Đồng Dao Cho Người Lớn: Nội Dung + Ý Nghĩa + Lời Bình

Đồng Dao Cho Người Lớn ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa, Lời Bình ✅  Xem Ngay Đồng Dao Hay Và Ý Nghĩa Nhất Viết Về Chủ Đề Người Lớn Cho Các Bạn.

Nội Dung Bài Đồng Dao Cho Người Lớn

Bài thơ: Đồng dao cho người lớn
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo 

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

Thohay.vn Tặng Bạn ❤️️ Bài Thơ Người Con Gái Việt Nam Của Tố Hữu ❤️️Nội Dung, Cảm Nhận

Ý Nghĩa Bài Đồng Dao Cho Người Lớn

Bài thơ “Đồng dao cho người lớn” đã đụng đến những vấn đề “rất người lớn”. Đó là cái sống cái chết, cái nghĩa cái tình của con người đối với kiếp người và đặt ra những quan niệm về tình yêu, về thời gian, về quy luật nhận thức của con người đối với tự nhiên và xã hội.

Những Lời Bình Về Bài Đồng Dao Cho Người Lớn

Dưới đây là những lời bình hay nhất mà Thohay.vn siêu tầm tặng bạn đọc

☛ Lời Bình Về Bài Đồng Dao Cho Người Lớn Hay Nhất

  Nguyến Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Nghệ An. Có thể gọi anh với rất nhiều “nhà”: nhà thơ với nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có tập “Đồng dao cho người lớn” đã lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng thường niên Hội nhà văn năm 1995 cùng với “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh. Tập thơ mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó là Chủ tịch Hội đồng thơ đã đánh giá: “Đồng dao cho người lớn sẽ là tập thơ kết với bạn đọc và sẽ sống lâu với thời gian”; gọi anh là nhà báo vì anh từng là “linh hồn” một thời của các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt và báo Thơ; gọi anh là nhạc sỹ vì anh nổi tiếng với các ca khúc “Làng quan họ quê tôi” (phổ thơ Nguyễn Phan Hách), “Khúc hát sông quê” (phổ thơ Lê Huy Mậu)…

Điểm lại các “nhà” trong Nguyễn Trọng Tạo để bạn đọc tiện cảm nhận về chất thơ, chất nhạc, chất họa…trong “Đồng dao cho người lớn”.

Khi viết “Đồng dao cho người lớn” Nguyễn Trọng Tạo đã ở tuổi 45- cái tuổi đã qua thời kỳ “…nhi bất hoặc” để sang “…tri thiên mệnh”. Điều này giúp ta hiểu thêm triết lý của nhà thơ về sự sống chết, về cái “tôi” và cái “ta”; cái riêng cái chung cùng với những mâu thuẫn nội tại của đất trời và cuộc đời mà nhà thơ quan tâm, như anh từng thổ lộ: “Khi nhà thơ quan tâm đến điều gì, anh ta viết về điều đó. Những năm đầu đổi mới tôi quan tâm tới thế sự…” (Trò chuyện- Báo Khuyến học và Dân trí ngày 13/11/2008).

“Đồng dao” là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em thường kèm một trò chơi nhất định. Chúng ta ai mà chẳng một thời hát đồng dao: “Chi chi chành chành…” và kết thúc là nắm được ngón tay bạn trong bàn tay mình khi hát câu “ù à…ù ập”…

Đồng dao trong dân gian thường ở thể bốn chữ, “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo ở thể tám chữ. Đây không chỉ là sự thay đổi kết cấu trong câu hát, mà là sự sắp xếp hai mặt đối lập trong một sự vật hiện tượng.

Mỗi mặt đối lập thể hiện bằng bốn chữ: “Có cánh rừng chết >< vẫn xanh trong tôi / Có con người sống >< mà như qua đời”…Lôgic kết cấu này chạy suốt bài thơ phù hợp với tính triết luận của thi phẩm về cuộc đời và con người.

