Lá Ngô Lay Ở Bờ Sông: Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió Hay

Lá Ngô Lay Ở Bờ Sông ❤️️ Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió ✅ Tuyển Tập Những Bài Văn Mẫu Phân Tích, Cảm Nhận Tác Phẩm Hay Nhất Cho Các Bạn Đọc Tham Khảo.

Nội Dung Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió

Bài thơ: Bờ sông vẫn gió
Tác giả: Trúc Thông

Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
Người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối… một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Thơ Về Sông Bạch Đằng ❤️️Tuyển Tập Các Bài Thơ Hay Nhất

Ý Nghĩa Câu Thơ Lá Ngô Lay Ở Bờ Sông

Câu thơ lá ngô lay ở bờ sông trong bài thơ Bờ sông vẫn gió của nhà thơ Trúc Thông được hiểu theo nhiều nghĩa như sau:

  1. Lá ngô lay ở bờ sông chỉ đơn giản là gió đang thổi nhẹ trên bờ sông.
  2. Lá ngô lay ở bờ sông là một hình ảnh tương phản giữa hai trạng thái: sự ấm áp, bình yên và sự lạnh lẽo, đau đớn. Nó cũng là một hình ảnh trĩu nặng, cô độc và trông ngóng của người con khi nhớ về người mẹ đã khuất.
    • Lá ngô là một hình ảnh gắn liền với cuộc sống nông thôn Việt Nam, mang ý nghĩa của sự sum vầy, no ấm và gần gũi.
    • Bờ sông là một hình ảnh biểu tượng cho sự thăng trầm, lở bồi, chìm nổi và biến thiên đổi thay của cuộc đời.
    • Gió là một hình ảnh biểu tượng cho sự vắng bóng, xa cách và mong manh của tình cảm.
  3. Lá ngô lay ở bờ sông cũng là một hình ảnh nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai miền Nam và Bắc, giữa hai số phận của hai người bạn trong bài thơ. Một người được vào đại học ở miền Bắc, có cuộc sống an nhàn và học tập; một người phải ở lại miền Nam chiến đấu, có cuộc sống gian khổ và khát khao được học hành.

Những Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió Hay Nhất

Những bài văn phân tích, cảm nhận bài thơ Bờ sông vẫn gió hay nhất.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió Hay Nhất

“Bờ sông vẫn gió” là bài thơ khóc mẹ của Trúc Thông, mới đọc tưởng nhà thơ đứng trước hương hồn người mẹ đã khuất mà trào dâng cảm xúc. Nhưng thực ra, bài thơ được sáng tác năm 1983 – trong một lần về thăm quê, và một năm sau đó, mẹ của nhà thơ mới qua đời. Dường như linh cảm về cái chết cận kề của người mẹ già yếu đang đến rất gần làm bộc phát những lời thơ nghẹn ngào, xúc động đến ám ảnh.

Thực ra bài thơ không có gì mới về nội dung, ngôn ngữ, thể loại… kể cả hình ảnh. Một bờ sông quê trong chiều đầy gió với những tàu lá ngô xào xạc. Nhưng lạ kì thay, ngay ở câu thơ đầu tiên, chỉ với chữ “lay” thôi, người đọc đã phải chững lại.

Thường người ta dùng từ “lay” khi miêu tả những cây cao, lớn lúc chuyển động trong gió. Ở đây, Trúc Thông dùng nó cho lá ngô, một loại lá dài, tàu nhỏ. Dường như có điều gì xao động.

Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về

Thì ra, lá ngô lay động đánh thức trong lòng người nỗi chạnh buồn, xa xót. Động từ “lay” đầy biểu cảm chạm đến sự mong manh, thảng thốt.

Dù trong câu thơ lặp lại hai lần hình ảnh bờ sông và gió nhưng sự lặp lại này hoàn toàn không đơn điệu mà càng nhấn mạnh nỗi đau đáu ngóng trông. Cảnh vật thì vẫn vậy, cớ sao “người” không thấy về? Người ở đây chính là mẹ. Mẹ đã đi về mãi cuối trời.

Có lẽ, trong những nỗi mất mát của đời người thì mất mẹ là nỗi đau lớn nhất. Dù ở tuổi nào, trưởng thành đến đâu thì khi không còn mẹ, cả một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi đã hiện hữu trong lòng. Khoảng trống ấy hoang hoác khi vô tình gặp cảnh cũ. Làm dấy lên niềm mong mỏi tha thiết của đứa con:

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối… một lần về cuối thôi

Lời cầu xin khắc khoải, tha thiết. Không chỉ một lần, mà tới mấy lần “lệ xin giọt cuối để dành”, “con xin ngắn lại đường gần”. Khi nhận ra nỗi mất mát là quá lớn, người con sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ mong được gặp lại mẹ – dù chỉ một lần. Mẹ hãy một lần trở về.

Từ “về” được nhắc đi nhắc lại tới 5 lần: không thấy về, về quê, lần về cuối, về thương, về buồn… Không phải là sự trở về đơn thuần mà là sự trở về của tâm tưởng và cảm xúc. Không gian đằng đẵng, thời gian mênh mông nhưng hình ảnh mẹ, cuộc đời vất vả tảo tần của mẹ còn in đậm trong tâm trí và trái tim con.
Chỉ một vài hình ảnh đã làm hiện lên không khí vừa xa vời vừa gần gụi: bến sông trôi, thời tóc xanh, cây cau, giại hiên nhà… quê và mẹ hiện lên đủ đầy và rưng rưng; yêu thương nức nở. Thấp thoáng cả hình bóng cha.

Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần

Cặp đối “sông xa – đường gần” càng tô đậm khao khát của người con. Con xin được làm tất cả trong khả năng của mình để đổi lấy một lần về của mẹ” một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”.

Biết không thể chống lại quy luật của tạo hóa nhưng vẫn ước ao, mong ngóng. Điều ước đó chỉ để nói một điều rằng: Con đã không còn mẹ, con đã “mồ côi”- dù không còn bé nhỏ. Nhưng nghĩ về mẹ, vẫn thấy bé bỏng vô ngần. Không còn mẹ, điểm tựa tinh thần vững vàng, bền bỉ nhất đời cũng đã rời bỏ con. Cho con được một lần nữa nhìn thấy người, rồi người dần dần đi… cho lòng con đỡ hẫng hụt, xa vắng.

Chỉ “một lần“ thôi – điều cầu xin khắc khoải ấy được lặp đi, lặp lại đến 3 lần:

Một lần cuối…một lần về cuối thôi
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi.

Những dấu chấm lửng xao xác đưa lời con rơi vào cõi thinh không vô định. Để lại một khoảng lặng nhưng đồng thời gợi lên bao đồng cảm nơi người đọc.

Có người nói, bài thơ này của Trúc Thông thật giản dị so với những sáng tác trên con đường cách tân thơ của ông nhưng lại được nhắc đến nhiều nhất, làm nên tên tuổi của nhà thơ. Bởi sự giản dị đó đã đạt đến cái ngưỡng, đẹp lấp lánh và chạm đến trái tim mọi người.

Bài thơ là tiếng khóc thăm thẳm của người con mất mẹ.

Và không ngạc nhiên khi người ta nhớ, thuộc và yêu bài thơ đến thế. Bởi tình mẫu tử luôn là sợi dây bền chặt, thiêng liêng nhất trong cuộc đời này!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Bờ Sông Vẫn Gió Đặc Sắc Nhất

Trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ, nếu viết được một bài thơ để người đời nhớ đến đã là điều vô cùng hạnh phúc, không phải ai cũng làm được. Và tôi tin Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông là bài thơ trời đã ban cho ông, với những câu thơ xuất thần khiến bạn đọc rưng rưng đến gai người.

Có thể nói luôn rằng, đó là bài thơ không có gì mới về ngôn ngữ, thể loại và cả về hình ảnh, nhưng nó chạm đến trái tim người đọc. Trúc Thông đã dẫn dắt chúng ta đến với bài thơ bắt đầu bằng sự ngóng đợi. Trong cái sự ngóng đợi đó có chút man mác buồn cùng với những hoài niệm. Vẫn bờ sông ấy, vẫn nương ngô ấy, vẫn dòng chảy kia và cả bao hình ảnh, kỉ niệm cứ ùa về vậy mà người đi xa vẫn không trở về…

Điểm nhấn của hai câu thơ này chính là từ “lay”. Đây là một động từ đầy biểu cảm trong bối cảnh đó. Nó chạm đến sự mong manh, chạm đến sự thảng thốt, chạm đến sự se sắt trong lòng chủ thể nhân vật và cả trong lòng người đọc. Ở hai câu thơ này có hai hình ảnh bị lặp.

Đó là hình ảnh của gió và hình ảnh bờ sông. “Lá ngô lay ở bờ sông”, có nghĩa là gió đang thổi nhẹ trên bờ sông, câu thứ hai nhà thơ vẫn lặp lại ý đó. Nhưng thật lạ, cái sự lặp đó lại không thừa, mà càng làm tăng sức biểu cảm của thơ. Ta cảm nhận được sự nôn nao trong lòng người ngóng đợi, dẫu biết rằng đó là sự ngóng đợi bằng tâm thức, bằng hoài niệm.

Đọc những câu thơ tiếp theo, ta thấy cấp độ tình cảm tăng dần. Có gì đó day dứt, có gì đó thương đau và rồi người đọc như sững lại khi biết rằng nhà thơ đang ngóng đợi mẹ mình, người mẹ đã ra đi về thế giới bên kia. Đối với những đứa con, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ, nói như Trịnh Công Sơn: “Mất mẹ là mất đi tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”. 

Trong cái sự mong ngóng đó, Trúc Thông đã vẽ nên một bức tranh làng quê thật thanh bình đã gắn bó với cả cuộc đời tần tảo của mẹ. Câu thơ “Về buồn lại đã một đời tóc xanh”, như đã nói lên hết thân phận dâu bể của mẹ. Và những kí ức đó về mẹ càng làm cho đứa con thêm day dứt, đau đớn. Để rồi đến cuối bài thơ sự ngóng đợi của người con bị đẩy lên thành cao trào “Con xin ngắn lại đường gần. Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”

Có lẽ thành công của bài thơ là đã đạt đến ngưỡng của sự giản dị. Trong mỗi một con người và trong mỗi một cuộc đời sáng tác để đạt đến ngưỡng của sự giản dị dường như cũng thật khó. Đó là sự giản dị lấp lánh làm mê lòng người.

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Thơ Về Sông Hương Núi Ngự ❤️️ 55+ Bài Thơ Hay Nhất

Viết một bình luận