Nghe Em Vào Đại Học [Giang Nam]: Ý Nghĩa + Phân Tích

Nghe Em Vào Đại Học [Giang Nam] ❤️️ Ý Nghĩa, Phân Tích Bài Thơ ✅ Cùng Thohay.vn Tìm Hiểu Sâu Hơn Về Bài Thơ Nghe Em Vào Đại Học Của Giang Nam.

Nội Dung Bài Thơ Nghe Em Vào Đại Học Của Giang Nam

Bài thơ: Nghe em vào đại học
Tác giả: Giang Nam

Nghe em vào đại học
Nửa tin nửa ngờ, tên lại trùng tên…
Hôm nay nhận được thư em
Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng
Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng
Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em
Ngọt gió quê hương, sông rạch dịu hiền…
Miền Nam, em ơi còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn
Trường, giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng
Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ
Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ
Những lá cờ sao bên những vòng tròn
Đầu nghiêng nghiêng theo nét chữ run run…
Có những buổi học em học bài không thuộc
Anh không mắng nhưng em buồn em khóc!
Thương em, anh cố dỗ dành:
“Ráng học sau này cho được bằng anh
Để chép bài ca, đọc thông tin tức!”
Ôi! mơ ước tầm thường, đơn giản nhất
Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi!

“Bài ca” hôm nay em chép được rồi
Không phải bài “Đoàn quân đi…” thuở trước
Anh chưa bước chân vào trường đại học
Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên
Chưa biết vì sao ngày tối tiếp liền
Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng…
Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn
Bảy năm rồi trong máu lửa đấu tranh
Thầy giáo dạy em năm trước học vần
Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!
Vẫn chật vật với những bài số học!
Thư viết cho em phải xóa sửa mấy lần!
Anh không buồn vì anh biết em anh
Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học

Mai ngày nước nhà thống nhất
Em lại về dạy chữ cho anh
Không phải bằng than vẽ, gạch thềm đình!
Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc…
Em sẽ bảo anh: “Cố lên, gắng học!…”
Anh sẽ mỉm cười nhớ những đêm trăng…
Chế độ cho em đôi cánh chim bằng
Và vinh dự được làm người đi trước!

Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt
Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam…
Câu chuyện mở đầu: “Thuở ấy, ở quê hương
Anh chỉ học có một trường: Cách mạng…”

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️Thơ Về Ngày Khai Giảng ❤️️65+ Bài

Ý Nghĩa Bài Thơ Nghe Em Vào Đại Học

Bài thơ kể về cảm xúc của một chiến sĩ ở lại miền Nam chiến đấu khi nhận được thư của một người bạn đã vào đại học ở miền Bắc. Bài thơ thể hiện sự đau đớn và tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội học hành, nhưng cũng tự hào và vinh dự vì góp phần vào cuộc cách mạng. Bài thơ cũng là một lời tri ân đến những người đã hy sinh cho tổ quốc.

Hoàn Cảnh Ra Đời Bài Thơ Nghe Em Vào Đại Học

Cùng thohay.vn tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời bài thơ “Nghe em vào đại học” qua những chia sẽ của tác giả bên dưới.

Trong buổi trưa hè ở phố biển, nhà thơ Giang Nam đã say sưa nói về Nghe em vào đại học. Như lời ông nói thì đó chính là “nỗi lòng” của mình trong những ngày ở lại miền Nam chiến đấu.

“Vào giữa năm 1961 trong bối cảnh chiến tranh giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam, lúc đó cơ quan Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa đóng ở căn cứ Hòn Dù (Nha Trang). Cũng trong thời gian này ta thường mở các đợt phá kềm ở các vùng giáp ranh. Trong cơ quan tuyên huấn lúc đó có cậu liên lạc người địa phương được anh em đặt bí danh là “Mi-đa”.

Vào một đêm vào giữa mùa hè như bây giờ, chúng tôi về phá kềm ở làng Đại Điền – Diên Khánh. Mặc dù đã nhận được giấy báo ra miền Bắc học tập nhưng Mi-đa vẫn nằng nặc xin theo vì Đại Điền chính là quê hương của cậu.

Hôm đó chúng ta phá kềm thành công, tôi và các anh trong cơ quan Tuyên huấn chia nhau đi nói chuyện, tuyên truyền vận động bà con. Thế nhưng đêm hôm sau chúng tôi vừa rút ra khỏi làng thì gặp ổ phục kích của địch, phía ta có một người hy sinh và thật đau đớn đó lại chính là Mi-đa.

Ngay trong đêm chúng tôi đưa Mi-đa về căn cứ Hòn Ngang chôn cất, còn nhớ lúc đó là mùa khô nên đất rất cứng chúng tôi phải đào huyệt rất lâu. Côn cất Miđa xong anh em phải rút đi thật xa vì sợ địch lần theo. Đang trằn trọc trên võng thì giống như định mệnh, giao liên đến đưa cho tôi lá thư từ miền Bắc gửi vào.

