Mùa Xuân Xanh Của Nguyễn Bính [Nội Dung Bài Thơ + Phân Tích]

Mùa Xuân Xanh của Nguyễn Bính ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích ✅ Tìm Hiểu Về Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa, Nghệ Thuật Bài Thơ, Gợi Ý Đọc Hiểu.

Nội Dung Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Của Nguyễn Bính

Mùa xuân xanh là một bài thơ hay và đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Bính. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam. Dưới đây là nội dung bài thơ, mời bạn đọc cùng thưởng thức.

Mùa xuân xanh
Tác giả: Nguyễn Bính

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Đọc thêm 🌿Bài Thơ Quê Hương Của Nguyễn Bính🌿 Nội Dung, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Mùa Xuân Xanh

Bài thơ Mùa xuân xanh của tác giả Nguyễn Bính được trích từ tập thơ Nước giếng thơi, NXB Hội Nhà văn, 1957. Sau này vào năm 2003 lại được xuất bản lần nữa trong tập Nguyễn Bính – thơ và đời, NXB Văn học.

Ý Nghĩa Bài Thơ Mùa Xuân Xanh

Bài thơ Mùa xuân xanh là một bản hòa ca của màu sắc với sự khởi đầu của một năm mới đến, sự dịu dàng của màu xanh của đất trời. Bài thơ chính là lời tâm tình của tác giả đang mở rộng đón chào mùa xuân với tràn trề bao ước vọng, bao tin tưởng vào cuộc đời ngày mai.

Đọc hiểu tác phẩm 🌸Xuân Về [Nguyễn Bính]🌸 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Nghệ Thuật Bài Thơ Mùa Xuân Xanh

Chia sẻ đến bạn đọc những giá trị nghệ thuật của bài thơ Mùa xuân xanh.

  • Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn.
  • Lời thơ giản dị, trong sáng, gần gũi,
  • Sử dụng biện pháp nhân hóa: Cỏ có tư thế, tâm trạng như con người: nằm, đợi. Biện pháp này có tác dụng khiến thiên nhiên, cây cỏ có hồn, sinh động hơn.
  • Nghệ thuật đối giữa hai câu thơ: Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh đối với Tôi đợi người yêu đến tự tình. Nghệ thuật này nhằm nhấn mạnh sự giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa thiên nhiên với con người lúc xuân sang. Tất cả như ngập tràn trong hơi thở tình yêu.

Đọc Hiểu Bài Thơ Mùa Xuân Xanh

Gợi ý cách đọc hiểu bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính thông qua các câu hỏi dưới đây.

👉Câu 1: Viết một câu văn trả lời câu hỏi: Nguyễn Bính là ai?

Đáp án: Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945).

👉Câu 2: Bài thơ đã nói tới những sắc xanh nào? Câu thơ nào khái quát được nét đặc sắc của mùa xuân được miêu tả trong bài thơ?

Đáp án: Bài thơ đã gợi lên bạt ngàn sắc xanh từ mọi tầng không gian: trời xanh, lá xanh, lúa xanh, cỏ xanh, tre xanh, thắt lưng xanh,… Các sắc xanh này giao hoà, lan toả và nổi bật nhất chính là cái thắt lưng của người con gái. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện vẻ đẹp tươi mới, căng tràn của mùa xuân và mối giao hoà giữa thiên nhiên và con người.

👉Câu 3: Nhận xét về nghệ thuật của hai câu thơ: “Lúa ở đồng tôi và lúa ở – Đồng nàng và lúa ở đồng anh”.

Đáp án: Hai câu thơ được viết theo lối vắt dòng, cùng với sự lặp lại (điệp) một số từ như “và”, “ở”, “đồng”, “lúa”,… tạo nên sự tiếp nối, toả lan, giao hoà, trùng điệp của những sắc xanh; diễn tả cảm xúc ngất ngây, phơi phới của tác giả..

👉Câu 4: Anh (chị) hiểu câu thơ “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” theo nghĩa nào trong các nghĩa sau:

a) Cỏ nằm đợi tiết thanh minh đến có mưa xuân để được xanh lại, tốt tươi.

b) Cỏ nằm đợi tiết thanh minh có hội đạp thanh (đạp cỏ) trai gái tụ tập đông vui.

c) Cỏ nằm đợi tiết thanh minh có lễ tảo mộ, người ta xén cỏ, làm mới ngôi mộ.

