Cảm Tưởng Đọc Thiên Gia Thi [Nội Dung+ Cảm Nhận]

Cảm Tưởng Đọc Thiên Gia Thi ❤️️ Nội Dung, Cảm Nhận ✅ Cùng Thohay.vn Tìm Hiểu Sâu Hơn Về Tập Thơ Thiên Gia Thi Ở Bài Viết Bên Dưới.

Thiên Gia Thi Là Gì

Thiên gia thi là tập thơ của “nghìn nhà thơ”. Ở Trung Quốc có hai tuyển tập thơ Đường – Tống được mang tên Thiên gia thi. Tập đầu do Lưu Khắc Trang đời Tống tuyển chọn, lấy tên Đường Tống thiên gia thi tuyển, tập sau do Tạ Phương Đắc cuối đời Tống tuyển lại tập trước, gọi là Thiên gia thi.

Bài Thơ Khán “Thiên Gia Thi” Hữu Cảm

Chia sẽ bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm của Hồ Chí Minh bên dưới.

看千家詩有感

古詩偏愛天然美
山水煙花雪月風
現代詩中應有鐵
詩家也要會衝鋒

Khán “Thiên gia thi” hữu cảm

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thuỷ yên hoa tuyết nguyệt phong;
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong.

Dịch nghĩa

Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên,
Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió;
Trong thơ thời nay nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Thohay.vn Tặng Bạn Trọn Bộ 133 ❤️️ Nhật Ký Trong Tù ❤️️ Hay Nhất

Ý Nghĩa Bài Thơ Cảm Tưởng Đọc Thiên Gia Thi

Trong bài thơ này, Bác đã so sánh giữa thơ xưa và thơ hiện đại. Trong khi thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp như núi, sông, hoa, tuyết, trăng, gió thì trong thơ hiện đại cần phải có thép và nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Bài thơ của Bác Hồ làm trong hoàn cảnh đất nước còn chìm đấm, nhân dân còn lầm than, bản thân tác giả đang bị giam cầm, tù tội. Lúc này, thơ và nhà thơ phải tham gia đấu tranh cứu nước, cứu dân, phải làm nhiệm vụ công dân và cách mạng. Điều đó không trái ngược với tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên trong thơ mà làm cho thơ gần gũi, có ích, có tác dụng tích cực đối với đất nước, nhân dân, con người, cuộc đời… 

Cảm Nhận Về Bài Thơ Cảm Tưởng Đọc Thiên Gia Thi Của Bác

Cảm Nhận Về Bài Thơ Cảm Tưởng Đọc Thiên Gia Thi Của Bác.

Bác Hồ làm bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm này sau khi Ngã tố tù thi bách kỷ niên. Thiên gia thi (Thơ nghìn nhà) là tuyển tập những bài thơ cận thể và cổ thể ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ của các nhà thơ nổi tiếng đời Đường, đời Tống, là sách nhập môn cho những người bắt đầu học làm thơ mà Bác đã đọc.

Tập thơ Thiên gia thi đã gợi cho Bác nhiều suy nghĩ, nhất là Bác đã trải qua hai thực tế: thực tế tù đầy và thực tế làm thơ với biết bao trăn trở, suy tư, cảm xúc, nghị lực, ý chí, tinh thần và trách nhiệm đối với con người, đối với cuộc sống đã tạo nên những ý tưởng lớn cho bài Khán “Thiên gia thi” hữu cảm.

Bài thơ bốn câu. Câu thơ đầu là lời nhận xét về thơ xưa – Cổ thi (thơ cổ điển) Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, nghĩa là Thơ xưa nghiêng về yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên. Câu thứ hai minh hoạ, bổ sung làm rõ nghĩa, đủ ý cho câu một bằng sự liệt kê, cứ mỗi từ là một sự vật hoặc hiện tượng thiên nhiên quen thuộc mà thơ xưa thường miêu tả vẻ đẹp của Sơn, thuỷ, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong (Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió).
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp, Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Khi thẩm thơ, đã có những ý kiến cho rằng hai câu thơ trên và bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm, Bác phê phán, công kích thơ xưa, đối lập thơ xưa và thơ nay, thơ nay có lập trường chính trị còn thơ xưa chỉ là trăng với hoa, mây và gió…; quan điểm nghệ thuật tách rời cuộc sống này cần phải rũ bỏ. Nhưng nếu tiếp cận kỹ lưỡng văn bản bài thơ thì không phải như vậy. Bác vốn rất am hiểu thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Đối với thơ xưa, Bác chỉ nhận xét thôi chứ không hề có ý phê phán, công kích. Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, thần thái và trọng lượng của lời nhận xét chủ yếu nằm ở hai chữ thiên ái, nghĩa là yêu thích một cách thiên lệch. Thơ xưa nghiêng về yêu thích thiên nhiên một cách thiên lệch. Đáng tiếc bản dịch của Viện Văn học 1960, người dịch đã bỏ sót chữ thiên nên câu thơ được dịch là Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp, vô tình đã gây nên sự hiểu lầm không đáng có.

Những năm gần đây, câu thơ đã được dịch sát ý hơn Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp, tuy nhiên hai chữ thường chuộng vẫn chưa toát hết ý hai chữ thiên ái. Như vậy, theo Bác là, thơ xưa thường nghiêng về tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông. Điều này không chỉ có ở các nhà thơ thuộc trường phái sơn thuỷ mà nó tồn tại ở cả các nhà thơ tả thực, các nhà thơ lãng mạn du tiên, các nhà thơ biên tái… với mức độ khác nhau, đều ít nhiều tìm đến thiên nhiên, miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên.

