20+ Mẫu Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Lớp 6

Chia sẽ top 20+ mẫu bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống hay, ngắn và đa dạng sẽ giúp các em lớp 6 có thêm tài liệu tham khảo.

NỘI DUNG CHÍNH

Hiện Tượng Đời Sống Là Gì?

Hiện tượng đời sống là những hiện tượng nổi bật có ý nghĩa hoặc ảnh hưởng phần lớn đến mọi người trong xã hội. Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê. Các hiện tượng này phải phổ biến, được dư luận chú ý, quan tâm và có tầm ảnh hưởng lớn.

Xem thêm mẫu văn 👉 Thảo Luận Ý Kiến Về Một Vấn Đề Trong Đời Sống

Cách Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống

Để làm bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống đạt điểm cao, học sinh cần thực hiện theo các bước và chọn cách viết phù hợp, ấn tượng. Tham khảo chi tiết sau đây:

  • Bước 1: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào (hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán.)?
  • Bước 2: Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao…
  • Bước 3: Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội…) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người…).
  • Bước 4: Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.
  • Bước 5: Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

Mời bạn xem thêm 👉 Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng (Vấn Đề) Mà Em Quan Tâm

Gợi Ý Các Chủ Đề Về Một Hiện Tượng Đời Sống

Thohay.vn gợi ý các chủ đề về một hiện tượng đời sống mà các em học sinh có thể tham khảo viết bài nhé.

  • Thay đổi khí hậu và môi trường
  • Ảnh hưởng của công nghệ số
  • Tình trạng an toàn giao thông
  • Các hoạt động ý nghĩa như thiện nguyện, bảo vệ môi trường,…
  • Nói về các tệ nạn hiện nay như: bạo lực, hút thuốc lá, không chấp hành luật giao thông,..

Dàn Ý Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống

Đừng bỏ lỡ mẫu dàn ý bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống chi tiết dưới đây để có thể dễ dàng hoàn thành bài viết của mình và không bị lạc đề.

I. Mở bài

– Dẫn dắt vào đề để giới thiệu chung về những vấn đề có tính bức xúc mà xã hội ngày nay cần quan tâm.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài: hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập…

II. Thân bài

1. Giải thích từ ngữ

(Ví dụ: nghị luận hiện tượng nghiện facebook thì cần phải giải thích facebook là gì? Nghiện facebook là gì?)

2. Trình bày thực trạng – Mô tả  hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài. Có thể nêu thêm hiểu biết của bản thân về hiện tượng đời sống đó

Lưu ý: Khi đánh giá thực trạng, cần đưa ra những thông tin cụ thể, tránh lối nói chung chung, mơ hồ mới tạo được sức thuyết phục: mức độ phổ biến, tình tăng có xu hướng tăng hay giảm, đối tượng, độ tuổi…)

3. Phân tích những nguyên nhân – tác hại của hiện tượng đời sống đã nêu ở trên.

– Nguyên nhân:

  + Nguyên nhân khách quan

  + Nguyên nhân chủ quan

– Ảnh hưởng, tác động – Hậu quả, tác hại của hiện tượng đời sống đó:

  + Ảnh hưởng, tác động  Hậu quả, tác hại đối với cộng đồng, xã hội

  + Hậu quả, tác hại đối với cá nhân mỗi người

4. Bình luận về hiện tượng ( tốt/ xấu, đúng /sai…)

    – Khẳng định: ý nghĩa, bài học từ hiện tượng đời sống đã nghị luận.

    – Phê phán, bác bỏ một số quan niệm và nhận thức sai lầm có liên quan đến hiện tượng bàn luận

    – Hiện tượng từ góc nhìn của thời hiện đại, từ  hiện tượng nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa thời đại

5. Đề xuất những giải pháp:

  – Những biện pháp tác động vào hiện tượng đời sống để ngăn chặn (nếu gây ra hậu quả xấu) hoặc phát triển (nếu tác động tốt):

     + Đối với bản thân…

     + Đối với địa phương,  cơ quan chức năng:…

     + Đối với xã hội, đất nước: …

     + Đối với toàn cầu

III. Kết bài

– Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn

– Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người

Đọc thêm bài văn mẫu 👉 Trình Bày Ý Kiến Về Một Vấn Đề Xã Hội

20+ Mẫu Trình Bày Ý Kiến Về Một Vấn Đề Trong Đời Sống Lớp 6 Ngắn Hay

Tiếp theo sau đây hãy cùng Thohay.vn khám phá 20+ mẫu trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống hay nhất. Hi vọng với những gợi ý này sẽ giúp các em học sinh lớp 6 có thêm tư liệu ôn tập, trau dồi thêm kĩ năng viết của mình.

Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Xuất Sắc – Sống Chậm

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người cũng ngày càng gia tăng. Và hình như cách sống của con người cũng ngày càng nhanh hơn, hối hả hơn, không còn thong dong, chậm rãi nữa. Họ sống cho cuộc sống của mình, sống vội, ăn vội, yêu thương vội. Bởi vậy câu nói “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn” đặt trong hiện tại cuộc sống rất phù hợp.

Đất nước đang phát triển toàn diện trên mọi mặt khiến cho nhịp sống của con người cũng bị cuốn vào vòng quanh đó. Sự gia tăng chóng mặt của các nhu cầu khiến cho việc con người không thể sống chậm, không thể bước đi thong thả được là điều mà chúng ta vẫn thấy hằng ngày.

Mỗi buổi sáng ra đường, thấy những chiếc xe lao nhanh vun vút, không ai đợi ai, không ai chào hỏi ai. Kể cả là hàng xóm của nhau thì dường như câu chào cũng trở nên dư thừa và không cần thiết. Dần dà nó trở thành thói quen không tốt, khiến cho nhiều người trở nên xa cách nhau, không còn quan tâm đến sự tồn tại của nhau nữa.

Cuộc sống trôi đi vội vàng, chúng ta đã quên mất xung quanh mình còn ai, còn những người cần được quan tâm và chia sẻ. Chiều nay, bạn đi vội vàng qua một con hẻm nhỏ. Có một cụ già và một bé gái đang đứng run run ở một góc và chìa cái non tơi rách ra. Bạn chỉ kịp liếc vội, rồi đi, không làm gì hết. Có lẽ bạn nghĩ rằng mình đang vội, không dừng lại để cho họ vài ba đồng bạc lẻ.

Nhưng bạn có biết rằng chỉ cần dừng xe, mỉm cười và cho họ một cái gì đó, có thể không phải là tiền, là chiếc bánh mỳ họ cũng thấy ấm lòng và bạn cũng thấy ấm lòng. Nhưng vì bạn sống nhanh quá, vội quá nên bạn đã để yêu thương bỏ ngỏ ở đằng sau.

Khi chúng ta sống chậm lại một chút, thì suy nghĩ chúng ta sẽ khác đi. Xung quanh mình còn rất nhiều người cần phải quan tâm, cần phải sẻ chia. Nhưng nếu sống vội vàng thì chúng ta không thể yêu thương được người khác như chúng ta muốn.