Đáp án: Theo em hiểu thì câu thơ “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” có nghĩa là cỏ nằm đợi tiết thanh minh đến có mùa xuân để được xanh lại, tốt tươi.

Tham khảo thi phẩm🌱Tương Tư [Nguyễn Bính] 🌱 Nội Dung, Nghệ Thuật

5 Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Hay Nhất

Nếu bạn đang tìm kiếm các mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính hay nhất thì đừng nên bỏ qua các gợi ý dưới đây nhé!

Phân Tích Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Của Nguyễn Bính Hay – Mẫu 1

Người ta vẫn thường nói “một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Và như vậy, có thể nói mùa xuân gắn liền với mọi sự bắt đầu.

Niềm mong đợi, nỗi khát khao mùa xuân thổn thức trong trái tim mỗi người ở những cung bậc, những cường độ khác nhau. Có thể đứng ở những ngã rẽ thời gian, những trạng thái tâm lý khác nhau con người ta nhìn mùa xuân cũng khác nhau. Song điều chắc chắn là tất cả đều hướng đến mùa xuân như hướng đến sự khởi đầu tuyệt diệu và nhiều hứa hẹn.

Và một điều chắc chắn nữa, mùa xuân trong cảm quan tuổi trẻ – lứa tuổi bắt đầu cho một đời người – là đẹp nhất. Bởi, đó là mùa của tình yêu hò hẹn, của khát vọng ước mơ, của chờ đợi, yêu thương, hờn dỗi, mà nói như thi sĩ Nguyễn Bính – đó là “mùa xuân xanh”.

Ngay từ tựa đề, bài thơ đã đưa người đọc đến với thế giới của “màu hy vọng”. Chẳng phải màu vàng của “mùa xuân chín” trong thơ thi sĩ họ Hàn, chẳng phải sự nuối tiếc thở than như chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu: “Còn xuân… nhưng chẳng còn tôi mãi”.

Nguyễn Bính để cho nhân vật trữ tình của mình hướng tới mùa xuân và nhìn mùa xuân trong một tâm thế thật thoải mái. Trong đôi mắt yêu đời với dạt dào những cảm tình tươi trẻ, mùa xuân được hiện lên với những gì vốn có của nó:

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
(Mùa xuân xanh)

Một bầu trời màu xanh, những tán lá tươi xanh, những cánh đồng ngát xanh… tất cả cùng dệt nên một tấm thảm màu xanh trải rộng trong cả không gian bất tận của mùa xuân. Điều thú vị là trong ngút ngàn màu xanh ấy, người đọc bắt gặp một tâm sự, một niềm hy vọng thầm kín cũng thật xanh.

Cảnh là tình, điều đó hiện hữu rõ trong ánh mắt và tâm tình thầm kín của nhân vật trữ tình, nó cũng hiển hiện nhờ màu xanh của mùa xuân như trên từng nấm mộ kia cỏ đang nằm đợi tết thanh minh để xanh thêm màu lá.

Mộc mạc, chân thật, lời thơ vừa buông ra ta như đã cảm thấy gần hơn rất nhiều với nhân vật trữ tình. Trong hương sắc của mùa xuân, chàng trai không ngần ngại và giấu giếm mà có thể bộc bạch lòng mình thật nhất:

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Liệu niềm mong đợi chân thành kia có được đáp lại? Ta chưa biết, nhưng mùa xuân – mùa của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi, của màu xanh ngập tràn hy vọng thì lẽ nào niềm hy vọng nhỏ bé kia lại phải vội tắt. Trong không gian xanh ngút ngàn của mùa xuân, niềm “mong đợi người yêu đến tự tình” của chàng trai như đang được truyền đi để kiếm tìm, để nhắn gởi. Và kia, niềm hy vọng đã lóe sáng:

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
(Mùa xuân xanh)

Tấm thảm màu xanh của bài thơ được tiếp tục bởi lũy tre làng và một chiếc thắt lưng xanh. Hình ảnh chiếc thắc lưng xanh như nổi bật trên nền màu xanh của bài thơ. Một niềm hy vọng mới được đốt cháy.

