Gợi ý các mẫu phân tích bài thơ Thề nguyền cực hay giúp các em học sinh có thể tham khảo để nâng cao kĩ năng viết của mình.
NỘI DUNG CHÍNH
Xuất Xứ Và Hoàn Cảnh Sáng Tác Đoạn Trích Thề Nguyền
Đoạn trích Thề nguyền được trích từ câu 429 – 450 trong Truyện Kiều. Đoạn trích kể về việc 2 người làm lễ thề nguyền, gắn bó thủy chung suốt đời.
Xem thêm đầy đủ 👉 3254 Câu Thơ Truyện Kiều
Nội Dung Bài Thơ Thề Nguyền
Nội dung tác phẩm Thề nguyền (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du dưới đây:
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần.
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương.
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Gợi ý phân tích 👉 Cảnh Ngày Xuân
Ý Nghĩa Trích Đoạn Thề Nguyền
Đoạn trích Thề nguyền ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu và tấm lòng đồng cảm của Nguyễn Du với khát vọng hạnh phúc con người.
Đọc Hiểu Bài Thơ Thề Nguyền
Gợi ý trả lời các câu hỏi trang 60 – 62 sgk Ngữ văn lớp 11 Tập 1 – Cánh diều sau khi đọc văn bản Thề nguyền như sau:
👉 Câu 1 (trang 61 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Trường hợp nào dưới đây không phải là điển cố?
A. Trướng huỳnh
B. Rèm the
C. Giấc hòe
D. Đỉnh Giáp non thần
Trả lời: Chọn đáp án B.
👉 Câu 2 (trang 61 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Từ “hoa” được dùng với biện pháp nghệ thuật nào trong câu thơ: Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”?
A. So sánh
B. Hoán dụ
C. Ước lệ
D. Ẩn dụ
Trả lời: Chọn đáp án: B.
👉 Câu 3 (trang 61 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Phương án nào dưới đây phù hợp để nói về đêm thề nguyền của Kim Trọng – Thúy Kiều?
A. Giản dị, thân mật
B. Cầu kì, phức tạp
C. Thơ mộng, thiêng liêng
D. Lễ nghi, khách sáo
Trả lời: Chọn đáp án: A.
👉 Câu 4 (trang 61 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Những hành động “vội rủ rèm the”, “Xăm xăm băng lối vườn khuya”, “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” cho thấy trong tình yêu, Thúy Kiều là người như thế nào?
A. Vội vàng và nông nổi
B. Táo bạo nhưng sỗ sàng
C. Mạnh dạn và chủ động
D. Chân thật nhưng thiếu vẻ đẹp nữ tính
Trả lời: Chọn đáp án: C.
👉 Câu 5 (trang 62 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” cho thấy Thúy Kiều đang sống trong tâm trạng như thế nào? Vì sao?
Trả lời: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” cho thấy Thúy Kiều đang sống trong tâm trạng lo âu, sợ hại, dự cảm về sự xa cách luôn luôn thường trực.
👉 Câu 6 (trang 62 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Bình luận hành động của Thúy Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” khi sang nhà Kim Trọng trong đêm thề nguyền.
Trả lời: Hành động của Thúy Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” khi sang nhà Kim Trọng trong đêm thề nguyền: Kiều có tình yêu sâu nặng, mãnh liệt với Kim Trọng, do đó bất chấp luật hà khắc của chế độ phong kiến, Kiều đã dám “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”sang nhà Kim Trọng. Hai từ ngữ “xăm xăm”, “băng” được đặt liền kề nhau cho thấy được sự khẩn trương, gấp gáp của cuộc thề nguyền, Kiều như đang chạy đua với thời gian để buồn tỏ và đón nhận tình yêu, một tình yêu mãnh liệt, tha thiết,…Mặt khác, các từ này cũng dự báo sự không bền vững, sự bất bình thường của cuộc tình Kim Trọng – Thúy Kiều.
👉 Câu 7 (trang 62 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng:
Nằng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Trả lời: Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, chủ động:
Nằng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Câu nói đó chứa hàm thông tin quan trọng. Thứ nhất, nhà Kiều ngay gần nhà Kim Trọng mà nàng nói “khoảng vắng đêm trường”, đó là cảm giác về không gian và thời gian tâm lí. Thứ hai, Kiều bộc lộ “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” ý chỉ vì tình yêu mãnh liệt mà Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng. Ngoài ra, chứ hoa thông thường để chỉ người con gái, ở đây, Kiều dùng chữ hoa như một hàm ý tốt đẹp chỉ tình yêu sâu sắc mãnh liệt của mình dành cho Kim Trọng. Tiếp đó Kiều nói:
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?
Chứng tỏ Kiều là một phụ nữ rất nhạy cảm, biết quý giá và trân trọng từng giây, từng phút được ở bên người mà mình yêu dấu. Với người phụ nữ nhạy cảm thì tâm lí lo âu, sợ hãi, dự cảm về sự xa cách luôn luôn thường trực.
👉 Câu 8 (trang 62 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Cảm nhận của em về hình tượng “trăng” trong đoạn trích.
Trả lời: Hình tượng “trăng” trong đoạn trích là biểu tượng cho sự sum vầy, đoàn viên, sự hạnh phúc mỹ mãn, biểu thị cho tình yêu trong sáng, thuần khiết và chân thành của Thúy Kiều và Kim Trọng, trở thành minh chứng thiêng liêng cho tình yêu tuyệt đẹp của đôi trai tài gái sắc.
👉 Câu 9 (trang 62 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Suy nghĩ của em về tình yêu Thúy Kiều – Kim Trọng qua đoạn Thề nguyền.
Trả lời: Qua đoạn trích Thề nguyền đã cho thấy được sức mạnh của tình yêu mãnh liệt đã khiến cho Thuý Kiều chủ động tìm đến với người mình yêu để thề nguyền và tình tự. Cùng với đó, thể hiện sự đồng lòng sắt son, là tình yêu chân thành sâu sắc đến từ cả hai phía, vượt qua mọi sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến – vốn tồn tại khá nặng nề trong tâm thức con người lúc đó, một lòng theo đuổi thứ tình yêu đích thực, tươi đẹp nhất cuộc đời.
Chia sẻ thêm các mẫu phân tích 🌷 Kiều Ở Lầu Ngưng Bích 🌷
Giá Trị Đoạn Trích Thề Nguyền
Cập nhật cho các em học sinh giá trị đoạn trích Thề nguyền dựa trên hai khía cạnh nội dung và nghệ thuật.
👉 Giá trị nội dung
- Miêu tả một tình yêu cao đẹp và thiêng liêng.
- Thể hiện quan niệm về tình yêu mới mẻ của Nguyễn Du.
