Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình ❤️️ Đọc Hiểu, Cảm Nhận ✅ Gợi Ý Tìm Hiểu Ý Nghĩa Tác Phẩm, Hoàn Cảnh Sáng Tác, Nghệ Thuật Bài Thơ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình
“Bài thơ của một người yêu nước mình” của tác giả Trần Vàng Sao đã làm xúc động sau sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX.
Bài thơ của một người yêu nước mình
Tác giả: Trần Vàng Sao
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở goá nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
Đọc thêm bài thơ ❤️️Cuộc Chia Ly Màu Đỏ ❤️️ Tìm hiểu nội dung, ý nghĩa
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình
“Bài thơ của một người yêu nước mình” được tác giả sáng tác vào ngày 19/12/1967, là một bài thơ điển hình cho phong cách thơ Trần Vàng Sao, đánh dấu một lối đi riêng trong hành trình nghệ thuật chung của nhiều thế hệ nhà thơ trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ý Nghĩa Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình
Bài thơ của một người yêu nước mình là sự hoà quyện xoắn xuýt cảm xúc trữ tình của tác giả với hình tượng Đất nước, được đặt trong liên hệ với mẹ, người thân, người yêu và quê hương nghèo khó cùng khát vọng hoà bình, khát vọng làm người chân chính. Toàn bài thơ là sự hoá giải cho chính nhà thơ và cho mọi người về tình yêu Tổ quốc.
Đọc hiểu tác phẩm 🔰Tự Hát [Xuân Quỳnh]🔰 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích
Đọc Hiểu Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình
Đừng bỏ lỡ các gợi ý đọc hiểu Bài thơ của một người yêu nước mình mà Thohay.vn chia sẻ sau đây nhé!
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
(Trích Bài thơ của một người yêu nước mình, Trần Vàng Sao)
👉 Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Đáp án: Thể thơ tự do
👉 Câu 2: Trong 4 câu thơ cuối đoạn, tác giả so sánh tình yêu đất nước như điều gì?
Đáp án: Tác giả so sánh tình yêu đất nước với “Như yêu cây có trong vườn Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương”
👉 Câu 3: Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ điệp ngữ có trong đoạn trích?
Đáp án: Điệp ngữ “Tôi yêu” nhấn mạnh tình cảm yêu nước tha thiết của tác giả, tình cảm ấy được nhấn mạnh rất nhiều lần, qua những hình ảnh bình dị.
👉 Câu 4: Anh/chị hãy nhận xét tình cảm của tác giả khi viết về đất nước được thể hiện trong đoạn thơ?
Đáp án: Khi viết về đất nước, tác giả bày tỏ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc. Tác giả nhắc đến một đất nước với những buổi mai, áo rách, căn nhà, mẹ… Tình yêu đất nước được bắt nguồn từ những điều nhỏ bé, giản dị nhưng sâu sắc, ăn sâu vào máu thịt.
Hướng dẫn tìm hiểu bài thơ 🔰Người Đàn Bà Ngồi Đan🔰 Nội Dung Bài Thơ, Cảm Nhận
Nghệ Thuật Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình
Chia sẻ cho bạn những giá trị nghệ thuật trong Bài thơ của một người yêu nước mình.
- Bài thơ dài 155 câu, theo lối trường ca, bằng thể thơ tự do, câu dài ngắn xen kẽ nhau như nhịp bước chân dài ngắn, thấp cao của một người đang vừa đi vừa kể vừa tâm sự về cuộc hành trình.
- Phương thức điệp từ với sự khai thác chi tiết về các hình ảnh có thật của ký ức. Biện pháp Điệp ngữ có tác dụng tăng sức gợi cảm, thể hiện tinh thần yêu nước của toàn dân tộc Việt.
- Nét đặc trưng của bài thơ là sự hoà quyện giữa cảm xúc trữ tình của tác giả với hình tượng đất nước, được đặt trong liên hệ với người mẹ, người thân trong gia đình, người yêu và quê hương khốn khó.
Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình Hay Nhất
Gửi bạn những bài văn mẫu cảm nhận, phân tích Bài thơ của một người yêu nước mình hay nhất.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình Hay
Bài thơ của một người yêu nước mình” được sáng tác vào ngày 19 tháng 12 năm 1967, là tác phẩm điển hình cho phong cách thơ Trần Vàng Sao. Bài thơ ngay từ khi xuất hiện đã gây một ấn tượng mạnh, bởi trước hết đó là thi phẩm thể hiện một cách chân thành và xúc động về tình yêu nước.
Đất nước, vốn là đề tài không mới trong thơ, nhất là trong thơ ca kháng chiến, trong bối cảnh cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, vận mệnh dân tộc và nhân dân đang phải giành giữ từng khắc từng giờ, thì đó là đề tài quen thuộc và rất nóng bỏng thời sự. Nhưng Trần Vàng Sao vẫn có cách nói riêng đầy mới mẻ về một vấn đề tưởng chừng rất cũ.
Bài thơ chính là cuộc hành trình của một con người, bằng tình yêu da diết tự tâm can, đã đi trọn cùng chiều dài thẳm xa diệu huyền của đất nước.
Bài thơ dài như hành trình đó, nhưng đọc xong không thấy lê thê mỏi mệt, trước hết bởi lối kết cấu câu chữ đan xen linh hoạt. Đặc biệt là cái tứ của bài thơ: nơi gợi tứ, gợi hứng về lòng yêu nước, được sắp đặt qua hệ thống điệp khúc “Tôi yêu đất nước mình”. Nhưng cái hay ở đây là điệp mà không hoàn toàn lặp lại, mỗi lần vang lên lại mang một dáng vẻ riêng, với ý tứ, tình cảm hoàn toàn mới mẻ:
Tôi yêu đất nước này xót xa…
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi…
Tôi yêu đất nước này như thế…
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em…
Tôi yêu đất nước này lầm than…
Tôi yêu đất nước này chân thật…
Mỗi điệp khúc là một luận điểm, một nội hàm khác nhau khi nhà thơ lặng ngẫm về tình yêu nước của chính mình. Bài thơ dẫn dắt người đọc đi qua từng không gian – thời gian, từng trạng thái tình cảm và hoài niệm đẹp.
Luận điểm đầu tiên “Tôi yêu nước mình như thế”, tình yêu nước gắn liền với ký ức tuổi thơ ở miền quê nghèo dân dã mà tươi vui, gắn với âm thanh của bầy chim sẻ thơ ngây, hình ảnh cánh đồng ngập tràn hoa bưởi hoa ngâu và bông nứa trắng, ướp trong mùi hương nồng dịu của thóc khô sau mùa gặt.
Và trong cõi thâm u nhất của khu vườn tuổi thơ tươi đẹp đó, dần hiện lên bóng dáng thân thương nhất: Mẹ. Đó là người mẹ của chủ thể trữ tình “goá bụa khi mới 50”, nhưng là điển hình cho bao người mẹ Việt tảo tần “áo rách” và thương con vô bờ bến, thầm lặng hy sinh nhận gánh nỗi đau riêng mình “đêm nào cũng khóc”. Đó là người mẹ cần lao chung số phận buồn cùng đất nước oằn mình trong chiến tranh, khổ nghèo, mất mát, chia ly.
Âm thanh, màu sắc hòa lẫn cùng mùi vị, thiên nhiên tươi đẹp nên thơ nhuốm vẻ khốn khó của con người… tất cả quyện vào nhau trong một bức tranh chung, là sự hiện hữu rõ ràng đến gần tuyệt đối của một ký ức tưởng đã quá xa vời.
Chính vì sự trộn lẫn nhoè mờ của những mảng màu đối lập trong miền ký ức đó, mà khởi nguồn và cũng là xâu chuỗi của tứ thơ, của cảm xúc về đất nước là nỗi niềm bi cảm, vừa hào sảng vừa cay đắng, xót xa: “Tôi yêu đất nước mình cay đắng, Tôi yêu đất nước mình xót xa” và đó là thứ tình cảm thường trực, day dứt tâm can: “Tôi yêu đất nước này khôn nguôi”.
Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là thứ tình yêu bi luỵ, mà chính tình yêu nước cay đắng xót xa đó là nguồn sức mạnh để nhân vật “tôi” tiếp tục cuộc hành trình, một cuộc hành trình đầy giông bão suốt dặm dài sông núi:
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Từ tình yêu quê hương tuổi thơ gắn với bao tủi buồn, thương xót, tác giả đã hướng ra đường chân trời của suy tư và khát vọng. Ký ức càng buồn tủi bao nhiêu thì khát vọng con người, khát vọng tương lai càng mãnh liệt chừng ấy. Mỗi bước đi, non sông gấm vóc mở ra rộng dài, chủ thể trữ tình nhìn lại khu vườn xưa lại thấy chật hẹp với biết bao điều chưa cắt nghĩa được. Đây không gì khác hơn là chiều kích của sự trưởng thành – trong cả tâm hồn lẫn nhận thức, tư duy.
Bởi thế cho nên, trong những khổ thơ tiếp theo, hình tượng đất nước và tình yêu nước không chỉ gắn với những gì “lầm than”, những con người đói rách, với cuộc sống khổ nghèo “Ăn rau rìu rau éo rau trai”, “Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió “, “bốn ngàn năm nằm gai nếm mật”, những “người mẹ vọng phu”, những “cầu ái tử”… mà còn gắn liền với bao nghĩa tình tha thiết từ lòng tri ân nguồn cội, biết yêu thương chia sẻ trong gian khó, và cuộc đời dù đã từng “cúi thấp” vẫn ấp ủ ước mơ oai hùng mang tầm Phù Đổng.
Tận cùng sâu thẳm nỗi đau chia cắt là sự thăng hoa của khát vọng chiến đấu và chiến thắng: “Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ. Một tiếng nói cũng đẩy hồn Thánh Gióng”.
Tình yêu nước phải đồng nghĩa với sự đấu tranh để giành lại sự thống nhất, độc lập, tự do; để được hạnh phúc, để Nam Bắc một nhà. Từ chân trời của quê hương, của một người phải ra đi đến với chân trời của Tổ quốc. Trong cuộc hành trình đó, khi đã đi qua những ký ức buồn vui, “tôi” gặp được nhiều người “chưa biết chưa quen” nhưng lại gặp nhau trong tình đồng chí, đồng bào cao cả.
Hoàn toàn là “người lạ”, nhưng lại cùng chung cảnh ngộ, cùng chung nỗi đau nước mất nhà tan, cùng khát vọng hoà bình, thống nhất để được sống cuộc sống bình dị, đời thường nhưng xứng đáng. Đó là khát vọng cháy bỏng, vừa chân thật vừa cao cả, linh thiêng, đưa con người vụt lớn lên, vượt ra khỏi cái chật hẹp của nỗi đau thân phận, trở thành con người với tất cả giá trị đẹp đẽ nhất của nó.
Thấp thoáng trong cuộc hành trình vạn dặm, cùng với tuổi thơ, quê hương, với người mẹ…, những người chưa biết chưa quen là bóng hình “em”. Em gắn liền với những năm tháng hoa niên rung động đầu đời trong trẻo như “áo trắng học trò” nhưng không kém phần diết da nồng cháy như “chùm phượng đỏ”.
Trái hẳn với người mẹ hay lén khóc thầm, Em hồn nhiên hay cười hay nói “mà không biết người khác buồn”, em chưa buồn vì cuộc đời “chưa rách áo”. Tôi không trách em, mà trái lại vẫn mong “tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan”. Có lẽ vì tuổi thơ đó của em chính là ký ức trong trẻo, cũng là những gì lạc quan nhất trong cõi tâm hồn tôi, như tia nắng ấm nồng giữa cõi đời mưa gió, để nhớ, để yêu và để tôi vững tin bước tiếp về phía trước.