Và ý nghĩa của mùa xuân, Ôi! Thật diệu kỳ. Biết đâu một mùa xuân nữa, lại một mùa xuân xanh, mùa đợi chờ lại chín:

Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thư đề nét chẳng phai.

Ngút ngàn trong một màu xanh, bài thơ đưa ta đến với những cảm giác thật nhẹ nhàng, dễ chịu song khó quên. Và ta cũng như đang mong đợi, đang hy vọng đón chờ một “mùa xuân xanh”.

Phân Tích Đánh Giá Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Hay Đặc Sắc – Mẫu 2

Nhắc đến Nguyễn Bính, không thể không nhắc đến Mùa xuân xanh. Chỉ với 8 dòng thơ cùng lời thơ giản dị, trong sáng, bài thơ đã mang lại cho người đọc một bức tranh mùa xuân xanh tươi sáng và tràn đầy tình cảm tươi trẻ. Từ ngay tựa đề của bài thơ, ta cũng thấy được mùa xuân với màu hy vọng và sức sống mãnh liệt. 

Bức tranh được hiện lên thật tươi đẹp qua mắt nhà thơ thông qua bốn câu thơ đầu: 

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Có thể nói, mùa xuân là mùa của màu xanh hoặc màu xanh là màu của mùa xuân. Màu xanh của bầu trời trong trẻo, màu xanh của những tán lá cây, những chồi non mới nhú, một màu xanh non nõn chuối dù nhỏ bé nhưng tràn đầy sức sống. Màu xanh của những cánh đồng bát ngát mùi lúa mới, màu xanh của đồng cỏ bất tận.

Có bốn câu thơ nhưng có tận năm từ ở xuất hiện. Màu xanh có ở tất cả mọi nơi, xung quanh vào mùa xuân đều tràn ngập những sắc xanh đầy sức sống, màu xanh này trồng lên màu xanh kia, tầng tầng lớp lớp đem sự sống, hy vọng đến mọi người. 

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Mùa xuân còn được gọi là mùa bắt đầu cho những tình yêu chớm nở. Trong siêu phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Thúy Kiều và Kim Trọng cũng gặp nhau trong ngày hội của tiết thanh minh cũng với sác xanh của cỏ, cây, hoa, lá và cảnh vật động lòng người. Hình ảnh nhân hóa cỏ nằm đợi tiết thanh minh đã cho ta thấy một lễ hội đẹp mà mùa xuân không thể thiếu. 

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Trong cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân, có một lời bộc bạch mộc mạc, chân thành. Dù không biết người ấy có đến và tình yêu sẽ nở rộ hay không nhưng mùa xuân chính là mùa của tình yêu, của màu xanh ngập tràn hy vọng nên có lẽ nó đã giúp mọi người có nhiều niềm tin trong cuộc sống hơn. Và đúng là mùa của hy vọng, của sự hồi sinh, lời bộc bạch kia đã có lời giải đáp.

Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Màu xanh lại xuất hiện trong hai câu thơ cuối bài thơ. Đó là màu xanh của lũy tre làng và màu xanh của chiếc thắt lưng. Hình ảnh chiếc thắt lưng xanh nổi bật lên trên tất cả màu xanh của bức tranh mùa xuân. Sau lũy tre làng là hình ảnh mọt bóng dáng quen thuộc với chiếc thắt lưng xanh. Nó có thể là thứ mở ra một hy vọng mới, cũng có thể mở ra một cuộc tình mới, một niềm hạn phúc mới. 

“Mùa xuân xanh” là một bài thơ lãng mạn và rất đẹp, ẩn chứa và mang lại những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp không chỉ vì mang sắc màu của mùa xuân mà còn đẹp vì tình yêu của đôi lứa. Mùa xuân luôn là một đề tài muôn thuở nhưng trong các bài về đề tài mùa xuân, đây có lẽ là bài thơ hay và để lại trong em nhiều ấn tượng nhất.

