Dòng Sông Mặc Áo Lớp 4 ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Tập Đọc, Soạn Bài ✅ Tổng Hợp Ý Nghĩa, Bố Cục, Đọc Hiểu Tác Phẩm, Mẫu Cảm Thụ.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Dòng Sông Mặc Áo Lớp 4
Bài thơ “Dòng sông mặc áo” đã thể hiện một cách thắm thiết tình yêu dòng sông nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm trong sáng ấy đã chan hòa với tình yêu quê hương đất nước. Cùng đọc nội dung bài thơ Dòng sông mặc áo lớp 4.
Dòng sông mặc áo
Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
Đêm thêu trước ngực vầng trăng
Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên
Khuya rồi, sông mặc áo đen
Nép trong rừng bưởi lặng yên đôi bờ…
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi trắng nở nhòa áo ai…
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Chú thích:
- Điệu: Tỏ ra duyên dáng, kiểu cách
- Hây hây: Đỏ phơn phớt
- Ráng: Hiện tượng ánh sáng mặt trời lúc mọc hay lặn phản chiếu lên các đám mây, làm cho cả một khoảng trời sáng rực rỡ, nhuộm màu vàng đỏ hoặc hồng sẫm.
Chia sẻ cho bạn đọc 🌺 Hơn Một Nghìn Ngày Vòng Quanh Trái Đất 🌺 Nội Dung, Bài Học, Tóm Tắt
Giới Thiệu Bài Thơ Dòng Sông Mặc Áo
Sau đây là thông tin giới thiệu bài thơ Dòng sông mặc áo.
- Bài thơ Dòng sông mặc áo được sáng tác bởi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nguyễn Trọng Tạo (sinh 1947) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam.
- Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của dòng sông vào mỗi thời điểm trong ngày, như người ta mặc áo. Ban ngày nắng lên sông ửng hồng, trưa về xanh thẳm, chiều về thì sông có màu vàng của ráng chiều, còn đêm tối, sông lung linh ánh sáng trăng. Khuya, sông đen kịt, nhưng sáng ra thì ngập hương thơm của hoa.
Bố Cục Bài Thơ Dòng Sông Mặc Áo
Bố cục bài thơ Dòng sông mặc áo được chia thành 3 phần:
- Đoạn 1: Từ đầu đến ngàn sao lên
- Đoạn 2: Phần còn lại
Có thể bạn sẽ cần 🌱 Trăng Ơi Từ Đâu Đến Lớp 4 🌱 Nội Dung Kể Chuyện, Soạn Bài, Giáo Án
Hướng Dẫn Tập Đọc Dòng Sông Mặc Áo
Sau đây là hướng dẫn tập đọc Dòng sông mặc áo.
- Đọc lưu loát, trôi chảy toàn bài thơ
- Biết đọc diễn cảm bài thơ với giọng vui tươi, dịu dàng và dí dỏm thể hiện niềm vui, sự bất ngờ của tác giả khi phát hiện ra sự đổi sắc muôn màu của dòng sông quê hương.
Ý Nghĩa Bài Thơ Dòng Sông Mặc Áo
Ý nghĩa bài thơ Dòng sông mặc áo đó là ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông quê hương.
Khám phá thêm về 🍀 Đôi Cánh Của Ngựa Trắng 🍀 Nội Dung Kể Chuyện, Ý Nghĩa
Đọc Hiểu Tác Phẩm Dòng Sông Mặc Áo
Đừng bỏ qua nội dung đọc hiểu tác phẩm Dòng sông mặc áo.
👉Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?
a. Nguyễn Trọng Tạo.
b. Trần Đăng Khoa.
c. Thy Ngọc.
👉Câu 2. Dòng sông mặc áo hoa vào buổi nào trong ngày?
a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.
👉Câu 3. Dòng sông mặc áo xanh vào buổi nào trong ngày?
a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.
👉Câu 4. Dòng sông mặc áo vàng vào buổi nào trong ngày?
a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.
👉Câu 5. Dòng sông mặc áo đen vào buổi nào trong ngày?
a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi đêm.