Bởi vậy để có thể nghĩ cho bản thân và cho người khác thì sống chậm là cách bạn có thể làm được điều đó. Hằng ngày chúng ta vẫn vội vàng đi làm, đi học, tất tả ngược xuôi với công việc. Thời gian mà chúng ta giành cho nhau rất ít ỏi, thậm chí là không có, rồi dẫn đến quên lãng. Khi chậm lại, dù chỉ là một chút, chúng ta cũng đã có thể hiểu được rằng mình cần làm gì, nên làm gì, quan tâm những ai để cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Khi nghĩ được khác đi, nghĩ cho người khác nữa thì chắc chắn rằng tình yêu thương cũng sẽ lớn dần hơn. Có thể những ngày chúng ta sống vội, sống nhanh chúng ta ngay cả việc quan tâm đến bản thân mình cũng không có thì quan tâm đến người khác còn xa vời quá.

Yêu thương nhiều hơn có nghĩa là dành tình yêu cho mọi người xung quanh, quan tâm họ một chút, có thể chỉ là mỉm cười với nhau thì cuộc sống cũng trở nên tốt đẹp. Chiều nay, bạn đi chợ về, gặp một bà cụ bị đánh rơi ví, thấy bà loay hoay. Có thể bạn đến bên cạnh, mua giúp bà một mớ rau hay gì đó. Cả hai nhìn nhau cười và ấm áp. Như thế bạn sẽ thấy rằng cuộc sống này nhiều ý nghĩa lắm.

Ngược lại nếu bạn cứ sống vội, sống nhanh, không yêu thương những người xung quanh thì bạn sẽ trở thành người ích kỷ, sống chỉ vì bản thân mình.

Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Trân trọng những khoảnh khắc khi ở bên nhau bắt nguồn từ suy nghĩ đó.

Chia sẻ cách 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Về Một Vấn Đề Đời Sống

Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Đạt Điểm Cao – Bạo Hành Trẻ Em

Trẻ em là đối tượng yếu ớt, cần được bảo vệ. Thế nhưng hiện nay, bạo hành trẻ em lại là một trong những vấn nạn kinh khủng vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Nó đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống, phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em cũng đồng nghĩa là quan tâm đến chính tương lai của đất nước chúng ta.

Trẻ em chính là tương lai của đất nước, chăm lo cho trẻ em chính là chăm lo cho tương lai của nước nhà. Bạo hành đó là những hành động và lời nói mang tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.

Chúng ta có thể thấy bạo hành trẻ đang không chỉ len lỏi ở đường phố mà còn len lỏi vào học đường, gia đình. Những nơi đó đáng nhẽ phải là nơi mà trẻ được yêu thương, nâng niu nhất thì giờ đây lại trở thành một nơi ám ảnh xấu tới tuổi thơ của các em.

Mỗi người chúng ta phải chúng ta lên án những hành động bạo hành trẻ, mạnh dạn tố giác và không dung thứ cho hành động đó. Pháp luật phải nghiêm minh trừng trị thật nặng đối với những kẻ có hành vi bạo hành. Bên cạnh đó nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới chính sách bảo vệ trẻ. Hãy để trẻ thơ có một môi trường sống lành mạnh.

Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Chọn Lọc – Không Đội Mũ Bảo Hiểm

Hiện nay, có rất nhiều người phản ánh về hiện tượng học sinh đi xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm lại dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu rất nguy hiểm, không chỉ ở các thành phố phát triển mà ở cả các vùng nông thôn cũng rất phổ biến.

Xe đạp điện, xe máy điện đã trở thành một phương tiện giao thông được ưa chuộng, phổ biến, nhất là trong đối tượng học sinh từ cấp hai đến cấp ba (độ tuổi chưa được phép sử dụng xe máy). Ưu điểm của loại xe điện này là nhẹ nhàng, nhỏ gọn, chạy êm và đi nhanh, tốc độ tối đa của loại xe này có thể đạt 40-50km/h, không khác gì đi xe máy.

Tuy nhiên các học sinh lại có một số đối tượng lợi dụng ưu thế này để gây ra mất an toàn giao thông và nguy hiểm cho người đi đường. Quy định đi xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm nhưng có nhiều học sinh không đội, việc này vừa vi phạm pháp luật lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của học sinh. Ví dụ nhiều học sinh chỉ đội mũ nhưng không cài quai, chỉ mang mũ theo để chống đối có công an kiểm tra mới đội, đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó có nhiều nam học sinh đang độ tuổi mới lớn nên thích thể hiện, đi xe phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang 3-4 xe, lạng lách, đánh võng. Việc tham gia giao thông như vậy không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình và sự an toàn của những người tham gia giao thông khác.

Một khi va chạm hay xảy ra tai nạn giao thông người thiệt hại nhất chính là các em học sinh, nhẹ thì chỉ trầy xước xe, nặng thì hỏng xe mà người thì bị thương nặng. Chính vì vậy, ý thức tham gia giao thông của học sinh khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là rất quan trọng, mỗi học sinh cần tuân thủ mọi quy định của pháp luật, đi đúng luật và đảm bảo an toàn giao thông. Các ban ngành cùng nhà trường và gia đình phải chung tay quản lý, giáo dục nhận thức và khuyên răn các học sinh, kiểm soát tình hình sử dụng xe của học sinh để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Là người học sinh cũng sử dụng xe máy điện đi học, em mong mỗi người học sinh hãy bảo vệ lấy chính mình và sự an toàn của mình cũng như mọi người khi cùng tham gia giao thông. Đừng để phương tiện đi học của mình lại trở thành trở ngại gây ra những rắc rối và những việc không mong muốn.

Gợi ý 🔽 Viết Bài Văn Kể Lại Một Trải Nghiệm Của Em Lớp 6 🔽 hay nhất

Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Siêu Ngắn – Vượt Đèn Đỏ

Hiện nay, mỗi năm tại Việt Nam có không biết bao ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, có không biết bao nhiêu người chết, bao nhiêu người để lai thương tật cả đời khiến cho vấn đề an toàn giao thông trở nên cần thiết và bức bách hơn bao giờ hết, không chỉ là vấn đề của một cá nhân nữa mà là vấn đề của mọi gia đình, mọi quốc gia. Và đặc biệt là hiện tượng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông.

Chúng ta vẫn thường hay nghe thấy “An toàn giao thông” và cụm từ này nghĩa là gì? Đây là từ để chỉ những hành vi văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt và cư xử phù hợp đối với các luật lệ về giao thông khi lưu thông.