Đó là thư của một cậu trước đây cũng là liên lạc của cơ quan được cho ra Bắc học tập. Trong thư cậu này khoe với các chú đã thi đậu vào đại học. Từ những cảm xúc đau đớn, vui mừng lẫn lộn đó tôi đã thức suốt đêm để làm bài thơ này.

Thú thật bài thơ viết về Miđa nhưng trong đó có một phần nỗi lòng của tôi. Tuy đã hai lần được đề nghị ra Bắc học tập nhưng tôi vẫn xin ở lại quê hương chiến đấu. Thế nhưng có những lúc vẫn xốn xang trong lòng, cảm thấy tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội được học hành, nhất là trong những lúc gian khổ lại mơ về cảnh cổng giảng đường đại học, lại được bay bổng trong không gian thơ ca mà mình hằng mơ ước.

Anh em chúng tôi vẫn thường nói với nhau. Khi quyết định ở lại bám trụ chiến đấu cái đáng sợ nhất không phải là sự tàn khốc của chiến tranh, đối mặt với cái chết cận kề mà đó là sự đau đớn, tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội học hành, tiếp tục theo đuổi sở học của mình.

Thế nhưng sau khi làm bài thơ này tôi như cất được hòn đá tảng đè lên ngực. Kể từ đó tôi bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù mà lòng thanh thản đến lạ thường”.

Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nghe Em Vào Đại Học Hay Nhất

Cảm nhận, phân tích bài thơ nghe em vào đại học hay nhất.

45 năm qua, niềm vui ấy sẽ không bao giờ phai nhạt, không bao giờ đổi thay. Và sự kỳ vọng ấy sẽ còn lớn hơn để cho em và các bạn – những tân sinh viên của một mùa khai giảng – đi xa hơn, tiến xa hơn, mang theo sự vươn mình, chuyển mình và vượt mình của cả nền giáo dục nước nhà đang trong cơn sóng gió…

Cách đây 45 năm, năm 1961, giữa những đạn bom ác liệt của kẻ thù, những ngôi trường Đại học ở miền Bắc nước ta – nơi đào tạo nhân tài vẫn hiên ngang đứng vững trong những tháng ngày gian khổ nhất. Và ở đó, thay cho từng lớp đàn anh đàn chị trưởng thành đã ra trường, năm nào những tân sinh viên cũng háo hức bước vào “khuôn viên mơ ước” để bắt đầu một bước ngoặt mới quan trọng trong cuộc đời mình.

45 năm trôi qua, giờ đây đọc lại “Nghe em vào Đại học” của Nhà thơ Giang Nam, vẫn cứ lại bồi hồi bổi hổi một niềm vui khó diễn đạt bằng lời với các sinh viên mới… Mà không bồi hồi sao được ? Cả một năm miệt mài đèn sách cho mấy kỳ thi cam go; cả 12 năm “ngày hai buổi đến trường” vất vả; cả bao kỳ vọng từ những người yêu thương gửi gắm niềm tin, gửi cả món nợ ân tình không biết kể làm sao cho hết… Vậy nên mới có cái tâm trạng “điển hình” này khi nghe cái tin – thật khó giữ cho được bình tĩnh để mà tin:

“Nghe em vào đại học
Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên…

Bài thơ mở đầu giản dị như vậy đó, nhưng lại mở ra một tâm trạng không đơn giản chút nào. Cái nửa tin nửa ngờ, bán tín bán nghi. “Tin” vì em của anh là một người đầy nghị lực, em đã vượt qua bao khó khăn thiếu thốn của một cuộc sống đầy vất vả lo toan để thể hiện một quyết tâm đến kỳ lạ. “Ngờ” vì chuyện “học tài thi phận” vẫn là chuyện xưa nay.

Hơn nữa, kỳ thi vào Đại học khắc nghiệt nhường nào, cái tỉ lệ chọi đáng sợ luôn là nỗi lo của những người thiếu tự tin như anh phải không em ? Nhưng rồi, cái tâm trạng ấy đã vụt vỡ òa thành niềm vui khi chính em của anh thông báo cái tin đặc biệt ấy – quả là một thông tin xứng đáng mang đến một trong những niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của con người.

Hôm nay nhận được thư em
Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng
Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng
Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em
Ngọt gió quê hương, sông rạch dịu hiền…

Thơ Giang Nam thật giản dị với một câu chuyện kể cảm động, có thời gian, có không gian, có tâm trạng nhân vật trữ tình…Và quan trọng hơn cả là có cái xúc cảm chân thành đến mức, ta như cảm thấy ông nói hộ cho ta khi nghe tin đứa em yêu quý của mình đã đậu vào Đại học.

Niềm vui tràn ngập trong đoạn thơ, trên nét chữ nghiêng nghiêng cười, trên cái nắng Hồ Gươm tươi tắn – dù chỉ là trong sự hình dung, trong cái ngọt ngào của ngọn gió quê hương. Cả không gian, cả thời gian và tâm trạng đã đầy ắp niềm vui; hay cái niềm hạnh phúc to tát ấy chỉ có thể nhờ thời gian và không gian cùng chia sẻ nếu không nó sẽ tràn trề, sẽ lai láng đến mức người trong cuộc chỉ còn có thể “ngộp thở” trong vui sướng.

