Nội Dung Tập Đọc Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca Lớp 4, Soạn Bài, Kể Lại. Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Bố Cục, Hướng Dẫn Tập Đọc, Soạn Bài, Giáo Án.
NỘI DUNG CHÍNH
Giới Thiệu Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Bài tập đọc Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca của tác giả Xu-Khôm-Lin-Xki được in trong SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 56.
“Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca” là một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình và sự hối hận của một cậu bé. Câu chuyện kể về An-đrây-ca, một cậu bé 9 tuổi sống cùng mẹ và ông. Ông của An-đrây-ca đã 96 tuổi và rất yếu.
Nội Dung Chính
- Một buổi chiều, ông của An-đrây-ca cảm thấy khó thở và mẹ cậu đã bảo cậu đi mua thuốc. An-đrây-ca nhanh nhẹn đi ngay, nhưng trên đường lại gặp bạn bè đang chơi đá bóng và bị cuốn vào trò chơi. Khi nhớ ra nhiệm vụ của mình, cậu vội vàng chạy đi mua thuốc và mang về nhà. Tuy nhiên, khi về đến nơi, cậu thấy mẹ đang khóc nấc lên vì ông đã qua đời.
Tâm Trạng và Sự Dằn Vặt
- An-đrây-ca cảm thấy vô cùng hối hận và tự trách mình vì đã mải chơi mà về chậm, nghĩ rằng nếu cậu về kịp thì ông có thể sống thêm được một ít năm nữa. Mặc dù mẹ cậu an ủi rằng không có loại thuốc nào có thể cứu được ông, nhưng An-đrây-ca vẫn không ngừng dằn vặt bản thân.
Ý Nghĩa
- Câu chuyện nhấn mạnh tình cảm yêu thương và ý thức trách nhiệm đối với người thân. Nó cũng cho thấy sự trung thực và nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân. Qua đó, câu chuyện gửi gắm thông điệp về sự quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm và không để những thú vui nhất thời làm ảnh hưởng đến những điều quan trọng hơn trong cuộc sống
Nội Dung Chính Bài Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Bài tập đọc Nỗi dằn vặt của An – đrây – ca là một trong những bài tập đọc bổ ích dành cho học sinh lớp 4. Để hiểu rõ hơn về nội dung thì mời bạn theo dõi mẫu chuyện dưới đây.
Nỗi dằn vặt của An – đrây – ca
An-đrây-ca lên 9, sống với mẹ và ông. Ông em 96 tuổi rồi nên rất yếu.
Một buổi chiều, ông nói với mẹ An-đrây-ca: “Bố khó thở lắm! …” Mẹ liền bảo An-đrây-ca đi mua thuốc. Cậu bé nhanh nhẹn đi ngay, nhưng dọc đường lại gặp mấy đứa bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc. Chơi một lúc mới nhớ lời mẹ dặn, em vội chạy một mạch đến cửa hàng mua thuốc rồi mang về nhà.
Bước vào phòng ông nằm, em hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. “Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết.” – An-đrây-ca òa khóc và kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ an ủi em: – Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà.
Nhưng An-đrây-ca không nghĩ như vậy. Cả đêm đó, em ngồi nức nở dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi sau này, khi đã lớn, em vẫn luôn tự dằn vặt: “Giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa!”
(Theo Xu-Khôm-Lin-Xki, Trần Mạnh Hưởng dịch)
Chia sẻ thêm ❤️️ Tre Việt Nam ❤️️ Nội Dung, Soạn Bài, Kể Lại Chuyện
Bố Cục Bài Đọc Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Bố cục bài đọc Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca có thể chia thành 2 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến “mang về nhà”: Cậu bé trên đường đi mua thuốc cho ông thì bị bạn bè rủ chơi đá bóng
- Đoạn 2: Phần còn lại: Sự ân hận của cậu bé
Chia sẻ thêm bài thơ 🔰Cháu Nghe Câu Chuyện Của Bà Lớp 4 🔰Nội Dung, Ý Nghĩa
Hướng Dẫn Tập Đọc Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Hướng dẫn tập đọc bài Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca cho các em học sinh tham khảo.
