Thơ Trần Dần: Tác Giả, Tác Phẩm + Tuyển Tập Thơ Hay

Thohay.vn chia sẽ chi tiết từ A-Z về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những bài thơ hay nhất của nhà thơ Trần Dần.

Tiểu Sử Cuộc Đời Tác Giả Trần Dần

Thohay.vn chia sẽ đến bạn một số thông tin tiểu sử, cuộc đời của tác giả Trần Dần, một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

  • Trần Dần có tên thật là Trần Văn Dần sinh ngày 23/8/1926, mất ngày 17/1/1997 là một nhà thơ, nhà văn người Việt Nam.
  • Nguyên quán thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha Trần Dần là một viên chức kho bạc tỉnh Nam Định. Ông học qua bậc Thành chung ở quê rồi lên Hà Nội học tiếp và đỗ bằng Tú tài.
  • Năm 1946, Trần Dần cùng với Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng Dạ đài với tuyên ngôn ngày 16/11/1946 với những câu: “Chúng tôi, một đoàn vong gia thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ…”
  • Đến ngày ngày 19/12/1946, ông cùng nhóm Dạ đài ra số báo Dạ Đài 2. Khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ thì ông Trần Dần trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV.
  • Năm 1948, Trần Dần tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), ở đây ông phụ trách làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch, sau đó làm báo ở mặt trận Tây Bắc và phụ trách văn công Trung đoàn 148 Sơn La.
  • Năm 1954, ông cùng với Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và viết truyện dài Người người lớp lớp. Sau khi chiến dịch kết thúc, Trần Dần được cử sang Trung Quốc viết thuyết minh phim Chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Vào năm 1955, ông viết đơn đề nghị được giải ngũ, ra khỏi Đảng và kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê.
  • Từ ngày 13/6 đến 14/9/1955: Ông bị giam do chống lệnh theo kỷ luật quân đội để kiểm thảo cùng với Tử Phác ở đơn vị.
  • Từ 2/11 đến giữa tháng 2/1956, ông được phân công đi tham quan cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh.
  • Tháng 7/1958: Ông cùng với các nghệ sĩ tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm khác và bị nhận kết quả kỷ luật bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn và đình chỉ xuất bản trong thời hạn 3 năm.
  • Từ 22/8 đến tháng 2/1959: Ông đi thực tế lao động tại nông trường Chí Linh cùng với Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác.
  • Tháng 11 /1959: Trần Dần được phân công làm công tác dịch thuật tại ga-ra Hội Nhà Văn cùng với Lê Đạt, Phùng Cung, Nguyễn Khắc Dực.
  • Năm 1961 ông trở về Hà Nội và từ đó đến năm 1986, ông kiếm sống bằng nghề dịch sách, tô màu ảnh, vẽ tranh, không tham gia đời sống văn học chính thống.
  • Ông mất năm 1997

Giới thiệu bạn 👉 Bài Thơ Việt Bắc Của Trần Dần

Sự Nghiệp Sáng Tác Nhà Thơ Trần Dần

Trong suốt quá trình sáng tác của ông thì nhà thơ Trần Dần có khoảng 72 bài thơ và 17 bài dịch. Dưới đây là một số tác phẩm nổi tiếng của ông mà bạn có thể tham khảo như:

  • Bài thơ Việt Bắc, NXB Hội nhà văn, 1990
  • Cổng tỉnh (thơ, dạ khúc trường thiên)
  • Người người lớp lớp (Chuyện Điện Biên Phủ, 3 quyển)
  • Mùa sạch, NXB Văn học, 1998
  • Tiến lâm

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Phong Cách Sáng Tác Của Trần Dần

Phong cách sáng tác của nhà thơ Trần Dần được biết đến với sự cách tân và độc đáo. Ông là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc đưa ra những quan điểm mới mẻ và táo bạo trong thơ ca Việt Nam.

  • Trong thời kỳ đầu, ông cùng với các nhà thơ khác thành lập nhóm thơ Dạ đài và bắt đầu làm thơ bậc thang, một phong cách thơ mới mà ông đã phát triển. Các tác phẩm của ông thường mang tính biểu tượng, sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ một cách sáng tạo để truyền đạt thông điệp.
  • Trong giai đoạn Nhân Văn – Giai Phẩm, Trần Dần đã lên tiếng đòi hỏi tự do sáng tác và xuất bản các tác phẩm của mình, thể hiện quan điểm phê phán đối với chính sách văn học nghệ thuật của chính quyền lúc bấy giờ. Ông đã viết nhiều tác phẩm phản ánh quan điểm cá nhân và thái độ phê phán của mình.