Tuy nhiên, hai dòng thơ thứ 9 và 10 chuyển sang giọng điệu trữ tình: “Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ / Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió”. Tình thơ dào dạt kết hợp với 4 từ “vẫn” gắn với thiên nhiên bao la ” vẫn sông…vẫn cỏ” với cuộc đời và hồn người ” đời vẫn say…hồn vẫn gió” đã khẳng định niềm tin vào cuộc đời và con người, mặc dù còn có bao nhiêu điều ngộ nhận: “…ngoại tình ngỡ là tiệc cưới”, “…trăng tròn nào phải mâm xôi”…

Đọc ” Đồng dao cho người lớn” chúng ta bắt gặp logíc cảm xúc mới của Nguyễn Trọng Tạo, đó là sự đứt đoạn trong cảm xúc. Sự đứt đoạn thể hiện trong từng khổ thơ (mỗi khổ hai dòng) và từng dòng thơ trong mỗi khổ. Nếu khổ thơ thứ nhất nói về sự sống chết thì khổ thứ hai nói về sự ngộ nhận của kẻ ngoại tình. Nếu như dòng thứ nhất của khổ thứ ba nói về trẻ mồ côi thì dòng thứ hai của khổ thơ lại nói về “ông trăng tròn” và “mâm xôi” làm người đọc liên tưởng tới chú cuội trên cung trăng và nắm xôi Thằng Bờm…

Sự đứt đoạn trong cảm xúc qua từng đoạn, từng dòng thơ phù hợp với những “mảnh ghép” của cuộc sống vốn phong phú, đa màu, đa sắc tạo cho người đọc nỗi ám ảnh nhiều chiều: sự sống chết ư? Có cánh rừng chết nhưng vẫn xanh…; có con người sống (với nghĩa tồn tại sinh học) mà như đã chết! Sự hoài nghi khoa học trong khám pha hiện thực khách quan ư? Có câu trả lời biến thành câu hỏi…Tuy đứt đoạn trong cảm xúc nhưng các khổ thơ vẫn gắn kết với nhau bằng nhịp điệu thơ ào ạt của đồng dao.

Nhà thơ kết thúc thi phẩm bằng hai dòng thơ: Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” khái quát các cung bậc tình cảm của con người: thương, nhớ, khóc, cười…và đưa ra một quan niệm thời gian theo triết lý của Thiền: thời gian luôn thay đổi, bất định trong cõi “vô thường”…

Bài thơ có 12 dòng với 96 chữ nhưng đã khái quát được nhiều mảnh ghép của cuộc đời và số phận con người, diễn ra trong ” cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.

“Đồng dao cho người lớn” đã đụng đến những vấn đề “rất người lớn”. Đó là cái sống cái chết, cái nghĩa cái tình của con người  đối với kiếp người và đặt ra những quan niệm về tình yêu, về thời gian, về quy luật nhận thức của con người đối với tự nhiên và xã hội.

Đồng dao cho trẻ em thường gắn với một trò chơi, “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo chắc chắn không gắn với một trò đùa!

Sống đích thưc, sáng suốt, quan tâm chia sẻ với số phận con người để “Đời vẫn say hồn vẫn gió” là giá trị nhân văn lớn nhất của thi phẩm. Vì thế nó “kết với bạn đọc và sống lâu với thời gian”.

☛ Lời Bình Về Bài Đồng Dao Cho Người Lớn Có Cái Nhìn Sâu Sắc

Ngay tựa để bài thơ đã gây sự chú ý cho người đọc. Vì ai cũng biết đồng dao là thể loại của văn học dân gian dành cho trẻ con đọc, hát khi chơi. Đó là những bài văn vần có số lượng câu chữ trong một dòng khoảng 4-5 từ. Nội dung thân thuộc, dễ đọc dễ nhớ, dễ hiểu, như là để chơi vậy thôi. Với bài thơ này, thể loại thì hình như đã cũ mà đối tượng dành cho, hướng đến đã chuyển khác bất ngờ: người lớn. Chắc có người sẽ nói: Người lớn bận trăm công ngàn việc, ai rảnh đâu mà đồng dao. Nhưng hãy khoan, bình tĩnh mà đọc xem… Số lượng chữ trong mỗi dòng thơ là 8 (gấp đôi số chữ trong đồng dao dân gian). Bài thơ gồm 12 dòng với 96 chữ mà có đến 5 từ “vẫn”, 6 từ “mà” và 16 từ “có”. Lặp lại vốn là điều tối kỵ trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng sự xuất hiện nhiều lần những từ trên rõ ràng là chủ định của tác giả.

