Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 (18+ Mẫu)

Thohay.vn hướng dẫn cách viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lớp 7, đồng thời chia sẻ 18+ mẫu văn hay nhất.

NỘI DUNG CHÍNH

Các Bước Diễn Tả Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7

Tham khảo ngay các bước diễn tả cảm xúc về một bài thơ được chia sẻ cụ thể dưới đây:

  • Bước 1: Đầu tiên là đọc bài thơ một cách kỹ lưỡng và hiểu rõ nội dung, ý đồ của tác giả. Cố gắng chạm vào những ý nghĩa sâu sắc của từng từ, từng câu trong bài thơ.
  • Bước 2: Phân tích các yếu tố cấu thành bài thơ như cấu trúc, ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc và ý nghĩa. Xem xét cách tác giả sử dụng các kỹ thuật này để gợi lên cảm xúc của bạn.
  • Bước 3: Hiểu rõ bối cảnh lịch sử, văn hóa, và tác giả đang muốn truyền đạt điều gì thông qua bài thơ. Bối cảnh có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về ý định và ý nghĩa của tác phẩm.
  • Bước 4: Sử dụng ngôn từ và cấu trúc câu để diễn đạt cảm xúc của bạn về bài thơ. Hãy mô tả chi tiết những cảm nhận, suy tưởng, và cảm xúc mà bài thơ gợi lên trong bạn.
  • Bước 5: Cuối cùng, tóm tắt những điểm quan trọng và đánh giá ý nghĩa của bài thơ đối với bạn và với người đọc khác. Đánh giá cách mà bài thơ đã ảnh hưởng đến bạn và làm thế nào nó có thể ảnh hưởng đến những người khác.

Xem thêm cách 👉 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Một Bài Thơ Tự Do

Cách Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7

Dưới đây là các bước để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ dành cho các em học sinh lớp 7:

  • Bước 1: Nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ
  • Bước 2: Làm rõ nghệ thuật và miêu tả của tác giả
  • Bước 3: Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ.
  • Bước 4: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ).

Dàn Ý Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7

Mẫu dàn ý đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lớp 7 được Thohay.vn biên soạn sau đây để các em có thể tham khảo.

I) Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có).

II) Thân bài: Trình bày cảm xúc về bài thơ.

  • Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ.
  • Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.
  • Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ.

III) Kết bài

  • Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.
  • Nêu ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

Đọc thêm tuyển tập các bài 👉 Thơ Lớp 7

18+ Mẫu Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Ngắn Hay

Chia sẻ đến bạn top 18+ mẫu đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ trong chương trình dành cho học sinh lớp 7 ngắn hay.

Hãy Chọn Một Bài Thơ Bốn Chữ Hoặc Năm Chữ Mà Em Yêu Thích Và Viết Đoạn Văn Chia Sẻ – Ngàn Sao Làm Việc

Bài thơ “Ngàn sao làm việc” của Võ Quảng đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhà thơ đã khắc họa khung cảnh bầu trời đẹp lộng lẫy khi về đêm. Những hình ảnh tưởng chừng như rất gần gũi lại được miêu tả sống động, chân thực.

Dòng sông ngân hà biết chảy giữa trời lồng lộng, sao Thần Nông biết tỏa rộng chiếc vó lọng vàng, sao Hôm như một ngọn đuốc soi cá, nhóm Đại Hùng tinh biết buông gầu tát nước. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa biến các sự vật trở nên có linh hồn, sức sống. Hình ảnh ngàn sao cùng làm việc, cùng chung sức đã làm nên vẻ đẹp huyền diệu của trời đêm. Qua đó, chúng ta nhận ra được bài học về giá trị của lao động và biết đoàn kết, yêu thương đã làm cho vạn vật trở nên đẹp đẽ, đáng yêu.

Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Sau Khi Đọc Một Bài Thơ Bốn Chữ Hoặc Năm Chữ Đơn Giản – Tiếng Gà Trưa

Trong số những tác phẩm văn học đã được học, bài thơ “Tiếng gà trưa” của tác giả Xuân Quỳnh là để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Nổi bật trong Tiếng gà trưa là vẻ đẹp bình dị, gần gũi của tình bà cháu.

