Thohay.vn gửi đến bạn nội dung bài thơ Hoàng Hạc Lâu, đọc hiểu, soạn bài, giáo án chi tiết và những mẫu văn phân tích bài thơ Hoàng hạc lâu hay nhất của tác giả Thôi Hiệu.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
“Hoàng Hạc Lâu” là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thôi Hiệu, sống vào thời Đường. Bài thơ này được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, một thể thơ đặc trưng của thơ Đường.
Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu: Đến thăm lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã nhớ đến huyền thoại xưa, nuối tiếc điều tốt đẹp đã qua và suy ngẫm về cuộc sống. Nhà thơ đã thổi linh hồn vào lầu Hoàng Hạc, nhắc lại chuyện người xưa để thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc.
Nội dung chính của bài thơ xoay quanh hình ảnh lầu Hoàng Hạc, một địa danh nổi tiếng ở Trung Quốc. Thôi Hiệu đã sử dụng hình ảnh này để bày tỏ nỗi nhớ quê hương và sự hoài niệm về quá khứ. Bài thơ mở đầu bằng việc nhắc đến người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi, để lại lầu Hoàng Hạc trơ trọi. Hình ảnh mây trắng ngàn năm vẫn lững lờ bay trên bầu trời, dòng sông trong vắt soi bóng cây cối, và cỏ xanh mơn mởn trên bãi Anh Vũ tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng cũng đầy u buồn.
Giá trị nghệ thuật của bài thơ nằm ở cách sử dụng hình ảnh và ngôn từ tinh tế, gợi lên cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc. Bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên mà còn là một tác phẩm chứa đựng những suy tư về cuộc sống và thời gian.
Bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn chứa đựng những suy tư sâu sắc về cuộc đời và thời gian.
Xem thêm 👉 Bài Thơ Tại Lầu Hoàng Hạc Tiễn Mạnh Hạo Nhiên Đi Quảng Lăng
Nội Dung Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Sau đây là nội dung bài thơ Hoàng hạc lâu mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn đọc.
Hoàng Hạc lâu
Tác giả: Thôi Hiệu
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Phiên âm
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
Dịch thơ
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Bạn xem thêm ❤️️ Xuân Tóc Đỏ Cứu Quốc ❤️️ Tóm Tắt, Soạn Bài, Phân Tích, Giáo Án
Ý Nghĩa Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Bài thơ thể hiện một tình bạn sâu sắc, là biểu tượng tình yêu của tác giả dành cho những người bạn. Tác giả, đứng trên lầu Hoàng Hạc, tiễn người bạn thân đi, trải qua những nỗi buồn sâu đậm. Khoảng cách xa làm tăng thêm nỗi nhớ và lo âu.
Đọc Hiểu Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Thohay.vn gửi đến bạn đọc hiểu bài thơ Hoàng hạc lâu dưới đây.
👉 Câu 1: Nêu chủ đề của văn bản trên?
Trả lời:
Văn bản trên có chủ đề: Bài thơ miêu tả cảnh lầu Hoàng hạc nhưng chủ yếu bộc lộ nỗi hoài vọng xa xưa và nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.
👉 Câu 2: Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh gì? Hình ảnh đó được nhắc đến mấy lần và có ý nghĩa gì đối với toàn bộ bài thơ?
Trả lời:
Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh hạc vàng. Hình ảnh đó được nhắc đến hai lần và có ý nghĩa đối với toàn bộ bài thơ: gợi nỗi niềm về sự mất-còn, tiếc nuối: tất cả còn đấy mà cũng không còn đấy, tất cả đẹp đẽ nhưng rồi cũng không còn.
👉 Câu 3: Theo bạn, vì sao khói sóng trên sông lại khiến chủ thể trữ tình cảm thấy buồn
Trả lời:
Vì chủ thể trữ tình cảm nhận được sự qua đi nhanh chóng của thời gian, gợi nên cảm giác buồn bã, tiếc nuối về những thứ đã mất đi.
👉 Câu 4: Bài thơ Hoàng Hạc lâu được viết theo phong cách nào? Theo bạn, bài thơ đã làm rõ nhất đặc điểm nào của phong cách đó?
Trả lời:
- Phong cách cổ điển
- Sử dụng nhiều điển cố, điển tích
- Sử dụng ngôn ngữ phong phú, đầy ảo tưởng
Bạn xem thêm tác phẩm 👉 Tôi Muốn Được Là Tôi Toàn Vẹn
Giá Trị Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Chia sẻ cho các bạn đọc về giá trị bài thơ Hoàng hạc lâu tại bài viết sau đây. Bạn tham khảo thêm nhé.
👉 Giá trị nội dung:
Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành của hai nhà thơ thòi thịnh Đường. Qua bài thơ người đọc biết quý hơn tình cảm bạn bè – một tình cảm luôn tồn tại trong mọi thời đại.
👉 Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, ý tại ngôn ngoại
Gửi đến bạn tác phẩm 💛 Thề Nguyền Và Vĩnh Biệt 💛 Nội Dung, Soạn Bài, Phân Tích
Bố Cục Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Bố cục bài thơ Hoàng hạc lâu được chia như sau:
- 4 câu thơ đầu: Đề cập trực tiếp đến nguồn gốc, tên gọi và định vị lầu Hoàng Hạc ở phương diện thời gian.
- 4 câu cuối: Định vị lầu trong không gian, miêu tả thiên nhiên và trực tiếp biểu hiện tâm trạng.
Dàn Ý Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu
Dưới đây là dàn ý bài thơ Hoàng hạc lâu cho bạn nào đang cần nhé.
1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả Thôi Hiệu: là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc.
– Giới thiệu chung về Lầu Hoàng Hạc: là một bài thơ tuyệt tác của Đường thi, chỉ với tác phẩm này, Thôi Hiệu đã trở thành cái tên lưu danh thiên cổ.
