20+ Mẫu Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Lớp 6

Sưu tầm những mẫu viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện hay nhất để các em học sinh lớp 6 có thể tham khảo và ôn tập thật tốt.

NỘI DUNG CHÍNH

Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Là Gì?

Thuyết minh thuật lại một sự kiện là việc tường thuật, mô tả lại một sự kiện đã diễn ra, thường là một cách chi tiết và rõ ràng để người nghe hoặc người đọc có thể hiểu rõ những gì đã xảy ra. Quá trình này bao gồm việc cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, những người tham gia, các hành động chính và những kết quả hoặc hậu quả của sự kiện đó.

Đọc thêm bài 👉 Chia Sẻ Một Trải Nghiệm Về Nơi Em Sống Hoặc Từng Đến

Cách Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện

Nếu bạn vẫn chưa biết viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện như thế nào? Vậy thì hãy tham khảo ngay nội dung dưới đây:

  • Bước 1: Giới thiệu sự kiện em muốn thuyết minh thuật lại
    • Sự kiện đó có tên là gì? Được tổ chức nhân dịp gì?
    • Sự kiện đó được tổ chức ở đâu? Vào thời gian nào?
  • Bước 2: Kể lại diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian trước khi bắt đầu sự kiện.
    • Nơi diễn ra sự kiện được trang trí như thế nào? Có gì đặc biệt khác với thường ngày?
    • Những người đến tham dự sự kiện gồm những ai? Họ mặc trang phục như thế nào? Thái độ khi đến dự sự kiện ra sao?
    • Các khâu chuẩn bị cho sự kiện đến lúc này đã hoàn tất chưa? Có được kiểm tra lại khâu nào hay không?
  • Bước 3: Nếu quá trình diễn ra sự kiện như thế nào?
    • Sự kiện diễn ra với các hoạt động nào? Đâu là hoạt động chính và được mọi người mong chờ nhất?
    • Các sự kiện diễn ra lần lượt ra sao? Với sự dẫn dắt và tham gia của những ai?
    • Thái độ, cảm xúc của những người đến dự sự kiện như thế nào?
    • Bầu không khí của sự kiện ra sao?
    • Bản thân em đặc biệt cảm thấy ấn tượng nhất với điều gì của sự kiện? (trang trí, hoạt động, âm nhạc, ánh sáng, khách mời, quy mô…)
  • Bước 4: Suy nghĩ, đánh giá của em dành cho sự kiện và ý nghĩa của sự kiện đó.

Gợi ý 🔽 Viết Bài Văn Kể Lại Một Trải Nghiệm Của Em Lớp 6 🔽 hay nhất

Dàn Ý Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Lớp 6

Xem thêm mẫu dàn ý bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện lớp 6 dưới đây để có thể làm bài thêm logic, hấp dẫn hơn.

1. Mở bài: Giới thiệu sự kiện (không gian, thời gian, mục đích tổ chức sự kiện)

2. Thân bài: Tóm tắt diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian

  • Những nhân vật tham gia sự kiện
  • Các hoạt động chính trong sự kiện, đặc điểm, diễn biến của từng hoạt động
  • Hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất

3. Kết bài: Nêu ý nghĩa của sự kiện và cảm nghĩ của người viết

20+ Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Ngắn Hay Nhất

Chia sẻ đến các em học sinh lớp 6 tuyển tập những bài văn mẫu thuyết minh thuật lại một sự kiện ngắn, hay nhất. Hãy tham khảo ngay để có thể trau dồi thêm cách diễn đạt cũng như cách sử dụng từ ngữ sao cho thật hay và ấn tượng.

Viết Văn Bản Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Việc Chi Tiết – Hội Thi Gói Bánh Chưng

Mỗi năm một lần, vào ngày 20 tháng Chạp, thôn em lại vui mừng tổ chức Hội thi gói bánh chưng để đón Tết Nguyên Đán.

Năm nay, bố em có mặt trong đội thi của tổ, nên em cũng may mắn được đi cùng bố, trải nghiệm trọn vẹn bầu không khí rộn ràng, vui tươi của hội. Tối 19, đã khuya nhưng bố vẫn còn đến nhà văn hóa để rửa lá dong và ngâm gạo nếp trước. Xung quanh, các đội khác cũng đang bận rộn chuẩn bị giống bố. Bố đặc biệt xay lá dứa để lấy nước màu xanh ngâm gạo nếp, giúp bánh trông đẹp mắt hơn. Xong xuôi, mọi người trở về nhà nghỉ ngơi để hôm sau đến tham gia thi đấu.

Sáng hôm sau, đúng 7h, tất cả các đội thi có mặt ở sân nhà văn hóa để tham gia lễ khai mạc. Xung quanh, rất đông người dân trong thôn và các thôn khác cũng có mặt để quan sát và cổ vũ. Sau lễ khai mạc và bài phát biểu của trường tôn, Hội thi chính thức bắt đầu.

Các đội thi chia thành bảy nhóm, xếp thành một vòng tròn. Mỗi đội đều ngồi gói bánh trên chiếc chiếc cói. Các thành viên thì mặc áo dài truyền thống. Bởi họ muốn truyền tải những hình ảnh đẹp gắn với truyền thống dân tộc cho những người trẻ đến xem hội. Các chú, các bác đều gói rất nhanh và thành thạo. Bố của em cũng không hề kém cạnh. Chẳng cần khuôn, bố vẫn gói ra chiếc bánh thật vuông và đều. Bố xoắn dây lạt nhanh và khéo đến mức em chưa kịp nhìn thì một chiếc bánh xinh đã ra đời.

