Đất Nước Lớp 5 ❤️️ Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ Bài Thơ ✅ Mời Bạn Đọc Xem Thêm Về Bố Cục, Giáo Án, Hướng Dẫn Tập Đọc.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Đất Nước Lớp 5
Bài thơ Đất nước lớp 5 giúp học sinh hiểu về các địa danh trong bài. Hiểu được nội dung bài thơ là thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc. Thohay.vn xin chia sẻ nội dung bài thơ Đất nước lớp 5 bên dưới.
ĐẤT NƯỚC
(Trích)
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
NGUYỄN ĐÌNH THI
Chú thích:
- Đất nước là bài thơ được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện cảm xúc của tác giả giữa mùa thu thắng lợi trên chiến khu Việt Bắc
- Hơi may: gió heo may
- Chưa bao giờ khuất: chưa bao giờ chịu khuất phục; cũng có thể hiểu là bất tử
Có thể bạn sẽ quan tâm bài 🌼 Tranh Làng Hồ 🌼 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Giới Thiệu Bài Thơ Đất Nước
Đừng bỏ qua thông tin giới thiệu bài thơ Đất nước lớp 5 sau đây.
- Bài thơ Đất nước được sáng tác bởi tác giả Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại. Thơ của Nguyễn Đình Thi giản dị, giàu tính triết lý nhưng cũng không kém phần lắng đọng: đó là tình yêu quê hương đất nước, sự tự hào về dân tộc.
- Bài thơ nói về niềm vui sướng, tự hào của tác giả khi đất nước giành được hòa bình sau nhiều năm chiến tranh. Khi xưa, trời thu buồn man mạc. Nay sạch bóng quân thù, trời mùa thu cũng như trong xanh hơn.
Bố Cục Bài Đất Nước
Bố cục bài Đất nước lớp 5 được chia làm 3 phần chính:
- Phần 1: Khổ thơ 1
- Phần 2: Khổ thơ thứ 2
- Phần 3: Khổ thơ cuối
Xem bài viết đầy đủ 🌱 Hội Thổi Cơm Thi Ở Đồng Vân 🌱 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Hướng Dẫn Tập Đọc Đất Nước
Sau đây là hướng dẫn tập đọc Đất nước lớp 5.
- Đọc trôi chảy, lưu loát bài thơ.
- Diễn cảm bài thơ, giọng trầm lắng, ca ngợi, tự hào, phù hợp với cảm xúc ở từng khổ thơ.
- Khổ 1, 2: tha thiết, bâng khuâng.
- Khổ 3, 4: nhanh hơn, giọng vui khoẻ khoắn.
- Khổ 5: chậm rãi, trầm lắng, trang trọng, thành kính.
Ý Nghĩa Bài Thơ Đất Nước
Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc.
Có thể bạn sẽ cần đến bài 💚 Nghĩa Thầy Trò 💚 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Đọc Hiểu Tác Phẩm Đất Nước
Cùng xem thêm phần đọc hiểu tác phẩm Đất nước lớp 5 nhé.
👉Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ trên?
a. Nguyễn Đình Thi.
b. Nguyễn Thi.
c. Nguyễn Khoa Điềm.
👉Câu 2. Những chi tiết nào miêu tả cảnh đẹp đất nước trong mùa thu mới?
a. Rừng tre phất phới, những cánh đồng thơm mát.
b. Những ngã đường bát ngát, dòng sông đỏ nặng phù sa.
c. Cả hai ý trên đều đúng.
👉Câu 3. Tác giả cảm nhận mùa thu bằng những giác quan nào?
a. Bằng thị giác và thính giác. ( nhìn và nghe)
b. Bằng cả thị giác, thính giác và khứu giác. ( ngửi)
c. Bằng thị giác. ( nhìn)
👉Câu 4. Câu thơ nào nói lên lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc?
a. Trời xanh đây là của chúng ta.
b. Người ra đi đầu không ngoảnh lại.
c. Nước những người chưa bao giờ khuất.
👉Câu 5. Trong câu “Trời thu thay áo mới” tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì?
a. Nhân hoá.
b. So sánh.
c. Ẩn dụ.
👉Câu 6. Hai câu “Cả bọn Bọ Mõm lốc nhốc chạy ra.Thế là Dế Trũi lủi khỏi vòng chiến nhảy bõm xuống nước, bơi sang bên này”được liên kết với nhau bằng cách nào?
a. Dùng từ ngữ thay thế.
b. Dùng từ ngữ nối.
c. Lặp lại từ ngữ.
