Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích ✅ Tổng Hợp Sơ Đồ Tư Duy, Khám Phá Ý Nghĩa Nhan Đề, Hoàn Cảnh Sáng Tác.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu là bức tượng đài bi tráng về người anh hùng nông dân nghĩa sĩ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, hình tượng người nông dân mới được dựng lên hoàn chỉnh và đẹp đẽ đến vậy. Cùng Thohay.vn xem ngay Nội Dung Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc bên dưới.
Hỡi ơi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.
Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm chốn ngược, chốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Khá thương thay!
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.
Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.
Ôi!
Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ.
Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm; vốn không giữ thành, giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.
Nhưng nghĩ rằng:
Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui hào luỹ tan tành, xiêu mưa ngã gió.
Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Ôi thôi thôi!
Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Ôi!
Một trận khói tan; nghìn năm tiết rỡ.
Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm cho bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ.
Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ
Hỡi ơi thương thay!
Có linh xin hưởng.
Xem nội dung tác phẩm ✨Vào Phủ Chúa Trịnh✨ Giá Trị Nội Dung Và Nghệ Thuật
Tóm Tắt Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Sau đây là bản Tóm Tắt Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc ngắn gọn.
Tác phẩm là một bài văn tế, được viết để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc. Tác phẩm kể lại công chiến đấu, sự hi sinh anh dũng của những nghĩa sĩ và bày tỏ nỗi đau thương, mất mát, lòng kính trọng, biết ơn của người ở lại đối với người đã khuất.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu làm để đọc tại buổi truy điệu những anh hùng nghĩa sĩ nông dân đã hi sinh trong trận tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc vào năm 1861.
Mặc dù diệt trừ được một số quan quân của giặc và bọn quan lại bán nước nhưng khoảng hai mươi nghĩa sĩ đã hi sinh quả cảm, để lại niềm xúc động lớn lao, khôn xiết trong lòng nhân dân. Chính vì lẽ đó, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng phần nào thể hiện tiếng lòng xót xa của quần chúng nhân dân đối với những người lính áo vải trong trận quyết chiến ở Cần Giuộc.
Đừng bỏ lỡ tác phẩm ❤️️ Bài Ca Phong Cảnh Hương Sơn ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Nghệ Thuật
Về Tác Giả Nguyễn Đình Chiểu
Mời các bạn cùng tìm hiểu những thông tin chính Về Tác Giả Nguyễn Đình Chiểu.
- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai.
- Quê quán: sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
- Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho.
- Năm 1843 ông đỗ tú tài tại trường thi Gia Định.
- Năm 1846 ông ra Huế chuẩn bị thi tiếp tại quê cha nhưng nhận được tin mẹ mất phải bỏ thi trở về Nam chịu tang (1849). Dọc đường về ông bị đau mắt nặng rồi bị mù. Không khuất phục trước số phận, Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân và tiếng thơ bắt đầu vang khắp lục tỉnh.
- Giặp Pháp đánh vào Gia Định (1859), ông đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cùng nhiều lãnh tụ bàn mưu tính kế đánh giặc và những vần thơ cháy bỏng căm hờn, sục sôi ý chí chiến đấu.
- Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ dài là: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu.
- Giai đoạn sau, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu của văn thơ yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX với nhiều tác phẩm xuất sắc cả về nội dung và nghệ thuật: Chạy giặc, Thư gửi cho em, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều vấn đáp y thuật…
Nhất định đừng bỏ qua🌱 Chạy Giặc [Nguyễn Đình Chiểu]🌱 Mẫu Phân Tích, Giá Trị Nội Dung, Nghệ Thuật
Về Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Về Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, đây là tiếng khóc bi tráng cho một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì tổ quốc.
Tác phẩm được viết theo thể Văn tế (ngày nay gọi là điếu văn) là thể văn thường dùng để đọc khi tế, cúng người chết, nó có hình thức tế – tưởng. Bố cục tác phẩm gồm 4 phần chính:
- Phần 1: Lung khởi (Hỡi ôi … tiếng vang như mõ): Khái quát bối cảnh thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết của người nghĩa binh nông dân.
- Phần 2: Thích thực (Tiếp đến tàu đồng súng nổ): Miêu tả hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ qua các giai đoạn lao động vất vả tới lúc thành dũng sĩ đánh giặc, lập công.
- Phần 3: Ai vãn (Tiếp đến cơn bóng xế dật dờ trước ngõ): Niềm đau xót, tiếc thương, cảm phục của tác giả và nhân dân với người nghĩa sĩ.
- Phần 4: Kết (Còn lại): Ngợi ca linh hồn bất tử của nghĩa sĩ.
Có thể nhận định rằng, tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên một bức tượng đài nghệ thuật về những người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc. Đặc biệt chúng ta cảm nhận được rõ nhất vẻ đẹp của những người nông dân đó trong phần thích thực của bài văn tế.
Lưu lại bài phân tích🌷Lẽ Ghét Thương 🌷 nội dung phân tích đầy đủ nhất
Hoàn Cảnh Sáng Tác Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Hoàn Cảnh Sáng Tác Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc cụ thể như sau:
- Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, Việt Nam. Sau khi chiếm được thành Gia Định vào đầu năm 1859, quân Pháp bắt đầu một quá trình mở rộng tấn công ra các vùng lân cận như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công.
- Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16 tháng 12 năm 1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng 20 nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong nhân dân.
- Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.
Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Nội dung tiếp theo là Ý Nghĩa Nhan Đề Tác Phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Nhan đề “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” chính là được viết để tế những người nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận tập kích đồn quân pháp ở Cần Giuộc năm 1861. Có thể nói lần đầu tiên trong văn học dân tộc, người nông dân nghĩa sĩ chống giặc ngoại xâm đã được dựng nên một bức tượng đài nghệ thuật bất tử.
Xem thêm về💚 Bài Ca Ngắn Đi Trên Bãi Cát 💚 Những Mẫu Phân Tích Hay Nhất
Giá Trị Của Bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Sau đây là các Giá Trị Của Bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Giá trị nội dung
- Tiếng khóc bi thương của Nguyễn Đình Chiểu cho một thời kì lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc trong cuộc đọ sức với kẻ thù xâm lược – thực dân Pháp, một trong những đế chế quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
- Bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc. Hình ảnh của những con người ấy hiện lên với vẻ đẹp bi tráng – vừa mang nét bi thương nhưng không mất đi vẻ hùng dũng, gân guốc
- Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người nông dân có một vị trí trung tâm và hiện ra với rất cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn phẩm chất của họ: Giản dị, chân chất trong những ngày thường nhưng lại anh hùng, bất khuất khi đứng trước mũi súng của kẻ thù.
Giá trị nghệ thuật
- Bài văn tế mang đậm chất trữ tình, với những hình ảnh và giọng điệu xót thương, ca ngợi những người nghĩa sĩ nông dân
- Thủ pháp tương phản và cấu trúc của thể văn biền ngẫu đã tạo cho bài văn tế một sự trang trọng khi soi chiếu cuộc đời của những người nông dân Cần Giuộc trước đây với những nghĩa sĩ Cần Giuộc bây giờ.
- Ngôn ngữ vừa trân trọng, vừa dân dã, gần gũi mang đậm sắc thái Nam Bộ.
Mời bạn đọc xem thêm tác phẩm🌿Bài Ca Ngất Ngưởng🌿 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị Nghệ Thuật
Giá Trị Nhân Đạo Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Cùng xem thêm các Giá Trị Nhân Đạo Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc nhé.
- Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc của dân tộc khóc cho người nông dân anh hùng đã hi sinh trong chiến đấu đuổi giặc thù ra khỏi quê hương. Qua tiếng khóc ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được tượng đài nghệ thuật mang tính bi tráng về người nông dân yêu nước chống giặc ngoại xâm.
- Ca ngợi vẻ đẹp của người anh hùng. Đề cao phẩm chất của người nông dân: hiền lành, cần cù, giản dị, chất phác, gắn bó với mảnh ruộng làng quê, yêu cuộc sống hòa bình, không hề biết đến chuyện súng gươm.
- Ca ngợi nghĩa khí của người lao động trong thái độ căm thù quân giặc ngang ngược trắng trợn giày xéo quê cha đất tổ và thái độ thất vọng lo lắng của họ khi nhận thấy triều đình vô trách nhiệm bỏ rơi dân lành trước họa xâm lăng.
- Ca ngợi mục đích, động cơ chiến đấu của người nghĩa quân nông dân rất trong sáng và đúng đạo lí của người Việt Nam. Họ chiến đấu là để bảo vệ tấc đất, ngọn rau, vùa hương, bàn độc, của quê hương gia đình. Họ đi chiến đấu với ý thức rất cụ thể thiết thực của người nông dân Việt Nam.
Đừng vội bỏ lỡ phân tích tác phẩm🌻Vịnh Khoa Thi Hương🌻 Sơ Đồ Tư Duy, Các Bài Phân Tích Hay
Sơ Đồ Tư Duy Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Nhất định đừng bỏ qua các Sơ Đồ Tư Duy Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc sau đây.
Có thể bạn sẽ cần tác phẩm 🌷Thương Vợ [Tú Xương] 🌷 đầy đủ nhất
5 Mẫu Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Hay Nhất
Thohay.vn xin tổng hợp và chia sẻ 5 Mẫu Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Hay Nhất.
Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Tiêu Biểu – Mẫu 1
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tấm gương sáng về tình yêu nước, thương dân cũng như ý chí trước kẻ thù. Điều đó được thể hiện ngay trong chính tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” khi tác giả đã khắc họa được hình tượng người nông dân trở thành một tượng đài bất tử về sự anh dũng, kiên cường.
Bài văn tế được mở đầu bằng hai chữ “Hỡi ôi!” vang lên thật thống thiết. Đó giống như một tiếng khóc của nhà thơ đối với nghĩa sĩ, là tiếng nấc đau thương cho thế nước hiểm nghèo.
Những người nông dân có nguồn gốc xuất thân nghèo khổ, thiếu thốn quan năm. Suy nghĩ của họ quanh năm là làm sao để ăn đủ no, mặc đủ ấm:
“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó.”
Họ ý thức thân phận mình là kẻ hèn mọn và không dám nghĩ đến những việc quốc gia đại sự – vốn là việc của triều đình. Khi giặc Lang Sa kéo đến cướp nước, “gieo rắc tanh hôi (tinh chiên) đã ba năm mà mặt mũi quan quân chẳng thấy ở đâu” – cho thấy sự hèn nhát của quan quân và triều đình.