Sau ba mươi phút thi đấu, trọng tài thổi còi ra hiệu dừng lại. Các đội đặt chiếc bánh lên bàn để ban giám khảo chấm điểm lần 1. Sau đó dem đi luộc. Chờ đến tối khi bánh chín thì sẽ được chấm điểm lần thứ 2. Khoảng 8h tối, hội thi tiến hành công bố kết quả và trao giải thưởng cho đội thắng cuộc. Tuy đội của bố em chỉ đạt giải khuyến khích, nhưng như vậy cũng đủi vui rồi.

Kết thúc hội thi, em rất hào hứng và thích thú. Từ mai, em sẽ nhờ bố dạy mình gói bánh. Rồi chờ khi em đủ lớn, sẽ tự mình đăng kí tham Hội thi gói bánh chưng này, thay bố giành giải quán quân.

Đón đọc thêm mẫu 👉 Viết Bài Văn Kể Lại Một Chuyến Đi Đáng Nhớ Của Em 👉 ngắn gọn

Viết Văn Bản Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Một Sinh Hoạt Văn Hóa Hay – Đấu Vật

Một trong những lễ hội mà tôi đã có dịp chứng kiến là lễ hội đấu vật. Đó là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của quê hương tôi.

Lễ hội đấu vật ở quê tôi thường được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Các vòng loại sẽ lựa chọn ra năm đô vật mạnh nhất đại diện cho thôn bước vào trận chung kết.

Trận đấu diễn ra vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Sau khi hai đô vật chào hỏi khán giả, trọng tài thổi còi ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật cởi trần, mặc một chiếc quần đùi, tay buộc một chiếc khăn khác màu sắc để phân biệt.

Cả hai đô vật cúi người, nắm vào bắp tay của nhau tạo thành thế đấu vật. Họ di chuyển trên sàn để thăm do đối phương. Đô vật nào cũng ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Phía trên sân khấu, có một người đang đánh trống. Nhịp trống dồn dập khiến không khí càng thêm sôi động. Còn khán giả thì cũng hò reo cổ vũ nhiệt tình. Mười phút thi đấu diễn ra thật căng thẳng.

Khi ban tổ chức thông báo bắt đầu cuộc thi, cả hai bước vào sân cúi chào khán giả. Trọng tài thổi còi và phất cờ ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật dùng đôi tay chắc khỏe của mình ra múa khởi động. Đôi chân không ngừng giậm nhảy, lùi trước lùi sau để thăm dò đối thủ. Hai đô vật đã tiến sát lại gần nhau, hai tay giữ vào vai đối thủ. Thân hình của họ trông thật dũng mãnh.

Còn gương mặt thì đã nhễ nhại mồ hôi. Thoắt cái, đô vật khăn xanh đã vật ngã được đối thủ xuống đất bằng một thế đòn hiểm. Trọng tài ra hiệu thời gian để chờ đô vật khăn đỏ đứng dậy. “Ba… hai… một… Hết giờ!” – đô vật khăn đỏ vẫn nằm dưới sàn nhà. Lúc đó, chiến thắng sẽ thuộc về đô vật khăn xanh. Mỗi một trận đấu vật đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

Các trận đấu vật để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi cảm thấy yêu mến và tự hào về những con người của quê hương mình. Họ không chỉ khỏe khoắn, mạnh mẽ mà còn đầy tinh thần thượng võ.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện 26/3 Hay Nhất

Nhân kỉ niệm …. năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/03, trường chúng em đã phối hợp với Đoàn xã tổ chức Hội trại để ôn lại những chặng đường vẻ vang phát triển của Đoàn.

Sáng sớm chúng em đã tập trung đông đủ tại sân trường. Sau khi dùng điểm tâm bữa sáng bằng bánh mì, cả lớp lên đường. Bạn vác ba lô, bạn khiêng cây, cọc, bạn nệ khệ ôm vải che lều đi như một đoàn người di cư trong các bộ phim trên truyền hình.

Đến nơi, mặt trời cũng vừa bật lên những tia nắng đầu tiên xuống mấy luống hoa mơn mởn đủ màu còn ướt đẫm sương đêm. Chúng em chọn ngay một khoảng đất rộng dưới bóng cây cổ thụ thật to, mỗi người một việc, quét dọn, cắm cọc, giăng lều. Chẳng mấy chốc, trại đã dựng xong. Thầy chủ nhiệm còn cẩn thận trang trí thêm trước cửa lều Mấy bông hoa được thắt bằng lá dừa rất đẹp.

Chín giờ khai mạc trại. Cả lớp quây quần bên nhau sinh hoạt văn nghệ. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng vỗ tay nhịp nhàng, rộn rã. Ai nấy cũng đều đắm chìm trong lời ca tiếng nhạc mà quên đi những vất vả trong học tập hằng ngày, Hấp dẫn hơn cả là màn kịch vui của bốn bạn ngồi bàn đầu lớp em. KHông biết họ có hẹn nhau tập duyệt hồi nào mà diễn hay, tự nhiên như trên sân khấu, làm cả lớp cười lăm bò càng.

Buổi trưa, chúng em được ăn bánh mì nhân thịt. Tuy món ăn không đổi nhưng ai nấy đều thấy ngon miệng. Xong, mooic người một góc nghỉ ngơi tùy theo sở thích của mình. Có bạn đi lang thang, xem hoa xem cỏ, có bạn nằm dưới bóng cây đọc sách báo.

Chiều lại, chúng em tổ chức các trò chơi như giành khăn, mèo bắt chuột…

Tiếng chân rượt đuổ nhau thậm thịch, tiếng reo hò náo nhiệt cả một vùng công viên khiến mọi người đi dạo cũng tò mò dừng lại xem. Đến chừng đã thấm mệt và mặt trờ chếch bóng về Tây, thầy chủ nhiệm ra lệnh nhổ trại. Cả lớp thu dọn sạch sẽ trước khi ra về.

