thủy chung với một lời thề nguyện nghìn năm không thay đổi. Đồng thời qua việc thể hiện tình yêu nam nữ nhà thơ thể hiện tình yêu đất nước, tự do một cách kín đáo.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Ngắn Hay – Mẫu 4

Tản Đà là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, ông đã có rất nhiều tác phẩm nổ tiếng trong đó bài thơ Thề non nước là một tác phẩm hay và mang những nét cổ điển sâu sắc của dân tộc, những hình ảnh mang đậm giá trị này cũng luôn tạo được những giá trị niềm tin sâu sắc cho mỗi con người.

 Mở đầu bài thơ tác giả đã mang một lời thề với nước non, những giá trị đó để lại cho cuộc sống của mỗi người những lời nguyện ước hoàn thành được xứ mệnh của mình đối với dân tộc. Nước và non là hai danh từ mang đậm giá trị chung, khi những hình ảnh của nước non luôn thấm đẫm giá trị sâu sắc trong tác phẩm, nước non đã mang nặng lời thề.

Ở đây tác giả đã dùng hai từ nước và non để thể hiện ước nguyện thề nguyền với dân tộc, nước và non đã thề nguyền sánh bước bên nhau, nhưng ở đây tác giả đang nhập mình vào hai trạng thái này để nói lên cảm xúc của chính mình đối với dân tộc đối với đất nước, những giá trị của nó mang đậm màu sắc và những trạng thái của non nước quê hương:

Nước non nặng một lời thề
…..
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Ở đây nước non đã thể hiện những giá trị quê hương và đậm chất dân tộc đã mang những màu sắc sáng chói lên những niềm tin yêu về một dân tộc của chúng ta, nước non luôn là những cặp luôn luôn đi cùng bên nhau, và nguyện thề sẽ sống cùng nhau mỗi ngày, bao sóng gió cũng vượt qua được tất cả, giá trị của nó cho dân tộc cũng mang những màu sắc tươi tắn, nước đi đã nguyện thề và luôn luôn bên nhau , khi nước đi non vẫn đang đứng chờ và ngóng cùng trông nhau.

Hình ảnh đó đã mang đậm những giá trị sâu sắc của cuộc sống, và những dòng lệ đã tuôn dài theo năm tháng, trông chờ đang ngày một héo úa, và tóc mây đã mang những máu đầy tuyết sương, ở đây tuyết sương thể hiện sự chờ mong về một lời thề nguyền sâu sắc đối với dân tộc của mình:

Giời tây chiếu bóng tà dương
…..
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

Những sự ngóng trông, chờ đợi đã được lộ ra mỗi ngày, khi thiên nhiên mang đậm màu sắc của những sự ngóng trông và trông chờ về những lời thề ước sẽ luôn bên nhau, không mang theo những nỗi lầm và sự tiếc nuối về những gì đã qua.

Lời thề ở đây có thể được coi như một lời nguyện ước, và những hình ảnh mang đậm màu sắc của thiên nhiên và những lời nguyện thề sẽ sánh vai cùng bên nhau. Nước và non sẽ không xa nhau, khi nó phơi lên trên đất nước những lời nguyện thề với nước non và hình ảnh đó đã mang những giá trị tươi tắn ngọc ngà, và mang màu sắc những nét vàng ngọc ngà chưa phôi pha.

Thời gian càng trôi đi, những nét đẹp của non nước ngọc ngà vẫn sáng bừng lên những ngọn ánh sáng bừng lên ngọn lửa của hy vọng và hy vọng về một tương lain tươi sáng hơn, khi những nỗi nhớ của nước non luôn luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi con người.

Non và nước luôn luôn bên nhau và nguyện thề cùng với nhau, những nỗi nhớ không tên đó đã khắc sâu những khoảnh khắc, có giá trị và ý nghĩa nhất trong mọi người. Những hình ảnh đó đã hiện lên trên mọi cảm giác để luôn luôn sánh bước với nhau trong cuộc đời.

Dù cho thời gian có trôi đi, sự vật thay đổi thì non nước vẫn luôn luôn nguyện thề cùng bên nhau để vượt lên trên cuộc sống, sống những năm tháng có giá trị. Ở đây non và nước được tổng hợp thành danh từ đất nước, hay nước non đó là chỉ về một quê hương, một đất nước, và giá trị của nó là để cho dân tộc những hoài niệm sâu sắc nhất. Mỗi người đều có thể dễ thấy điều đó qua cách diễn đạt mang màu sắc tươi tắn, vui vẻ và hạnh phúc nhất, những giá trị của nó luôn mang những hoài cổ về một lời thể ước sẽ luôn luôn bên nhau:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?

