Thơ Huỳnh Văn Nghệ: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ

Thơ Huỳnh Văn Nghệ ❤️️ Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ ✅ Đón Đọc Những Tác Phẩm Hay Nhất Của Thi Tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Huỳnh Văn Nghệ

Huỳnh Văn Nghệ vừa là một nhà hoạt động cách mạng vừa là một nhà thơ nổi tiếng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tiểu sử cuộc đời của ông thì hãy xem ngay phần chia sẻ sau đây:

  • Huỳnh Văn Nghệ (2/2/1914 – 5/3/1977) là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự Việt Nam, đồng thời ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng.
  • Quê: làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hoà, nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
  • Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình nên còn gọi là Tám Nghệ. Tuy nhà nghèo, nhưng ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt, được cha dạy dỗ về căn bản cả văn lẫn võ, được gia đình chăm lo ăn học đến nơi đến chốn.
  • Ông được cho đi học bậc tiểu học tại làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên và học rất giỏi. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, ông đã giành được học bổng bậc trung học của Trường Petrus Ký.
  • Từ năm 1932 đến 1945, Huỳnh Văn Nghệ tích cực tìm đến với cách mạng và đã được tuyên truyền về Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi giác ngộ và tham gia vào các hoạt động do Đảng lãnh đạo.
  • Tháng 7/1945 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tham gia chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hoà trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
  • Trong kháng chiến chống Pháp đã kinh qua các chức vụ: Chỉ huy trưởng Vệ quốc đoàn Biên Hoà, Chi đội trưởng Chi đội 10, Tư lệnh Khu 7, Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Biên.
  • Từ 1954-1964: tập kết ra Bắc, giữ chức vụ Cục phó Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ, tham gia công tác tại Trung ương Cục miền Nam, giữ các cương vị Trưởng ban Căn cứ, Phó ban Kinh tài và Trưởng ban Lâm nghiệp.
  • Sau khi đất nước thống nhất, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (về sau hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
  • Ông lâm bệnh và mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 3 năm 1977.
  • Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công nhận ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam theo quyết định số 241/QĐ-HV ngày 11 tháng 05 năm 2010.

Tặng thêm cho bạn tập 🔰Thơ Nguyễn Trọng Tạo 🔰Tuyển Tập Thơ Hay

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Huỳnh Văn Nghệ

Tổng quan những nét chính về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ:

  • Không chỉ là một chỉ huy quân sự tài ba, Huỳnh Văn Nghệ còn là một nhà thơ nổi tiếng, ông đánh giặc bằng cả gươm và bút. Vì lẽ đó mà đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”.
  • Làm thơ để đánh giặc, động viên những người ra trận, vì thế mà các bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ đều phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu gian khổ, oanh liệt ở chiến khu. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một trận bão lụt, một chiến sĩ hy sinh… tất cả ùa vào thơ ông, mang nguyên những bụi bặm chiến trường, nhiều khi như một phóng sự, ghi chép sự kiện.
  • Gần 50 bài thơ của ông đã được chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ (Nhà xuất bản Đồng Nai, 1998). Ngoài ra ông còn viết truyện ký, tự truyện được tập hợp trong hai tập sách Quê hương rừng thẳm sông dài và Những ngày sóng gió.
  • Tên tuổi ông được ghi trong sách Trí thức Sài Gòn – Gia Định, được đưa vào Từ điển danh nhân Việt Nam, Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, được đặt tên cho trường học ở Tân Uyên, nơi vùng đất chiến khu Đ năm xưa và một số đường phố ở Bình Dương, Biên Hòa, TP HCM.

Tác phẩm:

  • Thơ Đồng Nai (1949);
  • Bên dòng sông xanh (thơ, 1988);
  • Thơ Huỳnh Văn Nghệ (1998);
  • Huỳnh Văn Nghệ tác giả tác phẩm (2008).