Bác không phủ nhận thơ viết về thiên nhiên. Có nhà thơ nào mà không rung động trước một đêm trăng đẹp, một bông hoa hé nụ, một cánh chim chiều bay về cuối chân trời, một bến sông quê lặng lẽ ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ, một rặng núi xa xa mờ sương khói. Đó là thiên nhiên và đó cũng là tình người, tình đời, tình non nước.

Nhà thơ Tam nguyên Trần Bích San khi qua đèo Hải Vân đã viết một câu thơ để đời Văn vô sơn thuỷ phi kỳ thú có nghĩa là văn thơ không có hồn của núi sông thì sao có khí lạ. Nếu không có một tâm hồn rộng mở, lắng nghe được bước đi của thời gian, sự chuyển vần của vũ trụ… thì làm sao có thể thành thơ và thơ hay được.

Tuy nhiên, theo Bác nếu thơ nay chỉ dừng lại ở sự ca ngợi, phản ánh cái đẹp của Sơn, thuỷ, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong như thơ xưa thì chưa đủ. Bác mong muốn Hiện đại thi trung ưng hữu thiết (Thời nay trong thơ nên có thép). Trong thơ nay nên (ưng) thêm một chất mới mà thơ xưa chưa có, đó là thép. Phải thấy rằng Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông vào thơ là đẹp, mà thép vào thơ càng đẹp.

Thiên nhiên khêu gợi mỹ cảm cho con người, đấu tranh xã hội để giải phóng con người, phát huy mọi khả năng của con người càng mang lại cho con người mỹ cảm lớn. Thơ ca, trong đó có thơ viết về thiên nhiên và cả thơ viết về tình yêu – những đề tài muôn thuở cần có thép, bởi thơ ca bao giờ cũng hướng con người tới cái đích hoàn thiện, hoàn mỹ. Cuộc đời con người bao giờ và lúc nào cũng khao khát lẽ sống cao đẹp. Cuộc đời đòi hỏi trong thơ có thép, một thứ thép được tôi luyện tự bên trong bản thân nhà thơ.

Chất thép phải do nhà thơ dày công tu dưỡng mọi mặt mới có được, mới tạo nên được chữ thép trong thơ, chứ không phải như có người đã nghĩ là chỉ dựa vào đề tài.

Về thép trong thơ và thép trong thơ Bác Hồ hẳn là một đề tài của một công trình nghiên cứu công phu, khoa học mới mong lý giải thấu triệt về quan điểm, nội dung, cách thức thể hiện thép trong thơ như thế nào. Khi đọc tập thơ Ngục trung nhật ký, Nhà văn – nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược có một nhận xét sâu sắc: “Toàn bộ hơn một trăm bài thơ, hơn 2.700 chữ, chỉ có một chữ thép này (1). Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ thì hầu như bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép.

Vì sao vậy? Bởi vì người làm thơ có tinh thần thép” (2). Chữ thép trong câu thơ Nay ở trong thơ nên có thép có một nghĩa rộng và cũng trong một ngữ nghĩa rộng, không thể hiểu một cách gò bó, hạn hẹp hoặc tách nó đứng độc lập, cứng nhắc mà nó nối liền nhau trong cả bài thơ thẩm thấu trong tình cảm, cảm xúc, trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của thơ.

Tinh thần thép không hề mâu thuẫn gì với tình cảm đối với thiên nhiên. Cách nhìn nhận, phản ánh thiên nhiên cũng biểu hiện tinh thần thép. Điều Bác Hồ mong muốn Hiện đại thi trung ưng hữu thiết là như vậy. Thơ nay nên như vậy và cần phải như vậy. Muốn làm được như vậy, Bác đã chỉ ra nhà thơ phải biết xung phong Thi gia dã yếu hội xung phong.

Phải biết xung phong là một sứ mệnh mới của nhà thơ, Nhà thơ phải đứng ở mũi nhọn của cuộc sống, đấu tranh, chiến đấu cho chân lý, bảo vệ và phát huy cái đẹp của cuộc sống; phải ý thức đầy đủ thơ là vũ khí, nhà thơ là chiến sĩ, thơ phải phụng sự đắc lực cho việc phò chính trừ tà. Phải biết xung phong không hề đối lập và mâu thuẫn gì với vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ mà còn làm cho thơ hữu ích, gần gũi và có tác dụng tích cực hơn, mãnh liệt hơn đối với con người và cuộc sống.

Hai câu thơ:

Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Bác nói về cái cần thiết phải bổ sung cho thơ hiện nay, đồng thời khẳng định vai trò trách nhiệm của nhà thơ trong cuộc sống là thế.

Bốn câu thơ ngắn gọn, hàm súc. Hai câu đầu Bác nhận xét về cái vốn có, đã có của thơ xưa; hai câu sau Bác mong muốn về cái nên có, phải có của thơ nay. Cái vốn có, đã có và cái nên có, phải có của thơ bổ sung cho nhau góp phần hoàn chỉnh một quan niệm thơ.

Bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) là bài thơ thứ ba trong Ngục trung nhật ký, sau bài Khai quyển (Mở đầu tập thơ nhật ký) và Bất miên dạ (Đêm không ngủ) là những bài thơ Bác phát biểu quan niệm của Bác về thơ.

Nguồn: Lê Xuân Đức

Thohay.vn Chia Sẽ ❤️️ Di Chúc Bác Hồ 1969 ❤️️ Nội Dung Toàn Văn, Giá Trị, Phân Tích

Viết một bình luận