👉 Giá trị nghệ thuật
- Vận dụng từ ngữ, cách nói quen thuộc của người bình dân một cách nghệ thuật.
- Sử dụng nhiều từ Hán Việt, điển tích, điển cố.
Bố Cục Bài Thơ Thề Nguyền
Đoạn trích Thề nguyền có thể chia làm 2 phần như sau:
- Phần 1 (14 câu đầu): Kiều băng băng lối khuya sang nhà Kim trọng để nói lời thề nguyền.
- Phần 2 (8 câu cuối): Cuộc thề nguyền Kim – Kiều.
Tìm hiểu thêm trích đoạn 🔰 Mã Giám Sinh Mua Kiều 🔰
Dàn Ý Thề Nguyền
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích đoạn trích Thề nguyền chi tiết và ngắn gọn nhất giúp học sinh có thể làm văn tốt hơn.
I. Mở bài: Giới thiệu đoạn trích thề nguyền.
II. Thân bài:
1. Kiều băng lối đường đi sang nhà Kim Trọng
– Tâm trạng và tình cảm của kiều:
- Kiều vội vàng, hối hức muốn được gặp Trọng.
- Tình yêu của Kiều dành cho Trọng rất mãnh liệt.
- Kiều có sự lo lắng về tình yêu của mình đầy phong ba và bão táp.
- Kiều có một tình yêu đầu đời thật đẹp.
- Kiều khát khao được yêu, tình yêu tự do.
– Tâm trạng và thái độ của Kim Trọng:
- Kim Trọng khẩn trương, cẩn thận rước Kiều vào nhà.
- Kim Trọng cũng yêu say đắm kiều
2. Kiều thề nguyền cùng Kim Trọng
- Nghi lễ thề nguyền được thể hiện trang trọng và thiêng liêng trước trăng, trăng chứng nhân cho tình yêu đôi lứa.
- Sự đồng tâm đồng lòng của hai người đối với tình yêu của họ.
- Tạo nên niềm tin vào tình yêu.
- Tình yêu sâu sắc của Thúy Kiều và Kim Trọng.
III. Kết bài: Nêu cảm nhận về đoạn trích Thề Nguyền.
Cập nhật cho bạn đọc bài 🌿 Thúy Kiều Báo Ân Báo Oán 🌿
Sơ Đồ Tư Duy Thề Nguyền
Mẫu sơ đồ tư duy Thề nguyền chi tiết sau đây sẽ giúp các em học sinh hệ thống hóa kiến thức tác phẩm nhanh và hiệu quả nhất.
Soạn Bài Thề Nguyền Lớp 11
Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Thề nguyền chi tiết nhất, bám sát chương trình học môn ngữ văn lớp 11.
👉 Câu 1 trang 116 SGK Ngữ văn 10 tập 2: Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ “vội”, “xăm xăm”, “băng”.
Trả lời:
- Các từ “vội”, xăm xăm”, “băng” không chỉ diễn tả tâm trạng và tình cảm của Kiều mà còn thể hiện sự khẩn trương, vội vã, đột xuất bất ngờ ngay với cả chính nàng.
- Vì sao có sự vội vàng như vậy? Kiều phải tranh thủ thời gian. Nàng lo lắng, sợ cha mẹ sẽ quở trách về hành động chưa xin phép này. Nhưng sâu hơn cả là Kiều đã nghe theo tiếng gọi của trái tim mách bảo.
👉 Câu 2 trang 116 SGK Ngữ văn 10 tập 2: Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du tả như thế nào?
Trả lời: Khi soạn bài Thề nguyền em thấy:
– Không gian của đêm thề nguyền rất đẹp và thơ mộng: Kim đang thiu thiu ngủ, mơ màng dưới ánh trăng, ngọn đèn hiu hắt, có tiếng bước nhẹ của người trong mộng đến gần, chàng còn chưa tin hẳn vào mắt mình trước sự xuất hiện đường đột của Kiều. Cả hai như lạc vào cõi mơ giữa đất trời bao la.
– Cảnh thề nguyền của hai người diễn ra trang trọng và thiêng liêng với đủ các hình thức lễ nghi:
- Mùi thơm hương trầm
- Ánh sáng nến sáp: ấm áp.
- Vầng trăng vằng vặc là thiên nhiên to lớn, vĩnh hằng chứng giám cho tình yêu thiêng liêng của họ.
- Tờ giấy ghi lời thề
- Trao kỉ vật: tóc mây.
– Hai mái đầu xanh cùng ngước lên trời cao, có vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng giám lời thề gắn bó keo sơn của họ, chứng giám tình yêu tự nguyện và sự chung thuỷ, thiêng liêng sâu nặng của họ.
👉 Câu 3 trang 116 SGK Ngữ văn 10 tập 2: Liên hệ với trích đoạn “Trao duyên” để chỉ ra tính chất logic nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều.
Trả lời: Khi soạn đoạn trích Thề nguyền, em thấy đoạn trích này và Trao duyên là mối quan hệ nhân – quả.
- Có cuộc thề nguyền này thì mới có những kỉ vật được đưa gửi trong đoạn trích Trao duyên. Cậy nhờ Thuý Vân cũng là một cách để Thuý Kiều đền đáp, thuỷ chung với tình yêu của Kim Trọng. Điều đó chứng tỏ Kiều chân thành và tôn thờ tình yêu của mình với Kim Trọng. Đó là một tình yêu cao đẹp Kiều gìn giữ suốt đời. Nàng dám nghĩ, dám sống vì tình yêu, và cũng dám hi sinh vì tình yêu
- Thông qua tình yêu cao đẹp của Thuý Kiều – Kim Trọng, Nguyễn Du thể hiện tư tưởng nhân đạo: yêu thương, trân trọng khát vọng hạnh phúc của con người – đặc biệt là người phụ nữ tài sắc phải sống trong xã hội phong kiến thối nát bất công. Điều đó cho thấy quan niệm tình yêu của Nguyễn Du là một quan niệm rất mới, rất tiến bộ trong văn học trung đại.
Đọc thêm tác phẩm 👉 Chí Khí Anh Hùng
Giáo Án Thề Nguyền Lớp 11
Hi vọng mẫu giáo án tác phẩm Thề nguyền chuẩn nhất sau đây sẽ giúp giáo viên có được tài liệu tham khảo hữu ích và chuẩn bị được tiết dạy thành công.
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
– Vẻ đẹp của mối tình Thúy Kiều- Kim Trọng, khát vọng tình yêu tự do.
– Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh,…
– Vẻ đẹp của mối tình Thúy Kiều- Kim Trọng, khát vọng tình yêu tự do.
– Giá trị nhân đạo của đoạn trích.
2. Kĩ năng
– Đọc – hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại. Củng cố kĩ năng đọc – hiểu một đoạn thơ trữ tình. Biết cảm thụ và phân tích những câu thơ hay.