Chia sẽ đến bạn 👉 Thơ Trần Quang Khải

Tuyển Tập Các Tác Phẩm Của Nhà Thơ Trần Dần

Dưới đây là các tác phẩm của nhà Thơ Trần Dần mà bạn có thể tham khảo để biết thêm chi tiết về ông.

👉 Thơ

  • Chiều mưa trước cửa (Thơ – 1943)
  • Hồn xanh dị kỳ (Thơ – 1944)
  • Cách mạng tháng Tám (1956)
  • Đêm núm sen (Tiểu thuyết – 1961, chưa xuất bản)
  • Jờ Joạcx (Thơ – 1963, xuất bản di cảo)
  • Con trắng (Thơ – hồi ký – 1967)
  • 177 cảnh (Hùng ca lụa – 1968)
  • Động đất tâm thần (Nhật ký – thơ – 1974)
  • Thơ không lời – Mây không lời (Thơ – họa – 1978)
  • Bộ tam Thiên Thanh – 77 – Ngày ngày (1979)
  • Bộ tam 36 – Thở dài – Tư Mã zâng sao (1980)
  • Mùa sạch (Thơ – Viết năm 1964, xuất bản năm 1998)
  • Trần Dần – Thơ (2008 – Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội)
  • Bài hát người lớn
  • Bao giờ em đi lấy chồng
  • Buổi chiều
  • Buổi sáng
  • Chiều quen
  • Chiều vô nghĩa
  • Chín khúc mưa thư
  • Chúc Tết
  • Cột đèn câm
  • Đi công viên
  • Đoạn kết
  • Hai bài thơ lẻ
  • Khó ở
  • Không đề số 4
  • Một tia hy vọng
  • Mưa thành phố
  • Năm mới
  • Ngã tư xưa
  • Ngày mặt phẳng
  • Nhất định thắng
  • Những sổ bụi 1979
  • Phố chăm chỉ
  • Sổ bụi 1980
  • Sổ bụi 1981
  • Sổ bụi 1982
  • Sổ bụi 1985
  • Sổ bụi 1986
  • Sổ bụi 1987
  • Sổ bụi 1988 – Về thơ mini (I)
  • Sổ bụi 1988 – Thơ mini (I)
  • Sổ bụi 1988 – Thơ mini (II)
  • Sổ bụi 1988 – Uẩn khúc ga cuối
  • Sổ bụi 1988 – Về thơ mini (II)
  • Sổ bụi 1988 – Viếng Bùi Xuân Phái
  • Sổ bụi 1989
  • Sổ thơ 1973
  • Sổ thơ 1974
  • Sổ thơ 1975
  • Sổ thơ 1976
  • Sổ thơ 1977
  • Sổ thơ 1978
  • Thơ 63-64 (trích)
  • Thơ chọn
  • Thơ mini
  • Tìm em
  • Tình yêu
  • Tôi không phải người buổi chiều
  • Văn minh mưa
  • Về nẻo thanh tuyền
  • Bài thơ Việt Bắc (1990)
    • Chương I
    • Chương X
    • Hãy đi mãi
  • Cổng tỉnh (1994): Khai từ!
    • Phần một: Đêm 
      • Chương 1: Một ngày như lệ thường
      • Chương 2: Ngã bẩy
      • Chương 3: Con ngựa bạch ôn con
      • Chương 4: Bạn cũ
      • Chương 5:
        • Gái trai thành quách bàn cờ
        • 14 tuổi
        • Lâm què
        • Lộc
        • Sớm biết
        • Đào Đình Bế – “Báo ơ!”
      • Chương 6
        • Gái trai thành quách bàn cờ (tiếp)
        • Văn sĩ Hoài
        • 16 tuổi
        • Phùng Đình Bột
        • Xì… cút
        • Côm pra đo
      • Chương 7: Bơ vơ
      • Chương 8: Thu
      • Chương 13: Hy vọng
    • Phần hai: Càng đêm