Hiện nay, những tai nạn giao thông xảy ra ngày một nhiều và mức độ nghiêm trọng cũng rõ rệt hơn trước. Nguyên nhân là do người dân chủ quan thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Tình trạng vì vội vàng mà phóng nhau vượt ẩu, vượt đèn đỏ vẫn xảy ra liên tục với tần suất lớn. Chiếc mũ bảo hiểm là một đồ bảo hộ quan trọng nhưng người sử dụng chỉ dùng nó như một vật tránh cảnh sát mà không thực sự coi đó là đồ bảo vệ có ích.

Nhất là đối với thanh niên, việc tham gia giao thông lại càng thiếu ý thức khi đi lạng lách đánh võng, thậm chí còn đua xe trên đường. Có những người tham gia giao thông sử dụng rượu bia trái quy định dẫn đến không tỉnh táo khi đi xe và còn làm liên lụy đến người đi khác. Những vụ tai nạn xảy ra càng nhiều do rủi ro trên đường thì ít mà do sự thiếu ý thức của chủ xe thì nhiều và luôn để lại rất nhiều những hậu quả đáng tiếc.

Những thiệt hại trên chính là những minh chứng vô cùng rõ ràng về việc an toàn giao thông rất có ích lợi cho cá nhân và cộng đồng. Điều này giảm thiểu những tai nạn do vô ý thức, giảm đáng kể số người không may phải chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần sau vụ việc đau lòng không đáng có xảy ra, giảm thiệt hại về của cải tiền bạc cho cá nhân và gia đình. An tàn giao thông cũng giúp giữ vững trật tự xã hội và góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, đất nước ngày càng phát triển và đi lên.

Đáng tiếc là cho đến tận ngày hôm nay, khi ta đi đường vẫn có những lúc trông thấy những người lưu thông trái pháp luật. Họ có thể là do vô tình hay cố ý mà đã vi phạm luật giao thông, thậm chí có cả những người cố tình không chấp hành luật giao thông, đi trên đường không hề để ý đến sự an toàn của bản thân và cả của những người khác. Những người như vậy nhất định phải bị xử phạt thật nặng và có sự tuyên truyền hợp lí để mọi người đều hiểu về tầm quan trọng của an toàn giao thông.

Để làm được điều này tuy không phải là việc đơn giản nhưng không hề khó. Trước hết cần ý thức được rằng “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, an toàn là trên hết, cho dù là trong bất cứ lí do và hoàn cảnh nào cũng cần chấp hành luật giao thông tuyệt đối. Không thể coi đường phố là nơi vui chơi mà cần biết chỉ một phút sơ sẩy cũng nguy hiểm đến tính mạng nên cần cẩn trọng khi tham gia giao thông, không gây tai nạn cho chính mình và cho người khác.

Mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giao thông thì an toàn giao thông nhất định sẽ được giữ vững một cách nghiêm chỉnh và đạt kết quả cao tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Ngắn Hay – Làm Thiện Nguyện

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những việc làm thiện nguyện có ý nghĩa to lớn đối với xã hội.

Việc làm ấy không những mang lại giá trị cho người nhận mà còn cả ý nghĩa cho cả người cho đi. Trước hết, nó mang đến những ý nghĩa tích cực cho những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Họ có thể là những trẻ em mồ côi, cô đơn, những người già neo đơn, khó khăn, những người ăn xin. Những việc làm ấy sẽ giúp họ trước mắt có được những bữa ăn đầy đủ, những miếng ăn cứu đói qua ngày.

Cao hơn, có những việc làm sẽ giúp đỡ họ có khả năng tiến đến một tương lai tốt đpẹ hơn, có thể là có khả năng đến trường, có công ăn việc làm ổn định,…Những ánh mắt yêu thương, những nụ cười cảm thôg, chia sẻ sẽ tiếp thêm cho họ sức mạnh, nâng đỡ họ về mặt tinh thần. Họ có niềm tin về một tương lai tươi sáng ở phía trước, một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một xã hội mà con người giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau chắc hản sẽ là một xã hội tốt đẹp, đáng sống. Không chỉ là những người cần giúp đỡ mà những người trao đi cũng cảm nhận được hạnh phúc, được ý nghĩa. Họ đã gieo cho người khác niềm tin, trao cho họ yêu thương, cảm thấy cuộc sống của mình có ích. Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở thời gian ta đã sống bao lâu mà là ta đã đóng góp cho cuộc đời được những gì, mang lại giá trị như thế nào cho xã hội.

Vì vậy, bản thân mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của những việc làm thiện nguyện và cần tích cực mang lại giá trị cho cộng đồng.

Đón đọc thêm mẫu 👉 Viết Bài Văn Kể Lại Một Chuyến Đi Đáng Nhớ Của Em 👉 ngắn gọn

Mẫu Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Đặc Sắc – Hút Thuốc Lá

Từ khi xuất hiện cho đến nay, thuốc lá đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.

Thành phần chính của thuốc lá là ni-cô-tin. Đó là một hoạt chất có tính gây nghiện cao. Người hút thuốc lá thường xuyên dần trở thành một thói quen, khó có thể từ bỏ được. Điều đó sẽ gây ra những nguy cơ đối với người hút thuốc lá, cũng như những người xung quanh khi họ hít phải khói thuốc lá.

Khói thuốc lá có nhiều chất độc thấm vào cơ thể. Những lông rung của những tế bào niêm mạc ở ở vòm họng, phế quản, nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt, gây ra ho hen, sau nhiều năm có thể gây viêm phế quản; chất hắc ín thấm vào tế bào gây ra ung thư.

Không chỉ gây ra tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn ảnh hưởng đến nhân cách của con người. Khi người lớn hút thuốc, trẻ em sẽ học theo tấm gương xấu từ họ. Hiện nay, tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên ngày càng tăng cao. Nhiều học sinh, sinh viên khi cần tiền để mua thuốc có thể sẵn sàng trộm cắp, hoặc dễ dàng tiếp cận với rượu bia, ma túy…

Chính vì vậy, nhân loại phải cùng chung tay. Cụ thể là, các nước phát triển đều tích cực trong chiến dịch phòng chống thuốc lá. Chúng ta cần tích cực thực hiện các biện pháp như cấm hút thuốc nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm, tài liệu khẩu hiệu chống thuốc lá lấn át những quảng cáo của các hãng thuốc lá. Đất nước Việt Nam với hơn chín mươi triệu dân. Việc hạn chế hút thuốc lá sẽ góp phần tiết kiệm tiền bạc, của cải. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Thuốc lá giống như một thứ “ôn dịch” mà mọi người phải cùng nhau chung tay để chống lại. Hãy nói “không” với thuốc lá để xây dựng một đất nước khỏe mạnh, giàu đẹp hơn.

Viết Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Ngắn Nhất – Thói Kiêu Ngạo

Mỗi người đều có cách riêng để tự hoàn thiện và trau dồi bản thân. Trong quá trình tự rèn luyện, việc quý bái và duy trì lòng khiêm tốn là một phần quan trọng. Tránh xa những tật xấu, đặc biệt là kiêu căng và tự mãn, là điều quan trọng. 