3. Thái độ, phẩm chất
– Trân trọng Nguyễn Du và giá trị văn chương cổ. Hướng tới xây dựng tình yêu tự do, trong sáng, tiến bộ trong tương lai.
4. Định hướng phát triển năng lực
– Năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy; năng lực sử dụng ngôn ngữ.
II. Phương tiện
1. Giáo viên
SGK, SGV Ngữ văn, Tài liệu tham khảo, Thiết kế bài giảng
2. Học sinh
SGK, vở soạn, tài liệu tham khảo
III. Phương pháp thực hiện
Gv tổ chức giờ dạy – học theo cách kết hợp các phương pháp: hướng dẫn hs trao đổi – thảo luận, trả lời các câu hỏi.
IV. Tiến trình dạy học
1. Ổn định tổ chức lớp
Sĩ số: ………………………………….
2. Kiểm tra bài cũ
– Phân tích tính cách và chí khí anh hùng của Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng” ?
3. Bài mới
Hoạt động 1. Hoạt động khởi động
Hoạt động của GV và HS | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 2 : Hình thành kiến thức mới GV hướng dẫn HS tìm hiểu chung? Nêu những nét chính về đoạn trích ? GV gọi HS đọc đoạn trích. GV đọc lại.GV Hướng dẫn HS đọc hiểu VB theo các câu hỏi | I. TÌM HIỂU CHUNG |
Nêu vị trí đoạn trích ? | 1. Vị trí đoạn trích – Thuộc phần: Gặp gỡ và đính ước. – Từ câu 431- 452/3254 câu.2. Bố cục |
Gv hướng dẫn HS thảo luận, trả lời các câu hỏi trong sgk để tìm hiểu đoạn trích : | II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU |
Câu 1: Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ : vội, xăm xăm băng ? Tại sao Thúy Kiều lại có hành động như vậy ? | Câu hỏi 1: Hành động của Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng được biệu hiện qua những động từ nào? Nhận xét về giá trị biểu đạt của những động từ đó?- Vội → tính từ.- Xăm xăm, băng → động từ.→ sự khẩn trương, vội vã.→ hành động táo bạo, đột xuất, bất ngờ ngay cả với chính Thúy Kiều.→ thời gian nghệ thuật: gấp, vội, khẩn trương.Nguyên nhân: + Sợ cha mẹ về sẽ trách mắng hành động táo bạo của nàng → phải vội vã tranh đua với thời gian. + Tiếng gọi của tình yêu mãnh liệt thôi thúc. + Kiều bị ám ảnh bởi định mệnh dành cho người tài sắc nên đã chủ động tìm đến với tình yêu để chống lại định mệnh. Nỗi lo lắng trước tương lai mong manh, mơ hồ, ko vững chắc khiến nàng phải bám víu lấy hiện tại.mình: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?” |
Câu 2 :Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du miêu tả ntn ? | Câu 2: Không gian của buổi thề nguyền trong đoạn trích thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào? Đó là không gian như thế nào?→ Không gian thơ mộng – Cảnh Kim Trọng đang thiu thiu, mơ màng dưới ánh trăng nhặt thưa, ngọn đèn hưu hắt. – Tiếng bước chân khe khẽ, êm nhẹ lại ngần của Thúy Kiều.- Những hình ảnh ước lệ hoa mỹ, sang trọng: giấc hòe, bóng trăng xế, hoa lê, giấc mộng đêm xuân… – Tâm trạng con người: + Kim Trọng: bâng khuâng, nửa tỉnh nửa mơ, khó tin là sự thực. + Thúy Kiều: ngỡ ngàng…→ Tính chất thơ mộng, huyền ảo, thần tiên. |
Nghi của buổi thề nguyền ntn ? HS theo dõi sgk trả lời. Gv nhận xét, bổ sung :Các hình thức lễ nghi của buổi thề nguyền rất trang trọng, cảm động và thiêng liêng, lãng mạn và đầy chất lý tưởng. | → Không gian thiêng liêng: Các hình thức lễ nghi trang trọng: + Đài sen nối sáp- thắp thêm nến. + Lò đào thêm hương- đốt thêm trầm hương. + Viết lời nguyện ước. + Trao kỉ vật. + Hai người cùng đọc lời thề son sắt trước “vầng trăng vằng vặc giữa trời”. |
Câu 3: Liên hệ với đoạn “trao duyên” để chỉ ra tính nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Thúy Kiều ?HS thảo luận, phát hất lôgic nhất | Câu 3: Đoạn trích thể hiện quan niệm về tình yêu như thế nào của Thúy Kiều và Nguyễn Du? Sự nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Thúy Kiều: tình yêu- tình cảm thủy chung và thiêng liêng. + Thủy chung: trước sau như một… + Thiêng liêng: tình yêu gắn liền chữ “tình” và “nghĩa”, là lời nguyện thề trước trời đất. →Nàng đau xót tột cùng khi phải trao duyên. →Trao duyên là việc làm trả nghĩa với Kim Trọng, dịu di phần nào nỗi đau, mất mát không gì bù đắp nổi của nàng |
GV hướng dẫn HS tổng kết | III. TỔNG KẾT 1. Nghệ thuật- Lựa chọn hình ảnh, từ ngữ,… – Các biện pháp tu từ, cách sử dụng điển cố,… 2. Ý nghĩa văn bảnNgợi ca vẻ đẹp của tình yêu và tấm lòng đồng cảm của Nguyễn Du với khát vọng hạnh phúc của con người. |
Hoạt động 3. Hoạt động thực hành Quan niệm của anh chị về tình yêu tự do | HS thảo luận, trả lời. Câu trả lời phải hợp lí, thuyết phục, phù hợp với quan niệm đạo đức tiến bộ, tốt đẹp. |
Hoạt động 5. Hoạt động bổ sung
4. Củng cố
– Vẻ đẹp của mối tình trong sáng, tự do, mãnh liệt của Kiều – Kim vượt ra khỏi vòng lễ giáo phong kiến. Giá trị nhân đạo của đoạn trích.
5. Dặn dò
– Học thuộc lòng đoạn thơ.
– Soạn bài: Văn bản văn học.
Cập nhật thêm đoạn trích 👉 Thúy Kiều Hầu Rượu Hoạn Thư – Thúc Sinh
5+ Mẫu Phân Tích Thề Nguyền Hay Nhất
Đón đọc những mẫu phân tích đoạn Thề nguyền (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) để hiểu sâu về mối tình trong sáng, đậm sâu giữa đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Thúy Kiều, đây được coi là một trong những đoạn thơ lãng mạn về tình yêu trong văn học trung đại.