- Đọc lưu loát toàn bài. Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng trầm, buồn, xúc động thể hiện sự ân hận, dằn vặt của An-đrây-ca trước cái chết của ông.
- Cần phân biệt được lời của các nhân vật trong khi đọc
Chú thích:
- Dằn vặt: làm cho đau đớn, buồn khổ một cách dai dẳng. Nghĩa trong bài: tự trách mình.
Ý Nghĩa Của Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Ý nghĩa của câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca: Câu chuyện dạy cho chúng ta bài học về tình cảm yêu thương và ý thức trách nhiệm với người thân, lòng trung thực, sự nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân mình.
Tìm hiểu thêm bài đọc ❤️️Thư Thăm Bạn Lớp 4 ❤️️ Nội Dung, Ý Nghĩa
Đọc Hiểu Tác Phẩm Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca
Chia sẻ thêm nội dung đọc hiểu tác phẩm Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca:
👉Câu 1: Có những nhân vật nào được nhắc trong câu chuyện?
A. An-đrây-ca
B. Anh trai An-đrây-ca
C. Mẹ An-đrây-ca
D. Phi-líp
E. Ông An-đrây-ca
Đáp án: A, C, E
👉Câu 2: Dằn vặt có nghĩa là gì?
A. Sự quyết tâm không có gì có thể ngăn trở được
B. Làm cho đau đớn,buồn khổ một cách dai dẳng. Nghĩa trong bài: tự trách mình
C. Nỗi nhớ nhung kéo dài triền miên không cách nào dừng lại.
D. Xúc động không thể nào kiềm chế được trước một lời nói hoặc hành động nào đó.
Đáp án đúng: B
👉Câu 3: Khi câu chuyện xảy ra, An-đrây-ca mấy tuổi, hoàn cảnh gia đình em lúc đó thế nào?
A. An-đrây-ca lúc đó 7 tuổi, sống với mẹ và ông. Ông em lúc đó đã già nhưng vẫn còn rất khỏe
B. An-đrây-ca lúc đó 8 tuổi, sống với mẹ và ông. Ông em lúc đó đã già yếu và ốm rất nặng
C. An-đrây-ca lúc đó 9 tuổi, sống với mẹ và ông. Ông em lúc đó đã già yếu và ốm rất nặng
D. An-đrây-ca lúc đó 10 tuổi, sống với ông và bố. Ông em lúc đó đã già yếu và ốm rất nặng.
Đáp án đúng: C
👉Câu 4: Khi mẹ bảo An-đrây-ca đi mua thuốc cho ông, thái độ của cậu bé như thế nào?
A. Vùng vằng không muốn đi vì trên ti vi đang chiếu chương trình hoạt hình em yêu thích
B. Vùng vằng không muốn đi vì sắp đến giờ em đi đá bóng với mấy đứa bạn
C. Dù không muốn nhưng cũng nhận lời mẹ đi mua thuốc cho ông
D. Nhanh nhẹn đi ngay
Đáp án đúng: D
👉Câu 5: An-đrây-ca đã làm gì trên đường đi mua thuốc cho ông?
A. An-đrây-ca được các bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc. Mải chơi nên quên lời mẹ dặn, lúc nhớ ra em mới vội vàng chạy một mạch tới hiệu thuốc mua thuốc mang về
B. An-đrây-ca bị lạc đường nên mua thuốc về rất muộn
C. An-đrây-ca mải mê đuổi theo một chú bướm nhỏ quên mất cả lời mẹ dặn, lúc nhớ ra mới vội vàng chạy một mạch đến hiệu thuốc mua thuốc mang về
D. An-đrây-ca ghé vào một cửa hàng truyện tranh, mải mê đọc truyện quên mất cả thời gian. Lúc nhớ ra mới vội vã chạy thật nhanh tới hiệu thuốc mua thuốc mang về
Đáp án đúng: A
👉Câu 6: Chuyện gì xảy ra khi An-đrây-ca mang thuốc về nhà?
