Bài viết dưới đây Thohay.vn chia sẻ cho bạn thông tin về nội dung, xuất xứ hoàn cảnh sáng tác và những mẫu phân tích của tác phẩm Tầng hai.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Tác Phẩm Tầng Hai
“Tầng Hai” là một truyện ngắn của nhà văn Phong Điệp, được viết khoảng những năm 2000 và in trong tập truyện ngắn “Kẻ dự phần” xuất bản năm 2008. Tác phẩm này kể về cuộc sống của nhân vật Phan và những suy nghĩ của cô về triết lý cuộc sống thông qua việc quan sát gia đình sống ở tầng hai của căn nhà cho thuê.
Nội dung chính:
- Nhân vật chính: Phan, một cô gái sống ở tầng một của căn nhà cho thuê, thường xuyên bận rộn với công việc và ít khi nhớ về gia đình mình.
- Câu chuyện: Phan bắt đầu chú ý đến cuộc sống của gia đình sống ở tầng hai, gồm một người mẹ và con trai con dâu. Những âm thanh từ tầng hai gợi nhớ cho Phan về gia đình của mình và những kỷ niệm đã lâu không nhớ đến.
Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ trong truyện ngắn này giàu nhạc điệu và tinh tế, tạo nên sự lôi cuốn cho người đọc.
- Tình cảm: Tác phẩm thể hiện sự đồng cảm và lòng thương xót đối với những con người sống trong cảnh nghèo khó, đồng thời gửi gắm khát vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn.
Ý nghĩa:
- Nhân văn: “Tầng Hai” là một tác phẩm đầy tính nhân văn, thể hiện sự đồng cảm và lòng thương xót đối với những con người sống trong cảnh nghèo khó.
- Hiện thực: Tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam, với những mảnh đời cơ cực và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn
Tuyển tập 🍀100 Bài Thơ Hay Nhất Thế Kỷ 20🍀
Nội Dung Truyện Ngắn Tầng Hai
Chia sẻ cho các bạn đọc nội dung truyện ngắn Tầng hai tại bài viết sau đây. Mời bạn tham khảo.
Kể từ khi dọn về đây, Phan thường âm thầm dõi theo và ngẫm nghĩ nhiều về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trên tầng hai của ngôi nhà cô đang ở trọ. Thực ra Phan vẫn chưa từng một lần bước chân lên đó, nhưng cô có thể hình dung ra cuộc sống ấy qua những âm thanh vọng xuống căn phòng của cô.
Và khi tình cờ gặp họ ở chân cầu thang, nhìn khuôn mặt họ, cô lại cố đoán xem họ đang nghĩ gì, để khi chỉ còn lại một mình ngồi trong căn phòng trống trải, nghe những âm thanh từ tầng hai vọng xuống, cô lại mường tượng ra dáng vẻ và nét mặt từng người trong mỗi tình huống ấy.
Điều này khiến cô vừa tò mò, vừa cảm thấy thú vị. Đôi lúc nằm co ro trong chăn lạnh, cảm nhận được ngôi nhà đang chìm dần vào màn đêm yên ả, tĩnh lặng, Phan lại tự hỏi: cuộc sống của cô rồi đây sẽ thế nào nhỉ?
Trên tầng hai có ba người: bà mẹ ngoài 60 tuổi, vốn là cựu thanh niên xung phong, bị bệnh thấp khớp. Anh con trai làm ở xưởng in và chị con dâu là công nhân của một xí nghiệp đóng giầy. Họ chỉ mới dành tầng một để cho thuê vì sau khi người cha qua đời, tầng dưới bỏ thừa chẳng để làm gì. Và đấy là lý do cô xuất hiện ở ngôi nhà hai tầng mầu xanh nước biển, nằm quay lưng ra công viên này – sau một lần tình cờ đọc được mẩu tin rao vặt trên báo.
“Nhưng ở đây chúng tôi không thích ồn ào”.
“Vâng, cháu cũng ghét sự ồn ào lắm ạ”.
“Thế thì được”.
Hợp đồng thuê nhà được lập một cách chóng vánh và Phan chuyển đến ngay ngày hôm sau.
Một căn phòng 14 m2 có cửa riêng, cách biệt cùng một nhà bếp chừng 8 m2 kề với cầu thang ở tầng 1 được dành cho Phan. Vậy đã là quá đủ xa xỉ cho một cô gái tỉnh lẻ cố bám trụ lại nơi phố thị phồn hoa như cô.
“Có bếp ở đây, cháu có thích nấu nướng thì cứ tuỳ ý”.
Thực ra chẳng mấy khi Phan động đến cái bếp ấy. Cô đi suốt ngày và chỉ trở về cái hộp chật hẹp của mình sau khi vô tuyến đã chuyển sang chương trình bản tin thời sự cuối ngày. Cô se sẽ tắt máy từ ngoài ngõ rồi mới dám dắt xe vào nhà. Luôn lo lắng rằng mình có thể gây ra cho họ những phiền toái nhất là vào lúc đêm khuya nên cô thận trọng mở vòi nước, xòe tay đỡ cho dòng nước khỏi tạo nên những âm thanh quá chói gắt.
Khi chậu nước đã lưng lửng, cô xiết cái khoá vòi lại, rửa qua loa mặt mũi rồi nhanh chóng lao vào giường ngủ. Thường là Phan không ngủ được ngay. Cô vẩn vơ nghĩ ngợi lung tung, hoặc là tự rà soát công việc trong ngày, lẩm nhẩm tính toán số tiền đã tiết kiệm được; hay lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Mới về phòng Tiếp thị – thị trường chưa lâu, cô đã rất được mọi người chú ý vì sự năng nổ và hoạt bát của mình. Điều ấy khiến cô phấn chấn.
Khi các công việc đã được lập trình một cách rành mạch, Phan quyết định không nghĩ đến chúng nữa mà để cho đầu óc mình được nhàn rồi. Và đây cũng là lúc Phan bất chợt nảy ra ý định dõi theo cuộc sống của ba con người ở trên tầng hai.