👉Câu 6. Biện pháp nhân hóa trong bài thơ có tác dụng gì?
a. Làm cho hình ảnh dòng sông trở nên gần gũi, thân thuộc.
b. Thể hiện được sự thay đổi màu sắc của dòng sông theo thời gian.
c. Cả hai ý trên đều đúng.
👉Câu 7. Trong câu thơ “Áo xanh mặc như là mới may”, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. Nhân hóa.
b. So sánh.
c. Cả hai ý trên đều đúng.
👉Câu 8. Trong câu thơ “Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa” tác giả đã nhân hóa dòng sông bằng cách nào?
a. Tả dòng sông bằng những từ ngữ chỉ hoạt động của con người.
b. Nói với dòng sông như nói với người.
c. Gọi dòng sông bằng một từ vốn để gọi người.
👉Câu 9. Câu cảm sau đây dùng để làm gì?
Chà, con vẹt có bộ lông mới đẹp làm sao!
a. Dùng để bộc lộ cảm xúc vui mừng.
b. Dùng để bộc lộ cảm xúc thán phục.
c. Dùng để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên.
👉Câu 10. Những câu cảm sau đây bộc lộ cảm xúc gì bằng cách nối?
a. Ôi, bạn Hải đến kìa! | 1. Cảm xúc ngạc nhiên. |
b. Ôi, bạn Hải thông minh quá! | 2. Cảm xúc đau xót. |
c. Trời, thật là kinh khủng! | 3. Cảm xúc vui mừng. |
d. Cậu làm tớ bất ngờ quá! | 4. Cảm xúc thán phục. |
Đáp án Trắc nghiệm Dòng sông mặc áo:
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
ý đúng | a | a | b | c | c | c | c | a | b | a-3; b-4; c-2; d-1 |
Có thể bạn sẽ quan tâm bài 🌿 Đường Đi Sa Pa 🌿 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án
Soạn Bài Dòng Sông Mặc Áo Lớp 4
Chia sẻ bạn đọc gợi ý soạn bài Dòng sông mặc áo lớp 4.
👉Câu 1 (trang 119 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Vì sao tác giả nói là dòng sông “điệu”?
Trả lời:
Vì dòng sông luôn thay đổi màu sắc giống như con người thay áo để làm duyên làm dáng.
👉Câu 2 (trang 119 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Màu sắc của dòng sông thay đổi như thế nào trong một ngày?
Trả lời:
Có thể nói trong một ngày dòng sông luôn thay đổi màu sắc:
– Nắng lên áo lụa đào thướt tha, đến trưa thì xanh như màu áo mới may, chiều tôi thì mang màu “hây hây ráng vàng”, đến tối thì lại áo nhung tím thêu trăm ngàn sao lên, về đêm sông mặc áo đen, sáng ra lại mặc áo hoa. Màu áo của sông tương ứng với các khoảng thời gian trong ngày.
👉Câu 3 (trang 119 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Cách nói “dòng sông mặc áo” có gì hay?
Trả lời:
Cách nói “dòng sông mặc áo” là một cách nói nhân hóa làm cho dòng sông có đặc điểm như con người, cũng biết làm “điệu”, biết làm duyên làm dáng, tạo nên sự gần gũi với con người.
👉Câu 4 (trang 119 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Em thích hình ảnh nào trong bài? VI sao?
Trả lời:
Có thể nói trong bài thơ, có rất nhiều hình ảnh đẹp hình ảnh nào cũng đem đến cho em một cảm giác thích thú.
Ví dụ: hình ảnh “sông mặc áo lụa đào” gợi nên một cảm giác về một dòng sông tươi mát, dịu dàng, êm trôi. Hay hình ảnh “Chiều trôi thơ thẩn áng mây – Cài lên màu áo hây hây ráng vàng” gợi lên một sự êm đềm lặng lẽ của một buổi chiều tĩnh lặng sắp tàn nhường chỗ cho một cảnh hoàng hôn huyền ảo sắp đến v.v…
Cập nhật cho bạn đọc 🌼 Con Sẻ Lớp 4 🌼 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án
Giáo Án Dòng Sông Mặc Áo Lớp 4
Cùng đọc nội dung giáo án Dòng sông mặc áo lớp 4.