A. Ông em đang phải thở ô-xi, trong nhà có một bác sĩ tới bên chăm sóc
B. Bố em đã về nhà, ngôi bên giường ông và quay ra nhìn em bằng đôi mắt vô cùng căm giận
C. Mẹ em đang khóc nấc lên, ông em đã qua đời
D. Bố mẹ em đang khóc nấc lên, ông em đã qua đời
Đáp án đúng: C
👉Câu 7: An-đrây-ca tự dặn vặt mình như thế nào?
A. An-đrây-ca òa khóc khi biết ông đã qua đời. Bạn cho rằng chỉ vì mình mải mê chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết
B. An-đrây-ca kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe, có lẽ em muốn nhận lỗi với mẹ, cũng muốn lòng mình thanh thản hơn
C. Mẹ an ủi, bảo An-đrây-ca không có lỗi nhưng bạn không nghĩ vậy. Cả đêm bạn nức nở dưới gốc cây táo do ông vun trồng. Mãi cho tới khi lớn lên vẫn luôn tự dằn vặt mình.
D. An-đrây-ca tự nhốt mình trong phòng, khóc nức nở vì nghĩ rằng vì mình mà ông chết.
Đáp án: A, B, C
👉Câu 8: Con hãy điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh đoạn văn sau: dằn vặt, hốt hoảng, nức nở, òa khóc, kể hết
Bước vào phòng ông nằm, em__________thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời.” Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết.” – An- đrây- ca__________và __________mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ an ủi em : – Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con ra khỏi nhà. Nhưng An- đrây-ca không nghĩ vậy. Cả đêm đó, em ngồi ______ dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi sau này khi đã lớn, em vẫn luôn tự______ : ” Giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa!”
Đáp án: Các từ cần điền vào chỗ trống theo thứ tự: hốt hoảng, òa khóc, kể hết, nức nở, dằn vặt.
👉Câu 9: Câu chuyện cho thấy An-đrây-ca là cậu bé như thế nào?
A. An-đrây-ca rất yêu thương ông, chính bởi vì vậy mà em vẫn mãi luôn dằn vặt bản thân mình về cái chết của ông
B. An-đrây-ca là cậu bé mải chơi, ham chơi và vô trách nhiệm trước sự sống chết của người khác.
C. An-đrây-ca rất có ý thức trách nhiệm, trung thực và nghiêm khắc với lỗi lầm của chính bản thân mình.
D. An-đrây-ca là cậu bé hèn nhát, yếu đuối bao nhiêu năm qua vẫn không quên được cái chết của ông
Đáp án: A, C
👉Câu 10: Ý nghĩa của câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca?
A. Phê phán hành động mải chơi, ham chơi của cậu bé dẫn tới những hậu quả đáng tiếc
B. Khuyên các bạn nhỏ không nên chơi đá bóng dưới lòng đường vì vô cùng nguy hiểm cho mình và những người xung quanh
C. Thể hiện tình yêu thương và ý thức trách nhiệm với người thân, lòng trung thực, sự nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân
D. Khuyên các bạn nhỏ đừng nên quá đau buồn dằn vặt bản thân mình về những chuyện đã qua
Đáp án đúng: C
Soạn Bài Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca Lớp 4
Thohay.vn gợi ý cách soạn bài Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca lớp 4 chi tiết:
👉Câu 1 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4): An – đrây – ca đã làm gì trên đường đi mua thuốc cho ông?
Đáp án: Trên đường đi mua thuốc cho ông, An – đrây – ca gặp bạn đang chơi bóng rủ cậu chơi và cậu nhập cuộc. Mê chơi An-đrây-ca quên mất lời mẹ dặn. Mãi sau em mới nhớ ra chạy nhanh đến cửa hàng mua thuốc mang về.
👉Câu 2 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4): Chuyện gì đã xảy ra khi An – đrây – ca mang thuốc về nhà?