👉 Tiểu thuyết & truyện

  • Những ngã tư và những cột đèn (Tiểu thuyết – 1964, xuất bản năm 2011)
  • Những ngã tư và những cột đèn (Tiểu thuyết – 1966, xuất bản năm 2010)
  • Một ngày cẩm phả (Tiểu thuyết – 1965, chưa xuất bản)
  • Người người lớp lớp (Truyện dài – 1954)

👉 Thơ dịch tác giả khác

  • Bertolt Brecht (Đức) :1940
  • Vladimir Maiakovsky (Nga)
    • Đến tuổi thành nhân Взрослое
    • Em Ты
    • Hậu quả ra sao? Что вышло
    • Không thể được Невозможно
    • Lời nói đầu поэма1
    • Lớn lên Юношей1
    • Ngày bé Мальчишкой1
    • Ống sáo đốt xương sống (I) Флейта-позвоночник (I)
    • Ống sáo đốt xương sống (II) Флейта-позвоночник (II)
    • Ống sáo đốt xương sống (III) Флейта-позвоночник (III)
    • Suy luận Вывод1
    • Tặng bạn Nét, tặng con tàu và tặng con người Товарищу Нетте, пароходу и человеку
    • Thói thường như vậy Обыкновенно так
    • Tôi cũng thế Так и со мной
    • Tôi kêu gọi Зову
    • Trường đại học của tôi Мой университет

Mời bạn tham khảo thêm 👉 Thơ Đỗ Trung Quân

10+ Bài Thơ Hay Nhất Của Trần Dần

Thohay.vn chia sẽ đến bạn những bài thơ hay nhất của nhà thơ Trần Dần.

Bao giờ em đi lấy chồng

Bao giờ em đi lấy chồng?
để anh sắm mừng quà cưới?
Anh mừng em đôi chiếu mới
em về giải kín giường đôi
Anh đi sang tận làng Ngòi
tìm mua gạo cẩm
xu xê bánh cuốn
tự tay anh buộc lạt điều
đôi gối tằm thêu
anh nhờ người thêu hộ
thiếp mời chính tay anh hoạ
anh đi hai họ
báo tin từng nhà
anh nói mẹ cha
mượn nồi mượn chõ
em có cần anh đầu cỗ?
bảo người nhắn gọi anh sang
giò lụa chạo nem lợn quay xôi gấc
vật bò mổ lợn
con dao anh cắt
nuộc lạt anh thắt
chân giò anh chặt
que xiên anh vót
nạc mỡ anh pha
giò thủ anh nén
nước xuýt anh nếm
cỗ lòng anh thuôn
chả quế anh nướng
rau ghém anh trộn
bún ngâm anh chuội
thịt dọi anh thái
gỏi cuốn anh cuộn
đĩa hoa anh ướm
mâm son anh dọn
đũa trúc anh so
Hay em nhờ anh giúp về việc vặt?
nồi ninh anh bắc
hành hoa anh ngứt
rau diếp anh bứt
lợn béo anh khênh
buồng cau anh trảy
rượu vò anh quảy
thiếu gì anh chạy
thuốc lá anh cuốn
đèn măng-sông anh mượn
rạp lều anh dựng
khách mời anh đón
ghế bàn anh dọn
mâm cỗ anh bưng
Hay em nhờ anh giúp về văn nghệ?
để anh chuẩn bị chương trình?
Kèn hát anh mượn
trò vui anh chọn
bạn bè anh đón
tiết mục anh soạn
khẩu hiệu anh dán
xúc xích anh cắt
đèn đuốc anh thắp
chúc từ anh đặt
bình hoa anh cắm
khăn bàn anh giải
tuyên bố lý do anh nói
các mục anh nối
kèn tàu anh thổi
anh làm vui hai họ
vui đôi vợ chồng mới
anh lưu tới cuối
tiệc tan –
khách muộn anh tiếp
ghế bàn anh xếp
đồ đạc anh dẹp
mâm bát anh cất
đèn rạp anh tắt
thuốc lá thừa anh nhặt
Xong
      xuôi – anh về.

Khó ở

Vũ trụ khó – ở bài tiết nước
Cơn mưa tình nguyện ướt
Đôi mắt tình nguyện nước
Ngước nghiêng.

Vũ trụ khó ở – bài tiết nước
Chân trời bắt buộc nước
Đôi mắt tình nguyện ướt
Ngước nghiêng.