Phân Tích Bài Thơ Thề Nguyền Ngắn Gọn
Tình yêu có rất nhiều giai đoạn với các cung bậc cảm xúc khác nhau.Khi cảm thấy có sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, những người yêu nhau sẽ thề nguyền để hẹn ước đời đời gắn bó, luôn bên cạnh nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn.Thúy Kiều và Kim Trọng cũng vậy, họ đã có một lễ thề nguyền trong không gian đầy thơ mộng.Có lẽ trong văn chương trung đại Việt Nam chưa có một cuộc thề nguyền nào lãng mạn đến thế.
Mở đầu đoạn trích “Thề nguyền” là sự chủ động đến táo bạo của Thúy Kiều khi sang nhà Kim Trọng nhân cơ hội cha mẹ và các em sang bên ngoại chưa về nhà:
“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu”.
Khi con tim đã rung động vì tình yêu thì ước muốn luôn được ở bên cạnh người mình yêu cũng là điều dễ hiểu. Các động từ “vội”,”xăm xăm”, “băng lối” diễn tả trạng thái vội vàng, nhanh chóng, khẩn trương của Thúy Kiều khi sang nhà Kim Trọng lần thứ hai. “Vườn khuya” tĩnh mịch, thanh vắng không khiến nàng chùn bước mà ngược lại, tình yêu nồng cháy nơi con tim Thúy Kiều đã khiến nàng xé bỏ rào cản, bức tường ngăn cách tình yêu đôi lứa trong xã hội đương thời.
Xã hội xưa quan niệm “Nam nữ thụ thụ bất thân”, trong tình yêu, người phụ nữ không có quyền chủ động quyết định hạnh phúc của mình vậy mà Thúy Kiều lại chủ động “băng lối” sang nhà chàng Kim vào buổi chiều tà. Như vậy chẳng phải là quá táo bạo hay sao? Nàng khao khát một tình yêu đến từ chính trái tim của hai người, một tình yêu tự do và mãnh liệt nên đã thề nguyền cùng Kim Trọng. Mặt trăng đã lên và chiếu những tia sáng qua lá cây tạo nên một không gian huyền ảo. Chàng Kim lúc này đang mơ màng dưới ngọn đèn học hiu hắt:
“Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”.
Chàng thư sinh hiếu học ấy đang “thiu thiu”, chập chờn bước vào giấc ngủ và ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê không biết tiếng bước chân nhẹ nhàng của người mình yêu đang tiến đến gần là mơ hay thực. Thời gian càng về khuya cũng là lúc người đẹp lại gần Kim Trọng. Các hình ảnh ước lệ như “giấc hòe”, “hoa lê”, “bóng trăng đã xế”, “giấc mộng đêm xuân” đã góp phần thể hiện tâm trạng “bâng khuâng” giữa hai bờ hư – thực của Kim Trọng.
Tiếng bước chân của Kiều đã làm xao động giấc hòe của chàng thư sinh. Thúy Kiều xuất hiện như thần nữ xinh đẹp của núi Vu Giáp.Vẻ đẹp của bóng trăng và bóng nàng Thúy Kiều như quyện hòa với nhau làm một.Cảnh vật, không gian lãng mạn như thế thật thích hợp cho một cuộc thề nguyền. Chính sự xuất hiện ấy khiến Kim Trọng không khỏi có sự nghi ngờ việc Kiều sang nhà mình là sự thật hay chỉ là giấc mơ.
Mong ước được thề nguyền, sánh đôi và trọn nghĩa thủy chung với Kim Trọng nên Thúy Kiều đã có hành động đầy táo bạo:
“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Lý do ấy thật chính đáng và thuyết phục. Vì tình yêu mà nàng chủ động “trổ đường tìm hoa”, vì tình yêu chân chính, tự do mà nàng vượt khỏi những quy định của Nho giáo. “Khoảng vắng đêm trường” không phải thời gian, không gian thực mà là thời gian, không gian tâm lí.Tâm trạng của những người đang yêu luôn ngập tràn nỗi nhớ nhung, vừa mới gặp nhau mà Thúy Kiều đã cảm thấy như xa Kim Trọng một thời gian rất dài.
Hơn nữa, Kim Trọng thuê trọ ở gần nhà Thúy Kiều nhưng như thế vẫn còn chưa đủ.Nàng muốn gần chàng Kim hơn nữa để tình yêu lứa đôi thêm phần gắn kết.Trong lĩnh vực văn chương, từ “hoa” thường để chỉ người con gái tài sắc nhưng trong câu thơ “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” từ “hoa” ngầm chỉ tình yêu son sắt, tha thiết với chàng Kim.
Từ khi gặp mộ nàng Đạm Tiên, Thúy Kiều luôn có dự cảm chẳng lành về cuộc đời của mình và mối tình của mình với Kim Trọng. Dự cảm về sự chia lìa, dang dở luôn thường trực trong tâm trí của người thiếu nữ có vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” ấy. Nhân lúc còn “rõ mặt đôi ta”, Thúy Kiều muốn hẹn ước cùng Kim Trọng bởi nàng lo sợ sau này sẽ không còn cơ hội nữa.
Thấu hiểu mong ước của người mình yêu, Kim Trọng đã “rước” Kiều vào thư phòng của mình để thực hiện lễ thề nguyền:
“Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương”.
Ánh sáng của “trướng huỳnh” hiu hắt quá nên Kim Trọng đã lấy thêm nến sáp vào cái đài hình hoa sen để có thêm ánh sáng và chàng cũng thắp thêm hương để lò hương thêm thơm. Khung cảnh ấy vừa gợi sự thiêng liêng lại vừa gợi sự thơ mộng, lãng mạn. Đó cũng là không gian của cuộc thề nguyền diễn ra nhanh chóng, vội vàng nhưng cũng đầy đủ tất cả các lễ nghi cần có:
“Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”.
Trước tiên, Kim Trọng và Thúy Kiều lấy tờ giấy cùng nhau viết lời thề nguyện, rồi sau đó cắt tóc bằng con dao vàng và chia phần tóc ấy làm hai để đặt lên chiếc bàn dùng để xếp sách thật trang trọng. Vầng trăng sáng “vằng vặc” giữa trời đêm là nhân chứng cho cuộc thề nguyền ấy.
Tình yêu của hai người có vầng trăng chứng giám. Lời thề chung thủy của Thúy Kiều và Kim Trọng là lời hẹn thề sẽ đồng tâm, đồng lòng, đồng cam cộng khổ để cùng nhau xây đắp một hạnh phúc dài lâu, vững bền. Nguyện ước trăm năm sẽ gắn bó bên nhau, lời thề trong đêm trăng sẽ giúp tình yêu của họ thêm gắn kết. Cuộc thề nguyền diễn ra mà không có mẹ cha, bạn bè thân thiết làm chứng mà chỉ có hai người hẹn thề với nhau dưới vầng trăng.