Đáp án: Khi An-đrây-ca mang thuốc về nhà thì em này đã hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên, ông đã qua đời.
👉Câu 3 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4): An – đrây – ca tự dằn vặt mình như thế nào?
Đáp án: Cái chết của ông ngoại đã làm cho An – đrây- ca lúc nà cũng tự dằn vặt mình. Mặc dù được mẹ giải thích, an ủi rằng cái chết của ông ngoại do tuổi già sức yếu không liên quan gì đến hành động ham vui của cậu. Tuy thế, cậu vẫn tự cho mình là có lỗi trong chuyện này. Rồi mãi sau này khi lớn lên cậu vẫn nghĩ thế.
👉Câu 4 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4): Câu chuyện cho thấy An-đrây-ca là một cậu bé như thế nào?
Đáp án: Câu chuyện cho thấy An-đrây-ca là một cậu bé rất hiếu thảo, thương ông, trung thực và không bao giờ tha thứ cho hành động lỗi lầm của mình. Nói tóm lại, đó là những phẩm chất rất đáng quý.
Mời bạn đọc thêm 🌻 Người Mẹ Của 51 Đứa Con 🌻Tìm hiểu chi tiết
Giáo Án Nỗi Dằn Vặt Của An-Đrây-Ca Lớp 4
Các thầy cô giáo cần tài liệu tham khảo khi soạn giáo án bài Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca lớp 4 thì không nên bỏ lỡ gợi ý dưới đây.
I. Mục tiêu:
1. Đọc thành tiếng:
- Đọc đúng các tiếng, từ khó hoặc dễ lẫn do ảnh hưởng các phương ngữ: An-đrây-ca, hoảng hốt, mải chơi, an ủi, cứu nổi, nức nở, mãi sau,…
- Đọc trôi chảy được toàn bài, ngắt, nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm.
- Đọc diễn cảm toàn bài, thể hiện giọng đọc phù hợp với nội dung.
2. Đọc – hiểu:
- Hiểu các từ ngữ khó trong bài: dằn vặt.
- Hiểu nội dung câu truyện: Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca thể hiện phẩm chất đáng quý, tình cảm yêu thương và ý thức trách nhiệm với người thân, lòng trung thực, sự nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân.
II. Đồ dùng dạy học:
- Tranh minh họa bài tập đọc trang 55 SGK phóng to.
- Bảng phụ viết sẵn câu, đoạn văn cần luyện đọc.
III. Hoạt động trên lớp:
Hoạt động của thầy | Hoạt động của trò |
1. KTBC: – Gọi 3 HS lên bảng đọc thuộc lòng bài thơ Gà trống và Cáo và trả lời các câu hỏi. – Hỏi: + Theo em, Gà trống thông minh ở điểm nào? + Cáo là con vật có tính cách như thế nào? + Câu truyện khuyên chúng ta điều gì? – Nhận xét và cho điểm HS. 2. Bài mới: a. Giới thiệu bài: – Treo bức tranh minh hoạ và hỏi: Bức tranh vẽ cảnh gì? – Tại sao cậu bé An-đrây-ca này lại ngồi khóc? Cậu ân hận về điều gì chăng? Ở cậu có những phẩm chất gì đáng quý? Bài học hôm nay sẽ giúp các em hiểu điều đó. b. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài: * Luyện đọc: -Yêu cầu HS mở SGK trang 55, gọi 2 HS đọc tiếp nối từng đoạn (3 lượt HS đọc) GV sửa lỗi phát âm, nhắt giọng cho từng HS (nếu có) – 2 HS đọc toàn bài. – GV đọc mẫu, chú ý giọng đọc. * Toàn bài đọc với giọng trầm buồn, xúc động. Lời ông đọc với giọng mệt nhọc, yết ớt. Lời mẹ đọc với giọng thông cảm, an ủi, diệu dàng. Ý nghĩ của An-đrây-ca đọc với giọng buồn day dứt. * Nhấn