Những lời nguyện thề đó của non và nước là một biện pháp ẩn dụ để nói lên cuộc sống và sự thề nguyền của con người, những hình ảnh đó cũng đậm màu sắc và những lời thề của anh hùng dân tộc về đất nước của mình, luôn luôn thề nguyện sẽ hy sinh tất cả vì dân tộc, và nước non là những từ để cho họ gắn tâm trạng và thổi hồn của mình vào đó biết bao cảm xúc và giá trị nhất của con người.

Cho dù cho sông cạn đá mòn, cũng giống như một hoàn cảnh sống có khó khăn đến như thế nào thì họ vẫn luôn luôn phấn đấu vì đất nước, vì một nền dân tộc, mạnh mẽ sống trong những khoảnh khắc bên nhau, và nguyện thề với nhau trong những khoảnh khắc tuyệt vời và có giá trị nhất của con người:

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
…..
Non non nước nước không nguôi lời thề.

Tình cảm ấy, tình yêu ấy mãi không bao giờ ngừng nó sẽ giống như những con sóng kia mãi mãi vỗ vào bờ dù xa vời cách trở. Nghìn năm hay nhiều hơn con số ấy thì nước non vẫn cứ không tách rời, vẫn cứ giao ước kết đôi. Và lời thề xưa sẽ mãi vẹn nguyên như thế.

Qua đây ta thấy Tản Đà đã để lại cho chúng  ta những tình cảm thật sự đẹp, tình yêu đôi lứa sắt son bền vững không vụ lợi không toan tính. Dù cho khoảng cách địa lý có xa xôi, dù cho thời gian có chầm chập trôi thì lời thề non nước vẫn luôn sắt son như thế.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Thề Non Nước Sâu Sắc – Mẫu 5

Trong nền văn học Việt Nam, có một thi nhân đặc biệt, chiếm vị trí cũng đặc biệt trên thi đàn. Đó là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đặc biệt bởi tài sử dụng ngôn ngữ của ông mà có người đã khâm phục như một nhà ảo thuật ngôn ngữ. Đặc biệt bởi vì ông là “chiếc gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới” (Hoài Thanh). Sinh thời, ông viết nhiều tác phẩm hay, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ “Thề non nước”.

Bài thơ có gì đặc biệt lại cùng tác giả rạng danh trên thi đàn Việt Nam đến như vậy?

Ta hãy xem:

Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non.

Hình ảnh một cuộc chia ly hiện ra buồn bã qua một câu thơ như một lời thở dài nặng trĩu. “Nước non” gợi lên hình ảnh về một bức tranh sơn thủy, có núi sông. “Nước non” ở câu trên đi cạnh nhau như một đôi bạn quấn quýt, và trọng tâm của câu đặt vào chữ “nặng” càng làm rõ cái sắt đá của lời thề. Tưởng chừng như không gì chia cách được nước non. Ấy thế mà:

Nước đi, đi mãi không về cùng non.

“Nước, non” bị tách ra hai đầu câu thơ, như cùng tồn tại ở hai cực, tách biệt và xa cách làm sao. Nước đi như một tất yếu khách quan của qui luật vận động. Còn non đứng lại, chỉ biết chờ mong. Từ “đi” được lấy và được ngăn cách, tạo cảm giác về một sự day dứt khắc khoải khôn nguôi. Non khắc khoải điều gì?

Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Lời “nguyện nước thề non” thiết tha là thế, sâu nặng là thế, ấy mà non – nước vẫn cách chia. Một lần nữa, non – nước lại đứng ở hai vế câu đối lập:

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Vẫn gợi hình ảnh hai thế giới tách biệt, vẫn gợi sự chia li cách trở. Thế nên:

Non cao những ngóng cùng trông
…..
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Hình ảnh của non hiện ra ở đây cụ thể hơn, như một người con gái. Những “dòng lệ sương mai, tóc mây, vẻ ngọc nét vàng” đầy ước lệ chẳng đã nói lên điều đó sao? Người con gái nhưng buồn. Một lần nữa cái phong vị chia ly lại thấm đều trên từng câu chữ, lại khắc đậm thêm trong ta một nỗi u tình sâu kín. Nhạc thơ hầu hết là thanh bằng, tạo âm điệu trầm buồn da diết. Tứ thơ chất chứa nỗi cô đơn:

Sương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Điều gì cũng chỉ có một! Một mái tóc mây, một dáng vẻ hao gầy, một mình non đứng cô đơn. Thế nhưng, nỗi sầu thì cứ tuôn ra đầy vơi, nỗi buồn như muốn trào ra từng lời nói, câu thơ ẩn ngầm một sự đối lập xót xa.