Bài thơ là cuộc hành trình đặc biệt trong đó chủ thể trữ tình đã đi từ tuổi thơ ngây đến bước trưởng thành, từ cái nhỏ bé chật hẹp đến cái rộng lớn bao la, từ cái gần gũi đến cái cao xa rộng lớn, từ đơn độc đến đông vui, từ bi cảm đến lạc quan và khát vọng…
Trong cuộc hành trình đó, tôi đã sống, đã yêu, đã đau khổ và hy vọng, đã nhận ra những gì chân ái của đời mình, và đó không phải là cuộc độc hành, bởi sóng bước cùng tôi luôn là những người thân yêu, những người cùng lý tưởng… Trong cuộc hành trình đó, cái tôi không nhỏ bé, cúi đầu mà kiêu hãnh buóc đi, bởi luôn mang theo bóng hình đất nước, mỗi bước đi chính là mỗi bước của lịch sử, của dân tộc bi tráng, hào hoa.
Sự hoà quyện giữa hình tượng đất nước (điều cao cả, linh thiêng) với hình ảnh người mẹ, người thân trong gia đình, người yêu và quê hương khốn khó cùng khát vọng độc lập, tự do và khát vọng làm người chân chính (những điều giản dị, gần gụi, đời thường) đã làm nên vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ.
Trần Vàng Sao đã mang đến một thứ keo sơn kỳ lạ để kết nối những bình diện tưởng chừng xa lạ và đối lập đó để chúng hoà vào nhau, tô điểm cho nhau. Nhờ sự hoà quyện này, tình yêu nước không còn xa vời, cao siêu mà trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ đạt tới…, còn những tình cảm vốn có của cá nhân riêng tây của mỗi người lại vụt lớn lên mang tầm vóc thời đại.
Đó là sự hoà quyện mang tính biện chứng, mang tầm triết lý sâu xa và hiển nhiên: khi và chỉ khi con người biết gắn bó, yêu thương những gì gần gũi xung quanh thì mới có thể làm một công dân yêu nước, và tình yêu nước chỉ thực sự nồng nàn, làm nên sức mạnh để con người chiến đấu, hy sinh khi gắn với những gì gần gũi, máu thịt đời thường như cha mẹ, như người yêu, như quê hương xứ sở…
Bài thơ ra đời đã hơn nửa thế kỷ, cha đẻ của nó cũng đã từ giã cõi đời, nhưng tâm tình của thi nhân vẫn còn không thôi lay động, bởi nó chạm đến thế giới tình cảm vừa đời thường vừa cao cả của mỗi một con người. Giản dị nhưng duyên dáng như lời tình tự, bài thơ đã gợi cho mỗi con người, nhất là người trẻ tuổi một khát vọng, nhiệt huyết và tình yêu, để ta sống một cuộc đời ý nghĩa, xứng đáng. Cái hay, cái đẹp, cái cuốn hút kỳ lạ của bài thơ cũng chính là ở đó.
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình Chọn Lọc
Trần Vàng Sao là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ anh là tiếng nói giàu nhiệt huyết, xuất phát từ đáy lòng, hướng đến mọi người bằng giọng điệu giãi bày, tâm tình, chia sẻ. Anh sáng tác không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của anh để lại dấu ấn thi pháp độc đáo, đặc biệt ở việc xây dựng tứ thơ và kiến trúc bài thơ, ở hình ảnh và sức liên tưởng bất ngờ.
Bài thơ của một người yêu nước mình là điển hình cho phong cách đó của Trần Vàng Sao. Bài thơ đã từng làm xúc động mọi người và tạo cho anh lối đi riêng trong hành trình nghệ thuật chung của nhiều thế hệ nhà thơ từ những năm chiến đấu cho đến hôm nay.
Bài thơ dài 155 câu, viết theo lối tự do, được thể hiện theo phương thức điệp từ, điệp cú và khai thác chi tiết, hình ảnh có thật trong kho tình cảm và ấn tượng của chính người thơ nên chân thành và xúc động.
Ra đi từ khu vườn đầy tiếng chim ban mai và cảnh vật quê hương với kí ức tuổi thơ nồng ấm, tác giả đã xác lập một cách tự nhiên: “Tôi yêu đất nước này như thế”.