giọng ở những từ ngữ: nhanh nhẹn, hoảng hốt, khóc nấc, oà khóc, nức nở, an ủi, tự dằn vặt,… * Tìm hiểu bài: – Gọi HS đọc đoạn 1 – Yêu cầu HS đọc thầm và trả lời câu hỏi: + Khi câu chuyện xảy ra An-đrây-ca mấy tuổi, hoàn cảnh gia đình của em lúc đó như thế nào? + Khi mẹ bảo An-đrây-ca đi maua thuốc cho ông, thái độ của cậu như thế nào? + An-đrây-ca đã làm gì trên đường đi mua thuốc cho ông? – Đoạn 1 kể với em chuyện gì? – Cậu bé An-đrây-ca mải chơi nên mua thuốc về nhà muộn. Chuyện gì sẽ xảy ra với cậu và gia đình, các em đoán thử xem. – Gọi HS đọc đoạn 2. – Yêu cầu HS đọc thần và trả lời câu hỏi: + Chuyện gì xảy ra khi An-đrây-ca mua thuốc về nhà? + Thái độ của An-đrây-ca lúc đó như thế nào? +An-đrây-ca tự dằn vặt mình như thế nào? + Câu chuyện cho em thấy An-đrây-ca là một cậu bé như thế nào? – Nội dung chính của đoạn 2 là gì? – Tóm ý chính đoạn 2. – Gọi 1 HS đọc toàn bài: cả lớp đọc thầm và nêu ý nghĩa của bài. – Ghi ý nghĩa của bài. * Đọc diễn cảm: – Gọi 2 HS đọc thành tiếng từng đoạn. Cả lớp theo dõi để tìm ra cách đọc hay. – Đưa đoạn văn cần luyện đọc diễn cảm. Bước vào phòng ông nằm, em hoảng hốt thấy mẹ khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. “Chỉ vì mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết”. An-đrây-ca oà khóc và kể hết mọi chuyệncho mẹ nghe. Mẹ an ủi em: – Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà. –Tổ chức cho HS thi đọc diễn cảm đoạn văn. -Hướng dẫn HS đọc phân vai. – Thi đọc toàn truyện. – Nhận xét, cho điểm học sinh. 3. Củng cố-dặn dò: – Hỏi: + Nếu đặt tên khác cho truyện, em sẽ đặt tên cho câu truyện là gì? – Nếu gặp An-đrây-ca em sẽ nói gì với bạn? – Nhận xét tiết học. – Dặn HS về nhà học bài. | – 3 HS lên bảng thực hiện yêu cầu. – Bức tranh vẽ cảnh một cậu bé đang ngồi khóc bên gốc cây. Trong đầu cậu đang nghĩ về trận đá bóng mà cậu đã tham gia. – Lắng nghe. – HS đọc tiếp nối theo trình tự. + Đoạn 1: An-đrây-ca …đến mang về nhà. + Đoạn 2: Bước vào phòng … đến ít năm nữa. – 2 HS đọc – 1 HS đọc thành tiếng. – Đọc thần và trả lời. + An-đrây-ca lúc đó 9 tuổi. Em sống với mẹ và ông đang bị ốm rất nặng. + An-đrây-ca nhanh nhẹ đi ngay. + An-đrây-ca gặp mấy cậu bạn đang đá bóng và rủ nhập cuộc. Mải chơi nên cậu quên lời mẹ dặn. Mãi sau mới nhớ ra, cậu vội chạy một mạch đến cửa hàng mua thuốc mang về nhà. – An-đrây-ca mải chơi quên lời mẹ dặn. – Lắng nghe. – 1 HS đọc thành tiếng. + An-đrây-ca hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên. Ông cậu đã qua đời. + Cậu ân hận vì mình mải chơi, mang thuốc về chậm mà ông mất. Cậu òa khóc, dằn vặt kể cho mẹ nghe. + An-đrây-ca oà khóc khi biết ông qua đời, cậu cho rằng đó là lỗi của mình. + An-đrây-ca kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe. + Dù mẹ đã an ủi nói rằng cậu không có lỗi nhưng An-đrây-ca cả đêm ngồi khóc dưới gốc táo ông trồng. Mãi khi lớn, cậu vẫn tự dằn vặt mình . + An-đrây-ca rất yêu thương ông, cậu không thể