Cảm Nhận Và Phân Tích Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Ngắn Hay – Mẫu 3

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

“Mùa xuân là cả một mùa xuân xanh” là câu thơ mở đầu của Nguyễn Bính trong bài thơ “Mùa xuân xanh” gợi ra sự trùng điệp của sắc màu tạo hóa. Tâm hồn của thi sĩ lãng mạn như rung động theo nét tương đồng của mùa xuân khởi đầu của một năm, với sắc màu nền nã, dịu dàng của “màu xanh” đất trời.

Trong thế giới màu sắc rộn ràng của thơ xuân Nguyễn Bính, đẹp nhất hình ảnh của một “mùa xuân xanh”. Câu thơ phác họa gam màu xanh kì diệu tạo ấn tượng tươi tắn, trong trẻo, tinh khôi. Màu xanh trở thành gam màu chủ đạo bao trùm toàn bộ không gian, những điệu xanh liên hoàn, không trùng lặp.

Màu xanh ở trên trời cao, sà xuống thấp với lá và thấp hơn nữa, rồi mở ra theo chiều rộng, theo cái mênh mông của đồng lúa rập rờn. Mùa xuân là cả một mùa xanh là thế! Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa, mùa của hạnh phúc viên mãn và cả gam màu xanh của sự tươi mới.

“Mùa xuân là cả một mùa xanh” cũng chỉ là điểm khởi động của “Mùa xuân xanh” khi hướng ra ngoại cảnh để chuẩn bị cho chiều hướng nội, chuẩn bị cho tiếng nói tâm tình rất riêng của đôi lứa đang yêu trong chờ đợi, hẹn hò:

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

Các cô gái trẻ hiện đại hôm nay không còn trang điểm bởi “cái thắt lưng xanh” hoa lý như của các cô gái quê xưa những dịp hội hè hoặc trong những cuộc hẹn hò với người thương. Vì thế các chàng trai, cô gái hôm nay làm sao có thể cảm nhận được sự xao xuyến, rạo rực của chàng trai quê trong bài thơ của Nguyễn Bính.

Đọc lại câu thơ cuối cùng của “Mùa xuân xanh”- “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Vậy là điều “bắt đầu” điểm khởi thủy cũng là điều mãi mãi “cái thắt lưng xanh” của cô gái, chỉ có đôi mắt yêu thương của chàng trai đang chờ, đang đợi mới phát hiện thật nhanh dẫu nó mới chỉ thấp thoáng ẩn hiện “khỏi lũy tre làng”.

Ngân nga suốt bài thơ của Nguyễn Bính là giai điệu xanh của thiên nhiên và cái vẻ tình tứ nơi thôn hương của một thời đã thành hoài niệm đẹp. Nhà thơ của thương yêu dẫn dắt ta từ “Mùa xuân xanh” của đất trời cây lá đến nỗi niềm rạo rực trong tình yêu lứa đôi một thuở đẹp như ca dao, cổ tích- cũng là từ “Mùa xuân xanh” đến tình xuân xanh, bài thơ nhỏ thật dịu dàng mà cũng thật lãng mạn của Nguyễn Bính ru mãi lòng ta trong tình thương yêu con người và cuộc sống.

Cảm Nhận Về Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Ngắn Gọn – Mẫu 4

Nguyễn Bính – một nhà thơ nổi bật trong phong trào Thơ mới, ông có những sáng tác hiện đại, mang một không khí tươi trẻ và ấm áp. Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bính, ta nhớ đến Mùa xuân xanh – một tác phẩm nổi bật thể hiện phong cách thơ của ông. Với 8 dòng thơ ngắn ngủi và đầy tinh tế, tác giả đã khắc họa thành công bức tranh mùa xuân với khung cảnh thiên nhiên đầy tươi sáng và ấm áp của một mùa xuân, xanh của hy vọng và sức sống mới cho một mùa xuân mới.

Ở bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã khéo léo miêu tả mùa xuân đầy tinh tế với câu từ mang sức biểu cảm cao:

“Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.”

Nói mùa xuân là một mùa xanh quả là có lí do của nó, mùa xuân đến, bao nhiêu khung cảnh tươi mới hiện ra, màu xanh của bầu trời xanh thẳm, trong trẻo đến lạ thường. Màu xanh của những mầm non mới nhú sau một mùa đông lạnh lẽo khi những chiếc lá đã rụng đi, chồi non mọc mơn mởn trên những cành lá đầy màu xanh.