Cảnh tượng mất nước khiến họ không thể nhắm mắt làm ngơ. Lòng yêu nước mãnh liệt vốn có từ ngàn đời nay đã thôi thúc họ tự đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù:
“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”
Họ nhận lấy về mình công việc thật khó khăn – chẳng màng đến sống chết chỉ mong sao đưa đất nước trở về bình yên dù quân giặc có mạnh mẽ, uy lực hơn. Những người nông hiền lành tự liên kết thành đội ngũ để chiến đấu. Từ căn nhà tranh đơn sơ, họ ra đi xông thẳng vào trận mạc khi chưa từng cầm vũ khí, chưa từng biết đến việc binh đao. Tinh thần ấy lại thêm lớn lao khi nhìn vào vũ khí trong tay họ.
Những vũ khí của người nông dân cũng thật thô sơ, gần gũi với cuộc sống của họ: rơm con cúi, lưỡi dao phay, gậy tầm vông làm sao đem đối chọi được với súng song tâm, với tàu thiếc tàu đổng. Tuy vậy, cái sắc bén nhất chính là tấm lòng yêu nước cùng với quyết tâm đánh bại kẻ thù của họ.
Đến khi tác giả miêu tả cảnh xung trận của những người lính áo vải mới thật là oai hùng:
“Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh , bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.”
Không còn hình ảnh những người nông dân hiền lành, chất phác nữa. Khi bước ra chiến trường, trong suy nghĩ của họ chỉ có đánh bại kẻ thù. Hình ảnh những anh hùng lồng lộng giữa chiến trường, làm chủ trận chiến, áp đảo tất cả. Lưỡi dao phay, ngọn tầm vông của họ “đâm ngang chém ngược”, tung hoành, hiên ngang chiếm lĩnh cả không gian trận địa, làm cho giặc hồn kinh phách lạc.
Tiếng hè, tiếng ó của họ át cả tiếng đại bác của tàu thiếc tàu đồng. “Rơm con cúi, lưỡi dao phay cũng đốt xong đồn giặc, cũng chém rớt đầu quan hai giặc”. Trước sự mạnh mẽ của họ, quân giặc hung dữ đã trở nên thật đáng thương.
Họ chiến đấu anh dũng và hy sinh cũng thật vẻ vang. Sự hy sinh của những nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài học quý báu mà họ đã để lại. Đó là tinh thần: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Người nông dân phải gắn bó máu thịt với từng tấc đất của quê hương như thế nào, thì họ mới cảm thấy đau đớn khi chứng kiến cảnh giặc xâm lấn từng mảnh đất của đất nước như vậy.
Để rồi thà chiến đấu và hy sinh, chứ nhất định không chịu nhục nhã trước kẻ thù cướp nước. Họ là tấm gương sáng để dân tộc Việt Nam noi theo mà làm, là ngọn đèn soi sáng cho dân tộc Việt Nam.
“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”
Lời khẳng định của Nguyễn Đình Chiểu về công lao của những nghĩa sĩ Cần Giuộc:
“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ”
Công lao của họ sẽ được sử sách ghi danh. Con cháu đời sau phải ghi nhớ, trân trọng và ngưỡng mộ. Những người nông dân nhỏ bé, vô danh nhưng đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ đất nước.
Tóm lại, qua phân tích trên, có thể thấy “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là bức tượng đài bi tráng về những người anh hùng nông dân. Họ quả thật xứng đáng với truyền thống yêu nước của nhân dân ta.
Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Hay Nhất – Mẫu 2
Sôi sục trong mạch chảy văn học hàng nghìn năm chinh là tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn tinh thần yêu nước và đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ yêu nước lại được biểu hiện khác nhau. Đến với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ta lại càng cảm khái và xúc động nghẹn ngào trước sự hi sinh và tấm lòng yêu nước của người lính nông dân xưa.
Trước hết, mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu tái hiện lại sục sôi không khí thời đại lịch sử lúc bấy giờ: “Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Câu văn ngắn, nhịp nhanh càng phần nào thấy được cái không khí sục sôi, lửa cháy của thời đại gửi gắm vào trong đó. Giữa bối cảnh nghìn cây treo sợi tóc ấy, vẻ đẹp người lính nông dân xưa như càng được đậm tô rõ nét:
“Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng”
Không phải là những người lính đã quen với việc binh đao, họ đều là những người dân nghèo lương thiện, cui cút làm ăn, ấy thế nhưng một khi tổ quốc cần, thì trái tim họ một lòng hướng về dân tộc.
Họ chấp nhận hi sinh, thậm chí cả tính mạng, sự sống của mình để hi sinh vì nghĩa lớn, vì tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc. Thậm chí biết là hiểm nguy, nhưng họ không ngần ngại dấn thân, không cần một kẻ thủ lĩnh, vẫn tự đứng lên ra chiến trường, vẫn hào hùng hào sảng với khí thế quật cường của chính mình:
“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình – Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.
“Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi”, câu văn của Nguyễn Đình Chiểu phải chăng đang muốn nhắc lại một thực tế đau buồn thời xưa, đó là người lính đi chiến trường, không hẳn lo tự nguyện, mà là họ bị ép vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, vậy nên khi giã từ gia đình “chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa”.
Hai câu văn của Nguyễn Đình Chiểu phần nào cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa tư thế và tâm thế của người lính khi tham gia các cuộc chiến tranh vì hòa bình và tương lai thiên thu vạn đại của dân tộc, với những cuộc chiến tranh phi nghĩa đầy bạo tàn, hủy diệt đã tàn phá bao nhiêu cuộc sống của người dân lầm than khốn khổ.
