Trong bài viết này, Thohay.vn sẽ hướng dẫn các em học sinh lớp 6 cách viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát hay và đầy đủ ý nhất.
NỘI DUNG CHÍNH
Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Là Gì?
Ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát đề cập đến việc trình bày ý kiến, nhận định và những suy tư cá nhân về bài thơ viết bằng thể thức lục bát. ”Ghi lại” ở đây có thể ám chỉ việc diễn đạt hoặc ghi chép lại các ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình về bài thơ lục bát một cách rõ ràng và cụ thể.
Chia sẻ thêm 👉 Viết Đoạn Văn Thể Hiện Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Lớp 6
Cách Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát
Dưới đây là các bước cụ thể để viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát được rất nhiều các em học sinh lớp 6 quan tâm đến:
- Bước 1: Đầu tiên, hãy đọc bài thơ một cách kỹ lưỡng để hiểu nội dung, ý nghĩa và thông điệp của nó.
- Bước 2: Ghi lại những ý tưởng, hình ảnh và cảm xúc mà bài thơ gợi lên trong bạn.
- Bước 3: Phân tích cấu trúc lục bát của bài thơ và cách mà nó ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của bạn. Nắm vững ngôn ngữ và các phong cách biểu đạt được sử dụng trong bài thơ.
- Bước 4: Mô tả cảm nhận cá nhận và những ấn tượng mà bài thơ đã để lại trong tâm trí bạn và tại sao nó làm bạn cảm động. Cố gắng kết hợp giữa lời giải thích và trích dẫn trực tiếp từ bài thơ để làm cho ý kiến của bạn trở nên thuyết phục hơn.
Chia sẻ cách 👉 Làm Một Bài Thơ Lục Bát Lớp 6
Dàn Ý Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát
Đón đọc thêm mẫu dàn ý bài văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát được biên soạn chi tiết dưới đây để các em có thể triển khai bài làm nhanh hơn và đầy đủ ý.
1. Mở bài
- Giới thiệu tên bài thơ, tác giả (nếu có)
- Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.
2. Thân bài
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
- Trình bày ý nghĩa và thông điệp của bài thơ.
- Nêu lên các lý do khiến em yêu thích.
- Đánh giá cấu trúc lục bát và ảnh hưởng của nó đối với trải nghiệm đọc.
3. Kết bài
- Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của bài thơ.
- Tóm tắt cảm nhận cá nhân và đánh giá tổng quan về giá trị của bài thơ.
Gửi tặng bạn tập 👉 Thơ Lục Bát Lớp 6
20+ Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Ngắn Hay
Tuyển chọn những mẫu bài văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát ngắn hay sau đây. Hi vọng với những mẫu văn này sẽ hỗ trợ các em trong việc ôn tập thật tốt và trau dồi thêm kĩ năng viết của mình tốt hơn.
Viết Bài Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Trong Dân Gian
Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?
Bài thơ là tiếng than thân của những người nông dân khốn khổ và vất vả trong xã hội xưa. Họ được so sánh với hình ảnh của những con cò trắng, mang một cuộc đời lận đận, bấp bênh và đầy gian truân. Không có một ngày nào họ được nghỉ ngơi, an hưởng cuộc sống thanh thản.
Hình ảnh “con cò” xuyên suốt bài thơ gợi lên một cuộc đời mảnh mai, yếu ớt nhưng phải đảm nhận những công việc nặng nhọc và đầy khó khăn. Giống như những người nông dân gầy yếu, thiếu thốn, phải làm việc vất vả dưới trời nắng mưa, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thật đáng thương cho số phận của họ.
Mặc dù nhận thức rõ về cuộc sống khổ cực và đầy cay đắng như vậy, những người nông dân vẫn không biết phải làm sao để thay đổi hoàn cảnh. Với thân phận thấp hèn, họ khó có thể đối đầu với những kẻ xấu xa, độc ác và tham lam ngoài kia. Ngay cả việc chỉ trích hoặc tố cáo những kẻ đó, họ chỉ dám dùng đại từ phiếm chỉ “ai” mà thôi.
Hình ảnh “cò con” ở cuối bài thơ càng làm tăng thêm nỗi ám ảnh về số phận tội nghiệp của những thế hệ tương lai. Nhịp điệu bài thơ nhẹ nhàng như một lời ru, sử dụng nhiều điệp từ để gợi lên cảm xúc thương yêu và xót xa cho số phận bất hạnh của người nông dân.