Phan chờ mãi, chờ mãi không thấy ai lên tiếng, chỉ có âm thanh rí rách của cái vòi nước chảy vào bể ngầm nằm dưới chân cầu thang.
Vì hai tầng tiếp với nhau bằng cầu thang hở, không có cửa ngăn cách nên mọi âm thanh vọng xuống phòng cô đều rất rành rọt. Người mẹ nằm ở gian ngoài (kề với cầu thang) thường nói chuyện với vào phòng của vợ chồng cậu con trai (thẳng phòng của cô lên). Nhiều lúc, vào giữa đêm khuya, bà ngủ mê – vừa khóc vừa nói, anh con lại huỳnh huỵch chạy từ phòng trong ra, lay gọi mẹ.
Lại có lần, cô trở về nhà khi ngôi nhà đã hoàn toàn yên lặng trong giấc ngủ. Cô với cái khăn ẩm treo trên mắc, lau mặt qua loa rồi định bụng đi nằm luôn. Nhưng cô chợt nghe thấy một tiếng thở dài đang được cố gìm nén lại. Thoạt tiên, Phan tưởng mình nghe nhầm. Cô nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ chóng đến. Sau cả một ngày trời lăn lộn trên đường Phan cảm thấy cơ thể mình bải hoải như muốn ốm.
“Nhất định không được phép ốm, mày hiểu không? Một thân một mình ở cái đất này, ốm lăn ra đấy để mà chết à? Khi đấy ai là người thương mày, lo cho mày? Người ta có tốt mấy thì cũng phải lo cho cuộc sống của mình chứ. Ai sức mấy kè kè ngồi với mày được”.
Con bạn thân đã từng sa sả nói vỗ vào mặt Phan như thế khi một lần nó bắt gặp cảnh cô nằm chòng queo ở nhà, bỏ cơm, mồm rên hừ hừ, đầu hây hấy sốt.
Giấc ngủ nhập nhoạng kéo đến tê tê mí mắt, Phan lại nghe thấy âm thanh giống như tiếng khóc. Cô mở choàng mắt, nghe ngóng. Đúng là tiếng khóc. Lúc đầu nó còn âm âm trong lồng ngực, sau vỡ dần ra khoé miệng. Liền sau đấy là tiếng hỉ mũi rất to và những tiếng nấc tức tưởi.
-Mày có ngủ đi không con! – Tiếng người mẹ- Mà cái thằng này nó cũng tệ. Đi đâu phải báo với nhà một tiếng chứ cứ mất mặt như thế, lỡ có chuyện gì. Thôi ngủ đi con ạ. Chắc nó lại ham chơi bạn bè đấy mà. Để mai nó về mẹ cho nó một trận.
-…
-Đang mang thai mà khóc như thế này là không tốt đâu con ạ. Thôi, chồng nó có gì không nên không phải thì bảo ban lấy nhau mà sống. Ai lại khóc lóc như trẻ con thế. Ngủ đi con.
Tiếng nấc thưa dần. Phan chờ mãi, chờ mãi không thấy ai lên tiếng, chỉ có âm thanh rí rách của cái vòi nước chảy vào bể ngầm nằm dưới chân cầu thang. Cô đành nằm đoán xem cái bể đã đầy đến đâu và có ý đợi đến lúc cái bể đầy nước. Khi đó cái phao an toàn nối với van sẽ giật nắp vòi nước lại và âm thanh rí rách đơn điệu kia sẽ tắt hẳn. Nhưng cô không đợi được tới lúc đó vì giấc ngủ đã kéo đến lúc nào không hay.
Một lần, Phan trở về nhà từ sớm. Cô bày vẽ ra mấy món ăn rồi ngồi thu lu trong phòng, vừa kê sách lên đùi đọc, vừa ôm lấy bát cơm. Hôm nay cơ quan cô vừa tổng kết xong đợt hàng tồn, mai chuẩn bị nhập kho sản phẩm mới. Đang dắt xe chuẩn bị ra về, chợt bác tổ trưởng gọi Phan ra một góc rồi dúi vào tay cô cái phòng bì, bên trong là ba tờ một trăm nghìn đồng.
-Chỗ này là thưởng thêm cho cháu. Cố mà làm cho tốt nhé.
Số tiền gần bằng nửa tháng lương khiến Phan cảm thấy vui vui. Ăn xong bữa cơm gia đình, Phan dọn dẹp giường chiếu, định bụng đi nằm sớm. Cũng là một cách cô tự thưởng công cho mình sau những buổi vừa rong xe trên đường, vừa ngáp ngắn, ngáp dài.
Đúng lúc đó, cuộc trò chuyện sau cánh cửa của đôi vợ chồng trẻ khiến cô chú ý:
-Anh bảo này, anh đi đến sáng mai với về, em chịu khó xuống ngủ với mẹ nhé.
-?
-Thì có mẹ có con cho vui. Mẹ có đau chân thì bóp đỡ giúp mẹ nhé.
-Được rồi, em hiểu rồi.
-Ừ, thôi anh đi đây. Em lên đi.
Và dường như họ lặng lẽ hôn nhau. Sau đó là tiếng cánh cửa khe khẽ khép lại, tiếng xe máy xa dần. Cô con dâu nhón chân đi lên tầng hai.
-Mẹ ơi, mẹ ngủ chưa?
-Chưa, thằng Thắng nó đi rồi hả con?
-Vâng. Sáng mai anh ấy về. Con nằm một mình buồn lắm, mẹ cho con ngủ với nhé.
-Con mang gối ra đây.
-Hôm nay mẹ có thấy người mỏi lắm không? Con xem dự báo thời tiết, lại sắp có đợt rét tăng cường đấy.
-Mẹ thấy hơi buồn chân tay. Mà con có đói thì uống thêm cốc sữa. Chịu khó mà ăn cho con nó khoẻ. Lúc tối mẹ thấy mầy ăn ít quá, mẹ lại xót. Sắp làm mẹ đến nơi rồi đấy, biết không con.
-Mẹ ơi, con không đói mà.