tha thứ cho mình về chuyện mải chơi mà mua thuốc về muộn để ông mất. + An-đrây-ca rất có ý thức, trách nhiệm về việc làm của mình. + An-đrây-ca rất trung thực, cậu đã nhận lỗi với mẹ và rất nghiêm khắc với bản thân về lỗi lầm của mình. -Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca. – 1 HS đọc thành tiếng. Cậu bé An-đrây-ca là người yêu thương ông, có ý thức, trách nhiệm với người thân. Cậu rất trung thực và nghiêm khắc với bản thân về lỗi lầm của mình. – 2 HS nhắc lại. – 1 HS đọc. Cả lớp theo dõi, tìm ra cách đọc hay (như đã hướng dẫn). – 1 HS đọc thành tiếng. Cả lớp theo dõi, tìm ra cách đọc hay. – 3 HS thi đọc. – 4 HS đọc toàn chuyện (người dẫn chuyện, mẹ, ông, An-đrây-ca) – 3 HS thi đọc. + Chú bé An-đrây-ca. + Tự trách mình. + Chú bé trung thực. + Bạn đừng ân hận nữa, ông bạn chắc cũng hiểu bạn mà. + Hãy cố gắng để làm ông vui khi nghĩ đến mình, An-đrây-ca ạ. + Mọi người hiểu cậu mà, đừng tự dằn vặt mình như thế |
Tham khảo tác phẩm: Gà Trống Và Cáo Lớp 4
5 Mẫu Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca Hay Nhất
Sưu tầm 5 mẫu kể lại câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-Đrây-ca hay nhất dưới đây:
Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca Hay
Mình tên là An-đrây-ca, năm nay mình 9 tuổi. Mình sống cùng mẹ. Mình kể một câu chuyện liên quan tới ông của mình, câu chuyện làm mình ân hận mãi. Mình cần phải nói trước là ông của mình đã mất rồi và cái chết của ông chính là nỗi ân hận của mình.
Hồi đó ông mình rất yếu, ông đã 96 tuổi rồi mà! Có một hôm, ông nói với mẹ mình rằng ông cảm thấy khó thở. Mẹ mình lo lắng, nhưng vì phải ở nhà chăm sóc ông nên mẹ bảo mình đi mua thuốc. Mình đi ngay sau lời mẹ nói, nhưng trên đường đi mình gặp mấy đứa bạn đang chơi đá banh. Các bạn ấy rủ mình nhập cuộc thế là mình quên hết mọi sự. Chơi được một lúc mình mới sực nhớ ra lời mẹ dặn. Mình cố gắng chạy thật nhanh đến cửa hàng mua thuốc rồi mang về nhà.
Về đến nhà, mình hoảng hốt vô cùng vì thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông mình đã qua đời. Mình cảm thấy hối hận vô cùng vì đã mang thuốc về trễ. Mình bèn kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ mình an ủi rằng đó không phải là lỗi của mình bởi ông mình đã mất từ lúc mình vừa ra khỏi nhà.
Nhưng có lẽ mẹ chỉ an ủi mình nên mới nói thế thôi, vì mẹ sợ mình buồn mà. Cả đêm đó mình không tài nào ngủ được vì ân hận.
Đó chính là câu chuyện của mình. Đến bây giờ mình vẫn còn hối hận vì điều đó. Mình nghĩ nếu mình mang thuốc về kịp thời chắc ông vẫn còn sống thêm được ít năm nữa. Mình mong các bạn đừng bao giờ ham chơi như mình nhé.
Tặng bạn chùm: Bài Thơ Lớp 4 Về Mẹ, Quê Hương, Thầy Cô, Tình Bạn
Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca Ngắn Gọn
Các bạn thân mến của tôi. Tôi là An-đrây-ca. Tôi xin kể với các bạn một câu chuyện của tôi mà cho mãi đến bây giờ nó vẫn cứ dằn vặt tôi, vì tôi là một kẻ có lỗi trong chuyện này.