Một ngày chúng em sống bên nhau thật lí thú. Tình bạn, tình thầy trò dường như gắn bó nhau nhiều hơn. Chúng em ai cũng tiếc thời gian cắm trại sao mà ngắn ngủi quá.

Đọc thêm bài 👉 Trình Bày Suy Nghĩ Về Tình Cảm Của Con Người Với Quê Hương

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Ngày 1/6 Siêu Hay

Tối hôm qua, tại nhà văn hóa thôn, em đã cùng mọi người tham gia sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Đây là ngày hội cho các bạn nhỏ trong toàn thôn. Nó không chỉ là ngày vui chơi, phát quà bánh kẹo. Mà còn là dịp để trao tặng các phần thưởng cho những bạn học sinh trong thôn đã có một năm học tập chăm chỉ. Từ buổi chiều, các anh chị đoàn viên thanh niên đã có mặt để sửa soạn và trang trí hội trường. Các bác trưởng thôn và hội khuyến học cũng có mặt để sắp xếp các phần quà như giấy khen, sách vở, bánh kẹo, cặp sách, để tối nay trao cho từng bạn.

Đúng 7 giờ tối, không chỉ các bạn thiếu nhi như em trong thôn có mặt ở nhà văn hóa, mà còn có rất nhiều các phụ huynh cùng có mặt. Ngay sau lời giới thiệu trang trọng của bác trưởng thôn, sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi chính thức bắt đầu. Đầu tiên, là phần trao thưởng theo từng khối học, sau đó đến các giải thưởng, bằng khen cho những học sinh đạt giải cao trong kì thi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Xen kẽ các phần trao thưởng, là những tiết mục văn nghệ rất hay và sôi động do chính các bạn nhỏ trong thôn em tập luyện và biểu diễn. Mỗi khi kết thúc một tiết mục hay phần trao thưởng, mọi người ở dưới lại vỗ tay nhiệt liệt để chúc mừng các bạn trên sân khấu. Các phụ huynh thì nhìn con em mình bằng ánh mắt tự hào, yêu thương.

Đến khoảng 8h30 tối, phần trao thưởng kết thúc để chuyển sang phần liên hoan. Lúc này, mọi người di chuyển ra sân trước của nhà văn hóa, nơi đang bày sẵn rất nhiều bàn với bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt vừa hấp dẫn lại ngon lành.

Các bạn nhỏ reo lên vui sướng, ùa về những chiếc bàn để tận hưởng bữa tiếc. Chúng em cũng không quên nói lời cảm ơn các bác trong ban tổ chức, các anh chị thanh niên đã giúp mình có một buổi tối tuyệt vời như thế. Vừa ăn, chúng em vừa trò chuyện phấn khởi, về những dự định và kế hoạch cho ba tháng nghỉ hè dài sắp tới. Trên gương mặt bạn nào cũng là niềm vui và sự hạnh phúc ngập tràn.

Tuy giản dị và không hào nhoáng như các chương trình mà em vẫn xem ở trên tivi, nhưng em vẫn rất yêu quý chương trình chào mừng ngày 1-6 của thôn mình. Bởi không khí ở đây quá tuyệt vời, những hoạt động cũng thật ý nghĩa. Sau khi chương trình kết thúc, ai cũng vui vẻ và phấn khởi thì nghĩa là sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp rồi.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện 20/11 Ý Nghĩa

Vào sáng ngày 19-11 hằng năm, trường em lại tưng bừng tổ chức sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với sự tham gia của tất cả các học sinh, giáo viên trong toàn trường.

Sáng hôm ấy, chúng em ai cũng đến trường thật sớm với tâm trạng hào hứng và phấn khởi. Đến nơi, ai cũng bất ngờ bởi vẻ đẹp của ngôi trường. Những dãy cờ đỏ tươi dẫn đến sân khấu chính giữa. Ở đó, một tấm bạt lớn in dòng chữ Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 được in thật to và nổi bật. Xung quanh là rất nhiều những lẵng hoa tươi thắm. Trên sân, ngoài các thầy cô và học sinh, thì có rất nhiều cựu học sinh trở về thăm thầy cô giáo cũ của mình.

Đúng 8 giờ sáng, sự kiện chính thức bắt đầu. Chúng em ngồi thành từng hành dọc thẳng phía dưới sân khấu. Còn hai bên thì là các thầy cô và khách mời của sự kiện. Mở đầu là lời chào và chúc mừng sự kiện của thầy hiệu trưởng. Sau đó, từng thầy cô, đại diện hội phụ huynh, đại diện nhóm cựu học sinh và học sinh các khối lần lượt lên phát biểu.

Ai cũng rưng rưng xúc động khi được nói lời tri ân sâu sắc đến người cha, người mẹ thứ hai của mình. Cùng với đó, là những tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn do các thầy cô và chúng em biểu diễn. Tiết mục nào cũng hay và ý nghĩa, nhưng nổi bật nhất là tiết mục múa hát Người giáo viên nhân dân của thầy cô ở cuối chương trình.

Đến khoảng 11 giờ, sự kiện kết thúc trong bầu không khí rộn ràng và có chút tiếc nuối của người tham gia. Tuy vậy, không ai rời đi ngay cả, mà cố nán lại để được ôm, được nắm tay và chụp ảnh cùng thầy cô yêu quý của mình. Sự kiện 20-11 của trường em đã diễn ra như vậy đó.

Gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 6

Việt Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Tết Ấn Tượng

Sáng hôm nay, toàn trường em được nghỉ hai tiết học đầu buổi sáng để cùng tham gia Hội diễn văn nghệ Chào Tết Nguyên Đán.

Khi bước vào hội trường, em và các bạn ai nấy đều vô cùng trầm trồ và bất ngờ trước vẻ đẹp của nơi đây. Dọc theo trần nhà là những sợi dây cước treo các chiếc đèn lồng màu đỏ tươi rực rỡ. Trên sân khấu, các mô hình hoa đào, hoa mai rồi bánh chưng, bánh tét được xếp thật đẹp mắt. Chiếc loa ở góc sân khấu thì đang mở bài Ngày Tết quê em rất rộn ràng và vui tươi.