-Kéo chăn về phía ấy, sao cứ dồn cả lại cho mẹ thế này. Ừ không đói thì thôi. Khuya rồi. Ngủ đi mai còn đi làm sớm con ạ.
Chỉ một chốc, cô đã nghe thấy tiếng thở nặng nhọc của người mẹ và nhịp thở đều đều của cô con dâu. Phan với tay tắt đèn, nằm im lìm trong bóng đêm, chạnh nhớ nhà…
Cũng có lúc cô muốn về quê lập nghiệp, nhưng ở lại Hà Nội dẫu sao còn kiếm được việc nọ việc kia. Về quê, đợi đến bao giờ cho có “chỉ tiêu”, đến bao giờ hồ sơ xin việc của cô mới được người ta để mắt tới? Phan không thể ngồi chờ để mà chết đói. Cô sẽ phải giầu, thật giầu. Cô đã quá thấm thía nỗi khổ cực do sự nghèo mang lại…
Có lần, vào ngày nghỉ, người mẹ về quê ăn cưới, tầng hai chỉ còn đôi vợ chồng trẻ. Sáng sớm, chị vợ lạch cạch mở khoá cửa, xách làn đi chợ. Tầng trên vẫn im lìm, có lẽ anh chồng vẫn còn ngủ rốn.
Một lát sau chị vợ về với đủ thứ lỉnh lỉnh. Mùi xào nấu thơm phức. Nhạc bật lên rộn rã. Tiếng phim ti vi léo nhéo. (Tự nhiên Phan thấy hơi buồn cười vì cô cũng có thói quen hễ về đến nhà là bật tuốt mọi loại có thể tạo được âm thanh. Tuy nhiên đã lâu cô dần bỏ được thói quen ấy chỉ vì thời gian ở nhà chẳng có là bao, mà toàn vào buổi tối khuya)
-Thôi, em tắt đi để cho anh ngủ tí đã.
-Mấy giờ rồi anh còn ngủ? Anh đã hứa với em thế nào rồi hả?
-Ừ, nhưng mà anh vẫn buồn ngủ lắm.
Tiếng nhạc, tiếng vô tuyến tiếp tục được vặn to volume. Lần này cộng thêm cả tiếng gõ bát đũa lanh canh khiến cái tầng hai trở nên hết sức nhộn nhạo. Anh chồng cuối cùng đã bị chị vợ lôi bật ra khỏi giường, miệng la oai oái vì chậu nước rửa mặt chưa pha nước sôi.
Họ nhanh chóng ngồi vào bàn ăn sáng và trêu đùa nhau như trẻ nhỏ.
-Anh sẽ mua một bộ salon bọc nhung đặt vào chỗ này nhé. Ti vi và bộ giàn sẽ chuyển sang chỗ kia.
-Còn chỗ này sẽ là chiếc đồng hồ to như cái tủ, có quả lắc dài cứ 30 phút đánh chuông một lần, vỏ sơn mầu cánh gián mà hôm trước em bảo anh ấy. Để anh khỏi ngủ cố- Chị vợ rúc rích cười – à, phải mua cho mẹ cái chiếu bằng gỗ pơmu. Em nghe nói, nằm chiếu ấy chữa được bệnh đau lưng đấy.
-Anh định kê bàn học của con mình ở đâu?
-Đây này. Gần cửa sổ, tha hồ sáng, khỏi bị cận giống như cái cô thuê nhà mình ấy.
Họ vừa cấu nhau vừa cười – và hình như đang thầm ra hiêụ cho nhau nói nhỏ lại. Phan hơi ngượng vì có vẻ như họ đã biết cô đang nghe trộm cuộc nói chuyện riêng tư ấy. Bữa sáng kết thúc, chị vợ thu dọn bát đũa, đoạn giục chồng thay quần áo để cùng nhau đi chơi phố.
Họ đi ào qua phòng cô như những cơn gió, để lại ngôi nhà hai tầng và Phan ngồi nghĩ vẩn vơ.
Có lần trên ấy làm bún chả. Người mẹ xuống phòng Phan, kéo cô lên.
-Cháu ăn rồi bác ạ.
-ăn chưa, ăn rồi thì cứ lên làm một miếng cho vui cháu.
-Thôi, xin bác cho hôm khác. Quả thực là cháu vừa ăn, hãy còn no lắm, bác ạ.
Thâm tâm Phan thấy ngài ngại khi tự nhiên lại xen vào cuộc sống của họ. Họ trò chuyện, trêu đùa nhau, lúc ấy cô sẽ làm gì nhỉ? Cô sẽ trở thành người thừa mà thôi…
Bà chủ vừa bước từng bước nặng nề lên câu thang vừa than “Cái con bé này khó mời quá”. Phan đỏ mặt, khép cánh cửa, nằm im trên giường, tiếp tục lắng nghe những âm thanh từ tầng 2 vọng xuống.
Căn phòng của Phan chỉ kê được một chiếc giường, một tủ quần áo, mấy hòm sách xếp chồng lên nhau và chừa một chỗ cho chiếc Chaly. Đi thì chớ, hễ cứ ở nhà là Phan chỉ biết nằm thượt trên giường đọc sách và ngẫm nghĩ. Cô ít khi về dưới quê vì chán những cảnh cãi vã như cơm bữa, những con đề cứ chiều chiều lại tụ tập đầy trước cửa nhà. Cô sống chết cũng phải bám lấy đất này, phải mở mày mở mặt tại đây…
Một đêm về sáng, Phan chợt giật mình vì nghe những tiếng động lạ trên tầng hai. Chị vợ hình như chuyển dạ. Anh chồng cuống quýt dắt xe ra, chở vợ đến bệnh viện. Cả tháng này họ đã mong ngóng giờ phút này.
-Đi cẩn thận con nhé
Người mẹ lo âu đứng cạnh cửa, nói với theo
Năm giờ sáng, anh con trai trở về. áo mưa rũ soàn soạt:
-Bà nhanh mà vào với cháu đi. Con trai. 3 cân rưỡi. Khóc to lắm.