2. Thân bài
a. Bốn câu thơ đầu
– Chim hạc vàng (linh thiêng, cao quý): cõi tiên, huyền ảo (bay mất)
– Lầu Hoàng Hạc: cõi trần (còn lại)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
– Ở cặp câu này có sự đối nhau rất chỉnh, đó là:
+ Đối lập giữa quá khứ với hiện tại (tích nhân – thử địa, hoàng hạc khứ – Hoàng Hạc lâu).
+ Đối lập xưa và nay
+ Đối lập còn và mất
+ Đối lập giữa thực và hư
+ Đối thanh
=> Với sự đối ngẫu trong một “liên” này, câu thơ đã truyền tải được tâm trạng của nhân vật trữ tình, đó là sự hẫng hụt – nuối tiếc. Nuối tiếc một điều quý giá đã qua và không bao giờ trở lại nữa.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
– Vẫn nói chuyện hạc vàng bay đi không trở lại nhưng ở đây không chỉ có sự đối lập giữa cõi tiên và cõi tục. Hạc vàng đã bay về cõi tiên nên nơi đây, dưới còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, trên trời mây trắng bay chơi vơi, dường như còn mong nhớ tiếc nuối điều gì đó.
– 4 câu thơ đầu tập trung tả cảnh và giải thích lầu Hoàng Hạc. Bàn chuyện xưa và nay để thể hiện suy nghĩ mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc, triết lí về sự còn – mất, về sự vô hạn và hữu hạn của trời đất và nhân sinh.
– Nghệ thuật:
+ Trong 3 câu thơ đầu, tác giả lặp đi lặp lại tới 3 từ hoàng hạc
=> Hạc vàng là biểu tượng cho những điều quý giá và đẹp đẽ nhưng không trở lại nữa. Việc nhắc lại nhiều lần như vậy làm nổi bật tâm trạng của con người đối với những điều quý giá đã qua.
+ Câu thơ thứ 4 sử dụng tới 5/7 thanh bằng đã gợi tả rất thành công cảm giác hẫng hụt và tiếc nuối; thể hiện vẻ ngưng trệ như không muốn trôi đi của những đám mây.
b. Bốn câu cuối
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
– Không gian đẹp:
+ Ánh nắng soi xuống dòng sông.
+ Hàng cây tươi tốt.
+ Màu xanh tươi của cỏ cây mùa xuân.
(bức họa lầu Hoàng Hạc soi bóng dòng Trường Giang)
– 2 câu luận nhưng lại tả thực và có sự đối ngẫu:
+ Câu thơ mở ra một không gian rộng và sáng trong. Một cảnh cõi trần thật đẹp, có ánh nắng soi xuống dòng sông như một tấm gương khổng lồ với hàng cây tươi tốt soi bóng.
+ Giữa mặt sông sáng trong ấy là màu xanh tươi mơn mởn của cỏ cây mùa xuân.
=> Sau những phút giây đắm chìm cùng huyền thoại, nhân vật trữ tình lại trở về với hiện thực. Một bức họa thật đẹp được dựng lên: bức họa về một lầu Hoàng Hạc soi bóng dòng Trường Giang và cùng với hình ảnh của cây cối, của cỏ xanh.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
– 2 câu kết tạo ra sự đối lập với 2 câu luận:
+ Đối lập giữa không gian thực – không gian tâm tưởng.
+ Có sự chuyển động về thời gian, từ khi ánh nắng còn chan hòa đã chuyển sang buổi hoàng hôn mờ khói.
=> Trong thơ ca cổ, các nhà thơ Đường có thói quen sử dụng các hình ảnh ước lệ, tượng trưng, nhất là hay dùng thiên nhiên để gợi tả tâm trạng mà “hoàng hôn nhớ nhà” là một tứ thơ quen thuộc của Đường thi.
– Ngoài nỗi nhớ quê hương, nếu nối với mạch cảm xúc toàn bài thơ có thể hiểu thêm rằng “hương quan hà xứ thị” không chỉ là câu hỏi quê hương ở nơi nào mà còn có thể hiểu rộng là: Nơi nào để dừng chân? Nơi nào là nơi có thể là bình yên để sống? => Đây là vấn đề có ý nghĩa triết lí.
=> 4 câu thơ cuối cùng với ba mảng cảm xúc dồn nén (cõi tiên, cảnh thực và nỗi sầu nhớ), bài thơ nói về một di tích xưa mà vẫn gắn bó với cuộc đời, con người, khơi lên những tình cảm nhân bản đẹp đẽ, hàm chứa quan niệm nhân sinh tích cực, tiến bộ.
3. Kết bài:
Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật: với những phá cách độc đáo và thủ pháp đối lập được sử dụng hiệu quả, bài thơ miêu tả lầu Hoàng Hạc nhưng lại thể hiện được sâu sắc nỗi hoài vọng về thời xa xưa cùng nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
Tham khảo thêm 💚 Vào Chùa Gặp Lại 💚 Nội Dung Tác Phẩm, Soạn Bài, Phân Tích
Sơ Đồ Tư Duy Hoàng Hạc Lâu
Gửi đến bạn sơ đồ tư duy tác phẩm Hoàng hạc lâu tại bài viết sau đây. Mời bạn tham khảo.
Soạn Bài Hoàng Hạc Lâu Lớp 12
Hướng dẫn bạn cách soạn bài Hoàng hạc lâu lớp 12 cho những bạn nào đang cần dưới đây nhé.
👉 Câu hỏi 1: Tìm hiểu và chia sẻ với các bạn cùng lớp những điều bạn biết về lầu Hoàng Hạc ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Trả lời:
- Hoàng Hạc Lâu là bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường do thi nhân Thôi Hiệu đường Đường (Trung Quốc) sáng tác.
- Lầu Hoàng Hạc là một di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa gắn với huyền thoại Phí Văn Vi thành tiên. Đứng trước lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã nhớ đến huyền thoại xưa, nuối tiếc điều tốt đẹp đã qua và suy ngẫm về cuộc sống.
- Bài thơ thể hiện sự giao hòa giữa tình và cảnh cùng ý vị sâu xa.
- Bài thơ được ví như tuyệt tác thơ Đường phá cách, sáng mãi với thời gian.