Hồi ấy, tôi mới lên chín, sống với mẹ và ông. Ông tôi đã 96 tuổi nên rất yếu. Vào một buổi chiều nọ, ông tôi nói với mẹ tôi rằng: “Con ơi! Bố thấy khó thở lắm!”. Nghe ông tôi nói vậy, mẹ tôi liền bảo tôi đi mua thuốc cho ông uống. Tôi nhanh nhẹn đi ngay. Dọc đường tôi gặp mấy đứa bạn thân, chúng rủ tôi cùng đá bóng. Tôi nhập cuộc và say sưa chơi bóng cùng chúng bạn đến khi sực nhớ lời mẹ dặn tôi vội vàng chạy đi mua thuốc.
Các bạn biết không? Khi tôi vừa mới bước vào phòng ông nằm. Tôi thấy mẹ tôi đang gục xuống người ông khóc nức nở. Ông tôi đã qua đời. Tôi hốt hoảng, hai chân khuỵu xuống. Tôi nghĩ “Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết”. Tôi òa khóc và kể hết mọi việc cho mẹ nghe. Mẹ tôi xoa đầu tôi, an ủi.
– An-đrây-ca, con không có lỗi trong chuyện này! Chẳng có thuốc nào cứu được ông cả. Ông con mất khi con vừa mới bước ra khỏi nhà.
Có thể ông tôi mất là do tuổi già sức yếu nhưng dù sao đôi với tôi, hành động mải chơi của mình và cái chết của ông tôi, mãi làm tôi dằn vặt, ray rứt suốt đời, các bạn ạ!
Xem thêm: Bài Thơ Cánh Diều Tuổi Thơ Lớp 4
Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca Chọn Lọc
Các bạn có bao giờ có một nỗi niềm suy tư buồn bã không? Tôi thì có đấy. Đó là câu chuyện buồn nhất cuộc đời tôi từ thời thơ ấu, chuyện ấy dằn vặt tôi đến mãi bây giờ.
Năm ấy tôi lên chín tuổi, sống với mẹ và ông. Ông tôi đã chín mươi sáu tuổi rồi nên rất yếu. Một buổi chiều, ông gọi mẹ tôi:
– Bố khó thở lắm!
Mẹ liền bảo tôi đi mua thuốc. Tôi nhanh nhảu đi ngay. Trên đường chạy đến tiệm thuốc, tôi gặp các bạn đang chơi bóng đá. Khi các bạn rủ tôi chơi bóng, tôi quên mất việc đi mua thuốc của mình. Thế là tôi nhập hội với các bạn. Chơi được một lúc, tôi chợt nhớ lại lời mẹ dặn. Tôi vội chạy đi mua thuốc rồi vội vã chạy về nhà. Vừa vào phòng ông, tôi hoảng hốt thấy mẹ khóc nấc. Ông tôi đã qua đời. “Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm trễ mà ông mất”, tôi òa khóc và kể cho mẹ nghe việc tôi chơi bóng. Mẹ an ủi tôi:
– Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông con đâu. Ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi hối hận quá. Giá như tôi đừng mải chơi bóng, mua thuốc về kịp thì ông tôi vẫn còn sống thêm được ít năm nữa. Đêm đó, tôi ngồi dưới gốc cây táo do ông trồng khóc nức nở khôn nguôi.
Nỗi buồn của tôi là một kinh nghiệm đau xót. Sau một thời gian dài, việc gì cũng nguôi ngoai nhưng mỗi khi chợt nhớ, tôi vẫn nghe đau nhói trong tim. Các bạn chớ ham chơi như tôi mà để xảy ra điều đáng tiếc nhé!