👉Câu 7. Em hiểu câu thơ “Nước những người chưa bao giờ khuất” như thế nào?
a. Nước của những người dân biết yêu thương, đoàn kết
b. Nước của những người chưa bao giờ mất, sống mãi với thời gian
c. Nước của những người dân cần cù, chăm chỉ lao động
d. Tất cả các ý trên
👉Câu 8. Đâu là cảnh đất nước trong mùa thu mới được tác giả nhắc đến trong bài thơ?
a. Gió thổi rừng tre phấp phới / Trời thu thay áo mới / Trong biếc nói cười thiết tha!
b. Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / Những phố dài xao xác hơi may / Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
c. Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới /Tôi nhớ những ngày thu đã xa
d. Nước những người chưa bao giờ khuất/ Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về!
👉👉Đáp án:
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Ý đúng | a | c | b | c | a | b | d | a |
Khám phá thêm bài 💌 Cửa Sông 💌 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ Bài Thơ
Soạn Bài Đất Nước Lớp 5
Chia sẻ bạn đọc gợi ý soạn bài Đất nước lớp 5.
👉Câu 1 (trang 95 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
“Những ngày đã xa” được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn. Em hãy tìm những từ ngữ nói lên điều đó?
Trả lời:
- “Những ngày thu đã xa” đẹp: Sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới
- “Những ngày thu đã xa” buồn: Sớm chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm nắng, lá rơi đầy, người ra đi đầu không ngoảnh lại
👉Câu 2 (trang 95 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Cảnh đẹp đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba đẹp như thế nào?
Trả lời:
Cảnh đất nước trong mùa thu mới được miêu tả vừa đẹp, vừa vui. Niềm vui từ trong mỗi con người trong mùa thu thắng lợi đã lan tỏa và bao trùm lên cả cảnh vật xung quanh:
- Gió thổi rừng tre phấp phới
- Trời thu thay áo mới
- Trong biếc nói cười thiết tha
👉Câu 3 (trang 95 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào trong hai khổ thơ cuối?
Trả lời:
– Lòng tự hào về đất nước tự do:
- Thể hiện qua những từ ngữ được lặp đi lặp lại với nhau: Trời xanh đây, núi rừng đây, của chúng ta. Các từ ngữ đây, của chúng ta được lặp đi lặp lại có tác dụng nhấn mạnh niềm tự hào, niềm hạnh phúc về đất nước giờ đây đã được hưởng niềm tự do, hạnh phúc trọn vẹn
- Những hình ảnh được liệt kê những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa như một cách thêm phần khẳng định chúng ta đã hoàn toàn được hưởng tự do và độc lập, mỗi một tấc đất, mỗi một cảnh vật đều là của chúng ta, những gì tươi đẹp nhất trên đất nước này đều là của dân tộc ta, đất nước ta
– Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc:
- Nước những người chưa bao giờ khuất: Nước của những người chưa bao giờ chịu khuất phục hoặc cũng có thể hiểu là những con người bất tử. hình ảnh này là để nhắc đến những con người dũng cảm, dám đứng lên kiên cường đấu tranh để đem lại cho chúng ta tự do, bình yên như ngày hôm nay. Những người ấy dù còn sống hay là đã hi sinh thì hình ảnh của họ mãi là bất tử, họ còn sống mãi cùng với non sông đất nước, sống trong lòng mỗi con người Việt Nam
- Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về: Là lời của ông cha dường như vẫn còn luôn vang vọng vào trong đất trời sông núi ngày hôm nay. Nhắc nhở chúng ta hưởng cuộc sống tươi đẹp này thì phải luôn nhớ ơn, biết ơn những người đi trước, những người đã ngã xuống, những người đã hi sinh, những người đã vất vả khó nhọc để cho chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay.
👉Câu 4 (trang 95 SGK Tiếng Việt 5 tập 2)
Học thuộc lòng bài thơ.
Chia sẻ cho bạn đọc tác phẩm 🔻 Kể Chuyện Vì Muôn Dân 🔻 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Giáo Án Đất Nước Lớp 5
Đừng bỏ lỡ nội dung giáo án Đất nước lớp 5.