👉 Câu 2. Hai câu đầu có tuân thủ luật bằng trắc của thơ Đường không?
Trả lời:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Câu 1: B – T – T
Câu 2: T – B – T
=> Không tuân thủ luật bằng trắc
👉 Câu 3: Xác định chủ thể trữ tình và nội dung bao quát của bài thơ
Trả lời:
- Chủ thể trữ tình: tác giả
- Bài thơ tả cảnh, thể hiện tình yêu quê hương da diết và man mác hương vị Thiền, ẩn hiện cái lí chân không, vô thường và vô ngã.
- Bài thơ như một bức tranh thiên nhiên đẹp nói về cảnh ở Hoàng Hạc lâu. Đứng trước lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã nhớ đến huyền thoại xưa, nuối tiếc điều tốt đẹp đã qua và suy ngẫm về cuộc sống.
👉 Câu 4. Nhận xét về bố cục, cách sử dụng vần, nhịp, đối trong bài thơ.
Trả lời:
– Bố cục:
- Phần 1. Bốn câu thơ đầu: sự hoài vọng quá khứ của nhà thơ.
- Phần 2. Bốn câu thơ sau: nuối tiếc trong hiện tại và nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
– Cách sử dụng vần chân (lâu – châu – sầu, du – thụ)
– Nhịp: 4/3
– Đối: bốn câu đầu đối giữa quá khứ – hiện tại, bốn câu cuối không gian thực – không gian tâm tưởng
Chia sẻ bạn nội dung bài thơ 👉 Thương Nhớ Mùa Xuân
Giáo Án Hoàng Hạc Lâu Lớp 12
Bạn chưa biết cách làm giáo án Hoàng hạc lâu lớp 12 như thế nào thì hãy tham khảo ngay bài viết sau đây nhé.
I. MỤC TIÊU
1. Về mức độ/yêu cầu cần đạt
– Giúp HS cảm nhận được tâm trạng hoài niệm quá khứ, ngậm ngùi trước hiện tại và tình cảm thương nhớ quê hương của nhà thơ.
– Thấy được sự độc đáo của một số bài thơ Đường luật (ngôn từ, hình ảnh thơ, cách bố trí thanh điệu, gieo vần,…)
2. Về năng lực
a. Năng lực chung
– Hình thành năng lực làm việc nhóm, năng lực gợi mở,…
– Phát triển khả năng tự chủ, tự học qua việc đọc và hoàn thiện phiếu học tập ở nhà.
– Giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo trong việc chủ động tạo lập văn bản.
b. Năng lực đặc thù
– Năng lực cảm thụ phân tích văn bản văn học.
– Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Hoàng Hạc Lâu.
– Năng lực nhận biết, phân tích một số yếu tố của thơ Đường.
3. Về phẩm chất
– Có thái độ trân trọng những giá trị của quá khứ, từ đó biết trân trọng những giá trị của cuộc sống hiện tại.
– Chăm chỉ, tự giác học tập, tìm tòi và sáng tạo.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Chuẩn bị của giáo viên
– Giáo án, tài liệu tham khảo, kế hoạch bài dạy
– Phiếu học tập, trả lời câu hỏi
– Bảng giao nhiệm vụ cho HS hoạt động trên lớp
– Bảng giao nhiệm vụ học tập cho HS ở nhà
2. Chuẩn bị của học sinh
– SGK, SBT Ngữ văn 12, soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục đích: HS biết được các nội dung cơ bản của bài học cần đạt được, tạo tâm thế cho học sinh đi vào tìm hiểu bài mới.
b. Nội dung: HS dựa vào hiểu biết để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm: HS vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi GV đưa ra.
d. Tổ chức thực hiện:
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
– GV đặt câu hỏi gợi mở cho HS: Em hiểu thế nào về câu nói Quý hồ tinh bất quý hồ đa?
– HS tiếp nhận nhiệm vụ
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
– HS thực hiện nhiệm vụ
Bước 3: Trao đổi, thảo luận báo cáo
– Học sinh trả lời.
– Học sinh khác thảo luận, nhận xét.
– GV: Quan sát, hỗ trợ học sinh.
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện
– GV đánh giá kết quả của HS, trên cơ sở đó dẫn dắt HS vào bài học mới.
– Người xưa khi nói tới mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng của sự vật thường nói: Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Trong văn học, điều này càng được nhắc đến thường xuyên hơn. Sự vĩ đại của một nhà văn bao giờ cũng được làm nên bởi giá trị và vị trí của tác phẩm do ông ta sáng tác trong lịch sử văn học. Sự vĩ đại đó không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng tác phẩm nhiều hay ít, mà quan trọng là độ kết tinh tài hoa và tư tưởng của nhà văn trong mỗi tác phẩm. Có người sáng tác rất nhiều nhưng chưa hẳn đã xuất sắc. Có người sáng tác một vài tác phẩm nhưng lại được lưu danh thiên cổ. Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là một trong những trường hợp như thế.
