Bài Thơ Hoa Bìm: Nội Dung + Nghệ Thuật + Phân Tích

Bài Thơ Hoa Bìm ❤️️ Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Tham Khảo Bố Cục, Giáo Án, Sơ Đồ Tư Duy, Ý Nghĩa Nhan Đề.

Nội Dung Bài Thơ Hoa Bìm

Nội dung bài thơ Hoa bìm phác họa khung cảnh thiên nhiên thân thuộc, gần gũi, sống động với người đọc. Qua đó cho độc giả thấy được cảm xúc chân thành, nỗi nhớ da diết của mình với quê hương tuổi thơ.

Hoa bìm
Tác giả: Nguyễn Đức Mậu

Rung rinh bờ giậu hoa bìm
Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ
Có con chuồn ớt lơ ngơ
Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai
Có cây hồng trĩu cành sai
Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim
Có con mắt lá lim dim
Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây
Bến quê nước đục sông gầy
Có con thuyền giấy chở đầy mộng mơ
Cánh bèo con nhện giăng tơ
Cào cào tránh nắng đậu nhờ tàn sen
Có ri ri tiếng dế mèn
Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu
Có con cuốc ở bờ lau
Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa
Hoa bìm tim tím đong đưa
Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?

Đọc hiểu bài thơ 🌿Việt Nam Quê Hương Ta 🌿 Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật, Phân Tích

Về Nhà Thơ Nguyễn Đức Mậu

Thohay.vn tổng hợp các thông tin chính thức về nhà thơ Nguyễn Đức Mậu – tác giả bài thơ Hoa bìm:

  • Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại Nam Ninh, Nam Hà. Các bút danh ông dùng Hương Hải Hưng, Hà Nam Ninh. 
  • Ông nhập ngũ năm 1966, chiến đấu trong đội hình sư đoàn 312 ở chiến trường Lào. Sau chiến tranh ông làm biên tập viên, rồi đi học trường viết văn Nguyễn Du, khóa I, sau đó làm trưởng ban tại ban thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, phó chủ tịch hội đồng Thơ – Hội nhà văn Việt Nam. 
  • Ông là một nhà thơ, nhà văn quân đội.
  • Từng giữ chức phó chủ tịch hội đồng Thơ – Hội nhà văn Việt Nam.
  • Hiện ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá và sống cùng vợ con ở Hà Nội.
  • Tác phẩm chính: Thơ người ra trận(thơ in chung – 1975), Cây xanh đất lửa(thơ – 1973), Áo trận (thơ – 1976), Mưa trong rừng cháy (thơ – 1976), Trường ca sư đoàn(thơ – 1980), Hoa đỏ nguồn sông (thơ – 1987), Từ hạ vào thu (thơ – 1992), Bão và sau bão (thơ – 1994), Cánh rừng nhiều đom đóm bay (thơ – 1998),Con đường rừng không quên(truyện ngắn – 1984),…..
  • Giải thưởng:
    • Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 1972 với chùm thơ Ghi ở chiến trường, Đôi mắt, Đất;
    • Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội 1981;
    • Giải thưởng văn học Bộ quốc phòng: tập thơ Hoa đỏ nguồn sông năm 1989;
    • Giải thưởng văn học về để tài chiến tranh – Hội nhà văn: Tập thơ Từ hạ vào thu 1995;
    • Tặng thưởng Ban văn học quốc phòng an ninh Hội nhà vẫn 1996: tập thơ Bão và sau bão.

Về Tác Phẩm Hoa Bìm

Về tác phẩm Hoa bìm, đây là bài thơ thuộc thể thơ lục bát, có phương thức biểu đạt chính là biểu cảm, miêu tả.

Bằng thể thơ lục bát, ngôn ngữ bình dị, điệp từ “có” kết hợp với biện pháp liệt kê để gợi nhắc những hình ảnh thân thuộc gắn bó với tuổi thơ. Tác giả đã vẽ lên một khung cảnh thiên nhiên thân thuộc, gần gũi, sống động với người đọc và bộc lộ được cảm xúc, nỗi nhớ của mình với quê hương tuổi thơ.