Chờ chúng em ổn định chỗ ngồi xong xuôi, hội diễn văn nghệ chính thức bắt đầu. Cô Ngọc Hà – giáo viên âm nhạc trường em bước lên giữa sân khấu trong tà áo dài đỏ tươi rực rỡ. Đầu tiên, cô cúi mình gửi đến khá giả một lời chào thật trân trọng. Sau đó cô giới thiệu nội dung và ý nghĩa của buổi biểu diễn văn nghệ đến tất cả mọi người. Tiếp đó, dưới sự dẫn dắt hóm hỉnh và duyên dáng của cô, các tiết mục lần lượt được thể hiện. Mở đầu là một bài nhảy sôi động của các anh chị lớp 9B.

Sau đó là các màn ca múa hát rộn ràng, vui tươi với chủ đề về mùa xuân. Mê nhất, là màn kịch “Tết này cháu sẽ về” do lớp 8A thể hiện. Màn trình diễn hay nhất với em, có lẽ là sân khấu liên khúc do các bạn lớp 6B mang đến. Cả chương trình có mười tiết mục, tiết mục nào cũng hay và xuất sắc. Vì vậy mà chương trình trôi qua thật là nhanh.

Kết thúc chương trình, chúng em trở về lớp học. Suốt ngày hôm ấy, em vẫn nhớ mãi về những khoảnh khắc trong chương trình. Mong sao năm nào trường em cũng tổ chức sự kiện này để đem mùa xuân về cho các bạn học sinh.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Hội Chợ Sách Đặc Sắc

Cuối tuần vừa rồi, em được cùng chị tham gia Hội chợ sách tổ chức ở đường Đinh Tiên Hoàng.

Đó là một con phố đi bộ khá dài. Dọc vỉa hè, được bày rất nhiều quầy sách. Từ sách mới đến sách cũ. Từ sách văn học đến truyện tranh. Tất cả các thể loại sách đều được bày bán ở đây. Người yêu sách từ khắp Hà Nội đổ về đông đúc. Ai cũng thích thú trước thiên đường sách đang bày ra trước mắt mình. Lúc vừa bước vào, em đã vô cùng choáng ngợp. Bởi số lượng sách ở đây vô cùng nhiều và đa dạng, còn nhiều hơn cả ở thư viện trường em.

Nhìn quầy sách nào, em cũng muốn lại gần để xem một chút. Nhưng em thích nhất, vẫn là các quầy sách truyện tranh. Những cuốn truyện đủ các tập với nhiều chủ đề được bày ra. Sau một hồi chọn lựa, cân nhắc, em đã chọn được những cuốn truyện mà mình thích nhất. Nhìn túi truyện trong tay, lòng em vui phơi phới. Xung quanh em, mọi người cũng vậy. Ai cũng thích thú và phấn khởi, bởi tìm được những cuốn sách mới cho bản thân mình.

Hội chợ sách đã đem đến cho em những cảm xúc tuyệt vời và ấn tượng sâu sắc. Nơi đây giúp em được thỏa mãn ước mơ về một thế giới với những quyển sách hay, thú vị. Em mong rằng những ngày hội ý nghĩa như thế sẽ ngày càng được nhân rộng và tổ chức ở nhiều nơi hơn.

Xem thêm cách 👉 Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Khai Giảng Ngắn Hay

Sáng mồng 5 tháng 9, trường em chính thức tổ chức Lễ khai giảng để bắt đầu một năm học mới.

Từ trước đó một tuần, mọi người đã rục rịch chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này rồi. Chúng em đến trường, cùng nhau dọn vệ sinh lớp học, nhận sách vở và áo quần đồng phục để chờ đến ngày khai giảng. Chúng em còn cùng nhau tập dượt cho buổi lễ khai giảng nữa. Nào là sẽ tiến vào từ phía nào, vẫy tay ra sao. Tất cả khiến chúng em thêm xao động và mong chờ nhanh nhanh đến ngày diễn ra buổi lễ.

Và rồi, trong sự mong chờ ngóng đợi của em cùng các bạn, ngày diễn ra lễ khai giảng đã đến. Từ 7h chúng em đã có mặt đông đủ để chuyện trò cùng nhau. Sân trường hôm nay khác lạ lắm. Những chiếc cờ và bóng bay được treo khắp nơi. Các thầy cô đều mặc áo dài và vest thật đẹp. Rất nhiều các thầy cô giáo cũ, các anh chị cựu học sinh, các cô chú phụ huynh cũng đến để tham gia buổi lễ. Bầu không khí hân hoan, rộn ràng náo nhiệt lạ lùng.

Đúng 8h, buổi lễ chính thức bắt đầu. Đoàn học sinh lớp 6 chúng em tiến vào từ phía cổng trường, trong sự vỗ tay chào đón nhiệt liệt của tất cả mọi người. Sau đó, là màn hát Quốc ca, Đội ca của tất cả mọi người. Xong xuôi, chúng em ổn định vị trí để bắt đầu phần tiếp theo.

Đó là các lời phát biểu của thầy cô, anh chị về cảm xúc trong ngày tựu trường và những mong muốn, mục tiêu cho năm học mới. Nghe những lời phát biểu ấy, em càng thêm rạo rực và mong nhanh được vào lớp học, được cố gắng phấn đấu cùng bè bạn. Giữa các phần phát biểu là các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn do các thầy cô và các anh chị biểu diễn. Tiết mục nào cũng hay và hấp dẫn, khiến mọi người vỗ tay không ngớt. Cuối buổi lễ, chính là phần tuyên bố bắt đầu năm học mới và tiếng trống khai trường của thầy hiệu trưởng.