Vũ trụ khó ở bài tiết nước
Chân trời bắt buộc ướt
Cơn mưa bắt buộc nước
Đôi mắt ướt – ngước nghiêng.

Ngã tư xưa

Anh muốn rao lên cho làng nước biết
hôm nay em bạc đãi một người.
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa
anh đứng dưới môt ngôi đèn bỏ.

Tôi không phải người buổi chiều

Tôi không phải người buổi chiều
Dù ở bên kia bờ dốc dựng.

Đừng tự đồng nhất người buổi chiều
Khi tầu vẫn đến vẫn đi
Lũ lượt vô biên nhà ga vũ trụ.

Hành trình quả đất – lưu trú
Chỉ là một chặng nhỏ
Trong cuộc đi côxmic khôn cùng.

Khách đến từ muôn nẻo phố
Sao đèn chong lim dim hạt đậu giữa sân ga
Đi thôi đầy những khách đầu thai
Ở xê-ni-ma kinh nghiệm địa cầu.

Cùng thohay.vn tìm hiểu thêm về 👉 Thơ Quang Dũng

Về nẻo thanh tuyền

I.
Đời bỏ ta nằm dưới thuỷ cung
mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
hồn ta qua xứ ma làm loạn
nên thác trong đường trận hoả công
trải mấy thu dài trên Tử trấn
ta về nghe thế sự tàn vong
ngoài ta ai đón trăng huyền lặn
mà dẫn đi qua khỏi Cửu trùng?

II.
Trăng đi về nẻo Thanh Tuyền
từ đêm ta mất uy quyền thế gian
với ta đời có hờn oan
thì nghe gió chuyển mây vần mà nguôi
hồn ta mất mảnh thi hài
về trên thế tục ta đòi cố đô
tắt đi! ánh nguyệt mờ lu
để ta trốn khỏi mê đồ này đây
kìa trông! thế cục vần xoay
vì ta đã bắt đầu say mất rồi
sống cho hết thuở này thôi
rồi xem nét mặt mờ phai thế tình.

III.
Vỡ đi! này hỡi hành tinh
bỏ ta nằm dưới chân thành này ư?
tiếng ta than động giăng mờ
từng đêm ta gọi lá cờ Nữ vương
tắt cho ta! ánh tà dương
để ta về nấm mồ hoang đốt đèn
cùng ta đắm nửa khoang thuyền
giữa thu người gái Thanh Tuyền chìm châu
mờ đi! ơi anh tinh cầu
chẳng xem ta thác đêm nào ngoài khơi
thôi thôi! trời bỏ ta rồi
ngày sau ta trốn luân hồi mà đi.

Tình yêu

(Gửi em K(*) những ngày phải xa nhau)

Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi !

Nhớ em
đường phố Sinh Từ
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi

Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lũi
một mình em

Em ạ
Tình yêu không phẳng lặng bao giờ

Nó đè sóng
đè mưa
nổi bão…

Tình yêu
không phải chuyện
đưa cho nhau
ngày một bó hoa

Nó là chuyện
những đêm ròng
không ngủ

tóc tai bù
như những rặng cây to
nó vật vã
những đêm trời động gió

Tình yêu
không phải là
kề vai mơ
sầu mộng dưới trăng mòn

mà phải sống
phải cởi trần
mưa nắng

phải mồ hôi
chảy đẫm
tận buồng gan.

Tình yêu không phải
chuyện ngàn năm
kề sát má

mà bỗng dưng –
một quả tim chung

phải bổ nó
làm
đôi
người một nửa
người
ôm một nửa…

Tình yêu
không phải là
những chiếc toa đen
con tàu cuộc sống

tuỳ chuyến đi
mà cắt bỏ
hoặc nối thêm

Mà tự nó là
Một ĐẦU TẦU HOẢ
có nghìn toa
buổi – sáng
buổi – không đèn

Triệu mã lực
con tàu điên
tàu dại

nó đâm bừa
gãy cẳng
ngày đêm

nó hú chết
thời gian
khoảng cách

nó rú lên
trên trái đất
chưa người

chưa xã hội
chưa luân thường
ước lệ…

Tình yêu không phải
chuyện bạ sao yêu
cũng được

nó lạ lùng
như giữa một trời sao
triệu triệu ánh

Chỉ có anh
đã khản tiếng
kêu gào

mới gọi được
vì – sao – em
hay khóc

Và có em
đi mãi đến mê
người

mới dừng lại
ôm mình anh
buồn tủi

vì – sao – anh
rốc lửa
xém bên trời…

Tình yêu
không phải
có hoặc không
cũng được !

mà nó như là
những vần thơ
những bắp thịt
những đường gân
tổ quốc

*****

Em ơi
em lại khóc
em à ?