Bài thơ không chỉ mang đến cảm thức yêu thương và đồng cảm sâu sắc với những số phận nghèo khổ, mà còn để lại dấu ấn trong lòng người đọc về hình ảnh “con cò” và những hoàn cảnh sống đầy gian truân, khó khăn của người nông dân.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Một Bài Thơ Lục Bát Siêu Hay
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy
Bài thơ giúp em hiểu được mối quan hệ gắn bó giữa những người thân trong gia đình. Câu đầu tiên là câu phủ định – “anh em” không phải người xa lạ, từ đó nhằm khẳng định mối quan hệ thân thiết, ruột thịt. Tiếp đến, điệp từ “cùng” giúp nhấn mạnh vào mối quan hệ gắn bó giữa “anh em” – cùng chung cha mẹ, là người thân một nhà. Hai câu tiếp theo là lời khuyên nhủ giá trị. Giữa anh, em cần có sự yêu mến, hòa thuận.
Cách so sánh “như thể tay chân” thật độc đáo, bởi “tay” và “chân” đều là những bộ phận có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Cũng giống như anh em có sống hòa thuận thì gia đình mới có thể vui vẻ, hạnh phúc. Bài ca dao tuy ngắn gọn nhưng đã đem đến một bài học quý giá cho chúng ta.
Gợi ý 👉 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lớp 6
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Một Bài Thơ Lục Bát Ngắn Nhất
Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
Bài thơ trên là một bức tranh châm biếm, biếm họa thú vị về một cậu cai, thường được dân gian rủ tai nhau giải trí sau những buổi làm đồng. Bài thơ khắc họa hình ảnh một cậu cai có cái danh không xứng với thực. Đường đường là một “viên chức nhà nước” đội mũ lông ga tay đeo nhẫn quý, vô cùng oai phong. Thế mà, lại ở nhà ngồi không đến ba năm mới được một lần ra nhiệm vụ.
Đã vậy, lại chẳng có một món đồ gì, cái áo thì phải đi mượn, còn cái quần thì phải đi vay. Chẳng ra thể thống gì. Bài thơ đã khắc họa thành công chân dung một cậu cai kệch cỡm, thích phô trương, làm ra vẻ để lòe thiên hạ, chứ thực ra chẳng có tí tài năng hay của cải gì. Tiếc thay, chẳng ai bị cậu ta qua mặt cả. Với giọng điệu hóm hỉnh, lối kể thú vị, bài ca dao không chỉ phê phán một thói xấu trong xã hội, mà còn đem đến tiếng cười thư giãn cho người đọc.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Ý Nghĩa Nhất
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Bài thơ được viết bằng thể thơ lục bát đã nhắn nhủ chúng ta về công ơn lớn lao trời biển của cha mẹ. Hai câu thơ đầu là hai hình ảnh so sánh: công cha – núi Thái Sơn, nghĩa mẹ – nước biển Đông. Tác giả dân gian đã tinh tế dùng sự to lớn, vĩ đại, mênh mông của thiên nhiên để khẳng định công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đó là điều vô cùng thiêng liêng, đáng quý, không gì có thể sánh bằng.
Hình ảnh ẩn dụ “cù lao chín chữ” đã tiếp nối, thể hiện tấm lòng tôn kính của người con dành cho cha mẹ mình. Họ sẽ luôn khắc ghi, biết ơn công lao vĩ đại của cha mẹ, và yêu thương, hiếu kính mẹ cha hết lòng. Với nhịp thơ lục bát nhịp nhàng và các hình ảnh so sánh, ẩn dụ tinh tế, bài ca dao đã răn dạy, khuyên nhủ nhẹ nhàng những người làm con phải biết yêu thương, kính trọng, hiếu lễ với mẹ cha của mình.
Gửi đến bạn 👉 Bài Thơ Lớp 6 👉 với nhiều chủ đề đặc sắc
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Đơn Giản
“Đường lên xứ Lạng bao xa?
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi đứng lại mà trông:
Kìa núi thành Lạng, kìa sông Tam Cờ”
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ, sau đó là câu trả lời đầy dí dỏm. Từ đó, vẻ của quê hương Lạng Sơn đã được khắc họa với những nét đẹp tiêu biểu nhất. Câu hỏi tu từ “Đường lên xứ Lạng bao xa?” lúc đầu cho thấy con đường thật dễ dàng thuận lợi vì chẳng hề xa xôi.