I. Mục đích – yêu cầu
1. Kiến thức: Bước đầu biết đọc diễn cảm một đoạn thơ trong bài với giọng vui, tình cảm.
– Hiểu nội dung: ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông quê hương (trả lời được câu hỏi sgk, thuộc được đoạn thơ được 8 dòng)
2. Kĩ năng: Hiểu từ ngữ: hây hây.
3. Thái độ: Giáo dục HS yêu dòng sông quê, tự hào nét đẹp vốn có của quê hương.
II. Chuẩn bị: Tranh minh hoạ bài đọc trong SGK, bảng phụ ghi đoạn cần luyện đọc
III. Hoạt động dạy – học:
Hoạt động của GV | Hoạt động của HS |
1. Bài cũ: – HS đọc bài: Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất. – GV nhận xét – ghi điểm 2. Bài mới: a). Giới thiệu bài: b). Luyện đọc: * Luyện đọc: – Gọi 1 HS đọc toàn bài – GV phân đoạn: + Đoạn 1: 8 dòng đầu. + Đoạn 2: Còn lại. – Gọi HS đọc nối tiếp (3 lần) – Luyện phát âm, kết hợp nêu chú giải – HS luyện đọc nhóm đôi- GV đọc mẫu c). Tìm hiểu bài: – Cho HS đọc đoạn 1. – Vì sao tác giả nói là dòng sông “điệu” – Màu sắc của dòng sông thay đổi thế nào trong một ngày? – Cho HS đọc đoạn 2.Cách nói “dòng sông mặc áo” có gì hay? – Em thích hình ảnh nào trong bài? Vì sao? d). Đọc diễn cảm: – GV luyện cho cả lớp đọc đoạn 2 – Tìm từ cần nhấn giọng trong đoạn – Gọi HS đọc – Cho HS thi đọc thuộc lòng. – GV nhận xét + khen những HS đọc thuộc, đọc hay. 3. Củng cố, dặn dò: – GV nhận xét tiết học. – Yêu cầu HS về nhà tiếp tục HTL bài thơ. – Đọc và trả lời câu hỏi: Ăng –co –vát. | – HS đọc bài – Thực hiện – 1HS đọc – HS đọc – HS đọc – HS đọc – 1 HS đọc to, lớp đọc thầm theo. * Vì dòng sông luôn thay đổi màu sắc giống như con người đổi màu áo. * Dòng sông thay đổi màu sắc trong ngày. + Nắng lên: sông mặc áo lụa đào … + Trưa: áo xanh như mới may. + Chiều tối: áo màu ráng vàng. + Tối: áo nhung tím. + Đêm khuya: áo đen. + Sáng ra: mặc áo hoa. – HS có thể trả lời: * Đây là hình ảnh nhân hoá làm cho con sông trở nên gần gũi với con người. * Làm nổi bật sự thay đổi màu sắc của dòng sông. * HS phát biểu tự do, vấn đề là lí giải về sao? – Cả lớp luyện đọc đoạn 2. – Một số HS thi đọc. – Lớp nhận xét. – Cả lớp thực hiện |
Chia sẻ cho bạn đọc tác phẩm 💚 Dù Sao Trái Đất Vẫn Quay 💚 Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án
5 Mẫu Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Hay Nhất
Cuối cùng là 5 mẫu cảm thụ bài Dòng sông mặc áo hay nhất.
Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Đặc Sắc – Mẫu 1
Viết về dòng sông quê mẹ, Tế Hanh có bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, Hoài Vũ có bài “Vàm cỏ Đông”, Vũ Duy Thông có bài “Bè xuôi sông La”… Đó là những bài thơ hay mang nặng tình quê hương. Bài thơ “Dòng dông mặc áo” của Nguyễn Trọng Tạo cũng là một bài thơ đem đến cho ta nhiều thương mến.