Trên đường hành quân mệt mỏi, người cháu dừng chân bên một xóm nhỏ để nghỉ ngơi thì tiếng gà trưa vang lên khiến người cháu phải nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ sống với bà thân yêu, hết mực yêu thương mình. Bà chăm chút, nâng niu từng quả trứng cho con gà mái ấp để cuối năm bán gà, dành dụm tiền mua cho cháu bộ quần áo mới. Mặc dù tuổi thơ sống bên cạnh bà đầy khó khăn nhưng người cháu lại cảm thấy vô cùng ấm áp, hạnh phúc.

Sự tần tảo, tình yêu thương của bà đã in đậm vào trong tâm trí của người cháu. Chỉ một tiếng gà nhảy ổ thôi nhưng đã gợi đến bao kỉ niệm đẹp thời thơ ấu đc sống trong tình yêu thương bao la của bà. Những kỉ niệm đó như tiếp thêm động lực chiến đấu cho người cháu làm chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc, vì bà, vì xóm làng. Tóm lại, bằng những hình ảnh gần gũi và lời thơ bình dị, bài thơ đã cho em thấy được tình cảm bà cháu thật thiêng liêng mà đẹp đẽ, giản dị nhưng lại thấm đẫm khó phai.

Xem thêm tác phẩm 👉 Tiếng Gà Trưa 👉 của Xuân Quỳnh

Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ 4 Chữ Hoặc 5 Chữ Ngắn Gọn – Lời Của Cây

Trần Hữu Thung là một nhà thơ có phong cách thơ dân gian, thể hiện sự mộc mạc, dân dã, chân chất. Một trong những bài thơ rất hay của tác giả Trần Hữu Thung là bài thơ Lời của cây. Khi đọc tác phẩm Lời của cây, ta như được hòa mình vào một câu chuyện kể về hành trình phát triển và khôn lớn của một hạt mầm.

Bài thơ được viết theo thể thơ 4 chữ với ngôn từ giản dị, gần gũi giống như lời tâm tình, thì thầm của thiên nhiên. Lắng nghe bài thơ ta như cảm nhận được âm thanh của cuộc sống đang lan tỏa một cách chậm rãi nhưng lại tràn đầy sức sống và nghị lực. Thông qua bài thơ Lời của cây, người đọc có thể cảm nhận rõ hơn về tình yêu thiên nhiên, sự trân trọng và nâng niu của tác giả đối với thế giới tự nhiên.

Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Bài Thơ Mẹ Và Quả Ngắn

Bài thơ “Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Bài thơ là lời của người con, nói về công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ thật lớn lao, vĩ đại. Người mẹ trong bài hiện lên với vẻ đẹp tần tảo, đảm đang. Mẹ đã chăm sóc, vun trồng cho cây bầu, trái bí thật cẩn thận. Để rồi chúng được lớn lên nhờ sự vất vả lặng thầm của người mẹ biết bao năm tháng. Cũng giống như những đứa con được mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương.

Hình ảnh “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Ở hai dòng thơ cuối, nhà thơ “hoảng sợ” khi nghĩ mình vẫn còn là “một thứ quả non xanh” – đó là sự lo lắng khi bản thân còn chưa trưởng thành khi để mẹ vẫn phải lo lắng. Tác giả cũng sợ rằng không thể báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Như vậy, bài thơ thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, cũng như giàu tình yêu thương của người con dành cho mẹ.

Xem thêm 👉Bài Thơ Mẹ Và Quả 👉 của Nguyễn Khoa Điềm

Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Bài Thơ Những Cánh Buồm Của Hoàng Trung Thông

“Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông đã đem đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người cha đang dắt con đi trên bãi biển. Sau một đêm mưa, khung cảnh thiên nhiên vô cùng tinh khôi, khiến người đọc cảm thấy say mê, thích thú. Ánh mặt trời xuất hiện đầy rực rỡ, nước biển trong xanh và cát thì mịn màng.

Đặc biệt là hình ảnh gợi ra tình cảm cha con ấm áp – chiếc bóng của cha dài lênh khênh, còn bóng con tròn chắc nịch. Khi lắng nghe tiếng bước chân của con, lòng cha cảm thấy trong lòng phơi phới. Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, con nói với cha hãy mượn cho con cánh buồm trắng, để con đi. Lời đề nghị của con khiến cho người cha như tìm thấy chính mình.