Nhưng đọc đến câu trả lời mới biết rằng quả là có đầy ngụ ý. Cách nói “cách một trái núi với ba quãng đồng” thể hiện đó là quãng đường dài thăm thẳm với trùng điệp núi non rừng thẳm. Trên cái nền thiên nhiên hùng vĩ đó, con người có thể bao quát được những núi thành Lạng, những sông Tam Cờ. Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình tựa như một bức tranh khiến mỗi người thêm tự hào về quê hương, đất nước.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Chi Tiết
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Hoa sen là loài hoa quen thuộc, được người dân Việt Nam hết sức yêu quý. Trong bài thơ lục bát Trong đầm gì đẹp bằng sen, hình ảnh tươi đẹp, thánh khiết của loài hoa này đã được khắc họa rõ nét. Ở câu thơ đầu tiên, nhà thơ khẳng định vị trí không gì sánh bằng của sen ở trong hồ. Để tới câu thơ thứ hai và thứ ba thì mới miêu tả vẻ đẹp của hoa sen từ ngoài vào trong, rồi lại từ trong ra ngoài.
Xanh của lá, hồng của cánh hoa, vàng của nhị, màu nào cũng đẹp, cũng sáng tươi. Đặc biệt, ở câu thơ thứ tư, tác giả không chỉ miêu tả phẩm chất của loài hoa sen, mà còn mượn hoa sen để khẳng định vẻ đẹp của con người đất Việt. Đó là sự trong sạch, liêm khiết, thẳng thắn, không bị hoàn cảnh khó khăn làm khuất phục, làm xấu đi. Có lẽ chính bởi vì thế, mà tuy không chính thức, nhưng vẫn có rất nhiều người xem hoa sen là quốc hoa của Việt Nam ta.
Tham khảo mẫu 👉 Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Về Một Tác Phẩm Thơ
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Ngắn Gọn – Gió Đưa Cành Trúc La Đà
Bài Gió đưa cành trúc la đà là một tác phẩm thơ ngợi ca về vẻ đẹp của phủ Tây Hồ. Tác giả đã chọn khoảnh khắc vào sáng sớm, khi mọi người còn chưa bắt đầu các hoạt động sinh hoạt để miêu tả. Nhờ vậy mà tái hiện được toàn bộ vẻ đẹp thiên nhiên của nơi đây.
Đó là một không gian rộng mở, thoáng đãng và yên tĩnh. Cái nét yên tĩnh ấy được thể hiện qua tiếng chuông, nhịp chày vang khắp không gian. Phải vắng lặng đến như thế nào, thì mới có thể nghe được từng tiếng chày gỗ đánh lên áo quần bên bờ hồ như thế chứ? Âm thanh đó vang ra, lan xa vô cùng qua mọi chiều kích. Đẩy người đọc mở rộng tầm mắt hơn, nhìn ra xa hơn, bao quát hơn cả phủ Tây Hồ. Để thấy được mặt hồ buổi sớm phẳng lặng như gương, thấy sương mờ phảng phất.
Khói lả lướt trên mặt hồ, sinh động như thể sắp có nàng tiên nào đó vén mây bước ra. Gió hồ nhè nhẹ đưa mây khói tản ra, để nàng liễu thướt tha được diện kiến. Ven hồ có trồng rất nhiều cây liễu. Các cành liễu lá dài rủ xuống nước, như mái tóc người con gái đang chải chuốt buổi sớm mai. Tất cả những chi tiết ấy, được tác giả dân gian khắc họa lại bằng vần thơ lục bát, vừa tự nhiên, lại mộc mạc. Từ đó thể hiện tình yêu và niềm tự hào dành cho một cảnh đẹp trữ tình của quê hương, đất nước.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Ấn Tượng – Chăn Trâu Đốt Lửa
Chân trâu đốt lửa là một bài thơ lục bát ngắn, mang đậm hơi thở đồng nội của vùng nông thôn miền Bắc. Tác giả đã khéo léo chọn lọc những hình ảnh đẹp, mộc mạc và tiêu biểu nhất để vẽ nên bức tranh đồng quê thân thuộc. Đó là những rạ rơm, là cánh diều, là con trâu. Tất cả hiện lên trong làn gió đông man mác, se lạnh, cùng làn khói nhẹ nhẹ của củ khoai nướng, phác họa không gian mờ ảo, thần tiên.