-Thế vợ mày nó thế nào?
-Nhà con khoẻ.
Tiếng xe máy hối hả lăn ra ngoài ngõ.
Tầng hai có thêm thanh viên mới. Bởi vậy bên cạnh những âm thanh quen thuộc trước đây, bây giờ Phan phải làm quen cả với tiếng trẻ khóc. Kể cả những âm thanh tưởng như đã quen thuộc với cô từ căn phòng trên ấy, bây giờ cũng khác nhiều…
-Tã của con khô chưa anh?
-ăn cố bát nữa, lấy sữa cho con nó bú đi con.
-Bà xem thằng cún con biết hóng chuyện rồi này. Cái mồm, bà xem, nom chẳng giống ai!
-Cha bố anh, sao lại chả giống ai.Trông nó có khác gì ngày xưa, hồi tôi vừa đẻ anh ra ấy.
Phan định chờ lúc đứa trẻ đầy tháng sẽ lên tầng hai để thăm, nhưng tự nhiên cô tò mò muốn được trông thấy ngay cảnh sống trên ấy, và được nhìn đứa trẻ. Bởi cô chưa biết mặt nó nên không thể tưởng tượng được điều gì mỗi khi nghe “cháu bà đang cười này” hay “mặt nhăn lại thế này là sắp đùn rồi”.
Một lần, cô rụt rè đi lên lừng chừng cầu thang rồi lại phân vân trở xuống. Cứ lần khân thế mất 10 phút. Hình như lúc đó đứa trẻ đang nô với người mẹ trẻ.
-Kìa cháu – Bà chủ nhà vồn vã – Lên đây cháu.
Phan nóng bừng mặt, xấu hổ như mình đang làm điều gì khuất tất thì bị bắt quả tang.
Đứa trẻ đang toe toét cười với Phan. Khuôn mặt người mẹ có phần mệt mỏi nhưng niềm hạnh phúc vẫn ánh lên rạng rỡ. Đến lúc ấy Phan mới được tận mắt nhìn ngắm thế giới tầng 2 mà lâu nay cô chỉ mặc sức tưởng tượng. Hai gian phòng hẹp đặt hai chiếc đệm.
Phòng của đôi vợ chồng trẻ có thêm chiếc tivi nội địa và cái đài Trung quốc vỏ đỏ, hai cửa băng. Tủ quần áo của cả nhà kê sát cửa ra vào. Tất cả chỉ có chừng ấy. Vậy mà nó có thể tạo nên những âm thanh mới sống động làm sao. Phan thực sự ngạc nhiên. Hoá ra hạnh phúc gỉan dị hơn những gì cô tâm niệm.
Phan vẫn có thói quen nằm yên lặng trong bóng đêm, lắng nghe những âm thanh từ tầng hai vọng xuống, tưởng tượng ra những gương mặt. Những lúc ấy, cô lại chợt nhớ nhà đến cồn cào. Mẹ cô thường dậy sớm quạt bếp lò, nấu ấm nước nóng cho cha cô pha trà rồi làm bữa ăn sáng cho cả nhà.
Khuôn mặt mẹ vì vậy mới sớm ra đã lấm tấm mồ hôi. Chị cả thì kéo chân và thổi hơi phù phù vào tai cô, môi chu lại thật đáng ghét. Rồi còn cả cái ngày mẹ cô đi vay nợ cho cô có tiền nộp học, hai mắt mẹ hoe hoe đỏ. Còn nữa…
Nhưng có thể bởi đã lâu, cô không thường mường tượng lại gương mặt của những người thân yêu nên những nét buồn vui trên từng gương mặt ấy đã phần nào phai nhạt trong tâm trí cô. Và cô thì cứ mải mốt kiếm tìm những điều tận đẩu tận đâu…
Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học
Tóm Tắt Tầng Hai
Sau đây là tóm tắt truyện Tầng hai mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn đọc.
Tác phẩm Tầng hai kể về nhân vật Phan – nhân vật xuyên suốt tác phẩm. Phan đang sống ở một căn phòng cho thuê ở tầng một. Cuộc sống của cô có phần đơn điệu và tẻ nhạt, khiến cô bắt đầu để ý đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình trên tầng hai. Đó là một gia đình gồm ba người, người mẹ và người con trai con dâu của mình.
Phan chỉ nghe những âm thanh và đoán xem những người trên đó đang làm gì. Đối với Phan, cô đã rất lâu rồi không nhớ về gia đình của mình, cô chỉ biết liều mình làm việc để trở nên thật giàu có. Chính vì thế đột nhiên nghe thấy những âm thanh của cuộc sống vang vọng trên tầng hai, lại làm cho tâm trạng của cô trùng xuống.
Cô càng ngày càng tò mò hơn về cuộc sống của gia đình trên tầng hai, nên cô đã quyết định lên trên đó xem thử. Khi tận mắt nhìn thấy, Phan lại nhớ đến khung cảnh gia đình của mình, có hình ảnh của mẹ dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, có chị cả đang trêu cô và còn rất nhiều hình ảnh khác nữa. Đó là những hình ảnh mà rất lâu rồi Phan không nhớ đến và cô chợt nhận ra đó mới là thứ hạnh phúc giản dị mà cô đã quên.
Đón đọc 💚 Bài Ca Phong Cảnh Hương Sơn 💚 Nội Dung + Nghệ Thuật + Phân Tích
Về Tác Giả Tác Phẩm Tầng Hai
Chia sẻ thêm cho bạn đọc thông tin về tác giả tác phẩm Tầng hai tại bài viết sau đây.
1. Tiểu sử.
– Nhà văn Phong Điệp tên thật là Phạm Thị Phong Điệp, sinh năm 1976.
– Sinh ra tại Nam Định.
2. Đặc điểm nghệ thuật.
– Phong Điệp chủ yếu viết về thể loại truyện ngắn, ít cảm xúc nghệ sĩ, giống với chất đời thực của bà, luôn quan sát những cái nhìn khách quan bên ngoài cuộc sống
– Những truyện bà viết hay, dễ hiểu câu văn tinh tế đôi khi đơn giản và ngắn gọn, chủ yếu vào các vấn đề chính.
