Trước Cổng Trời ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Soạn Bài, Cảm Thụ ✅ Tìm Hiểu Ý Nghĩa Tác Phẩm, Cách Đọc Hiểu, Soạn Bài, Giáo Án Chi Tiết Nhất.
NỘI DUNG CHÍNH
Nội Dung Bài Thơ Trước Cổng Trời
Con người, phong cảnh, hoạt động của đồng bào dân tộc ở miền núi Tây Bắc đã được tác giả Nguyễn Đình Ảnh khắc hoạ rõ trong bài thơ Trước cổng trời.
Trước cổng trời (trích)
Tác giả: Nguyễn Đình Ảnh
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng, mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc màu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói..
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
Và tiếng nhạc ngựa rung
Suốt triền rừng hoang dã
Người Tày từ khắp ngả
Đi gặt lúa, trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
Và gió thổi, suối reo
Ấm giữa rừng sương giá.
Chia sẻ thêm tác phẩm🌷Kì Diệu Rừng Xanh 🌷Nội Dung Tập Đọc, Soạn Bài, Cảm Thụ
Giới Thiệu Bài Thơ Trước Cổng Trời
Giới thiệu cho bạn một vài thông tin chính về bài thơ Trước cổng trời.
- Bài thơ Trước cổng trời được tác giả Nguyễn Đình Ảnh sáng tác vào năm 1989, hiện nay được in trong SGK Tiếng việt lớp 5 tập 1 trang 80, 81.
- Tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa tiểu học là một đánh giá khách quan, khẳng định đóng góp quan trọng của nhà thơ qua mảng thơ viết về đề tài quê hương, đất nướ
- Nội dung chính: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp vùng núi cao Tây Bắc. Nơi đây rực rỡ sắc cỏ hoa, ruộng nương. Âm thanh vui tai của thác nước, nhạc ngựa. Những dân tộc anh em sống hòa thuận, lao động hăng say.
Bố Cục Bài Thơ Trước Cổng Trời
Bố cục bài thơ Trước cổng trời có thể chia bài làm 3 đoạn:
- Đoạn 1: 4 dòng đầu: Tác giả nhìn thấy cổng trời giữa hai vách núi
- Đoạn 2: 8 dòng tiếp theo: Phong cảnh thiên nhiên Tây Bắc
- Đoạn 3: Phần còn lại: Người dân đang hăng say lao động
Đón đọc thêm bài thơ 🍀Tiếng Đàn Ba-La-Lai-Ca Trên Sông Đà 🍀 Nội Dung, Ý Nghĩa
Hướng Dẫn Tập Đọc Trước Cổng Trời
Thohay.vn hướng dẫn các em học sinh tập đọc bài thơ Trước cổng trời
- Phát âm đúng, chuẩn xác các từ ngữ sau: Ngút ngát, réo, triền rừng, người Giáy, người Dao.
- Đọc trôi chảy, lưu loát bài thơ.
- Biết đọc diễn cảm thể hiện niềm xúc động của tác giả trước vẻ đẹp vừa hoang sơ, thơ mộng,vừa ấm cúng, thân thương của bức tranh vùng cao.
- Đoạn thứ hai nên chú ý đọc với giọng sâu lắng, ngân nga, thể hiện cảm xúc của tác giả trước cảnh đẹp của vùng cao
Hiểu được các từ ngữ khó trong bài:
- Nguyên sơ: vẫn còn nguyên vẻ đẹp như lúc ban đầu.
- Vạt nương: mảnh đất trồng trọt trải dài trên đồi, núi.
- Triền miên: dải đất thoai thoải ở hai bên bờ sông hoặc hai bên sườn núi.
- Sương giá: sương lạnh buốt ( vào mùa đông).
Ý Nghĩa Bài Thơ Trước Cổng Trời
Bài thơ Trước cổng trời mang ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống trên miền núi cao – nơi có thiên nhiên thơ mộng, khoáng đạt, trong lành cùng những con người chịu thương, chịu khó, hăng say lao động làm đẹp cho quê hương.
Giới thiệu thêm tác phẩm 🍀Việt Nam Thân Yêu 🍀Hay, ý nghĩa
Đọc Hiểu Tác Phẩm Trước Cổng Trời
Gợi ý cách đọc hiểu tác phẩm Trước cổng trời thông qua bộ câu hỏi và đáp sau đây.
👉Câu 1: Con hãy nối từ cột bên trái với phần lí giải tương ứng ở cột bên phải.