Vinh danh:

  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.
  • Được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010.
  • Cuộc đời ông cũng được hãng TFS dựng thành phim truyền hình 37 tập Vó ngựa trời Nam, do Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc làm đạo diễn và các diễn viên Huỳnh Đông vai Huỳnh Văn Nghệ.
  • Ngoài ra, nhân vật Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) còn xuất hiện trong một số phim như: Dưới cờ đại nghĩa (do diễn viên Lê Văn Dũng đóng), Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình (do diễn viên Võ Hiệp đóng).

Phong Cách Sáng Tác Của Huỳnh Văn Nghệ

Phong cách sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ chủ yếu nói nhiều đến tình cảm giữa chiến khu với đồng bào nơi bị chiếm; đến các trận đánh Trảng Bom, Bưng Còng, Bảo Chánh, La Ngà; đến tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội, dân quân du kích, của em bé liên lạc xóm Cây Dâu,….

Các tác phẩm của ông, bên cạnh đề tài chiến đấu, là đề tài tình cảm Nam Bắc ruột thịt rất sâu nặng. Qua các tác phẩm của ông, người đọc được hiểu thêm về quê hương, gia đình, cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của ông, về cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, oanh liệt của nhân dân miền Đông Nam Bộ.

Đón đọc 🔰Thơ Trần Vàng Sao🔰Tác Giả, Tác Phẩm

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Huỳnh Văn Nghệ

Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Xem ngay đừng bỏ lỡ nhé!

  • Bến cũ
  • Bờ sông bị chiếm
  • Bức thư thành
  • Cái chết của anh Xiểng
  • Cây thông già và anh thợ rừng
  • Chiến khu Đ chống bão
  • Du kích Đồng Nai
  • Bà bán cau
  • Bà mẹ Việt Nam
  • Bên bờ sông xanh
  • Đám ma nghèo
  • Đường về
  • Em bé liên lạc
  • Giữ bí mật
  • Hành quân
  • Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ
  • Hội nghị bình công
  • Lịch sử quê hương
  • Lời chim
  • Mất Tân Uyên
  • Ngày hội
  • Nhờ Bà Cô
  • Nhớ Bắc
  • Rừng đẹp
  • Rừng nhớ người đi…
  • Sông Đồng Nai
  • Tết quê người
  • Thú tội
  • Mẹ buồn
  • Mẹ Nam con Bắc
  • Mộng làm thơ
  • Một trận chống càn
  • Nấm mộ giữa rừng
  • Tiếng hát giữa rừng
  • Tình súng
  • Trả lời thơ Lan
  • Trốn học
  • Trở về
  • Về làng
  • Xuân chiến khu

15+ Bài Thơ Hay Nhất Của Thi Sĩ Huỳnh Văn Nghệ

Thohay.vn đã chọn lọc ra 15 bài thơ hay nhất của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ gửi tặng bạn đọc thân thiết. Mời bạn cùng thưởng thức.

Nhớ Bắc

Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta

Nấm Mộ Giữa Rừng

Đêm thao thức bên lò lựu đạn
Ngày say sưa quay máy tiện, máy bào.
Quá sức, ốm đau
Chén thuốc rễ cây rừng không cứu được.

Lòng anh em xót xa từng nhịp cuốc
Chôn anh, chiếu rách bó thân gầy.
Gỗ mộ bia có đề rõ tháng, ngày.
Chức vụ, họ tên, quê quán.

Nhưng mới ba mùa mưa, nắng.
Gỗ sơn kia không chịu nổi sức rừng.
Mộ bia mòn, chỉ còn chữ “công nhân”.
Còn tên, tuổi mối gặm dần hết cả.

Quê quán anh: Ba Son hay Cẩm Phả?
Mộ bia đành không ghi giữ được lâu.
Tinh thần anh, chim hát mãi nghìn thu.

Bà Bán Cau

Nắng hạn đường xa nối chân mây…
Còn đi đâu, đi mãi hỡi ai?
Mặc gánh nặng oằn, hai vai chịu,
Dưới trời mưa lửa chỉ chau mày.

