20+ Mẫu Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 (Ngắn Hay)

Với những bài văn mẫu viết bài văn tả cảnh sinh hoạt hay nhất bên dưới sẽ giúp các em lớp 6 có thêm đa dạng tài liệu để ôn tập thật hiệu quả.

NỘI DUNG CHÍNH

Tả Cảnh Sinh Hoạt Là Gì?

Tả cảnh sinh hoạt là miêu tả hoạt động của một hay nhiều người trong quá trình lao động, học tập hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội,…

Gợi ý mẫu văn 👉Trình Bày Suy Nghĩ Về Tình Cảm Của Con Người Với Quê Hương 

Các Chủ Đề Hoạt Động Tả Cảnh Sinh Hoạt

Các chủ đề hoạt động tả cảnh sinh hoạt mà bạn có thể áp dụng vào bài văn của mình như:

  • Tham gia hoạt động văn hóa: Mô tả cảnh khi các em tham gia vào các hoạt động văn hóa như học vẽ, học nhảy, học ca hát hoặc tham dự buổi triển lãm nghệ thuật.
  • Tham gia các hoạt động thể thao: Tả cảnh trong các buổi tập thể dục hàng ngày, tham gia vào các trò chơi thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội hoặc đi xe đạp.
  • Du lịch và khám phá: Mô tả cảnh khi các em tham gia vào các chuyến du lịch, đi thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng, khám phá thiên nhiên hoặc các địa danh lịch sử.
  • Tham gia lễ hội và sự kiện: Tả cảnh khi các em tham gia vào các lễ hội văn hóa, sự kiện thể thao hoặc các buổi hòa nhạc, với sự phấn khích và sôi động của đám đông.
  • Tham gia các hoạt động từ thiện: Mô tả cảnh khi các em tham gia vào các hoạt động từ thiện như chương trình gây quỹ, làm việc tình nguyện hoặc thăm các cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa: Tả cảnh khi các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như cắm trại, leo núi, leo dã ngoại hoặc đi xe đạp địa hình.

Ngoài viết bài văn tả cảnh sinh hoạt, xem thêm gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Thể Hiện Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Lớp 6

Cách Viết Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6

Thohay.vn gợi ý cho các em học sinh lớp 6 cách viết viết bài văn tả cảnh sinh hoạt đơn giản dưới đây:

  • Để tả cảnh sinh hoạt cần quan sát và dùng lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh.
  • Cần giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian, địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.
  • Tả lại cảnh sinh hoạt theo trình tự hợp lí.
  • Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.
  • Gợi được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu của bức tranh sinh hoạt.
  • Sử dụng từ ngữ phù hợp, nêu được cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.
  • Đảm bảo cấu trúc bài văn ba phần.

Dàn Ý Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6

Trước khi viết một bài văn hoàn chỉnh thì các em học sinh nên lập dàn ý để có thể hệ thống các ý chính của bài tránh bị sót các ý quan trọng, đồng thời giúp bài làm của các em thêm logic hơn. Tham khảo ngay mẫu dàn ý viết bài văn tả cảnh sinh hoạt lớp 6 được biên soạn sau đây nhé.

a. Mở bài: Giới thiệu về cảnh sinh hoạt em muốn miêu tả

  • Cảnh sinh hoạt đó là gì?
  • Cảnh sinh hoạt đó diễn ra ở đâu? Vào lúc nào?

b. Thân bài: Tả cảnh sinh hoạt

– Tả bao quát về không gian, bối cảnh nơi diễn ra cảnh sinh hoạt em muốn miêu tả:

  • Thời tiết, bầu trời
  • Cây cối, hoa cỏ
  • Nhà cửa, đường phố, hàng quán
  • Con người

– Tả chi tiết một số hình ảnh nổi bật ở cự li gần:

  • Các sự vật khi quan sát gần có đặc điểm gì? (bàn ghế, bức tường, cây cối, nét mặt con người…)
  • Khi tiến lại gần, em có cảm giác như thế nào với các hoạt động đang diễn ra?
  • Em có muốn được tham gia vào khung cảnh sinh hoạt đó không?

– Tả sự thay đổi của sự vật trong cảnh sinh hoạt theo thời gian:

  • Thời tiết, cây cối, cảnh vật… có gì thay đổi từ khi em bắt đầu quan sát
  • Hành động, biểu cảm, câu chuyện… của con người trong lúc sinh hoạt có gì thay đổi?

c. Kết bài: Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung của em về cảnh sinh hoạt.

Hướng dẫn làm bài 👉 Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Về Một Tác Phẩm Thơ

20+ Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Ngắn Hay Nhất

Tuyển chọn những bài văn mẫu tả cảnh sinh hoạt ngắn hay dưới đây để các em lớp 6 có thể tham khảo và rèn luyện thêm kĩ năng diễn đạt, cũng như việc sử dụng từ ngữ thật ấn tượng.

Em Hãy Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Đơn Giản

Tuần nào cũng vậy, cứ đến chiều thứ bảy là phố em có buổi tổng vệ sinh làm sạch đường phố.

Chiều nay, đúng năm giờ, một hồi kẻng vang lên. Đã thành lệ, mỗi nhà cử một người tham gia tổng vệ sinh. Vì thế, buổi lao động nào cũng có đủ các thành phần lứa tuổi. Các cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ nhưng dáng vẻ vẫn còn khoẻ mạnh thường có mặt đầu tiên và vui vẻ chuyện trò trong khi chờ đợi. Các bà nội trợ dang dở bữa cơm chiều nên thường vội vã có mặt sau cùng.

Đám thanh niên phấn khởi được tham gia vào công việc có ý nghĩa này. Mọi người đến đã đông đủ. Bác tổ trưởng dân phố bắt đầu phân công công việc cho từng nhóm. Quan trọng và vất vả nhất là việc khơi thông cống rãnh. Việc này thường được giao cho các anh thanh niên. Còn các cụ già và chúng em thì quét dọn con đường cho sạch sẽ.

Ai nấy nhanh chống bắt tay vào việc. Nhóm khơi cống đứng rải đều từ đầu phố đến cuối phố; nối tiếp nhau lùa bùn rác về một chỗ. Rác được vớt lên đem đi đổ, còn nước được dồn ra phía các hố ga. Chúng em dàn thành hàng ngang, cùng quét sạch mặt đường. Mấy bác bảo chúng em rảy nước và quét nhẹ tay cho đỡ bụi. Đi làm vệ sinh đường phố như thế này cũng là một công việc thú, vị đối với chúng em.

Ở góc phố có một đống gạch vỡ ngổn ngang, cản lối đi lại. Mọi người xúc đổ vào bồn rác cuối đường để xe của công ty vệ sinh chỏ’ đi. Chỉ chừng nửa giờ sau, công việc đã xong xuôi. Đường phố gọn gàng, sáng sủa hẳn ra.