Kiêu căng và tự mãn thường hiện diện cùng nhau như hai bên của cùng một đồng xu. Kiêu căng thể hiện khi chúng ta cho rằng mình vượt trội hơn người khác, thường là trong một khía cạnh cụ thể nào đó. Tự mãn, ngược lại, xuất hiện khi ta tự tin rằng mình là người xuất sắc nhất, không ai sánh kịp. Những đặc tính này có thể khiến con người ta tự đánh giá cao quá mức và coi thường người khác.

Những người kiêu căng và tự mãn thường có xu hướng áp đặt ý kiến của mình lên người khác và thường thiếu sự tỉnh táo và cảnh giác trong cuộc sống, dễ dẫn đến những sai lầm và thất bại không cần thiết. Mặc dù việc tự hào về bản thân là tích cực, nhưng tự mãn quá mức có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Sự kiêu căng và tự mãn có thể gây ra sự chủ quan và làm mất đi sự thận trọng.

Khi gặp khó khăn hoặc tai nạn, người ta thường không thể tự bảo vệ được mình và dễ dàng rơi vào tình huống khó khăn. Không ai thích và tôn trọng một người kiêu căng và tự mãn. Tri thức giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của lòng khiêm tốn, trong khi sự ngu ngốc thường làm cho chúng ta kiêu ngạo và tự phụ. Trên thực tế, trong cuộc sống, luôn tồn tại những người sống với lòng khiêm tốn và những phẩm chất tốt, được mọi người yêu quý, tin tưởng và kính trọng. Họ xứng đáng là tấm gương mà chúng ta có thể học hỏi.

Cuộc sống của chúng ta nên được chúng ta làm chủ, và chúng ta nên sống, tự rèn luyện và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Đọc thêm bài 👉 Trình Bày Suy Nghĩ Về Tình Cảm Của Con Người Với Quê Hương

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Dài Hay – Sống Lãng Phí

Lãng phí là một hiện tượng rất phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là sự lãng phí tài nguyên, thời gian, năng lượng và tiền bạc. Nó không chỉ gây tổn thất cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội và môi trường sống của chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải nhận thức và cố gắng giảm thiểu hiện tượng lãng phí này.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân của lãng phí. Đôi khi lãng phí xảy ra do sự thiếu hiểu biết hoặc không chú ý đến giá trị của tài nguyên. Ví dụ như việc bỏ phí thực phẩm trong khi hàng triệu người đang đói khổ trên thế giới, hoặc việc lãng phí năng lượng bằng cách sử dụng các thiết bị không hiệu quả. Đôi khi, lãng phí cũng xảy ra do lối sống tiêu thụ quá đà và sự tăng trưởng kinh tế không bền vững.

Hậu quả của lãng phí rất đáng lo ngại. Nó không chỉ dẫn đến sự tổn thất tài nguyên và môi trường, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội. Ví dụ, lãng phí thực phẩm và tài nguyên nông nghiệp không chỉ làm gia tăng giá cả mà còn gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối tài nguyên. Ngoài ra, lãng phí năng lượng cũng làm tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng, làm giảm tính cạnh tranh và khả năng phát triển của các ngành kinh tế.

Vì vậy, chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề lãng phí. Đầu tiên, chúng ta cần giáo dục và tăng cường nhận thức của mọi người về giá trị của các tài nguyên và ý thức tiết kiệm. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần thay đổi lối sống tiêu thụ của chúng ta. Thay vì mua những thứ mà chúng ta không cần thiết, chúng ta có thể tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng có thể sử dụng các sản phẩm tái chế và sử dụng các dịch vụ chia sẻ để giảm thiểu sự lãng phí.

Trong cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra các chương trình tái chế và quản lý chất thải, cũng như khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế. Chúng ta cũng có thể xây dựng các dự án năng lượng tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng xanh.

Cuối cùng, chúng ta cần sự hợp tác của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để giảm thiểu lãng phí. Chính phủ có thể xây dựng các chính sách và quy định để giảm thiểu lãng phí tài nguyên và năng lượng, cũng như đầu tư vào các công nghệ và dự án bền vững. Doanh nghiệp có thể thiết kế và sản xuất các sản phẩm có tính bền vững, cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng một cách hiệu quả.

Tổng kết lại, hiện tượng lãng phí là một vấn đề lớn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần nhận thức và hành động để giảm thiểu lãng phí, thông qua giáo dục, công nghệ và thay đổi lối sống tiêu dùng. Chúng ta cần hợp tác để xây dựng một tương lai bền vững cho mọi người và môi trường sống của chúng ta.

Viết Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Chi Tiết – Miệt Thị Ngoại Hình

“Body shaming” là những phát ngôn mang tính tiêu cực về ngoại hình người khác không chỉ xảy ra giữa những người xa lạ mà còn giữa bạn bè, người quen, thậm chí là giữa những người thân trong nhà. Bạn cần hiểu rõ và đối mặt với mặc cảm ngoại hình để những lời nhận xét thiếu thiện ý không ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Body shaming được dịch đúng nghĩa là “miệt thị ngoại hình”, một hình thức dùng ngôn ngữ để chê bai, chế giễu ngoại hình của người khác. Điều này khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Trong một số trường hợp, người có khuyết điểm ngoại hình cũng tự “body shaming” chính mình.

Có nhiều loại miệt thị cơ thể như miệt thị thân hình, miệt thị làn da, miệt thị màu da… Trường hợp phổ biến có thể kể là sự chế giễu vì cân nặng như bị chê mập, béo phì. Điều này dễ gây ra sự mặc cảm, suy sụp, rối loạn ăn uống và thậm chí tăng cân cho người bị chỉ trích.

Nhìn chung, có rất nhiều người đã không thể nào gạt bỏ tâm trạng tự ti sau khi bị chỉ trích ngoại hình. Họ có thể từ một người vui vẻ, hoạt bát chuyển sang nhút nhát, tránh né người khác. Đôi khi, những người nhận xét không hay về ngoại hình của bạn chỉ để mua vui. Đối với người thân hay bạn bè thì bạn nên nói rõ cảm giác của bạn. Có thể là họ không biết được những lời đùa giỡn đó sẽ làm bạn cảm thấy tệ hại về ngoại hình.

Miệt thị ngoại hình ngày càng phổ biến và có thể vô ý gây nguy hiểm đến sức khỏe lẫn tâm lý cho những người có tính cách nhạy cảm và tự ti. Vì vậy, bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi bình luận về ngoại hình người khác. Ngoài ra, chính bạn hãy thật mạnh mẽ đối mặt với mặc cảm ngoại hình, đừng để “body shaming” khiến bạn tổn thương nhé.

Xem thêm cách 👉 Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Ấn Tượng – Sử Dụng Bao Bì Ni Lông

Bao bì ni lông là thứ đã quá quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Sự xuất hiện của nó mang lại vô số những tranh cãi. Theo tôi, bao bì ni lông mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích đối với môi trường và đời sống con người.