Xem thêm tác phẩm 🔰Và Tôi Nhớ Khói 🔰 Nội Dung Tác Phẩm, Giá Trị, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Hoa Bìm

Hoàn cảnh và xuất xứ của bài thơ Hoa bìm: được trích từ tập Thơ lục bát, NXB Quân đội nhân dân, năm 2007. Tác giả sáng tác bài thơ này nhằm bày tỏ nỗi nhớ da diết với quê hương của mình.

Ý Nghĩa Nhan Đề Bài Thơ Hoa Bìm

Nhan đề bài thơ Hoa bìm nói lên ý nghĩa gì? Hoa bìm bịp là loài hoa không còn xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt xuất hiện nhiều ở những vùng quê. Tác giả đã chọn hình ảnh loài hoa dại quen thuộc này để thể hiện nỗi nhớ da diết và mong ước được trở về quê hương tuổi thơ của mình.

Phân tích tác phẩm🌼 Con Muốn Làm Một Cái Cây 🌼 Hay, ý nghĩa

Bố Cục Bài Thơ Hoa Bìm

Bố cục bài thơ Hoa bìm được chia thành 3 phần như sau:

  • Đoạn 1 (2 câu thơ đầu): Giới thiệu về vẻ đẹp của giậu hoa bìm.
  • Đoạn 2 (14 câu thơ tiếp): Những sự vật và kỉ niệm gắn bó với hoa bìm.
  • Đoạn 3 (2 câu thơ cuối): Nỗi niềm của tác giả.

Giá Trị Tác Phẩm Hoa Bìm

Sau khi học xong bài thơ Hoa bìm thì bạn nên lưu lại giá trị tác phẩm sau đây:

Giá trị nội dung

  • Bài thơ vẽ lên một khung cảnh thiên nhiên thân thuộc, gần gũi, sống động với người đọc và bộc lộ được cảm xúc, nỗi nhớ của mình với quê hương tuổi thơ.

Giá trị nghệ thuật

  • Sử dụng thể thơ lục bát dân tộc, gần gũi với ca dao dân ca, mang vẻ đẹp dân dã.
  • Giọng điệu tâm tình, mượt mà, gần gũi với ca dao dân ca.
  • Sử dụng kết hợp thành công các biện pháp nghệ thuật: điệp từ, liệt kê.

Đón đọc ❤️️Bài Thơ Lượm [Tố Hữu] ❤️️ Tìm hiểu nội dung, nghệ thuật

Dàn Ý Bài Thơ Hoa Bìm

Gợi ý cách lập dàn ý nêu cảm nhận về bài thơ Hoa bìm của tác giả Nguyễn Đức Mậu:

1. Mở bài: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Đức Mậu, bài thơ Hoa bìm.

2. Thân bài

a. Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của tuổi thơ

– Hình ảnh gợi lên ký ức của tuổi thơ: “giậu hoa bìm”.

– Những kỉ niệm tuổi thơ hiện về qua những hình:

  • Con vật: con chuồn ớt, con chim, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm, con cuốc.
  • Cây cối: nhành gai, cây hồng, cánh bèo, tàn sen, bờ lau.
  • Con người: con mắt lá, cánh diều ai thả, bến nước – con thuyền.
  • Màu sắc: màu tím của hoa bìm, màu đỏ của chuồn chuồn ớt, màu hồng của cánh sen…
  • Âm thanh: tiếng chim, tiếng dế “ri ri” và tiếng cuốc kêu.

=> Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi làng quê Việt Nam.

b. Tình cảm của nhân vật trữ tình

  • Hình ảnh con người ẩn hiện trong những hình ảnh: con mắt lá, cánh diều ai thả, bến nước – con thuyền.
  • Câu hỏi tu từ: “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?” bộc lộ nỗi nhớ quê hương.

3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa bìm.

Soạn Bài Hoa Bìm

Tham khảo ngay cách soạn bài Hoa bìm thông qua các gợi ý sau đây.

👉Câu 1 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Chỉ ra những đặc điểm của thể thơ lục bát trong bài thơ trên.