Xem thêm: Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính Lớp 4
Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca
Có những lỗi lầm có thể sửa chữa, nhưng tôi đã mắc phải một lỗi lầm không bao giờ sửa được. Tôi đã mất đi người thân yêu nhất của mình. Sau đây, tôi xin kể lại câu chuyện đó để các bạn nghe và cùng rút kinh nghiệm:
Năm đó, tôi lên 9 tuổi, sống với mẹ và ông. Bố tôi đi công tác xa nên ít khi về thăm nhà được. Ông tôi 96 tuổi rồi nên ông hay ốm vặt lắm. Một buổi chiều, tôi nghe thấy ông nói với mẹ tôi:
– Bố khó thở quá!
Mẹ liền gọi tôi vào, dúi vào tay tôi tờ giấy ghi tên thuốc, nói:
– Con chạy đi mua loại thuốc này cho mẹ. Nhanh lên con nhé!
Tôi liền nhanh nhẹn đi ngay. Đường từ nhà tôi đến hiệu thuốc không xa nhưng lại qua một sân bóng rộng. Thấy tôi, bọn bạn gọi:
– An- đrây- ca ơi, vào đây chơi với chúng tớ đi!
Biết mình là một tiền đạo giỏi và nghĩ đây là cơ hội tốt nhất để thể hiện tài năng, tôi nhận lời ngay. Chơi rất vui nên tôi quên mất lời mẹ dặn. Mãi đến khi sút bóng vào lưới, nghe bọn bạn reo hò, tôi mới sực nhớ đến ông, liền ba chân bốn cẳng chạy đi mua thuốc.
Bước vào phòng ông nằm, tôi hoảng hốt khi nhìn thấy mẹ đang khóc nấc lên. Khi đó, tôi đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi sà vào lòng mẹ, khóc:
– Mẹ ơi, chỉ vì con thích chơi bóng nên đã quên lời mẹ dặn, mua thuốc về chậm mà ông mất.
Nhưng mẹ lại an ủi tôi:
– Không, con không có lỗi gì cả. Ông già và yếu lắm rồi nên không thuốc nào cứu được ông đâu. Ông đã qua đời từ khi con vừa ra khỏi nhà.
Thế nhưng tôi không nghĩ như vậy. Cả đêm đó, tôi ngồi dưới gốc cây táo trước nhà. Cây táo này được ông chăm sóc rất cẩn thận. Tôi thấy đêm đó thật tối và buồn quá. Thì ra, giờ đây, tôi đã mất đi người ông thân yêu, nghĩ vậy, tôi oà khóc.
Sau này, mãi đến khi trưởng thành, tôi vẫn luôn tự dằn vặt mình:
– Giá mình đừng mải chơi, mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa. Mình còn được nghe ông kể chuyện nhiều nữa.
Câu chuyện của tôi là thế đấy. Mong các bạn đừng ai mắc phải lỗi lầm lớn như tôi để phải ân hận suốt đời.
Xem thêm: Bài Thơ Truyện Cổ Nước Mình Lớp 4
Mẫu Kể Lại Câu Chuyện Nỗi Dằn Vặt Của An Đrây Ca Ngắn
Tôi tên là An-đrây-ca. Lúc lên 9 tuổi, tôi sống với mẹ và ông ngoại, ông ngoại tôi đã 96 tuổi nên rất yếu.
Một buổi chiều, ông nói với mẹ tôi: “Bố khó thở lắm !…”. Mẹ liền bảo tôi đi mua thuốc. Tôi nhanh nhẹn đi ngay, nhưng dọc đường lại gặp mấy đứa bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc. Chơi được một lúc, sực nhớ lời mẹ dặn, tôi vội chạy một mạch đến cửa hàng mua thuốc rồi mang về nhà.
Bước vào phòng ông nằm, tôi hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. Tôi ân hận tự trách: “Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết”. Tôi oà khóc và kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ an ủi:
– Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu, ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà.
Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Cả đêm đó, tôi ngồi nức nở dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi sau này, khi đã lớn, tôi vẫn luôn dằn vặt: “Giá mình mua thuốc về ngay thì ông ngoại còn sống thêm được vài năm nữa!”.
Đọc hiểu tác phẩm🌷 Về Ngôi Nhà Đang Xây 🌷Nội dung,soạn bài