Mẹ ơi! Cảnh ấy dẫu trăm năm,
Ngàn năm, hay muôn vạn ngàn năm
Một phút sau này con còn sống
Cảnh kia còn đốt mãi lòng con.

Con đường xe cong uống trên đồng khô,
Xóm làng xa, nắng chang, lim dim ngủ,
Trời cao, cao vút điểm mây khô,
Từ giữa trời xanh: nguồn nắng đổ.

Trên đường cát xa thăm thảm ấy,
Bà bán cau, gánh nặng trên vai oằn,
Lẹ làng đi, dưới chân cát cháy
Nón, dù đâu? Nắng đốt chiếc khăn rằn.

Gió bốc khói tung lên cuồn bụi trắng,
Xóm mờ xa khuất dạng sau rừng tre.
Mồ hôi chảy vòng quanh đôi má rám
Bà bán cau bước mãi dưới trưa hè.

Động lòng, bóng cây thầm nhắc nhủ.
“Bà má ơi! Ghé gánh nghỉ chân già!”
Nhưng không nghe, bà cứ đi, đi mãi,
Nhớ chiều nay, trước ngõ, đám con chờ.

Bà Mẹ Việt Nam

Có mặt nước bốn ngàn năm lịch sử
Bốn ngàn năm tranh sống với thời gian
Máu anh hùng tô non sông cẩm tú
Mồ hôi dân kết đọng ngọn lúa vàng

Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ
Gót Cà Mau đầu tận ải Nam Quan
Cửu Long Giang, buông dài làn sóng tóc
Dựa Trường Sơn, đứng gác Thái Bình Dương.

Ngàn thuở trước làm dâu nhà Hồng Lạc
Một giòng con hăm lăm triệu Tiên Rồng
Con trung hiếu, trai khôn và gái đẹp
Cùng mẹ hiền lo xây dựng non sông

Có biển rộng, sông dài, rừng núi đẹp
Đồng phì nhiêu, lúa mía ngập mênh mang
Và âm thầm bao nhiêu vàng, than thép
Dưới mỏ sâu chờ đợi bước vinh quang.

Giặc cướp nước đánh hơi từ bốn phía
Kéo về đây thực hiện mộng tham tàn
Tên núi sông trờ thành tên chiến địa
Chống xâm lăng thành truyền thống nhân dân.

Gặp thời loạn, mẹ phất cờ khởi nghĩa
Bầy con ngoan đứng dậy diệt quân thù.
Lũ cướp nước đã bao phen khiếp vía
Trở về quê không rửa kịp máu đầu.

Nay giặc Pháp lại mang đầu trở lại.
Dù tầm vông phải chọi với xe tăng
Mẹ vững tin nơi bầy con trung hiếu
Ngày mai đây diệt chúng cứu giang sơn.

Rồi Việt Nam của rừng vàng biển bạc
Của bình yên sáng lạng tiếng chim quyên
Sẽ nguyên vẹn, mẹ nghe chăng khúc hát
Khải hoàn ca từng nhịp đã vang lên.

Sông Đồng Nai

Đồng Nai sông nước anh hùng.
Nguồn xa, xa tận núi rừng hoang vu.
Lệ tiên kết đọng hồ sâu
Còn mơ cao rộng nhớ màu gió trăng

Xông pha vượt núi băng ngàn,
Gặp Là Ngà nghĩa bạn vàng kết đôi
Thề: “Dù trắc trở núi đồi
Cũng liều sống thác tìm trời tự do…”

Đôi lòng nặng chí giang hồ
Ngàn thu say bước trở về biển xanh.
Đường xa lên thác xuống gành
Ruộng đồng lưu luyến thị thành mến ưa.

Lệ đời tràn ngập hồn thơ
Bao phen lũ hận bẻ bờ đau thương.
Gió ngang, thuyền ngược trăm đường
Đồng Nai hoà Thái Bình Dương dâng trào.