Chất liệu để sản xuất ra bao bì ni lông chủ yếu là nhựa. Như mọi người đã biết, nhựa gần như không phân hủy. Vì thế, việc dùng bao bì ni lông quá nhiều khiến môi trường ngày một ô nhiễm. Ở khắp mọi nơi, con người sử dụng túi ni lông rất thường xuyên.

Tuy vậy, đa số chúng chỉ được dùng một lần rồi bỏ đi, dẫn đến lượng rác thải ngày càng gia tăng. Chúng bị vứt ra ngoài đường, sông hồ. Thậm chí, ta còn thấy chúng trên những bãi biển, khu du lịch nghỉ dưỡng,… Không chỉ gây ô nhiễm, mất mĩ quan mà bao bì ni lông còn khiến nhiều loài sinh vật gặp nguy hiểm. Việc xử lí hàng tấn ni lông cũng không hề dễ dàng vì chúng cần thời gian rất dài để tự phân hủy.

Bao bì ni lông còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của con người. Môi trường sống bị ô nhiễm kéo theo sự xuất hiện của vô số bệnh dịch nguy hiểm. Đó là bệnh về đường hô hấp do hít phải khí độc khi xử lí rác thải. Hay còn là bệnh về da khi tiếp xúc với nước nhiễm bẩn.

Nghiêm trọng hơn, nhiều quán ăn bán đồ mang về đựng trong vô số túi ni lông lớn nhỏ. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, một vài chất độc hại sẽ ngấm vào thức ăn, dẫn đến vô số bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí là cả ung thư. Con người sẽ không thể lường trước được những tác hại nguy hiểm ấy. Vậy nên, thay vì bị động chờ đợi sự tiêu cực xảy đến, mỗi người hãy chủ động phòng tránh ngay từ sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Muốn giảm bớt những hậu quả mà bao bì ni lông mang lại, con người cần hành động thật quyết liệt. Trước hết, mọi chuyện phải được bắt đầu từ chính mỗi cá nhân. Thay vì sử dụng bao bì ni lông, chúng ta có thể chuyển sang những loại túi làm từ giấy, vải hay các chất liệu dễ dàng phân hủy. Đây cũng là điều mà các cửa hàng, siêu thị đang áp dụng ngày một nhiều và rất được hưởng ứng. Đồng thời, hãy kêu gọi, vận động mọi người xung quanh cùng nhau thay đổi thói quen, giữ cho môi trường chung sạch sẽ, lành mạnh.

Tóm lại, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Mong rằng, mọi người sẽ biết cùng nhau chung tay lan tỏa những điều tích cực để cộng đồng phát triển ngày một tốt đẹp và văn minh hơn.

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Siêu Hay – Vứt Rác Bừa Bãi

Vứt rác bừa bãi gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hành động này làm xấu cảnh quan thiên nhiên gây mất mĩ quan đường phố. Nguy hại hơn, nó làm cho môi trường sống của chúng ta lại ô nhiễm: Vứt rác ra sông hồ làm ô nhiễm nguồn nước, chôn rác không phân hủy làm ô nhiễm đất, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tầm nhìn.

Gây ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật chứ không kể riêng con người. Sức khỏe của con người suy giảm, dễ mắc các bệnh về hô hấp, về tiêu hóa, ung thư. Các loại sinh vật sống ở biển, hồ sẽ chết vì nuốt phải rác không phân hủy, chết vì nguồn nước quá ô nhiễm gây hoang mang cộng đồng.

Bởi vậy, chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Ở Sing-ga-po, những người vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng dù là rác rất nhỏ như mẩu thuốc lá hay vỏ kẹo cao su. Cũng bị phạt rất nặng. Đó chính là một kinh nghiệm mà đất nước ta cần học tập.

Cần có những hình thức xử phạt thật nghiêm hành động này. Bên cạnh đó, các ban ngành chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân để họ không vứt rác bừa bãi. Mặt khác chúng ta cần tích cực trồng cây xanh, phủ đồi trọc giữa môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

Tóm lại, vứt rác bừa bãi là hành vi thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người – Để không bị đánh giá là vô văn hóa, giữ gìn vệ sinh trong sạch, chúng ta nên vứt rác đúng chỗ.

Gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 6

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Điểm 10 – Sống Có Trách Nhiệm

Cuộc sống hiện đại với thật nhiều cám dỗ, khiến con người ta dễ dàng bị cuốn theo những thứ không tốt, con người sống dễ dàng buông thả. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là trách nhiệm, trách nhiệm là nghĩa vụ mà chúng ta cần hoàn thành. Sống có trách nhiệm là việc chúng ta phải sống tốt đẹp, sống có ước mơ, hoài bão, tránh xa những cám dỗ, nghiêm khắc đặt bản thân vào trong khuôn khổ.

Để sống có trách nhiệm, chúng ta phải sống có trách nhiệm với bản thân. Tránh xa những thói hư, tật xấu, sống có ước mơ, khát vọng, hoài bão. Có nguyên tắc sống, không ỷ lại vào người khác hoặc làm những việc ảnh hưởng tới tương lai của mình.

Sống có trách nhiệm với gia đình, là một người con ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Sống đúng chuẩn mực đạo đức lành mạnh. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái bởi vì tính cách một đứa trẻ có ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, chính vì vậy muốn một đứa trẻ trở thành một người tốt, thì ngay khi còn trong nôi, gia đình cần phải có trách nhiệm dạy con phải biết yêu thương, chia sẻ.

Sống có trách nhiệm đối với xã hội là sống có ích, cống hiến sức lực, trí óc của mình để xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Biểu hiện của việc sống trách nhiệm rất đa dạng. Đó là những hành động thường ngày trong cuộc sống, biết sống giản dị, làm tốt vai trò xã hội đã phân công cho mỗi người. Là một học sinh, chúng ta cần sống có trách nhiệm trong việc học tập, tuân thủ nội quy trường lớp, vâng lời thầy cô, ông bà, cha mẹ.

Một người sống có trách nhiệm là một người luôn hoàn thành tốt công việc được giao cho dù đó là việc to hay nhỏ. Sống trách nhiệm với xã hội sống không thờ ơ, tránh xa các thói hư, tật xấu trong xã hội. Làm việc thiện, dám đứng lên đấu tranh chống cái xấu, cái ác.

Bên cạnh những tấm gương sống có trách nhiệm, có thái độ sống lành mạnh thì còn rất nhiều những người sống vô trách nhiệm, họ vô trách nhiệm với chính bản thân họ, ăn chơi, bị cuốn vào những tệ nạn xã hội, gây lên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những người sống vô trách nhiệm sẽ làm đẩy lùi sự phát triển của xã hội.