Đoạn trích đã thể hiện quan niệm về tình yêu tự do, tự nguyện của đại thi hào Nguyễn Du. Ông trân trọng mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng đồng thời cũng xót thương cho mối tình ấy vì vừa được nhen nhóm đã gặp phải sóng gió, trắc trở. Cũng vì lời thề này mà Thúy Kiều trao duyên lại cho Thúy Vân để Vân thay mình ở bên cạnh Kim Trọng trong tâm trạng đầy đau xót.Lời thề nguyền đã góp phần tạo nên niềm tin tưởng vào tình yêu của hai nhân vật và cũng là của tác giả.Qua đó, bạn đọc thấy được tình yêu sâu sắc của Thúy Kiều – Kim Trọng và thấy được tài năng ngôn ngữ, cách sử dụng các hình ảnh ước lệ của Nguyễn Du.
Tham khảo thêm mẫu 👉 Thuyết Minh Về Một Tác Phẩm Văn Học
Phân Tích Thề Nguyền Ngắn Nhất
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một “đại kiệt tác” của nền văn học trung đại Việt Nam, Truyện Kiều xoay quanh cuộc đời và số phận của nhân vật Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn “sắc đành đòi một tài đành họa hai”.
Tuy nhiên, cuộc đời của người con gái tài hoa ấy lại phải trải qua muôn vàn khó khăn, bất hạnh, sóng gió của cuộc đời. Cuộc đời Thúy Kiều toàn những khổ đau, bất trắc. Nhưng, nếu ta theo dõi từ đầu cuộc đời của Kiều, ta có thể thấy Kiều đã từng được hạnh phúc. Đó là khi gặp gỡ Kim Trọng, yêu và được yêu, tình yêu đầu đời của nàng Kiều với chàng Kim cũng đẹp như bao chuyện tình khác. Trong trích đoạn “Thề nguyền”, nhà thơ Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét tình yêu trong sáng mà da diết ấy của hai người.
Sau khi có duyên gặp mặt tại lễ tảo mộ, Kim Trọng đã khắc sâu hình bóng của nàng Kiều trong tim của mình. Vì vậy, Kim Trọng đã thuê một nhà trọ gần nhà của Vương ông, mục đích là có thể tiếp tục gặp gỡ Thúy Kiều. Cuộc gặp mặt vô tình tại lễ tảo mộ không chỉ có Kim Trọng mà Thúy Kiều cũng có sự rung động với chàng Kim thư sinh, anh tuấn. Nhân khi cả nhà về ngoại, Thúy Kiều và Kim Trọng đã lén lút gặp nhau. Khi trở về, biết bố mẹ vẫn chưa trở về, nàng Kiều đã có một quyết định rất táo bạo, đó là vượt tường để sang gặp Kim Trọng lần nữa:
Cửa ngoài vội rủ rèm che
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Khi biết bố mẹ và hai em chưa có ai về nhà, Thúy Kiều đã “tranh thủ”quãng thời gian quý giá ấy để đi gặp tình lang. Hành động của nàng Kiều khá chu đáo, nàng buông rèm che để không ai phát hiện ra hành động của mình “vội rủ rèm che”.
Hành động sau càng táo bạo hơn nữa, nàng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Ta có thể thấy, trong quan niệm phong kiến xưa, người con gái không được phép tự do yêu đương mà phải theo quy định “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ở đây Thúy Kiều không những phá vỡ quy định ấy mà còn rất chủ động đến với tình yêu một mình. Hành động “xăm xăm” thể hiện những bước chân rất dứt khoát, nhanh nhẹn. Như vậy, Thúy Kiều đã phá vỡ mọi rào cản phong kiến đối với tình yêu nam nữ, thể hiện được khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc chính đáng của mình.
“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ đỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”
Trong đêm tối, nàng Kiều một mình vượt quãng đường ngăn cách để đến với chàng Kim. Có thể thấy “khoảng vắng đêm trường”,thời khắc đêm khuya là giây phút những đôi lứa nhớ nhung về nhau nhất. Với Thúy Kiều cũng vậy, nỗi nhớ chàng Kim đã thôi thúc nàng hành động. “Vì hoa” ở đây ta có thể hiểu là Thúy Kiều đang ám chỉ chàng Kim, một con người tài hoa, nho nhã.
“Trổ đường tìm hoa” là hành trình Thúy Kiều “băng lối vườn khuya” để đến gặp tình lang của mình, nàng tranh thủ từng phút giây có thể để ở bên nhau,vì “biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Có lẽ, cuộc gặp gỡ mộ Đạm Tiên đã luôn ám ảnh Thúy Kiều, nàng luôn mơ hồ dự cảm về một tương lai đầy biến cố sẽ đến với con người đầy tài hoa như nàng. Vì vậy, nàng không muốn lãng phí một phút giây nào để sống với cảm xúc, với tình yêu của mình.
Chàng Kim đang thiu thiu ngủ, nửa tỉnh nửa mê nghe tiếng động “tiếng sen khẽ động giấc hòe”. Nhà thơ Nguyễn Du sử dụng hình ảnh “tiếng sen” để miêu tả bước chân của Thúy Kiều, gợi cho người đọc liên tưởng đến những bước chân hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển đến mức chỉ “khẽ động giấc hòe”. Khung cảnh Thúy Kiều và Kim trọng gặp nhau cũng được Nguyễn Du mô tả hết sức thơ mộng, lãng mạn với hình ảnh “trăng xế”, “hoa lê”.
Trong khung cảnh thi vị ấy, lòng người cũng đầy bâng khuâng. Để nói về sự xúc động bâng khuâng của chàng Kim khi nhìn thấy Thúy Kiều, nhà thơ đã sử dụng điển cố của Trung Quốc, đó là điển tích “đỉnh giáp non thần”, kể về việc vua nước Sở ngủ nằm mơ thấy nữ thần núi Vu Giáp khiến chàng Kim như tỉnh như mê, còn tưởng “giấc mộng đêm xuân mơ màng”.
“Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen sáp song đào thêm hương”
Trước sự xuất hiện đầy bất ngờ của Thúy Kiều, chàng Kim “vội mừng làm lễ rước vào. Niềm hân hoan, vui mừng không giấu mà thể hiện ra ngay trong nét mặt, hành động đầy trân trọng, chàng Kim cho thêm dầu vào đèn để thắp sáng, làm cho cuộc gặp mặt thêm ý nghĩa, thiêng liêng hơn.