Đó là hình ảnh “Gió thổi những bông mía trắng trên sông – Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua – Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà”; đó là hoa cỏ may, là “một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu” và đặc biệt là hình ảnh người mẹ tảo tần, goá bụa ở tuổi ngoài 50, thương con đến tận cùng xa xót, tận cùng cơ cực “Những buổi trưa buổi tối – Ngồi một mình hay khóc”, “Thương con không cha – Hẩm hiu côi cút”. Và tác giả đã liên hệ với tình yêu rộng lớn: “Tôi yêu đất nước này xót xa”, “Tôi yêu đất nước này cay đắng”.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vực dậy những hình ảnh có sức lay động, khiến người đọc nghĩ đến không phải một phận người mà là một kiếp đời, là những người cần lao chung số phận buồn cùng đất nước bị chiến tranh, chia cắt.
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
….
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu
Từ tình yêu quê hương tuổi thơ gắn với bao tủi buồn, xa xót, tác giả đã hướng ra đường chân trời của suy tư và khát vọng. Nỗi đau càng lớn bao nhiêu thì khát vọng làm người, khát vọng được ước mơ thành thật càng lớn bấy nhiêu. Mỗi bước đi của người con theo dặm dài sông núi, nhìn lại khu vườn xưa thấy hẹp với biết bao điều chưa cắt nghĩa được đã hình thành một chiều kích khác, chiều kích của sự trưởng thành, của sự ra đi:
Tôi bước đi
……
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Đến nỗi tác giả phải thốt lên “Tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai” nghe có gì như nghẹn ngào, rưng lệ. Và cứ như thế, hành trình của một người yêu nước mình càng gắn chặt với quê hương, xứ sở và người thân không dễ gì xao nhãng, thiêng liêng và bền vững xiết bao:
Tôi yêu đất nước này áo rách
…..
Nuôi tôi thành người hôm nay
Mỗi đoạn thơ là mỗi nỗi niềm, tâm trạng. Bài thơ dẫn dắt người đọc đi qua từng không gian – thời gian, từng trạng thái tình cảm và hoài niệm đẹp. Chân thành trong hình ảnh, xúc động trong liên tưởng, da diết trong tình yêu và đẹp trong tư thế và nhận thức của nhân vật trữ tình đã làm cho bài thơ có sức nội cảm mạnh trong người đọc. Tác giả đã đánh thức những tiềm năng sâu thẳm ở chúng ta một điều gì đó đồng nghĩa với tình yêu nguồn cội và sự chia sẻ, hiến dâng:
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
…..
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Không ồn ào, to tiếng, bài thơ vẫn trong mạch tâm tình, đồng hiện những ký ức gần và ký ức xa, để triển khai tứ thơ đến chiều sâu của suy tưởng, triết luận. Tình yêu Tổ quốc không có trong mỗi người nếu không xuất phát từ những gì gần gũi, thiêng liêng nhất. Vì vậy mà tác giả đã đẩy liên tưởng lên tầm khái quát để nghĩ suy, tự hào về Đất nước.
Tôi yêu đất nước này lầm than
….
Một tiếng nói cũng đẩy hồn Thánh Gióng.
Đất nước với truyền thống ấy nhất định không thể sống quỳ, không thể cúi đầu làm nô lệ. Tình yêu nước phải đồng nghĩa với sự đấu tranh để giành lại sự thống nhất, độc lập, tự do; để được hạnh phúc, để Nam Bắc một nhà.
Từ chân trời của quê hương, của một người phải ra đi đến với chân trời của Tổ quốc, của mọi người, “Những người yêu nước mình” đã gặp nhau trong tình đồng chí, đồng bào cao cả, dù họ chưa quen mặt, biết tên, nhưng “Cùng sống chung trên đất / Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam / Cùng có chung tên gọi Việt Nam / Mang vết thương chảy máu ngoài tim”.
Và cao hơn tất cả là hành động xả thân để tổ quốc này mãi mãi là Tổ quốc của Nhân dân, của một cuộc diễu binh hùng vĩ: “Cùng anh em cất cao tiếng nói / Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do”.
Bình dị mà vững chãi, gian khổ mà tin yêu mãnh liệt biết bao, dù trước mắt vẫn còn cảnh “Mẹ bồng con lên non ngồi cầu ái tử”, nhưng “Đất nước hôm nay đã thấm hồn người”. Ái Tử – Vọng Phu – Hồn Người – Non Cao… là những từ ngữ gây ấn tượng mạnh, có tính ẩn dụ cao để thể hiện tận cùng sâu thẳm nỗi đau chia cắt, khát vọng chiến đấu và chiến thắng.