Em nghĩ rằng thành phố sạch và xanh là điều mong muốn của tất cả chúng ta và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của một thành phố văn minh, hiện đại.

Gợi ý thêm 👉 Viết Bài Văn Kể Lại Một Chuyến Đi Đáng Nhớ Của Em 👉 ngoài tả cảnh sinh hoạt lớp 6,

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ngắn Nhất

Sáng chủ nhật vừa qua lớp 6A1 chúng em tổ chức buổi sinh hoạt ngoài trời về “Học tập gương liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”.

Toàn thể lớp em có 42 học sinh. Chúng em xếp ghế thành hình chữ U. Cô giáo chủ nhiệm làm chủ tọa. Cô giáo nói ngắn gọn về cuộc đời cao đẹp của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và giới thiệu một diễn giả trẻ.

Với giọng nói trầm ấm, một người bạn của anh Trỗi đã kể cho chúng em nghe về cuộc đời của liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Những ngày thơ ấu, anh Trỗi sinh sống trong cảnh cơ cực. Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng anh hết lòng yêu thương bà con lao động lối xóm, bạn bè. Khi đã xây dựng gia đình với chị Quyên, anh đã hết lòng chăm sóc chị.

Đến đoạn kể về cảnh anh ra pháp trường, giữa “lũ viết thuê và lũ giết thuê” thì cả lớp em bồi hồi xúc động, vừa yêu thương vừa cảm phục dũng khí của anh. Anh đã giật mảnh băng đen bịt mắt, nhìn thẳng vào kẻ thù, hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Cả lớp em đều tự dưng đứng bật dậy. Hình ảnh anh hiện lên thật đẹp.

Có mấy bạn đứng lên phát biểu, là từ lâu đã đọc trên sách, báo viết về anh Trỗi, nhưng nay mới được người thân của anh kể cho nghe về cuộc đời anh. Nhiều bạn tự nhận khuyết điểm với cô giáo là lâu nay thiếu ý chí, nghị lực nên học kém. Nhiều bạn đề ra quyết tâm trong thời gian tới.

Khoảng mười giờ thì cô giáo tổng kết. Bạn Hoài Thu hát bài hát về anh Trỗi. Buổi sinh hoạt kết thúc trong tiếng hát vang: ‘Tiến lên đoàn viên” của cả lớp. Các bạn đều công nhận buổi sinh hoạt là thật bổ ích.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ở Quê Em Chi Tiết

Mỗi năm một lần vào Tết Độc Lập 2-9, quê em lại rộn ràng với lễ hội đua thuyền. Đây là ngày hội lớn thứ hai ở quê em, chỉ xếp sau Tết Nguyên Đán.

Để chuẩn bị cho lễ hội này, từ trước đó cả tháng, trai tráng trong làng đã tụ tập để rèn luyện và trang trí thuyền. Sát ngày lễ hội bắt đầu, đoàn an ninh sẽ đi kiểm tra toàn bộ chiều dài con sông diễn ra lễ hội để đảm bảo an toàn cho cả người thi đấu và khách đến xem. Sáng 2-9, mới 5h sáng, trời còn chưa sáng hẳn, người đến xem hội đã đứng kín hết hai bên bờ sông.

Các đội thi cũng đã áo mũ chỉnh tề, sẵn sàng chờ lệnh. Sau nghi thức dâng lễ, thì cuộc đua của lễ hội chính thức bắt đầu. Ngay sau tiếng còi của trọng tài, các con thuyền lao vút về phía trước. Mỗi chiếc thuyền có một người ngồi đánh trống, âm thanh dồn dập. Các trai tráng ra sức khua mái chèo mạnh mẽ, đều như những cỗ máy được lập trình sẵn. Hai bên bờ, người dân đến xem còn náo nhiệt hơn các đội thi.

Họ lội cả xuống mé sông, đứng tràn ra cả lòng đường, hò hét cổ vũ ầm trời, rồi di chuyển theo các đội thi, khiến bờ sông ngày thường vốn yên bình nay trở nên náo nhiệt. Ngày diễn ra lễ hội, chỉ có con sông là nơi đông đúc nhất cả huyện. Từ chợ búa, trường học, quán xá đều vắng hoe.

Tất cả mọi người đổ dồn về đây xem hội, từ lúc sáng sớm đến tận trưa, chẳng cần nghỉ ngơi hay ăn uống. Khi đội nào vươn lên dẫn đầu, cổ động viên sẽ sung sướng reo hò, ôm chầm lấy nhau hạnh phúc. Không phân biệt độ tuổi, sang giàu, họ đến với lễ hội bằng tình yêu chân thành nhất dành cho đội đua của tổ, thôn mình.

Tuy lễ hội đua thuyền quê em không có quy mô lớn và nổi tiếng như các lễ hội khác trên cả nước. Nhưng đối với em và bà con nơi đây, thì lễ hội này chính là ngày hội tuyệt vời và ý nghĩa nhất.

Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Về Một Vấn Đề Đời Sống 👉 ngoài tả cảnh sinh hoạt lớp 6

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ở Lớp Tiêu Biểu

Hàng tuần, vào chiều thứ sáu, lớp chúng tôi có thói quen tổ chức buổi sinh hoạt tổng kết thi đua trong tuần. Buổi sinh hoạt này thường diễn ra trong tiết học cuối cùng và được dẫn dắt bởi cô giáo chủ nhiệm của lớp.

Trong buổi sinh hoạt, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng tiến hành tổng kết kết quả thi đua của các tổ trong tuần vừa qua. Lớp trưởng, bạn Hòa, đã đại diện lớp đề ra mục tiêu thi đua cho tháng tới và sau đó mở cửa cho các bạn trong lớp bày tỏ ý kiến của họ.

Tuy nhiên, sau câu hỏi của Hòa, lớp chìm vào sự yên lặng. Một khoảng thời gian ngắn sau đó, một bạn nâng tay lên. Đó là Lan Anh, tổ trưởng của tổ ba. Lan Anh đã chia sẻ ý kiến về Tùng, một học sinh mới chuyển đến lớp. Cô cho rằng Tùng là một bạn học nghịch ngợm và thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở, điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập của lớp. Lan Anh đề xuất cần có biện pháp kiểm điểm đối với Tùng.

Ý kiến của Lan Anh gây ra sự tranh luận trong lớp. Có người đồng tình và cũng có người phản đối. Lớp trưởng Hòa đã đề xuất để giải quyết vấn đề này. Trong tâm hồn của tôi và Hòa, Tùng là một người bạn nghịch ngợm nhưng cũng rất tốt bụng. Do đó, tôi tin rằng Hòa sẽ đưa ra quyết định đúng đắn:

Thưa các bạn, trước hết tôi muốn lắng nghe ý kiến của Lan Anh. Tùng là một học sinh mới và đã thể hiện rất tích cực trong việc học tập. Cậu ấy luôn tham gia vào các câu hỏi khó và giúp đỡ bạn bè khi họ cần. Mặc dù có những phút giây nghịch ngợm, nhưng chúng ta không nên quên điểm mạnh của Tùng. Tôi nghĩ chúng ta nên cho cậu ấy một cơ hội để sửa đổi.