I/ Mục tiêu:
1. Kiến thức:
– Đọc lưu loát, diễn cảm bài thơ.
– Giọng đọc trầm lắng, cảm hứng ca ngợi, tự hào về đất nước.
2. Kĩ năng:
– Hiểu ý nghĩa của bài thơ: “Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc”.
– Học thuộc lòng bài thơ.
3. Thái độ:
– Có ý thức yêu quê hương, đất nước, …
II/ Đồ dùng dạy – học:
1. Giáo viên:
– Tranh ảnh bài Tập đọc.
– Bảng phụ ghi đoạn luyện đọc, …
2. Học sinh:
– Đồ dùng học tập, …
III. Phương pháp:
– Vấn đáp, giảng giải, luyện đọc, thực hành, …
IV/ Các hoạt động dạy – học
Hoạt động của giáo viên. | Hoạt động của học sinh. |
1. Ổn định tổ chức: (1’). – Cho học sinh hát đầu giờ. – Kiểm tra sĩ số. 2. Kiểm tra bài cũ: (4’). – Gọi học sinh đọc bài: “Tranh làng Hồ”. – Trả lời các câu hỏi về nội dung bài. – Nhận xét, ghi điểm. 3. Dạy bài mới: (28’). 3.1. Giới thiệu bài: – Nêu mục đích yêu cầu của tiết học. – Ghi đầu bài lên bảng. – Gọi học sinh nhắc lại đầu bài. 3.2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài: a) Luyện đọc: – Giáo viên đọc mẫu. – Gọi học sinh khá đọc bài. ? Bài thơ chia làm mấy đoạn ? – Cho học sinh đọc nối tiếp đoạn. – Kết hợp sửa lỗi phát âm và giải nghĩa từ khó. – Cho học sinh đọc đoạn trong nhóm. – Gọi 1-2 học sinh đọc toàn bài. – Đọc diễn cảm toàn bài. b) Tìm hiểu bài: Tìm hiểu khổ thơ 1+2. – Cho học sinh đọc khổ thơ 1, 2: (?) “Những ngày thu đã xa” được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn. Em hãy tìm những từ ngữ nói lên điều đó ? – Nhận xét, bổ sung. Tìm hiểu khổ thơ 3. – Gọi học sinh đọc khổ thơ 3. (?) Cảnh đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba đẹp như thế nào ? (?) Tác giả đã sử dụng biện pháp gì để tả thiên nhiên, đất trời trong mùa thu thắng lợi của cuộc kháng chiến ? – Nhận xét, bổ sung. Tìm hiểu 2 khổ thơ cuối. – Gọi học sinh đọc 2 khổ thơ cuối. (?) Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống của bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào ở hai khổ thơ cuối ? – Nhận xét, bổ sung. => Tóm tắt dẫn dắt vào phần luyện đọc diễn cảm. c) Hướng dẫn đọc diễn cảm: – Gọi học sinh nối tiếp toàn bài. – Treo bảng phụ đoạn luyện đọc. – Cho cả lớp tìm giọng đọc cho mỗi khổ thơ. – Cho học sinh luyện đọc diễm cảm khổ thơ trong nhóm. – Thi đọc diễn cảm. – Cho học sinh luyện đọc thuộc lòng. – Tổ chức cho học sinh thi đọc thuộc lòng. – Nhận xét, tuyên dương. (?) Bài thơ Đất nước nói lên điều gì? – Rút ý ghi bảng, gọi học sinh nhắc lại. 3. Củng cố, dặn dò: (2’). – Nhận xét giờ học. – Nhắc học sinh về đọc bài và chuẩn bị bài sau. | – Hát đầu giờ. – Báo cáo sĩ số. – Đọc lại bài: “Tranh làng Hồ”. – Trả lời các câu hỏi. – Nhận xét, bổ sung. – Lắng nghe, theo dõi. – Ghi đầu bài vào vở. – Nhắc lại đầu bài. a) Luyện đọc: – Lắng nghe, theo dõi. – Đọc bài. => Nêu: Mỗi khổ thơ là một đoạn. – Đọc nối tiếp đoạn. – Sửa lỗi phát âm. – Đọc đoạn trong nhóm. – Đọc lại bài. – Lắng nghe, theo dõi. b) Tìm hiểu bài: Tìm hiểu khổ thơ 1+2. – Đọc khổ thơ 1+2.=> Đẹp: sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới. => Buồn: sáng chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm, …- Nhận xét, bổ sung. Tìm hiểu khổ thơ 3. – Đọc khổ thơ 3.