Đáp án: 1->c, 2-> b, 3-> d, 4-> a
👉Câu 2: Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là ” Cổng trời”?
A. Vì đó là nơi cao nhất, nối liền giữa cuộc sống trần gian với những kì bí chưa khám phá hết ra được.
B. Vì đó là một cái đèo cao giữa hai vách đá; từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy một khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
C. Vì ở địa điểm đó có một cái cổng gọi là “cổng trời”
D. Vì ở đó là cảnh vật, muôn thú kì ảo như trên trời.
Đáp án: B
👉Câu 3: Con hãy nối hai vế sau để được những câu thơ hoàn chỉnh:
Đáp án:
Con thác réo ngân vang
Đàn dê soi đáy suối
👉Câu 4: Con hãy nối vế bên trái với vế bên phải để được kết hợp đúng:
Đáp án:
Người Tày đi khắp ngả
Đi gặt lúa, trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi hái măng, hái nấm
👉Câu 5: ” Vạt chàm thấp thoáng” được nhắc tới trong khổ thơ thứ ba là chỉ ai?
A. Người Tày
B. Người Giáy, người Dao
C. Người Mông
D. Người Thái
Đáp án: B
Soạn Bài Trước Cổng Trời Lớp 5
Các em học sinh có thể tham khảo phần soạn bài Trước cổng trời lớp 5 theo gợi ý của Thohay.vn dưới đây.
👉Câu 1 (trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
Đáp án: Địa địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời” vì đó là một đèo cao giữa hai vách đá, từ đây có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời…
👉Câu 2 (trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ?
Đáp án: Từ cổng trời nhìn xa, qua làn sương khói mờ ảo ta thấy cả một không gian rực rỡ, con thác réo mãi không ngừng, như giọng kể, như khúc hát ngân nga của núi rừng. Nơi dòng suối đào lê soi bóng, lúc chín ngọt như mật. Trong buổi chiều yên ả, sương giá của màn đêm bắt đầu lấn xuống, rung trong không gian là tiếng nhạc ngựa, gió thổi đưa vào không trung bao la…
👉Câu 3 (trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Trong những cảnh vật được miêu tả, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
Đáp án:
Em thích nhất là hình ảnh đứng ở cổng trời, trước mắt như mở ra một không gian vô tận, gió thoảng, mây trôi, con người thật nhỏ bé và thiên nhiên thật hùng vĩ.
Hoặc
Trong bức tranh thiên nhiên được miêu tả, em thích nhất cảnh:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
Bức tranh đó vừa gợi lên màu sắc, báo hiệu một mùa màng tốt tươi vừa gợi lên cuộc sống ấm no, thanh bình vùng núi cao.
👉Câu 4 (trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 1): Điều gì đã khiến cho cánh rừng sương giá như ấm lên?
Đáp án: Cảnh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh sinh hoạt và lao động của con người, ai nấy tất bật, rộn ràng với công việc: người Tày từ khắp ngả đi gặt lúa, trồng rau; người Giáy, người Dao đi tìm măng, hái nấm; tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã; những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều.
Đừng bỏ lỡ tác phẩm🌱 Thư Gửi Các Học Sinh 🌱 Tìm hiểu chi tiết
Giáo Án Trước Cổng Trời Lớp 5
Chia sẻ cho các thầy cô giáo mẫu giáo án giảng dạy bài thơ Trước cổng trời lớp 5 chi tiết.
I. MỤC TIÊU
1. Kiến thức: Hiểu nội dung: Ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao và cuộc sống thanh bình trong lao động của đồng bào các dân tộc. (Trả lời các câu hỏi 1, 3, 4; thuộc lòng những câu thơ em thích )
2. Kĩ năng: Biết đọc diễn cảm bài thơ thể hiện cảm xúc tự hào trước vẻ đẹp của thiên nhiên vùng cao nước ta.
3. Thái độ: Tự hào trước vẻ đẹp của thiên nhiên vùng cao nước ta.
4. Năng lực:
- Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
- Năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ.
II. CHUẨN BỊ
1. Đồ dùng
- GV: Tranh minh họa SGK.
- HS: SGK, vở
2. Phương pháp và kĩ thuật dạy học
- Vấn đáp, quan sát, thảo luận nhóm, trò chơi…
- Kĩ thuật đặt và trả lời câu hỏi.