Dẫu trong hoàn cảnh thời chiến xưa, lực lượng của ta và địch là một sự chênh lệch vô cùng lớn, là tương quan đầy đối lập và không cân sức. Nhưng những người lính nông dân áo vải chân lấm tay bùn, chất phác thô sơ ấy vẫn xông lên, vẫn chiến đấu bằng tất cả sức bình sinh của mình. Thậm chí còn lập những chiến công lừng lẫy:
“Chỉ với những vũ khí thô sơ như:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,
Gươm đeo dùng bằng lười dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ni hồn kinh.”
Đó là những chiến tích huy hoàng, đánh đổi bằng biết bao xương máu của người lính nông dân, đồng thời, hình ảnh của họ cũng là đại diện cho sức mạnh của dân tộc, một dân tộc quật cường, đánh bại cả những đối thủ sừng sỏ nhất.
Có thể thấy, trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi và khẳng định sức mạnh của nhân dân trong Bình ngô đại cáo, tuy nhiên ở đó, nhà thơ Nguyễn Trãi vẫn nhìn người nông dân là những “dân đen con đỏ”, những người dân manh lệ cần được bảo vệ.
Đến Nguyễn Đình Chiểu, cái mới ở đây là ông đã cho người đọc thấy được sức mạnh thực sự của nhân dân, họ không chỉ yếu mềm cần được bảo vệ, mà họ đầy dũng mãnh, cao cả.
Bằng tấm lòng của một cá nhân yêu nước, những vần thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vẫn sẽ sáng mãi trên bầu trời văn học Việt Nam, cùng tinh thần yêu nước và sự hi sinh vĩ đại của họ.
Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Đặc Sắc – Mẫu 3
Thế kỉ XIX là thời kỳ lịch sử “đau thương nhưng vĩ đại” của dân tộc ta. Ở thế kỉ ấy, có một nhà thơ mù nhưng trong lòng sáng như gương, người đã thấy kết những gì mà bao nhiêu người mắt sáng không nhận ra. Người đó là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Và trong văn học Việt Nam, cho đến Nguyễn Đình Chiểu, chưa có một hình tượng nhân dân nào chân thực và cảm động hơn người nghĩa sĩ tử trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông.
Nói đúng ra, trước Nguyễn Đình Chiểu, con người bình thường cũng xuất hiện trong văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, đó hoặc là những ngư phủ, tiều phu hình bóng thấp thoáng, khi xa khi gần trong thơ bà Huyện Thanh Quan, hoặc là đám đông lố nhố, hằng ngày là cục đất củ khoai, khi có dịp trở nên những “kiêu binh” lỗ mãng trong Hoàng Lê nhất thống chí.
Người nông dân xuất hiện trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn khác hẳn. Họ thật sự là những người bình thường, là “dân áp, dân lân”, “ngoài cật có một manh áo vải”. Bản tính lại hiền lành, chất phác, quanh năm suốt tháng “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.
Bên trong luỹ tre làng, họ “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”, thành thục với nghề nông trang: Việc cuốc cầy, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen. Nói như nhà thơ Thanh Thảo sau này, họ lấm láp sình lầy ấy đã bước vào thơ Đồ Chiểu.
Đành rằng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã có tấm lòng sáng để phát hiện ra họ ,nhưng trước hết bởi dù không áo mão cân đai phẩm hàm văn võ/họ để lại những vệt bùn làm vinh dự cho thơ. Đó chính là tấm lòng yêu nước, trương nghĩa của người nông dân.
Khi nghe tin quân giặc đến, dù là dân thường nhưng những người nông dân lòng đầy sốt ruột. Trong xã hội xưa, những chuyện quốc gia đại sự trước hết là việc của quan. Dân nghe theo quan mà làm dân. Dân nhìn thấy quan mà theo. Vì thế, họ trông chờ tin quan như trời hạn trông mưa. Mắt còn trông đợi nhưng lòng thì đã rõ:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Lòng yêu nước không độc quyền của ai. Huống chi, với những người nông dân chân chất, khi “mùi tinh chiến vấy vá đã ba năm” thì họ “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”. Vì thế, dù là dân ấp, dân lân, trong tay chỉ còn một tầm vông, họ đã sẵn sàng xả thân vì nghĩa cả:
Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc nhằn quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào ,liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang,người chém ngược, làm cho mã tà, ma lí hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng đung nổ.
Cuộc đối đầu một mất một còn giữa những người nông dân yêu nước với kẻ thù là cuộc đối đầu không cân sức. Họ thất thế ngay từ ban đầu khi tự giác đúng lên, không có ai tổ chức (ai đòi, ai bắt), chẳng có binh thư, binh pháp còn quân giặc thì chuẩn bị bài bản, có quy mô, quy củ. Họ thất thế khi xung trận mà ngoài cật có một manh áo vải, trong tay cầm ngon tầm vông, còn kẻ thù lại có tàu sắt tàu đồng, đạn nhỏ, đạn to.
Song chí căm thù, lòng yêu nước đã khiến những người nông dân trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ, liều mình như chẳng có ai. Ai cũng biết cái giá cuối cùng của hành động ấy. Nhưng nghĩa sĩ nông dân càng biết rõ điều đó:
Một giấc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm trao mộ.