Khi còn là một cậu bé, cha cũng từng mong ước như con. Và từ đó, chúng ta thấy được mong ước của người cha là đứa con có thể thực hiện ước mơ thay mình. Bài thơ nói về tình cảm cha con ấm áp, cũng như ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ – đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Bài Thơ Mây Và Sóng Của Ta-go

Bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go đã giúp em cảm nhận được tình mẫu tử thật đẹp đẽ. Đứa trẻ trong bài đã kể cho mẹ về cuộc trò chuyện của mình với người trên mây và trong sóng. Giọng điệu hồn nhiên, ngây thơ giúp bài thơ thêm hấp dẫn, thú vị.

Thế giới của người “trên mây” và “trong sóng” hiện lên lung linh, huyền diệu. Và với sự hiếu kì của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.

Những câu hỏi giúp người đọc thấy được mong muốn, khao khát được khám phá thế giới của trẻ thơ. Nhưng câu trả lời của người “trên mây” và “trong sóng” lại khiến em bé nhớ băn khoăn. Em nghĩ về mẹ vẫn đang ở nhà chờ đợi, nên đã từ chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.

Và một điều thú vị đã xảy ra, em đã sáng tạo ra một trò chơi có thể chơi cùng mẹ. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những hình ảnh mang tính biểu tượng, giúp ta hiểu hơn về tình cảm mẫu tử sâu sắc. Có thể thấy rằng, “Mây và sóng” là một bài thơ đặc biệt, thú vị và giàu ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ.

Tham khảo bài 👉 Mây Và Sóng 👉 của Ta-Go

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Sau Khi Đọc Một Bài Thơ Bốn Chữ Hoặc Năm Chữ Dài – Một Con Mèo Nằm Ngủ Trên Ngực Tôi

“Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” của nhà thơ Anh Ngọc là một bài thơ thú vị. Khi đọc bài thơ, người đọc đã cảm nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của nhân vật “tôi” dành cho con mèo của mình. Mở đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh con mèo đang nằm ngủ trên ngực của “tôi” hiện lên đầy sinh động qua các chi tiết: “đôi mắt biếc trong veo, hàm răng nhọn hoắt, móng vuốt khép lại, ngủ như đứa trẻ giữa vòng tay ấp ủ”.

Tác giả đã có một so sánh thật độc đáo, hình ảnh con mèo nằm ngủ trên ngực giống như một đứa trẻ, đang nằm ngủ say giấc. Qua đó, người đọc cảm nhận được vẻ đáng yêu, ngộ nghĩnh của con mèo. Và tâm trạng của nhân vật “tôi” trước hình ảnh này là niềm hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương dành cho con mèo của mình: “Trái tim tôi trong một phút bỗng mềm đi/Một nỗi gì lâng lâng như hạnh phúc”.

Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhằm diễn tả cảm xúc của nhân vật “tôi” lúc này, trái tim trở nên mềm mại, tan chảy trước vẻ đáng yêu con mèo. Đến khổ cuối, tác giả đã sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ điệp ngữ “ngủ đi” cùng với hoán dụ (đôi tai vểnh ngây thơ, cái đuôi dài bướng bỉnh, hàng ria mép ngang tàng, đôi mắt biếc trong veo – chỉ con mèo) và ẩn dụ (con hổ con kiêu hãnh) nhằm diễn tả sinh động vẻ đẹp hình thể và tính cách của con mèo, gợi liên tưởng thú vị sâu sắc cho người đọc.

Đọc bài thơ, chúng ta có những cảm xúc thật đẹp đẽ, cũng như rút ra được bài học cẩn phải sống yêu thương các loài động vật hơn.

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ 4 Chữ Hoặc 5 Chữ Hay – Sang Thu

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã miêu tả tinh tế những biến chuyển của thiên nhiên lúc sang thu. Mùa thu đến kéo theo hương ổi thoang thoảng trong không gian. “Sương chùng chình qua ngõ” như cố ý nán lại, tiếc nuối níu kéo mùa hạ. Dòng chảy của sông cũng như chậm lại, thong thả hơn. Cánh chim thì có chút vội vã vì đang trên hành trình bay về phương Nam tránh rét.