Ý kiến của Hòa đã tạo ra sự thay đổi trong không khí của lớp. Sự đồng tình trong lớp ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu cả lớp bỏ phiếu. Tất cả thành viên trong lớp đều đồng tình cho Tùng một cơ hội để sửa đổi. Lan Anh, tổ trưởng tổ ba, cũng đã thay đổi ý kiến sau khi được thuyết phục.

Cuối cùng, để kết thúc buổi sinh hoạt, Hòa đã nêu ra mục tiêu của tuần mới. Buổi sinh hoạt kết thúc một cách tốt đẹp và chúng tôi cảm thấy thêm đoàn kết và hiểu biết về nhau hơn.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ra Chơi Đặc Sắc

Sau hai tiết học căng thẳng, dường như khuôn mặt bạn nào cũng bắt đầu xuất hiện những nét mệt mỏi. Đó chính là lúc mỗi bạn cần được nạp năng lượng từ giờ ra chơi. Tiết học kết thúc, tiếng trống dồn dập vang lên, vậy là đã đến giờ ra chơi đầy thú vị.

Các bạn trong lớp cất gọn sách vở, rồi rủ nhau ra sân chơi. Từ các cửa lớp, học sinh chạy ùa ra như ong vỡ tổ, bạn nào bạn nấy khuôn mặt đều vui tươi hớn hở. Trong sân trường, cả hàng cây xanh nối tiếp nhau, rủ bóng như những chiếc ô khổng lồ để che mát cho chúng em. Dưới những tán cây bàng xanh mát, mấy nhóm bạn ngồi kể chuyện hay cùng chụm đầu chăm chú đọc một cuốn truyện tranh nào đó.

Các bạn khác lại lại rủ nhau ra góc sân quen thuộc để chơi các trò chơi như: trốn tìm, đá bóng, đá cầu, nhảy dây, ô ăn quán, … Bóng đá là trò chơi được các bạn nam yêu thích nhất, trái bóng tròn cứ lăn qua lăn lại, truyền từ chân bạn này sang chân bạn khác, trông thật vui mắt. Đá xong bạn nào cũng mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn cảm thấy vui.

Mấy bạn nữ lại thích những trò chơi nhẹ nhàng như nhảy dây, ô ăn quan, vừa chơi vừa nói chuyện rồi rúc rích cười với nhau. Nụ cười các bạn sao mà đáng yêu đến thế. Thỉnh thoảng em lại nghe thấy tiếng bác bảo vệ nhắc nhở mấy bạn nam láu cá, nghịch ngợm, đúng là hiếu động quá. Tiếng nói cười ríu rít như hòa cùng tiếng chim hót líu lo trên vòm cây.

Ở góc sân bên kia, một nhóm bạn nữ lớp 6D đang tranh thủ tập múa để chuẩn bị diễn văn nghệ trong dịp 20/11 sắp tới. Một số bạn nam lớp khác lại tập những bài nhảy tinh nghịch, sôi động. Cả sân trường giống như một lễ hội tập nập, tiếng nhạc, tiếng nói cười, tiếng hò reo vang lên không ngớt.

Khi có tiếng trống vào lớp các bạn nhanh nhẹn cất hết những thứ đồ chơi, còn ríu rít hẹn nhau đến giờ ra chơi khác sẽ cùng nhau chơi tiếp. Sân trường vắng lặng hẳn đi, ánh nắng vẫn chan hòa trên các vòm cây. Những chú chim cũng ngừng hót, dường như muốn im lặng để chúng em tập trung trong tiết học tới.

Vậy là giờ ra chơi đã kết thúc, chúng em quay lại lớp học với một tâm trạng thoải mái, trên khuôn mặt các bạn đã không còn sự mệt mỏi nào nữa. Em luôn mong chờ những giờ ra chơi bởi nó giúp chúng em giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi giờ học. Và hơn nữa, khi chơi cùng nhau, chúng em sẽ thân thiết hơn.

Chia sẻ về cách 👉 Viết Bài Văn Giới Thiệu Một Cuốn Sách Yêu Thích

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Đêm Giao Thừa Hay Nhất

Giao thừa là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. giữa điều cũ và điều mới. Bởi vậy, mọi người vẫn xem đây là thời khắc đầy ý nghĩa, là thời khắc mà mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những dự định và ước muốn trong một năm mới. Và giao thừa là điều mà em mong chờ nhất, bởi gia đình em ai cũng vui vẻ và hào hứng.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm báo thời khắc giao thừa, khi tiếng hò hét, reo vui của những gia đình xung quanh vang lên, khi trên bầu trời có những màn bắn pháo hoa lẻ tẻ. Lúc đó em biết thời khắc quan trọng đã đến.

Vì nhà em ở một vùng quê nên bắn pháo hoa không quy mô như ở thành phố lớn, chỉ có một ít nhà có pháo hoa để bắn mà thôi. Đất trời lúc đó bỗng nhiên sáng rực lên, cái lạnh căm căm và những hạt mưa xuân lất phất bay khiến cho trái tim của mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ kì.

Gia đình em lại quây quần bên nhau, mẹ dỡ mâm xôi gà cúng tổ tiên xuống và chúng em cùng nhau ăn bữa ăn đầu tiên của ngày mới, năm mới. Mùi xôi nếp thơm lừng, mùi bánh chưng và mùi thịt gà hòa quyện với nhau tạo nên không khí tết đặc biệt. Khoảnh khắc ấy có lẽ là khoảnh khắc mà mọi người cảm thấy ấm áp và yên lành hơn bao giờ hết.

Trên bàn thờ nhà em bày biện biết bao nhiêu thứ, được trang trí rất đẹp mắt để cúng ông bà tổ tiên, hi vọng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình em một năm nhiều sức khỏe, niềm vui. Giờ giao thừa đến, ba nhẹ nhàng đốt một cây nhang dài, mùi hương thơm dịu nhẹ xông vào cánh mũi. Em rất thích được hít hà mùi hương ấy, nó như hòa quyện vào đất trời tạo nên mùi hương đặc trưng của ngày tết.

Ngoài trời mưa bay lất phất, những cánh hoa đào ở trong nhà bỗng nhiên bừng sắc xuân, lộng lẫy và kiêu sa. Những ánh đèn điện nhấp nháy đầy đủ các màu sắc tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Bầu trời dù đang đêm nhưng đều sáng rực lên những màu sáng của màn bắn pháo hoa, hay lòng người đang rạo rực nên thấy bầu trời rực sáng lạ kì như vậy.