=> Đất nước trong mùa thu mới rất đẹp: rừng tre phấp phới ; trời thu thay áo, …=> Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hoá: làm cho trời cũng thay áo cũng nói cười như, … – Nhận xét, bổ sung.Tìm hiểu 2 khổ thơ cuối. – Đọc 2 khổ thơ cuối.=> Lòng tự hào về đất nước tự do được thể hiện qua các từ ngữ được lặp lại: đây, của chúng ta, … – Nhận xét, bổ sung. c) Đọc diễn cảm: – Đọc nối tiếp toàn bài. – Tìm giọng đọc diễm cảm cho mỗi đoạn. – Luyện đọc diễn cảm trong nhóm. – Thi đọc diễn cảm. – Học thuộc lòng bài thơ. – Thi đọc thuộc bài thơ. – Nhận xét, đánh giá. *Ý nghĩa:Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc. – Nhắc lại nội dung 3, 4 lần. – Về học thuộc bài và chuẩn bị bài cho tiết sau. |
Xem thêm về bài đọc 🌻 Ai Là Thủy Tổ Loài Người 🌻 Nội Dung Bài, Soạn Bài, Cảm Thụ
5 Mẫu Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Hay Nhất
Ngay sau đây là 5 mẫu cảm thụ bài thơ Đất nước hay nhất.
Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Lớp 5 Nổi Bật – Mẫu 1
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Thơ Nguyễn Đình Thi thể hiện sự tìm tòi về hình ảnh. Bài thơ “Đất nước” chính là những tìm tòi độc đáo nhất. Bài thơ lấy hình tượng đất nước làm trung tâm với hai màu sắc vừa tươi đẹp vừa bất khuất.
Trước hết, Nguyễn Đình Thi cảm nhận đất nước trong mùa thu hoài niệm và mùa thu hiện tại. Mùa thu trở thể hiện nối tiếp từ hiện tại về quá khứ rồi trở lại hiện tại. Thi sĩ mở đầu “Đất nước” bằng một vài chiêm nghiệm:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới”
Không gian vô cùng tươi sáng của một buổi sớm thu đặc trưng quê hương Việt Nam. Một chút mùi vị “hương cốm” gợi lòng người bao điều. “Cốm làng vòng thơm mát những vòng tay”. Người ta bỗng nhớ những câu văn đầy đặc sắc Hà Nội trong thơ Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Người ta nhớ về người mẹ, người bà, người em thảo thơm. Thật bình dị và thân thương! Từ hương cốm, mùa thu năm xưa hiện về:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Hai câu đầu là cảnh, hai câu sau là người. Cảnh và người hợp hảo trong cuộc chia ly năm ấy. Mỗi câu từ chứa một nét chạm khắc thú vị như cái buồn vắng lặng của “những phố dài”, chút “chớm lạnh” cô đơn, đẹp nhưng buồn của cái “xao xác” và chút “hơi may”. Thiên nhiên đẹp nhưng buồn còn lòng người cũng không nguôi cảm giác đơn côi. Người ra đi tựa thế Kinh Kha đầy quyết tâm. Người ở lại chùn chân dưới lá thu bay. Hình ảnh thơ vừa giàu chất cổ điển vừa đầy tinh thần hiện đại.
Cuối cùng, thi sĩ về với mùa thu hiện đại. “Mùa thu nay khác rồi”. Thi sĩ reo vang về thu nay với tâm trạng phơi phới. Từ trong tư thế “đứng vui”, “phấp phới” mà tác giả cảm nhận được thiên nhiên như “thay áo mới”, “Trong biếc”, “nói cười”… Mùa thu ngày nay đầy hứng khởi và niềm vui sống. Từ đó, tâm trạng đơn côi xưa cũ đã thay thế cho tâm trạng hào phóng, tấm lòng rộng mở.
Nó được chứng minh từ những hình ảnh trải rộng về địa lí “trời xanh”, “núi rừng”, “cánh đồng”, “ngả đường”, “dòng sông”… Phụ từ “đây” như khoe như mời mọc tận hưởng. Hẳn thi sĩ đang tự hào về quê hương lắm!