Đặc biệt hơn cả là hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” gợi ra hình ảnh đám mây nửa nghiêng về mùa hạ, lại nửa nghiêng về mùa thu. Thu sang thực sự đã khiến cho nhịp sống trở nên chậm lại. Những hình ảnh trên đã thể hiện sự quan sát nhạy bén, tinh tế của nhà thơ trước những chuyển động dù khẽ khàng của thiên nhiên. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ xúc cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên.

Đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa được sử dụng để bày tỏ những suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” chính là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống.

Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Trải qua thời gian, con người sẽ trưởng thành, vững vàng hơn khi đối mặt với những khó khăn, biến cố. Một bài học nhân văn mà chúng ta có thể cảm nhận được. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng về thiên nhiên lúc giao mùa.

Chia sẻ cho bạn đọc tác phẩm 💚 Sang Thu 💚 của Hữu Thỉnh

Ngữ Văn 7 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ 4 Chữ Hoặc 5 Chữ Cực Ngắn – Ông Đồ

Bài thơ Ông đồ của tác giả Vũ Đình Liên đã để lại cho em nhiều ấn tượng và suy tư ngay từ lần đọc đầu tiên. Đây là một bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, với các hình ảnh tả thực, ít biện pháp tu từ cầu kì. Cả bài thơ là lời kể lại về một nét văn hóa của dân tộc ta từ thời kì đỉnh cao cho đến khi đã phai mờ: nghề thầy Đồ.

Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, chữ Nôm đã không còn được sử dụng nữa, người ta cũng chẳng còn chuộng viết câu đối ngày Tết nữa. Nên hình ảnh đoàn người nô nức đến xin gặp thầy Đồ cũng trở thành dĩ vãng. Ngay cả những nghiên mực, giấy đỏ – minh chứng của một thời vàng son nay cũng lạnh lẽo nằm im. Đó là sự bất lực trước bánh xe của thời đại đang dịch chuyển.

Liệu đâu sẽ là điểm dừng cho những nét đẹp văn hóa một thời của ông cha ta trong đất nước hiện đại ngày nay? Câu hỏi ấy là nỗi niềm mà tác giả vẫn chưa tìm được câu trả lời. Đến lượt thế hệ trẻ như em ngày hôm nay, cũng trăn trở với câu hỏi đó. Những tiếc nuối, hoài niệm và suy tư đó lẫn lộn trong dòng cảm xúc, khiến em ấn tượng vô cùng với tác phẩm thơ Ông đồ.

Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Ngắn Gọn – Gặp Lá Cơm Nếp

Gặp lá cơm nếp là một bài thơ năm chữ rất hay của nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ đã khắc họa được dòng cảm xúc của người lính bộ đội cụ Hồ rất sâu sắc và cảm động. Trên đường hành quân ở một nơi xa xôi, người lính đã bắt gặp một hình dáng quen thuộc – chiếc lá cơm nếp.

Chiếc lá ấy đã khiến anh nhớ về bao kỉ niệm đẹp bên nắm xôi nếp. Đó chính là những kỉ niệm đẹp đẽ bên người mẹ tần tảo, luôn yêu thương, chịu khó và hi sinh vì con cái. Những hình ảnh ấy, anh ghi khắc trong tim, không bao giờ quên. Chúng là hành trang cũng là cội nguồn của sức mạnh cho anh chiến đấu mỗi ngày. Tình yêu mẹ, yêu quê hương to lớn ấy của người lính khiến em vô cùng xúc động và ngưỡng mộ.

Chia sẻ cho bạn đọc 👉Gặp Lá Cơm Nếp 👉 của Thanh Thảo

Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Cánh Diều – Mẹ

“Mẹ” của Đỗ Trung Lai là một trong những tác phẩm hay viết về người mẹ. Bài thơ là lời của người con đang bày tỏ cảm xúc về người mẹ của mình. Tác giả sử dụng hình ảnh cây cau – vốn đã rất gần gũi và quen thuộc, bộc lộ nỗi xót xa khi mẹ ngày càng già đi. Những câu thơ giàu hình ảnh, khéo léo gửi gắm tâm trạng của nhân vật trữ tình: “Lưng mẹ còng rồi/Cau thì vẫn thẳng”, “Cau – ngọn xanh rờn/Mẹ – đầu bạc trắng”.