Những nghĩa sĩ nông dân trở thành “những anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang” (Phạm Văn Đồng) .Hình tượng người nghĩa sĩ chân đất lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam đã mang hình dáng đầy bi tráng. Nó như một tượng đài sừng sững tạc vào không gian lẫn với thời gian để nói với muôn đời rằng: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sự gắn bó, lòng yêu thương và cảm phục đã khiến Nguyễn Đình Chiểu ghi tạc vào thơ văn mình hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc thật bi tráng. Hình tượng ấy sức nặng của một thời đại “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo” và tấm lòng yêu thương bi thiết của nhà thơ mù đất Đồng Nai – Gia Định.
Những người anh hùng “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”. Còn nhà thơ của họ đã dựng lại tượng đài ấy “nghìn năm” trong ký ức tâm hồn của người đời bằng văn chương.
Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Ấn Tượng – Mẫu 4
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) một nhà nho yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc. Cuộc đời ông phải trải qua nhiều bi kịch đau khổ và bất hạnh. Có lẽ vì vậy mà hơn ai hết ông càng cảm nhận được nỗi đau mất nước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Năm 1859 giặc Pháp tràn vào sông Bến Nghé chiếm thành Gia Định, ông phải vào quê vợ ở Thanh Ba, Cần Giuộc lánh tạm.
Về phía thực dân Pháp sau khi chiếm được thành Gia Định chúng bắt đầu thực hiện quá trình mở rộng cuộc tấn công ra các vùng lân cận. Cần Giuộc chẳng mấy chốc đã bị giặc Pháp tràn đến.
Những người nông dân áo vải, chân lấm, tay bùn đã đứng dậy đấu tranh. Họ gia nhập nghĩa binh, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Trong số họ nhiều nghĩa sĩ đã hi sinh oanh liệt. Những tấm gương hi sinh đó đã gây nên niềm cảm kích lớn trong nhân dân.
Đỗ Quang, tuần phủ Gia Định giao cho Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế đọc tại buổi truy điệu hơn hai mươi nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đêm ngày 16-12-1861. Với lòng cảm phục và tình cảm xót thương vô hạn, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Bài văn tế không những thể hiện được tình cảm xót thương vô hạn của tác giả và của nhân dân đối với các nghĩa sĩ cần Giuộc mà còn khắc họa lên vẻ đẹp chân thực, bi tráng mà rất đỗi hào hùng của những người nông dân yêu nước đánh Tây.
Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ…
Khi Tổ quốc lâm nguy, khắp đất nước đều rền vang tiếng súng. Chính từ sự gian nguy, đau thương đó, tình yêu đất nước của những người nông dân bình thường mới được thể hiện, vẻ đẹp thực sự của tâm hồn trong họ mới được bày tỏ cùng trời đất.
Tấm lòng, tình yêu giang sơn, tổ quốc của những người nông dân bình dị càng được thể hiện một cách rõ rệt và sâu sắc hơn khi tác giả đã liên tục dùng biện pháp so sánh đối lập trong các câu văn tiếp sau.
Nhớ lính xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó…
Trước đây họ vẫn sống, vẫn tồn tại nhưng chỉ là “cui cút làm ăn”. Họ vẫn sống, vẫn tồn tại nhưng chỉ trong thầm lặng. Trong cuộc sống, họ có nỗi lo toan “miếng cơm manh áo” giản dị đời thường; họ chỉ quen làm lụng việc nhà nông: cày, bừa, cấy, hái, làm bạn với con trâu, với ruộng đồng.
Họ chưa biết đến “cung ngựa”, “trường nhung”, chưa quen với “tập mác, tập cờ”. Những người nghĩa sĩ ở đây chỉ là những nông dân áo vải, chưa quen chiến trận, chưa được luyện rèn, chỉ vì lòng yêu chính ghét tà mà đứng lên đánh giặc.
Khi mà “tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng”, họ ngóng trông mệnh lệnh của triều đình: “trông tin quan như trời hạn trông mưa”.
Thì ra cái bi kịch xót xa là ở chỗ này: triều đình nhu nhược, không hiểu được lòng dân yêu nước. Lòng căm thù giặc của những người nông dân thì không thể kiềm chế:
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
… Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ.
Hình tượng người nông dân, những người nghĩa sĩ yêu nước hiện lên thật quả cảm hào hùng. Lòng yêu đất nước tha thiết xuất phát từ chính trái tim của họ đã khiến cho họ trở nên đẹp đẽ, lấp lánh. Vẻ đẹp của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước được toát ra chính từ lòng căm thù giặc sục sôi. Chính lòng căm thù giặc đã biến thành hành động vùng lên quật khởi rất hào hùng.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình:
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Trong những tác phẩm phản đối chiến tranh phong kiến phi nghĩa trước đây, người nông dân khi phải đi làm lính biên thú phương xa để bảo vệ cương thổ của nhà vua, họ ra đi với tâm trạng và thái độ “bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa” thì ở đây, người nông dân của Nguyễn Đình Chiểu lại hoàn toàn khác.
Họ tự giác, tự nguyện đứng lên chiến đấu để bảo vệ giang sơn, tổ quốc, ấy là nét đẹp bản chất nhất trong hành động của người nông dân – nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Đến đây không chỉ vẻ đẹp trong tâm hồn mà ngay cả vẻ đẹp trong hành động của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước cũng đã được Nguyễn Đình Chiểu khắc họa lên một cách rõ rệt. Từ cái động lực tinh thần tự nguyện gánh vác trách nhiệm lịch sử mà đã tạo ra cho họ sức mạnh vô cùng lớn.