Ở đó, có chú bé chăn trâu ngây thơ, còn ham chơi. Vì mải mê thả diều mà quên mất củ khoai nướng trong rơm khô. Củ khoai nướng cháy rồi, cậu bé tiếc lắm. Cái tiếc nuối ấy man mác, rải rắc trong không gian. Có lẽ là cậu tiếc củ khoai thơm ngon, cũng có thể cậu tiếc một chiều rong chơi đã kết thúc, đã đến lúc trở về nhà rồi. Những hình ảnh ấy bình dị, mộc mạc mà chân thực. Khiến ai cũng có thể bắt gặp chính mình rong bức tranh làng quê ấy.
Tham khảo thêm 👉 Viết Bài Văn Kể Lại Một Chuyến Đi Đáng Nhớ Của Em
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Mẹ Của Đổ Trung Lai
Đọc bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai, em thấy rung động sâu sắc về tình cảm của người con dành cho người mẹ kính yêu. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người mẹ với tấm lưng gầy “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng”. Hai hình ảnh thơ trái ngược đã nhấn mạnh tâm trạng thảng thốt và nỗi đau thầm lặng trong lòng người con khi nhận ra mẹ đã già.
Quy luật khắc nghiệt của thời gian một đi không trở lại làm lòng con càng thêm quặn thắt “Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất”. Hình ảnh “cau bổ tám” càng ngày càng nhỏ gợi nên tuổi già móm mém của mẹ. Khi con dần trưởng thành cũng là lúc mẹ trở nên gầy yếu theo năm tháng: “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ”. Và con càng thêm kính trọng nâng niu tình mẹ “con nâng trên tay” nhưng lại không cầm được những giọt nước mắt yêu thương xót xa.
Câu hỏi ở cuối bài thơ “Sao mẹ ta già?” như là lời tự vấn chính mình, đồng thời cũng gợi nỗi cô đơn trống trải trong lòng người con. Bằng hình ảnh thơ đối lập, ngôn ngữ mộc mạc và thể thơ 4 chữ ngắn gọn đã khắc họa cho chúng ta hình ảnh người mẹ già luôn tần tảo, đảm đang. Bài thơ như lời nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, quan tâm tới mẹ cùng những người thân trong gia đình.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Hay Nhất – Tiếng Ru
Bài thơ Tiếng ru được sáng tác bằng thể lục bát, thể hiện tính nhân văn, triết lý sâu sắc của tác giả qua những câu từ nhẹ nhàng, như lời người mẹ nhắn nhủ con thơ. “Tiếng ru”, nằm trong tập Gió lộng, là một trong những bài thơ tiêu biểu của người con xứ Huế – Tố Hữu.
Đọc bài thơ, ta thấy không quá khó để thuộc nằm lòng bởi được viết bằng thể thơ lục bát, gieo vần điệu dễ nhớ, cộng với ngôn từ giản dị vốn là cái chất rất đặc trưng của Tố Hữu. Không chỉ thế, cách tác giả so sánh đối lập và ví von cũng tạo nên cái riêng của những vần thơ và làm cho chúng trở nên đắt giá: “núi” và “đất”, “cao” và “thấp”, “già” và “non”, “biển” và “sông”…
Sự so sánh đó khiến những điều nhỏ nhoi trở nên vĩ đại và đồng thời, khiến những thứ tưởng như vĩ đại sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu những điều nhỏ nhoi. Một lần nữa, ta lại thấy sự khẳng định triết lý một người vì mọi người, mọi người vì một người mà tác giả đưa ra ở khổ đầu tiên được thể hiện trong hai khổ liền sau đó.
Từ cách dùng câu khẳng định, phủ định ở bốn câu trong khổ thứ hai lẫn những câu hỏi tu từ trong khổ thứ ba đều làm toát lên ý tứ mà tác giả đã viết trong khổ đầu tiên: mỗi thực thể sống đều phải gắn với đồng loại, với môi trường mà nó đang sống, đang tồn tại mà nếu tách ra, thì sẽ không có sự tồn tại đó.
Không dài và ấn tượng như Việt Bắc, nhưng Tiếng ru đơn giản hơn là một lời nhắn ngắn gọn nhưng da diết để nhắc nhở em thơ hãy biết yêu thương anh em, bầu bạn và rộng hơn là Trái đất nơi mình đang sống. Tâm hồn thơ trẻ, suy cho cùng, rất thích hợp để tiếp thu những điều không phức tạp và đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.