Mẹ bảo rằng giao thừa là thời gian mọi người trong gia đình nên ở cạnh nhau, vì đó là thời khắc ý nghĩa, quan trọng. Nó sẽ gắn bó hơn nữa tình cảm của mọi người với nhau thêm mặn nồng hơn. Ba gọi những đứa con đến bên và lì xì đầu năm, hi vọng các con ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Đó là điều mà ba mẹ vẫn mong muốn trong năm mới này.

Những tiếng cười nói, tiếng vỗ tay vang lên cả khu xóm. Đêm giao thừa là đêm mà mọi người không ngủ, thức để tận hưởng không khí của một năm mới, mùa mới đang rạo rực đất trời. Giao thừa là khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình em, vì được quây quần bên nhau, lắng nghe tiếng cười và tiếng nói thân quen của nhau.

Xem thêm 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học 

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ngày Tết Trung Thu Ở Quê Em

Đêm trăng tròn, gia đình em sum họp với nhau, không khí trung thu đậm chất truyền thống bao quanh căn nhà. Phòng khách được trang trí rực rỡ bằng những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc, phát sáng như những ngôi sao nhỏ. Bàn ăn chính là điểm tập trung với những đèn trang trí và chiếc đèn trời bay bổng.

Trên bàn có những chiếc hộp đựng đèn lồng, bánh trung thu, và đồ chơi truyền thống như kèn đàn, chong chóng, tạo nên không khí như một lễ hội văn hóa.

Bữa ăn không thể thiếu bánh trung thu, nước trà và những món ăn ngon khác. Mỗi món đều đặt trên đĩa trắng, tạo nên một bức tranh màu sắc và hương vị tuyệt vời. Mùi thơm của các loại bánh truyền thống lan tỏa, làm cho không khí thêm phần dễ chịu và ngon lành.

Mọi người ngồi quanh bàn, cùng nhau thưởng thức bữa ăn và chia sẻ những câu chuyện về truyền thống trung thu, những kỷ niệm về những đêm trăng tròn từ thời thơ ấu. Tiếng cười nhẹ, âm thanh của trẻ con hò hét vui mừng khi bắn pháo hoa, tất cả tạo nên bức tranh trung thu ấm áp và tràn đầy tình yêu thương trong gia đình chúng em.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Ngắn Hay

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thanh bình, tuổi thơ em thường gắn liền với những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương. Trong đó, khung cảnh thu hoạch mùa màng là hình ảnh mà em luôn khắc ghi trong tâm trí mình.

Mỗi lần vào mùa vụ, mọi người ở quê đều rất bận rộn. Lúc trời vừa tờ mờ sáng, các bác nông dân đã vội vã ra đồng gặt lúa. Họ dặn nhau phải nhanh chóng hoàn thành công việc trước khi mặt trời lên cao. Dọc đường ra nương, ai nấy đều “tay xách nách mang” với đủ vật dụng, dụng cụ lao động: liềm, nón, mũ, bình nước đá, quang gánh,… Dường như, cứ vào độ thu hoạch mùa màng, thôn quê lại vui nhộn hơn bao giờ hết.

Khung cảnh đồng quê buổi sáng trông thật yên bình. Từng gié lúa chín cong cong như hình lưỡi liềm. Trên bầu trời cao xanh, vài chú chim đang chao liệng đội cánh và cất tiếng ca véo von.

Không khí buổi thu hoạch trở nên nhộn nhịp hơn khi mọi người bắt tay vào làm việc. Các bác, các cô thì phụ trách gặt lúa. Đôi tay nhỏ bé của họ cứ nhanh thoăn thoắt, gặt từng cây lúa rồi bó thành bó to. Thoáng chốc, thửa ruộng vàng ruộm lúc trước nay đã được gặt hết, chỉ còn sót lại những gốc rạ ngắn ngủi. Các bó lúa được chuyển lên bờ và đem đi tuốt. Nhờ có máy móc hiện đại, các bác nông dân không cần chở lúa về nhà rồi suốt tay. Họ chỉ cần ôm từng bó lúa, vứt vào miệng máy. Sau đó, đổ từng thúng thóc vàng óng đã được tuốt sạch vào bao và đem về nhà.

Trước khi ra về, mọi người nán lại để thu dọn dụng cụ lao động. Họ cũng tranh thủ phơi rơm ngay tại ruộng.

Dù năm nào cũng chứng kiến cảnh thu hoạch trên quê hương nhưng mỗi lần nhìn thấy khung cảnh này, em vẫn thấy thích thú và vui sướng. Hình ảnh tất cả mọi người lao động hăng say, miệt mài đã nhắc nhở em phải luôn cố gắng học tập để lao động, cống hiến hết mình cho quê nhà.

Tham khảo thêm 👉 Thảo Luận Ý Kiến Về Một Vấn Đề Trong Đời Sống

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Đầy Đủ Ý

Vào mỗi thứ hai đầu tuần, em luôn chủ động đi sớm hơn mọi ngày. Với trách nhiệm là một liên đội trưởng của trường, phụ trách công tác chuẩn bị cho lễ chào cờ đầu tuần nên em phải đến trước cùng đội nghi lễ.

Hôm nay trời rất đẹp. Đồng hồ điểm 7 giờ. Nắng lên nhẹ, gió mát khẽ thổi. Em nghĩ thầm hôm nay sẽ không phải chăng bạt để ngồi chào cờ nữa. Em cùng thầy phụ trách chuẩn bị loa, micro, bục phát biểu, bục để tượng Bác Hồ và một lọ hoa nhỏ để ở bục phát biểu. Lá cờ đỏ tươi thắm tung bay trong gió giống như cánh đang vẫy gọi các bạn học sinh vào trường vào lớp.

Đi theo tiếng gọi ấy là những cô cậu học trò trong tà áo trắng tinh khôi, quàng trên vai khăn đỏ rực rỡ, hân hoan bước vào trường. Trống vào tiết học cũng là lúc các hàng ghế nhựa dưới sân trường đã kín người ngồi. Phía trên bàn ghế giáo viên cũng đã đầy đủ, bước vào buổi lễ chào cờ.

Trong giây phút bài Quốc ca vang lên, cả trường đồng thanh cất tiếng hát. Lời ca vang vong, bay cao, bay xa chứa đựng niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý chí vươn lên trong học tập của mỗi thầy cô và học sinh. Buổi chào cờ hôm nay có phần giới thiệu một giáo viên mới của trường. Đó là một cô giáo rất trẻ, mới tốt nghiệp đại học. Cô xinh xắn và còn hát rất hay. Em thầm nghĩ không biết lớp mình có may mắn được cô dạy không.

Sau 45 phút, tiết chào cờ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tuy đã làm công tác chào cờ nhiều năm nhưng đối với em mỗi giờ chào cờ đều mang đến những cảm giác khác nhau. Mọi người đã bắt đầu dọn ghế trở về lớp. Em cũng về lớp để bắt đầu một buổi học đầu tuần.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Siêu Hay

Thật may mắn biết bao khi em được đi chợ cá ở bãi biển trong chuyến du lịch năm ngoái. Phiên chợ hôm ấy diễn ra vô cùng sôi động, nhộn nhịp. Giờ đây, mỗi lần nhắc lại, em cảm thấy bồi hồi đến lạ lùng.