B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
I. TRẢI NGHIỆM CÙNG VĂN BẢN | |
a. Mục tiêu: Giúp HS chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đọc hiểu văn bản, hướng dẫn đọc và rèn luyện các chiến thuật đọc. b. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi liên quan đến c. Sản phẩm: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS | |
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
* NV1: Tìm hiểu tác giả Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – Yêu cầu HS: Trình bày ngắn gọn thông tin về tác giả Thôi Hiệu. – HS tiếp nhận nhiệm vụ. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – Từ phần chuẩn bị ở nhà, HS thảo luận theo nhóm đôi, bổ sung những chi tiết còn thiếu. – GV quan sát, hỗ trợ HS. Bước 3: Trao đổi, thảo luận báo cáo – GV gọi 2 HS phát biểu Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV nhận xét và đưa ra kết luận. * NV2: Tìm hiểu văn bản Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV gọi HS đọc văn bản: Đọc giọng to, rõ ràng và lưu loát. – GV yêu cầu HS quan sát và trả lời: + Nêu một số thông tin chính của bài thơ. – HS tiếp nhận nhiệm vụ. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ – HS thảo luận và trả lời từng câu hỏi. Bước 3: Trao đổi thảo luận, báo cáo sản phẩm – HS trình bày sản phẩm thảo luận. – GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung câu trả lời của bạn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV nhận xét, bổ sung, chốt lại kiến thức. | 1. Tác giả Thôi Hiệu (704 – 754) – Quê ở Biện Châu (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). – Đỗ tiến sĩ năm khai nguyên thứ 11 (723), làm quan đến chức Tư Huân Viên ngoại lang. – Thơ ông còn truyền lại hơn 40 bài, một số lượng không nhiều so với các nhà thơ đương thời. Song chỉ với Hoàng Hạc lâu, tên tuổi của ông đã lưu danh thiên cổ. – Các tác phẩm + Hành kinh Hoa Âm (Đi qua Hoa Âm) + Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) + Trường Can hành kỳ 1 + Trường Can hành kỳ 2 + Trường Can hành kỳ 3 + Trường Can hành kỳ 4 + Vị Thành thiếu niên hành (bài Hành tuổi trẻ thành Vị) + Nhập Nhược Da khê (Vào suối Nhược Da) + Cổ ý (Ý xưa) + Mạnh Môn hành (Bài hành qua Mạnh Môn) + Nhạn Môn Hồ nhân ca (Bài ca của người Hồ ở Nhạn Môn). 2. Văn bản Hoàng Hạc lâu a. Lầu Hoàng Hạc – Hoàng Hạc lâu: Tên một di tích văn hóa nổi tiếng ở phía Tây Nam huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nằm trên bờ sông Trường Giang, lầu Hoàng Hạc còn là một danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình, nơi mà Lí Bạch đã có cảm hứng viết về cuộc chia tay với cố nhân. Đây cũng là nơi truyền thuyết xưa nói rằng Phí Văn Vi buồn vì thi hỏng tu luyện thành tiên cưỡi hạc vàng bay lên tiên. b. Hoàn cảnh ra đời – Đến thăm lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã nhớ đến huyền thoại xưa, nuối tiếc điều tốt đẹp đã qua và suy ngẫm về cuộc sống. Nhà thơ đã thổi linh hồn vào lầu Hoàng Hạc, nhắc lại chuyện người xưa để thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc. c. Thể loại – Thất ngôn bát cú Đường luật. d. Bố cục: 2 phần – 4 câu thơ đầu: Đề cập trực tiếp đến nguồn gốc, tên gọi và định vị lầu Hoàng Hạc ở phương diện thời gian. – 4 câu cuối: Định vị lầu trong không gian, miêu tả thiên nhiên và trực tiếp biểu hiện tâm trạng. |
Gửi đến bạn tác phẩm 💛 Kép Tư Bền 💛 Nội Dung Truyện, Tóm Tắt, Phân Tích, Soạn Bài
5+ Mẫu Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Hay Nhất
Gợi ý cho bạn 5+ mẫu phân tích bài thơ Hoàng hạc lâu hay nhất mà chúng tôi đã chọn lọc dưới đây.
Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Hay Nhất
Thôi Hiệu sinh ra và lớn lên vào những năm sơ – thịnh Đường, tính tình phóng khoáng, thích đi ngao du sơn thuỷ. Một lần đến chơi thành Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Thôi Hiệu lên ngắm lầu Hoàng Hạc. Cảnh vật xung quanh vào tầm mắt, nhà thơ cảm thấy có một nỗi buồn thấm thía mơ hồ thấm vào cõi lòng. Ông xúc cảm viết bài Hoàng Hạc lâu, khiến mọi người cảm phục.
Quan sở tại đã cho khắc bài thơ lên vách lầu Hoàng Hạc. Sau này, tương truyền có lần thi tiên Lí Bạch đến lầu Hoàng Hạc, toan cầm bút đề thơ, nhưng không sao viết được vì đã có thơ Thôi Hiệu đây rồi.
Bài thơ này đã lưu truyền ở Việt Nam từ rất lâu và được một số người chuyển dịch sang tiếng Việt. Trong đó, có lẽ thành công hơn cả là bản dịch đầy tài hoa của nhà thơ Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ,
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Huy Cận đã chịu ảnh hưởng hai câu kết trong bài thơ này khi viết hai câu kết của bài Tràng Giang:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Thôi Hiệu và Huy Cận đều có chung một nỗi nhớ của người xa quê. Có điều, Thôi Hiệu nhân nhìn thấy khói và sóng trên sông mà nảy sinh ra tâm trạng ấy, còn Huy Cận không khói hoàng hôn (tức là không có cái gì gợi nhớ), nhưng cũng nhớ nhà. Đó là không có cái độc đáo của Huy Cận. Nhưng dẫu sao, thì hai câu thơ của nhà thơ Việt Nam nói trên vẫn đậm đặc chất Đường thi, chất Thôi Hiệu trong cốt cách, trong tinh tuý.
Hoàng Hạc lâu đúng là một kiệt tác. Bài thơ mạnh mẽ, sinh động, đặc biệt thành công về mặt âm điệu. Thành công này có được đo kết hợp hài hoà giữa việc sử dụng thành thục luật Đường thi và sự phá luật khi cần thiết để diễn tả hay nhất những cảm xúc.
Bốn câu đầu bài thơ tập trung khá nhiều đặc sắc về mặt âm điệu. Câu đầu tiên của bài thơ là một câu phá luật. Chữ thứ hai lẽ ra là thanh trắc ở đây lại là thanh bằng. Chữ thứ tám lẽ ra phải vần với chữ thứ tám các câu 4, 6, 8 và có thanh bằng, ở đây lại thất vận và dùng thanh trắc.
Sự thay đổi trên làm cho câu thơ có một nhạc điệu man mác, đặc biệt thanh trắc của chữ thứ tám dường như kéo dài thêm mãi âm điệu của câu thơ, diễn tả rất đạt nỗi bàng hoàng đến ngẩn ngơ trước một thực tại: người tiên và hạc vàng đâu còn nữa. Câu thơ dịch của Tản Đà. Hạc vàng ai cưỡi đi đâu thật trần tình. Nó không hề đánh mất mà đã chuyển đến người đọc Việt Nam trọn vẹn cái hay của câu thơ Thôi Hiệu cả về tứ thơ lẫn âm điệu.