Khúc đồng dao liệt kê những sự vật hiện tượng trong đời sống thiên nhiên, xã hội và con người; tập trung vào những mâu thuẫn, những ngộ nhận và bi kịch phận người: chết-sống, đang sống-như chết, hỏi-trả lời, cha mẹ-trẻ mồ côi, nho nhỏ-mênh mông, bao la-chật hẹp, thương nh-khóc cười, chớp mắt-nghìn năm… Các câu thơ bao gồm 2 mặt của sự đối lập-những đối lập đau lòng, không muốn có, đáng lẽ không nên có, khiến ta giật mình trào nước mắt. Tôi cũng giật mình hoảng sợ bởi nhỡ ra mình cũng thuộc loại đang “sống mà như qua đời” (Trịnh Công Sơn trong “Bên đời hiu quạnh” cũng có ca từ tương tự: Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/Lòng thật bình yên mà sao buồn thế). Chợt ngộ ra trong cuộc đời có những người sống chỉ là sự tồn tại sinh vật. Sống thêm chật đất và vô tích sự. Anh sinh viên trong “Tội ác và hình phạt” của F. Đoxtoevxki đã giết mụ già cầm đồ vì nhẽ ấy. Nhưng dù sao Nguyễn Trọng Tạo vẫn lạc quan tin tưởng vào sự sống chẳng bao giờ chán nản và phần thiên lương trong mỗi con người: “Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió”.

Hai câu thơ vừa dẫn ở trên thể hiện rất rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những lần đọc đầu tôi nghĩ lẽ ra chúng phải nằm ở cuối bài nhưng rồi may thay giật mình: đồng dao kia mà. Đó là bài ca không bao giờ dứt. Đọc xong câu cuối có thể trở lại câu đầu mà vẫn đảm bảo sự liền mạch, nhất quán. Và tôi thử đọc: “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi/Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi…”.
Bài thơ như thể tác giả buột miệng nói ra trong cuộc rượu với bạn bè mà thành. Nhưng lại nghĩ, Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của những câu thơ như: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi” thì cái sự nói chơi, tưởng như phi lý ấy phải được rút từ gan ruột mà ra.

☛ Lời Bình Về Bài Đồng Dao Cho Người Lớn Đặc Sắc

Và mới đây, tôi đã tìm đọc những bài thơ của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Cảm giác của tôi khi đọc thơ của anh cũng thật lạ, như khi tôi nghe những ca khúc mà anh sáng tác, nghĩa là, tôi đã “mê“ ngay thơ của anh, dù tôi cũng là người viết thơ! Tôi đặc biệt lưu tâm đến bài thơ: “ Đồng dao cho người lớn“ trong tập thơ cùng tên mà anh đã đoạt giải Văn học nghệ thuật cố đô 1995-2000 và mới đây ngày 27.5.2012 tập thơ này đã được tặng giải thưởng Nhà nước cùng với “Con đường của những vì sao“ (Trường ca Đồng Lộc). Vì sao tôi lại lưu tâm đặc biệt đến bài thơ? Vì bài thơ khiến tôi phải suy nghĩ, phải trăn trở, phải “động não“ để hiểu được tình ý mà tác giả muốn gửi gắm:

Đồng dao cho người lớn
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

Để hiểu được ý nghĩa của bài thơ, trước tiên, ta phải hiểu thế nào là “đồng dao“. Đồng dao theo nghĩa của tiếng Việt tức là “lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm theo một trò chơi nhất định“, nghĩa là lời bài hát được truyền miệng từ đời này qua đời khác mà trẻ con hay người lớn đều thuộc lòng, đều thích hát cùng với trẻ con khi cùng chơi đùa với chúng trong những lúc rảnh rỗi, vì mỗi bài đồng dao ấy tuy là vui chơi, nhưng đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy tại sao Tác giả Nguyễn Trọng Tạo lại viết bài thơ với tiêu đề “Đồng dao cho người lớn“? Và đó cũng là tên của Tập thơ mà tác giả hai lần đoạt giải thưởng? Ngay từ hai câu đầu bài thơ:

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời“

Đã khiến tôi chú ý đến bài thơ. Tác giả viết thơ mà như đang nói chuyện cùng ta vậy. Tác giả dẫn dụ một hình ảnh tương phản: “rừng chết vẫn xanh“ và “con người sống mà như qua đời“. Tại sao một cánh rừng, một phong cảnh thiên nhiên đã bị chết (có thể là bị hủy diệt vì bom đạn chiến tranh, hoặc do nạn cháy rừng) mà mãi mãi “vẫn xanh trong tôi“? Bởi vì cánh rừng đó hữu ích, là cần thiết, làm đẹp cho cuộc sống của loài người.