- Kĩ thuật trình bày một phút
III. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY – HỌC
Hoạt động của thầy | Hoạt động của trò |
1. Hoạt động khởi động:(3 phút) | |
– Cho HS tổ chức chơi trò chơi “Truyền điện” nêu tên các dân tộc của Việt Nam. – GV nhận xét, tuyên dương – Giới thiệu bài, ghi bảng | – HS chơi trò chơi – Cách chơi: Trưởng trò nêu tên 1 dân tộc của Việt Nam sau đó truyền điện cho bạn khác kể tên các dân tộc của Việt Nam, bạn nào không trả lời được thì thua cuộc. – HS nghe – HS ghi vở |
2. Hoạt động luyện đọc: (10 phút) * Mục tiêu: – Rèn đọc đúng từ, đọc đúng câu, đoạn. – Hiểu nghĩa các từ ngữ mới. – Đọc đúng các từ khó trong bài. * Cách tiến hành: | |
– Gọi HS đọc bài – Cho HS đọc nối tiếp từng đoạn trong nhóm – Luyện đọc theo cặp – Đọc toàn bài – GV đọc mẫu | – Một HS (M3,4) đọc toàn bài, chia đoạn – Nhóm trưởng điều khiển các bạn trong nhóm đọc: + Học sinh đọc nối tiếp nhau từng đoạn lần 1+ luyện đọc từ khó, câu khó. – Học sinh đọc nối tiếp nhau từng đoạn lần 2 + giải nghĩa từ chú giải – Học sinh luyện đọc theo cặp. – Một học sinh đọc lại toàn bài. – HS nghe |
3. Hoạt động tìm hiểu bài: (10 phút) * Mục tiêu: Ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao và cuộc sống thanh bình trong lao động của đồng bào các dân tộc. (Trả lời các câu hỏi 1, 3, 4) – HS (M3,4) trả lời được câu hỏi 2 * Cách tiến hành: | |
– Cho HS thảo luận nhóm trả lời câu hỏi 1. Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời” 2. Tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ? 3. Trong những cảnh vật được miêu tả, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao? 4. Điều gì đã khiến cảnh rừng sương gió ấy như ấm lên! – Giáo viên nhận xét bổ xung. – Nội dung bài: Giáo viên ghi bảng. | – Nhóm trưởng điều khiển các bạn trả lời câu hỏi, chia sẻ trước lớp – Học sinh đọc khổ thơ 1 và trả lời. + Gọi nơi đây là cổng trời vì đó là đèo cao giữa 2 vách đá, từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả 1 khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời. – Học sinh đọc khổ thơ 2 đến 3 và trả lời: Màn sương khói huyền ảo, những cánh rừng ngút ngàn cây trái, muôn sắc màu cỏ hoa, khoảng trời bồng bềnh mây trôi … – Thích hình ảnh đứng ở cổng trời, ngửa đầu nhìn lên thấy khoảng không có gió thoảng mây trôi, tưởng như đó là cổng đi lên trời, đi vào thế giới chuyện cổ tích. – Cảnh rừng sương gió như ấm lên bởi có hình ảnh con người, ai nấy tất bật, rộn ràng với công việc: gặt lúa, trồng rau, tìm măng, hái nấm … – HS nghe – Học sinh đọc lại :Ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao và cuộc sống thanh bình trong lao động của đồng bào các dân tộc. |
4. Luyện đọc diễn cảm:(8 phút) * Mục tiêu:– Biết đọc diễn cảm bài thơ thể hiện cảm xúc tự hào trước vẻ đẹp của thiên nhiên vùng cao nước ta. – Thuộc lòng những câu thơ em thích. – HS (M3,4) có thể học thuộc cả bài thơ * Cách tiến hành: | |
– Hướng dẫn cả lớp luyện đọc và thi đọc diễn cảm 1 đoạn thơ. – Chọn đoạn 2 làm đoạn đọc diễn cảm và đoạn học thuộc lòng. – Giáo viên theo dõi, nhận xét. – Luyện đọc thuộc lòng – HS (M3,4) học thuộc lòng bài thơ – Giáo viên nhận xét | – Học sinh luyện đọc theo cặp. – Học sinh thi luyện đọc diễn cảm trước lớp. – Học sinh nhẩm thuộc lòng đoạn 2 tại lớp. |
5. Hoạt động ứng dụng: (3 phút) | |
– Em có cảm nhận gì trước vẻ đẹp hùng vĩ của đát nước ta ? | – HS tự nêu |
4 Mẫu Cảm Thụ Trước Cổng Trời Hay Nhất
Tham khảo các mẫu cảm thụ bài thơ Trước cổng trời hay nhất.