Câu thơ thứ hai phát triển tiếp tục ý tứ của câu thứ nhất trong sự đối lập xưa và nay, còn và mất. Đây cũng là một sáng tạo của Thôi Hiệu vì thơ Đường không đặt ra yêu cầu đối giữa hai câu phá đề và thừa đề. Ở câu thơ này, Thôi Hiệu không chú ý tạo sự đối lời mà hướng tới sự đổi ý: người tiên, chim hạc không còn nhưng lầu Hoàng Hạc còn đó.
Chữ trơ trong câu thơ, tác giả hạ thật đắt, vừa gợi thế đứng một mình cô độc trên lầu Hoàng Hạc nơi trần thế không có gì vĩnh hằng vĩnh cửu này, vừa diễn tả cảm xúc ngậm ngùi luyến tiếc trước cảnh đó người đâu. Có một cái gì như là bàng hoàng, ngẩn ngơ lại như là trầm tư, suy ngẫm trước mối quan hệ xưa, nay còn, mất ở đời.
Câu thơ thứ ba, thứ tư lại hướng về mối quan hệ giữa cái vô cùng và cái hữu hạn. Đám mây trắng kia là của hôm nay hay của nghìn đời xưa? Hạc vàng bay đi rồi trở lại hay mãi mãi không trở về? Sự trăn trở đầy triết lý được diễn tả trong những câu thơ âm điệu khá độc đáo. Sáu trên bảy tiếng của câu thứ ba là thanh sắc làm cho câu thơ phá luật tạo âm điệu không êm dịu, nhẹ nhàng như diễn tả sự bừng tỉnh của nhà thơ sau một hồn đắm chìm trong cảm xúc bàng hoàng để nhận ra sự thực đau đớn: Hạc vàng một khi đã bay đi không bao giờ trở lại (Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phân). Câu thứ tư mang âm điệu êm dịu khác hẳn câu thứ ba.
Nằm trên bảy chữ có thanh bằng nhất là ba tiếng cuối cùng của câu (không du du) có thanh bằng liên tiếp (người Trung Quốc gọi là lôi tam bình điệu) đã góp phần diễn tả rất đạt những đám mây trắng nhẹ nhàng bay trên không trung. Chính hai tiếng thiên tài đã mang lại hình ảnh đám mây trắng chiều sâu của sự suy tưởng: đám mây tưởng chỉ mới xuất hiện hôm nay hoá ra đã có từ nghìn năm, trong cái hữu hạn của ngày hôm nay đã chứa cái vô hạn của muôn đời.
Trong bốn câu thơ đầu, thực tại và quá khứ, cảnh vật và cảm xúc, tả thực và suy tưởng xen kẽ nhau trong những vần thơ biến hoá về âm điệu, vừa quy phạm, vừa tài hoa. Điều kì lạ là điện văn của cả bốn câu đi thẳng một mạch từ chữ đầu cho đến hết câu 4 với hai tiếng Hoàng Hạc nhắc lại khiến người đọc hình dung ra được cái cảnh những đám mây trắng nhẹ nhàng lờ lững bay trên không trung đưa hồn người lữ khách bay theo (Trần Trung San).
Bốn câu thơ cuối đưa người đọc từ sự suy tư, đắm chìm trong những cảm xúc đầy triết lí trở lại với cuộc sống thực – để ngắm nhìn hàng cây, bãi cỏ, để cùng băn khoăn một nỗi băn khoăn trần thế – Nhật mộ hương quan là xứ thị – Chiều tối rồi, quê hương ở nơi đâu? Bức tranh thiên nhiên trong hai câu 5 và 6 hiện lên với những chi tiết thực, hàng cây đất Hán Dương soi bóng rõ mồn một xuống lòng sông tạnh, bãi Anh Vũ cỏ thơm mơn mởn xanh tươi.
Cảnh sắc tươi tắn, bình dị và giàu sức sống khiến cho bài thơ miêu tả một di tích, một cổ lâu mà vẫn gần gũi cuộc đời thực tại. Hai câu kết đưa người đọc trở lại với nỗi trăn trở và cảm xúc của một người khách xa nhà. Điệu văn ở câu 5 và 6 chậm lại và đi song song với nhau nghiêm trọng, tề chỉnh và tiếp tục nặng nề đi đến câu cuối bài tận cùng bằng vần trầm tĩnh thay duy nhất (sầu) diễn tả mỗi sầu miên man, dằng dặc đến vô cùng (Trần Trung San).
Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là bài thơ hay vì âm điệu uyển chuyển nhịp nhàng, lúc mau, lúc khoan, khi bổng khi trầm như ru hồn người ta theo với âm ba của những vần trong bài thơ. Bài thơ có bốn vần bằng (lầu, du, cháu, sầu). Vần trầm bình thanh (sầu) ở cuối cùng, sau ba vần đều là phá bình thanh (lâu, du, châu), nối tiếp nhau, diễn tả được mối sầu triền miên, nặng nề, bất tận của người khách xa nhà trước cảnh khói mây mịt mùng. Tài hoa sáng tạo âm điệu của tác giả dồn lại trong bốn câu thơ đầu với nhiều nét độc đáo.
Bài Hoàng Hạc lâu còn đặt ra nhiều thi đề thường trở đi trở lại trong thơ ca cổ Trung Quốc: cái vô cùng và cái hữu hạn, tình và cảnh, quá khứ và hiện tại, cảnh tiên và cõi tục, cái còn và cái mất. Đấy chính là sự thâm thuý, hàm súc của tác giả. Trong thế song hành của hai nửa bài thơ, nửa đầu nặng về sự phô diễn cảm xúc bàng hoàng, ngẩn ngơ, đau đớn, triền miên suy tư về quá khứ. Nửa cuối quy lại với hiện thực trần gian: hàng cây, bãi cỏ và mây khói mịt mùng trên dòng sông gợi nhớ một miền quê xa vắng. Cảm xúc ở đây giàu chất nhân bản lành mạnh khiến bài thơ đọng lại mãi trong tâm hồn bao thế hệ bạn đọc.