Cùng với việc thể hiện đất nước tươi đẹp trong mùa thu, Nguyễn Đình Thi còn khắc họa hình ảnh đất nước trong chiến tranh. Đó là một đất nước kiên cường và bất khuất:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!”
Đất nước như có một sức sống bền bỉ. Đất nước anh dũng, kiên cường đã thành truyền thống, điều ấy khẳng định qua cụm từ “chưa bao giờ khuất”. Mặt khác, những từ láy “đêm đêm”, “rì rầm” thể hiện sức sống tiềm ẩn, sự tự cường trong lớp trầm tích ngàn năm.
Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi rất đặc sắc trong cách sáng tạo ngôn từ, diễn đạt liền mạch đầy cảm xúc, giọng thơ phong phú và nhiều hình ảnh thú vị giàu sức gợi. Nguyễn Đình Thi đã mang tới một bài ca về đất nước đậm nét đặc trưng và tinh thần chung của người Việt.
Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Lớp 5 Chọn Lọc – Mẫu 2
Bài thơ là sự tập hợp, ghép nối từ nhiều bài thơ nhưng không hề mất đi tính thống nhất chỉnh thể, trái lại đã phát triển theo một mạch cảm xúc tinh tế và khá nhất quán về tư tưởng. Bài thơ mở đầu với dòng cảm xúc về mùa thu đất nước, nhưng là trong những thời điểm và không gian khác nhau:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương, cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Trong một sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc, nhà thơ bỗng có cảm giác cái mát mẻ, trong sáng của sớm mùa thu ấy giống như “sáng năm xưa” khi nhà thơ ra đi, hơn nữa trong gió thu nhẹ thổi còn thoảng bay hương cốm mới, gợi nhớ tới một mùi hương rất đặc trưng của Hà Nội vào thu. gần với cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô. Nhịp thơ như chậm rãi, nhẹ nhàng, dòng hồi tưởng của nhà thơ trong không khí ấy dào dạt tuôn chảy:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Đó là “những ngày thu đã xa” – những ngày thu trước Cách mạng, nhà thơ phải tạm biệt Thủ đô để lên đường. Cũng là viết về cảnh thu nhưng có bao nhiêu mơ hồ, mặc cảm trong bài thơ thu của Nguyễn Khuyến; bao nhiêu lãng mạn trong thơ Xuân Diệu, bao nhiêu cái ngơ ngác của con nai vàng đạp trên lá khô trong thơ Lưu Trọng Lư.
Trong thơ Nguyễn Đình Thi, cảnh thu Hà Nội chỉ hiện ra trong hồi tưởng nhưng thật đẹp, tuy nhiên vẫn có cái tĩnh lặng và buồn man mác. Đó là cảnh thu đất nước trong những năm đau thương: Sương chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Trong thơ Nguyễn Khuyến, thời tiết thu được nói đến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” – đó là thời tiết chính thu. Thơ Nguyễn Đình Thi cũng nói về mùa thu nhưng là độ đầu thu.
Từ mùa thu năm xưa, nhà thơ dẫn vào cảm xúc về mùa thu của cách mạng, mùa thu của độc lập dân tộc trong khung cảnh hiện tại của chiến khu Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Nếu như bảy câu thơ đầu viết theo thể thơ thất ngôn, gần như trọn vẹn là một bài thơ thất ngôn bát cú, diễn tả những cảm xúc lắng đọng, trang trọng, phù hợp với cách diễn tả nỗi nhớ thì đoạn thơ tiếp theo lại viết theo thể thơ tự do, thể hiện cái náo nức, niềm vui phơi phới, tràn đầy tiếng nói cười.
Đất nước gây ấn tượng sâu sắc bởi chất chứa tình kết hợp với chất chính luận, bởi hình thức câu thơ linh hoạt, nhịp thơ phóng khoáng, hình ảnh thơ đẹp đẽ, chọn lọc, ngôn ngữ thơ cô đọng mà gợi cảm. Những ấn tượng sâu sắc, rõ nét hơn cả là bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Đất nước, Tổ quốc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ nhưng anh dũng và tất thắng.
Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Lớp 5 Ấn Tượng – Mẫu 3
Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ viết nhiều về đất nước. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, trong thơ và trong văn của ông, cảm hứng về đất nước lại nổi bật, tập trung đặc sắc như ở bài thơ Đất nước.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được sáng tác từ năm 1948 đến năm 1955 mới hoàn thành, so với Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn hơn, thế mà Hoàng cầm sáng tác chỉ trong một đêm, còn Nguyễn Đình Thi đã viết trong bảy tám năm ròng rã. So sánh như vậy để thấy cảm hứng về đất nước của hai nhà thơ ngay ở mặt này đã có cái gì rất khác nhau:
Bên kia sông Đuống là cảm hứng tuôn tràn, Đất nước là tình cảm nung nấu: Những đêm dài hành quân nung nấu. Lần giở lại “tiền sử” của bài thơ và đọc kĩ phần thứ nhất Đất nước, ta càng thấy rõ đó là một tình cẩm nang nấu, nung nấu nỗi nhớ, nung nấu niềm vui, niềm tin yêu của người làm chủ.
Là một thanh niên sống và hoạt động ở Hà Nội, Nguyễn Đình Thi viết về đất nước, trước hết là viết về Hà Nội, thủ đô của đất nước, thủ đô của trái tim ông, Hà Nội với hương sắc xao động long lanh trong nắng gió mùa thu.
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi,
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha…
Chẳng phải ngẫu nhiên chút nào khi nói đến đất nước là nói đến Hà Nội và nói đến Hà Nội lại nói đến mùa thu. Đất nước ta tươi đẹp bốn mùa nhưng đẹp nhất là vào mùa thu và có mùa thu ở đâu lại đẹp, lại “mát trong” hơn mùa thu Hà Nội? Nhất là mùa thu nơi đây lại từng điểm một cái mốc vàng son vào lịch sử – “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình” giữa “Tháng Tám mùa thu xanh thẳm” (Tố Hữu). Cho nên, chẳng phải chờ đến bốn câu tuyệt tác, ngay từ những đồng đầu đã có cái gì xôn xao, xào xạc trong hồn:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Đất nước gắn với nỗi nhớ, nỗi nhớ khởi từ mùa thu, mùa thu “đã xa” được gợi lại từ “mùa thu nay”. Rõ ràng là có hai mùa thu như đang soi chiếu vào nhau làm cho mọi phía đều long lanh lấp lánh hơn lên trong tâm hồn thi sĩ. Cái cảm giác “mát trong” là chung, là muôn thuở đối với mọi mùa thu Việt Nam, mùa thu Hà Nội.
Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ đặc sắc về đề tài này. Đặc sắc nhất là ở cảm hứng rất riêng về đất nước của ông: Một đất nước gắn liền với mùa thu, gắn liền với niềm vui nỗi nhớ của con người làm chủ, một đất nước thật đẹp ngay trong cảnh gian khổ đau thương.
Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Lớp 5 Đặc Sắc – Mẫu 4
“Đất nước” là bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ được sáng tác và hoàn thành trong thời gian khá dài (1948 – 1955) theo hành trình và phát triển đi lên của đất nước và dân tộc. “Đất nước” in trong tập thơ “Người chiến sĩ” của tác giả.
Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi thể hiện những cảm nhận về đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam hiền hòa, đẹp tươi, trong đau thương đã quật khởi đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng với sức mạnh phi thường. Hai câu thơ đầu nói về vẻ đẹp của đất nước khi mùa thu về:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Nguyễn Đình Thi chỉ gợi sắc thu, khí thu (mát trong), về gió thu về hương thu (hương cốm mới). Một cách viết hàm súc mở ra bao liên tưởng về bầu trời thu trong xanh, bao la và khí thu mát mẻ mơn man hồn người, về gió thu nhè nhẹ thổi từ những cánh đồng lúa mang theo hương cốm mới phả vào lòng người lâng lâng. Đó là vẻ hiền hòa, tươi đẹp của đất nước đã bao đời nay. Đoạn thơ tiếp theo là hoài niệm của “người ra đi” về “những ngày thu đã xa” – thu Hà Nội:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
“Chớm lạnh” là cái lành lạnh đầu thu; chỉ có sáng và chiều thu trong buổi thi sơ mới “chớm lạnh” như thế. Hà nội như mở rộng lòng đón nhận cái “chớm lạnh” đầu thu. Hơi may tỏa khắp mọi nơi. Lá thu, lá vàng rụng bay bay, xoay xoay theo chiều gió, để lại tiếng thu xao xác trên những phố dài.