Mẫu Cảm Thụ Trước Cổng Trời Hay – Mẫu 1
Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người luôn là nguồn cảm hứng vô tận của mọi nhà văn, nhà thơ ở mọi thời đại. Đến với bài thơ “Trước cổng trời ” của Nguyễn Đình Ảnh ta sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người vùng sơn cước.
Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với miền đất cực Bắc của Tổ quốc- một vùng núi cao hiểm trở nhưng có một khung cảnh thiên nhiên hoang dã và rất nên thơ. Vùng cổng trời được miêu tả như một bức tranh vô cùng lộng lẫy. Không gian của cổng trời được giới thiệu:
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
Câu hỏi tu từ cuối khổ thơ như là một sự ngỡ ngàng của tác giả với vẻ đẹp nơi đây. Cổng trời trên mặt đất là khoảng trời có gió, có mây giữa hai bên vách đá, nơi núi cao tưởng như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất. Từ cổng trời nhìn ra qua màn sương khói huyền ảo ta thấy một bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng:
Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc màu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói…
Khung cảnh thiên nhiên có đủ cỏ cây, hoa lá, cái gì cũng thật tuyệt. Bao sắc màu cỏ hoa đang đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời. Xa xa, kia là thác nước trắng xóa đổ xuống triền núi cao vang vọng, ngân nga như khúc nhạc của đất trời ngợi ca vẻ đẹp của núi rừng.
Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong, soi mình xuống đáy nước. Hình ảnh “Đàn dê soi đáy suối “ gợi lên những chú dê xinh xắn, đáng yêu, biết làm duyên, làm dáng khiến cảnh vật trở nên sinh động và hữu tình hơn.
Ở đây biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa được tác giả sử dụng thật tinh tế đã giúp nhà thơ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên có cảnh sắc nên thơ và khoáng đạt. Bức tranh ấy có thơ, có nhạc và có họa.
Đặc biệt khi ráng chiều buông xuống bức tranh ấy lại trở nên huyền ảo hơn khiến ta có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên kì ảo… Thiên nhiên đẹp nhưng rất đỗi thanh bình. Tác giả đã lựa chọn những từ ngữ có khả năng gợi tả vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng lạ thường và tràn đầy sức sống.
Giữa khung cảnh thiên nhiên ấy, con người xuất hiện trong sự tất bật, rộn ràng và họ đã có một mùa vàng bội thu:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
“Màu mật” là màu của lúa chín trĩu bông, là màu của sự no đủ. Từ “ngập” lại càng thể hiện rõ hơn cảnh được mùa của con người nơi đây. Con người hăng say lao động. Họ hòa cùng thiên nhiên, cây cỏ làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn, ấm áp hơn.
Hình ảnh con người lao động giữa khung cảnh thiên nhiên ấy trông thật đáng yêu, đáng quý. Nhịp thơ gấp gáp gợi tả cảnh lao động nhộn nhịp làm cho ta cảm giác núi rừng nơi cổng trời không còn lạnh giá, hoang vu mà thật trù phú, ấm áp:
Người Tày từ khắp ngả
Đi gặt lúa trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
“Áo chàm ” là trang phục đặc trưng của nhân dân các dân tộc miền núi. Hình ảnh hoán dụ vạt áo chàm “nhuộm’ xanh cả nắng chiều là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ. Hình ảnh này giúp ta thấy được con người đã làm chủ bức tranh thiên nhiên . Sự xuất hiện của con người trong sự lao động hăng say và trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên đã làm cho cánh rừng sương giá trong mùa đông trở nên ấm áp.
Bài thơ thể hiện cảm xúc thích thú, say sưa, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên. Chính cảm xúc đó đã giúp nhà thơ vẽ nên một bức tranh về cổng trời thật đẹp và ấm cúng. Con người và thiên nhiên nơi đây tràn đầy sức sống và đáng yêu. Đọc bài thơ ta thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Mẫu Cảm Thụ Trước Cổng Trời Ngắn Hay – Mẫu 2
Bài thơ Trước cổng trời đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên hết sức sinh động, thơ mộng và hấp dẫn.
Nhà thơ phóng tầm mắt ra xa để có thể ôm trọn lấy cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, hữu tình này. Khung cảnh thiên nhiên bao gồm cả có, cây, hoa, lá, tất cả đều thật tuyệt. Trăm hoa đua nhau nở, khoe sắc dưới ánh mặt trời.