“Tiên thề, cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”
Dưới ánh trăng sáng, trong không gian đầy thi vị, Kim – Kiều đã bắt đều nghi thức thề nguyền “Tiên thề, cùng thảo một chương”. “Tóc mây” và “dao vàng” là những vật đính ước cho buổi thề nguyền. Ta có thể thấy, mục đích của cuộc gặp gỡ bất ngờ này không phải đơn thuần là cho thỏa nỗi nhớ nhung của đôi lứa mà còn nhằm mục đích thiêng liêng hơn, đó là lời thề nguyền, minh chứng tình yêu của chàng và nàng.
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”
Trong buổi thề nguyền, “vầng trăng” chính là nhân chứng cho cuộc tình hai người. “Vằng vặc giữa trời” như soi tỏ tấm lòng chân thành, trong sáng mà Thúy Kiều và Kim Trọng dành cho nhau. Không khí lúc thề nguyền cũng hết sức nghiêm túc, chân tình “đinh ninh hai mặt một lời song song” thể hiện sự đồng lòng của cả hai bên, vật đính ước như vật trói buộc tấm chân tình, tình cảm “trăm năm” mãi không đổi thay. “Chữ đồng” ở đây có thể hiểu là sự đồng lòng, đồng tâm mãi không phai nhạt của đôi lứa.
Như vậy, trích đoạn “Thề nguyền” đã vẽ ra một khung cảnh đầy thi vị, mơ mộng. Trong không gian tuyệt mĩ ấy của thiên nhiên, nàng Kiều và chàng Kim đã thể khẳng định tình cảm dành cho đối phương bằng cách thổ lộ, thiêng liêng, chân thành hơn nữa hai người đã thề nguyền hẹn ước, khẳng định tình yêu mãi dành cho nhau. Có thể thấy,cảnh thề nguyền đêm trăng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời của Thúy Kiều, bởi lúc ấy nàng yêu và được yêu, sống trong tình yêu cháy bỏng của cuộc đời mình.
Hướng dẫn 👉 Viết Bài Văn Nghị Luận Phân Tích, Đánh Giá Một Tác Phẩm Văn Học
Phân Tích Thề Nguyền Học Sinh Giỏi
Trong văn học trung đại xưa, các nhà văn, nhà thơ thường đề cập đến những vấn đề mang tính cộng đồng, xã hội, dùng thơ để nói chí “Thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo” mà rất hiếm đề cập đến tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, trong kiệt tác Truyện Kiều của mình, Nguyễn Du không những viết về tình yêu mà còn ca ngợi tình yêu tự do của đôi lứa, tư tưởng này được thể hiện chân thực thông qua đoạn trích Thề nguyền.
Thề nguyền là hành động hứa hẹn về tình cảm của đôi lứa, nó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng bởi nó thể hiện được tình yêu, những cảm xúc tột độ của tình yêu. Thúy Kiều và Kim Trọng gặp gỡ hôm đi chảy hội mùa xuân thì hai người thì tình yêu đã chớm nở, để khẳng định tình yêu ấy hai người đã cùng nhau thề nguyền dưới trăng. Có thể thấy hành động thề nguyền này đã phá vỡ được mọi định kiến của xã hội để chạm tới tình yêu, là tình yêu vượt trên những định kiến của thời đại.
Cửa ngoài vội rủ rèm che
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Hành động “xăm xăm băng lối vườn khuya” của nàng Kiều thật táo bạo. Theo luân lí xã hội phong kiến thì hành động này không được phép có ở một người con gái, hành động giữa đêm trốn đến nhà người yêu là không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, hành động của Kiều cũng thể hiện được tình yêu cũng như sức mạnh của tình yêu có thể vượt qua mọi rào cản, kể cả việc đi ngược lại với những định kiến đương thời. Sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc nàng Kiều hành động, nàng đã sống thực với những cảm xúc và mong muốn của mình. Tuy có hành động táo bạo nhưng Thúy Kiều không đi quá xa giới hạn, nàng cũng có những biện minh cho hành động có vẻ nông nổi của mình:
Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ đỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?
“Vì hoa” ở đây tức chỉ Kim Trọng, một con người tài hoa, phong nhã khiến nàng yêu say đắm sau lần gặp đầu tiên, chính tình yêu ấy đã thôi thúc nàng vượt bao nhiêu định kiến để đến gặp mặt, dãi bày. Thúy Kiều ngay từ khi còn sống trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che đã luôn có những sự cảm không lành về một tương lai nhiều biến cố, đau khổ. Dù tình yêu đang ở lúc nồng nàn, say đắm nhất thì nàng luôn lo lắng liệu đó có phải giấc chiêm bao, mọi thứ phải chăng rồi sẽ tan biến. Hành động vội vã của nàng như muốn tranh thủ từng phút giây hạnh phúc được ở bên người mình yêu. Trước sự xuất hiện đường đột của Thúy Kiều, Kim Trọng đã hết sức bất ngờ:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê
Tiếng sen, khẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Bước chân của nàng Kiều đã đánh thức giấc mộng của chàng Kim, sự xuất hiện của nàng với vẻ đẹp thanh khiết, rực rỡ khiến cho chàng Kim tưởng chừng vừa gặp tiên nữ ở núi Vu Giáp. Chính khung cảnh đêm khuya cùng sự xuất hiện bất ngờ của Thúy Kiều mà Kim Trọng không biết đây là cơn mộng mị hay thực tế đang diễn ra. Khi yêu người ta luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt mơ mộng, hình ảnh của người trong lòng xuất hiện xinh đẹp,lộng lẫy ngay trước mặt khiến cho chàng Kim ngỡ ngàng như trong cơn mộng mị cũng là điều có thể hiểu được. Khi xác định được Thúy Kiều đứng trước mặt mình là thật, chàng Kim đã vô cùng vui mừng, hạnh phúc:
Vội vàng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc Mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Khung cảnh của đêm thề nguyền được tác giả Nguyễn Du khắc họa lên bằng những chi tiết vô cùng sinh động, ấn tượng với đầy đủ cả ánh sáng, màu sắc và hương thơm. Chính nét đặc sắc của không gian đêm thề nguyền đó đã trở thành một kỉ niệm thiêng liêng trong trái tim của hai người Kim, Kiều. Buổi thề nguyền được diễn ra với đầy đủ nghi thức: tuyên thề, tóc mây, dao vàng, vầng trăng và lời thề nguyền. Trong buổi thề nguyền ấy, Thúy Kiều đã trao cho Kim Trọng tóc mây, đây không chỉ là nghi thức hẹn ước mà còn thể hiện được tình cảm sâu sắc mà Thúy Kiều trao cho Kim Trọng.