Hơn 4 giờ sáng, đại dương bao la vẫn còn say giấc nồng. Từng con sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ, mang theo hơi thở mặn mà của biển cả. Lúc này, dọc bờ biển, từng tốp người đang đứng, ngồi trò chuyện ríu rít. Họ đội trên đầu một chiếc nón, tay cầm theo vài cái rổ rực rỡ màu sắc. Họ vừa hàn huyên với nhau, vừa đưa mắt nhìn ra phía xa xăm. Họ đang trông ngóng người thân của mình ra khơi trở về.

Khi chân trời, ngấn bể có những vệt vàng, hồng đan xen cũng là lúc thuyền cá xuất hiện. Nhìn từ xa, giữa không gian bao la, con tàu vỏ thép giống như chiếc thuyền giấy tuổi thơ, lênh đênh trên mặt nước. Ban đầu chỉ là một chiếc, dần dần, vô số con tàu vượt sóng, vượt gió rồi cập bến an toàn.

Trên tàu, cánh đàn ông cơ bắp vạm vỡ, cường tráng đang bắt đầu chuyển từng thùng cá, thùng tôm xuống bờ biển. Khuôn mặt ngăm đen của họ có chút bơ phờ sau một ngày lao động dài. Song, họ vẫn không quên nở nụ cười rạng ngời trên môi, như muốn báo hiệu niềm vui về chuyến ra khơi đầy tôm cá.

Sau khi thấy người thân của mình, những người phụ nữ bắt đầu tản ra tứ phía. Họ ào về phía tàu, cẩn thận đón lấy thành quả buổi ra khơi. Trong đôi mắt đen thẳm hiện lên một tia sáng long lanh. Vận chuyển xong xuôi, các cô, các bác tiếp tục phân loại hải sản. Họ làm việc không ngừng nghỉ, một tay cầm đèn pin, một tay nhặt cá. Thấy có khách ghé thăm chợ, họ nhiệt tình giới thiệu, mời gọi. Tiếng nói cười, tiếng trao đổi buôn bán nhộn nhịp hòa trong tiếng reo ca của sóng biển. Tất cả đã tạo nên bầu không khí vui tươi cho nơi đây.

Theo thời gian, mặt trời bắt đầu nhô cao ở đằng đông, phiên chợ cũng trở nên thưa thớt người qua lại. Khách mua hàng lỉnh kỉnh xách các túi đồ, nào cá hồng, nào cá cơm, nào tôm, nào mực. Bờ biển chỉ còn lác đác vài người. Cuối cùng, những người bán hàng bận rộn thu dọn đồ đạc, tiếp tục gánh hàng ra các khu chợ, trả lại không gian yên bình, tĩnh lặng cho bãi biển.

Có thể nói, thật hạnh phúc và vui sướng khi em được quan sát, chứng kiến cảnh chợ cá bên bờ biển. Cảnh tượng ấy đã giúp em hiểu hơn về cuộc sống lao động, mưu sinh của người ngư dân.

Cảnh chợ cá không hề lung linh, tráng lệ mà rất đỗi bình dị, thân thuộc. Càng đi nhiều, em càng thấy thiên nhiên, con người Việt Nam tuyệt vời biết bao. Vì thế, em hi vọng mình sẽ được đặt chân tới nhiều vùng đất mới.

Chia sẻ bài viết 👉 Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Của Người Khác

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Chọn Lọc

Mỗi năm, khi Tết đến gần, gia đình em lại bắt đầu quá trình dọn dẹp nhà cửa.

 Mỗi thành viên trong gia đình đảm nhận một công việc riêng biệt. Bố và anh trai em chịu trách nhiệm lau chùi bàn ghế, sắp xếp lại đồ đạc và làm sạch cửa kính trong nhà. Mẹ và em thì cùng nhau sắp xếp lại phòng bếp, giặt giũ và phơi phóng chăn mền.

Em trai em thì tự mình chăm sóc và dọn dẹp phòng ngủ của mình để nó trở nên gọn gàng và sạch sẽ. Sau cả một ngày lao động, ngôi nhà của gia đình em thay đổi hoàn toàn. Mọi góc cạnh trở nên sáng bóng và tươi mới. Sự sạch sẽ và rực rỡ lấp đầy không gian. Dù đã rất mệt mỏi sau công việc, nhưng niềm vui và hạnh phúc tràn đầy trong lòng em. Đó là niềm vui của việc chung tay làm việc, cùng nhau tạo nên không gian ấm áp và tràn đầy yêu thương trong ngôi nhà.

Công việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cách để gia đình em thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương đối với nhau. Em tin rằng, với những nỗ lực, công sức bỏ ra, gia đình em sẽ nhận được thật nhiều may mắn và niềm vui khi mùa xuân mới sang.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Dài Hay

Sáng nay, trường em đã diễn ra buổi diễn văn nghệ chào mừng ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước 30-4. Đây là một hoạt động diễn ra hằng năm vô cùng ý nghĩa của trường em.

Từ trước đó một tháng, các lớp đã háo hức tập luyện các tiết mục văn nghệ thật hay và bổ ích. Sau đó tham gia vòng loại để được chấm điểm và chọn vào biểu diễn chính thức. Đến hôm qua, sau khi các tiết mục của các lớp đã được chọn và sắp xếp thứ tự biểu diễn, thì sân khấu cũng bắt đầu được trang trí. Vẫn là thảm đỏ dày nặng ấy, vẫn là tấm rèm xanh với dòng chữ trắng nổi bật ấy, vẫn là bức tượng Bác Hồ mỉm cười hiền từ ấy, nhưng bầu không khí lại rộn ràng và hào hùng hơn hẳn các buổi chào cờ hàng tuần.

Từ cổng dẫn vào đến sân trường và sân khấu, là dãy dài các lá cờ đỏ sao vàng. Gió thổi vi vu làm những lá cờ ấy tung bay phần phật, hòa chung nhịp với những lá cờ lớn trên mái nhà tòa nhà dạy học. Hình ảnh rực rỡ ấy khiến ai cũng vui mừng. Hòa trong không khí ấy, là sự hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt của từng bạn học sinh, quý phụ huynh và các thầy cô. Ai cũng phấn khởi, tươi vui mừng ngày độc lập dân tộc.

Đúng 8 giờ sáng, khi ánh nắng vàng ươm trải dài khắp nơi, thì chương trình văn nghệ cũng diễn ra. Xen kẽ với các tiết mục múa hát, là các bài phát biểu ngắn gọn của thầy cô và các chú cựu chiến binh. Lúc các chú cựu chiến binh phát biểu và kể chuyện, chúng em ai cũng tập trung lắng nghe và vỗ tay nhiệt tình hết mức. Bởi các bác, các ông đều là những người đã góp phần làm nên ngày hôm nay của đất nước, là những người vô cùng tôn kính.