“Dòng sông mặc áo” gồm có 14 câu thơ lục bát, làm hiện lên trước mắt chúng ta một dòng sông quê rất đẹp, gương sông nước sông thay đổi theo những thời điểm trong cả đêm ngày. Sông mặc áo, sông được nhân hóa như một thiếu nữ thích làm duyên. Nhà thơ rất tinh tế phát hiện ra những sắc màu, những nét đẹp của dòng sồng quê hương luôn luôn biến đổi.
Con sông làng ta trong ca dao uốn lượn “như hình con long” con sông Cầu “nước chảy lơ thơ”; con sông Thương “bên lở bên bồi… dòng trong dòng đục…” từng làm bao người xưa nay say mê.
Ta hãy đến chiêm ngưỡng “Dòng sông mặc áo” của Nguyễn Trọng Tạo.
Dưới ánh hồng bình minh, dòng sông biết điệu đà khoe áo đẹp, áo dài “thướt tha” may bằng “lụa đào” cao cấp. Trưa về, dòng sông rộng bao la, sông mặc “áo xanh”… như áo mới. Chiều tà, sông “cài lên màu áo hây hây ráng vàng”. Đó là áo lụa mỡ gà quý phái.
Đầu hôm, sông mặc áo nhung tím có thêu vầng trăng trước ngực, có ngàn sao điểm tô. Nửa đêm về khuya, sông lặng lẽ nép mình trong rừng bưởi, sông kín đáo giản dị khoác chiếc áo màu đen. Và sáng sớm hôm sau thật bất ngờ, dòng sông mặc áo hoa ướp hương bưởi, làm”ngẩn ngơ” lòng người:
“Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi đã nở nhòa áo ai…”
Bài thơ “Dòng sông mặc áo” đã thể hiện một cách thắm thiết tình yêu dòng sông nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm trong sáng ấy đã chan hòa với tình yêu quê hương đất nước.
Và chúng ta hãy khẽ ngân lên những vần thơ đẹp, hãy hát lên những lời ca về các dòng sông trên mọi miền quê:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”…
(“Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm)
Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Tiêu Biểu – Mẫu 2
Không chỉ viết cho người lớn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn có khá nhiều bài thơ hay viết cho tuổi thiếu nhi. Dòng sông mặc áo có thể là một bài thơ viết về một dòng sông thuộc quê hương Nghệ An mà tác giả sinh ra và lớn lên.
Đọc qua bài thơ, chúng ta nhận ra một bức tranh sinh động về dòng sông, chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp một dòng sông hiền hòa suốt một ngày đêm. Đó là dòng sông quê thơ mộng, thân thương, yểu điệu, duyên dáng, nhí nhảnh, ngộ nghĩnh.
Cảnh dòng sông buổi sáng thì: “Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha” , Ấy thế mà buổi trưa thì lại: ” Áo xanh sông mặc như là mới may”, buổi chiều thì dòng sông có vẻ ” hây hây ráng vàng” của áng mây, buổi tối trông rõ vầng trăng bơi lặn tên sông và thêm nữa là “trên nền nhung tím muôn ngàn sao lên”.
Đêm đến, Dòng sông quê hiền lành ngủ yên, mà cứ “Nép trong rừng bưởi lặng yên đôi bờ”. Đoạn thơ này rất hay và rất giàu hình ảnh đẹp. Khi dạy tập đọc hay ra đề thi về cảm thụ văn học, tôi nghĩ: thầy cô mình nên bám vào chi tiết này hay biết mấy.
Đây là một bài thơ tả cảnh thiên nhiên khá tinh tế. Cũng như bài thơ viết chung cho mọ người và viết riêng cho thiếu nhi chúng ta. Trong bài thơ này phép nhân hóa, phép ẩn dụ đã được tác giả sử dụng rất khéo léo tài tình.