Và một cách thật tự nhiên, trong dòng liên tưởng của anh, những gian khổ, khó khăn – cái giá đắng nghét của thành công để cho ta cảm nhận đầy đủ nhất vị ngọt ngào của niềm vui bất tận – ồ ạt hiện về.

Miền Nam, em ơi còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn
Trường: giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng
Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ.
Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ
Những lá cờ sao bên những vòng tròn
Đầu nghiêng nghiêng nét chữ run run…

Tất nhiên, cái gian khổ của chiến tranh ngày xưa không thể có gì sánh nổi nhưng bài thơ vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở ta khi đọc lại nó trong những năm tháng hòa bình mà những người nghèo khó như anh em mình đã phải trải qua. Bao nhiêu thử thách, bao nhiêu khó khăn.

Thậm chí có lúc tưởng chừng như gia đình không vượt qua được nữa. Thế nhưng cái mơ ước cháy bỏng của mẹ cha – những người không may mắn được học hành; cái mong mỏi thiết tha của anh – người đã sớm cởi bỏ chiếc áo trắng học trò lao vào cuộc mưu sinh đế đàn em của mình được đến trường…Tất cả đã thôi thúc em không quỵ ngã trong những ngày gian nan nhất. Không có điều kiện đi học thêm cùng chúng bạn, một buổi đến trường, một buổi phải phụ giúp gia đình. Rồi những đêm không có điện chỉ có ánh đèn dầu leo lét, rồi những buổi sáng đến trường bụng đói meo, những buổi trưa đội cái nắng gay găt trên đầu đi bộ về nhà khi tan lớp…

Có những buổi, em học bài không thuộc,
Anh không mắng nhưng em buồn, em khóc
Thương em, anh cố dỗ dành:
“Ráng học sau này cho được bằng anh
Để chép bài ca , đọc thông tin tức!”
Ôi! mơ ước tầm thường, đơn giản nhất
Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi!

Vâng, có những mơ ước tưởng chừng như quá đỗi tầm thường đơn giản; vậy mà ngày xưa đối với anh vẫn quá lớn. Anh của em đã không thể bước tiếp trên con đường học vấn. Nhà mình nghèo, lại là anh Hai lớn, anh đã phải nghỉ học khi mới vừa lên lớp 9. Rồi theo ba đi phụ hồ, đi cấy mướn, đã bao lần anh đứng rưng rưng nhìn những bạn đồng trang lứa của mình tung tăng cắp sách đến trường…

“Bài ca” hôm nay em chép được rồi
Không phải bài “Đoàn quân đi…” thuở trước
Anh chưa bước chân vào trường đại học
Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên
Chưa biết vì sao ngày, tối tiếp liền
Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng

Ôi, nhân vật người anh trong bài thơ thật đẹp, thật đáng yêu, ở anh toát lên sự hy sinh thật giản dị mà ngọt ngào, anh đã làm điều rất ý nghĩa một cách rất hồn nhiên. Nhưng giờ đây, khi nghe em vào đại học, anh đã gửi vào niềm vui của em bao nhiêu kỳ vọng, kể cả bao mơ ước không thành của cuộc đời mình

Thầy giáo dạy em năm trước học vần
Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!
Vẫn chật vật với những bài số học
Thư viết cho em phải xóa, sửa mấy lần
Anh không buồn vì anh biết em anh
Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học.

Đọc bài thơ mà ta cứ rưng rưng. Hóa ra đây không phải là một bài thơ diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ của một tân sinh viên chuẩn bị bước chân vào mái trường Đại học, mà là niềm hân hoan sung sướng tột cùng của một người anh – người chưa bao giờ, và chắc là sẽ khó có bao giờ đặt chân đến giảng đường, để có dịp ngồi say mê chăm chú hướng về bục giảng rồi đêm về thao thức với những công trình nghiên cứu. Nhưng xét cho cùng, thì bài thơ vẫn viết về niềm hạnh phúc đấy thôi, thứ hạnh phúc lặng thầm ẩn sâu, đầy giá trị của sự hy sinh. Thế mới biết, đằng sau niềm vui của những tân sinh viên là bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu giọt nước mắt của người thân. Mà mồ hôi ấy, nước mắt ấy cũng là sự hóa thân từ yêu thương, từ san sẻ, hy sinh…

45 năm qua, niềm vui ấy sẽ không bao giờ phai nhạt, không bao giờ đổi thay. Và sự kỳ vọng ấy sẽ còn lớn hơn để cho em và các bạn – những tân sinh viên của một mùa khai giảng – đi xa hơn, tiến xa hơn, mang theo sự vươn mình, chuyển mình và vượt mình của cả nền giáo dục nước nhà đang trong cơn sóng gió…

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Bài Thơ Quê Hương Của Giang Nam ❤️️Nội Dung, Phân Tích

Viết một bình luận