Bài Thơ Lửa Đèn: Những Bài Văn Cảm Nhận + Phân Tích Hay Nhất

Bài Thơ Lửa Đèn ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa, Phân Tích ✅ Bài Thơ Được Phạm Tiến Duật Sáng Tác Vào Năm 1967 Và Được In Trong Tập Thơ Vầng Trăng Quầng Lửa Năm 1970.

Nội Dung Bài Thơ Lửa Đèn

Bài thơ: Lửa đèn
Tác giả: Phạm Tiến Duật

I – ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loé ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta.
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy

II – TẮT LỬA

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay…
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.

Nơi tắt lửa là nơi dài tiêng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao,

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.

III – THẮP ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
chiếc đèn chui vao lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình

Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Bài Thơ Lên Tây Bắc [Tố Hữu] ❤️️Nội Dung, Ý Nghĩa, Phân Tích

Ý Nghĩa Bài Thơ Lửa Đèn

Bài thơ Lửa đèn” là bài ca chiến đấu, cổ vũ, ẩn dụ cho tinh thần bất khuất của nhân dân ta, sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường của quân dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lửa Đèn Hay Nhất

Chia sẽ các mẫu văn cảm nhận bài thơ “Lửa Đèn” hay nhất, mời các bạn đọc cùng tham khảo.

☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lửa Đèn Xuất Sắc

Phạm Tiến Duật là nhà thơ được ví như “ ngọn lửa đèn” của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ ông mang giọng điệu hào hùng, sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch nhưng không thiếu phần sâu sắc. Nổi bật trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của ông là bài thơ “ Lửa đèn” , bài thơ là sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường của quân dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

Bài thơ “ Lửa đèn” được viết năm 1967, in trong tập “ Vầng trăng quầng lửa” năm 1970. “ Lửa đèn” là bài ca chiến đấu, cổ vũ, ẩn dụ cho tinh thần bất khuất của nhân dân ta. Bài thơ gồm ba phần: Đèn, tắt lửa, thắp đèn. Mở đầu bài thơ là “ Đèn”- một khúc tâm tình, ngân vang đầy ngọt ngào của đôi lứa giao duyên:
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…”

Trước tiên, câu mở đầu bài thơ là lời tâm tình vang lên đầy say đắm của chàng trai dành cho cô gái, bên kia cầu là nơi thật tuyệt vời mà chàng trai muốn dành cho cô gái. “ Nơi những miền quê yên ả” chính là quê hương, đất nước ta đầy xinh đẹp, bình yên đến lạ kì. Đó còn là nơi có những hoa thơm trái ngọt, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Là nơi có những “quả chín” lập lòe trong kẽ lá, là trái nhót chín mọng, những quả cà chua như những chiếc đèn lồng nhỏ nhắn xinh xinh, những trái ớt,…

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp so sánh để ví những sản vật quê hương như những “ ngọn đèn”, chiếc “ đèn lồng”, “ ngọn lửa đèn dầu” không chỉ giúp các sự vật trở nên sinh động mà chúng còn ẩn chứa sức sống mãnh liệt. Chính nhờ những ruộng đồng, những mảnh đất dồi dào màu mỡ đã tạo nên một vùng quê yên ả như vậy:

“ Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương”

Bằng những hình ảnh bình dị, cách liên tưởng phong phú, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khẳng định mảnh đất màu mỡ, trù phú đã làm nên một quê hương xinh đẹp, có những hoa thơm quả ngọt. Hai từ “ thắp sáng” như bùng lên, lan tỏa cả không gian, cả đất trời. Từ đó, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào, tinh thần yêu nước đầy mãnh liệt của mình.
Quê hương ta bình yên là thế, vậy mà lũ xâm lược lại tràn vào đất nước ta. Chúng phá hoại tổ ấm, nơi bình yên của ta:

“Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loé ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.”