Đó là biểu hiện của sức sống tràn ngập, sức sống của thiên nhiên thật đẹp đẽ. Màu xanh trên những cánh đồng tràn đầy màu sắc ấm áp, mùa của những lúa mới, của những đồng cỏ xanh tự nhiên mà bất tận vô cùng. Chỉ với bốn câu thơ nhưng lại có rất nhiều từ ở, vậy nên màu xanh có ở tất cả mọi nơi trong cuộc sống, tạo nên một tổng thể màu sắc hài hòa cho cuộc sống trở nên đẹp hơn, màu xanh – màu của sự hy vọng. 

“Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”

Những điều tươi mới nhất thường đến vào mùa xuân, mùa xuân cũng là mùa của những khởi đầu mới, tình yêu cũng được chớm nở từ đây, hình ảnh thân thuộc lũy tre hay hình ảnh đầy ấm áp, Tết thanh minh với hình ảnh nhân hóa cỏ đã cho thấy những vẻ đẹp của một lễ hội đẹp và đầy màu sắc mà mùa xuân thì không thể thiếu những lễ hội.

“Tôi đợi người yêu đến tự tình” – câu thơ như một lời bộc bạch đầy tinh tế và chân thành. Tác giả không biết tình yêu đó đến có hạnh phúc và nở rộ hay không nhưng mùa xuân đến đã tràn ngập những hy vọng của một tình cảm mới và có niềm tin vào cuộc sống hơn. 

“Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”

Đến đây, màu xanh đã được tiếp tục trong các câu thơ của Nguyễn Bính, lũy tre xanh ngát của ngôi làng thân thuộc, màu xanh của các sự vật trong cuộc sống hàng ngày, hay cái thắt lưng xanh là những hình ảnh màu xanh đó đã khắc họa thêm bức tranh màu xanh đầy ấm áp và đẹp đẽ được tác giả khắc họa qua bức tranh mùa xuân.

 “Mùa xuân xanh” là một bài thơ đầy màu sắc và đậm chất trữ tình lãnh mạn mang niềm hy vọng thầm kín mang niềm hy vọng về cuộc sống mới, một mùa tươi đẹp những hy vọng vẫn đang được nuôi nấng. Bài thơ mang vẻ đẹp của màu sắc mùa xuân mà con là vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa. Mùa xuân là một đề tài đẹp như thế, đi vào thơ ca như một bài hát đầy ấm áp. Đây là bài thơ hay và để lại những ấn tượng tốt trong lòng độc giả.

Phân Tích Bài Thơ Mùa Xuân Xanh Hay Sâu Sắc – Mẫu 5

Không hiểu sao, cứ mỗi dịp xuân về là tôi lại nhớ đến nhà thơ của “Chân quê” với những bài thơ xuân bừng sáng cả trời quê. Nếu như “Mưa xuân” có cái dịu dàng, thổn thức, phập phồng của cô thôn nữ bên khung cửi khi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” thì “Mùa xuân xanh” lại là cái xốn xang thấp thỏm trong tâm hồn chàng trai chốn “vườn chanh”.

Không gian của bài thơ choáng ngợp một màu xanh: “Mùa xuân là cả một mùa xanh“. Ấy là màu xanh mát dịu của “giời ở trên cao“, màu xanh nõn nà của những cành lá non tơ trên cành và màu xanh mơn mởn của lúa xuân. Chao ôi, màu xanh bao quanh tứ phía, đặc biệt màu xanh của lúa đã khiến chàng thi sĩ của chân quê không thể liệt kê được hết. Chỉ biết là, màu xanh rời rợi của:

“Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”

Đến cả ngôi mộ – biểu trưng cho sự tàn tạ, héo úa cũng được rải lên một màu xanh tươi roi rói của “cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”. Dù là “nằm trên mộ” nhưng những cọng cỏ ấy dường như cũng đang rất hồi hộp đợi chờ những ngày thanh minh để kết duyên cùng nắng mới.