Xem thêm 👉 Bài Thơ Tiếng Ru Của Tố Hữu
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Chọn Lọc – Hành Trình Của Bày Ong
Bài thơ Hành trình của bầy ong của Nguyễn Đức Mậu ca ngợi hành trình âm thầm mà ý nghĩa của bầy ong để lưu giữ những mùa hoa tàn phan cho đời. Qua đó ca ngợi quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ để làm nên những tác phẩm để đời.
Bài thơ tập trung miêu tả hành trình vất vả của bầy ong. Mỗi mùa hoa đến bầy ong lại cần mẫn, chăm chỉ đi tìm những mật ngọt cho cuộc đời. Mỗi một giọt mật là kết tinh không chỉ của những mùa hoa mà là của sự chăm chỉ, bền bỉ của những con ong. Hình ảnh con ong chăm chỉ, cần mẫn làm người đọc liên tưởng đến những người nghệ sĩ tài hoa, khéo léo giống như chính bản thân Vũ Đức Mậu kiên trì, cần mẫn, say sưa, sáng tạo để mang đến những giá trị cho cuộc đời.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Tiêu Biểu – Quê Hương
Bài thơ “Quê hương” là dòng cảm xúc dạt dào của Nguyễn Đình Huân về quê hương qua những kỉ niệm thời thơ ấu. Mở đầu bài thơi, tác giả đưa ra liên tiếp những khái niệm về quê hương thật cụ thể và thân thuộc với cái nhìn hồn nhiên của con trẻ. Quê hương là: tiếng ve kêu, lời ru của bà, của mẹ, là dòng sông uốn lượn, tiếng sáo diều bay bổng, cánh cò trắng nổi bật trên triền đê xanh cỏ.
Quê hương là nỗi niềm thấp thỏm chờ mong mẹ đi chợ mua về quà bánh đa sau những buổi chợ phiên. Rồi không gian rộng lớn về quê hương được mở ra sống động với bề rộng là “cánh đồng vàng” mênh mông lúa chín. Hình ảnh “cánh đồng vàng” vừa gợi tả màu của lúa chín vừa là ẩn dụ để chỉ giá trị của đồng đất quê hương “tấc đất tấc vàng”.
Với thể thơ lục bát nhẹ nhàng như lời ru, ngôn từ thuần Việt dung dị, nghệ thuật liệt kê được tác giả dụng thành công xuất sắc nên rất nhiều hình ảnh gợi nhớ về quê hương thân thương biết mấy. Quê hương còn đậm đà tình thân, chứa chan tình mẹ để lúc nào nhân vật trữ tình cũng nhớ da diết khôn nguôi.
Đọc chi tiết hơn bài 👉 Quê Hương Của Nguyễn Đình Huân
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Nổi Tiếng – Cây Dừa
Bài thơ “Cây dừa” của tác giả Trần Đăng Khoa đã miêu tả cây dừa từ ngày tới đêm vô cùng sinh động. Cây dừa cũng như biểu tượng của làng quê nên khi người đọc cảm nhận bài thơ như thấy được tâm hồn con người với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp: dũng cảm, lương thiện, chịu thương, chịu khó và có một tấm lòng yêu nước nồng nàn.
Nó được thể hiện qua một vài câu thơ “Đứng canh trời đất bao la” “Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”. Đồng thời trong bài thơ tác giả đã cho ta thấy được sự quan sát vô cùng nhạy bén, tinh tế đặc biệt là sử dụng mọi giác quan để cảm nhân thiên nhiên cùng với trí tưởng tượng phong phú, độc đáo của mình.
Điều này làm chúng ta khi đọc xong bài thơ như thấy một bức tranh làng quê Việt nam vô cùng sống động và cảm thấy quê hương mình trong tranh với sự thanh bình, giản dị. Như vây, bài thơ giúp em cảm thấy yêu mến quê hương mình hơn và yêu đất nước hơn nữa.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát À Ơi Tay Mẹ Hay Nhất
Bài thơ À ơi tay mẹ của nhà thơ Bình Nguyên thực sự là một khúc ru chứa chan tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Hình ảnh người mẹ được sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, hiện lên qua biểu tượng bàn tay. Chính bàn tay tưởng như nhỏ bé ấy, lại có thể làm tất cả mọi việc.