Chúng- những kẻ đến từ đế quốc Mỹ như những “lũ ma trơi” lơ lửng trên trời mang theo sự chết chóc. Chúng từ mọi khoảng cách xa gần tàn sát dân ta. Qua hình ảnh “ Gió thổi tắt đèn, bom rơi ứa máu”, tác giả đã tái hiện lại sự tàn ác của đế quốc Mỹ, những ngày tháng chiến tranh ác liệt với bom rơi, đạn nổ. Những “ con ma”, bom B52,… đã tàn phá miền Bắc – tàn phá quê hương bình yên của ta. Tất cả đều bị tàn phá nặng nề. Từ những công trình lớn, nhà cửa, đường xá cho đến những gì nhỏ nhất, cành cây ngon cỏ, những trái nhót, quả cà chua đều bị phá hủy. Cả thành phố chìm trong biển lửa. Nhưng với một lòng yêu nước nồng nàn, quân dân ta vẫn:

“Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta”.

Bằng một lòng nồng nàn yêu nước, cả dân tộc vùng lên đấu tranh chống lại ách nô lệ, đánh đuổi bọn xâm lược, hết lòng vì độc lập, tự do, hạnh phúc. Chúng phá hủy, muốn biến ta trở về thời kì đồ đá, làm nô lệ của chúng. Không, dân ta không chịu khuất phục dưới đêm trường nô lệ, ta phải vùng lên đấu tranh bảo vệ non sông Tổ quốc. Những ngọn đèn đêm đêm vẫn rực cháy – ngọn đèn của tinh thần bất khuất, của ý chí sắt son, của truyền thống chống lại ách xâm lược. Ánh lửa ấy đã soi sáng cho dáng đứng của những con người Việt, soi sáng cho toàn dân tộc:

“Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy”

Hình ảnh ẩn dụ – hoán dụ “lửa tim” – ngọn lửa biểu tượng cho quân dân Việt Nam vẫn tiếp nối truyền thống nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngọn lửa ấy vẫn sẵn sàng chung sức đánh giặc:

“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi”

Tiếp nối là phần hai, “ Tắt đèn”- đó là sự chuyển đổi lấy đêm làm ngày, tắt đèn là lấy bóng tối là chủ đạo, đánh giặc trong âm thầm nhưng bền bỉ. Bóng tối che mờ mắt địch, ta chủ động tắt đèn để chiến đấu. Người lính trẻ hào hùng nhưng không thiếu phần hào hoa lãng mạn, lấy cái duyên, cái dáng của trúc, của bông hoa, của cô gái để nói lên màn đêm đã tĩnh mịch, đã trải dài.

“Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay…
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch”

Phạm Tiến Duật thật tài tình khi kết hợp biện pháp nhân hóa và điệp ngữ “làm duyên” để khẳng định bóng tối đã bao trùm tất cả, ta chủ động tắt đèn để che mắt địch. Muốn biết cây trúc làm duyên thì cần có gió, muốn biết cô gái duyên chỉ có thể dùng giọng nói, muốn biết bông hoa đẹp cần phải ngửi hương… Bóng tối phủ lên tất cả, che mắt địch để ta:

“Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.

Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao”

Những thanh niên xung phong không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đổ máu xuống vì đất mẹ, vì sự bình yên của “ nơi bên kia cầu”. Khó khăn gian khổ là thế, là những hố bom kề bên, cái chết luôn rình rập trên vai người chiến sĩ xung phong thế nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu Tổ quốc vẫn luôn ở nơi lồng ngực trái. Ta tắt đèn để đánh giặc, để thay đổi, để tìm phương án đánh giặc. Đó không phải “tắt đèn” vì sợ hãi, vì trốn chạy mà đó chính là để đòi lại bình yên, đòi lại quê hương thân yêu của ta.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ ấy, có “tắt đèn” thì ắt phải có “ thắp đèn”. Đó là lí do Phạm Tiến Duật kết thúc bài thơ của mình bằng đoạn ba – Thắp đèn.

“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm”

Mặc cho chúng “ điên cuồng bắn phá” những đứa trẻ vẫn thắp lên những ngọn đèn cắp sách đến trường học lấy con chữ. Thắp đèn như thắp lên cả nguồn hi vọng, để trẻ con đi học, để nhà máy tăng ca, để người lính trẻ đọc lá thư thầm. Bằng biện pháp nhân hóa và điệp ngữ “ chui vào”, “cho” chiếc đèn như sống động hơn, biến hóa khôn lường nhằm đánh lừa địch và thắp lên niềm tin cho nhân dân về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.

“Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…”

Người lính trong chiến đấu còn là những con người vô cùng mưu trí, lúc “ bật đèn”, rồi lại “ tắt đèn”, dùng đèn pha ô tô rồi “ quay xe” đánh lạc hướng quân thù. Người lính như thiên biến vạn hóa, cống hiến hết mình trên dọc Trường Sơn thời chống đế quốc Mỹ. Phải là người lính chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì nước quên mình nên Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ chính xác, tuyệt đẹp như vậy.

“Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình”

Những câu thơ cuối bài là một “ ngày mai tươi sáng”, là đất nước chúng ta không còn bom đạn, chết chóc. Cả đất nước, dân tộc ta sẽ được sống những ngày tháng bình yên, hạnh phúc, không còn khổ đau vì chiến tranh. Chúng ta sẽ lại thắp lên những “ ngọn đèn” , cùng nhau đến những ngôi nhà hạnh phúc, nơi ấy sẽ là ngày chung đôi. Đó là niềm tin vào tinh thần yêu nước, là sức mạnh để mỗi con người chúng ta tiếp tục cố gắng bảo vệ non sông.

Phạm Tiến Duật đã khéo léo sử dụng biện pháp điệp từ “ngày mai”, “ thắp đèn” như một lời khẳng định, một niềm tin mãnh liệt vào dân tộc ta. Ngày mai thôi, quê hương xinh đẹp của ta sẽ bừng sáng. Trên mảnh đất của ta sẽ không còn những bom đạn mà thay vào đó là những chiếc đèn lồng, đèn ông sao năm cánh, đèn hoa lấp lánh tô điểm cho quê hương.

Nói tóm lại, bằng giọng thơ hóm hỉnh, lối hát giao duyên, các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… kết hợp giữa cảm hứng hào hùng và cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Lửa đèn”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tạo nên một bức tượng đài vững chãi, chính là dấu ấn lịch sử của một thời các chiến sĩ quên mình vì nghiệp lớn, là nơi bùng lên khơi nguồn cho tinh thần yêu nước.

Bên cạnh Phân tích bài thơ Lửa đèn các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Nghị luận xã hội về lòng trung thực hay phần Phân tích nỗi nhớ của người cán bộ Cách mạng về xuôi đối với Việt Bắc trong bài Việt Bắc nhằm củng cố kiến thức văn học của mình.

Tặng Thêm ❤️️ Nước Non Ngàn Dặm [Tố Hữu] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lửa Đèn Đặc Sắc

Phạm Tiến Duật xuất hiện trên thi đàn Việt Nam thời chống Mỹ, được bạn đọc đón chào hết sức nồng nhiệt. Những bài thơ của anh như: Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Gửi em cô thanh niên xung phong… in đậm chất văn xuôi, rất hào hùng, trẻ trung, đáng yêu và đáng nhớ.

“Lửa đèn” được anh viết vào năm 1967, in trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” (1970). “Lửa đèn” là ẩn dụ, biểu tượng nói lên sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta trong bom đạn dữ dội, ác liêt của giặc Mỹ xâm lược.

Bài thơ có ba phần, mỗi phần là một ẩn dụ, mang nhiều ý nghĩa của bài ca sự sống, bài ca chiến đấu và bài ca hi vọng: Đèn – Tắt lửa – Thắp lên.

1. Đèn

Mở đầu mỗi bài ca là điệp khúc cất lên ngọt ngào như tiếng hát giao duyên của lứa đôi trong mùa lễ hội:

“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả”.

“Những miền quê yên ả” ấy là quê hương đất nước ta, nơi có những vườn cây sum sê hoa trái. Nơi có nhiều quả chín “đỏ hoe” như “những ngọn đèn thắp trong kẽ lá”. Là trái nhót, là quả cà chua, là quả ớt… Nhà thơ đã vận dụng lối ví von so sánh dân gian để viết nên những vần thơ “ngon lành” về hoa trái trong vườn quê:

“Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…”

Chỉ có bờ xôi ruộng mật mới cho ta những hoa trái – ngọn đèn, ngọn lửa – ấy. Những “ngọn đèn, ngọn lửa” hoa trái ấy cho thấy sức sống dồi dào, mãnh liệt của quê hương đất nước ta:

“Mảnh đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương

Một ý tưởng rất đẹp được biểu hiện bằng một hình ảnh rất đẹp. Chữ “thắp sáng” dùng rất sáng tạo thể hiện sâu sắc lòng yêu nước tự hào.

