Di Chúc Bác Hồ 1969 [Nội Dung Toàn Văn + Giá Trị + Phân Tích]

Di Chúc Bác Hồ 1969 ❤️️ Nội Dung Toàn Văn, Giá Trị, Phân Tích ✅Tổng Hợp Thông Tin Về Tác Giả, Bố Cục, Đọc Hiểu, Giá Trị Tác Phẩm.

Bác Hồ Viết Di Chúc Năm Nào

Bác Hồ viết di chúc năm nào? Theo ghi chép thì bản di chúc của Bác được hoàn thành vào năm 1969 nhưng thời gian bắt đầu viết thì trước đó vài năm.

Cụ thể là bắt đầu từ ngày 10/5/1965 Bác viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật” gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đón đọc tác phẩm ❤️️Đường Kách Mệnh ❤️️ Nội Dung Tác Phẩm, Giá trị, Phân Tích

Hoàn Cảnh Ra Đời Di Chúc Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Nói về hoàn cảnh ra đời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì theo ghi chép có các mốc thời gian như sau:

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra hết sức ác liệt nhưng đã đạt được những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi chủ tịch Hồ Chí Minh ở vào tuổi 70, sức khỏe của Bác ngày càng suy nhược, “diện mạo bên ngoài giảm sút, sắc diện không được hồng hào”; mặc dù trí nhớ được cho là “vẫn rất minh mẫn”. Bác đã suy nghĩ về việc để lại cho nhân dân và Đảng viên những lời dặn dò trước khi mất.

  • Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Các ngày tiếp theo, ngày 11, 12, 13/5/1965, cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại.
  • Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong Bản Di chúc và cho vào phong bì.
  • Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.
  • Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. 
  • Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.
  • – Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969.
  • Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…
  • Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 2/9/1969).

Nội Dung Toàn Văn Bản Di Chúc Của Bác Hồ Năm 1969

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969. Trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu và công bố Di chúc của Người. Dưới đây là nội dung toàn văn bản Di chúc của Bác Hồ năm 1969.

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70, xưa nay hiếm”.

Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người
 Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI – là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

VỀ VIỆC RIÊNG – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

 Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 nǎm 1969
HỒ CHÍ MINH

Chia sẻ thêm về văn bản 🔰Sửa Đổi Lối Làm Việc 1947🔰 Nội Dung, Ý Nghĩa, Liên Hệ

Những Hình Ảnh Di Chúc Bác Hồ Bản Gốc

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản gốc do Bác viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969. Hiện nay, bản Di chúc gốc đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt. Sau đây là những hình ảnh về di chúc của Bác Hồ bản gốc:

Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hình ảnh về bản di chúc gốc của Bác Hồ
Hình ảnh về bản di chúc gốc của Bác Hồ

Ý Nghĩa Di Chúc Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ cho bạn về ý nghĩa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc ra đi.

  • Di chúc của Bác là sự tổng kết sâu sắc, toàn diện tình hình thế giới, cách mạng Việt Nam, từ đó chỉ ra những vấn đề chiến lược quan trọng cần thực hiện của Đảng ta, nhân dân ta cả hiện tại và trong tương lai.
  • Toàn bộ Di chúc là niềm tin, sự lạc quan mãnh liệt vào cách mạng, giải phóng miền Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. 

=>Thông qua đó, cho ta thấy khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng như Bác Hồ. Di chúc của Người là kết tinh tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình, tiến bộ, phát triển trên toàn thế giới. 

Đừng bỏ lỡ ❤️️Lời Kêu Gọi Toàn Quốc Kháng Chiến❤️️ Nội Dung, Phân Tích

Tóm Tắt Di Chúc Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Bạn có thể đọc bản tóm tắt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đây để nắm bắt nội dung nhanh chóng hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhấn mạnh truyền thống đoàn kết” trong Đảng; yêu cầu “thực hành dân chủ” rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh “tự phê bình và phê bình”; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần “đạo đức cách mạng”, giữ gìn Đảng thật “trong sạch”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong “sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; khẳng định đây là “đội hậu bị của Đảng”, là người chủ tương lai của đất nước; yêu cầu Đảng phải chăm lo “bồi dưỡng đạo đức cách mạng” cho họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng nhân dân lao động “bao đời chịu đựng gian khổ”, bao nhiêu năm “bị nhiều áp bức bóc lột bởi phong kiến thực dân”. Ông ca ngợi nhân dân Việt Nam rất “anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”, “luôn đi theo và rất trung thành với Đảng”. Đảng phải có kế hoạch tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo cuộc chiến tranh Việt Nam có thể kéo dài nhưng “nhất định thắng lợi”. Sau khi chiến tranh kết thúc, cần ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về phong trào cộng sản thế giới: Mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao “tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Ông bày tỏ sự đau lòng trước những bất hòa giữa các đảng anh em.