Gợi ý bạn 15+ 👉 Mẫu Giới Thiệu Về Một Tác Phẩm Nghệ Thuật Lớp 11
Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Chọn Lọc
Thôi Hiệu là người có bản tính lãng mạn, thơ Thôi Hiệu phóng khoáng, tao nhã. Ông có rất nhiều những tác phẩm hay nhưng nổi bật lên đó là khúc nhạc phủ Trường Can Hành và bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã đưa ông lên đỉnh cao sáng chói của nghệ thuật thơ Đường.
Bài thơ như một bức tranh thiên nhiên đẹp nói về cảnh ở Hoàng Hạc lâu. Đứng trước lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã nhớ đến huyền thoại xưa, nuối tiếc điều tốt đẹp đã qua và suy ngẫm về cuộc sống. Thơ Đường vốn súc tích, cô đọng và đa nghĩa. Lầu Hoàng Hạc là một di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa gắn với huyền thoại Phí Văn Vi thành tiên.
Một cảnh đẹp xưa nay hiếm thấy vậy nên tác giả đã đặt mình vào thiên nhiên để miêu tả khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hoàng Hạc lâu, một di tích đã có nhiều di tích lịch sử cũng như những chiến công của người Trung Hoa, nó là chứng nhân lịch sử chứng kiến nhiều chiến công.
Mở đầu bài thơ tác giả đã nhắc lại nguồn gốc của lầu Hoàng Hạc từ xa xưa:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
(Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.)
Lầu Hoàng Hạc trơ chọi giữa một khoảng không gian rộng lớn mênh mông, giữa một vùng đất trời rộng lớn không có bóng dáng con người, lầu Hoàng Hạc vẫn đứng sừng sững giữa một không gian rộng lớn, hiu hút, trải qua bao tang thương của những cuộc chiến tranh, giờ đây lầu Hoàng Hạc đứng chơ vơ, cô quạnh bên bãi vắng sông trôi khiến thi nhân chạnh lòng nhớ cổ thương kim. Ngay từ hai câu thơ khởi đề ta đã gặp một tâm trạng.
Nhà thơ không tả về hiện tại cái đang có mà nhớ về một cái đã có và đã mất: Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất. Nơi đây còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, một dấu tích lịch sử những kỉ niệm xa xưa. Lầu Hoàng Hạc có con chim Hạc vàng, Cánh hạc vàng trở về trong tâm tưởng chỉ để con người thêm khắc khoải, thấm thía sự mất mát… Hai câu đầu đã thể hiện một sự trống vắng, sự hẫng hụt trong tâm hồn. Nhưng trong hoài niệm của con người, cánh hạc vàng kia vẫn còn day dứt:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tỉa, không du du.
(Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa,
Mây trắng nghìn năm lởn vởn hoài.)
Hình ảnh hạc vàng gắn liền với khung cảnh thần tiên. Hạc vàng bay mất không bao giờ quay trở lại mang theo tất cả những gì là huyền ảo nhất, thơ mộng nhất của lầu Hoàng Hạc. Chỉ còn mây trắng vẫn bay giống như ngàn năm trước. Khung cảnh được miêu tả bằng cảm xúc ngậm ngùi, nuối tiếc của nhà thơ.
Nhà thơ chìm đắm trong tâm trạng hoài cổ, giữa không gian tịch mịch cô liêu. Tâm trạng của nhà thơ lúc này cũng đang hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên ở lầu Hoàng Hạc tâm trạng buồn rầu cô đơn hiu quạnh, trống trải trong tâm hồn nhà thơ đó chỉ là những kỉ niệm về những thứ đã qua, tác giả tiếc nuối những quãng thời gian đó nhưng giờ đã mất đi và vĩnh viễn không quay trở lại, tác giả chỉ luyến tiếc và trống trải trong tâm hồn của mình.
Vẫn nói chuyện hạc vàng bay đi và không trở lại nhưng ở đây không chỉ có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại mà còn có sự đối lập giữa cõi tiên và cõi tục. Hạc vàng đã bay về cõi tiên nên nơi đây, dưới còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, trên trời mây trắng bay chơi vơi, dường như còn mong nhớ tiếc nuối điều gì đó. Bốn câu thơ đầu tập trung tả cảnh và lí giải tích lầu Hoàng Hạc.
Bàn chuyện xưa và nay để thể hiện tâm trạng, nghĩ suy. Đó là một nghĩ suy mang triết lí nhân sinh sâu sắc – triết lí về sự còn – mất, về sự vô hạn và hữu hạn của trời đất và nhân sinh. Cái gì đã qua đi thật khó trở lại, thời gian cũng vậy, vậy nên người xưa mới từng nói: “thời gian quý như vàng”.
Thiên nhiên đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình với đường nét, màu sắc hài hòa: nắng chiếu trên hàng cây trên bến Hán Dương; màu xanh mướt của thảm cỏ non trên bãi xa Anh Vũ:
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
(Tinh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.)
Câu thơ mở ra một không gian rộng lớn và thanh bình yên tĩnh. Một bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời với những ánh nắng sương mai soi rọi xuống dòng sông như một tấm gương khổng lồ với hàng cây tươi tốt soi bóng. Giữa mặt sông trong lành đó là màu xanh tươi mơn mởn của cỏ cây mùa xuân.
Sau những khoảnh khắc đắm hòa mình cùng huyền thoại, nhân vật trữ tình lại trở về với hiện thực. Và đã tạo nên một bức họa thật đẹp. Bức họa về một lầu Hoàng Hạc soi bóng dòng Trường Giang cùng với hình ảnh của cây cối, của cỏ xanh.