Còn tại sao con người sống đó, hiện hữu đó, bằng xương bằng thịt sờ sờ ra trước mắt ta đó, mà lại “như qua đời“? Vì “con người đó“ hoặc là người mà không phải là người, họ độc ác như loài dã thú, họ tiêu diệt đồng loại mà không biết ghê tay, hoặc họ là người vô tích sự, chỉ biết hưởng thụ và luôn đem lại những điều phiền toái cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng loại! Đọc hai câu thơ, ta đã thuộc và nhớ ngay rồi và đồng tình với suy nghĩ, nhận định của Tác giả. Tiếp đến là hai câu:

“Có câu trả lời biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới“

Lại cũng là hai hình ảnh tương phản, ẩn dụ: “Trả lời… câu hỏi“ và “ngoại tình… ngỡ tiệc cưới“, khiến người đọc phải suy nghĩ, phán đoán. Tại sao câu trả lời lại thành câu hỏi? Vì người hỏi đã hỏi một câu hỏi có thể là thừa, là thiếu suy nghĩ khiến người bị hỏi không hài lòng và hỏi ngược lại. Tác giả muốn nhắc nhở chúng ta “uốn lưỡi bảy lần“ trước khi nói, để tránh những tai tiếng mà do phát ngôn không thận trọng mà ra.

Và tại sao “ngoại tình… ngỡ tiệc cưới“? Bởi vì ngoại tình là việc mà đạo lý, lương tâm không cho phép, nhưng mặc dù vậy, nhiều người vẫn như bị bùa mê, bả lú, vẫn lao vào, vẫn quyết tâm giành giật hạnh phúc của người khác, bằng mọi giá… và rồi cái “tiệc cưới“ chỉ là “ngỡ“ thôi, nghĩa là nó chỉ là ảo tưởng, là hạnh phúc nhất thời, mà hệ lụy của nó sẽ là sự day dứt, dằn vặt lương tâm khi nghĩ về người bạn đời của mình hay về người vợ hay chồng của nhân tình của mình. Tác giả, bằng lối nói trực tiếp, đã đi thẳng vào suy nghĩ, trái tim của người đọc, cảnh báo ta hãy cẩn thận, tránh xa trước những cám dỗ, mê hoặc của người đời.
Và Tác giả lại dẫn ta đến cảnh ngộ trái ngang, đắng chát của đời người:

“Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông“

Đọc đến đoạn này tim ta thắt lại, nước mắt lưng tròng… vì tác giả đã vẽ ra trước mắt ta những cảnh đời bất hạnh của nhân loài, mà ta bắt gặp bất cứ ở đâu, ở trên bất cứ một đất nước nào và đó chính là điều mà Tác giả muốn nhắn nhủ, muốn lưu tâm chúng ta, những người cha, người mẹ, những nhà cầm quyền, hãy lưu tâm đến cuộc sống của nhân dân, đến những con người khốn khổ, hãy bớt chút miếng cơm, manh áo và sự sa hoa của mình để cứu giúp những cảnh đời khốn cùng “không nhà ở“, không cha, không mẹ, chưa hề biết đến niềm vui là gì…
Và câu thơ:

“Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió“

Như nhắc nhở, nhấn mạnh nhân loài đừng vô tâm, thờ ơ trước những cảnh ngộ đáng thương của cuộc đời!
Và cuối cùng là hai câu thơ:

“Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi!“

Hai câu kết đưa ta trở về thực tại, cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng rất đáng qúy, đáng yêu. Chúng ta hãy mở rộng trái tim yêu thương đến với những người thân của ta, đến bạn bè, đến những thân phận khốn khổ. Hãy làm một việc gì đó hữu ích cho đời, hãy học hỏi không ngừng, hãy trau dồi trí tuệ không ngừng để nắm bắt được tinh hoa của qúa khứ và hiện tại của nhân loài “trong chớp mắt“, để khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể mỉm cười hài lòng với chính mình!

Vâng, đó chính là một bài “ đồng dao cho người lớn“ mà bất cứ ai cũng thấy tác giả đang tâm sự với mình khi đọc bài thơ, cũng sẽ thuộc ngay khi đọc, như một bài đồng dao. Tôi tin rằng, bài thơ sẽ tồn tại với thời gian và Tác giả Nguyễn Trọng Tạo xứng đáng với giải thưởng Nhà nước cho tập thơ: “ Đồng dao cho người lớn“ và “Con đường của những vì sao“ (Trường ca Đồng Lộc“ vừa được Nhà nước và Nhân dân truy tặng. Tôi viết bài này như một lời tri âm và là “qùa“ tinh thần mà tôi muốn gửi tới Nhà thơ – Nhạc sĩ – Họa sĩ – Nhà báo Nguyễn Trọng Tạo nhân dịp anh được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật qua những Tác phẩm của anh.