Vai trò của mỗi cá nhân trong công cuộc đổi mới là vô cùng quan trọng và ý thức sống có trách nhiệm của cá nhân chính là yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội. Việc sống có trách nhiệm là lối sống lành mạnh và cần được phát huy.

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Ở Địa Phương Mà Em Đang Sinh Sống – Thực Phẩm Bẩn

Tình trạng thực phẩm bẩn làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang hằng ngày hằng giờ tồn tại xung quanh cuộc sống chúng ta. Chúng ta sẽ điểm lại một vài sự kiện gây xôn xao dư luận. 

Chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên vụ việc thực phẩm cho chó và mèo ăn thực phẩm chứa chất melamine ở Trung Quốc, kế tiếp ngay sau đó, người ta lại phát hiện thêm sữa cũng hàm chứa chất melamine, hệ quả là có ít nhất là 4 trẻ em thiệt mạng cùng với hàng ngàn em mắc bệnh. Thực tế cũng đã chỉ ra nhiều bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm như các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp.

Từ những dẫn chứng trên ta thấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta hiện đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng trên rất nhiều phương diện điển hình là ở: Sản xuất rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm; bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố; kiểm soát thực phẩm qua biên giới và trên thị trường.

Một hiện tượng cũng xoay quanh việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà hiện nay chúng ta cần phải quan tâm chính là việc vận chuyển lậu thực phẩm kém chất lượng qua đường biên giới đang. Đây đang là vấn đề đau đầu của cơ quan chức năng.

Đúng là vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được và việc giải quyết nó cũng không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân hay một tổ chức nào cả. Vậy nên để công tác thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm được hiệu quả nhất rất cần đến sự hợp tác tích cực của quần chúng (qua các hiệp hội người tiêu dùng) trong việc giám sát an toàn thực phẩm kết hợp với sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan tổ chức. 

Hi vọng trong thời gian tới việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có xu hướng giảm. Nó sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển đất nước bởi chất lượng thực phẩm là thành tố liên quan trực tiếp đến sự phát triển của mỗi con người và mỗi con người đóng vai trò là nhân tố ảnh hưởng tới sự lớn mạnh của mỗi quốc gia.

Chia sẻ bài viết 👉 Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Của Người Khác

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống 400 Chữ – Văn Hóa Xếp Hàng

Văn hóa xếp hàng – đây là một trong những điều vô cùng đáng được quan tâm. Gọi là văn hóa vì nó thể hiện trình độ của mỗi người trong cuộc sông. Xếp hàng trở thành văn hóa bởi lẽ mọi người dều vội vã, đều có xu hướng muốn nhanh hoàn thành công việc của mình, không muốn trễ nải.

Đi đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những biển như: hay xếp hàng hoặc là hãy là người lịch sự, không chen lấn, xô đẩy. Văn hóa xếp hàng cần được thực hiện để biểu hiện sự nhận thức của con người. Ta không nên vì là người lớn tuổi, người lười mà chen lấn, đòi người khác phải ưu tiên mình. Ai cũng như ai. Chúng ta đều bỏ ra thời gian, công sức như nhau và đều cần được tôn trọng.

Văn hóa xếp hàng chỉ là một hành động rất nhỏ thôi nhưng sẽ cho thấy ý thức, nhận thức của bạn. Cách ta sống, ta thay đổi và rèn luyện mình được bộc lộ qua một hành động dù là nhỏ như việc xếp hàng. Xếp hàng cũng là cách bạn nhắc nhở mình phải luon có sự chuẩn bị chứ không nên đợi chờ hay cứ suýt soát giờ.

Trong tâm thế sẵn sàng, công việc của ta sẽ rất thư thả và ta cũng dễ dàng thực hiện các mục tiêu của mình. Đừng chỉ vì phút chốc vội vàng, nóng nảy mà đánh mất đi sự bình tĩnh của bản thân. Xếp hàng cũng là cách bạn rèn luyện sự kiên nhân của bản thân mình.

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Chơi Game Ngắn

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, con người sẽ tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ hơn thông qua internet. Một trong số những vấn đề chúng ta, đặc biệt là các em học sinh được tiếp cận chính là trò chơi điện tử.

 Chưa bàn đến lợi và hại, chúng ta cần tìm hiểu rõ trò chơi điện tử thực sự là gì? Hiểu một cách đơn giản, trò chơi điện tử là những trò chơi trên các thiết bị điện tử: điện thoại, laptop, tivi,…mà chúng ta quen gọi với tên “game”. Thông thường, những trò chơi điện tử được thiết kế rất sinh động, bắt mắt và thú vị như game hóa thân “thiện nữ u hồn”, pubg, liên quân, đua xe,…thu hút rất nhiều người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ.

Chúng ta không thể phủ nhận trò chơi điện tử với thiết kế rất sinh động dễ khiến người ta có cảm giác thích thú và say mê. Và quả thực, trong một giới hạn nhất định, những trò chơi điện tử cũng đem lại những tác dụng tích cực như: giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng đầu óc sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng mệt mỏi.

Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích có thể nhìn ra được, trò chơi điện tử cũng tồn tại rất nhiều tác hại đối với đời sống con người nếu như không kiểm soát. Ví như người chơi chơi liên tiếp trong vòng nhiều tiếng hay nhiều ngày sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi,…nhiều em học sinh đã chết do chơi quá ham mê mà không để ý ăn uống.

Chơi điện tử nhiều sẽ gây xao nhãng học tập, một số trò chơi mang tính chất bạo lực, con người rất dễ bắt chước. Nhiều vụ án mạng xảy ra khi các bạn trẻ học tập trong game. Rồi còn rất nhiều những tệ nạn xã hội nảy sinh từ đây như trộm cắp, cướp giật,…chỉ để có tiền chơi điện tử. Qúa chú tâm vào thế giới ảo sẽ làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp xã hội ngoài đời,…

Có rất nhiều tác hại của trò chơi điện tử mà nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do người chơi không kiểm soát, làm chủ được bản thân. Gia đình quản lí không chặt chẽ hoặc không có sự quan tâm thỏa đáng đến con em mình để các em thiếu thốn về mặt tinh thần nên đành tìm đến trò chơi điện tử. Nhà trường chưa chú trọng đến giáo dục kĩ năng sống ngoài kiến thức,…Tất cả những điều ấy khiến tệ nạn nghiện game đang ngày càng phổ biến.

Bản thân trò chơi điện tử (trừ những trò chơi mang tính chất bạo lực) là không xấu và thực ra trò chơi điện tử còn được coi như một môn thể thao trí óc. Tuy nhiên, người chơi đang biến trò chơi điện tử trở thành có hại. Thiết nghĩ, để khắc phục điều này, mỗi chúng ta cần cân nhắc lựa chọn cho mình những trò chơi hợp lí. Nhắc nhở mình chơi với mức độ vừa phải.