Nhà thơ Phạm Đình Ân cho rằng:
Mấy câu kết thúc bài thơ cũng rất thú vị. Ấy là tả đến cảnh đêm rồi, bài thơ vẫn chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục mở ra sang sáng hôm sau, với hình ảnh áo mới của sông là hoa bưởi trắng:
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi đã nở nhòa áo ai…
Như vậy bài thơ hứa hẹn tiếp tục một và nhiều vòng quay mới của ngày đêm, đồng nghĩa với việc dòng sông quê mến yêu vẫn liên tục thay áo mới…
Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Hay Nhất – Mẫu 3
Bài thơ Dòng sông mặc áo của Nguyễn Trọng Tạo là một bài thơ miêu tả vô cùng chân thực vẻ đẹp của dòng sông quê hương. Tác giả đã ví dòng sông ấy như một cô thiếu nữ điệu đà, thướt tha. “Nàng” luôn chọn cho mình những chiếc áo mới thật đẹp.
Dòng sông mặc áo theo từng thời điểm trong ngày. Khi nắng lên thì dòng sông mặc áo lụa đào thướt tha như cô thôn nữ yểu điệu. Trưa về thì sông mặc áo xanh như là mới may. Khi trời khuya thì sông lại thay bằng một chiếc áo màu đen, nép trong rừng bưởi nặng yên đôi bờ.
Và đến khi trời sáng thì sông lại mặc một chiếc áo hoa với hàng ngàn bông hoa bưởi đã nở. Tất cả những hình ảnh đó đã cho ta thấy được vẻ đẹp vô cùng sinh động của dòng sông. Một vẻ đẹp căng tràn sức sống như những cô thiếu nữ ở thôn quê.
Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Ấn Tượng – Mẫu 4
Tác giả Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo và là một họa sĩ vẽ bìa sách của Việt Nam. Ông đã có những tác phẩm vô cùng tiêu biểu đặc biệt là tác phẩm Dòng sông mặc áo. Bài thơ này đã được tác giả ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông quê hương và thể hiện tình yêu da diết của ông với dòng sông ấy.
Nguyễn Trọng Tạo đã vô cùng thành công khi sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả sự thướt tha của dòng sông. Màu sắc của dòng sông luôn thay đổi theo từng thời điểm trong ngày.
Khi trời nắng thì dòng sông đã khoác trên mình chiếc áo lụa đào thướt tha, buổi trưa thì sông mặc áo xanh đến buổi chiều thì sông lại mặc áo vàng và khi đến buổi tối thì sông lại thay bằng một chiếc áo đen trông mới bí ẩn làm sao.
Và đến sáng hôm sau thì chiếc áo đen ấy đã được thay bằng một chiếc áo hoa căng tràn sức sống. Cũng từ đó mà ta thấy được tình yêu dòng sông của tác giả vô cùng tha thiết và ông cũng khuyên chúng ta phải luôn nhớ đến cội nguồn cũng như nơi chôn nhau cắt rốn của chúng ta.
Cảm Thụ Bài Dòng Sông Mặc Áo Nổi Bật – Mẫu 5
Khi nhắc đến tác giả Nguyễn Trọng Tạo chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bài thơ Dòng sông mặc áo của ông. Ông đã cho chúng ta thấy được dòng sông tràn trề sức sống, mang vẻ đẹp muôn màu của thiên nhiên.
Dòng sông ấy như cô thiếu nữ điệu đà thích chăm chút bản thân. Một ngày cô thiếu nữ ấy phải thay ba đến bốn bộ quần áo khác nhau để tôn lên vẻ đẹp thướt tha của mình. Những lúc trời nắng thì “cô nàng” mặc chiếc áo lụa đào để khoe dáng vẻ thướt tha của mình.
Đến buổi trưa và buổi chiều thì dòng sông lại mặc áo xanh, áo vàng. Khi trời tối dòng sông ấy khoác lên mình chiếc áo đen nép vào rừng bưởi. Và khi trời sáng thì dòng sông lại thay cho mình một chiếc áo trắng hoa đầy hương bưởi làm ngất ngây lòng người.
Nhờ có những câu thơ mang đậm tính nghệ thuật của tác giả mà chúng ta đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp có một không hai của dòng sông thướt tha ấy. Và ông cũng ca ngợi vẻ đẹp tình yêu quê hương đất nước, giúp chúng ta thấy rõ được vẻ thơ mộng của dòng sông ấy.