Họ đã hành động, đứng lên chống giặc ngoại xâm. Không chờ bày bố mà chỉ “ngoài cật có một manh áo vải nào dại mang bao tấu, bầu ngòi, trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”.
Hình ảnh người nông dân được hiện lên trong tác phẩm khiến cho chúng ta vừa cảm thấy tự hào và xen lẫn niềm xót xa. Những người nghĩa sĩ dường như đóng vai trò là hiện thân của cả một sức mạnh dân tộc.
Đối mặt với kẻ thù lớn mạnh với “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng” với đội quân xâm lược nhà nghề, vậy mà vũ khí để họ dùng chống lại chỉ là “một manh áo vải”, “một ngọn tầm vông”, chỉ có “lưỡi dao phay” và chỉ là những “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”.
Thử hỏi rằng đem những thứ đó ra đối chọi với súng đạn của thực dân khác nào bước chân vào chỗ chết. Cái sự thật phũ phàng đó như phô bày ra trước mắt ta thật xót đau biết mấy. Đó là tấn bi kịch của những người nghĩa sĩ Cần Giuộc, cũng là tấn bi kịch của cuộc sống nước ta vào thời kì nghiệt ngã ấy. Tấn bi kịch này đã đưa đến cái họa mất nước kéo dài cả thế kỉ.
Nhưng cũng chính từ cái tấn bi kịch này mà đà làm sáng ngời lên vẻ đẹp hình tượng của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước. Bằng sự ngoan cường, lòng yêu nước nồng nàn, họ đã làm nên được những điều phi thường, chính họ đã cất lên được bản anh hùng ca chiến tranh của dân tộc.
Bất chấp sự hiểm nguy, bất chấp sự chênh lệch, sự đối lập của hoàn cảnh chiến đấu, họ vẫn quyết chiến và quyết thắng, lấy tinh thần xả thân vì nghĩa để bù đắp lại sự thiếu hụt, chênh lệch của mình với kẻ thù. Hoàn cảnh chiến đấu chênh lệch là vậy nhưng vì những người nghĩa sĩ chiến đấu bằng chinh tinh thần sự quyết chiến không sợ hi sinh nên hiệu quả chiến đấu lại vô cùng lớn.
Chỉ với những vũ khí thô sơ như:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,
Gươm đeo dùng bằng lười dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh..
Chỉ với những vũ khí thô sơ, nhưng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã tạo nên được những điều kì diệu. Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân hiện lên với một vẻ đẹp rực rỡ hào quang của chủ nghĩa yêu nước, dường như đã làm lu mờ đi cái thời kì đen tối của lịch sử mất nước hồi nửa cuối thế kỉ XIX.
Cảm xúc chủ đạo của bài Văn tế là cảm xúc bi tráng, lời văn rắn rỏi, âm điệu sôi sục, dồn dập. Nghệ thuật đối đã phát huy hiệu quả cao nhất của nó. Tất cả hợp thành một âm hưởng chiến trận hào hùng, phấn khích của một thiên anh hùng ca tuyệt diệu.
Ngòi bút tác giả hoàn toàn xứng đáng với hành động cao cả của người nghĩa sĩ nông dân, với những tư tưởng cực kì lớn lao mà tác giả đã phát hiện ra trong hành động tự nguyện giết giặc cứu nước của họ.
Bài văn tế như bức tượng đài bằng ngôn từ, tạc khác nên hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân hào hùng mà bi tráng, tượng trưng cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của cha ông ta. Bức tượng đài ấy là dấu mốc thể hiện cả một bi kịch lớn của dân tộc – bi kịch mất nước, và báo hiệu một thời kì lịch sử đen tối của dân tộc ta – thời kì một trăm năm Pháp thuộc.
Nhưng thật hào hùng, trong cái bi kịch lớn ấy, tinh thần bất khuất của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung vẫn ngời sáng bởi cái lí tưởng cao đẹp của nghĩa sĩ cần Giuộc họ sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn, vì dân tộc.
Phân Tích Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc Nổi Bật – Mẫu 5
Ngày nay, đọc thơ văn Đồ Chiểu không chỉ thấy tâm huyết và tài nghệ của nhà thơ mà còn thấy cả một thời đại lịch sử, thấy lại cả dân tộc ta trong một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại. Văn thơ của Đồ Chiểu mãi mãi vẫn là món ăn tinh thần của người Việt Nam.
Vì vậy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Ngòi bút là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân … người anh hùng cứu nước”.
Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đó đã chứng minh được điều u nêu cao một tấm lòng yêu nước, quan tâm tha thiết đến vận mệnh của dân tộc và cũng là lời thở than chua xót. Ngay sau khi được phổ biến, bài văn có tiếng vang rất lớn, nhất là trong nhân dân. Nó có giá trị mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Bài văn được xây dựng trên cơ sở người thật, việc thật, cho nên ý nghĩa của nó càng trở nên sâu sắc …
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã làm xúc động lòng người bởi tiếng nói đầy “thương cảm”, bởi cái hay của văn chương bình dị, lời văn man mác, lắng đọng một nỗi đau vì dân vì nước. Mở đầu bài tế là lời than nghe thật chua xót:
“Hỡi ơi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”.