Liên quan đến hậu sự của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chớ nên tổ chức “điếu phúng linh đình”, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân; căn dặn hỏa táng thi hài để vừa “tốt về mặt vệ sinh”, lại không tốn đất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên mong muốn cuối cùng trước lúc mất là mong muốn toàn Đảng, toàn dân Việt Nam “đoàn kết phấn đấu”, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, “góp phần xứng đáng” vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Bố Cục Tác Phẩm Di Chúc Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Bố cục tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể phân chia thành 4 phần:

  • Phần mở đầu: Từ đầu đến “cảm thấy đột ngột”: Khẳng định chắc chắn “sự thắng lợi hoàn toàn” của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam dù phải “gian khổ, mất mát nhiều”
  • Phần thân: Tiếp theo đến ” nhất định sẽ phải đoàn kết lại.”: Tư tưởng cơ bản về dân chủ của Bác.
  • Phần “về việc riêng”: Tiếp theo đến “tiền bạc của nhân dân”: Dặn dò sau khi Người qua đời.
  • Phần kết: Đoạn còn lại: Bác để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng… gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”

Đọc hiểu ❤️️Bài Thơ Lịch Sử Nước Ta [Hồ Chí Minh]❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa

Đọc Hiểu Tác Phẩm Di Chúc 1969 Của Bác

Thohay.vn hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Di chúc 1969 của Bác Hồ chi tiết nhất.

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4

Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là điều chắc chắn.
Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng ; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cám ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

(Hồ Chí Minh, Di chúc, In trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia)

👉Câu 1 : Chỉ ra nội dung chính của đoạn trích trên.

Đáp án: Nội dung chính của đoạn trích là lời khẳng định chắc chắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thắng lợi hoàn toàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và mong muốn, dự định của Người vào ngày trọng đại khi dân tộc ta giành chiến thắng. 

👉Câu 2 : Tác giả của đoạn trích hướng bài viết đến những đối tượng nào ? Tại sao anh (chị) nhận ra điều đó ?

Đáp án: Đoạn trích hướng tới đối tượng là toàn thể nhân dân Việt Nam, các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu, những nước luôn ủng hộ và sát cánh với nước Việt Nam ta.

Em nhận ra điều đó vì Người đã nhắc đến các đối tượng này trong bài viết của mình, bài viết không hề gửi đến riêng một đối tượng nào. Cụ thể các từ trong đoạn trích thể hiện điều đó là: để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng ; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cám ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

👉Câu 3 : Chỉ ra và phân tích tác dụng của các phép liên kết trong đoạn trích trên?

Đáp án:

  • Phép liên tưởng: nhà văn sử dụng trường từ vựng về nhân dân: đồng bào, cán bộ, chiến sĩ anh hùng, cụ phụ lão, …
  • Phép thế: “đó” dùng để thay thế cho“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.”
  • Phép nối: “kế theo đó”

Giá trị của phép liên kết: Hướng nội dung của đoạn trích đến chủ đề là lời dự đoán của Bác về chiến thắng của dân tộc ta. 

👉Câu 4 : Tương lai mà Hồ Chí Minh dự đoán trong di chúc thể hiện vẻ đẹp nào của Người ? Trong khoảng 5 – 7 dòng, thể hiện suy nghĩ của anh (chị) về vẻ đẹp đó.

Gợi ý: Học sinh triển khai thành đoạn trong khoảng 5 – 7 dòng viết về vẻ đẹp của Bác, đó có thể là vẻ đẹp của lòng lạc quan, vẻ đẹp của lòng yêu nước sâu sắc, tùy học sinh cảm nhận.

Giá Trị Bản Di Chúc Hồ Chí Minh

Tổng kết các giá trị của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969.

Giá trị tư tưởng

  • Giá trị tư tưởng của tác phẩm chính là sự tổng kết toàn bộ tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nền tảng, kim chỉ nam cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
  • Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người.
  • Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản toả sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giá trị thực tiễn

  • Tác phẩm định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng, phát triển đất nước trong tương lai.
  • Khẳng định tầm quan trọng của nhân tố đạo đức đối với đảng cầm quyền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
  • Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn sức mạnh, nguồn động viên tinh thần to lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tham gia tự phê bình và phê bình, nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trước Đảng, trước nhân dân.

Đọc hiểu tác phẩm 🔰Tinh Thần Yêu Nước Của Nhân Dân Ta🔰Nội Dung, Giá Trị

Những Phân Tích Tác Phẩm Di Chúc Của Bác Hồ Hay Nhất

Tham khảo thêm bài phân tích tác phẩm Di chúc của Bác Hồ hay nhất được Thohay.vn sưu tầm chia sẻ sau đây nhé!