Nhà thơ còn sử dụng biện pháp tu từ so sánh “Một miếng cau khô/Khô gầy như mẹ” để giúp người đọc hình dung rõ hơn về sự già nua héo hắt của người mẹ. Và thực tế đó, người con đã bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp: “Con nâng trên tay/Không cầm được lệ. Nỗi xót xa, đau đớn được dồn nén để rồi người con tự hỏi chính mình: “Ngẩng hỏi giờ vậy/Sao mẹ ta già?”.

Nhưng không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Bài thơ giúp em hiểu được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đó là hãy trân trọng những giây phút được ở bên cạnh người mẹ, biết yêu thương và trân trọng người mẹ của mình.

Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo – Con Chim Chiền Chiện

Bài thơ “Con chim chiền chiện” được nhà thơ Huy Cận viết vào năm 1967, in trong tập “Hai bàn tay em”. Khung cảnh thiên thiên bao la, tươi đẹp là tấm nền để cánh chim bay cao vút trong không gian, cất cao tiếng hót ngọt ngào. Chiền chiện là cánh chim của bầu trời cao xanh, là chim của đồng quê mang tình thương mến, chim càng bay cao tiếng hót càng trong veo.

Cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do trên bầu trời quê hương đất nước. Hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn giữa không gian cao rộng được vẽ lên qua những từ ngữ, hình ảnh đầy ấn tượng. Tiếng hót của chim chiền chiện đã mở ra một khung cảnh bình yên, tươi đẹp cho đất nước, làm say mê lòng người đọc.

Bài thơ không chỉ là miêu tả khung cảnh quê hương, đất nước tươi đẹp dưới tiếng hót, dưới cánh chim chiền chiện mà qua đó còn bộc lộ tình yêu đất nước, yêu thiên của tác giả, là khao khát về một cuộc sống tự do, hòa bình.

Xem thêm bài thơ 👉 Con Chim Chiền Chiện

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 – Lượm Của Tố Hữu

Bài thơ “Lượm” của Tố Hữu đã để lại cho em nhiều cảm xúc và ấn tượng. Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình đã giới thiệu hoàn cảnh gặp cậu bé Lượm. Đó là “ngày Huế đổ máu” – lúc này tác giả có dịp ra Hà Nội và tình cờ gặp Lượm. Những câu thơ mở đầu gợi ra hình ảnh một cậu bé liên lạc còn nhỏ tuổi nhưng rất nhanh nhẹn và đáng yêu. Dáng người bé “loắt choắt”, với hành trang là một cái xắc “xinh xinh”.

Đôi chân “thoăn thoắt” chạy trên đường và cái đầu lúc nào cũng “nghênh nghênh”. Tính cách của Lượm hồn nhiên, ngây thơ như bao đứa trẻ khác với hành động “huýt sáo vang” tạo nên khúc nhạc nhí nhảnh. Nhưng điều khiến chúng ta cảm thấy ấn tượng hơn chính là lòng dũng cảm của Lượm. Tuy còn nhỏ nhưng cậu đã tham gia công việc làm liên lạc, vận chuyển thư từ cho cán bộ.

Hình ảnh Lượm đưa thư “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo”, quên mình vì nhiệm vụ “thượng khẩn” thì “sợ chi hiểm nghèo” khiến em cảm thấy thật ngưỡng mộ, tự hào. Những câu thơ cuối nhắc đến sự hy sinh của cậu bé Lượm. Hình ảnh “một dòng máu tươi” như đánh thẳng vào trái tim người đọc, khiến dòng nước mắt chỉ trực trào ra, thương tiếc cho người chiến sĩ nhỏ tuổi anh hùng. Bài thơ Lượm đã để lại cho bạn đọc yêu thơ Tố Hữu một ấn tượng sâu sắc.

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Hay – Mùa Xuân Nho Nhỏ

Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ là kết tinh nghệ thuật trong đời thơ của Thanh Hải. Bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống, gắn bó với đất nước, với cuộc đời và nguyện ước chân thành của tác giả muốn được cống hiến cho đời, góp một mùa xuân nho nhỏ vào mùa xuân lớn của dân tộc. Từ đó mở ra những suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị cuộc sống của mỗi cá nhân là sống có ích, có cống hiến cho cuộc đời chung.