Chỉ một câu ngắn thôi, ta cũng thấy được cả một xã hội, thấy được hoàn cảnh ly loạn lúc bấy giờ. Kia là cuộc xâm lăng ào ạt, bạo tàn của kẻ thù và kia là bổn phận, ý chí chống quân bạo tàn đó của người nông dân. Nhân dân đau xót trước bao tang thương, áp bức nhưng ai có thể hiểu được ‘lòng dân” chứ.
Họ chỉ tin có “trời”: “Lòng dân trời tỏ” vì chỉ có trời mới thấu hiểu được lòng dạ học, chứ cái bọn vua tôi hèn hạ khi nào biết gì, họ chỉ biết tự xưng danh mà thôi.
Cuộc đời người nông dân đang bình lặng trôi qua theo bao. Tháng ngày lam lũ, họ có ngờ đâu những tai biến sẽ xảy ra.
“Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây tuy là mất tiếng vang như mõ
Chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhưng, chỉ biết ruộng trâu ở theo làng bộ …”
Cuộc sống rất ư là giản dị trong thôn xóm, lam lũ nghèo khó. Họ chỉ biết cui cút làm ăn và chỉ cần có miếng cơm manh áo. Họ chỉ biết có thế, việc gươm đao cung kiếm họ chưa từng biết. Thế mà họ vẫn giàu lòng yêu nước và căm thù giặc, họ căm thù đến mức cao độ “muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ”. Điều này thể hiện rất rõ cá tính của người nông dân.
Những người nghĩa sĩ ấy chẳng phải là quân lính mà là dân cày nghèo khổ. Việc đánh giặc không phải là việc của họ, mà vì lòng yêu nước căm thù giặc, chờ đợi quân quan mãi nhưng nào thấy, đành làm những việc lớn, phải “chém rắn”, “đuổi hươu”… Thực tế cho ta thấy được thái độ ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn và càng đề cao hơn vai trò của người nông dân trước “vũ đài lịch sử”.
Họ – “Những người nghĩa sĩ ấy” không làm sao chịu được cảnh quân giặc giày xéo lên mồ mả tổ tiên … và họ quyết định phải đứng lên đánh chúng, đánh bằng được bọn tàn ác đó:
Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn
Chín chục vạn binh thư chưa chờ bày bố
Ngoài cật một manh áo vải,
Nào đợi mang bao tấu bầu ngòi,
Trong tay cầm một ngọn tầm vông,
Chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Bây giờ họ không cần gì hết, cũng không đợi tập rèn, trong tay có gì đánh nấy. Từ những công cụ thô sơ cũng trở nên quan trọng, quý hiếm và có tác dụng đối với họ:
Súng hỏa mai đánh bằng rơm con cúi,
Cũng đốt xong nhà dạy đạo kia.
Gươm đeo bằng lưỡi dao phay
Cũng chém rơi đầu quan hai nọ.
Nguyễn Đình Chiểu nói lên điều này để làm gì? Phải chăng, chính ông đang nhận thấy rõ bọn cần quyền có đầy đủ công cụ nhưng không hề lay chuyển mà người dân thì … Thái độ nhà thơ căm tức, oán trách bọn vô trách nhiệm và mến thương nhữngcó lòng trung nghĩa, yêu nước.
Phải chăng, ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động hình ảnh người nông dân? Đúng thế. Và chỉ vài câu văn cũng bật rõ phần nào lòng trung nghĩa của nhà thơ Đồ Chiểu.
Rồi cứ thế, người nghĩa quân nông dân tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu với khí thế mãnh liệt như vũ bão:
“Kẻ đâm ngang, người chém ngược
Làm cho mã tà, ma ni hồn kinh” …
Họ chiến đấu anh dũng với sức mạnh, ý chí và lòng căm thù. Họ liều mạng chăng? Không! Bởi vì họ yêu nước. Đọc bài tế ở đoạn này nào là:
“Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục.
Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không,
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to
Liều mình như chẳng có”
Nào là:
“Kẻ đâm ngang, người chém ngược …”
Ta cứ tưởng như ngòi bút tác giả cũng đang tung hoành ngang dọc cùng với nghĩa quân trên chiến trường. Giọng văn hào hùng sảng khoái, nhịp điệu dồn dập, sôi nổi thể hiện rõ khí thế của trận công đồn.
Nào là tiếng hò, ó; tiếng đạn nổ, cùng với ngọn lửa đốt đồn giặc bốc cao, cháy sáng rực cả dòng sông Cần Giuộc… Những yếu tố này đã xây dựng thành công hình tượng của người nông dân cứu nước giết giặc. Đây là một hình tượng độc đáo trong văn học cổ điển Việt Nam.
Và kìa! Bên cạnh những hình ảnh đó là cảnh quan quân nhà Nguyễn nhỏ bé, thấp kém. Bây giờ họ không còn ra gì nữa. Thật: “Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu là tâm hồn của ông đã diễn tả thật là sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân. Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu đã đại diện, đã thay mặt cho dân tộc, cho tình cảm dân tộc để viết ca ngợi về người chiến sĩ ấy.