3. Tác phẩm chính.
– Chủ yếu các sáng tác của bà về thể loại truyện, truyện ngắn, truyện dài,…
– Tập truyện ngắn: Khi ta hai mươi (1996); Ma mèo (NXb Trẻ 1997); Người phía bên kia đường (NXB Trẻ 2000); Phòng trọ; Giấc mơ bay qua cửa sổ, Người của ngày hôm qua,…
– Truyện dài Lạc chốn thị thành (NXB Trẻ 2005)
Chia sẻ bạn 20+ 👉 Mẫu Viết Văn Bản Nghị Luận Về Một Tác Phẩm Truyện Lớp 11
Ý Nghĩa Tác Phẩm Tầng Hai
Truyện Tầng hai là một truyện ngắn đầy cảm xúc của tác giả Phong Điệp, mô tả cuộc sống đơn độc và sự khao khát hạnh phúc của nhân vật chính. Qua đó, tác giả thể hiện được hình ảnh cuộc sống cùng với những bài học quan trọng về giá trị gia đình và sự đơn giản trong cuộc sống.
Bố Cục Tác Phẩm Tầng Hai
Bố cục tác phẩm Tầng hai được chia làm 3 phần như sau:
– Phần 1: Đoạn 1 – Giới thiệu nhân vật Phan và hoàn cảnh gia đình chủ nhà sống trên tầng hai.
– Phần 2: Đoạn 2,3,4: Cuộc sống của gia đình chủ nhà trên tầng hai qua cái nhìn của nhân vật Phan.
– Phần 3: Đoạn 5 – Sự nhận thức về hạnh phúc và nỗi nhớ về gia đình của Phan.
Xem thêm bài viết đầy đủ về tác phẩm 🌱 Gió Lạnh Đầu Mùa 🌱
Đọc Hiểu Tác Phẩm Tầng Hai
Bạn xem thêm về đọc hiểu tác phẩm Tầng hai mà Thohay.vn chia sẻ dưới đây nhé.
👉 Câu 1: Chú ý cách tác giả giới thiệu nhân vật.
Trả lời:
Tác giả giới thiệu nhân vật: Trên tầng hai có ba người: bà mẹ ngoài sáu mươi tuổi, vốn là cựu thanh niên xung phong, bị bệnh thấp khớp. Anh con trai làm ở xưởng in và chị con dâu là công nhân của một xí nghiệp đóng giày.
👉 Câu 2: Phan đã nảy ra ý định gì? Ý định ấy nảy ra khi nào?
Trả lời:
– Phan nảy ra ý định theo dõi cuộc sống của ba con người ở trên tầng hai.
– Ý định ấy nảy ra sau khi Phan đã lập trình rành mạch các công việc cá nhân khác và quyết định để đầu óc được nhàn rỗi.
👉 Câu 3: Cảnh sinh hoạt ở tầng hai vào buổi sáng sớm được thể hiện qua những phương diện nào?
Trả lời:
Cảnh sinh hoạt:
+ Âm thanh: Lúc sớm là tiếng khóa mở cửa, người vợ xách làn đi chợ cùng với tiếng thở đều của người chồng. Sau đó là tiếng động bát đũa, tiếng ti vi và tiếng anh chồng mong muốn được ngủ thêm.
+ Mùi hương: Mùi thơm từ đồ ăn mà người vợ nấu.
+ Câu chuyện: Hai vợ chồng vui vẻ nói chuyện về những đồ mua thêm để sắp xếp cho ngôi nhà cùng những câu đùa giỡn nhau.
→ Khung cảnh buổi sáng với đầy đủ âm thanh, mùi hương và câu chuyện vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ có những dự định cho tương lai tốt đẹp.
👉 Câu 4: Suy nghĩ về lời nói hành động của những nhân vật trong gia đình Thắng.
Trả lời:
- Lời nói và hành động: Những cử chỉ ấm áp, thân mật, sự quan tâm giữa hai vợ chồng Thắng và giữa mẹ chồng với cô con dâu.
→ Họ rất quan tâm nhau, chăm sóc nhau từng chút một.
Bạn xem thêm truyện 💛 Kép Tư Bền 💛 Nội Dung Truyện, Tóm Tắt, Phân Tích, Soạn Bài
Giá Trị Truyện Ngắn Tầng Hai
Tác phẩm Tầng hai là một tác phẩm kể xoay quanh nhân vật Phan và câu chuyện kể về lối sống của các thành viên trong một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết lý cuộc sống.
Sơ Đồ Tư Duy Tầng Hai
Bạn đang cần sơ đồ tư duy truyện Tầng hai thì nhất định đừng bỏ qua bài viết mà chúng tôi chia sẻ sau đây nhé.
Đón đọc đoạn trích 👉 Tấm Lòng Người Mẹ Lớp 11
Dàn Ý Tầng Hai
Sau đây là dàn ý truyện Tầng hai cho những bạn nào đang cần.
1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả Phong Điệp (những nét chính về con người, cuộc đời và đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm Tầng Hai (xuất xứ, những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật,…)
2. Thân bài:
– Khung cảnh về căn nhà nơi Phan và một gia đình đang ở
– Sự tẻ nhạt cô đơn trong căn phòng của Phan đang ở
– Không khí nhộn nhịp, đông đúc trong căn phòng trên tầng hai
– Những ngẫm nghĩ của Phan về hạnh phúc gia đình
3. Kết bài:
Khẳng định lại nội dung và nghệ thuật đặc sắc qua truyện ngắn “Tầng hai” của nhà văn Phong Điệp. Từ đó thấy được những ý nghĩa, quan niệm về một cuộc sống hạnh phúc.
Bạn xem thêm 💛 Túp Lều Bác Tom 💛 Nội Dung Truyện, Ý Nghĩa, Cảm Nhận, Bài Học
Soạn Bài Tầng Hai Lớp 11
Hướng dẫn bạn cách soạn bài Tầng hai lớp 11 mà có thể bạn sẽ cần.