Thể thơ năm chữ gần với điệu dân ca, có nhạc điệu, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc. Sức mạnh của thơ năm chữ là dễ nhớ, dễ thuộc, nhẹ nhàng đi vào lòng người một cách tự nhiên và lưu giữ bền lâu ở trong đó. Bài thơ có nhiều hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng.

Đặc biệt, một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà. Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả. Ở đoạn đầu vui vẻ, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Và cuối cùng là trầm lắng, trang nghiêm mà thiết tha bộc bạc, tâm niệm. Bài thơ có sức lay động tâm hồn chúng ta. Đưa ta về với mùa xuân của thiên nhiên của đất trời, của quê hương đất nước. Để tâm hồn mỗi người thêm yêu cuộc sống hơn, khát khao cống hiến…

Đón đọc bài 👉 Mùa Xuân Nho Nhỏ 👉 của Thanh Hải

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Nâng Cao – Chiều Biên Giới

Từ lâu, mỗi quốc gia đã được xác định chủ quyền riêng về lãnh thổ và chính trị, trở thành một điều bất khả xâm phạm. Với người dân Việt Nam, đường biên giới không còn xa lạ. Hình ảnh biên giới đã trở thành tác phẩm nghệ thuật trong thi ca, âm nhạc, hội họa và thơ ca. Chiều Biên Giới không chỉ là một bài hát, đây còn là một bài thơ vô cùng đặc sắc của tác giả Lò Ngân Sủn.

Bài thơ Chiều biên giới khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên của biên giới, với cảnh quan hùng vĩ và quen thuộc như núi non, bầu trời xanh, mây gió và dãy núi đại ngàn. Tuy không phải ai cũng được đến biên giới, nhưng bài thơ này cho chúng ta cái nhìn tổng quan về vẻ đẹp rộng lớn mà nó mang lại. Biên giới là một vùng đất hùng vĩ ấm áp, gắn bó với con người nơi đây và không thể xa rời.

Tác giả tạo nên một bầu trời xanh ngát đẹp như tình yêu của đôi lứa, qua những câu thơ tinh tế và lặp lại: “Chiều biên giới em ơi”. Biên giới là nơi cao nhất của đất nước, nơi có những ngọn suối, mây gió, ngọn núi quê hương và đất trời biên cương. Đây là những hình ảnh đặc trưng của biên giới, nơi mang trong nó tình yêu quê hương và tự hào về vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương.

Bài thơ cũng miêu tả về vẻ đẹp khác của biên giới, như hoa đào nở, đồi rừng mọc cây, ruộng bậc thang và mùi hương của mùa lúa mới. Đây là những hình ảnh thân thuộc nhưng cũng ẩn chứa sự đổi mới của đất nước, mong muốn một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và không có chiến tranh. Bài thơ cũng nhắc nhở về sức mạnh của tình yêu đất nước, khích lệ mỗi người đóng góp vào việc bảo vệ quê hương, bằng cách đề cao tinh thần và trách nhiệm của mỗi công dân. Tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình yêu đất nước, tạo nên một sức mạnh để bảo vệ đất trời và quê hương.

Chiều biên giới trở thành một tác phẩm tiêu biểu, tuyệt đẹp với ý nghĩa nhân văn lớn lao mà tác giả mang lại. Nó gợi mở lòng yêu thương quê hương và Tổ quốc, khuyến khích mỗi người đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Từ bài thơ này, chúng ta hãy nuôi dưỡng tình yêu quê hương và truyền tụng tinh thần và trách nhiệm của mình, để cùng nhau xây dựng một đất nước hạnh phúc và phồn vinh.

Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn đã mang đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về vẻ đẹp và ý nghĩa của đường biên giới. Nó khắc họa một biên giới tự hào, hùng vĩ và ấm áp, nơi mà tình yêu quê hương và tình yêu đất nước hòa quyện. Bài thơ này nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ và phát triển đất nước.

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 7 Ngắn Nhất – Gò Me

Bài thơ “Gò Me” giúp em cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất Gò Me cũng như tình cảm mà Hoàng Tố Nguyên đã gửi gắm. Bức tranh thiên nhiên của quê hương xuất hiện trong ấn tượng của em mang những nét quen thuộc.