Tâm trạng thương nhớ quê hương da diết của Thôi Hiệu. Hình ảnh trên sông là nhân tố gợi ra những nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng nhà thơ. Khung cảnh chập chờn, mông lung của cảnh vật đã hòa mình cùng với tâm trạng của nhà thơ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Nỗi nhớ quê hương da diết cùng với tâm trạng buồn cô đơn, ngắm cảnh nảy tình của nhà thơ đã tạo cho bài thơ những đặc sắc và ấn tượng, để lại nhiều day dứt trong lòng người đọc bởi một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và những nỗi nhớ thương của tác giả đối với cảnh vật đang tồn tại xung quanh con người mình.
Bài thơ Hoàng Hạc lâu đã để lại những giá trị to lớn trong nền văn học Việt nam với bức tranh thiên nhiên đẹp, và tâm trạng của con người với cảnh tức cảnh sinh tình.
Gợi ý 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Văn Học
Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu 10 Điểm
Thôi Hiệu là nhà thơ sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông lại đánh dấu sự lớn mạnh của thơ Đường cũng như phong cách sáng tác rất độc đáo.Trong đó bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” là nổi tiếng hơn hết bởi tứ thơ súc tích, cách dẫn dắt rất khéo khiến người đọc có cảm giác như đang quay về thời cổ xưa. Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” gửi gắm tâm sự thầm kín về nhân tình thế thái, về chuyện được mất ở đời.
“Hoàng Hạc Lâu” là một bài thơ nhuốm màu buồn, là màu buồn của thơ hay của người. Trải dài từng câu từng chữ là nhịp thơ chậm rãi, êm êm, nhẹ nhàng như da diết cứa vào lòng người nhiều tình cảm chua xót lẫn tiếc nuối.
Hai câu đề như mở ra một viễn cảnh hoang tàn, cô độc:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lâu còn trơ
Tác giả đã mượn điển cổ “Hạc vàng” trong truyền thuyết hóa tiên của Phí Văn Vi. Hoàng Hạc Lâu là nơi lưu truyền nhiều truyền thuyết, đáng chú ý hơn hết vẫn là hình ảnh hóa tiên của nhân vật trong lịch sử. Những năm tháng chói chang, hào hùng của lịch sử ấy gợi nhắc chúng ta nhớ đến một thời vàng son mà nơi đây từng có. Ấy vậy mà đến câu thơ thứ hai, giọng thơ như chùng xuống, khiến người đọc cảm thấy trơ trọi và lạc lõng biết bao nhiêu. Một chữ ‘trơ” khiến cho cả câu thơ não nề và cô độc biết bao nhiêu.
Ngày xưa đẹp bao nhiêu thì nay hoang tàn và đổ nát biết bao nhiêu. Biện pháp tu từ đối lập được Thôi Hiệu sử dụng một cách triệt để để phát huy được vai trò của nó. Và cũng từ bức tranh cô độc, hoang tàn này của Hoàng Hạc lâu dẫn dụ người đọc đi đến những mạch cảm xúc khác
Hai câu thực lại một lần nữa khẳng định sự chua xót và nuối tiếc khôn nguôi:
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hoàng Hạc lâu gắn liền với hình ảnh thần tiên thơ mộng giờ chỉ còn là ảo ảnh hư vô. Tác giả nhớ về ngày xưa để nuối tiếc cho những gì đã qua, đã mất. Hiện tại thê lương, tiêu điều và vắng lặng đến nao lòng. Tác giả hỏi người khác nhưng thực ra đang hỏi bản thân mình rằng mây trắng ngày xưa nay có còn nữa hay không. Đây là sự hoài niệm tiếc nuối cho những chuyện đã qua, đã cũ, nghĩ lại chỉ thêm đau lòng.
Với chỉ vài nét vẽ nhưng dường như Thôi Hiệu đã rất khéo léo trong việc làm toát lên tâm tư, tình cảm đang chồng chất, nặng nề ở trong trái tim. Một tâm sự u uất thầm kín cho chuyện nhân tình thế thái.
Hai câu luận miêu tả thật tinh tế khung cảnh thiên nhiên đẹp nhưng buồn của lầu Hoàng Hạc hôm nay:
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Hán Dương và Anh Vũ đều là những địa điểm của Lầu Hoàng Hạc. Với hai nét vẽ thiên nhiên gợi nên cảnh cỏ non xanh và sông phẳng lặng. Đến thiên nhiên cũng cô liêu và hoang vắng như thế này càng khiến cho con người ta buồn thêm buồn, sầu thêm sầu. Đó chính là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc, lấy xa để nói gần rất thi vị của Thôi Hiệu.
Có lẽ hai câu kết khiến cho người đọc thấy xót xa và nuối tiếc nhất, tình cảm trong lòng tác giả bỗng nhiên trỗi dậy mãnh liệt:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói song cho buồn lòng ai
Màu sắc cổ điển của thơ Đường bao trùm lấy hai câu thơ này, tạo cho nó một vẻ đẹp cô liêu đến não lòng. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đang trào lên trong lòng của tác giả. Không biết sóng trên con sông Trường Giang hay sóng đang cuồn cuộn trong lòng của tác giả nữa. Chúng ta đã bắt gặp hình ảnh sóng lòng trong thơ của Thâm Tâm:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng song ở trong lòng.
Nhịp thơ bỗng nhiên dãn ra, đều đều nhưng lại cứa vào lòng người đọc nỗi nhớ nhà,, nhớ quê hương da diết.
Có thể nói chỉ với bài thơ “Hoàng Hạc lâu”, Thôi Hiệu đã khiến cho thơ Đường Trung Hoa có một bước tiến mới trong phong cách sang tác với những đột phá phi thường. Hoàng Hạc lâu là bài thơ khiến cho người đọc trăn trở về những cảm xúc rất thật của chính tác giả.