Xuân Chiến Khu

Xuân vẫn về đây giữa chiến khu
Rừng thông nay bỗng hết âm u
Núi non hớn hở thay màu áo
Suối biếc ngừng reo mấy nhịp cầu

Ánh sáng tưng bừng trên lá non
Chim đồi mát giọng hát véo von
Xa xa vọng gác thùng nhịp trống
Bướm giật mình bay: những mảnh hồn

Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng tươi
Bên hoa ngồi kể chuyện, nô cười
– Xuân sau ăn tết nơi đâu nhỉ?
– Tuỳ bóng cờ kia sẽ trả lời!

Phấp phới cờ bay với gió xuân
Quân ca từng khúc, nhịp xa gần
Từng đoàn chiến sĩ đi ra trận
Có bướm, chim đưa tận cuối rừng.

Về Làng

Lẻn về thăm lại làng xưa
Vườn cây xơ xác gió lùa lá khô
Sông xanh không một chuyến đò
Đồi cao vắng tiếng chuông chùa công phu.

Ruộng đồng hoang trắng xương trâu
Nhà tan, cửa nát, lòng sầu mênh mông…
Lan ơi, từ độ thương chồng,
Ngờ chăng em, cảnh tan lòng hôm nay!

Nhớ ngày tay bạn trong tay
Vườn thơm chia trái, sông dài buông mơ.
Chiều nay người ngựa bơ vơ
Nhớ em nuôi bốn con thơ trong tù.

Súng đồn khua động chiến khu.
Quay về vó ngựa như tơ vương lòng.
Đồn thù phải đổ xuống sông.
Tình ta nối lại một dòng mơ xanh.

Mẹ Buồn

Thấy mẹ buồn, con hỏi
“Má tiếc gì má ơi!
Nhà mình con đốt rồi
Kẻo mai thành bót giặc”.

Mẹ nhìn con âu yếm
Vuốt tóc con, mỉm cười
“Thằng này nó coi tôi
Như học trò của nó
Má đẻ ra mày đó
Không nhớ, má nhắc cho.
Nhà má có ra tro
Con càng lo đánh giặc.

Nhưng mà má chỉ tiếc
Cái ống ngoáy trầu thôi
Bằng đồng chùi sáng dới
Bỏ quên trong lúc chạy
Bây giờ đồng cũng chảy…”

Bìa rừng ngồi ngắm khói lên
Mẹ buồn vì lỡ:
Bỏ quên ống ngoáy trầu.

Mẹ Nam Con Bắc

Mẹ bắt được lá thăm
Cầm lo le, bối rối
Nhờ cán bộ đọc giùm
Tên đứa con bộ đội.

“Anh tên Nguyễn Văn Đối
Quê quán ở Hưng Yên
Sở cao su Thuận Lợi
Nhập ngũ cướp chính quyền”.

Mẹ mừng rơi nước mắt,
Khoe khắp cả xóm làng:
Được đứa con người Bắc
Chiến sĩ của trung đoàn.

Được phép về nhìn mẹ
Đối mừng, kể đuôi đầu.
Mẹ bảo: “Nói chậm nhé
Má nghe chẳng kịp đâu”.

Mẹ làm gà hái bưởi
Bảo ăn, Đối chối từ
Mẹ giận: “Mày chê hả?
Tao đánh đòn bây giờ”.

“Má có gì ăn nấy
Mới là tình mẹ con
Ăn xong tao vá áo
Mới cho về trung đoàn”.

Một hôm đi công tác
Đối bị bắt vào đồn.
Mẹ thương con đứt ruột
Chạy sứt cả da chơn.

“Con mày sao người Bắc?
Thằng Tây trợn mắt nhìn
Mẹ vừa kể vừa khóc
Ứớt cả mắt nguỵ binh.

“Chúng tôi vào Nam Bộ
Từ thuở nọ lâu rồi.
Con tôi, tôi biết rõ
Áo ba lỗ vá vai

Nhà tôi nó trồng khoai
Bây giờ đang có củ.
Cả làng ai cũng rõ
Ông hỏi lại mà coi!”