Bao trùm lên tất cả là màu xanh, màu xanh của mùa xuân làm nền cho bức tranh “tự tình” của “tôi” với “người yêu”. Thật lãng mạn quá, thơ mộng quá! Màu xanh vốn là màu của sự sống, màu của biết bao niềm tin yêu, hy vọng, tương lai. Đặt cảnh “tự tình” đôi lứa trong nền cảnh ấy thì còn gì đẹp hơn?

Trong những phút giây đợi chờ ấy, “tôi” lại nhận ra một nét xanh góp thêm vào bức tranh vốn đã rặt các điệu xanh, tưởng như không còn có gì làm cho nó xanh thêm nữa, ấy vậy mà, lại thấy một sắc xanh mềm mại, dịu dàng, quen thuộc của “lũy tre làng”. Điều vô cùng thú vị mà bài thơ đem đến cho người đọc ấy là, cái giật mình của thi sĩ khi phát hiện ra:

“Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”

Rõ ràng lắm, từ đầu đến đây, dù không gian kia có cao rộng đến đâu, có xanh đến đâu, có đẹp đến đâu cũng không thể lấn át cái màu xanh rất riêng, dù nhỏ nhoi thôi – màu xanh của cái “thắt lưng” người con gái.

“Người yêu” của “tôi” đấy! Nàng đang đến để “tự tình” với “tôi”. Sau bao hồi hộp, phấp phỏng, bao nhiêu hy vọng xốn xang đợi chờ, thế rồi nàng cũng đến. “Cái thắt lưng xanh” ấy là dấu hiệu của sự đột phá, của sự sống, của tình yêu không gì có thể ngăn trở. Không phải là “tôi” tìm đến, mà là “tôi đợi người yêu đến tự tình”.

Hóa ra là, hai người đã có hẹn rồi đấy. Đặt bài thơ vào thời điểm ra đời của nó, khoảng gần tám mươi năm về trước, ta mới thấy bài thơ thể hiện một sự đột phá. Đột phá trong tình yêu nam nữ. Khi mà cả xã hội còn nặng nề với lối tư duy cổ kính “cọc không đi tìm trâu“, thì “cái thắt lưng xanh” “khỏi lũy tre làng” mà tôi nhận thấy không lẫn vào đâu được mới mạnh dạn làm sao, tự tin làm sao! Vì thế mà, cái nền của buổi “tự tình” này phải là màu xanh, chan chứa màu xanh. Hy vọng rằng, “mùa xuân xanh” ấy sẽ cho họ nên duyên.

Hy vọng rằng, màu xanh của mùa xuân ấy sẽ đem lại tự do, hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa! Đó, phải chăng là ước mơ của thi sĩ chốn chân quê, hy vọng ấy dành cho tất cả những chàng trai, những cô gái quê được tự do đến với nhau, thoát ra khỏi những lề thói xưa cũ o ép đầy oan khổ, trái ngang?

“Mùa xuân xanh” là một bài thơ đẹp, nhỏ xinh mà ẩn chứa những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp bởi nó mang màu xanh thiên nhiên, cây lá rất thân thuộc của nông thôn Việt Nam xưa nay.

Cái độc đáo của bài thơ là ở vẻ xanh của nền, vẻ xanh của cảnh, không tạo nên những gam màu tương phản mà vẫn thu hút sự chú ý của người đọc. Giời xanh thế, lá xanh thế, lúa xanh thế, tre xanh thế mà cũng chỉ đủ làm nền cho “cái thắt lưng xanh“. Màu xanh ấy là mùa xuân đang cựa mình sinh sôi, là tình yêu đang dâng hương đem sự sống cho đời. Mùa xuân mà nhà thơ gửi gắm “cái thắt lưng xanh” táo bạo ấy đến nay càng trở nên xanh mãi. Mùa xuân bừng sáng của tình yêu lứa đôi!

Chính vì vậy mà đã gần một thế kỷ trôi qua, “con chim sơn ca từ hương đồng cỏ nội” Nguyễn Bính vẫn được người đọc say mê bởi những vần thơ tuyệt bút!.

Giới thiệu thêm cho bạn bài thơ 🌿Chân Quê Nguyễn Bính🌿 Nội Dung, Ý Nghĩa

Viết một bình luận