Gian nhà vắng
con chó nằm nó rú…
Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bao giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
– là câu chuyện chúng mình…

Em đọc kỹ
trang thơ này nhé

Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm trời sao
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì – sao – anh
nó chuyển bốn bên trời
đuôi nó cháy – đúng là
vì sao dữ

Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ

mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy…

Đi công viên

Anh đi trong công viên
Năng lượng chữ: gợi tình
Sinh tình, thú tình, truyền tình.

Em đi trong công viên
Khi anh hờ hững mắt
Nếu không vi phạm nhìn
Biết đâu em đẹp thế!

Thơ mini

Tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao?
Ối ôi, luôn tam sao thất bản

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời

tôi khóc những chân trời – bụi đỏ
Ở đó: vắng người
không có người biết khóc – các chân mây

vô tư như thuở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa

Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ.
Đừng đau mứt lệ hạ huyền
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.

Giới thiệu thêm đến bạn 👉 Thơ Đỗ Phủ [Tiểu Sử + Những Bài Thơ Bất Hủ]

Chiều vô nghĩa

Gió thổi quá tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đồng chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý!
Để tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri…

Nhất định thắng

1.

Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui?
Tổ Quốc hôm nay
tuy gọi sống Hoà Bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh…
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui – khi chợt nhớ – chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt
Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Người ta nói thằng ngô con đĩ
Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô
Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ
Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn
Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi đao cùn!
Không đứt được – mà đau!
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ơi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: Có phải vết đao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ Quốc hôm ngày hôm nay rớm máu.

2.

Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi

Đứng lại!

Đi đâu?

Làm gì?
Họ kêu những thiếu tiền thiếu gạo
Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn

Ở đây
khát gió, thèm mây…
Ô hay!
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi?
Sau đám mây kia
là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng là non bồng của Mỹ!
Tiệm nhảy, rượu nồng, gái tơ
Tha hồ những tự do tự diếc
Tưởng như ở đấy cứ chìa tay
là có đô-la
Có trâu ruộng, – Có ngày đêm hoan hỷ!
Mặc dầu sao nỡ đổi trời ta?
Tôi muốn khóc giữ từng em bé

Bỏ tôi ư? – Từng vạt áo – Gót chân
Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…

Không! Hãy ở lại
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
non bồng Mỹ
triệu lần…
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?
Chỉ là:

thiếu quả tim, bộ óc!
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà
thôi Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi

Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi,
gió cản áo bay về.
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Giăng giối lại: – Mỗi lùm cây – hốc đá
– Mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung

Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy – quên làm sao được?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió giập vùi

Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc…
Ai dẫn họ đi?
Ai?
Dẫn đi đâu? – mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ –
Khổ nhiều rồi!
Họ xấu số – Chớ hành thêm họ nữa
Vườn ruộng hoang sơ – Cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc! Hãy giữ gìn cho họ

3.

Tôi ở phố Sinh Từ

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

Anh ạ.
Họ vẫn bảo chờ…
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Em ơi!
Em có biết đâu
Ta khổ thế này
Vì sao?
Em biết đâu
Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi, mưa rơi

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

4.

Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ?

Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách – hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này – bạn ấy
Quyển của tôi tư lự, nét đăm đăm
Nó đang mơ: – nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi Thống Nhất phải đòi từ việc nhỏ

từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư

từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất
Sao chúng không chắp được cả cõi bờ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
Làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

5.

Em ơi! – ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử
À cái tin trên báo – Ừ em ạ
Hôm nay bọn Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê
Chúng đang phải giậm chân đấm ngực!
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới ranh gì?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xoá nhoà giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó Mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ – nó gầy – lông xấu quá
Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư?
Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.
Em thương nó – Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay anh mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Mực ơi!
đừng oán chủ, Mực à!
Mày không hiểu những gần xa Mỹ Diệm
Chúng ở đâu – mà lại núp bên ta
Chính chúng cướp cả cơm của khuyển

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa.
trên màu cờ đỏ

6.