Đáp án: Đặc điểm thể thơ lục bát được thể hiện qua bài thơ là:

– Bài thơ gồm các cặp câu lục bát

– Về cách gieo vần:

  • Tiếng thứ sáu của dòng lục vần với tiếng thứ sáu của dòng bát kế nó: bìm – tìm, ngơ – hờ, sai – vài, dim – chim, gầy – đầy, tơ – nhờ
  • Tiếng thứ tám dòng bát vần với tiếng thứ sáu của dòng lục kế theo: thơ – ngơ, gai – sai, chim – dim, mây – gầy

– Về ngắt nhịp: ngắt nhịp chẵn câu lục ngắt nhịp 2/2/2, câu bát ngắt nhịp 4/4

– Về thanh điệu: có sự phối hợp giữa các tiếng trong một cặp câu lục bát: các tiếng ở vị trí 2,4,6,8 đều tuân thủ chặt chẽ theo quy định: tiếng thứ 2 là thanh bằng, tiếng thứ 4 thanh trắc, tiếng thứ 6 và 8 là thanh bằng.

👉Câu 2 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Xác định tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện qua bài thơ.

Đáp án:

Tác giả đã thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó, trân trọng, tự hào với quê hương khi gợi nhắc lại những kỉ niệm của tuổi thơ, những hình ảnh giản dị, đời thường gắn với cuộc sống thường ngày. Qua đó thể hiện nỗi nhớ da diết và mong ước được trở về quê hương.

👉Câu 3 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Nêu ít nhất một nét độc đáo của bài thơ được thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh hoặc biện pháp tu từ.

Đáp án: Nét độc đáo của bài thơ:

  • Ngôn ngữ bình dị, giọng điệu nhẹ nhàng thể hiện nét gần gũi với cuộc sống chốn thôn quê.
  • Hình ảnh gần gũi, thân quen của chốn thôn quê.
  • Biện pháp tu từ: điệp từ “có” kết hợp với biện pháp liệt kê để gợi nhắc những hình ảnh thân thuộc gắn bó với tuổi thơ: có con chuồn ớt lơ ngơ, có cây hồng trĩu cành sai, có con mắt lá lim dim, có con thuyền giấy…

=> Từ đó, tác giả đã vẽ lên một khung cảnh thiên nhiên thân thuộc, gần gũi, sống động với người đọc và bộc lộ được cảm xúc, nỗi nhớ của mình với quê hương tuổi thơ.

Mời bạn đọc thêm tác phẩm💚 Chị Sẽ Gọi Em Bằng Tên 💚 Nội Dung, Nghệ Thuật

Giáo Án Hoa Bìm

Có thể bạn sẽ cần đến nội dung giáo án Hoa bìm, xem ngay nhé!

I. MỤC TIÊU

1. Kiến thức: Củng cố khắc sâu kiến thức về văn bản Hoa bìm mà các em đã được học thông qua các hệ thống câu hỏi và các phiếu học tập để ôn luyện…

2. Năng lực:

a. Năng lực chung

  • Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về văn bản đã học
  • Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề  để hiểu về văn bản đã học.
  • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.

b. Năng lực riêng:

  • Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Hoa bìm.
  • Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về văn bản Hoa bìm.
  • Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản.
  • Năng lực phân tích, so sánh đặc điểm nghệ thuật của văn bản với các văn bản có cùng chủ đề.

c. Phẩm chất

  • Chăm chỉ: Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.
  • Trách nhiệm: Có ý thức tham gia thảo luận nhóm để thống nhất vấn đề. Xây dựng thái độ hòa nhã khi tham gia làm việc nhóm. Có trách nhiệm trong việc trình bày lắng nghe và phản biện.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

  • Học liệu: Ngữ liệu/ Sách giáo khoa, phiếu học tập.
  • Thiết bị: Máy tính, máy chiếu.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. Khởi động
  2. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
  3. Nội dung: HS trả lời câu hỏi.
  4. Sản phẩm: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữ.
  5. Tổ chức hoạt động:

– GV cho HS quan sát hình ảnh sau và đặt câu hỏi gợi mở vấn đề: Em có biết đây là loài hoa nào không? Loài hoa này thường được trồng ở đâu?

– HS tiếp nhận nhiệm vụ, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

– Từ chia sẻ của HS, GV dẫn dắt vào bài học mới.

HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC

  1. Mục tiêu: Hệ thống lại và nắm vững những nội dung chính của văn bản Hoa bìm.
  2. Nội dung: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
  3. Sản phẩm: Câu trả lời của HS.
  4. Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HSDỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
– GV chia lớp thành các nhóm, yêu cầu thảo luận:
+ Nhóm 1: Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm.
+ Nhóm 2: Phân tích kí ức về tuổi thơ được thể hiện trong văn bản.
+ Nhóm 3: Cho biết tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong bài thơ.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
– Các nhóm thực hiện nhiệm vụ. GV hỗ trợ khi cần thiết.
Bước 3: Báo cáo kết quả
– GV mời đại diện các nhóm trình bày kết quả, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.
Bước 4: Nhận xét, đánh giá
– GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Nguyễn Đức Mậu (1948), Nam Định – nhà thơ, nhà văn quân đội.
2. Tác phẩm
– Thơ lục bát.
II. Kiến thức trọng tâm
1. Kí ức về tuổi thơ
–  Hình ảnh hoa bìm đã gợi nhắc tác giả nhớ về tuổi thơ.
– Tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “có” kết hợp với phép liệt để gợi nhắc những hình ảnh thân thuộc gắn bó với tuổi thơ: hoa bìm, con chuồn ớt, cây hồng sai trĩu, canh diều, bến quê, con nhện giăng tơ,
– Âm thanh gần gũi, gắn liền với vùng quê: tiếng chim, tiếng dế, tiếng cuốc. HÌnh ảnh, âm thanh sinh động, đặc trưng cho vùng quê.
2. Tình cảm của tác giả với quê hương
– Thể hiện nỗi nhớ da diết với kí ức tuổi thơ tươi đẹp, êm đềm, gắn bó với quê hương. 
– Mong ước được trở về quê hương sau nhiều năm xa cách.

HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

  1. Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
  2. Nội dung: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
  3. Sản phẩm: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
  4. Tổ chức thực hiện:

– GV yêu cầu HS trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm:

Câu 1: Tác giả của văn bản Hoa bìm

  1. Nguyễn Tiến Tựu
  2. Nguyễn Đình Thi
  3. Nguyễn Đức Mậu
  4. Nguyễn Thi

Câu 2: Hình ảnh nào sau đây không có trong văn bản Hoa Bìm

  1. Con thuyền giấy
  2. Con chuồn ớt
  3. Con nhện giăng tơ
  4. Con trâu tha thẩn gặm cỏ

Câu 3: Tình cảm nào  không được thể hiện qua bài thơ?

  1. Nỗi nhớ da diết gia đinh
  2. Nỗi nhớ về những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ
  3. Mong ước được trở về quê hương

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

  1. Mục tiêu: Vận dụng kiến thức đã học để giải bài tập, củng cố kiến thức.
  2. Nội dung: Sử dụng kiến thức đã học để hỏi và trả lời, trao đổi.
  3. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS
  4. Tổ chức thực hiện:

– GV yêu cầu HS: Tìm đọc thêm các văn bản thơ viết về tinh cảm với quê hương, đất nước.

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

Sơ Đồ Tư Duy Hoa Bìm

Đừng nên bỏ lỡ các mẫu sơ đồ tư duy bài Hoa bìm.

Sơ Đồ Tư Duy Hoa Bìm
Sơ Đồ Tư Duy Hoa Bìm
Sơ Đồ Tư Duy Hoa Bìm Đơn Giản
Sơ Đồ Tư Duy Hoa Bìm Đơn Giản

Sưu tầm văn mẫu bài🔻 Đánh Thức Trầu 🔻 Hay đặc sắc

5 Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Hay Nhất

Mời các bạn tham khảo các mẫu cảm nhận về bài thơ Hoa bìm hay nhất.

Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Hay – Mẫu 1

“Hoa bìm” là một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết về vẻ đẹp của làng quê Việt Nam.

Đầu tiên, tác giả đã tái hiện lại bức tranh thiên nhiên làng quê với những sự vật quen thuộc, gần gũi. Hình ảnh “giậu hoa bìm” có vai trò mở ra trang kí ức về tuổi thơ.

Tác giả không chọn những loài hoa cao quý như hoa hồng, hoa mai… mà lại chọn một loại hoa giản dị, nhưng xuất hiện rất nhiều ở các làng quê Việt Nam.

Có thể thấy rằng, chúng ta đi tới bất kì một ngõ nào cũng có thể thấy được hoa bìm. Bởi vậy mà loài hoa này giống như chất chứa những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ trong mỗi đứa trẻ nông thôn. Để rồi từ đó, tất cả những hình ảnh bình dị nhất, gần gũi nhất đã hiện về trong kí ức của tác giả.