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969), người sáng lập, lãnh đạo và là lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Một trong những tài sản tinh thần vô cùng quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phải kể đến là những tư tưởng của Người qua bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng và dân tộc ta. 

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với dời sống hàng ngày của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục và nhà văn hóa lỗi lạc; vừa mang tính triết lý truyền thống đồng thời cũng chỉ ra con đường tương lai; vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng, triết luận.

Chọn dịp sinh nhật để viết những dòng tài liệu bí mật để lại cho đồng bào, đồng chí và Tổ quốc nên phong cách diễn đạt suy nghĩ của Người trong Di chúc rất độc đáo, đó là sự kết hợp hài hòa giữa dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, phù hợp giữa tinh thần Đông phương với tình hình thực tiễn của thời điểm đó và cả về sau này, mang chất dung dị, đời thường, chứa đựng tình cảm thương yêu mênh mông bao trùm hết thảy của một trái tim nhân hậu.

Những ý tưởng của Người được diễn tả chân thực vì nói đúng sự thật khách quan và chính xác về chủ quan; ngắn gọn, dễ hiểu bởi mọi tâm ý đều đã được khái quát, chắt lọc tối giản; nhân văn và thiết thực. Chính vì tư tưởng, phong cách, đạo đức cao thượng đẹp đẽ trong sáng như vậy nên tác phẩm này chỉ có thể thuộc về một Con Người vĩ đại, có tầm nhìn thời đại và hàm chứa suy nghĩ của cả nhân loại.

Nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng như Jean Lacourture đã nhận xét: “Văn phong kỳ lạ rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Stalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình, tiến bộ, phát triển trên toàn thế giới.

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản, từ đó sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi vào lịch sử cách mạng thế giới với vai trò của người chiến sĩ tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa văn hóa thành ngọn hải đăng cho sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời Người cũng là nhà hoạt động văn hóa trên các lĩnh vực: Báo chí, thơ, văn. Người còn là một nhà ngoại giao xuất chúng, luôn kiên trì phấn đấu không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc trên toàn thế giới và từ đó đưa Việt Nam lên vị thế xứng đáng trong bản đồ chính trị thế giới.

Từ những cống hiến lớn lao và kinh nghiệm phong phú trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò tất cả những điều cần thiết, quan trọng, chính yếu trong Di chúc của Người cho tương lai của dân tộc. Chính vì vậy mà Fidel Castro đã viết: “Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh và người đảng viên luôn xác định phải trung thành tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định về tư cách của Đảng cầm quyền, trong đó nền tảng là đạo đức của đảng viên.

Người đã nói rõ cách mạng muốn thành công trước hết phải có “Đảng Cách mệnh”, tuy nhiên: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Muốn gánh vác được trách nhiệm nặng nề đó, đảng viên cần có đạo đức cách mạng, đó là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhắc nhở: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.

Và, trong Di chúc, Người cũng vẫn nhấn mạnh những vấn đề cơ bản, quyết định đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền, đó là: Đoàn kết, tự phê bình và phê bình, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Mỗi bước đi của nhân dân ta và của Đảng ta đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước thương dân, suốt đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân của một vị lãnh tụ lập quốc vĩ đại, mà còn tỏa sáng lòng bao dung, nhân ái của một vị thánh Cộng sản đối với tất cả con người, niềm tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục tiêu duy nhất để hướng tới, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để nhân dân có quyền làm chủ đất nước. Vì thế, Người luôn tâm niệm rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân và Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân nên bất luận trong hoàn cảnh nào: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Trong những lời cuối cùng để lại, Người quan tâm từng chi tiết tới người dân của các tầng lớp xã hội, nhắc những công việc cụ thể đối với những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến những nạn nhân của xã hội cũ. Đó không chỉ là niềm tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc anh hùng đấu tranh vì chính nghĩa, mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn xa, sự quan tâm sâu sắc, chăm lo, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề đào tạo, giáo dục các thế hệ cách mạng kế cận, đặc biệt là lứa tuổi đoàn viên, thanh niên bởi: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Có thể nói rằng giá trị to lớn trong bản Di chúc không chỉ là những lời căn dặn đơn thuần cuối cùng của một người trước lúc đi xa, mà là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, giá trị của bản Di chúc mãi mãi trường tồn, mãi mãi được khắc sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng, toàn dân ta.

Phân tích chi tiết bài thơ ❤️️Tin Thắng Trận [Báo Tiệp]❤️️Những bài văn mẫu hay nhất

Viết một bình luận