Gia đình cần quản lí và quan tâm đến con em mình nhiều hơn, nhà trường cần giáo dục kĩ năng sống cho các em bên cạnh việc dạy kiến thức,…có như vậy, mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi những tác hại của việc lạm dụng trò chơi điện tử đem lại.

Hãy làm trò chơi điện tử trở nên thực sự văn minh và đúng với ý nghĩa của nó khi xuất hiện. Hãy để chúng ta sau này, mỗi khi nhắc đến trò chơi điện tử sẽ mang một thái độ tích cực chứ không phải là cái cau mày ác cảm.

Xem thêm gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Thể Hiện Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Lớp 6

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Khan Hiếm Nước Ngọt

Đời sống con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và một trong những điều không thể thiếu là nước. Nước đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Sự sống hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó nước chiếm vị trí quan trọng. Nước, hợp chất của oxy và hidro, xuất hiện từ thuở sơ khai và vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến ngày nay.

Nước ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người, chiếm 70% trọng lượng cơ thể và tham gia vào mọi hoạt động trong cơ thể. Thiếu nước làm suy yếu sức khỏe và ảnh hưởng đến năng lượng của chúng ta. Nước không chỉ quan trọng với cơ thể mà còn đóng vai trò thiết yếu trong đời sống sinh hoạt. Nước cung cấp cho nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, là nguồn năng lượng tái tạo và tham gia vào sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng.

Thế nhưng, với sự phát triển công nghiệp, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt. Việc bảo vệ nguồn nước và sử dụng một cách hiệu quả là cần thiết để đảm bảo cuộc sống bền vững cho tất cả mọi người. Chúng ta cần nhận thức về vai trò quan trọng của nước, sử dụng một cách tiết kiệm, ngăn chặn ô nhiễm và hành động cùng nhau để bảo vệ nguồn tài nguyên này. Cuộc sống chỉ có thể tiếp tục khi chúng ta bảo vệ và sử dụng nước một cách có trách nhiệm.

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Lớp 6 Ngắn Nhất – Sống Vô Cảm

Trong xã hội hiện đại, căn bệnh vô cảm ngày càng lây lan và phát triển nhanh chóng. Nó thật sự là một cơn đại dịch của xã hội loài người. Sự vô cảm thể hiện qua cách mà một người đối xử với thế giới xung quanh mình. Họ không quan tâm, giúp đỡ người khác dù có thể làm được điều đó.

Họ dửng dưng với mọi điều xung quanh mình, không vui vẻ, không hưởng ứng cũng không tham gia. Họ không có sự đồng cảm, thương xót trước những số phận tội nghiệp, cũng không căm phẫn trước kẻ tàn ác. Sự vô cảm ấy, khiến họ dần bị tập thể xa lánh, tẩy chay rồi cô lập. Và một ngày nào đó, khi những con người ấy phát ra tín hiệu cầu cứu, thì rất khó để nhận được sự hồi đáp từ xã hội.

Tác hại ấy, khiến không ít người tự rơi vào bế tắc, dẫn đến sự bất lực, vô cảm với cuộc sống của chính mình. Vì vậy, để chữa khỏi căn bệnh vô cảm ấy, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta cần dạy cho con trẻ bài học về sự yêu thương, sẻ chia và gắn kết với mọi người. Ngoài ra các hình thức tuyên truyền về tình cảm con người trong cộng đồng qua các bộ phim, ca nhạc, truyện tranh… cũng cần được lưu ý.

Hơn cả, là sự quyết tâm từ chính mỗi người trong chúng ta. Một khi ta biết yêu thương, chủ động gắn kết với cộng đồng, thì khi đó căn bệnh vô cảm mới dần bị đẩy lùi nhanh chóng được.

Bật mí cách👉 Viết Văn Bản Thuyết Minh Giải Thích Một Hiện Tượng Tự Nhiên

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Lớp 6 Hay Nhất – Ăn Chơi Đua Đòi

Ăn chơi đua đòi là một hiện tượng ta thường bắt gặp trong cuộc sống; nó đã và đang diễn ra quanh ta, nhất là trong lớp trẻ. Nó đã trở thành “thói” rất đáng chê trách.

“Thói” là lối, cách sống hay hoạt động thường không tốt, được lặp lại lâu ngày thành quen. Ta thường nói: “Thói hư, tật xấu; dở thói du côn đầu bò; mãi mới bỏ được thói hút xách nghiện ngập; thói ăn chơi đua đòi. Tục ngữ có câu: “ Đất có nghề, quê có thói”, hoặc “ Thói đời trâu buộc ghét trâu ăn”…

Thói ăn chơi đua đòi là cách sống của một số người bắt chước nhau, đua đòi nhau về cách sống, cách xài sang, thích chưng diện, chạy theo “mốt”. Có kẻ thì khoe sang, khoe giàu, ăn tiêu như phá. Xe máy, xe ô tô thích dùng loại “xịn”. Từ bộ váy, bộ vét đến đôi giày, đồng hồ, túi xách…phải là hàng Nhật, hàng Ý, hàng Mĩ,… mua bằng đô-la trong các siêu thị mới oách!

Ăn thì đặc sản, uống thì rượu Tây, mỗi cuộc nhậu phải chi vài “vé”. Chơi thì quán nhảy, vũ trường, karaoke thâu đêm suốt sáng, dập dìu gái đẹp trước sau. Họ vênh váo, vênh vang lắm! Hiện tượng “ mắt xanh môi đỏ”, nhuộm tóc vàng, móng chân móng tay nhuộm đỏ, trai đeo khuyên tai… ta thường thấy ở một số học sinh hư.

Là quý tử, tiểu thư, con ông này bà nọ, chức trọng quyền cao, vàng bạc đầy két,… đua đòi ăn chơi là có nhẽ. Ta thường nghe họ nói: “ Chết cũng không mang được của nả sang thế giới bên kia! Có tiền thì ăn chơi mua sắm cho sướng!”. Nghe họ nói và buồn cười.

Có một số kẻ, tiền bạc chẳng có nhiều thế mà cũng ăn chơi đua đòi, lười lao động, trốn học bỏ học. Có kẻ vì ăn chơi đua đòi mà sa ngã như những kẻ trộm cắp, hút chích, cờ bạc, mại dâm, v.v… Có nhiều gia đình con cái ăn chơi đua đòi rồi trộm cắp, tù tội… mà bố mẹ mang tiếng xấu xa ê chề!

Nhân dân ta vốn cần cù, giản dị, tiết kiệm trong làm ăn, sinh sống. Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng tiêu cực, trái hẳn với nếp sống và đạo lí của nhân dân. Học được một điều hay, rèn được một đức tính tốt thì rất khó, nhưng đua đòi ăn chơi sẽ bị sa ngã. Câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ: “Chọn bạn mà chơi” là bài học rất bổ ích để mỗi chúng ta tu dưỡng đạo đức, tính tình.