👉 Câu 1: Hành động, ý nghĩ của nhân vật Phan như thế nào?
Trả lời:
– Hành động:
+ Chẳng mấy khi động đến bếp.
+ Đi suốt, chỉ trở về khi đã cuối ngày.
+ Tắt máy từ ngoài ngõ mới dắt xe vào.
+ Thận trọng mở vòi nước, đưa tay ra đỡ tiếng nước.
– Ý nghĩ: Lo lăng sợ ảnh hưởng, làm phiền mọi người.
=> Phan là một cô gái với cuộc sống tẻ nhạt, cô đơn. Cô là người sống nội tâm và rụt rè, không muốn gây phiền toái cho ai.
👉 Câu 2: Truyện diễn ra trong bối cảnh (không gian, thời gian) nào? Cách tác giả từng bước mở rộng bối cảnh có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung của truyện?
Trả lời:
- Bối cảnh: Truyện diễn ra trong không gian là ngôi nhà hai tầng, thời gian là về đêm khi Phan đi làm về.
- Sự thay đổi có tác dụng: Mở dần bối cảnh cũng chính là mở dần cách nhìn của người kể chuyện từ đó có những thay đổi dần trong tâm hồn từ đó nhận ra triết lí trong cuộc sống về hạnh phúc.
👉 Câu 3: Hình dung về những biểu hiện tình cảm của các thành viên trong gia đình nhân vật Thắng.
Trả lời:
Những biểu hiện tình cảm của các thành viên trong gia đình nhân vật Thắng:
– Cả tháng cả nhà đều mong ngóng giờ phút này.
– Anh chống cuống quýt dắt xe chở vợ đến viện.
– Người mẹ lo âu, sốt ruột, lo lắng cho sức khỏe của con dâu và cháu nội.
– Khi có thành viên mới, cả nhà rộn rã, tất bật nhưng đều vui mừng, phấn khởi.
=> Cả nhà luôn yêu thương, quan tâm lẫn nhau.
👉 Câu 4: Chú ý giọng của người kể chuyện.
Trả lời:
Giọng người kể chuyện đã có sự thay đổi, bây giờ người kể chuyện đã bắt đầu nhận ra mình cũng có gia đình, có tình yêu thương mà bấy lâu nay chỉ đi mong ước từ nhà người khác.
Tham khảo ngay 20+ mẫu 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Truyện Kể
Giáo Án Tầng Hai Lớp 11
Bạn chưa biết soạn giáo án Tầng hai lớp 11 như thế nào thì hãy tham khảo ngay bài viết này.
I. MỤC TIÊU
1. Về mức độ/ yêu cầu cần đạt
-Phân tích và đánh giá được một số yếu tố hình thức( chi tiết tiêu biểu, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật) và nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng,triết lí nhân sinh)…) của truyện ngắn hiện đại. Nêu được ý nghĩa tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.
-Nhận diện và phân tích được tác dụng của một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong khi nói và viết từ đó có ý thức và bước đầu biết vận dụng quy tắc ngôn ngữ một cách hiệu quả, sáng tạo.
-Biết viết bài văn nghị luận và thuyết trình, giới thiệu một tác phẩm truyện theo lựa chọn cá nhân.
-Biết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; tin tưởng vào phẩm chất trong sáng, cao thượng, tình yêu và lòng can đảm của con người.
2. Năng lực
2.1.Năng lực đặc thù
*Đọc
-Đọc hiểu nội dung
+ Biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm.
+ Phân tích và đánh giá được đề tài, chủ đề, tư tưởng, triết lí nhân sinh mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định đề tài,chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
+ Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo mà người viết thể hiện qua văn bản.
-Đọc hiểu hình thức
+ Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện như: nhân vật, câu chuyện, người kể chuyện, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật,…
-Đọc mở rộng
+ Đọc tối thiểu 3 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.
-Liên hệ, so sánh, kết nối
+ Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm văn học đối với quan niệm, cách nhìn, cách nghĩ và tình cảm của người đọc; thể hiện được cảm xúc và sự đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.
2.2. Năng lực chung
-Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Phân tích được tình huống trong học tập, trong cuộc sống; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập, trong cuộc sống.
3. Phẩm chất
– Yêu thương, trân trọng hạnh phúc nhỏ bé quanh mình
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Chuẩn bị của giáo viên
– Giáo án, tài liệu tham khảo, kế hoạch bài dạy
– Phiếu học tập
– Bảng giao nhiệm vụ cho HS hoạt động trên lớp
– Bảng giao nhiệm vụ học tập cho HS ở nhà
2. Chuẩn bị của học sinh
– SGK, SBT Ngữ văn 8, soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế, tạo hứng thú cho HS, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. HS khắc sâu kiến thức nội dung bài học.
b. Nội dung: GV đặt cho HS trả lời những câu hỏi mang tính gợi mở vấn đề.
c. Sản phẩm: Nhận thức và thái độ học tập của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
– GV chuẩn bị câu hỏi khởi động:
– Học sinh theo dõi video sau đó trả lời câu hỏi: Quan điểm của em về hạnh phúc?
-Kết luận, nhận định, giáo viên dẫn dắt vào bài học: Mỗi một con người sẽ có một những chốn bình yên cho riêng mình, đó có thể là tình bạn, cũng có thể là trong tình yêu và có những người cho rằng chốn bình yên nhất là tình cảm gia đình. Sau bao nhiêu gian lao, bão táp con người ta đều mong được về bên gia đình để được yêu thương, an ủi. Hạnh phúc là gi? Làm thế nào để có được hạnh phúc? Ngày hôm nay qua tác phẩm “Tầng hai” của Phong Điệp chunghs ta sẽ lí giải được cho mình điều băn khoăn và trăn trở đó.