Qua đoạn thơ, ta thấy ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi thật là tài hoa. Lời thơ trong sáng, dịu buồn. Vẻ đẹp và hồn thu đất nước, hồn thu Hà Nội như được tinh lọc trong tâm hồn tác giả, trở thành hành trang của “người ra đi”. Cuộc đời đã đổi thay, đất nước đã đổi thay nên vẻ đẹp mùa thu đất nước cũng đổi thay kì lạ. Câu thơ bảy tiếng bỗng co ngắn lại, giọng thơ như một tiếng reo cất lên náo nức:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Không gian nghệ thuật được nói đến là núi đồi chiến khu, là “rừng tre phấp phới” trong gió thu. Cả một trời thu bao la, xao động, tươi sáng lên, ánh lên tươi thắm như “thay áo mới”. Đất nước buổi thu vẻ đẹp tươi lạ thường và dào dạt sức sống.
“Đất nước” là hồn thơ chiến sĩ, tiêu biểu cho bốn hồn thơ Nguyễn Đình Thi. Viết về chủ đề quê hương , đất nước trong chiến tranh, thơ Nguyễn Đình Thi mang tính khái quát, chất trữ tình đằm thắm kết hợp hài hòa với chất chính luận sâu sắc để lại một số câu thơ, đoạn thơ đẹp, đầy ấn tượng.
Cảm Thụ Bài Thơ Đất Nước Lớp 5 Tiêu Biểu – Mẫu 5
Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ hay. Nó không thiếu tính khái quát nhưng vẫn đầy ắp ấn tượng, cảm giác về những cảm giác, những người cụ thể (đặc biệt là những cảnh, những người trong kháng chiến chống Pháp).
Phần đầu bài thơ – phần vẫn được đánh giá là hay hơn cả – chứa đựng rất nhiều ấn tượng cụ thể về một mùa thu đất nước. Thoạt tiên, đó là một cảm giác thư thái như muốn nhẹ nhàng bay lên theo hai câu thơ có đến 12/14 âm tiết mang thanh điệu có âm cực cao:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Một sự tương đồng gợi nhớ. Một liên tưởng của nét đẹp trường cửu của mùa thu xứ sở với hơi may phảng phất và hương cốm dìu dịu tỏa bay. Mùa thu nay cũng như mùa thu xưa, thiên nhiên vẫn đẹp đến nao lòng. Có khác chăng là lòng người và hoàn cảnh xã hội. Nỗi nhớ của tác giả đã thực sự làm một đối chiếu tự nhiên để hình ảnh của ngày qua được dịp trở về vô cùng sống động:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Còn có thể nói gì thêm về câu thơ ấy? Một tiết trời dễ khiến lòng ta xao xuyến. Một chút thoáng heo may se se khơi gợi biết mấy nỗi niềm. Thu tới – không gian chợt yên ắng để tiếng nói của nội tâm cất lời.
Từ gần đến xa, rồi từ xa lại về gần, những câu thơ tiếp đó khơi thêm cảm xúc về mùa thu, đưa độc giả quay lại thời điểm hiện tại để được thanh thản trong niềm vui giao hòa giữa lòng người và cảnh vật.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
“Mùa thu nay khác rồi” là sự so sánh bật thành tiếng reo, một tiếng reo ghi nhận sự khác biệt giữa hai thời đại và khẳng định niềm vui mới đang tới. Câu thơ năm chữ xuất hiện đột ngột sau những câu bảy chữ có nội dung mạch lạc và âm điệu thật dứt khoát. Nó chứa đựng cả tình cảm và nhận thức, đồng thời lí giải sâu sắc vị trí đứng và tâm thế lắng nghe của nhà thơ giữa một bối cảnh thiên nhiên vô cùng khoáng đạt: “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”.
Phải nói rằng, thơ Nguyễn Đình Thi thường rất hay trong những trường hợp tương tự, khi những chi tiết đời sống đưa vào qua sự chọn lọc của một hồn thơ vừa mạnh ở cảm giác, vừa mạnh ở khả năng khái quát trí tuệ.
Trong bài thơ này, nét mặt quê hương đã ngời lên với những vẻ đa dạng thông qua sự cảm nhận, khám phá của một tâm hồn thi sĩ rất giàu nội tâm cũng như rất giàu ý thức công dân.