Bức tranh thiên nhiên không chỉ có màu sắc mà còn có cả âm thanh. Đó là âm thanh ngân nga của con thác như ngợi ca vẻ đẹp của núi rừng. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong, soi mình xuống đáy nước. Có thể thấy được cả sự trong mát của con suối, in hình của đàn dê xuống đáy.
Ở đây tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa thật tinh tế, biện pháp này đã giúp nhà thơ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên có cảnh sắc nên thơ và khoáng đạt. Bức tranh có cả cây cối, có cả con vật, vừa động lại vừa tĩnh.
Đặc biệt khi nắng chiều buông xuống, bức tranh ấy lại trở nên huyền ảo hơn khiến ta có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên kì ảo… Thiên nhiên đẹp nhưng rất đỗi thanh bình.
Tác giả đã lựa chọn những từ ngữ có khả năng gợi tả vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng và tràn đầy sức sống để miêu tả thiên nhiên Tây Bắc thật đẹp, thật hoang sơ nhưng cũng thật gần gũi.
Mẫu Cảm Thụ Trước Cổng Trời Chọn Lọc – Mẫu 3
Bức tranh về con người đồng bào dân tộc lao động hòa hợp với thiên nhiên trong khung cảnh yên bình đã trở thành đề tài muôn thuở cho những nhà văn nhà thơ, có một sức hút đến lạ, đưa trí tưởng tượng cũng như kích thích trí tò mò khám phá trong chúng ta. Và nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã thành công khắc hoạ thiên nhiên, con người Tây Bắc trong bài thơ Trước cổng trời
Đi tới núi rừng Tây Bắc, Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã đưa tâm hồn chúng ta đến gần hơn với nơi đây hay những ai đã từng đặt chân lên vùng đất Đèo Hoàng Liên Sơn thuộc hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai cũng không thể quên được địa danh Cổng Trời đẹp huyền ảo và hùng vĩ được tác giả kể đến ngay trong khổ thơ đầu.
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng, mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
“Cổng trời” có thể hiểu là trên đỉnh dốc, giữa hai bên vách đá mở ra một khoảng trời bao la, có mây bay,gió thổi, người ta ngỡ là đó cái cổng để đi lên trời.
Khổ thơ tiếp theo, tác giả lại miêu tả kĩ cho chúng ta một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về cảnh đẹp này. Một biện pháp tu từ nữa lại được đưa vào “ réo ngân nga” rất đắt giá nhằm miêu tả tiếng thác nước đổ trắng xóa từ triền núi cao, vọng vang réo rắt như khúc nhạc.
Nhìn phóng tầm mắt ra xa ta thấy toàn bộ một không gian phong thủy hữu tình rộng bao la, ngút ngát toàn là màu sắc cỏ hoa. Trời Tây Bắc lúc nào cũng như mờ ảo bởi làn sương dày trắng khói từ trên đỉnh núi kéo về.
Bốn câu thơ tiếp, miêu tả thêm vẻ đẹp mê hồn ấy với không gian trải rộng là khắp các triền rừng của vạt nương, của thung lúa, với màu sắc ấp ủ lên hương “ màu mật”đây là hình ảnh nói lên sự trổ bông của cây lúa, đây là giai đoạn nói lên mùa màng bội thu, cuộc sống từ đó vui tươi hơn vì cuộc sống sẽ no ấm hơn.
Nhờ tiếng động của bầy ngựa con vật nuôi quen thuộc vùng cao làm bức tranh thêm sống động. Và sương giá không còn vì xuất hiện con người giữa thiên nhiên núi rừng ấy.
Các dân tộc được kể đến Người Tày, người Giáy, người Dao rất đoàn kết. Ai cũng tất bật rộn ràng, làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên ấm cúng, xua đi cái heo hút, hoang vắng của vùng núi cao cùng những sản vật đặc quyền của núi rừng “ Măng,nấm..”. “Áo chàm” là hình ảnh chiếc áo màu xanh quen thuộc của người dân tộc, màu xanh ấy thật mát mắt trong nắng chiều càng làm nổi bật hình ảnh con người dân lao động bình dị.
Có lên đến Cổng Trời mới cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc,ta thêm tự hào về danh lam thắng cảnh của quê hương Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Mẫu Cảm Thụ Trước Cổng Trời Hay Đặc Sắc – Mẫu 4
Thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Cùng với “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Cao Bằng” của Trúc Thông…, bài thơ “Trước cổng trời” của Nguyễn Đình Ảnh in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm 1989 đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. c.