Nhà thơ đã dùng những hình ảnh rất đỗi quen thuộc như con đê, ruộng lúa, ao làng. Và cả âm thanh của cuộc sống không kém phần sống động như tiếng leng keng của tiếng nhạc ngựa, róc rách của ao làng, lao xao của vườn mía, nhẹ nhàng của mái lá. Cùng với thiên nhiên, em còn thấy được vẻ đẹp của con người sống ở Gò Me.

Cô gái xuất hiện qua hình ảnh “đôi gò má lúm đồng tiền đầy duyên dáng”, vừa lao động hăng say “ nọc cấy, tay tròn” vừa đam mê nghệ thuật “véo von điệu hát cổ truyền” mới duyên dáng, đẹp đẽ làm sao! Không chỉ vậy, em đặc biệt ấn tượng với hình ảnh của nhân vật tôi – “ nằm trên võng mẹ đưa; cắt cỏ, chăn bò; gối đầu lên áo; năm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo”. Em có cảm giác như được trở về với tuổi thơ đang cùng với nhân vật chơi đùa, làm việc. Bài thơ đã gửi gắm tình yêu quê hương, niềm tự hào của tác giả.

Xem thêm bài 👉 Gò Me 👉 của Hoàng Tố Nguyên

Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ 4 Chữ Hoặc 5 Chữ Lớp 7 Hay Nhất – Đồng Dao Mùa Xuân

Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm viết về người lính đã đem đến cho em nhiều ấn tượng. Từng câu thơ đọc lên giống như một trang nhật kí về cuộc đời của người lính từ lúc họ mới vào chiến trường, chiến đấu rồi hy sinh. Khi mới vào chiến trường, họ vẫn còn là những chàng thanh niên hồn nhiên, chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều.

Dù vậy, thì tấm lòng nhiệt huyết cách mạng vẫn cháy trong trái tim của họ. Những năm chiến tranh khốc liệt, họ chiến đấu và hy sinh, thân xác nằm lại nơi chiến trường, kỉ vật còn lại chỉ là chiếc ba lô con cóc. Dù đã hi sinh, nhưng đồng đội vẫn nhớ đến họ với niềm thương cảm, xót xa. Còn với nhân dân, người lính đã trở thành một tượng đài bất tử, đáng ngưỡng mộ, trân trọng.

Với bài thơ này, tác giả đã ngợi ca, bộc lộ lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước. Như vậy, “Đồng dao mùa xuân quả” là một bài thơ giá trị viết về người lính cụ Hồ.

Ngữ Văn 7 Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ 4 Chữ Hoặc 5 Chữ Siêu Hay – Chiều Sông Thương

Trong những bài thơ hay nhất của Hữu Thỉnh, bài thơ “Chiều sông Thương” được đánh giá là một trong những bài thơ thể hiện cảm xúc, tình yêu quê hương, đất nước của tác giả. Đặc biệt, hai khổ thơ cuối đã thể hiện tình cảm của người con xa quê qua sự yêu thương, tình quý trọng với dòng sông quê hương.

Cảm xúc của tác giả được thể hiện qua hai câu cảm thán với từ “Ôi”, dòng sông hiện lên với màu sắc nâu và biếc thể hiện sự trong xanh, mới mẻ xen vào đó là sự tươi mát vào thu. Sông Thương giúp cho mùa gặp thêm bội thu, giúp cho mùa thu hoạch tốt với những nông dân. Đến với khổ cuối, hình ảnh dòng sông ấy hiện lên qua ánh nắng mùa thu trong buổi chiều thơ mộng.

Ánh trăng dần dần xuất hiện bé nhỏ như múi bưởi. Hình ảnh con nghé đứng đợi bên cầu cũng thể hiện sự lãng mạn, đầy chất thơ cả trên bờ sông. Chiều thu như cùng nhau sang sông, dòng sông như ranh giới giữa buổi chiều với buổi tối sắp đến. Như vậy, với thể thơ năm chữ kết hợp với từ ngữ bâng khuâng, xao xuyến cùng với biện pháp tu từ điệp cấu trúc “Ôi con sông”, Hữu Thỉnh đã cho người đọc thấy được sự thơ mộng, lãng mạn của dòng sông vào buổi chiều mùa thu. Đồng thời, thể hiện tình yêu, sự tự hào của tác giả về sông Thương, về quê hương quan họ của đất nước.

Đọc thêm 👉 Chiều Sông Thương

Viết một bình luận