Đó có thể là chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Hay là mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Và cả cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Hay bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả hiện lên dưới đôi mắt hồn nhiên mà mở đầu là hình ảnh giậu hoa bìm.

Đến hai câu thơ cuối cùng, tác giả đã bộc lộ nỗi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm về một người bạn đã xa. Câu hỏi tu từ như để gửi gắm nỗi lòng còn chất chứa trong tâm trí của nhà thơ. Một câu hỏi đặt ra nhưng chỉ dội lại những bâng khuâng nơi lòng người hỏi. Câu thơ phảng phất nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu, và quê hương của nhà thơ.

Có thể khẳng định rằng, bài thơ “Hoa bìm” đã tái hiện vẻ đẹp bình yên của làng quê đồng thời thể hiện tình yêu thầm kín đối với quê hương thôn dã, và sự trân quý với những kỉ niệm bình yên của mình.

Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Chọn Lọc – Mẫu 2

“Hoa bìm” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã mang đến cho em những rung động sâu sắc về khung cảnh nông thôn Việt Nam tươi đẹp. Bài thơ mở ra bức tranh thiên nhiên hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh, màu sắc của cảnh vật.

Trước hết, em thấy được thế giới của các loài vật nhỏ bé “con chuồn ớt lơ ngơ”, “con nhện giăng tơ”, “dế mèn”,… Tiếp đó, tác giả còn khắc họa hình ảnh khu vườn “cây hồng trĩu cành sai” đang đắm mình trong ánh nắng dịu nhẹ.

Không gian yên bình của cuộc sống thôn quê trở nên sống động, nhộn nhịp nhờ những giai điệu tự nhiên với “ri ri tiếng dế mèn”, “trưa yên ả rụng vài một vài tiếng chim”. Tất cả âm thanh ấy đã tạo nên bản đồng ca tươi vui, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Bên cạnh đó, nhà thơ còn tinh tế khi để con người xuất hiện với các hoạt động thú vị. Đó là ngày tháng mải mê thả diều rồi cùng nhau ngắm nhìn cánh diều bay cao trên bầu trời xanh. Hay còn là trò chơi gấp thuyền giấy và thả trôi lững lờ theo dòng nước “đục sông gầy”. Tất cả như đưa chúng ta trở về năm tháng tuổi thơ êm đềm, mộng mơ.

Những hình ảnh thơ gần gũi, ngôn ngữ giản dị kết hợp với các biện pháp tu từ như điệp ngữ “có”, nhân hóa “Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu” đã mang đến cảnh sắc gần gũi, thân thuộc của chốn thôn quê.

Từ bài thơ, em cảm nhận được tình yêu cùng nỗi nhớ thầm kín mà tác giả dành cho quê hương. Qua đây, em càng thêm trân trọng và yêu mến những vẻ đẹp thiên nhiên bình dị, mộc mạc.

Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Ngắn Hay – Mẫu 3

Trong những áng thơ viết về quê hương, em đặc biệt ấn tượng với bài thơ Hoa Bìm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Khác với những bài thơ hào hùng, tha thiết khác khi viết về quê hương, Hoa Bìm đem lại cho em một cảm giác bình yên đến khó tả. Đó là sự thoải mái, thích thú đến từ sâu trong tâm hồn, khi được trở về với nguồn cội, trở về với bến đỗ tuổi thơ.

Với những hình ảnh giản dị mà thân thuộc, nhà thơ đã tái hiện lại miền quê trong kí ức của mình. Từng chi tiết nhỏ bé đã được ông khắc họa dưới góc nhìn của một đứa trẻ thơ. Đó là thế giới loài vật nhỏ như con chuồn chuồn ớt, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm. Là thế giới vườn cây thân thuộc, với bờ giậu đầy những hoa bìm tim tím, với cây hồng trĩu quả.

Bên cạnh đó, là những không gian quen thuộc ở dòng sông nước đục, những đứa trẻ chơi trò thả thuyền giấy. Hay những trưa hè oi ả, trốn ngủ theo bạn bè ra vườn chơi.