Hôm nay đài tiếng nói Việt Nam
Lại có chuyện tên Ngô Đình Diệm
Hắn sai con em là lũ du côn
Đi ném đá nhà Uỷ ban Quốc tế.
Hắn bảo hắn Giơ-ne không ký
Hắn bịt tai, không biết chuyện hiệp thương!
Ô hay! Cái lưỡi uốn càn
Cả thế giới vả vào mõm hắn
Hắn giậm chân khoa lưỡi đao cùn:

Mặc kệ! Giết ta chết hẳn thì thôi Ta chẳng giả miền Nam! Chứ giả miền Nam cho nước Việt Nam Thì ta chết

thầy ta cũng chết
Hắn thét lên ộc máu mũi máu mồm
Hắn lồng lộn, ôm miền Nam mà cắn!
Thịt dân ta từng mảng nát bươm
Nhưng không!
Hôm nay
Cả thành phố Sài Gòn
Đóng cửa!
Không họp chợ!
Không ra đường!
Những mảng thịt
Những đọi máu đào
đang rầm rập kéo nhau
đi ngoài phố
Hôm nay
hàng triệu mối thù sâu
tới đập cửa lão già Ngô đòi mạng
Vung đao cùn chém phải quãng trời không!
Hắn đi ngủ,
muôn tiếng kêu xúm lại quanh giường
Hắn ngồi ăn
tiếng khóc nổi trong cơm
Hắn nhắm mắt
tiếng kêu vào giấc ngủ
Hắn rong chơi
tiếng rủa bước theo chân
Hắn hội họp
tiếng kêu ngồi cạnh
giơ bàn tay đòi mạng nghều ngào
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vạch tên mày!
Tên đứa tay sai!
Chẳng có lâu đâu!
Hắn sẽ sống như tên mắc tội tử tù
Óc điên dại

chân lê vòng xích
Trốn đi đâu?
Đất trời sâu
đương vẩy máu
đuổi theo chân hắn.
Hắn run sợ – Quỳ xin đã muộn!
Dù đêm khuya, bóng tối đặc ngầu ngầu
Máu vẫn đỏ
trúng đầu trúng mặt
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vang tên mày!

7.

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã.

Chúng phá hiệp thương

Liệu có hiệp thương?

Liệu có tổng hay chẳng tổng?

Liệu đúng kỳ? Hay chậm vài năm?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương Lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy
Người vẫn vội – Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông!
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…
Lá cờ ấy là cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến Tranh
Giữ được Hoà Bình
Giặc cũ chết – lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy – kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có LÝ? và ai có LỰC?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ!

Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô:
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi

Giả miền Nam!
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng – bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rơi vào tôi
Dân ta ơi!
Những tiếng ta hô
có sức đâm trời chảy máu.

Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi – như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm – nhưng mà quả quyết…

8.

Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê: đâm
Giống viên đạn: xé
Giống bão mưa: gào
Giống tình yêu: thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin.
Sao bỗng đêm nay,
tôi cúi mặt trước đèn?
Gian nhà vắng – chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta!
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có những phút giây ngờ vực

Ai có LÝ? Và ai có LỰC?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
cả nước
cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương, lao lực.
Anh gạch xoá trang thơ hằn nét mực
Bỗng mắt anh nhìn thấy! Lạ lùng thay!
Tảng đá chặn đường này!
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!
Anh đã nghĩ: không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
mà thống nhất Bắc Nam ư?
Không không!
Đem sức gân ra!
Em ơi em!
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh cho cuộc đấu tranh giành THỐNG NHẤT

9.

Hôm nay
Trời đã thôi mưa
Thôi gió
Nắng lên
đỏ phố
đỏ nhà
đỏ mọi buồng tim lá phổi
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhé đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình
phơi nắng hết.
Em nhìn
cao tít
trời xanh
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ!
Hôm nay em đã có việc làm
Lương ít – Sống còn khó khăn!
Cũng là may…
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa
Không thì còn khổ
Em treo cờ đỏ đầu nhà
Lá cờ trừ ma
Xua được bóng đen chúng nó!
Tiếng gì ầm phố em à?
A! Những người đi Nam trở ra
Phải rồi! Quên sao đất Bắc!