Đọc “Trước cổng trời” của Nguyễn Đình Ảnh, ta nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng và tràn đầy sức sống. Đó là một thiên nhiên được đất trời ban tặng cùng với sự chung tay xây đắp của con người nên rất thiêng liêng mà gần gũi, có cái choáng ngợp song lại gợi sự tò mò, thích thú.
Địa danh “cổng trời” là tên gọi chung cho vùng núi cao hiểm trở, hùng vĩ và trùng điệp núi non của miền Tây Bắc Tổ quốc như cổng trời Quản Bạ ở Hà Giang, cổng trời ở Sa Pa (Lào Cai).
Bốn câu thơ đầu tiên mở ra một vùng núi non hùng vĩ, cao chất ngất ngỡ như cánh cổng thông đến nhà trời: “Giữa hai bên vách đá/Mở ra một khoảng trời/Có gió thoảng mây trôi/Cổng trời trên mặt đất?”.
Giữa hai bên vách đá dựng đứng là khoảng trời mênh mông với “gió thoảng mây trôi” hiện ra khiến tác giả sững sờ như lạc vào tiên cảnh. Câu hỏi tu từ “Cổng trời trên mặt đất?” là một cảm xúc ngỡ ngàng, không thể tin được khi nhà thơ đứng trước độ cao chất ngất của cổng trời. Quả là cổng trời hùng vĩ và rất nên thơ, nơi thiên nhiên giao hòa giữa trời và đất.
Nối tiếp mạch cảm xúc từ vẻ đẹp bao quát ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã giới thiệu vẻ đẹp cụ thể đầy thơ mộng từ cổng trời nhìn ra khung cảnh chung quanh. Một cổng trời với đầy đủ sắc hương hoa cỏ nhìn từ xa ngút ngát.
Nên thơ và lãng mạn nhất là hình ảnh “Đàn dê soi đáy suối” bên cạnh con thác ngân nga như một cung đàn bất tận. Thêm nữa, hình ảnh cổng trời mà không xa lạ với người trần thế, bởi cây trái sum suê đến ngút ngàn khắp một vùng rừng núi nguyên sơ tươi đẹp.
Qua cảm xúc của nhà thơ, cổng trời kỳ ảo và lung linh như một cõi thần tiên là khi chiều xuống. Thông qua nghệ thuật so sánh, tác giả một lần nữa đã đưa địa danh cổng trời bay lên thành cõi xa mờ, ảo diệu: “Giữa ngút ngàn cây trái/Dọc vùng rừng nguyên sơ/Không biết thực hay mơ/Ráng chiều như hơi khói…”.
Giữa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng nhìn từ cổng trời, nhà thơ tiếp tục điểm tô cho khung cảnh xung quanh bằng những gam màu sáng lấp lánh. Một cuộc sống ấm áp, đủ đầy, rộn ràng niềm vui được dựng lên bằng những câu thơ giàu hình tượng.
Cuộc sống nơi đây thực sự hạnh phúc nên tiếng nhạc ngựa nhờ đó cũng rung lên rộn rã và xao xuyến lòng người: “Những vạt nương màu mật/Lúa chín ngập lòng thung/Và tiếng nhạc ngựa rung/Suốt triền rừng hoang dã”.
Giữa bốn bề khung cảnh tươi vui, mùa màng no đủ, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê để gợi tả niềm vui lao động của con người. Cuộc sống rộn ràng, tươi đẹp, mùa vụ đang bội thu, nhân dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc cũng tất bật hơn. Tất bật mà vui tươi, vì họ làm chủ cuộc sống lao động của mình
. Nhờ đó, đọc “Trước cổng trời” mà ta thấy lòng mình ấm áp, say mê trong niềm vui lao động, tâm hồn như hòa nhập cùng với “Vạt áo chàm thấp thoáng” của bà con tụ hội về đây đắp xây cuộc sống mới: “Người Tày từ khắp ngả/Đi gặt lúa, trồng rau/Những người Dáy, người Dao/Đi tìm măng, hái nấm”.
Với một cảm xúc chân thành và đằm thắm, bài thơ “Trước cổng trời” đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc thật tráng lệ, đồng thời cũng ấm áp cuộc sống lao động của con người. Vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây thật hài hòa, gắn bó khiến cho tâm tình người đọc cũng xúc động và tha thiết hướng về.
Bài thơ nhờ đó đã gieo vào lòng chúng ta một tình cảm mến yêu và tự hào về quê hương đất nước, trong đó có địa danh cổng trời – một thắng cảnh của miền Tây Bắc xa xôi.
Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm🌱 Lẵng Quả Thông 🌱 Nội dung, ý nghĩa