Một nguỵ binh người Bắc
Đi điều tra việc này
Trở về: “Thưa quan sếp
Lời bà nói không sai”.

Anh Đối được thả ngay
Cả làng cười khúc khích.
Bỗng hôm nào mẹ chết
Vì mảnh đạn ca nông.

Chết không chịu nhắm mắt
Vì đợi mãi đứa con.
Ba ngày anh Đối khóc
Đầu quấn chiếc khăn tang

Tình mẹ Nam con Bắc
Rào rạt lòng trung đoàn.

Tết Quê Người

Đêm hôm nay hoa đào cùng hẹn nở
Để ngày mai chào đón khách du xuân
Nâng cốc rượu người người vui rạng rỡ
Nghe rân ran pháo nổ xa gần.

Đêm hôm nay bao nhiêu người hớn hở
Nói cười vang giữa những cảnh xum vầy
Khoe áo đẹp, con ngoan và tiền của
Chúc cho nhau hạnh phúc mãi tràn đầy.

Đêm hôm nay cũng có bà mẹ khổ
Mỏi trông con quên cả lễ giao thừa
Đêm hôm nay chạnh đau lòng chinh phụ
Đếm tuổi con để nhớ thuở chồng xa.

Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ
Khách chinh phu dừng bước lại bên đường
Ánh sao mờ phía chân trời xứ sở
Như mũi gươm, ôi! Nhức nhối, đoạn trường.

Chiến Khu Đ Chống Bão

Rùng rợn giữa đêm mưa
Tiếng vợ khóc gọi chồng chới với:
“Con trôi rồi, con trôi theo bè chuối…!”
Không tiếng trả lời
Chỉ từ nóc nhà tranh
Tiếng chó đứng sủa hời.
Trời sáng rồi, mưa vẫn cứ rơi
Những nóc nhà trôi
Những thân cây đổ.
Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển
Mênh mông sóng vỗ chân trời.

Thôi hết rồi, hết lúa, hết khoai
Chiến khu Đồng Nai lại đói.
Con ngậm củ mài, cha nhơi củ chuối.
Ứớt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai
Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú.
Voi cũng trôi tận Cù lao Phố
Mấy con trâu vướng cột cầu Gành.
Một tượng Phật dời lên nóc đình
Đành chắp tay nhìn dòng nước lũ.

Trút cả hũ, còn không đầy nắm muối
Cho ngày ăn cả đại đội Lam Sơn.
Ba người chia một vắt cơm.
Tạm đỡ dạ cả tiểu đoàn chủ lực.
Chèo chống ngày đêm, lênh đênh trên mặt nước.
Vớt của, vớt người.
Thân trần chèo chống dưới mưa.
Tiếng cười vẫn nô đùa sóng gió.
Từng manh chiếu, quả dừa, chiếc bừa, bó đũa.
Vớt lên mang trả lại từng người.

Đồn Rạch Đông nước ngập sắp trôi
Lính nguỵ lên nóc đồn kêu cầu cứu:
“Huyện đội Vĩnh Cửu ơi… Vĩnh Cửu,
Cứu chúng em, ơn trả, nghĩa đền”.
Chiến sĩ ta, cười reo lên
Nghe lệnh đồng chí chính trị viên:
“Chèo nhanh lên, cứu chúng nó…”

Nhưng giặc Pháp muốn thừa cơ trận bão
Đánh chiến khu, một trận cho tiêu tan
Dồn sức tấn công, lừa bịp, chiêu hàng.
Tăng cường truyền đơn và bom pháo.

Cả chiến khu đêm nay không ngủ
Tụ năm, tụ ba,
Bàn tán về tiểu đoàn ba trăm ba:
“Dù thiếu cơm, dù thiếu áo
Đánh giặc càng hay,
Ăn củ mì cũng giỏi
Thế nào cũng thắng, và… phải thắng!”

Bỗng được tin loa:
“Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn”.
Tiệc liên hoan có bát cơm gạo trắng
Tiếng cười, tiếng hát, vang rừng.