B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Hoạt động 1: Đọc và tìm hiểu chung
a. Mục tiêu: Giúp HS chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đọc hiểu văn bản, hướng dẫn đọc và rèn luyện các chiến thuật đọc.
b. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi liên quan đến thể loại văn bản thông tin và văn bản.
c. Sản phẩm: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV) – Yêu cầu HS đọc SGK và trả lời câu hỏi? Nêu những hiểu biết của em về tác giả Phong Điệp B2: Thực hiện nhiệm vụ GV hướng dẫn HS đọc và tìm thông tin. HS quan sát SGK. B3: Báo cáo, thảo luậnGV yêu cầu HS trả lời. HS trả lời câu hỏi của GV. B4: Kết luận, nhận định (GV) Nhận xét câu trả lời của HS và và chốt kiến thức lên màn hình. | I.Tìm hiểu chung 1. Tác giả – Nhà văn Phong Điệp (sinh năm 1976) tên thật là Phạm Thị Phong Điệp. Bà sinh tại Nam Định. – Phong ĐIệp chủ yếu viết về thể loại truyện ngắn, ít cảm xúc nghệ sĩ, giống với chất đời thực của chị, luôn quan sát những cái nhìn khách quan bên ngoài cuộc sống – Những truyện bà viết hay, dễ hiểu câu văn tinh tế đôi khi đơn giản và ngắn gọn, chủ yếu vào các vấn đề chính. -Chủ yếu các sáng tác của bà về thể loại truyện, truyện ngắn, truyện dài,… 2. Tác phẩm * Thể loại: Truyện ngắn* PTBĐ: Tự sự + Biểu cảm* Tác phẩm “Tầng hai” in trong tập truyện ngắn Kẻ dự phần năm 2008 |
Hoạt động 2: Khám phá văn bản
a. Mục tiêu: Nắm được nội dung và nghệ thuật văn bản.
b. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
Tổng hợp 20+ mẫu 👉 Viết Văn Bản Nghị Luận Về Một Tác Phẩm Thơ Lớp 11
3+ Mẫu Phân Tích Tầng Hai Hay Nhất
Tổng hợp cho các bạn 3+ mẫu phân tích Tầng hai hay nhất mà có thể bạn sẽ quan tâm.
Phân Tích Tác Phẩm Tầng Hai Hay Nhất
Truyện Tầng hai là một truyện ngắn mang đầy cảm xúc của tác giả Phong Điệp, miêu tả cuộc sống đơn độc và sự khao khát hạnh phúc của nhân vật chính. Từ đó, tác giả đã thể hiện được hình ảnh cuộc sống cùng với những bài học quan trọng về giá trị gia đình và sự đơn giản trong cuộc sống.
Bối cảnh của truyện xoay quanh một căn nhà hai tầng màu xanh biển ở Hà Nội, nơi mà Phan, một cô gái tỉnh lẻ, thuê phòng ở tầng dưới. Cuộc sống của cô đơn độc và tẻ nhạt, cô luôn mơ ước làm giàu để thoát khỏi cảm giác nhàm chán này. Cô thường ngồi suy nghĩ trước khi đi ngủ, theo dõi cuộc sống của gia đình ba người ở tầng hai. Từ tầng dưới, Phan có thể nghe thấy mọi âm thanh từ tầng trên, từ âm thanh mê ngủ của người mẹ đến tiếng chạy nhảy của người con trai, đến cuộc trò chuyện giữa các thành viên gia đình.
Cô cảm thấy ngượng ngùng khi nghe được những cuộc trò chuyện riêng tư của người khác, nhận ra cuộc sống của họ hoàn toàn trái ngược với cuộc sống tẻ nhạt của cô. Cô luôn tìm kiếm hạnh phúc và giàu có, tin rằng chỉ có khi thành công và giàu có, cô mới được tôn trọng và hạnh phúc.
Khi cặp vợ chồng ở tầng trên sinh con, Phan muốn chúc mừng họ, nhưng lại cảm thấy rụt rè. Cuối cùng, cô bị bà chủ nhà phát hiện và cô bước lên tầng hai, nhìn thấy thế giới mà cô luôn tưởng tượng. Khi đối diện với cuộc sống hạnh phúc của gia đình trên tầng hai, cô nhận ra rằng hạnh phúc không phải điều xa xôi mà cô tìm kiếm.
Thay vào đó, nó tồn tại trong gia đình cô, mà cô đã lâu không quan tâm đến. Tầng hai mang đến cho độc giả nhiều suy nghĩ về cuộc sống và giá trị của gia đình. Phan, như một biểu tượng cho sự tìm kiếm hạnh phúc và thành công, bị mắc kẹt trong khao khát này và bỏ qua những điều giản đơn như tình yêu, quan tâm và sự chia sẻ trong gia đình.
Nhân vật “bà mẹ” sống trên tầng hai là một hình mẫu của tình yêu gia đình và sự hòa đồng. Bà không chỉ thương yêu con dâu và cháu mình, mà còn là một người mẹ chồng tâm lý, lo lắng và chăm sóc. Bà sống hòa đồng và mở lòng mời Phan lên tầng hai khi nhìn thấy cô rụt rè.
Tác giả sử dụng cách viết theo diễn biến thời gian, đan xen giữa các sự việc hiện tại và các hồi ức, suy nghĩ của nhân vật chính. Qua việc sắp xếp cốt truyện theo trình tự thời gian, tác giả tạo ra sự liên kết logic giữa các sự kiện, giúp người đọc theo dõi và hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật chính. Điều này tạo nên một cái nhìn tổng quan về cuộc sống của Phan và gia đình tầng hai, từ đó gợi mở những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc về hạnh phúc và giá trị của gia đình.