Kết thúc buổi lễ, chúng em trở về lớp để nhận thời khóa biểu rồi mới trở về nhà. Bạn nào cũng vui vẻ và phấn khởi. Bởi một năm học mới với bao hi vọng mới đã bắt đầu. Lễ khai giảng thực sự là một sự kiện trọng đại và ý nghĩa nhất trong một năm học đối với em.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Chào Cờ Ngắn Gọn

Sáng hôm nay, ngày đầu tiên đi học của năm mới, em đã có một giờ chào cờ thật là ấn tượng. Đây cũng là sự kiện chào xuân đầu tiên của trường em đó.

Tiết chào cờ đã diễn ra trong hai tiết liền, thay vì chỉ một tiết như thường lệ, bởi để có thêm thời gian cho các tiết mục văn nghệ chào xuân đã được tập luyện từ trước Tết. Phần của tiết chào cờ, vẫn là phần chào cờ và hát quốc ca quen thuộc.

Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, là cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Sao đó, thầy hiệu trưởng đã đứng lên bục, nói lời chúc mừng năm mới và nêu những dự định, mục tiêu trong năm nay của cả trường. Sau khi bài phát biểu của thầy kết thúc, mọi người đều vỗ tay nhiệt liệt. Bản thân em cũng cảm thấy mình có thêm một nguồn năng lượng dồi dào để bắt đầu một năm mới với nhiều điều mới hơn.

Sau đó, phần được mong chờ nhất – Biểu diễn văn nghệ chào xuân đã diễn ra. Cô MC là giáo viên âm nhạc của trường em xuất hiện trong tà áo dài màu hồng duyên dáng. Cô giới thiệu qua về những tiết mục sẽ có trong buổi diễn văn nghệ hôm nay.

Nghe danh sách các tiết mục, ai cũng hào hứng lên hẳn, bởi tiết mục nào cũng là các ca khúc hay về mùa xuân cả. Nào là múa đương đại, nhảy hiện đại, rồi song ca, tốp ca. Từng tiết mục diễn ra trong tiếng hò reo và vỗ tay nhiệt tình của khán giả. Nhờ sự hấp dẫn đó, mà hai tiết chào cờ trôi qua nhanh chóng. Đến lúc cô MC tuyên bố chương trình kết thúc, mời mọi người trở về lớp học mà em vẫn cảm thấy tiếc nuối lắm.

Giờ chào cờ hôm nay thực sự đã thành công rực rỡ. Bởi nó đem đến niềm vui và động lực rất nhiều cho chúng em, xua tan đi những uể oải của ngày đi học đầu tiên sau kì nghỉ lễ dài.

Chia sẻ bài viết 👉 Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Của Người Khác

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Hội Chợ Xuân Ở Trường Sinh Động

Tết Nguyên Đán là dịp có rất nhiều lễ hội. Một trong đó phải kể đến hội chợ xuân với nhiều hoạt động thú vị. Năm nay, trường em đã tổ chức hội chợ xuân nhằm giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hội chợ được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm diễn ra là ở khu vực sân trường. Đối tượng tham gia là thầy cô, học sinh trong trường. Ngoài ra, học sinh có thể mời người thân, bạn bè của mình đến tham gia.

Các gian hàng được dựng từ hôm thứ sáu. Mỗi khối sẽ phụ trách hai gian hàng. Các lớp trong khối sẽ tự họp để tổ chức các gian hàng cho phù hợp. Các gian hàng yêu cầu gồm có quầy hoa, quầy trái cây, quầy rau sạch, quầy lương thực, thực phẩm, quầy phục vụ Tết, quầy trò chơi dân gian, quầy hướng dẫn gói bánh chưng. Số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ được đem quyên góp cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tám giờ sáng, chương trình khai mạc hội chợ bắt đầu. Các tiết mục văn nghệ diễn ra vô cùng sôi nổi. Cô hiệu trưởng sẽ phát biểu khai mạc hội chợ xuân. Hội chợ sẽ diễn ra vô cùng sôi nổi. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, cướp cờ. Các gian hàng đều đông người mua sắm.

Có thể khẳng định, hội chợ xuân là dịp để học sinh hiểu hơn về dịp Tết Nguyên Đán, cũng như văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Tết Trung Thu Ngắn Nhất

Mỗi khi mùa thu đến, chúng em đều nô nức, háo hức về ngày hội trăng rằm. Lễ hội diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Trong tiết trời dịu mát của tiết thu, dưới ánh trăng vằng vặc của ngày rằm, hội trăng rằm diễn ra khắp mọi miền quê, ngõ phố. 

Lễ hội bắt đầu với phần rước đèn của các xóm. Mỗi cái đèn đều được làm rất tỉ mỉ và tâm huyết. Các hình thù khác nhau, trang trí thật bắt mắt. Đội nào cũng muốn đèn của mình là độc đáo và đặc sắc nhất. Càng to càng đẹp thì đèn càng sáng. Dưới có ánh đèn trên có vầng trắng sáng. Đi bộ dưới ánh trăng trong vắt của ngày rằm trung thu là một trải nghiệm tuyệt vời. Vầng trăng xinh tươi, tròn trịa buông ánh sáng lên vạt vật. Con đường làng, cánh đồng, dòng sông cũng đầy ánh trăng. Vui nhất là em được cùng bố, mẹ dẫn đi chơi trung thu.

Các tiết mục văn nghệ cũng được chuẩn bị chu đáo, người dẫn chương trình là chị Hằng và chú Cuội. Những bài hát quen thuộc như là ” tùng rinh rinh….”

Sau đó là màn phá cỗ trông trăng được mọi người đều mong chờ nhất. chúng em được ăn bánh trung thu, hoa quả của mùa thu. Bưởi, hồng, chuối…được bố mẹ chuẩn bị để các bạn được ăn cùng nhau.