Em Bé Liên Lạc

Nhà em ở xóm Cây Dâu
Trước kia ở đợ giữ trâu cho người
Nay em đánh giặc được rồi
Một mình bảo đảm thơ từ qua sông
Ngày đêm nước lớn, nước ròng
Em ôm thân chuối bơi không cần thuyền.
Mẹ em ngồi đứng không yên
Thương em thù giặc, ngày đêm phập phồng
Nghe từng loạt súng bờ sông
Mà nghe như đạn xé lòng, xé gan.

Quân thù vừa tóm được em
Mẹ lăn vào bót xin đem em về
“Nó chăn trâu bắt làm gì
Nó chưa đủ sức đánh Tây đâu mà…”

Ba ngày bị đánh, bị tra
Mắt lồi, má tím, máu trào môi đen
Mẹ em cũng hết lời khuyên:
“Cứ khai cho mẹ, để yên cho rồi
Thà rằng con sống mồ côi
Còn hơn để mẹ suốt đời khóc con!”
Lắc đầu em cố nói “không”

Giặc hăm cắt cổ, thả sông, em cười.
Hôm sau dòng nước Đồng Nai
Đưa ra biển cả một thây không đầu.
Mẹ em, chị Sáu Cây Dâu
Xin đi bộ đội trả thù cho con.

Lời Chim

Hỡi Thượng đế, Người ban cho đôi cánh,
Con mừng thầm tưởng tránh khỏi trần ai.
Cho ăn trái, tưởng khỏi phiền tranh cạnh
Với lòng tham vô tận của người đời.

Con cứ tưởng: phước trời riêng con hưởng
Khi mới bay chập chững dưới chân đồi.
Con cứ tưởng: khi tập tành hát xướng
Rằng đời chim chỉ để hát ca thôi.

Nhưng Đông đến, mùa trời khe khắt quá,
Lá hoa rơi trơ trọi nhánh cây ngàn.
Mải mê hát khi cây còn quả đỏ
Nên bao lần đói lạnh lúc Đông sang!

Người ta lại theo con lên núi đỏ.
Vào rừng xanh phá ổ, đốn cây cao
Họ giành giựt cùng con từng trái nhỏ,
Để đem về làm vui miệng cho nhau.

Chịu sao nổi nỗi tham tàn nhân loại,
Cánh chim non dễ bay thấu tận trời,
Trí chim kém dễ gì qua cung bẫy,
Lời đau thương nào thấu được tai ai.

Đã bao phen con ước mong bay thẳng
Đến thiên cung xin đổi số phần con,
Xin Thượng Đế cho chim ăn mây trắng
Và cho chim lót ổ giữa trăng tròn.

Nhưng kiếp này vì yêu thương đã lỡ
Nên con đành vương nặng nợ trần ai.
Chung số phận cùng con bao thi sĩ
Mộng đài trăng gác lại để thương người.

Tiếng Hát Giữa Rừng

Ngựa bỗng dừng chân
Bên quân y viện:
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang.

Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan?
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi, rồi hát lại nhiều lần.

Xuống ngựa, buộc cương
Hỏi ra mới biết:
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc…

Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát.

Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ bông.
Hai bàn tay siết chặt đôi hông.
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát:
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”
Đã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ

Vừa xong băng bó
Anh lịm đi
Hồi hộp cả núi rừng
Tiếng hát mới chịu ngưng.
Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt.

Trở lên yên ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.

Lịch Sử Quê Hương

Ngày xưa có đoàn người từ miền Bắc
Chán ghét vua quan áp bức.
Họ đạp núi rừng vượt sóng bể khơi.
Đi vào Nam làm lại cuộc đời
Tìm đất mới gieo mầm hạnh phúc.

Có con sông cũng từ hướng Bắc
Vượt núi rừng ghềnh thác
Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao.
Người gặp sông
Ngụm nước mát ngọt ngào
Thề với trăng sao cùng nhau kết bạn
Chung nhịp bước về miền Nam nắng sáng
Nơi trời xanh nhởn nhơ đàn cò trắng
Nơi đồng xanh ngơ ngẩn đám nai vàng.