Lũ xâm lược đã tràn tới đất nước ta. Chúng như “lũ ma trơi” bay trên trời cao, gieo chết chóc: “Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa”. Phạm Tiến Duật đã gợi lại những tháng ngày dữ dội và khốc liệt khi giặc Mỹ đưa hàng trăm hàng ngàn Thần Sấm, B.52, Con Ma… đánh phá điên cuồng, dội hàng vạn tấn bom lên miền Bắc nước ta. Cầu cống, đường sá bị tàn phá nặng nề. Nhiều nhà máy, xóm làng, thành phố ngập trong máu lửa. Nhưng“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy. Hàng triệu trai tráng đã lên đường ra trận. Hậu phương lớn ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với sức mạnh truyền thống yêu nước bốn nghìn năm:

“Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa tự nghìn năm về trước”.

Giặc ác độc và tham tàn, muốn đưa đất nước ta, dân tộc ta trở lại thời kì đồ đá, phải quỵ gối sống nhục nhã trong đêm trường nô lệ. Nhưng trên nước ta đêm đêm vẫn “sáng những ngọn đèn” – ngọn đèn với ánh lửa bất diệt của tinh thần bất khuất, của truyền thống yêu nước chống xâm lăng. Ánh lửa của những ngọn đèn đó đã soi sáng dáng đứng Việt Nam:

“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”.

“Việt Nam máu và hoa”- Tố Hữu

Phạm Tiến Duật đã xúc động nói về những “ngọn lửa ” của quê hương đất nước ta. Hình ảnh ẩn dụ – hoán dụ “lửa tim” đã the hiện thật sâu sắc sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam, được hun đúc bằng lửa và máu của bốn nghìn lớp người:

“Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy“.

Có thể nói, hình tượng “những ngọn đèn trong thắp trong kẽ lá “, những ngọn đèn “mang lửa tự nghìn năm về trước “, và “lửa tim” là những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà thơ – chiến sĩ Phạm Tiến Duật.

  1. Tắt lửa

“Anh cùng em sang bên kia cầu – Nơi có những miền quê yên ả” để đến những “nơi tắt lửa…”. Không phải “lũ ma trơi” và bom từ trường, bom tọa độ của giặc Mỹ đã gây ra cảnh tắt lửa, tối đèn. Ta phải lấy đêm làm ngày, ta chủ động tắt lửa để đánh địch, để “Bóng tối phủ dày – Che mắt địch”.

Chàng lính trẻ hào hoa phong tình nói về chuyện “làm duyên ” của trúc, của cô gái, của bông hoa trong bóng tối màn đêm. Tác giả đã vận dụng nghê thuật dân gian trong biện pháp nhân hóa và điệp ngữ khá hay và hóm hỉnh:

“Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa duyên phải lụy hương bay…”

Thời chống Mỹ, quân và dân ta chủ động “tắt lửa” để đánh giặc, để “che mắt địch”, để kéo pháo lên trận địa dội bão lửa xuống đầu quân xâm lược:

“Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao ”.

“Tắt lửa” để hành quân ra tiền tuyến:
“Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô tô

Những đoàn xe xích đi như không bao giờ hết

Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm”

“Tắt lửa” để đoàn thanh niên xung phong ngân dài “tiếng hát” để “phá đá sửa đường”, để “những đoàn quân xung kích đi qua”, ào ào ra trận.

Theo ý chúng tôi, hình ảnh hoán dụ “bào thai” trong câu thơ “Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la – Thành những màn đen che bào thai chiến dịch” chưa hợp lí. Những so sánh: “Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm – Như đàn con trẻ chơi u chơi âm”, “Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát ”, đặc biệt hoán dụ “Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương” bên những hố bom đầy mùi khét là những hình ảnh, những câu thơ tuyệt đẹp thể hiện tâm hồn và cốt cách Việt Nam: lạc quan và yêu đời.