Các tiết mục trong buổi văn nghệ đều có đề tài về tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước. Trong đó, được yêu thích nhất là tiết mục diễn kịch kể lại trận chiến cuối cùng ở Sài Gòn, với khoảnh khắc xa tăng của quân ta đâm ngã cổng Dinh độc lập. Giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy đã được tái hiện lại trên sân khấu nhỏ bé của trường chúng em. Tất cả các bạn học sinh cùng nhau reo hò, có bạn còn đứng dậy, đồng thanh hét lên “Việt Nam! Việt Nam!…” theo tiếng bạn diễn viên trên sân khấu.

Buổi biểu diễn kết thúc, đến n ay đã gần một ngày trôi qua, mà những cảm xúc kia vẫn còn vẹn nguyên trong tim em. Nhờ những buổi sinh hoạt tập thể như vậy, mà chúng em thêm gần gũi nhau hơn, biết thêm nhiều điều bổ ích hơn. Và quan trọng nhất, là nó đánh thức dậy và nung nấu thêm cho tình yêu quê hương đất nước trong lòng thế hệ trẻ chúng em ngày hôm nay.

Chia sẻ đến bạn những bài văn mẫu về 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện 

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Chân Trời Sáng Tạo

Sáng nay, khi em đang trên đường đi học, thì nhận ra sân vận động ở đầu đường đang đỗ rất nhiều chiếc xe tải. Bên trong sân người ta dựng các khung lều cao và rộng lắm. Thế là em biết, chợ hoa Tết năm nay đã bắt đầu rồi.

Đến chiều khi đi học về, từ đằng xa em đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng từ trong sân vận động vang ra. Vậy là một mùa Tết thực sự đã về rồi. Mà cũng phải, hôm nay đã là 20 tháng Chạp rồi mà, nên chợ Tết mở ra cũng phải thôi. Từ ngoài cổng sân vận động, dây đèn nhấp nháy nhiều màu được quấn lên trên những chiếc cột và thân cây, đem đến bầu không khí lễ hội rạo rực.

Gửi xe đạp ở cổng, em hòa theo dòng người đông đúc đi vào bên trong chợ. Chắc hẳn mọi người cùng giống như em, cố vào thật sớm để xem chợ hoa năm nay có gì mới lạ không. Nhưng thật ra, chợ hoa năm nào chẳng vậy. Cũng đào, cũng quất cũng mai, rồi ti tỉ loại hoa khác như hồng, cúc, vạn thọ, thược dược, đồng tiền, lan, thủy tiên, tiên ông… Thế mà ai cũng háo hức, ngóng chờ.

Em cũng chẳng nằm ngoài vòng cảm xúc ấy. Men theo dòng người vào chợ, tiếng nhạc xuân rộn ràng, tiếng người chào hàng người hỏi giá ồn ã. Bình thường em chằng thích chốn đông người, nhưng chợ hoa Tết thì là ngoại lệ. Bởi phải náo nhiệt, đông đúc, vội vàng thì mới là chợ Tết chứ. Đến đây, người ta mua hoa là chín, ngắm hoa là mười. Người bán cũng rất niềm nở giới thiệu, mời chụp ảnh cùng hoa. Không nhất thiết phải mua, cứ đứng đó buôn chuyện, hỏi thăm nhau cũng đủ vui rồi. Vì chợ hoa Tết hẵng còn dài cả mười ngày cơ mà.

Rời khỏi chợ hoa, em trở về nhà với tâm trạng hào hứng và phấn khởi. Ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa, mỗi ngày một lần, em sẽ ghé thăm chợ hoa Tết chơi cho đến khi tan chợ mới thôi.

Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Cánh Diều

Bữa cơm tất niên là một bữa ăn đặc biệt, là khoảnh khắc quan trọng nhất trong năm của gia đình em. Ngày hôm ấy, không khí trong gia đình trở nên ấm áp và tràn đầy niềm vui, khi mỗi thành viên đều từ xa quay về để tụ tập với gia đình thân thương.

Trước ngày Tết, những công tác chuẩn bị cho tất niên đã diễn ra với sự hối hả. Mọi người trong gia đình bắt đầu công cuộc sắm sửa Tết từ nhiều ngày trước, nhưng đến chiều 30 Tết, không khí nhộn nhịp vẫn còn tỏa ra từ những bước chân nhanh nhẹn của mọi người.

Mẹ và bà cùng nhau đi chợ, lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, trong khi ông, bố, các bác, các anh đảm nhận nhiệm vụ lau dọn và trang trí bàn thờ, chuẩn bị cho sự hiện diện của tổ tiên.

Lúc bữa cơm đã sẵn sàng, không gian trong nhà tràn ngập hương thơm của những món ăn truyền thống. Mâm cơm đầy ắp bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ, tất cả tạo nên bức tranh ấm cúng và trang trọng. Gia đình em tụ tập quanh bàn ăn, những nụ cười, những lời chia sẻ và những câu chuyện về mỗi người trong gia đình được diễn ra vô cùng sôi nỗi.

Tại bàn ăn, con cháu trình bày những thành tựu, những trải nghiệm tích cực trong năm qua, đồng thời nhắc nhở về trách nhiệm và hi vọng cho năm mới. Ông bà cũng không quên chia sẻ những lời khuyên, động viên và gửi đi những ước nguyện tốt lành cho mọi người.

Bữa cơm tất niên không chỉ là thời điểm đoàn viên, mà còn là dịp để gia đình em cùng nhau lên kế hoạch cho năm mới. Các nhiệm vụ được phân công, từ việc thăm hỏi người thân, đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống. Mỗi người trong gia đình đều nhận được nhiệm vụ riêng, góp phần khẳng định trách nhiệm chung trong gia đình.

Khi bữa cơm tất niên kết thúc, không khí trong gia đình vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa, mong muốn xua đi những điều không tốt của năm cũ, đón nhận những điều mới mẻ và tốt lành của năm mới. Bằng cách này, gia đình em không chỉ tận hưởng khoảnh khắc sum họp ấm áp, mà còn đón nhận năm mới với niềm tin tràn đầy hy vọng.

Gửi đến bạn các bài 👉 Trình Bày Ý Kiến Về Một Vấn Đề Xã Hội 👉 ấn tượng

Văn Lớp 6 Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp Ấn Tượng

Kết thúc kì thi học kì 1, lớp chúng em tổ chức một tiết sinh hoạt vào cuối buổi học hôm thứ 6, để tổng kết học kì vừa qua, và chuẩn bị kế hoạch cho buổi liên hoan cuối kì.