Trong đêm thề nguyền này, trăng chính là chứng nhân cho tình yêu đôi lứa, mặt khác nếu theo dõi toàn bộ Truyện Kiều ta có thể thấy được trăng còn là một người cố tri, chứng kiến toàn bộ những bước ngoặt trong cuộc đời của Kiều. Đó có thể là hình ảnh ánh trăng nhợt nhạt, le lói trong đêm mà Thúy Kiều bỏ trốn theo Sở Khanh:
Đêm thâu khắc lâu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương.
Vầng trăng cũng như mất mát, đau thương khi bị chia nửa trong đêm Thúy Kiều chia tay Thúc Sinh:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Như vậy, có thể thấy ánh trăng đã chứng kiến toàn bộ những biến cố trong cuộc đời Thúy Kiều, từ những giây phút hạnh phúc, nồng nàn khi thề nguyền cùng chàng Kim, cũng là những phút giây đau khổ, chia li sau này. Đoạn trích đã thể hiện đầy cảm động tình yêu sâu nặng của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, cũng có thể thấy được đây là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời bạc mệnh của nàng Kiều.
Dành tặng bạn những mẫu văn 👉 Phân Tích Một Tác Phẩm Thơ 👉 hay nhất
Phân Tích Vẻ Đẹp Đoạn Trích Thề Nguyền Siêu Hay
Nhân lần du xuân dự lễ tảo mộ, vui hội đạp thanh cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan, Thúy Kiều gặp Kim Trọng bên mộ Đạm Tiên. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng cả hai đều cảm nhận về nhau:
“Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e”
Về nhà, Thúy Kiều cứ suy nghĩ vẩn vơ, nằm mộng thấy họa thơ cùng Đạm Tiên và được nàng báo tin chẳng lành. Còn Kim Trọng thì cứ ra ngẩn vào ngơ. Chàng tìm cách thuê nhà trọ gần nhà Thúy Kiều, và ngày đêm mong được nhìn thấy nàng. Một ngày đẹp trời, Kim Trọng nhặt được cành hoa của Kiều vô ý đánh rơi. Hai người gặp gỡ và hứa hẹn. Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoài, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, Kiều quay lại gặp Kim Trọng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước vầng trăng sáng vằng vặc.
Đoạn trích sau đây (từ câu 431 đến câu 452) miêu tả về cảnh ấy, một cảnh tình yêu lãng mạn, đẹp nhất mà nhà thơ đã dụng tài để giới thiệu tính cách của nhân vật Thúy Kiều. Bốn câu thơ đầu nhà thơ miêu tả cảnh Thúy Kiều qua nhà Kim Trọng lần thứ hai. Chỉ mới đây thôi:
Nhà lan thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Hai người đã cùng xướng họa thơ văn, cùng đối đáp, tâm sự. Kiều thì lo phận mình “bạc mệnh”. Kim Trọng thì lạc quan, tin vào lẽ “nhân định thắng thiên”, và hứa “thì đem vàng đá mà liều với thân”. Được nghe những lời ấy từ Kim Trọng, Kiều cảm thấy “lòng xuân phơi phới”. Có lẽ đang trong tâm trạng ấy, khi về nhà và không thấy ai thì Kiều đã vội vàng. Cửa ngoài vội rủ rèm the. Tất nhiên cảnh đêm trăng ắt hẳn là đẹp, nhưng chủ ý của Kiều đâu phải là ngắm trăng. Cứ tưởng tượng hình ảnh “xăm xăm băng lối” là có thể cảm nhận tâm trạng náo nức, không muốn bỏ phí thời gian thực hiện mong muốn của mình. Trong lúc đó thì:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Mỏi mệt vì bao ngày mong mỏi, đợi chờ hay lâng lâng sung sướng vì không hẹn mà gặp? Được nhìn tận mắt, nghe tận tai con người và giọng nói của Kiều khiến tâm hồn Kim Trọng như lên chín tầng mây? Có lẽ có cả hai tâm trạng ấy trong hai câu thơ trên. Hình ảnh một Nho sinh vừa tiễn người mà chàng thầm yêu trộm nhớ ẩn trong cụm từ “tựa án thiu thiu” có vẻ mặt vừa “như tỉnh” vừa “như mê” quả thật khó có họa sĩ nào vẽ được.
Đang trong tâm trạng đó thì Kim Trọng lại nghe “tiếng sen”, rồi lại thấy “hoa lê”, theo ngôn ngữ ước lệ thì là tiếng bước chân nhẹ nhàng của Kiều đang bước tới. Lúc ấy, nhà thơ miêu tả Kim Trọng mang tâm trạng như vua nước Sở nằm mơ thấy thần nữ núi Vu Giáp trong điển tích của văn học cổ Trung Quốc. Từ những câu thơ miêu tả như đã phân tích, nhà thơ chuyển qua hình thức đối thoại khi Kiều và Kim đối diện nhau. Kiều mở lời:
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Một lời trần tình về quan niệm sống của Kiều: Chủ động trong tình yêu và trân trọng nó trong hiện thực. Quan niệm của Kiều về tình yêu khác hẳn quan niệm truyền thống đối với phụ nữ thời xưa: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Đạo lí Nho gia đã dạy học, trong đó có Kiều là tại gia tòng phụ cơ mà! Sở dĩ Kiều phá vỡ sự áp đặt của luân lí Nho giáo dành cho nữ giới có lẽ do Kiều đã cảm nhận được tình yêu chân thực của Kim Trọng, và đặt niềm tin vào con người hào hoa phong nhã này mới chủ động để “rõ mặt đôi ta”.
Được lời như cởi tấm lòng, Kim Trọng rước Kiều vào thư phòng, nhanh chóng thêm đèn cho sáng, đốt thêm trầm để tăng hương thơm. Bấy giờ mới lấy tờ giấy hoa viết lời thề, lấy dao quý cắt tóc chia làm hai phần đặt lên án thư. Tưởng tượng ra hình ảnh ấy từ mấy câu thơ, người đọc đã thấy khung cảnh trang nghiêm mà ấm cúng. Cả hai cùng quỳ xuống, cùng hướng nhìn trời cao…
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Cách tạo niềm tin về tình yêu của đôi trai tài gái sắc đã tạo nên cảnh thật nên thơ và lãng mạn nhưng không kém phần thiêng liêng. Cả hai đều để tâm trí của minh (đinh ninh) vào lời thề. Họ như đôi song ca mà bài hát là lời thề chung thủy và người chứng giám là trời đất, “Vầng trăng”. Bốn câu thơ với những từ láy vằng vặc, đinh ninh, từ lặp song song tạo thành đôi như đôi trai tài gái sắc Kiều – Kim đang nguyện thề “tạc một chữ đồng đến xương”.