Mỗi năm em đều mong đến mùa lễ hội này. Mong là lễ hội này sẽ còn mãi như một phần kỉ niệm của em.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Ở Trường Em – Hội Thi Thể Thao

Sáng qua, trường em đã tổ chức hội thao chào mừng ngày Giỗ Tổ. Tuy quy mô không quá lớn, nhưng các bạn học sinh đều tham gia rất nhiệt tình, tạo nên bầu không khí sôi động.

Vì chỉ tổ chức trong buổi sáng, nên các môn thi chỉ gồm chạy điền kinh, nhảy xa, nhảy cao và kéo co. Mỗi lớp sẽ chọn ra một tổ các bạn dự thi và tự rèn luyện sau mỗi buổi học. Các bạn còn lại thì cùng nhau dọn dẹp vệ sinh lớp học, và trang trí cho các khu vực thi đấu. Chúng em căng dây để khoang vùng nơi thi đấu, treo cờ và cắm biển cho từng khu vực.

Buổi sáng diễn ra hội thao, mới 6 giờ mà sân trường đã nhộn nhịp vô cùng. Các bạn học sinh và cả thầy cô ai cũng vui vẻ và phấn khởi. Sau khi chào cờ và tham gia lễ khai mạc thì hội thao chính thức diễn ra. Các bạn học sinh tản về từng khu vực thi đấu để cổ vũ cho bạn mình. Bầu không khí diễn ra vô cùng sôi động và quyết liệt. Vận động viên nào cũng thi đấu quyết tâm hết sức mình. Từng đợt hô tiếc nuối, từng đợt reo hò bùng nổ tạo nên không khí thể thao coh sân trường.

Đến trưa, hội thao kết thúc. Lễ trao giải diễn ra rất nghiêm túc. Chúng em ai cũng vui mừng và thích thú khi được tham gia hội thao tại trường. Bởi đây là một hoạt động vừa giúp rèn luyện sức khỏe, lại còn giúp gắn kết mọi người hơn.

Xem thêm gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Thể Hiện Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Lớp 6

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Thú Vị – Biểu Diễn Hát Dân Ca

Một nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc của địa phương em, mà bao năm qua vẫn được gìn giữ, chính là chương trình biểu diễn nghệ thuật hát dân ca quan họ vào mỗi chủ nhật cuối tháng.

Thôn của em vốn là làng có truyền thống hát quan họ từ xưa. Ở đây, ai cũng yêu và biết hát quan họ cả, dù là người già hay trẻ nhỏ. Để giữ gìn nếp văn hóa ấy, cứ mỗi chủ nhật cuối tháng, mọi người lại cùng nhau về sân nhà văn hóa để giao lưu.

Chẳng cần sân khấu lung linh hay loa đài hoành tráng, chỉ cần sự hiện diện của mọi người, với những bộ trang phục quan họ truyền thống là đã đủ làm nên buổi biểu diễn hay rồi. Trước sân, trải sẵn những chiếc chiếc, mọi người sau khi chào nhau, ngồi thành vòng tròn lớn, tạo nên khoảng trống ở giữa làm sân khấu. Những chiếc trống nhỏ, sáo, đàn nhị cũng được bày ra, để chuẩn bị cho các tiết mục. Mở đầu là những ca khúc quen thuộc, truyền thống mà mọi người đều thuộc và hát cùng.

Sau đó, mới đến phần hát đối, hát giao duyên. Đây mới là điều mà mọi người luôn mong đợi nhất. Chủ đề thì được thay đổi nhiều lần, tùy theo sự kiện sắp diễn ra mà hát cho đúng không khí. Nào là chủ đề cây cối, con vật, rồi chủ đề ngày tết cổ truyền… Các thanh thiếu niên được thỏa sức thể hiện cá tính của mình qua màn đối đáp giao lưu. Cũng nhờ những buổi sinh hoạt ca hát như thế, mà nhiều anh chị đã thành đôi thành cặp.

Suốt bao năm nay, các buổi sinh hoạt ca hát quan họ vẫn diễn ra đều đều, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Nó không chỉ là một sự kiện sinh hoạt bình thường, mà còn góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Có Ích Cho Cộng Đồng – Giờ Trái Đất

“Giờ Trái Đất” là một sự kiện môi trường mang tính toàn cầu. Sự kiện này đã có những tác động tích cực liên quan đến môi trường của Trái Đất, diễn ra thường niên vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3. Sự kiện này được bắt đầu vào năm 2007 tại Sydney và mỗi năm lượng người và số quốc gia tham gia ngày càng đông đảo.

Sự kiện “Giờ Trái Đất” ra đời với mục đích đề cao việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải Cacbon đioxit – một khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Đây là hành động thiết thực để bảo vệ môi trường và cuộc sống của con người. Quá trình diễn ra sự kiện này tập trung vào việc mọi cá nhân, tập thể tắt đi các thiết bị điện không cần thiết. Từ đó khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, sự kiện Giờ Trái Đất đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo người dân, tất cả 63 tỉnh, thành phố. Năm 2022 sự kiện Giờ Trái Đất được diễn ra vào thứ bảy ngày 26 tháng 3, tắt đèn trong vòng một giờ.

Sự kiện “Giờ Trái Đất” diễn ra với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một tiếng đồng hồ, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông xanh, tuyên truyền vận động bạn bè, người thân hưởng ứng chiến dịch… Những hành động tuy nhỏ bé nhưng đã đem lại những tác động tích cực đến Trái Đất. Kết thúc Giờ Trái Đất năm 2022 ở riêng Việt Nam cả nước đã tiết kiệm được 309000 kWh tương ứng với hơn 576 triệu đồng tiền điện chỉ trong 60 phút tắt đèn biểu trưng.