Nhưng mặt khác, nếu như Cụ Đồ không có lòng “trung nghĩa” thì việc thay mặt cũng quả là khó. Thơ văn ông thường là hồn, là tâm của ông. Vì vậy, khi đối diện với những người nghĩa sĩ, đối diện với tang thương thì làm sao nhà thơ không tuôn dòng lệ:
“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng,
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ
Những lăm lòng nghĩa lâu dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ”
Đang diễn ra khí thế tưng bừng của chiến trận, thế mà bỗng nhiên như có gì hụt hẫng, khựng lại. Người nghĩa quân đang hăng say chiến đấu trên chiến trường không hề sợ cái chết những tưởng tấm lòng mến nghĩa sẽ lâu dài … thế nhưng làm sao tránh khỏi cảnh hi sinh …
Tấm lòng xót thương của tác giả càng ngày càng thương tiếc cho những người dân ấp dân lân chỉ biết côi cút làm ăn, những khi giặc đến thì mặc dầu, chỉ có những công cụ thô sơ mà dám liều mạng giết giặc. Nay họ đã ngã xuống trên chiến trường, thì tác giả lại càng tiếc thương gấp bội. Và dường như cả cỏ cây, trời đất cũng buồn bã, ảm đạm:
“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”
Dọc hai bờ sông cần Giuộc cỏ cây ủ rũ một màu tang, chợ Trường Bình thì già trẻ tuôn hai hàng lụy nhỏ. Tất cả mọi người đầu đã khóc thương những nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. Không làm sao ngăn được dòng nước mắt khi đi đến đâu cũng lưu giữ hình bóng họ:
“Chùa Tông Thạnh, năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm …”
Nhìn lại cảnh vật ngày xưa thì lòng tác giả dâng lên một niềm thương tiếc, căm giận. Căm giận bọn bất lương, loài ác quỷ bất nhân; thương tủi cho số phận ngắn ngủi, nhỏ nhoi của những nghĩa quân, của những người đứng lên vì đạo nghĩa. Họ đã mất đi là mất hết tất cả: mất gia đình, người thương. Và gia đình họ mất đi một chỗ tựa nương.
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ
Ngọn đèn khuya leo lét cháy trong lều
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng
Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Thật là đau khổ biết dường nào khi người con và người chồng đã ra đi để lại sau lưng những tiếng kêu xé lòng thê lương, thảm thiết. Người vợ chạy tìm chồng trong không gian vô tận, trong cái dật dờ của nửa tỉnh nửa mê. Hình dáng mẹ già không còn nước mắt nhưng vẫn khóc, khóc những tiếng khóc đắng cay của cõi lòng.
Cảm xúc chân thành, lớn lao của tác giả đã đem lại cho đoạn văn chất trữ tình đặc biệt, tác động mạnh vào tâm hồn người đọc. Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt đề cao cái chết vẻ vang của người nghĩa quân. Chính vì vậy mà ông khẳng định quan điểm sống của người nghĩa sĩ “chết vinh còn hơn sống nhục”:
Thà thác mà đặng câu địch khái
Về theo tổ phụ cũng vinh
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây
Ở với man di rất khổ.
Chết như vậy mới thật sự là cái chết của người nghĩa quân, chết để được trả nợ với nước non, để đem lại danh thơm cho muôn thuở. Qua những cái chết đó, tác giả đã phê phán lối sống hèn hạ của bọn “tay sai bán nước hại dân”:
“Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương
Vì ai xui đồn lũy tan tành xiêu mưa ngã gió
Sống làm chi theo quân tà đạo
Quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn
Sống làm chi ở lính mã tà, chìa rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thèm khổ …”
Điệp từ “vì ai”, “sống làm chi”, như đè nén sự căm tức, như lên án kết tội, như giày vò lũ tay sai bán nước – chính là nguyên nhân của mọi đau thương, tang tóc … Càng phê phán lối sống tôi mọi của bọn thống trị bao nhiêu thì Nguyễn Đình Chiểu càng đề cao cái chết vinh quang của nghĩa quân bấy nhiêu. Đó là ý của Nguyễn Đình Chiểu: ông luôn muốn những người nghĩa sĩ đó mãi sống trong lòng dân tộc, đất nước.
Nhà thơ Đồ Chiểu một lần nữa khẳng định quan niệm sống cao đẹp của người Việt Nam thông qua những tấm gương hy sinh sáng chói. Vì vậy nên đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhận định một cách đúng đắn về cụ Đồ Chiểu: “Ngòi bút … xưa kia chỉ quen cày cuốc bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước” …
Kết thúc bài tế là những câu nghe như lời tâm huyết:
“Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc
Linh hồn theo giúp cơ bụng, muốn kiếp nguyện trả thù kia ..
Người đã chết đi nhưng lòng vẫn còn đó, ý chí vẫn còn đó. Phải chăng trong suy nghĩ của tác giả, linh hồn nghĩa sĩ vẫn níu chặt lấy cuộc sống để theo đuổi sự nghiệp đánh giặc cứu nước đến cùng. Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu đã quan niệm rằng “những cái gì chính nghĩa thì không thể nào tiêu diệt được …”
Bài văn tế đã kết thúc nhưng nó vẫn còn phảng phất mãi mùi hương mà chính dân tộc đã dâng lên cho linh hồn những người nghĩa sĩ đó.
Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận định: “Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu là tâm hồn của ông, chính ông đã diễn tả sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân. Vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước …” Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc đã hùng hồn chứng minh được điều đó.
Bài Văn tế sẽ mãi mãi là nén hương thơm của dân tộc dâng lên những người còn trung nghĩa, những người nghĩa sĩ của đất nước anh hùng.