Đúng 11 giờ, cả lớp ngồi ổn định vào vị trí của mình và chờ cô giáo vào lớp. Sau khi ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, cô mới bắt đầu về chỗ của mình và dịu dàng quan sát cả lớp. Mở đầu buổi sinh hoạt, cô giáo đã chúc mừng cả lớp đã hoàn thành kì thi cuối kì đầu tiên ở trường trung học cơ sở. Cô cũng khen ngợi mọi người vì đã học tập chăm chỉ suốt hai tuần vừa qua.

Tiếp đó, là phần tổng kết điểm thi đua của các tổ trưởng. Bạn nào có vi phạm thì sẽ bị nhắc nhở, bạn nào có hoạt động thi đua tốt thì được lớp trưởng viết tên vào bảng thi đua ở cuối lớp. Mọi người đều chăm chú lắng nghe, để có thể hoàn thiện bản thân tốt hơn ở học kì sau.

Cuối cùng, phấn khởi nhất là khi cô giáo thông báo về buổi liên hoan Tổng kết học kì 1 vào chủ nhật. Theo đó, cả lớp sẽ tổng vệ sinh lớp học vào chiều nay, còn việc liên hoan, phát quà thì cô và các cô chú trong hội phụ huynh sẽ sắp xếp. Nghe đến đây, mọi người đều rất vui mừng và phấn khởi, vỗ tay ầm ầm.

Thế là buổi sinh hoạt cuối cùng của học kì 1 lớp em đã kết thúc trong niềm hân hoan của tất cả mọi người.

Ngữ Văn Lớp 6 Tả Cảnh Sinh Hoạt Chọn Lọc

Bóng đá được coi là môn thể thao vua. Rất nhiều người yêu thích xem bóng đá. Và bản thân tôi cũng vậy. Vừa qua, tôi đã có dịp chứng kiến một trận bóng vô cùng hấp dẫn.

Chủ nhật tuần trước, trận chung kết bóng đá khối lớp 9 của trường tôi đã diễn ra. Hai đối thủ là hai đội bóng xuất sắc nhất: lớp 9A và 9B. Đúng tám giờ ba mươi phút, trận đấu bắt đầu. Khán giả đến sân vận động của trường xem rất đông.

Tôi đã đến xem trận đấu để cổ vũ cho anh trai của mình – thủ môn của đội bóng lớp 9B. Trọng tài được phân công là thầy Đức – thầy giáo dạy thể dục của trường. Ở hiệp một, cả hai đội đều đã có những tình huống nguy hiểm. Trong hiệp một, ở phút thứ bốn mươi, cầu thủ số 10 của đội lớp 9B đã ghi một bàn thắng rất đẹp. Nhưng đến phút bốn mươi, một cầu thủ phòng ngự đội lớp 9B đã mắc sai lầm trong vòng cấm. Điều đó giúp cho đội bóng lớp 9A được hưởng một quả phạt đền.

Cầu thủ số 9 của đội bóng lớp 9A đã không làm cổ động viên của họ phải thất vọng. Dù anh trai của tôi đã đoán được đúng hướng sút của cầu thủ đội bạn. Nhưng do cú sút quá căng nên pha cản phá không thành công. Hiệp một khép lại với tỉ số 1 – 1. Cả hai đội được nghỉ giữa hiệp mười lăm phút. Đây là khoảng thời gian quý báu để huấn luyện viên của hai đội có những nhắc nhở về chiến thuật. Còn các cầu thủ được nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần.

Hiệp thứ hai bắt đầu với tiếng còi của trọng tài. Khán giả cũng hò reo để cổ vũ cho đội bóng của mình. Những phút đầu tiên, cả hai đội đều thiên đẩy cao đội hình để tấn công. Nhiều cơ hội nguy hiểm đã được tạo ra. Đội bóng lớp 9A đã ghi được một bàn thắng, nhưng cầu thủ của ghi bàn đã bị bắt lỗi việt vị. Các cổ động viên của đội bóng lớp 9B được thở vào nhẹ nhõm. Phút tám mươi chín, từ một đường chuyền rất đẹp, cầu thủ số 10 của đội lớp 9B tiếp tục ghi được một bàn thắng. Sau khoảng ba phút bù giờ, hiệp hai đã kết thúc. Đội bóng 9B đã giành chức vô địch. Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng với kết quả này.

Trận bóng đá mà tôi đã được xem quả thật rất hấp dẫn. Tôi cảm thấy vô cùng yêu thích môn thể thao này, mong rằng sẽ có thêm cơ hội được xem những trận bóng như vậy.

Gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 6

Bài Văn Lớp 6 Tả Cảnh Sinh Hoạt Điểm 10

Chủ nhật, mọi người trong gia đình đều rảnh rỗi. Bố mẹ không phải đi làm. Còn em được nghỉ học. Vì vậy, cả nhà đã quyết định sẽ làm một bữa tiệc nhỏ. Rất lâu rồi mọi người không có dịp quây quần bên nhau.

Chị Hòa và em cảm thấy rất vui vẻ, háo hức. Từ chiều, bố lái xe đưa ba mẹ con ra siêu thị để mua đồ. Bố mẹ nói sẽ làm một bữa tiệc nướng nên đã mua rất nhiều nguyên liệu: thịt, rau củ, hoa quả, nước ngọt… Khi về nhà, em cũng vào bếp để giúp mẹ một số công việc lặt vặt. Còn chị Hòa ở ngoài sân để giúp bố chuẩn bị bàn ăn, bếp nướng.

Một tiếng sau, công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Em và mẹ mang các khay thức ăn ra sân. Bố đảm nhận công việc nướng đồ ăn. Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ. Thỉnh thoảng, bố lại nhắc đến những vấn đề thời sự nóng hổi để cả nhà cùng bàn luận. Ai cũng chăm chú lắng nghe và nói ra những suy nghĩ của mình.

Sau bữa ăn, hai chị em còn giúp mẹ dọn dẹp, rửa bát. Xong xuôi, mọi người cùng ngồi trò chuyện ở phòng khách. Em còn giúp mẹ gọt hoa quả nữa. Bố mẹ hỏi han tình hình học tập của hai chị em. Chị Hòa đã chia sẻ nguyện vọng của mình về kì thi đại học sắp tới. Chị mong muốn trở thành một kiến trúc sư. Em tin rằng chị sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Em cũng kể cho bố mẹ nghe về tình hình học tập của mình. Lâu lắm rồi, gia đình của em mới có giây phút sum họp bên nhau, trò chuyện vui vẻ như vậy.

Đây là khoảng thời gian cuối tuần thật ý nghĩa với gia đình của em. Nhờ vậy, em cảm thấy thêm yêu thương mọi người trong gia đình của mình nhiều hơn.

Bài Văn Miêu Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Xuất Sắc

Theo thông lệ hằng năm, cứ vào sáng 29 Âm Lịch, bố em sẽ gói bánh chưng để thắp hương ông bà và cho cả gia đình ăn trong dịp Tết Nguyên Đán.