Từ chắn mưa, chặn bão đến chắt chiu, may vá, bế bồng. Trăm việc ngàn công đều do bàn tay mẹ, ấy thế mà sao mẹ vẫn dịu dàng, vẫn yêu thương, vẫn cho con đủ đầy ấm áp? Có lẽ, đó chính là sức mạnh vĩ đại của tình mẹ.
Trên thế gian này, chẳng có thứ tình cảm nào có thể thiêng liêng hơn cả tình mẹ. Những nỗi niềm cao cả ấy, được nhà thơ Bình Nguyên đưa vào tác phẩm thơ uyển chuyển như một lời hát ru. Đó là lời ca, là lời tâm tình, là lời nguyện đáp của người mẹ dành cho thiên thần bé bỏng của mình. Thật ý nghĩa làm sao những áng thơ dịu dàng ấy!
Đọc thêm bài 👉 À Ơi Tay Mẹ 👉 nổi tiếng
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Về Thăm Mẹ Của Đinh Nam Khương
Khi đọc bài thơ “Về thăm mẹ” của tác giả Đinh Nam Khương, em cảm thấy vô cùng xúc động về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Vào một chiều đông, nhân vật người con trong bài đã có dịp về thăm mẹ sau những tháng ngày xa cách.
Khi trở về, mẹ không có nhà, người con ngồi ngoài hiên ngắm nhìn căn nhà xưa với những hình ảnh gợi nhớ về mẹ. Đó là chum tương đã đậy, áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, đàn gà mới nở, trái na cuối vụ mẹ vẫn để dành. Những hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng khéo léo nhằm thể hiện được sự vất vả, tần tảo và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con của mình.
Điều đó khiến người con cảm thấy nghẹn ngào, thương mẹ nhiều hơn. Hình ảnh người mẹ Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những nét đẹp vốn có khiến cho mỗi người khi đọc đều xúc động nhớ đến người mẹ của mình. Bài thơ nhẹ nhàng mà ẩn chứa những điều sâu lắng.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Hoa Bìm Của Nguyễn Đức Mậu
Trong những áng thơ viết về quê hương, em đặc biệt ấn tượng với bài thơ Hoa Bìm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Khác với những bài thơ hào hùng, tha thiết khác khi viết về quê hương, Hoa Bìm đem lại cho em một cảm giác bình yên đến khó tả.
Đó là sự thoải mái, thích thú đến từ sâu trong tâm hồn, khi được trở về với nguồn cội, trở về với bến đỗ tuổi thơ. Với những hình ảnh giản dị mà thân thuộc, nhà thơ đã tái hiện lại miền quê trong kí ức của mình. Từng chi tiết nhỏ bé đã được ông khắc họa dưới góc nhìn của một đứa trẻ thơ. Đó là thế giới loài vật nhỏ như con chuồn chuồn ớt, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm. Là thế giới vườn cây thân thuộc, với bờ giậu đầy những hoa bìm tim tím, với cây hồng trĩu quả.
Bên cạnh đó, là những không gian quen thuộc ở dòng sông nước đục, những đứa trẻ chơi trò thả thuyền giấy. Hay những trưa hè oi ả, trốn ngủ theo bạn bè ra vườn chơi. Những kỉ niệm, những hình ảnh ấy là từng khung ảnh của miền kí ức.
Mà hiện tại, tác giả dùng những gam màu trong sáng nhất, tinh khôi nhất để vẽ nên. Nhờ vậy, người đọc đã có thể đồng điệu được với nhà thơ, để cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết trong lòng ông. Đồng thời tận hưởng được một miền quê tươi đẹp mà tác phẩm đã khắc họa trong Hoa Bìm.
Bật mí 👉Bài Thơ Hoa Bìm 👉 siêu hay
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Lớp 6 Hay – Gánh Mẹ
“Gánh mẹ” của Trương Minh Nhật là một bài thơ thay vì quá đề cao công lao của mẹ thì đã hướng người đọc vào việc báo đáp công ơn của mẹ. Điệp từ “Cho con gánh” đã lặp lại năm lần trong toàn bộ bài thơ. Lý do có câu nói đó là vì Mẹ đã cả đời gánh con. Không chỉ tần tảo nuôi con khôn lớn, không chỉ là ngọn núi vững chắc cho con dựa vào, không chỉ là những câu hát ru đưa con vào yên bình.
Mẹ đã hy sinh vì con rất nhiều. Mẹ không phải là một danh từ riêng nhưng luôn được viết hoa một cách trang trọng dù đứng đầu câu, giữa câu hay cuối câu. Những câu thơ tuy với từ ngữ đơn giản nhưng đã miêu tả được những công lao to lớn của mẹ.