Bờ hoang vu hạ trại một chiều sương
Lột da nai
Lửa cơm chiều bốc khói
Họ đặt tên Đồng Nai cho trời đất mới.

Bao ngày gian khổ
Hằng trăm năm tranh đấu với núi rừng
Mồ hôi, nước mắt, tay sưng
Mới có được góc trời Nam tươi mát
Đồng lúa thơm, vườn bưởi đường, cam mật
Tiếng trẻ thơ cười hát sân trường,
Hồi chuông chùa êm gõ sườn non
Mái tranh vàng khói cơm chiều quyến luyến.
Thuyền dưới bến dập dìu buồm cánh én.
Xe trên đường lẻng kẻng nhạc ngựa vang.
Ôi! Tân Uyên quê mẹ đẹp muôn vàn.

Khám phá những thông tin thú vị về 🔰 Thơ Nguyên Sa 🔰 Tuyển Tập Thơ Hay

Những Đánh Giá, Nhận Định Về Nhà Thơ Huỳnh Văn Nghệ

Sưu tầm những đánh giá, nhận định về nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Bạn có thể đọc thêm:

  • Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Trưởng ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Thủ Biên xúc động nói: “Tôi biết anh Tám Nghệ khi tôi mới là cô bé 14 tuổi. Với tôi, anh Tám Nghệ không chỉ là một tướng tài, lỗi lạc; anh luôn là một người anh, một người hết lòng thương yêu, bao bọc đàn em. Có lẽ vì tình cảm đó mà tôi ngày càng trưởng thành, giữ vững niềm tin, cống hiến hết mình cho cách mạng”.
  • Ông Trương Nam Sơn, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn 303 thì luôn giữ cho riêng mình kỷ niệm giữa ông và anh Tám Nghệ. Ông nói: “Nếu tính thời gian làm việc trực tiếp thì tôi làm lính cho anh Tám Nghệ khoảng 1 năm. …Anh xem tôi như em út, ngược lại với tôi, anh như anh cả. Chúng tôi có khi chia nhau chén cơm, nằm chung 1 chiếc giường và đắp chung 1 cái chăn… Vì vậy dù thời gian có qua đi thì tình cảm tôi dành cho anh Tám Nghệ không có gì thay đổi”.
  • PGS.TS Hoàng Trọng Quyền, Phó hiệu trưởng Trường đại học Thủ Dầu Một: “trong thời kỳ Huỳnh Văn Nghệ bắt đầu sáng tác thì văn học Việt Nam hiện đại khá phong phú và đa dạng. Trong khi nhiều tác giả đang trên đường tìm kiếm tư tưởng chủ đạo trong nghệ thuật, đối tượng mà tác phẩm phản ánh, thì các sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ luôn nhất quán về tư tưởng sáng tạo, quan niệm nghệ thuật: con người là trung tâm.”
  • PGS.TS Đoàn Trọng Huy (Trường đại học sư phạm Hà Nội) đánh giá thơ Huỳnh Văn Nghệ tràn ngập cảm hứng yêu nước anh hùng. Quan niệm nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ thể hiện bản lĩnh của người nghệ sĩ lớn, tiên phong và nhân văn. Thơ của ông có nhiều hình ảnh tượng trưng, như lửa, gươm, chiến mã… ngôn ngữ thơ hào sảng mà Ai về Bắc hay Nhớ Bắc là minh chứng.
  • PGS.TS Võ Văn Nhơn nói: “Huỳnh Văn Nghệ có những bài thơ tình hoàn toàn nghiêng về cảm xúc, thể hiện những cung bậc tình cảm nam nữ. Điều này trái với suy nghĩ lâu nay rằng nhà thơ chiến sĩ là chỉ sáng tác thơ cách mạng với mục đích tuyên truyền”.

Xem thêm 👉Thơ Phùng Quán👈Những tác phẩm hay nhất

Viết một bình luận