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Ngữ Văn Lớp 6 Nâng Cao – Sống Ích Kỷ

Lối sống ích kỷ là một hành vi xấu, đáng bị chỉ trích. Nó làm suy giảm tình yêu, làm tâm hồn trở nên khô khan, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không chú tâm đến người khác. Con người luôn bận rộn với cuộc sống của riêng mình, coi trọng lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của cộng đồng.

Kẻ ích kỷ muốn lợi dụng người khác cho việc riêng, ghen tỵ khi thấy người khác thành công. Trong những trường hợp khó khăn và bất công, người ích kỷ không có sự động lòng, không biết thương cảm. Họ cũng không ghi nhận tinh thần hi sinh vì cộng đồng, tình cảm yêu thương đồng loại, sự chia sẻ. Khi lối sống ích kỷ trở nên phổ biến trong một số người, nó sẽ dẫn đến sự suy thoái nhân cách.

Tâm hồn của người ích kỷ sẽ trở nên khô héo, suy tàn, bị xa lánh và bị lãng quên bởi người khác. Khi lối sống ích kỷ trở nên phổ biến trong đời sống, những giá trị đạo đức truyền thống sẽ trở nên xa lạ và bị mất đi. Nguy hiểm hơn nữa, khi chủ nghĩa cá nhân trở nên phổ biến, sớm hay muộn sẽ tạo ra một xã hội không có tình người. Vì vậy, bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta phải đấu tranh để loại bỏ lối sống ích kỷ ra khỏi bản thân và xã hội.

Tham khảo thêm 👉 Viết Bài Văn Kể Lại Một Hoạt Động Xã Hội

Viết Bài Văn Trình Bày Ý Kiến Về Một Hiện Tượng Đời Sống Lớp 6 Cánh Diều Tập 2 – Nghiện Internet

Cuộc sống ngày càng phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Chúng ta đang sống trong sự vận động nhanh chóng của thời đại công nghệ 4.0, thế giới kết nối không dây. Không thể phủ nhận những thành tựu Internet mang lại, tuy nhiên song hành với đó lại dấy lên vấn nạn nghiện Internet của giới trẻ.

Một thực trạng không thể phủ nhận rằng Internet hiện nay đang dần bao phủ cuộc sống con người thế kỷ XXI. Chỉ với một chiếc smartphone hay chiếc laptop trong tay, người ta dễ dàng truy cập Internet. Khắp các ga tàu, trường học, trung tâm thương mại đều được phủ sóng Wifi giúp mọi người tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng.

Từ nông thôn đến thành phố, không quá khó để bắt gặp những cửa hàng Internet với vài chục máy tính được nối mạng, những tiệm game cứ mọc lên ngày một dày đặc. Đối tượng khách hàng của những tiệm net này chủ yếu là học sinh, sinh viên từ cấp THCS, THPT đến các sinh viên cao đẳng, đại học. Thậm chí thời gian phục vụ của các cửa hàng này là 24/24 giờ do nhu cầu cao của khách hàng.

Hiện tượng ngồi lì trong quán net suốt ngày đêm bỗng dưng trở nên phổ biến trong giới trẻ ngày nay, chúng say mê đến mức quên ăn, quên ngủ, thậm chí là quên luôn việc học. Không chỉ là game, giới trẻ ngày nay có rất nhiều trường hợp nghiện mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Có những người truy cập Facebook như một thói quen không thể bỏ. Những năm trở lại đây, người ta không quá xa lạ với hiện tượng “sống ảo”. Bất kì một hành động, trạng thái nào trong đời sống cũng được giới trẻ chụp ảnh “check-in”, chỉnh sửa và đăng lên Facebook. Những thực trạng đáng buồn trên chứng tỏ giới trẻ ngày nay đang sống quá lệ thuộc và trở thành những “con sâu mạng”.

Vậy đâu là nguyên nhân cho thực trạng nghiện Internet ngày nay của lứa tuổi thanh niên? Trước hết bắt nguồn từ sức hấp dẫn khó cưỡng từ mạng: Internet chứa những thông tin vô cùng phong phú về tri thức, thời sự, kinh tế, xã hội, cả những nguồn giải trí dồi dào như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và khả năng liên lạc nhanh chóng qua chat, email.

Những lợi ích mà Internet mang lại quả thật rất lớn, tuy nhiên nó cũng có khả năng đánh vào tâm lý người dùng, khiến họ sống phụ thuộc vào nó nếu không biết kiểm soát. Tuy nhiên cũng phải kể đến nguyên nhân sâu xa hơn nữa, phải chăng một phần do sự kiểm soát lỏng lẻo hay sự nuông chiều của các phụ huynh với con em mình? Rất nhiều thiếu niên đang tuổi đi học nhưng đã sở hữu những chiếc smartphone xa xỉ với đầy đủ tính năng tiện ích.

Chính bởi những nguyên nhân trên mà Internet cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Internet tạo nên một sự lãng phí lớn, nó đang dần lấy đi thời gian, tiền bạc, sức lực của giới trẻ. Rất nhiều thanh thiếu niên vì nghiện mạng xã hội mà bỏ bê xao nhãng học hành, thậm chí còn có hiện tượng lấy cắp tiền của gia đình để tiêu xài vào mạng Internet.

Hơn nữa việc sống triền miên trong thế giới ảo còn dẫn đến lệch lạc trong nhân cách, trong khả năng nhận thức, giới trẻ dường như đang mất dần khả năng phản ứng và hòa nhập với thế giới thực. Rất nhiều vụ bắt cóc, thậm chí là giết người đã xảy ra từ những mối quan hệ ảo qua mạng Internet. Điều này không chỉ tổn hại đến bản thân các em mà còn tạo sự bất ổn trong đời sống cộng đồng.

Là người hiện đại giữa thế kỷ XXI, chúng ta không thể làm ngơ trước vấn nạn nghiện mạng Internet đang diễn ra phổ biến, cần có những giải pháp cho hiện tượng đáng báo động này. Trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức lại bản thân, định hướng mục tiêu dài hạn hơn và biết kiểm soát hành động của mình.

Giải trí là điều cần thiết sau những giờ làm việc, tuy nhiên cần biết hạn định bao nhiêu là đủ, đừng để bản thân mãi chìm đắm trong thế giới hư ảo. Thêm vào đó cần sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc kiểm soát, điều chỉnh, giáo dục thế hệ trẻ. Bậc làm cha làm mẹ không nên quá nuông chiều con trẻ, lứa tuổi các em cần đặt việc học là trước nhất, trên những thú vui tiêu khiển nhất thời.

Hơn nữa, nhà nước cũng cần có sự kiểm soát các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet, kiểm soát các trang web đen và nội dung xấu trên mạng Internet. Mỗi người hãy chung tay đẩy lùi tệ nạn nghiện mạng xã hội, để cuộc sống chính chúng ta văn minh và phát triển hơn.

Xem thêm 👉 Mẫu Kể Lại Một Truyện Cổ Tích Bằng Lời Một Nhân Vật

Viết một bình luận