Cả cuộc đời mẹ chỉ có con là trọng tâm. Mẹ gánh con cả cuộc đời, bất chấp gian nan, sương gió cuộc đời, lặn lội sớm mai. Người xưa thường nói “Một mẹ có thể nuôi được mười con nhưng mười con chưa chắc đã nuôi được một mẹ” quả đúng như vậy. Dù có sống hơn mẹ nửa đời người nhưng con cái chưa chắc đã báo hiếu hết được công lao cho mẹ.
Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát Lớp 6 Chọn Lọc – Việt Nam Quê Hương Ta
Tác giả Nguyễn Đình Thi đã đưa cả đất nước Việt Nam tươi đẹp vào thi phẩm “Việt Nam quê hương ta”. Nhà thơ chỉ chọn những hình ảnh tiêu biểu nhất như cánh cò, đồng lúa, ngọn núi Trường Sơn, mà như tái hiện được cả non sông gấm vóc của tổ quốc.
Từ trong mảnh đất ấy, đã sinh ra những con người hiền lành, chân chất nhưng cũng vô cùng kiên cường, dũng cảm. Họ sinh ra từ làng, nên yêu làng, yêu tổ quốc. Họ sẵn sàng gác lại mọi thứ ở phía sau để chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc.
Đó là Việt Nam trong tâm thức của nhà văn Nguyễn Đình Thi, và cũng là Việt Nam trong triệu triệu trái tim người con của mảnh đất hình chữ S này. Nhịp thơ lục bát ngân vang như câu ca, đã góp phần làm cho tình yêu và niềm tự hào về quê hương trong bài thơ trở nên càng thêm tự nhiên, mạch lạc. Bởi tình yêu nước ấy ai ai cũng có, chỉ là khác nhau ở cách biểu đạt mà thôi.
Cập nhật thêm bài 👉 Việt Nam Quê Hương Ta
Ngữ Văn Lớp 6 Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Ý Nghĩa – Lục Bát Về Cha
Bài thơ “Lục bát về cha” của tác giả Thích Nhuận Hạnh là bao lời dặn dò giản đơn nhưng cũng hết sức sâu sắc và có ý nghĩa . Lời thơ nhẹ nhàng tựa câu hát yêu thương , đi vào trong lòng ta , khiến trào dâng trong tim ta tình yêu thương cha dạt dào tha thiết . Tình cảm của cha không bộc lộ như mẹ, cha lặng thầm tiếp bước con đi , nhưng ta có thể thấy , phụ tử thâm tình cũng đong đầy chẳng kém tình mẫu tử dạt dào cao đẹp .
Vài câu thơ ngắn ngủi nhưng đã khiến ta bùi ngùi , xót thương , kính quý người cha vất vả sớm hôm , và có lẽ , mỗi chúng ta sau khi đọc bài thơ đều muốn báo hiếu cho sự vất vả của người cha già kính quý ấy . Đọc bài thơ “Lục bát về cha” của Thích Nhuận Hạnh , nỗi lo toan của cha hiện lên to lớn biết nhường nào.
Ngữ Văn 6 Chân Trời Sáng Tạo Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát Ngắn – Chuyện Cổ Nước Mình
“Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa người đọc bước vào thế giới của những câu chuyện cổ để thêm phần yêu mến, trân trọng hơn. Theo cách hiểu của em, chuyện cổ là những câu chuyện được lưu truyền từ thời xa xưa. Khi đọc những câu thơ đầu tiên, em cảm nhận được tình yêu của tác giả dành cho “chuyện cổ nước mình”.
Những giá trị nhân văn cao đẹp đã được gửi gắm như tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Điều đó khiến em hiểu ra vì sao “chuyện cổ” lại được trân trọng. Những câu thơ tiếp theo, Lâm Thị Mỹ Dạ sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện cổ.
Em bắt gặp những hình ảnh Thạch Sanh dũng cảm, cô Tấm hiền lành, hay anh chàng đẽo cày giữa đường,… Cuối cùng, nhà thơ khẳng định “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Chuyện cổ nước mình giúp em có thêm bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Em rất yêu thích bài thơ này.
Đọc thêm bài mẫu 👉Trình Bày Suy Nghĩ Về Tình Cảm Của Con Người Với Quê Hương