Xem thêm 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học 👉 siêu hay
Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Của Học Sinh Giỏi
Thôi Hiệu (704 – 754) người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, đậu tiến sĩ năm 725. Ông còn truyền lại hơn 40 bài, trong đó nổi tiếng nhất là bài Hoàng Hạc lâu. Tương truyền Lí Bạch đi chơi Vũ Xương; lên xem lầu Hoàng Hạc thấy bài thơ này của Thôi Hiệu bèn cầm bút đề vào vách: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc – Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh đẹp, nhưng không làm được thơ vì đã có thơ của Thôi Hiệu ở trên đầu). Bài thơ vừa là một bức tranh mô tả cảnh đẹp ở lầu Hoàng Hạc vừa bộc lộ nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
Lầu Hoàng Hạc là một di tích văn hoá nổi tiếng ở phía tây nam huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc, nay ở gần thành phố Vũ Hán. Tương truyền Phí Văn Vi hành tiên thường cưỡi hạc vàng bay về đây nên được đặt tên là lầu Hoàng Hạc (lầu hạc vàng).
Đến thăm di tích này, nhà thơ chỉ thấy còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, không thấy chim hạc đâu, người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất rồi, không bao giờ trở lại nữa, còn chăng chỉ có đám mây trắng ngàn năm còn bay mãi chơi vơi. Cái mất đi thì không bao giờ tìm thấy được nữa, cái còn thì cũng là cái gi đó bập bềnh nổi trôi như đám mây trắng trên bầu trời kia. Đứng trước lầu Hoàng Hạc nhà thơ thấy lòng bâng khuâng, tiếc nhớ:
“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)
Tả cảnh lầu Hoàng Hạc trong đó âm vang cả một tấm lòng bâng khuâng, tiếc nhớ của nhà thơ. Trở lại với thế đứng ở lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh và nhận ra Hán Dương, những hàng cây đất Hán Dương phản chiếu rõ mồn một trên dòng sông tạnh và nhìn thấy bãi Anh Vũ cỏ thơm mơn mởn xanh tươi:
“Tình duyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”
(Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non)
Cảnh ở đây thật có hồn, thật tĩnh lặng, không có một âm thanh nào, tất cả đều im ắng. Phải chăng tâm hồn nhà thơ đang lắng sâu vào cảnh vật?
Cảnh hoang vắng mênh mang lại chìm ngập trong bóng hoàng hôn vàng vọt đã gợi cho nhà thơ một nỗi nhớ quê hương và nhà thơ bâng khuâng tự hỏi: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?” (Chiều tối tự hỏi đâu là quê hương?) “Đâu là quê hương?” lời hỏi ấy chứa chan biết bao tấm lòng tha thiết của nhà thơ đối với quê hương và ẩn chứa một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy càng được gợi sâu thêm bởi hình ảnh của khói và sóng trên sông: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Khói và sóng trên sông khiến cho người thêm mối sầu)
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”
Hai câu kết đóng bài thơ lại, nhưng nỗi buồn vẫn như âm vang bất tận, tràn ngập trong không gian, đọng mãi trong lòng người đọc tưởng như không bao giờ dứt được.
Hoàng Hạc lâu là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu ở đời Đường đến Thi tiên Lí Bạch cũng phải khâm phục. Bài thơ mô tả khái quát cảnh ở lầu Hoàng Hạc, nhưng chủ yếu bộc lộ nỗi hoài vọng xa xưa và nói lên nỗi nhớ quê nhà tha thiết của người lữ khách.
Dành tặng bạn những mẫu văn 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Thơ 👉 hay nhất
Phân Tích Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Ngắn Gọn
Thôi Hiệu, một nhà thơ với ít sáng tác, nhưng những tác phẩm của ông lại để lại dấu ấn mạnh mẽ, thu hút độc giả trong thời kỳ phong kiến.
Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” là bức tranh buồn của tác giả, những câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng bày tỏ tâm trạng man mác trước thời đại, thấu hiểu sâu sắc nỗi đau của con người mang theo những nỗi thương nhớ, chua xót.
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu“
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Thôi Hiệu tinh tế khi mượn chuyện cổ “Hạc vàng” để hóa tiên, tạo nên bức tranh lịch sử đầy huyền bí. Hoàng Hạc Lâu là nơi lưu giữ câu chuyện về một nhân vật lịch sử hóa tiên. Thể hiện sự hào hùng, bi tráng của quá khứ, gợi nhắc đến những thời kỳ vàng son đã từng tỏa sáng tại đây.
Nhưng trong những câu thơ tiếp theo, giọng thơ bắt đầu trầm buồn, cô độc. “Trơ” là từ tinh tế thể hiện sự cô độc tại nơi nổi tiếng. Nơi trước kia rực rỡ, giờ trở nên hoang tàn.
“Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”
Hoàng Hạc Lâu, câu chuyện về thần tiên, giờ chỉ còn là nỗi buồn nhớ về thời kỳ lịch sử huy hoàng. Tác giả cảm thấy xót xa, buồn về những năm tháng đã qua. Hiện tại trở nên buồn bã, hiu quạnh, thê lương, làm nao lòng. Tác giả đặt câu hỏi tu từ, hỏi về sự hoang sơ ngày nay.
Chỉ với vài vần thơ, tác giả tinh tế bày tỏ tâm tư, tình cảm, thể hiện sự hối tiếc trong lòng.
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Trong những câu này, tác giả thể hiện tâm trạng nhớ quê hương một cách mãnh liệt. Hai dòng thơ là bức tranh hoàng hôn buồn, huyền bí, làm nổi bật nỗi nhớ quê hương. “Quê hương” dần khuất bóng trong hoàng hôn, ánh sáng giảm, bóng tối bao phủ không gian.
Làn khói sóng tạo nên không gian mơ hồ, huyền bí, như bức tranh chốn bồng lai tiên cảnh. Làn khói đó khiến tâm trạng đọc giả, chính là tác giả, trở nên buồn bã, thê lương hơn. Nỗi nhớ quê hương trở nên da diết, quay quắt hơn.
Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” là biểu tượng của thơ Đường, thể hiện nỗi lòng tác giả trước hiện tại buồn bã, nuối tiếc về quá khứ huy hoàng. Thể hiện tình yêu quê hương, nỗi nhớ của tác giả trong hoàng hôn mơ màng.
Đọc thêm cách 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Thơ 👉 văn học nổi tiếng