  1. Thắp đèn

Trong chiến đấu, có lúc có nơi, ta “tắt lửa” nhưng cũng có khi ta “thắp đèn”. Dù “giặc điên cuồng bắn phá” suốt đêm ngày, trẻ em vẫn thắp đèn đi học, để “xưởng máy thay cavời vợi”, để các trai làng “đọc những lá thư thăm”. Điệp ngữ “chui vào” thật hóm hỉnh khi nhân hóa chiếc đèn:

-Chiếc đèn chui vào ống nước

  • Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
  • Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn

Có lúc, ta mưu trí “thắp đèn” để đánh lừa giặc:

“Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá kê cầu, lấy đá sửa đường tàu”

Có lúc, ta mưu trí “bật đèn”rồi “tắt đèn” quay xe để “đánh lạc hướng giặc!”. Đúng là kì mưu, là thiên biến vạn hóa. Là người lính đã chiến đấu trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ, nên Phạm Tiến Duật mới có thể nói thật hay, thật sâu sắc mọi chuyện “tắt đèn ”và “thắp đèn” giữa thời máu lửa của quân và dân ta như thế.

Mười câu trong đoạn cuối bài thơ, tác giả nói về “ngày mai”, một tương lai “hoàn toàn chiến thắng”. Cả đất nước và dân tộc sẽ được sống yên vui trong hòa bình, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ta sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc:

“Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp”…

Các điệp ngữ: “ngày mai ”, “ta thắp đèn lồng”, “ta dẫn nhau… ” rộn ràng vang lên, nhịp thơ, giọng thơ trở nên ấm áp, vui tươi, ngọt ngào. “Thắp đèn”là khúc tráng ca rất lạc quan, yêu đời.

“Lửa đèn” là một bài thơ hay. Cảm hứng anh hùng và cảm hứng trữ tình lãng mạn được kết hợp một cách hài hòa, đầy chất thơ. Tác giả đã vận dụng nghệ thuật dân gian rất sáng tạo thể hiện một bút pháp tài hoa.

“Lửa đèn ” bài thơ sáng ngời trí tuệ, nhân nghĩa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Thơ Tố Hữu Về Người Lính ❤️️ Những Bài Thơ Hay Nhất

☛ Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Lửa Đèn Ngắn Hay

Bài thơ Lửa đèn được in trong tập “Vầng trăng quầng lửa” là một sáng tác của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thời điểm sáng tác bài thơ là những năm 1960, thời điểm Mỹ bắn phá dữ dội hai miền Nam Bắc, chiến tranh bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, khốc liệt. Lấy cảm hứng từ những ngọn lửa đèn bài thơ đã khơi gợi lại không khí đấu tranh đầy hào hùng của quân dân ta, qua đó giúp người đọc cảm nhận được những phẩm chất đẹp đẽ, kiên cường của quân dân ta trong thời kỳ lịch sử gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.

Bài thơ khá dài và được chia làm ba phần Đèn, Tắt lửa và Thắp đèn. Thông qua hình ảnh tả thực và cũng là hình ảnh ẩn dụ, lửa đèn đã thể hiện được rất nhiều thông điệp ý nghĩa được tác giả gửi gắm. Phần đầu tiên thuộc chủ đề “Đèn”

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả

Bên kia cầu ấy chính là quê hương yêu dấu của anh và em, nơi có những miền quê yên ả, nơi cuộc sống bình thường, giản dị, nơi có những trái chín dân dã của cuộc sống, gắn liền với đời sống lao động của anh và em.

Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
………………………………….
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…

Thì ra đèn ở đây không phải là ngọn đèn dầu sáng mà chúng ta tưởng tượng, đèn ở đây là những trái chín đỏ hoe, là quả nhót, quả cà chua, quả ớt… những cây trái quê hương bình dị, thân thuộc tô đẹp cho cuộc sống nhiều màu sắc của anh và em. Những hình ảnh so sánh thật ngộ nghĩnh như “quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu”, “quả ớt như ngọn lửa đèn dầu” gợi lên những hình ảnh thật dung dị, đẹp đẽ, ngộ nghĩnh dưới con mắt tài hoa của nhà thơ. Cây trái quê hương không chỉ nuôi sống con người mà còn rất giàu sức sống, làm nên sự màu mỡ của mảnh đất nơi đây, vì thế nhà thơ mới đúc kết thành hai câu thơ:

Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương

Quê hương yên bình và tươi đẹp là thế nhưng từ khi có bóng giặc xâm lược, những ngọn đèn nhỏ xinh ấy bị tàn phá, lụi tắt, cả đất trời rung chuyển trong bầu không khí đáng sợ

Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời

Nhà thơ cảm nhận quân giặc Mỹ giống như lũ ma trơi trên bầu trời, chúng ném bom B52 trút xuống đất nước ta, phá hoại nhà cửa, làng mạc, gieo rắc bao nỗi đau thương, mất mát

Loè ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm.