Sự kiện Giờ Trái Đất có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về sử dụng tiết kiệm năng lượng và lợi ích của sự kiện mang lại đối với vấn đề phát triển bền vững vì một Trái Đất xanh.

Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Về Một Vấn Đề Đời Sống

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Đơn Giản – Lễ Hội Cổ Loa

Cứ vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, quê tôi lại tổ chức lễ hội Cổ Loa. Đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương, người đã sáng lập ra nước Âu Lạc, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Hội Cổ Loa được tổ chức ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức rất trang trọng. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

Phần lễ thường được diễn ra từ sáng mùng sáu, đám rước thần sẽ khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi ra đền An Dương Vương. Trên sân đền được bài trí cờ quạt rực rỡ cho cuộc tế thần. Ngoài cửa đền, có ngựa hồng, ngựa bạch (bằng gỗ) đứng chầu. Hai bên đường đi vào đền có các giá gỗ cắm cờ quạt và lộ bộ bát bửu (các đồ thờ cúng làm theo kiểu dáng tám loại vũ khí).

Kiệu của tám xã xếp theo thứ tự quy định. Trước đền đặt một hương án lớn, trên để hộp kính đựng đôi hia vàng và các đồ thờ… Cuộc tế thần được tiến hành trong nền nhạc của phường bát âm. Sau đó, người dân trong làng sẽ vào làm lễ. Cuộc lễ kéo dài đến gần trưa mới xong.

Sau đó sẽ chuyển sang cuộc rước thần. Ðường đi bắt đầu từ đền Thượng vòng quanh giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ði sau mỗi kiệu có bốn trai đinh mỗi người cầm một cây cờ đại, vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay vào đình Ngự Triều, được đặt trước sân đình và dân Cổ Loa lại làm lễ thần lần nữa.

Nhưng phần được nhiều người chờ đợi nhất là phần hội được kéo dài tới rằm tháng giêng. Nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức như: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt… Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn văn nghệ như hát quan họ, múa rối nước rất hấp dẫn. Lễ hội diễn ra đã thu hút khách từ thập phương đến tham dự rất đông.

Lễ hội Cổ Loa diễn ra đã lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất giàu truyền thống này.

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Ở Địa Phương Em – Lễ Hội Chử Đồng Tử

Hằng năm, trên khắp mọi miền của đất nước, rất nhiều lễ hội được tổ chức. Và lễ hội Chử Đồng Tử là một trong số đó.

Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 (Âm lịch) tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Về nguồn gốc của lễ hội thì theo truyền thuyết thì vào đời Hùng Vương thứ mười tám, tại làng Chử Xứ, có chàng trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, chàng sống cùng với cha. Họ chỉ có một chiếc khố để mặc chung. Khi cha mất, Chử Đồng Tử thương cha nên đã quấn khố chôn cha, còn mình đành ở không.

Một hôm, Chủ Đồng Từ đang mò cá dưới sông thì nhìn thấy một đoàn thuyền sang trọng đi tới. Đó là đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng. Chàng hoảng hốt chạy tới khóm lau để trốn, rồi lấy cát phủ lên mình. Nào ngờ, công chúa lại chọn chỗ bãi sông đẹp làm nơi dừng chân và sai người quây màn nơi khóm lau mà tắm. Nước dội làm cát trôi đi, để lộ ra một chàng trai tuấn tú. Công chúa Tiên Dung rất đỗi bàng hoàng. Nhưng khi biết được gia cảnh của chàng trai, nàng rất cảm động và cho rằng đây là duyên phận nên đã quyết định lấy Chử Đồng Tử làm chồng.

Hai vợ chồng Chử Đồng Từ quay về kinh, tìm thầy học đạo rồi đi khắp nơi truyền dạy cho nhân dân nhiều nghề như trồng lúa, dệt vải. Sau này, cả hai đều hóa lên trời. Tuy vậy, Chử Đồng Tử vẫn hiển linh giúp nhân dân đánh giặc.

Nhân dân ghi nhớ công ơn Chử Đồng Tử đã lập đền thờ bên bờ sông Hồng. Ngoài ra, họ còn nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.

Lễ hội giữ được nhiều nghi lễ rất độc đáo. Nổi bật là lễ rước Thành Hoàng làng của chín làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hoà. Lễ rước diễn ra rất đặc sắc với sự tham gia của đoàn thuyền rồng khổng lồ lướt sóng ra giữa dòng sông Hồng lấy nước về lễ Thánh. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ được biểu diễn.

Lễ hội mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Không chỉ vậy, lễ hội còn thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, đề cao vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến là khát vọng được tự do yêu đương, tự do hôn nhân vượt khỏi lễ giáo gò bó.

Như vậy, lễ hội Chử Đồng Tử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Gửi đến bạn các bài 👉 Trình Bày Ý Kiến Về Một Vấn Đề Xã Hội 👉 ấn tượng

Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Một Sinh Hoạt Văn Hóa Ngắn Nhất – Hội Thi Thổi Cơm Ở Đồng Vân

Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân được diễn ra vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch) hằng năm. Hội được tổ chức tại làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Thời gian tổ chức là vào rằm tháng giêng. Nguồn gốc là từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Những người tham dự được tuyển chọn từ các xóm trong làng, chia thành các nhiều đội. Đây là dịp trai gái trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, dịp trai gái thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương.

Mở đầu, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân độ quốc. Quá trình thổi cơm bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Tiếng trống hiệu vang lên, bốn thanh niên của bốn đội sẽ leo lên thân cây chuối được bôi mỡ. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm.

Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Tiêu chí chấm điểm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy.

Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân đến là một nét văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy.

Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Đạt Điểm Cao – Tổng Dọn Vệ Sinh

Chiều nay, cả tổ dân phố nơi em sinh sống, đã cùng nhau tổ chức tổng vệ sinh đường sá để đón năm mới. Theo như đã thống nhất với nhau từ trước đó, mọi người chuẩn bị các dụng cụ như cuốc, rổ, túi rác và có mặt vào lúc 9 giờ sáng chủ nhật. Ai cũng phấn khởi và hào hứng. Em cùng các bạn nhỏ trong xóm cũng có mặt để tham gia sự kiện này.

Theo bác tổ trưởng phân công, mỗi gia đình sẽ dọn phần cỏ và vệ đường trước nhà mình. Phần cây cối dọc theo đường chung thì sẽ do các anh thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm. Các bác gái thì tỉa lại và trồng thêm hoa dưới các gốc cây cho con đường có thêm màu sắc.

Những bạn nhỏ như em, thì giúp nhổ cỏ, gom lá và cành đi vứt cho sạch sẽ. Mỗi người một việc, mọi người ai cũng chăm chỉ, tập trung thực hiện nhiệm vụ của mình. Tiếng cuốc cỏ, cắt cành vang lên lạo xạo. Nhưng nó laijn nhanh chóng bị át bởi tiếng chuyện trò của mọi người. Bởi cũng lâu rồi, mới có dịp bà con cả khu phố gặp nhau đông đủ như thế này. Chúng em thì hăng hái chạy tới chạy lui, thi xem ai nhanh gom đầy túi cành lá khô nhất, thế mà rôm rả, vui vẻ vô cùng.

Sau khoảng một tiếng, con đường trở nên sạch sẽ gọn gàng, khác hẳn lúc đầu. Mọi người đều đã thấm mệt, nhưng ai cũng tươi cười rạng rỡ. Cùng với việc giúp đường phố sạch đẹp, thì sự kiện hôm nay còn giúp gắn kết mọi người lại với nhau hơn, thật là ý nghĩa.

Tham khảo thêm 👉 Thảo Luận Ý Kiến Về Một Vấn Đề Trong Đời Sống

Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Ngắn Gọn – Lễ Hội Đua Thuyền

Hằng năm, quê em sẽ tổ chức hội đua thuyền vào mùng sáu tháng Giêng hằng năm. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời, gửi gắm nhiều giá trị quý báu của dân tộc.

Hội được chuẩn bị từ vài tuần trước. Ban tổ chức đã đến khảo sát con sông sẽ diễn ra hội. Trên sông, năm chiếc thuyền nằm chờ ở điểm xuất phát. Những chiếc thuyền dùng để thi đấu khá dài, nhưng không rộng lắm. Mỗi đội đua thuyền gồm có mười thành viên. Mỗi đội có một trang phục truyền thống với màu sắc riêng: xanh, đỏ, tím, vàng và trắng để phân biệt.

Các thành viên đội đua bắt đầu xuống thuyền. Họ di chuyển chiếc thuyền đến vạch xuất phát. Hiệu lệnh vừa nổi lên, các tay đua khom mình gò lưng đẩy mái chèo theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Mỗi thuyền mười tay đua, ai nấy đều to khỏe, cánh tay rắn chắc. Trên gương mặt mỗi người mồ hôi ướt đẫm nhễ nhại nhưng ai cũng phấn khởi và thể hiện quyết tâm cao độ của mình.

Những con thuyền băng băng rẽ nước trên sông. Khán giả vừa chạy theo những con thuyền, vừa hò reo cổ vũ rất nhiệt tình: “Đội trắng cố lên!”, Đội đỏ cố lên!”. Tiếng trống vang lên thúc giục các tay đua phải khấn trưởng hơn. Không khí của lễ hội đua thuyền khiến cảnh ngày xuân thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Đường đua dài khoảng mười lăm ki-lô-mét. Các đội về nhất, nhì, ba sẽ lần lượt lên nhận thưởng. Hội đua thuyền là một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời, thể hiện giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương em.

Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2 Trang 16 Viết Bài Văn Thuyết Minh Thuật Lại Một Sự Kiện Một Sinh Hoạt Văn Hóa – Lễ Hội Đền Hùng

Ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch, em được cùng bố mẹ đến Phú Thọ, tham gia lễ hội Đền Hùng.

Đây là ngày hội vô cùng lớn của nước ta, được tổ chức với quy mô lớn và rất nhiều người tham dự. Tất cả mọi người đến đây với lòng thành kính, biết ơn dành cho các Vua Hùng – những người đã có công dựng nước.

Từ khắp nơi, dòng người náo nức đổ về Đền Hùng. Họ mặc những bộ trang phục truyền thống, lịch sự, mang theo các mâm lễ cúng để thắp hương tưởng nhớ các vị vua vĩ đại. Gia đình em cũng thế. Bố và mẹ cùng nhau bưng mâm lễ gồm gà, xôi và hương, còn em thì ôm túi của mẹ đi sát hai người. Đường lên đền là những bậc thang dài, nhưng chẳng ai than vãn gì cả. Dòng người đến tham gia lễ hội đông đúc vô cùng, nên cứ phải đi từng bước một.

Xung quanh đền, là rừng núi bao la hùng vĩ. Sau phần lễ, mọi người thường cùng nhau tham quan và chụp ảnh kỉ niệm. Cùng với đó, còn có thể tham gia các hội tổ chức ở chân đền. Các hoạt động văn hóa ấy giúp lễ hội bớt phần buồn tẻ, đồng thời tạo sức hấp dẫn để thu hút thêm khách du lịch đến đây.

Lễ hội Đền Hùng thực sự là một ngày hội ý nghĩa. Vừa thể hiện được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa thắt chặt tình đoàn kết của mọi người.

Bật mí cách👉 Viết Văn Bản Thuyết Minh Giải Thích Một Hiện Tượng Tự Nhiên

Viết một bình luận