Khổ! Trong ấy loạn
Phải đi đồn điền cao su
Chúng tôi bị lừa
Bà con muốn ra không được.
Đồng bào vui muốn khóc
Ô này lạ chưa?

Mây ngoài này không đen
Mây đen vào trong ấy cả
Đúng rồi! Đó là công sức của nhân dân ta
lùa mây đuổi gió
Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã mím miệng, lên da lên thịt.
Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực
Em ơi
Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni
và nhiều phố khác.
Anh đã sống ở Sài gòn thuở trước
Cảnh miền Nam thành một góc tim anh
Chúng đốt tận đâu
mà lửa xém tim mình
Tim nó bị thui đen một nửa
Từ giạo ấy
mà em chẳng rõ.

Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Đứng đây
Một lúc!
Cờ bay
đỏ phố
đỏ nhà
Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh.
Em có thấy bay trên trời xanh
Hàng triệu tâm hồn?
Họ đã bỏ miền Nam
ra Bắc!
Chúng đem súng mà ngăn
Đem dây mà trói!
Giữ thân người
không giữ được nhân tâm
Người Nam gửi tâm hồn ra Bắc cả.
Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi
Đổ lên chúng nó
Mây đen
lửa loạn
bão thù
Ai thắng ai thua?
Ai có LÝ và ai có LỰC?
Em ơi
Hôm nay
trời xanh
xanh đúc
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh

Những ngày thương xót đã lùi xa
Hoà bình
thêm vững

Anh bước đi
đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên
trên màu cờ đỏ

Ta ở phố Sinh Từ
Em này
Hôm nay
đóng cửa
Cả nhà ra phố
mít tinh
Chúng ta đi
nổi bão
biểu tình
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi…

Hỡi những người
thành phố
thôn quê
Đói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả!
Ra đường!
Đi!
hàng đoàn
hàng đoàn
Đòi lấy tương lai:
HOÀ BÌNH
THỐNG NHẤT
ĐỘC LẬP
DÂN CHỦ
Đó là tim
là máu đời mình
Là cơm áo! Là ái tình

Nhất định thắng!

Tham khảo thêm 🍁 Thơ Hồ Chí Minh 🍁 [Cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm nổi tiếng]

Những Đánh Giá, Nhận Định Về Trần Dần

Chia sẽ đến bạn một số những đánh giá, nhận định về nhà thơ Trần Dần của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.

  • Nhà văn Nhật Chiêu – thành viên hội đồng xét giải sách Văn học “Tiểu thuyết mang nhiều giá trị nghệ thuật, ra đời cách đây nửa thế kỷ và có số phận truân chuyên thì kết quả như vậy là xứng đáng. Tác phẩm thể hiện tài năng, sự khéo léo của ông Trần Dần trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật và nhiều góc nhìn. Phải thật sự tài tình mới viết được tác phẩm hay trong bối cảnh từng khó khăn như vậy.”
  • Theo nhà thơ Dương Tường: “Thơ Trần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng chính ông ấy cũng nói về sự khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị chân thiện mỹ đều là khó hiểu”.”
  • Nhà thơ Dương Tường nhận xét: “Trần Dần là một ca đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt về cả tài năng, trí tuệ và số phận”.
  • Hay ở một câu chuyện khác nhà thơ Dương Tường cho biết: “Phần lớn tác phẩm của Trần Dần vẫn còn ở trong bóng tối. Đó là thiệt thòi lớn, không chỉ cho tác giả mà cho cả nền văn học Việt Nam”.
  • Dương Tường khẳng định: “Ông là nhà cách tân thơ số một của Việt Nam”.
  • Nhà thơ Hữu Việt từng nhận xét về Trần Dần rằng: “Hoạn nạn đối với người bình thường có thể là một tai họa; nhưng đối với một thiên tài thì đó cũng có thể là một món quà cho sáng tác”.
  • Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Trần Dần, như người ta được biết, trong hơn 30 năm bóng tối của ông thì ông vẫn lao động một cách âm thầm miệt mài. Ông là người sống với chữ, sống với thơ, sống với sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Cho nên các hoàn cảnh thì càng mài sắc thêm cái ý chí, khát vọng đó của ông.

Xem thêm 🍃 Thơ Nguyễn Nhật Ánh 🍃 những bài thơ hay nhất

Viết một bình luận