Có lẽ vì nặng với lời thề ấy mà sau này, khi quyết định bán mình để chuộc cha và em trai, nhất là trong đêm nhờ cậy Thúy Vân “xót tình máu mủ thay lời nước non” mà gắn bó với Kim Trọng thì Kiều luôn nghĩ đến cái chết nghĩ đến “thịt nát xương mòn…, người thác oan, rồi chết ngất sau khi thốt lên lời đau thương tạ lỗi cùng Kim Trọng. Sự nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Thúy Kiều là như thế, là không quên lời thề, nhận phần lỗi về mình và tạo hạnh phúc cho người còn sống.
Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã dựng nên khung cảnh lãng mạn và đề cao tính cách của Thúy Kiều trong đêm thề nguyền kết tóc xe tơ cùng Kim Trọng, bằng văn miêu tả và đối thoại. Cảnh thì dịu dàng, đẹp như một bức tranh. Tính cách của Kiều, nhân vật chính thì chủ động dứt khoát và chân thật đã phá vỡ tính thụ động của thanh nữ thời xưa về tình yêu đôi lứa do lễ giáo Nho gia áp đặt. Dù vậy, tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng vẫn trong sáng, đậm đà. Điều ấy đã làm tăng thêm tính hấp dẫn và giá trị nhân văn của Truyện Kiều.
Gợi ý ✨ Viết Văn Bản Nghị Luận Về Một Tác Phẩm Thơ ✨ hay nhất
Phân Tích Thề Nguyền Lớp 11 Hay Nhất
Sau cuộc du xuân, Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau, Kim thuê trọ ở gần nhà Kiều. Một hôm, nhân lúc cả gia đình đi mừng thọ bên ngoại, Thúy Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng, hai người tình tự với nhau đến tối. Trở về nhà nhưng gia đình chưa về, Kiều lại buông rèm sang nhà Kim Trọng lần hai.
Họ cùng nhau hứa hẹn chung thủy suốt đời. “Thề nguyền” là một trong những đoạn trích tiêu biểu cho tình yêu trong sách, thủy chung mà không kém phần bạo dạn của Thúy Kiều – một cô gái trong xã hội phong kiến, sẵn sàng vượt những hủ tục để có được tình yêu với Kim Trọng.
Mở đầu đoạn trích với cảnh Thúy Kiều lén sang gặp Kim Trọng lần hai khi thấy cha mẹ chưa về:
“Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
Một tường tuyết chở sương che
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”
Kiều đi tìm gặp Kim Trọng, Nàng với những bước chân nhanh nhẹn “xăm xăm”, can đảm đến bên nhân tình cùng nhau xướng họa văn thơ, tâm sự bầu bạn. Quả thật trong xã hội phong kiến xưa, nhưng hủ tục trói buộc con người, tạo ra một bức tường ngăn cách tình yêu đôi lứa, nhưng Kiều một cô gái có trái tim bồng bột ngây thơ, với sự táo bạo, chủ động trong tình yêu, thề nguyền với người mình yêu khi không có sự cho phép của cha mẹ mình cho thấy trong nàng có khao khát một tình yêu tự do, chính đáng, một tình cảm mãnh liệt với Kim Trọng đồng thời, nàng đang vì chính mình tranh đua với thời gian, định mệnh để tìm kiếm hạnh phúc.
Theo từng bước đi đó của Thúy Kiều là tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du, mở rộng ranh giới tình cảm cho nhân vật. Nàng cứ thế bước đi trong vườn khuya, dần lạc vào ảo mộng.
Còn với Kim Trọng thì khoảnh khắc lúc này đáng quý hơn bao giờ hết, bởi vì sau bao ngày tháng mong ngóng chờ đợi giờ đây được gặp trực tiếp, được giãi bày tâm sự cùng nàng:
“Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”
Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ “tiếng sen” để nói về từng bước chân nhẹ nhàng của Thúy Kiều giữa lúc chàng Kim đang nửa tỉnh, nửa mê, luyến tiếc khi nàng Kiều quay trở về nhà sau lần gặp gỡ thứ nhất. Thế rồi nàng Kiều bất chợt quay lại khiến tâm trạng chàng bâng khuâng, xao xuyến tưởng chừng như còn mơ màng trong giấc mộng đêm xuân. Nguyễn Du đã mượn điển tích “đỉnh Giáp non thần” vua nước Sở nằm mơ thấy thần nữ núi Vu Giáp trong điển tích của văn học cổ Trung Quốc, để thể hiện sự trân trọng của chàng khi người đẹp đến.
Sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc nàng Kiều hành động, nàng đã sống thực với những cảm xúc và mong muốn của mình. Tuy có hành động táo bạo nhưng Thúy Kiều không đi quá xa giới hạn, nàng cũng có những biện minh cho hành động có vẻ nông nổi của mình:
“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ đỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
“Khoảng vắng đêm trường” gợi một khoảng không gian thời gian trong tâm trí rợn ngợp mà nàng phải vượt qua để tới gặp Kim Trọng. “Vì hoa” ở đây tức chỉ Kim Trọng, một con người tài hoa, phong nhã khiến nàng yêu say đắm sau lần gặp đầu tiên, chính tình yêu ấy đã thôi thúc nàng vượt bao nhiêu định kiến để đến gặp mặt, giãi bày.
Thúy Kiều ngay từ khi còn sống trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che đã luôn có những sự cảm không lành về một tương lai nhiều biến cố, đau khổ. Dù tình yêu đang ở lúc nồng nàn, say đắm nhất thì nàng luôn lo lắng liệu đó có phải giấc chiêm bao, mọi thứ phải chăng rồi sẽ tan biến. Hành động vội vã của nàng như muốn tranh thủ từng phút giây hạnh phúc được ở bên người mình yêu.
Sau những lời giãi bày của Kiều, Kim Trọng cùng nàng vào trong phòng, nhanh chóng đốt trầm hương thơm thoảng, thắp thêm đèn tỏa ánh sáng ấm áp, chàng lấy tờ giấy hoa ra viết lời thề, cắt tóc chia thành hai phần đặt lên án thư, trao đổi vật tin. Dưới sự chứng giám của vầng trăng:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”
Buổi thề nguyền ngắn gọn, vội vàng nhưng đầy đủ nghi thức: thề nguyền, tóc mây, dao vàng, vầng trăng và lời thề nguyền. Trong buổi thề nguyền ấy, Thúy Kiều đã trao cho Kim Trọng tóc mây, đây không chỉ là nghi thức hẹn ước mà còn thể hiện được tình cảm sâu sắc mà Thúy Kiều trao cho Kim Trọng. Với nhiều hình ảnh ước lệ cùng điển cố, điển tích, Nguyễn Du đã khắc họa ra một không gian thề nguyền lãng mạn, thơ mộng, mà ở đó vầng trăng là nhân chứng cho mối tình son sắt của hai người.
Đọc thêm mẫu 👉 Giới Thiệu Về Một Tác Phẩm Nghệ Thuật