Đến đây, bài thơ chùng xuống trong nỗi nhớ và niềm tin thống nhất ở ngày mai. Khổ kết như sự đúc kết của tình yêu đất nước. Cái đích của sự ra đi đầu bài thơ giờ sắp viên thành với tình yêu rộng lớn hơn nhiều. Đó là tình yêu của những người yêu nước mình chân chính nhất nhưng cũng giản dị, bình tâm nhất.
Đất nước này còn chua xót
…..
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
Nét độc đáo nghệ thuật của bài thơ không phải ở vần điệu ngọt ngào mà chính là ở cách đặt vấn đề và lí giải vấn đề một cách xúc động, thuyết phục. Bài thơ cứ như sự dâng trào của cảm xúc và tâm trạng, nhưng là cảm xúc, tâm trạng đã “thấm hồn người” nên rất logic và chặt chẽ. Với sự vững chắc trong nghề thơ và trong tư duy thơ như thế nên bài thơ dài mà không dàn trải, không thừa chữ, thừa ý.
Sự lặp lại những hình ảnh mẹ, quê hương, ngôi nhà, dòng sông, trẻ thơ… là một thủ pháp nghệ thuật để chứng minh cho tình yêu đất nước rộng lớn là có cơ sở.
Điệp cú “Tôi yêu đất nước này” được tái hiện sau mỗi hoàn cảnh là một độc đáo của Trần Vàng Sao, thể hiện được hành trình tâm hồn, hành trình yêu nước của không chỉ của nhà thơ mà của tất cả con người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Kết thúc bài thơ mà điệp cú ấy cứ vang lên:
Tôi yêu đất nước này xót xa
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu đất nước này như thế
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Tôi yêu đất nước này lầm than
Tôi yêu đất nước này chân thật
Bài thơ của một người yêu nước mình đã thành bài thơ của những con người Việt chân chính yêu nước mình. Cảm ơn thi sĩ Trần Vàng Sao đã cho ta một lẽ sống, một cách làm người cao đẹp.
Gợi ý phân tích bài 🍃Khoảng Trời, Hố Bom🍃 Nội Dung, Ý Nghĩa
Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình Ngắn Gọn
“Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”. Tình yêu quê hương, đất nước đã trở thành mạch nguồn dồi dào cho những sáng tác thi ca nhạc họa. “Bài thơ của một người yêu nước mình” của tác giả Trần Vàng Sao cũng nằm trong mạch nguồn ấy.
Ngay từ nhan đề bài thơ đã thông báo, truyền tải đến độc giả về một tình yêu thiêng liêng, sâu đậm: tình yêu nước. Tiếp đó là những câu thơ bình dị, không viết hoa đầu dòng, không có dấu chấm, dấu phẩy. Hình thức thơ độc đáo này như một sự khẳng định về mạch nguồn chảy mãi, không ngắt quãng, không chịu dừng lại.
Tình yêu đất nước trong thơ Trần Vàng Sao gắn liền với tình thân gia đình, những rung động với từng cảnh vật, con người trên quê hương, trở đi trở lại qua điệp từ “tôi yêu”:
tôi yêu đất nước này áo rách
….
tôi yêu đất nước này như thế
Ý thơ hoà quyện giữa khung cảnh thanh bình và hiện thực tàn khốc. Làng quê đất nước hiện lên thơ mộng nhưng cũng mang đậm giá trị hiện thực “đất nước áo rách”, “căn nhà dột phên”. Và, cuộc sống của những con người ở đó, nơi chiến trinh lửa đạn đi qua đầy những cơ cực nhưng cũng để lại muôn vàn thương yêu.
Từng chi tiết bình dị, thân thuộc đi vào trong thơ ông một cách tự nhiên nhất: “cây cỏ trong vườn”, “bài mái đẩy”, “câu vọng cổ” … Tất cả đã đi vào trong thơ của Trần Vàng Sao một cách tự nhiên và chan chứa yêu thương.