Những kỉ niệm, những hình ảnh ấy là từng khung ảnh của miền kí ức. Mà hiện tại, tác giả dùng những gam màu trong sáng nhất, tinh khôi nhất để vẽ nên. Nhờ vậy, người đọc đã có thể đồng điệu được với nhà thơ, để cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết trong lòng ông. Đồng thời tận hưởng được một miền quê tươi đẹp mà tác phẩm đã khắc họa trong Hoa Bìm.

Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Tiêu Biểu – Mẫu 4

Bài thơ “Hoa bìm” của tác giả Nguyễn Đức Mậu là một bài thơ hay viết về vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên thôn quê Việt Nam.

Mở đầu bài thơ, em ấn tượng với hình ảnh sắc hoa bìm bên bờ giậu “Rung rinh bờ giậu hoa tím”. Những bông hoa bìm màu tim tím hòa mình trong gió đã gợi lại dòng chảy kí ức tuổi thơ của nhân vật trữ tình.

Xuôi theo dòng chảy ấy, em thấy được khung cảnh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Khu vườn với ánh nắng dịu êm bao trùm như ru con người vào giấc trưa yên ả. Sự phong phú, đa dạng của thế giới loài vật nhỏ bé “con chuồn ớt lơ ngơ”, “con nhện giăng tơ”, “ri ri tiếng dế mèn”,… đã gợi lên những hình ảnh quen thuộc với tuổi thơ.

Tác giả còn tiếp tục phác họa bức tranh thiên nhiên qua âm thanh tươi vui, nhộn nhịp “ri ri tiếng dế mèn”, “trưa yên ả rụng vài một vài tiếng chim”. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của con người cùng các trò chơi thân thuộc như đưa người đọc trở về năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh. Cánh diều cùng con thuyền giấy bên dòng nước sông đã chất chứa bao ước mơ non trẻ.

Bằng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh gần gũi, các biện pháp liệt kê và điệp từ, tác giả đã lột tả vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt Nam. Bài thơ cũng thể hiện tình yêu quê hương thiết tha cùng sự trân quý những kỉ niệm tuổi thơ ấm áp của tác giả.

Mẫu Cảm Nhận Về Bài Thơ Hoa Bìm Hay Đặc Sắc – Mẫu 5

Hồi ức về quê hương tuổi thơ bao giờ cũng gắn với những kỷ niệm mộng mơ, hồn nhiên và tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Rung rinh bờ dậu hoa bìm
Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ
…..
Hoa bìm tim tím đong đưa
Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?

Nơi ấy trở thành cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu với non sông, đất nước. Từ cánh hoa bìm tim tím dễ thương, trái tim nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã hướng về vùng trời bình yên một thời thơ dại.

Bài thơ Hoa bìm vẽ nên khung cảnh thiên nhiên làng quê gần gũi, sống động và chan chứa tình yêu thiết tha của tác giả qua thể thơ lục bát giàu bản sắc.

Quê hương tuổi thơ bắt đầu khơi dậy từ những cánh hoa bìm tim tím rung rinh nơi bờ dậu. Một ký ức đẹp tươi, hồn nhiên chấp chới hiện về, dào dạt như dòng sông trinh nguyên tuôn chảy trong tâm hồn tác giả. Chính cái khoảnh khắc va đập giữa hiện tại và quá khứ ấy đã khiến thi nhân mềm lòng bật thốt thành hai câu thơ mở đầu thật tự nhiên, có khả năng dẫn dắt cảm xúc tìm về chân trời kỷ niệm xa xăm:

“Rung rinh bờ dậu hoa bìm
Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ”.

Hai từ láy “rung rinh”, “tim tím” thật ấn tượng. Nó là cái rung rinh của gió, của hoa mà cũng là cái xao động của lòng người nhớ về quá khứ. Cái tim tím của màu hoa nhưng cũng là cái đợi chờ khắc khoải tháng năm. Vì thế, hai câu thơ đầu vừa tả vừa gợi, vừa cảnh vừa tình, tất cả cứ rung ngân một niềm xao động.

Mười bốn câu thơ tiếp theo tô điểm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vẽ ra một không gian trùng điệp sắc màu, âm thanh, hình ảnh hiện về qua ký ức nhà thơ. Từ các con vật quen thuộc của tuổi thơ hồn nhiên như con chuồn chuồn ớt, con dế, con cào cào, con nhện, con đom đóm, con cuốc.