Gói bánh chưng là việc mà em luôn ngóng đợi mỗi mùa Tết, bởi lúc này không khí Tết đã sôi sục lắm rồi. Sáng đó, em dậy từ sớm, ăn sáng và chạy theo bố ra sân gói bánh. Nào lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lạt mềm đều đã được bố chuẩn bị từ tối trước, giờ chỉ việc gói thôi. Trước đó, bố không quên bảo em vảo nhà, mở mấy bài nhạc xuân lên nghe cho càng thêm có không khí Tết.

Bố em gói bánh điệu nghệ lắm, chẳng cần khuôn đâu. Từ mấy chiếc lá xếp lên nhau, bố cho nhân vào đầy ú ụ. Một lớp nếp mỏng, dàn đều, đổ lên nắm đỗ xanh, thêm lớp thịt lợn nạc mỡ có đủ dày, rồi lại đỗ xanh, gạo nếp. Sau đó, bố khéo léo gấp lá lại, buộc thật chặt bằng dây lạt tước mỏng. Bố vuốt gập mấy cái, thế mà thành cái bánh chưng vuông vức, thần kì vô cùng.

Vừa gói, bố vừa kẻ cho em nghe chuyện Tết ngày xưa. Rằng bố đi học thì mong Tết thế nào. Bánh chưng ngày ấy có phần nhân ra sao. Kẹo mứt hồi đó bà nội tự làm như thế nào. Ôi, cuốn hút vô cùng. Đến cuối, còn dư một phần nhân và lá, bố đã làm cho em ba chiếc bánh chưng nhỏ bằng bàn tay, thích lắm. Chỉ mong sao, bánh chín thật nhanh, để em được ăn thử ngay mấy chiếc bánh nhỏ xíu đó. Phải công nhận rằng, những cái bánh nhỏ được ăn thử trước ấy, luôn là những chiếc bánh chưng ngon nhất.

Buổi gói bánh chưng của nhà em là như thế đó. Tuy bình dị, nhưng vui vẻ, ấm cúng vô cùng. Chính nhờ có những dịp như thế, mà em và bố được ngồi tâm sự với nhau lâu hơn và càng thêm thấu hiểu, yêu thương nhau thêm.

Gửi đến bạn 👉 Bài Thơ Lớp 6 👉 với nhiều chủ đề đặc sắc

Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Ngày Tết Lớp 6 Nâng Cao

Suốt cả một năm dài trông ngóng, cuối cùng ba mồng của Tết cũng đến. Những ngày này, cả gia đình em được sum vầy cùng nhau.

Chiều ba mươi Tết, sau khi cùng ăn mâm cơm tất niên ấm cúng, cả nhà em cùng nhau lên bờ hồ để chờ xem pháo hoa. Em đi bộ giữa bố và mẹ, cảm thấy vừa ấm áp lại an toàn. Chờ qua khoảnh khắc giao thừa, trên đường về nhà, bố sẽ hái một nhánh lộc vừng – gọi là nghi thức hái lộc đầu năm. Trở về nhà, em nhanh chóng đi ngủ, để sáng hôm sau dậy sớm chào năm mới.

Sáng mồng một, rất ít người sẽ đi thăm nhà bạn bè vào ngày này. Bác Cả đã sang giúp bố em đạp đất từ sớm và về nhà, nên lúc em thức dậy, chỉ có bố mẹ đang ngồi ở phòng khách. Theo tục lệ, em sẽ chúc bố mẹ những lời chúc năm mới may mắn. Năm nay, em đã đặc biệt học thuộc một bài thơ rất hay để chúc Tết bố mẹ. Tiếp đó, em được nhận hai bao lì xì đỏ tươi may mắn, ngụ ý chứa đựng những điều tốt đẹp dành tặng em trong năm mới.

Sau đó, suốt ba ngày, gia đình em cùng nhau đi thăm nhà họ hàng, láng giềng và đồng nghiệp của bố mẹ. Đến bất kì đâu, người ta cũng đón chào nhau bởi nụ cười vui vẻ và những cái ôm ấm áp. Mùa Tết khiến mọi người yêu quý nhau hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn. Nhờ có dịp Tết này, mà em được thăm những người bà con mà có khi cả năm chỉ gặp gỡ được đôi lần. Từ đó giúp mọi người có cơ hội tâm sự, chuyện trò và xích lại gần nhau hơn.

Ba ngày Tết ấy trôi qua nhanh chóng với những cuộc thăm hỏi, gặp gỡ nhau như thế. Tuy nhiên em chẳng hề thấy nhàm chán một chút nào. Trái lại còn cảm thấy thích thú và tiếc nuối khi ngày Tết trôi qua quá nhanh. Nhưng có lẽ, chính vì vậy mà ngày Tết mới trở nên ý nghĩa và được đón chờ suốt một năm dài.

Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt Lớp 6 Ngắn Gọn

Gia đình em gồm có bốn thành viên là bố, mẹ, anh trai và em, bố mẹ em là viên chức nhà nước còn hai anh em đều đang đi học, bắt đầu một ngày mọi người rời khỏi nhà đến tối mới lại được sum họp, sinh hoạt gia đình đầm ấm.

 Giờ sinh hoạt gia đình vào buổi tối của nhà em bắt đầu bằng bữa cơm tối, mẹ là người đầu bếp tài ba của gia đình, mẹ em nấu ăn rất ngon lại khéo léo và nhanh gọn, ba bố con chỉ dọn dẹp rồi đi tắm xong là đã có một bàn ăn thịnh soạn. Mẹ em nói dù có mệt mỏi hay bận rộn đến đâu thì bữa cơm gia đình vẫn phải chu toàn, tươm tất, phải thực sự ngon miệng mới xua tan được những mệt mỏi, muộn phiền sau một ngày dài, giống như được tiếp sức, nạp năng lượng khi đã cạn kiệt sau một ngày làm việc, học tập.

Bố em là người vui tính, trong bữa cơm bố thường trêu đùa khiến ai cũng bật cười sảng khoái, mẹ em thì không quên gắp thức ăn cho mọi người, nhắc nhở mọi người ăn thật nhiều. Ăn cơm xong em phụ mẹ dọn dẹp, rửa bát, anh trai em pha trà, gọt hoa quả chờ mọi người xong việc cùng ngồi ăn tráng miệng.

Gia đình em thường cùng nhau xem chương trình thời sự sau khi ăn cơm xong, vừa xem vừa trò chuyện với nhau, chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống. Cảm giác được chia sẻ, giải tỏa cùng những người thân yêu sau một ngày thật thoải mái, dễ chịu, khung cảnh gia đình thật ấm cùng, tràn ngập yêu thương.

Đối với em gia đình là điều quan trọng nhất không có gì có thể thay thế được, em luôn trân trọng những bữa cơm sinh hoạt gia đình, những giây phút quây quần bên người thân yêu.

Đọc thêm tập 👉 Thơ Lục Bát Lớp 6

Viết một bình luận