Chỉ bằng một vài hình ảnh chấm phá bom rơi, máu ứa, gió thổi, tắt đèn nhà thơ Phạm Tiến Duật đã diễn tả trọn vẹn cái không khí đau đớn, tang thương của biết bao làng mạc quê hương ta dưới gót giày xâm lược. Giặc Mỹ trút bom xuống thổi tắt những ngọn đèn, vùi dập ngọn lửa đấu tranh của quân dân ta:

Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy

Mặc giặc Mỹ có giày xéo, tàn phá, giết, gây ra bao tội ác kinh hoàng quân dân ta vẫn kiên cường và bền bỉ chiến đấu, tắt đèn thì chúng ta chiến đấu trong bóng tối, dùng ngọn đèn trong tim để thắp sáng ngọn lửa đấu tranh. Dưới bóng tối quân dân ta đã làm nên những điều hào hùng

Bóng tối che rồi
………………….
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch

Giặc Mỹ có tàn bạo cỡ nào thì quân dân ta vẫn kiên cường và bền bỉ chiến đấu, bóng tối che tất cả, thế nhưng trong bóng tối ấy cả cây cối và cả con người đều đang chiến đấu bằng nhiệt huyết cách mạng. Nhà thơ đã thật tinh tế khi sử dụng những câu thơ duyên dáng như “cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi”, “cô gái làm duyên phải dùng giọng nói” mọi khó khăn được khắc phục bằng những thứ thật tự nhiên và dịu dàng. Điệp ngữ nơi tắt lửa vang lên dõng dạc đầy tự hào, nhắc nhở về những ngày tháng chiến đấu đầy hào hùng trong bóng tối

Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát

Chính từ trong những nơi tắt lửa ấy quân dân ta đã chiến đấu đầy anh dũng, tự tin, tiếng hát vẫn cất lên, say sưa, đó là tinh thần lạc quan và niềm vui chiến thắng vào một ngày không xa. Lấy bóng tối để đấu tranh, biến bóng tối thành hoàn cảnh thuận lợi để chống lại kẻ thù, chỉ có quân dân ta mới có thể làm được. Những câu thơ vang lên là niềm tự hào sâu sắc của tác giả với những năm tháng gian khổ và hào hùng ấy.

Trước mỗi phần của bài thơ đều được bắt đầu bằng hai câu thơ: Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả, cách lặp lại này tạo cho bài thơ kết cấu trùng điệp, giống như tiếng hát của người lính được cất lên trong hoàn cảnh chiến tranh, giống như sự vỗ về của anh với em, cùng động viên nhau vượt qua những năm tháng chiến đấu gian khổ. Anh với em đều tự hào khẳng định dù giặc có tàn phá, dù giặc có tìm mọi cách dập tắt ngọn lửa cách mạng trong quân dân ta thì chúng mãi mãi không bao giờ thực hiện được bởi:

Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
……………………………………
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm

Ngọn đèn ấy vẫn được thắp lên để chiếu sáng trong mọi hoàn cảnh, cho em thơ học chữ, cho xưởng máy sản xuất thay ca, cho tốp trai làng đọc lá thư thăm của quê nhà gửi ra chiến trường. Kì diệu hơn ta còn dõng dạc, tự tin thắp đèn để dụ quân địch đến để lấy đá xây cầu, để đánh lừa địch, để hướng đến ngày mai chiến thắng

Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng

Có thể thấy hình ảnh lửa đèn trở đi trở lại trong bài thơ khi thì đèn sáng, khi thì tắt đèn khi lại thắp đèn. Ngọn đèn ấy không chỉ có ý nghĩa tả thực, là ngọn đèn chiến đấu mà còn là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng của quân dân ta, là ngọn lửa cách mạng rực cháy không bao giờ tắt dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Bằng những hình ảnh bình dị nhưng nhờ cách sáng tạo độc đáo, cách truyền tải câu chuyện bằng lời thơ, tác phẩm Lửa đèn thực sự đã chạm đến trái tim của người đọc. Có thể nói với thi phẩm này chúng ta đều phải khẳng định Phạm Tiến Duật là một ngòi bút xuất sắc bậc nhất trong văn học cách mạng Việt Nam.

Viết một bình luận