Rồi đến bao sắc màu rực rỡ bừng lên hòa quyện vào nhau qua màu tím hoa bìm, đỏ chuồn chuồn, xanh cánh bèo, trắng trời mây, vàng ánh nắng…; các âm thanh của tiếng chim “trưa yên ả rụng” nơi vườn xanh, tiếng “ri ri” của dế mèn, tiếng cuốc kêu rầu rĩ “kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa”…

Lồng vào bức tranh thiên nhiên ấy là hoạt động của con người, của tuổi thơ tôi và em cứ hiện về lung linh, xao động. Nhớ sao hình ảnh “con mắt lá lim dim” một buổi trưa nào cùng nhau thả diều giữa bầu trời xanh thẳm. Nhớ sao con thuyền giấy mộng mơ trôi trên bến sông tít tắp tận chân trời, chở cả ước mơ hồn nhiên đi mãi.

Mỗi một cảnh vật hiện lên là một tâm tình, cảm xúc trào dâng nơi tâm hồn tác giả. Vì thế, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đơn thuần chỉ miêu tả, tự sự nhưng vẫn khiến trái tim người đọc bồi hồi, rung cảm, nhớ nhung, tưởng như chính mình gặp lại tuổi thơ của một thời hoa mộng.

Trong chuỗi hình ảnh thiên nhiên sống động ấy, có những câu thơ thật hay, lay động tâm hồn người đọc nhờ tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa, so sánh rất tài tình: “Có con chuồn ớt lơ ngơ/ Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai”. Có những câu thơ gợi hình, gợi cảm qua cách dùng từ độc đáo, giàu sáng tạo: “Có cây hồng trĩu cành sai/ Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim”.

Có những câu thơ mà Nguyễn Đức Mậu nắm được cái thần của vật để gợi tả thật đúng với cách nghĩ cách cảm của tâm hồn tuổi thơ, nhờ đó mà diễn tả cảm xúc tinh tế và sâu lắng, đặc biệt là âm thanh và hình ảnh ở những câu: “Có ri ri tiếng dế mèn/ Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu/ Có con cuốc ở bờ lau/ Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa”.

Trong bài thơ, nghệ thuật điệp cú pháp kết hợp với phép liệt kê được tác giả sử dụng như một thủ pháp kép, xuyên suốt thật đắc địa. Nhờ đó khơi dậy biết bao vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng của tuổi thơ bất chợt ùa về trong tâm tưởng, qua nhiều không gian, nhiều góc nhìn khác nhau như một thủ pháp điện ảnh.

Từ màu hoa bìm tim tím hoang dại ban đầu đủ mở ra một chân trời kỷ niệm hồn nhiên với biết bao âm thanh, màu sắc, hình ảnh và hoạt động của con người xôn xao ký ức tuổi thơ. Khép lại bài thơ, hình ảnh hoa bìm tim tím xuất hiện trở lại như một dòng hồi tưởng vừa ngưng đọng xốn xang, vừa tiếp tục tuôn chảy trong niềm xúc động bồi hồi kỷ niệm.

Một mảnh hồn quê hương tuổi thơ khép lại nhưng vẫn đầy day dứt khi hình ảnh người em năm xưa mười năm vẫn chưa trở về thăm quê, về để lắng nghe những kỷ niệm một thời vang vọng. Một dấu hỏi và dấu chấm lửng ở cuối bài cứ thảng thốt ngân lên chạm khắc nhiều nỗi suy tư, trăn trở đồng thời cũng là dấu hỏi của muôn đời mà mỗi người không thể bỏ qua:

“Hoa bìm tim tím đong đưa
Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”

Bài thơ là ký ức, cảm xúc của thi nhân về quê hương tuổi thơ đẹp đẽ, thanh bình một thời hoa mộng, tất cả được phóng chiếu qua hình ảnh trung tâm khơi gợi từ vẻ đẹp dân dã, thuần phác của hoa bìm. Đó chính là mảnh hồn quê biết bao thân thương, yêu dấu mà mỗi chúng ta luôn vọng tưởng nhớ về.

Xem thêm phân tích 💌 Lao Xao Ngày Hè 💌 Nội Dung, Nghệ Thuật, Phân Tích

Viết một bình luận