Tác phẩm cũng chứa đựng một thông điệp sâu sắc về giá trị gia đình và sự quan trọng của sự đơn giản trong cuộc sống. Nhân vật chính Phan thông qua cuộc sống trên tầng hai và quan sát cuộc sống của gia đình đó, nhận ra rằng hạnh phúc không nằm ở những thứ xa xôi mà nó tồn tại trong những điều giản đơn, trong tình yêu, quan tâm và sự chia sẻ trong gia đình. Tác giả đã truyền đạt thông điệp này một cách tinh tế, khiến người đọc cảm nhận được giá trị đích thực của những thứ nhỏ bé nhưng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Tác phẩm này cũng đặt câu hỏi về định hướng cuộc sống và định nghĩa của hạnh phúc. Phan nhận ra rằng hạnh phúc không phải là những thứ lớn lao và xa xỉ, mà thực ra nó đã ở ngay bên cạnh cô suốt thời gian dài mà cô đã không chú ý. Bài học từ Tầng hai là một lời nhắc nhở cho chúng ta để trân trọng những giá trị đơn giản, những mảnh ghép nhỏ của cuộc sống và tình yêu gia đình.
Bạn xem thêm 20+ mẫu 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Truyện Hay Nhất
Phân Tích Truyện Tầng Hai Của Học Sinh Giỏi
Phong Điệp tên khai sinh là Phan Thị Phong Điệp, sinh năm 1976 quê ở Nam Định. Bà có những đóng góp lớn vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam đương đại. Các tác phẩm của bà mang đậm hơi thở về một cuộc sống chân thực có nhiều điều bình dị.
Một trong số đó là tác phẩm “Tầng hai” được in trong tập truyện ngắn “Kẻ dự phần”. Tác phẩm là một câu chuyện kể về lối sống của các thành viên trong một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết lý cuộc sống.
Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu về nhân vật Phan đang thuê trọ trong một căn nhà có một người mẹ và vợ chồng người con. Hàng ngày cô đều lắng nghe và hình dung về cuộc sống của ba người ở trên tầng hai. Cuộc sống của cô cũng như bao người bận rộn khác, sáng đi sớm còn tối về thì bản tin cuối ngày đang phát.
Tác giả đã miêu tả về cuộc sống của Phan rất chân thực nhưng cũng rất là cô đơn. Lúc nào trước khi đi ngủ trong đầu cũng chỉ là những lập trình sẵn về công việc và những việc mình phải làm vào ngày mai. Và một cô gái có cuộc sống chỉ xoay quanh công việc lại nghĩ đến việc theo dõi cuộc sống của những người ở tầng trên. Phan lắng nghe được rất nhiều những âm thanh mà thật trái ngược với sự tĩnh lặng trong căn phòng của cô.
Tiếng người con dâu khóc vì người người chồng đi làm về muộn, rồi người mẹ lại dỗ dành người con dâu. Đây là những khung cảnh mà ta thường thấy của những cặp vợ chồng. Đối với Phan buổi tối trước khi đi ngủ là lắng nghe những âm thanh ở tầng trên, rồi nghe những âm thanh của tiếng nước chảy rồi chìm vào giấc ngủ. Những ý nghĩ rằng mình phải bám trụ ở đây, không được từ bỏ và cô nghĩ như thế mới là hạnh phúc.
Tác giả đã rất tinh tế và khéo léo, khi đã lồng ghép miêu tả về cuộc sống đối lập giữa cuộc sống của Phan và cuộc sống của gia đình trên tầng hai. Người mẹ hiện lên là một người rất hiền từ, luôn động viên và bảo vệ người con dâu của mình.
Người con dâu thì như một cô vợ nhỏ, lúc thì giận dỗi chồng, lúc thì lại yêu thương cười nói nhưng cô rất là quan tâm mẹ của mình. Còn người chồng thì hiện lên không phải là người chồng quá mẫu mực nhưng vẫn rất yêu thương mẹ và vợ. Khung cảnh gia đình ba người rất bình thường như bao gia đình khác, nhưng người đọc có thể cảm nhận được cái bình dị, cái quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nhau.
Chính vì điều đó đã tạo nên một thói quen khiến Phan quan sát lắng nghe những âm thanh của tầng trên. Khi gia đình đón thành viên mới, có lẽ đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của gia đình. Người đọc có thể cảm nhận được tình cảm và sự vui mừng của các thành viên dành cho nhau. Lúc này Phan lại càng có suy nghĩ thôi thúc muốn nhìn khung cảnh sống ở trên tầng.
Chính lúc này Phan lại nhận ra rằng, hình như mình đang đi tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa, mà quên mất rằng hạnh phúc của mình ở trong chính gia đình mà mình vẫn thường không quan tâm đến.
Một bức tranh gia đình đơn giản, ấm áp đã được Phong Điệp miêu tả rất sâu sắc trong tác phẩm “Tầng hai”. Từ đó thấy được những triết lý về cuộc sống rằng hạnh phúc không phải cái gì lớn lao, mà nó ở ngay bên cạnh chúng ta.
Đón đọc thêm 💛 Mộng Đắc Thái Liên 💛 Nội Dung Bài Thơ, Đọc Hiểu, Phân Tích
Phân Tích Truyện Tầng Hai Ngắn Gọn
Truyện Tầng hai của Phong Điệp là một tác phẩm đầy cảm xúc, nói về nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của con người. Tác giả đã tài tình thể hiện giá trị của gia đình và sự quý giá của cuộc sống trong những dòng văn sâu lắng.
Bối cảnh của truyện tập trung vào một căn nhà hai tầng màu xanh biển ở Hà Nội, nơi Phan, một cô gái độc thân, thuê phòng ở tầng dưới. Cuộc sống của cô lẻn trốn và u ám, mong muốn thành công để trốn thoát khỏi sự nhàm chán.
Cô thường suy ngẫm trước khi đi ngủ, nghe thấy mọi tiếng động từ tầng trên, cảm thấy ngượng ngùng khi nghe được cuộc sống của người khác. Khi cặp vợ chồng ở trên sinh con, Phan cảm thấy tiếc nuối và nhận ra hạnh phúc không xa xôi mà đã ở bên cạnh cô từ lâu.
Truyện sử dụng cách viết xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, tạo sự liên kết giữa các sự kiện và suy nghĩ của nhân vật. Việc này giúp người đọc hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy tư của nhân vật chính. Tác phẩm cũng truyền đạt thông điệp về giá trị gia đình và sự quan trọng của những điều đơn giản trong cuộc sống.
Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Văn Học 👉 tác phẩm thơ