☛ Lời Bình Về Bài Đồng Dao Cho Người Lớn Hay

Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của người nhàn. Ông như vừa thong thả lao động, thong thả tản bộ, và thong thả nêu ra điều suy nghĩ tinh vi và sâu sắc về cuộc đời. Nhờ ở cái cách, cái khí cốt ấy, thơ ông có chỗ đạt tới sự minh triết. Xét vậy, cách nhàn  cũng là cả một sự học, sự tu dưỡng mới có. Thưởng thơ ông gây cho ta cảm khoái về cảnh phiêu dật, tiêu sái của trời xưa, người xưa. Xưa mà vẫn mới lạ. Ấy là sự thành của ông ở cõi này.
Đồng dao cho người lớn phản ánh tiêu biểu cho cái cảnh – tình ấy.
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
Thể đồng dao thường được hồn dân gian nuôi ở nhịp bốn chữ. Đồng dao của Nguyễn Trọng Tao viết ở thể tám chữ. Nhưng soi chẻ rạch ròi thấy thực chất vẫn tiếp nối thể bốn chữ dân gian. Là một nhạc sĩ, nên ông đã khéo đưa cái tài nhạc sang thơ, chuyển nhịp 4/4 (nhịp phức) sang nhịp 2/8 (nhịp đơn). Sự công phu gây hiệu qủa là, ở dạng nhịp đơn (8chữ) nhịp điệu thơ chuyển nhanh hơn, sáng hơn; bởi vậy, ông dấu được kín hơn cái ẩn ý của sự so sánh, tính đối chứng. Ông đã lấy cái sáng, cái trong trẻo của nhạc điệu để ém giấu cái u uẩn, cái nhòe mờ của tư tưởng tình cảm. Nào là cái chết (cánh rừng chết) nhưng lại vẫn xanh; nào là sự sống (con người sống) nhưng lại như đã qua đời…Sự hữu hạn lồng trong sự vô hạn, và ngược lại…
Hữu hạn hay vô hạn không nằm ở hình thể vật chất mà nằm sâu trong tâm thể, tâm lý của tình. Hai câu thơ mở bài là một nốt đồng dao suy nghiệm do tình, là khúc dạo nhanh bắt vào bài thơ. Nốt nhấn tư tưởng thực sự lộ ra ở câu thơ thứ 3: Có câu trả lời biến thành câu hỏi… Thơ khơi lộ một mạch sống, cái mạch sống này do thiếu tính cơ bản, tính chân lý, hay là sự khơi lộ lên một cuộc vận động không ngừng của bản chất chung mang tính quy luật của đời sống? Một dấu hiệu bất khả tri của Kant. Nhưng có lẽ ý tưởng thơ của câu thơ này nghiêng về sự bất lực của tư tưởng – cấu trúc đời sống xã hội hơn là sự bất khả tri của tri thức(!). Chính bởi vậy, tính trớ trêu, chênh vênh của cảnh của tình mới liên tiếp thể hiện:
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới…
có cả đất trời mà không nhà ở…
Bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ 2 câu. Bốn khổ trên là một bức ký hoành tráng, vẽ ra lẽ mất – còn  ở đời, và tình thơ nghiêng về gam màu tối. Phải tới hai khổ cuối bài, tình thơ mới sáng lên, bay trên đôi cánh phấn thích của niềm hy vọng. Lạc quan – hy vọng, một cội sinh tất yếu phải có cho sự tồn tại, cho tình yêu.
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
và:
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi…
Thơ vẽ lên một ảnh cười Di Đà. Nghìn năm vốn cũng chỉ trong chớp mắt. Thì những cái sự, cái tình kia là gì? Có chăng, chỉ là cái nếp nhăn mờ trong nét cười xám của cỏ, của chốn tịnh không trong hồn thi nhân mà thôi.Thơ như thế, chẳng tiêu dật, tiêu sái lắm ư?
Thơ như thế, quyết không thể sinh ở cõi nhọc, mà chỉ có thể sinh ở cõi nhàn.
Chợt nhớ cái cội sắc thơ Nguyễn Trãi “Mai rung hoa đeo bóng” rơi đã từ 600 năm rồi, nay còn “đeo bóng” nhuận sắc điểm màu cho cành thi ca Nguyễn Trọng Tạo? Cái dư ảnh của mệnh văn mãi còn chớp sáng, gây tình kỳ ngộ, se duyên bút mực đến vậy sao!

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Bài Thơ Trời Xanh Của Mỗi Người ❤️️Nội Dung, Ý Nghĩa, Phân Tích

Viết một bình luận