Tất cả chỉ vì nước đã ra đi, đi xa lắm. Nhưng nước thì làm sao không chảy cho được, cũng như người trai sao yên vị một chỗ cho đành. Nước đi theo lẽ tự nhiên như người trai phải ra đi vì đất nước. Nhưng sao người con gái lại thảm sầu đến thế! Phải chăng thời buổi nhiễu nhương đã bức lìa câu thề non – nước, tách rời hai thực thể vốn dĩ phải gần nhau.

Lời thơ hiển hiện mà ý từ cứ ẩn ngầm. Ta bắt gặp trong khung cảnh một câu chuyện tình quen thuộc bóng dáng một xã hội loạn li mà tác giả không đề cập tới. Tuy thế, ý tứ và hình ảnh cứ như bật dậy khỏi trang giấy, đây vào lòng người đọc một cách sống động lạ thường.

Có vẻ như bức tranh “Thề non nước” sẽ nhuốm một màu sắc bi quan u tối, nếu như không có những câu thơ:

Non cao tuổi vẫn chưa già
……
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nếu như ở đoạn thơ trên, sự ra đi “nước” là một qui luật tự nhiên thì ở đoạn này, viễn cảnh về sự trở lại của “nước” cũng tuân theo một qui luật tự nhiên bất di bất dịch. Có thể nó đoạn thơ này là lời an ủi thiết tha, chân thành của “nước” dành cho “non”.

Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Lời thề vàng đá ngày nao vẫn còn đó, sâu nặng trong mỗi người. Cho nên đáp lại sự chung thủy đợi chờ của non là sự sắt son của nước.

Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Cặp từ “non, nước” được liên tiếp lặp lại ở những vị trí khác nhau, ngày càng gần lại, ban đầu còn cách biệt câu trên câu dưới, còn song đôi nhưng chưa gặp gỡ thì sau đã đi liền nhau như tái hợp, sum vầy. Ta thấy từ trong mỗi câu thơ lóe lên những tia hi vọng tươi sáng, hợp thành một niềm tin chắc chắn vào một ngày sum họp gần kề. Tản Đà đã rất hữu ý khi sắp xếp từng câu chữ.

Đoạn thơ như một lời an ủi nhiệm màu thổi vào lòng non ngọn lửa hồng ấm áp của niềm tin và sự lạc quan. Nước non tuy xa cách, nước tuy đi khuất nhưng có một ngày quay về với non:

Nước đi ra bể lại đi về nguồn.

Như một người con trai đạt thành sự nghiệp qui cố hương với tấm lòng thanh thản tươi vui.

Tầng nghĩa thức ba của cặp từ “non – nước” hiện ra ngay ở đây hàm ý về tấm lòng Tản Đà đối với non nước, quê hương. Nếu như ở một đoạn thơ đầu, ông bộc lộ nỗi buồn chán cho cảnh đất nước qua giọng thơ sầu não thì ở đoạn này, một nhịp thơ khoan thai mà âm điệu vui vẻ lại vẽ nên một Tản Đà khác hẳn, một Tản Đà ngập tràn hi vọng một ngày mai tươi sáng, một tương lai tốt đẹp cho nước nhà.

Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi.
Non non nước nước không nguôi lời thề.

Màu xanh tươi tắn và khỏe khoắn của ngàn dâu tượng trưng cho một khởi đầu tốt đẹp sau những thay đổi tang thương. Từng lời từng chữ cứ quyện vào nhau, đan kết lại trong một nỗi hân hoan dào dạt. Ta như thấy được nét mặt vui mừng của người chinh phụ khi đón chồng về, như cảm nhận được niềm vui ngân lên trong những thanh âm trong trẻo của hai câu thơ cuối.

Bức tranh “Thề nước non” mang một hình ảnh cụ thể của một bức tranh sơn thủy nhưng lại mang nét trừu tượng của một bức tranh phức tạp. Cái hay của bài thơ là ở ngôn ngữ nghệ thuật ngôn ngữ điêu luyện của Tản Đà, cũng là ở tấm lòng ưu ái của ông với đất nước.

Bài thơ mang một giá trị cao là vì thế. Nó là một trong vài dấu son cuối cùng của thơ cổ, chuyển tiếp sang thời kì thơ mới hiện đại.

Mời bạn xem thêm 🌿Vào Nhà Ngục Quảng Đông Cảm Tác 🌿 Nội Dung, Nghệ Thuật

Viết một bình luận